Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Tác giả: John Dickson Carr
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Lệ Thanh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 378 / 33
Cập nhật: 2020-07-09 16:12:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
rennan đứng lặng im một hồi rồi rút mùi xoa lau trán.
- Anh có nghĩ rằng nhân chứng nhầm lẫn và chúng ta nên tìm cái ngõ bí mật này ở một nơi khác trong phòng?
- Nếu ông thích thì chúng ta phá tất cả những phần lót gỗ, Mark chua chát nói. Nào đại úy, thành thật mà nói, ông có còn không tin ở thế giới tâm linh?
Brennan bước đến và nhìn cánh cửa tủ với vẻ phiền muộn. Ông làu bàu như thể nói cho chính mình. Rồi ông quay lại:
- Phía trên bức tường mà chúng ta vừa phá có một bóng đèn. Đèn này có được thắp sáng khi người khách lạ đi ra khỏi phòng bằng cái ngõ bí mật? Hình như bà Henderson nói với tôi rằng không...
- Đúng thế. Đèn này không được thắp sáng. Trong phòng không có một ánh sáng nào khác ngoại trừ ánh đèn ở phía đầu giường. Chính vì thế mà chúng ta chỉ được mô tả về màu tóc của người khách lạ chứ chẳng biết gì hơn. Bà Henderson có nói...
Stevens chẳng thể hiểu có phải chàng cảm thấy nhẹ nhõm vì không phát hiện được cái ngõ bí mật hay không. Theo chàng nghĩ thì có lẽ là như thế, nhưng trước tiên, chàng cảm thấy vô cùng tức tối.
- Tôi xin có ý kiến, chàng nói, phải chăng tất cả mọi sự kiện của câu chuyện quỉ quái này đều căn cứ theo những lời khai của bà Henderson? Tôi quá chán ngấy với những điều bà Henderson... Bà Henderson là gì chứ? Một tiên tri, người phát ngôn của đấng Tối cao, hay điềm báo dữ? Hiện nay bà ấy đang ở nơi đâu? Chúng tôi không thấy mặt bà ta ở đây, mặc dầu bả đem cái chuyện không thực này thêu dệt với cảnh sát. Đại úy, ông buộc tội vợ Mark, rồi sau đó là nhà tôi. Ông kiểm tra từng chi tiết giờ giấc của họ, mặc dầu Lucy có một chứng cớ vắng mặt hẳn hoi và những nhân chứng vô tư nhất đã quả quyết rằng Marie không thể nào tự tay cắt may hoặc kiếm được một chiếc áo như bà de Brinvilliers. Thế đấy! Vậy mà khi bà Henderson bảo rằng có một cái cửa bí mật, thì ông tin ngay cái chuyện vô lý đó!
Mark lắc đầu:
- Chuyện này không vô lý như ta nghĩ đâu, anh nói, nếu dối trá thì làm sao bà ấy có thể nêu lên những chi tiết quái đản như vậy được? Sao bà ấy không chỉ nói đơn giản rằng trông thấy người khách cho bác tôi uống thuốc? Sao lại phải thêm thắt những chi tiết mà chúng ta nhận thấy là sai lầm và hơn thế nữa, thật vô lý?
- Thì anh bạn cứ việc trả lời đi, bởi vì chính bạn căn cứ vào những chi tiết đó để tin vào lời của bà ta.
Họ lặng im một lúc, rồi Stevens nói tiếp:
- Các ông hỏi tôi tại sao bà Henderson lại thề thốt là đã trông thấy một người đàn bà quá cố đi xuyên qua bức tường gạch chứ gì? Vậy, cho phép tôi được hỏi lại các ông, tại sao lão Henderson cũng sẵn sàng tuyên thệ là đã thấy một người chết vượt qua bức tường bằng đá? Tại sao ông ấy cứ khăng khăng quả quyết rằng không phiến đá nào bị xê dịch kể từ sau buổi lễ mai táng? Trong vụ này, chúng ta thấy rõ hai việc vô lý và chỉ hai sự việc đó thôi: thứ nhất, người đàn bà trong căn phòng này biến đi đâu, thứ hai, chuyện mất cái xác trong quan tài. Và kỳ lạ thay là trong cả hai vụ trên, chỉ có hai nhân chứng tên là Henderson!
Brennan huýt sáo qua kẽ răng, rồi lấy từ trong túi ra gói thuốc lá, ông chuyền tay từng người, và châm lửa hút.
- Nào, Stevens nói tiếp, chúng ta hãy xem xét từng trường hợp và xem vụ này như là một án mạng. Theo như đại úy đây, thì kẻ sát nhân xâm nhập từ bên ngoài. Với tôi thì trái lại, thủ phạm là người trong nhà, bởi vì có một điều mà ít ai lưu ý: Cái lối pha trộn thuốc độc với trứng hòa trong sữa và rượu.
- Tôi bắt đầu hiểu rồi... Brennan thốt lên.
- Đúng thế, phải không ông? Có thể nào một người xâm nhập từ ngoài vào lại biết lấy trứng gà trong tủ lạnh để hòa với rượu cất ở phía dưới hầm nhà? Hay là người đó đã đến đây, mang theo sẵn thứ pha trộn này để đổ vào cái tách bằng bạc của Mark? Nhưng chuyện này xem ra lại càng vô lý hơn: một người lạ mặt thì làm sao khuyến dụ ông Miles Despard uống cái thứ pha trộn đó? Nè Mark, như anh biết đấy, phải khó khăn lắm ông bác mới chịu chấp nhận những thức bồi dưỡng này nọ. Muốn ông chấp thuận thì khi đầu độc, người lạ mặt phải sử dụng sâm banh hoặc rượu mùi, như thế thì ông bác mới vui lòng uống. Vậy, thứ pha trộn này là do một người ở trong nhà làm ra với ý định là: a) nhằm đánh lạc hướng ông bác, b) với hy vọng rằng có thể thuyết phục ông uống. Chuyện này có thể do Lucy, Edith, hay cô y tá hoặc chị bồi phòng. Nhưng Lucy thì khiêu vũ ở St. David. Edith chơi bài tây. Cô Corbett thì đi xem phim và Margaret, đi dạo bằng ô tô. Tất cả đều có chứng cớ vắng mặt hẳn hoi. Thưa đại úy, chỉ còn hai người là ông chưa kiểm chứng lý do vắng mặt và xét hỏi họ thôi. Ông có cần tôi nêu đích danh của họ? Và chuyện trứng gà trộn với rượu, tôi cũng xin lưu ý ông rằng một trong hai người này là bà bếp, và theo như lời Mark nói thì cả hai đều được thừa hưởng một phần tài sản khá lớn do người quá cố để lại. Mark nhún vai:
- Tôi dứt khoát không tin chuyện này! Trước tiên là vì vợ chồng lão Henderson giúp việc cho gia đình chúng tôi từ lâu đời. Sau đó là, nếu họ cố ám hại bác Miles để thừa hưởng gia tài đi chăng nữa thì tại sao họ lại bịa ra cái chuyện hoang đường như thế? Làm vậy có ích gì cho họ? Đối với những người tầm thường như họ mà căn cứ theo lối lập luận của anh thì nguy biết bao?
- Mark, anh hãy cho chúng tôi hỏi một vài điều. Đêm qua, anh có thuật lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện của bà Henderson liên quan đến người khách lạ. Anh không quen nhắc đến những kinh khiếp của bà ta về một vài chi tiết mà theo đó, điều lạ lùng nhất, là cái chuyện cổ của người phụ nữ đó không dính liền với thân...
- Cái gì? Brennan thốt lên.
- Mark, anh hãy suy nghĩ cho kỹ. Phải chăng chính anh gieo ý tưởng đó vào đầu bà Henderson, như chúng ta đề cập trong đêm qua, hay chuyện đó là chuyện của bà ta?
- Tôi không rõ nữa, Mark đột ngột trả lời. Tôi vẫn cố gắng để giải thích chuyện này.
- Nhưng nếu bà Henderson không gợi lên chi tiết đó, phải chăng anh có thể hình dung ra nó?
- Có thể là không... Tôi chẳng biết nữa.
- Dẫu sao, chúng tôi cũng hiểu được một điều. Chúng ta có cả thảy là bốn người để khai quật hầm mộ, vậy trong vụ này ai là kẻ không ngừng nhắc đến những chuyện quái đản? Ai có cảm tưởng là mình đang bị theo dõi? Ai thề thốt là hầm mộ không hề bị đụng chạm trước khi chúng ta bắt tay vào việc? Kẻ nào, nếu không là Joe Henderson?
- Vâng, đúng thế nhưng đây cũng là điều khiến tôi nhức nhối. Có lẽ nào hai người gia bộc trung thành nay bỗng chốc trở thành quỉ sứ?
- Nhưng không, họ không phải là quỉ sứ mà chính anh biến họ thành như thế. Tôi đồng ý họ là những người đáng mến, nhưng cũng có khi những người đáng mến lại là những người đầu tiên nhúng tay vào tội ác. Tôi đồng ý rằng họ trung thành với anh, nhưng không vì thế họ trung thành với ông Miles. Cũng như anh, họ không hề biết ông ấy, bởi vì ông ấy chỉ sống tại Despard Park trong một thời gian khá ngắn. Và sở dĩ họ được thừa hưởng tài sản của ông thì chẳng qua là nhờ ở cha của anh. Còn về cái chuyện quái đản thì nguồn gốc của nó ra sao?
- Nguồn gốc?
Brennan nói xen vào:
- Tôi hiểu ông Stevens muốn nói gì. Khi ông Miles Despard qua đời, chẳng ai nghĩ rằng ông ta bị đầu độc... Ngoại trừ anh, bởi vì anh phát hiện cái tách bạc ở trong tủ. Sau đó, bà Henderson gặp riêng anh và kể lại chuyện hồn ma hiện về, bóng người phụ nữ xuyên tường... Theo tôi nghĩ, bà ấy không hề nói tới chuyện cái cổ đứt lìa hay đại loại như thế, nhưng phần còn lại của câu chuyện thì ăn khớp. Tại sao bà Henderson nói với anh chuyện đó? Bởi vì anh là người tỏ ra thông cảm và chuyện này khiến cho anh phải ém nhẹm vấn đề hơn. Đến độ, khi anh lại càng muốn giữ kín chuyện hơn... Có phải điều đó ăn khớp với chuyện mà vợ chồng Henderson khai với chúng tôi?
- Thế thì mục đích của câu chuyện này là nhằm buộc tôi phải giữ im lặng?
- Có thể là vậy.
- Nhưng nếu vậy, Mark nói, ông hãy giải thích tại sao ngày hôm qua, trước khi hầm mộ bị khai quật, bà Henderson đến gặp ông cảnh sát trưởng để khai báo chính câu chuyện đó?
- Ừ nhỉ! Stevens đồng ý.
- Tôi thì không nghĩ như vậy, Brennan cãi lại. Thưa ông Despard, ông chớ quên cậu em Ogden của ông. Chính anh chàng tinh quái này cũng nghi ngờ một điều gì đó. Nhưng, chúng ta thì chẳng biết phạm vi am tường vụ án của gã đến đâu và nhất là vợ chồng Henderson lường tính đến đâu sự am hiểu của gã. Ngược lại, họ biết rằng Ogden Despard không phải là người chịu ở yên. Chính vì thế, vì bản tánh nôn nóng của phụ nữ, bà Henderson chấp nhận bất trắc và ra tay trước chăng?
Một lần nữa, Brennan quay về phía cái tủ xây sát tường, ông cau mày:
- Điều mà tôi muốn biết là vai trò của chiếc tủ này, bởi vì tôi có linh cảm rằng nó giữ một trò gì đó. Tôi không muốn nói rằng đây là một cái tủ đáng nghi ngờ, nhưng phải chăng anh phát hiện tách thuốc độc ở nơi đây? Tôi muốn biết tại sao kẻ sát nhân lại để cái tách ở trong tủ? Tại sao cái ly đựng sữa vô hại và tách đựng thuốc độc lại được cất chung ở trong cái tủ này chứ? Tại sao lại có cả con mèo vào đây, và hình như là nó uống trong cái tách? (Bàn tay ông mân mê mớ áo quần treo trên giá.) Ông bác quả có rất nhiều quần áo, thưa ông Despard...
- Vâng, tối hôm qua tôi cũng có nói với các bạn của tôi rằng bác Miles bỏ qua phần lớn thời gian của mình để ăn mặc, chỉ vì đó là thú vui duy nhất của ông, thế thôi. Nhưng ông bác không muốn cho chúng tôi biết cái tật đó...
- Đây chưa hẳn là thú vui duy nhất của ông bác đâu, một giọng vừa xuất hiện nói.
Edith Despard bước vào phòng bằng lối cửa hành lang mà chẳng ai hay biết. Khuôn mặt của nàng lộ một vẻ mà họ không thể giải thích và mãi lúc sau, họ mới hiểu được. Ánh mắt của nàng biểu lộ một vẻ quả quyết vững tin mặc dầu đôi mắt hơi đỏ vì mất ngủ. Với một lý do nào đó, Stevens thấy nàng như có vẻ trẻ trung hơn trước. Nàng ôm trong tay hai cuốn sách.
- Chị Edith! Mark kêu lên. Chị không nên vào đây! Chị hứa là nằm nghỉ suốt ngày mà. Lucy bảo rằng đêm qua chị mơ thấy ác mộng và không thể chợp mắt...
- Đúng thế, Edith nói, và quay sang Brennan, lịch thiệp: Thưa ông là đại úy Brennan? khi vừa bước chân ra khỏi phòng, họ nói với tôi về ông. (Nàng mỉm cười duyên dáng). Nhưng tôi tin chắc rằng ông không đuổi tôi ra khỏi nơi này.
- Cô đây là Despard? Brennan nói, không kém phần nhã nhặn. Tôi sợ rằng chúng tôi cần phải... Ông tiếp với một cái hất hàm về phía bức tường bị đập phá.
- Ồ! thì cứ chầm chậm đã. Ở đây, tôi có lời giải đáp cho những vấn đề nan giải của quí vị, Edith nói, gõ ngón tay vào những cuốn sách mang theo. - Tôi vừa được biết là theo ông thì cái tủ này giữ một vai trò trong vụ này. Điều này hoàn toàn đúng, bởi vì đêm qua tôi tìm thấy những cuốn sách này ở trong đó. Tập hai của bộ sách dở dang mở ra ở một chương có lẽ được thường xuyên đọc đi đọc lại. Vì thế tôi nghĩ rằng bác Miles, tuy không phải là người ham mê sách vở, hẳn tìm thấy ở đây điều mà ông quan tâm. Đại úy cho phép tôi đọc ít đoạn nhé? Có thể đại úy thấy nó không hấp dẫn, bởi vì nó thuộc loại ảm đạm và quá ư kinh điển, tuy nhiên tôi nghĩ rằng nó có thể giúp ích cho đại úy. Ted, anh vui lòng khép cửa lại chứ?
- Cuốn sách gì thế? Mark hỏi.
- Lịch sử ma thuật của Grimaud, Edith đáp.
Ngồi xuống chiếc ghế bành đồ sộ đặt gần cửa sổ, Edith bắt đầu với giọng đọc như đọc một bản kê khai quần áo bỏ giặt. Tuy vậy, trước khi tập trung vào cuốn sách, nàng đưa mắt nhìn Stevens và chàng ngạc nhiên khi thấy trong ánh mắt đó có một vẻ tò mò ý nhị. Giọng đọc của Edith không lôi cuốn, nhưng trong trẻo và dễ nghe.
"Niềm tin vào những người không-chết bắt nguồn từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ XVII và tạo được ảnh hưởng tại Pháp. Một nhân vật ở Marre đề cập đến vấn đề này lần đầu tiên vào năm 1737 (Luận về phù phép, chuyện bùa ngải, quỉ ám, ám ảnh và bị trù ém), trong suốt vài năm, nó được bàn cãi rất sôi nổi, kể cả với sự tham gia của những nhà khoa học và sự tranh luận này lại một lần nữa bùng lên vào năm 1861, nhân một vụ án hình sự.
Nói tóm lại, những người không chết là những nhân vật - mà đa số phụ nữ - bị kết án tử hình vì can tội đầu độc và thể xác của họ buộc phải đưa lên giàn hỏa thiêu, dẫu chết hay còn sống. Đây là điểm mà ngành tội phạm học đã gặp gỡ ngành ma thuật.
Từ lâu, trong những khoảng thời gian xa xưa nhất, việc sử dụng thuốc độc được xem là một hành vi phù phép. Bùa yêu hay những loại như thế bị xếp vào loại quỉ thuật và những kẻ giết người bằng thuốc độc thường ngụy trang dưới những chiêu bài này. Chính vì thế mà luật La Mã đã trừng trị những người sử dụng bùa yêu. Vào thời trung cổ, người ta xem đây là thứ Tà Giáo. Vào năm 1615, ở Anh quốc, một vụ án đầu độc thực sự trở thành một phiên tòa chống ma thuật. Khi Anne Turner bị áp giải ra trước Lord Justice Coke vì tội đầu độc Sir Thomas Overburry, người ta trưng bày ngay trước tòa những đồ phù phép của bà ta, những hình nhân bằng chỉ, những đạo bùa, một miếng da người - và khán giả cảm thấy như hơi thở của quỉ sứ đang thổi qua người họ.
Nhưng chỉ tại Pháp, thì trong suốt hậu bán thế kỷ này, những vụ giết người nhằm thỏa mãn mục tiêu ma thuật, mới đạt đến điểm cao của nó. Những mệnh phụ trong triều vua Louis XIV say mê chuyện ma quỉ, đặc biệt là họ thường hy sinh một đứa bé trên thân xác của một phụ nữ trong khi tiến hành những buổi tế lễ đen (Những nghi lễ bí mật này diễn ra trong các căn phòng kín đáo ở Saint Denis, La Voiain) triệu hồn người chết và đồng thời xảy ra những cái chết bí ẩn của những người cha trong gia đình và các ông chồng.
Qua nghi thức xưng tội, các chức sắc của giáo hội Công Giáo đã biết được những sự việc kể trên, ở Paris, tại khu Kho Đạn, gần ngục Bastille, người ta thành lập một tòa án thiêu lừng lẫy, để trấn áp bọn phù thủy bằng nhục hình và lửa. Cái chết bí ẩn của bà de Montespan, sủng phi của vua Louis XIV, vào năm 1672, tạo thêm một nỗ lực mới cho cuộc săn lùng những tên sử dụng thuốc độc. Từ năm 1672 đến 1680, một số các mệnh phụ của Pháp bị đưa ra xử tại tòa án thiêu, trong số này phải kể đến hai cô cháu của hồng y Mazarin, quận chúa de Bouillon và nữ bá tước de Soissons, mẹ của ông hoàng Eugene. Nhưng gay go hơn cả là bản án dành cho bà hầu tước de Brinvillỉers vào năm 1676. Vụ xử này kéo dài trong ba tháng liền.
Những hành vi mờ ám của bà hầu tước de Brinvilliers bị phát hiện sau cái chết đột ngột của người tình bà ta là đại úy Sainta - Croix. Lẫn trong số những vật dụng cá nhân của ông ta, người ta tìm thấy một cái hộp bằng gỗ giá trị có kèm theo một mảnh giấy với lời căn dặn rằng, sau khi ông qua đời, hãy trao cái hộp này cho bà hầu tước de Brinvilliers, ở đường Neuve-Saint-Paul. Hộp chứa đầy thuốc độc, đặc biệt là thuốc phiện, antimoine và những chất gặm mòn được bào chế. Nữ hầu tước de Brinvililers bỏ trốn, nhưng sau đó bị một nhân viên hình sự tên là Deprez phát hiện và tóm cổ. Mặc dầu được luật sư Nivelle khéo léo bào chữa, bà vẫn bị Deprez tố giác qua một tài liệu điên rồ, bệnh hoạn gồm một loạt những vụ khủng khiếp mà bà ta thực sự nhúng tay, cùng một số dự tính mà bà chưa kịp thi hành. Bà bị kết án trảm và thiêu xác.
Đúng theo thủ tục xét hỏi, nhằm có được danh sách những kẻ đồng lõa, bà ta bị hỏi cung bằng nước. Luật pháp lúc bấy giờ có qui định điều này. Nạn nhân được đặt nằm trên một cái bàn, người ta đặt một cái phễu bằng da vào mồm và cứ thế, đổ nước cho đến khi...
Edith ngước mắt lên. Cái ánh sáng lờ mờ sương khói từ khung cửa sổ phủ xuống trên mái tóc và khuôn mặt hằn nét kinh ngạc và tò mò. Không một ai cử động. Stevens nhìn trân trân vào những hoa văn trên tấm thảm. Bây giờ chàng mới nhớ ra cái địa chỉ của ngôi nhà đó ở Paris, ngôi nhà mà tiến sĩ Welden khuyên chàng nên đến tham quan nếu quan tâm đến những án mạng lừng lẫy. Nó nằm trên đường New Saint-Paul, số 16. Bà de Sévigné có chứng kiến cảnh nữ Hầu tước bị giải ra pháp trường. Một đám đông tụ tập trước nhà thờ Đức Bà để được thấy bà Devillers trong chiếc áo ngắn, đi chân đất, tay cầm một cây bạch lạp. Được hành quyết tại chốn này là một vinh dự lớn cho bà. Bà chỉ ở tuổi bốn mươi hai và vẻ tàn phai hiện rõ, tuy vậy bà tỏ ra hối cãi và nhẫn nhục, xứng đáng để cố đạo Piliot phải hài lòng. Dẫu thế nào chăng nữa, bà có vẻ như không tha thứ cho Deprez, và khi bước lên đoạn đầu đài, bà phát biểu một vài điều gì đó, không ai nghe rõ. Xác của nữ hầu tước được hỏa thiêu tại quảng trường Grève. (Vụ án nữ hầu tước de Brinvilliers, 1676. Alexandre Dumas, những án mạng lừng lẫy. Mme de Sévigné, Lettres. Philip Lefroy Barry, mười hai án mạng kinh dị. Lord Binkenhead những phiên tòa lừng lẫy).
Sau đó, nhờ nắm được những lời khai trong vụ án, nhà chức trách phá vỡ một phe nhóm chuyên sử dụng ma thuật đang cấu kết trong triều đình của đức vua. La Chausée, bà quản gia của Sainte - Croix bị xử lăng trì. La Voisin, phù thủy và là bà chúa thuốc độc, bị bắt giữ cùng với đồng bọn, bị thiêu sống vào năm 1680. Bọn sùng bái Sa Tăng bị đánh bật gốc, không còn lấy nắm tro tàn. Đến nỗi sau này, luật sư Nivelle phải thốt lên: Có điều gì đó ở ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy họ chết. Họ không phải là những phụ nữ tầm thường, và bản án của họ không hề được khinh giảm. Ở phía sau những vụ án đó là điều gì? Chúng ta phải ghi nhận rằng, ngay trong thời buổi hiện nay, sự sùng bái quỉ Sa Tăng vẫn còn được duy trì ở Âu châu, như cuộc điều tra của các ông Marcel Nadaud và Maurice Pelletier đề cập đến, và điều này là nguyên nhân của một số vụ giết người bằng thuốc độc.
Nhưng nếu chúng ta có thể hiểu rằng bọn sát nhân, mà phần đông là phụ nữ, thường bị kích thích bởi sự ám ảnh được nhúng tay vào tội ác thì ngược lại rất khó để có thể chấp nhận rằng những nạn nhân của bọn chúng lại bị lôi cuốn bởi lòng ham muốn bị giết. Vậy mà kỳ lạ thay, chúng ta được biết rằng, trong hầu hết những trường hợp, các nạn nhân hầu như không tìm cách để chống cự lại, và chấp nhận sự việc như thể là định mệnh đã an bài, ngay cả khi họ biết chắc rằng người ta đang đầu độc họ. Frau Van Leyden nói ngang nhiên với một trong những nạn nhân của y: Tháng tới sẽ đến lượt quí vị. Jedago thì tuyên bố: Tôi đến đâu thì người ta chết đến đó. Mặc dầu vậy, chẳng ai tố giác bọn chúng. Ma đưa lối, quỉ đưa đường, có thể nói rằng một sự ràng buộc của âm binh liên kết kẻ sát nhân với nạn nhân của hắn, một thứ mê hoặc hầu như bị thôi miên.
Cái lý thuyết này được nêu lên đầu tiên bởi một ông ở vùng Marre, vào năm 1737, nhân một vụ án làm chấn động cả thành phố Paris. Một thiếu nữ mười chín tuổi - Thérèse La Voisin, trùng tên với mụ phù thủy bị thiêu sống vào năm 1680 - bị bắt sau một loạt án mạng. Bố mẹ của Thérèse làm nghề khai thác than củi trong một cánh rừng ở Chantilly. Cô hoàn toàn mù chữ. Cô được sinh ra và lớn lên một cách bình thường và cho đến năm mười sáu tuổi, không có gì khác biệt với bất cứ một đứa trẻ nào, cho đến khi xảy ra một loạt tám vụ chết người rất đáng ngạc nhiên ở vùng lân cận. Có một chi tiết thật lạ lùng, người ta tìm thấy dưới gối hoặc chăn của nạn nhân một sợi thừng, thường được kết bằng tóc hay sợi đay - gồm chín gút.
Như ta biết, chín là con số huyền bí, bội số của ba, một con số mà người ta luôn gặp trong những lễ nghi phù phép. Một sợi thừng thắt chín gút sẽ khiến cho nạn nhân hoàn toàn tuân theo sự sai khiến của người phù thủy.
Khi nhà chức trách mở cuộc truy lùng, họ tìm thấy La Voisin ở trong một cánh rừng rậm, hoàn toàn trần trụi và có một đôi mắt tương tự như mắt của một con sói. Áp giải về Paris và bị tra hỏi, nàng thú nhận tội lỗi sau khi gào thét khi trông thấy ánh lửa. Theo như lời cha mẹ của cô thì, mặc dầu không tới trường ngày nào, cô ta có thể đọc và viết cũng như ăn nói rất lưu loát. Khi bị chất vấn về ý nghĩa của những sợi thừng thắt gút, cô nói:
- Giờ đây, họ thuộc về chúng tôi. Chúng tôi quá ít ỏi nên phải tuyển thêm. Họ không chết thực sự và sẽ sống lại vào lúc này. Nếu không tin tôi, các ông cứ việc cạy quan tài của họ ra và sẽ thấy chúng hoàn toàn trống trơn. Một người trong số họ đã tham dự đại lễ Sabbat vào đêm hôm qua.
Có điều là hình như mọi quan tài đều trống trơn. Một chi tiết khác cũng lạ lùng không kém có liên quan đến chứng cớ vắng mặt mà cha mẹ của thủ phạm suýt nữa nêu lên để bào chữa cho con gái của mình. Chứng cớ này căn cứ trên việc phải đi bộ qua một chặng đường dài hai cây số trong một khoảng thời gian quá ngắn và xâm nhập vào một căn nhà khoá kín cửa. Với chuyện này, La Voisin trả lời:
- Chẳng có gì là khó khăn. Tôi chui vào một bụi rậm, bôi ngải lên khắp người rồi mặc áo vào. Sau đó thì mọi việc đều dễ dàng.
Bị chất vấn về chuyện mặc áo vào, cô trả lời:
- Tôi có nhiều áo, nhưng đây là chiếc áo đẹp nhất. Tôi không mặc nó để đi vào lửa đâu... khi nhắc đến tiếng lửa, nàng như sực tỉnh và nổi cơn tru tréo...
- Đủ rồi! Brennan thốt lên và đưa tay vuốt mặt như để vững tin rằng ông ta vẫn còn ở chốn này. Cô Despard hãy thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi còn phải thi hành nhiệm vụ nữa. Bây giờ chúng ta đang ở vào tháng tư chứ đâu phải là ngày lễ của các linh hồn. Chuyện về các bà phù thủy không thuộc thẩm quyền của tôi. Nếu cô muốn cho tôi tin rằng một mụ đoạt hồn ông Miles Despard rồi sau đó bả bôi ngải lên người và mặc một chiếc áo xưa hàng trăm nắm để có thể đi xuyên qua tường...thì tôi cũng cho cô biết ngay rằng điều mà tôi cần là một chứng cớ vững chắc để có thể trình bày trước tòa!
Edith không tỏ vẻ bối rối:
- Thật thế ư? Vậy thì tôi sẽ trình bày cho ông. Bây giờ mới đến phần quan trọng của câu chuyện. Nhưng, nếu ông thấy không cần thiết, có lẽ tôi cũng chẳng nên đọc cho ông nghe làm gì. Chuyện liên quan đến một phụ nữ tên Marie d’Aubrey bị lên đoạn đầu đài vào năm 1861. Mặc dầu các ông có thể nghĩ rằng đây là những chuyện thuộc thế kỷ XVII hay XVIII thì, theo tôi ý tôi, các ông vẫn không tin rằng chuyện phù phép vẫn còn tồn tại trong cuối thế kỷ vừa qua, có phải thế không?
- Thế thì cô muốn nói là bà ta bị kết án vì tội sử dụng ma thuật?
- Không, bà bị xử trảm vì can tội giết người. Các chi tiết của vụ này chẳng thú vị vì gì thế tôi không kể ra đây. Tôi chỉ đọc ra đây lời mô tả Marie d’Aubrey qua một nhà báo vào thời đó: Vụ án đã làm say mê công chúng, chẳng những vì bà là một phạm nhân đẹp và khá giàu có mà hơn nữa vì thái độ đầy thẹn thùng của bà, thậm chí khi ông biện lý thốt lên những lời lẽ nặng nề, bà ta đỏ mặt như một nữ sinh... Và nhà báo mô tả bà như sau: Bà đội một chiếc mũ màu nâu có màn voan che mặt và mặc áo cùng màu. Bà cầm trong tay một hũ đựng muối bằng bạc và ở cườm tay bên kia, người ta có thể trông thấy một chiếc vòng đeo tay thật lạ lùng với cái khóa vòng là đầu một con mèo ngậm một viên ngọc. Khi các nhân chứng thuật lại mọi chi tiết về buổi tế lễ đen được cử hành dưới mái vòm của biệt thự ở Versailles và về vụ đầu độc Louis Dinard, một số đông thính giả, vì quá xúc động, đã la lớn: Không, không thể! nhưng can phạm chỉ biết cam phận đùa với chiếc vòng đeo tay của mình.
Edith đóng quyển sách lại trong một tiếng động khô khốc:
- Này Ted, nàng nói, anh biết rõ ai là người có một chiếc vòng tay tương tự như thế.
Stevens biết rõ lắm chứ và chàng cũng nhớ là trông thấy chiếc vòng đó trong bức ảnh của Marie de' Aubrey chụp vào năm 1861. Bức ảnh này biến mất khỏi tập bản thảo và chàng vô cùng bối rối đến độ không thể nói năng gì được.
- Đúng, Mark nói, tôi cũng biết điều đó và vô cùng thắc mắc.
- Thưa ông Stevens, Brennan nhanh nhảu xen vào, ở địa vị ông tôi không bối rối như thế bởi vì, điều kỳ lạ là ông Despard nỗ lực binh vực bà nhà cho đến khi ông nghe kể chuyện nhảm nhí này. Nếu như tôi, thì phản ứng của tôi hoàn toàn khác.
- Thế thì đại úy không tin rằng người ta đã dùng ma thuật trong những thời đã qua? Edith hỏi với giọng thách thức.
- Tin chứ, không như mọi người mong đợi Brennan đáp, và tôi có thể nói là bây giờ, ngay tại Hoa Kỳ này, vấn đề phù phép vẫn còn tồn tại. Tôi biết rất rõ về chuyện những sợi dây thừng chín gút này. Người ta gọi chúng là những cái thang của phù thủy.
- Nhưng, Mark thốt lên kinh ngạc, ông muốn nói...
- Bộ anh quên rằng anh đang ở nơi đâu à? Brennan hỏi vặn. Hay là anh không chịu đọc báo? Chúng ta đang ở sát biên địa vùng Pennsylvania Hòa Lan, nơi mà mụ phù thủy địa phương vẫn còn nhào nặn những hình nhân bằng sáp và vứt những phần số cho súc vật. Và dạo gần đây ở nơi này cũng xảy ra một án mạng khá kinh dị mà chúng tôi phải cho điều tra. Hẳn quí vị còn nhớ rằng tôi lưu ý là chị bồi phòng của quí vị là người gốc vùng Pennsylvania Hòa Lan. Đây có thể là một chi tiết khá quan trọng bởi, biết đâu cô ta nhúng tay vào vụ này. Ngay khi nghe nói đến chuyện cái sợi thừng chín gút, tôi nghĩ ngay rằng có người thư ếm ông bác hoặc họ giả vờ làm như thế. Và, khi nghĩ đến giả thuyết của ông Stevens, tôi buộc lòng phải hỏi quí vị: vợ chồng Henderson từ đâu đến?
- Từ Reading, Mark đáp, nếu tôi không lầm thì họ có gốc ở đây. Sau đó, một phần gia đình đến định cư tại Cleveland.
- Reading là một thành phố thanh lịch, Brennan nói, nhưng nó cũng thuộc vùng Pensylvania Hòa Lan.
- Thưa đại úy, thế này thì tôi chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả! Vậy thì đại úy tin chuyện phù phép hay sao?
Brennan khoanh tay và hơi nghiêng đầu, ông ta chăm chú nhìn Mark:
- Này ông Despard, thuở nhỏ tôi ao ước có một khẩu súng lục bằng ngà, ao ước hơn bất cứ một thứ gì trên đời. Trong buổi học giáo lý ngày chủ nhật ở trường, tôi được dạy rằng nếu ta thực lòng ao ước một điều gì đó, ta chỉ việc cầu nguyện rồi sẽ được toại nguyện. Và thế là tôi cầu xin có được cây súng như bất cứ ai cầu xin những điều nghiêm túc nhất. Đến nỗi tôi nhủ thầm rằng nếu quỉ sứ có đòi đổi linh hồn tôi với cây súng đó, tôi sẵn sàng chấp nhận ngay. Mặc dầu vậy, tôi cũng chẳng có cây súng lục.
Chuyện ma thuật thì cũng như thế thôi. Tôi có thể nặn ra những hình nhân y hệt như tất cả những người mà tôi không ưa, nhưng đâu phải vì thế mà họ sẽ chết nếu tôi ghim cây kim vào trong những hình nhân đó. Bởi vậy, khi nghe ông nói rằng bác Miles bị trù ếm và sát hại để gia nhập vào một lũ ma cà rồng, rằng ông bác đội mồ sống dậy và có thể, bất cứ lúc nào xâm nhập vào căn phòng này, thì tôi muốn nói với ông...
Tiếng rắc của cánh cửa mở ra làm mọi người giật mình và khiến Mark buột miệng chửi thề. Ogden Despard, đứng tựa ở khung cửa, mặt méo xệch. Trước cái bộ mặt đó và chẳng vì một lý lẽ rành mạch nào, Stevens bỗng cảm thấy một nỗi kinh hoàng khủng khiếp, vượt hẳn những nỗi kinh hoàng mà chàng đã gặp từ trước đến nay. Ogden đưa tay áo ba đờ xuy lên chùi trán.
- Henderson... gã nói.
- Sao, chuyện gì mà Henderson? Mark hỏi.
- Anh bảo tôi đi kiếm lão Henderson, Ogden nói, và dặn lão mang về đây một ít dụng cụ. Tôi cố hết sức mình, nhưng cũng đừng ngạc nhiên khi không thấy lão ấy đến đây sáng nay. Lão bị lên cơn tim hay một chứng gì đó đại loại như thế. Lão gần như không nói năng gì nổi. Tôi rất mong mọi người ở đây đến gặp lão. Lão nói rằng lão gặp bác Miles.
- Cậu muốn nói, Brennan cắt ngang, rằng lão Henderson nhìn thấy cái xác?
- Không, Ogden tức giận chỉnh, tôi muốn nói là lão cho hay rằng lão đã trông thấy bác Miles.
Căn Phòng Rực Lửa Căn Phòng Rực Lửa - John Dickson Carr Căn Phòng Rực Lửa