Số lần đọc/download: 325 / 34
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Chương 14
S
ilvers phái tôi mang bức tranh vũ nữ đến cho Cooper, tiện thể giúp ông ta treo bức tranh lên tường. Cooper sống trên lầu bốn của một tòa nhà nằm ở Đại lộ Công Viên. Tôi cứ nghĩ là người hầu mở cửa cho tôi, hóa ra lại là chính ông ta. Cooper không mặc áo vét ngoài.
– Anh vào đi, - ông ta nói. - Mong anh cùng tôi cứ thong thả tìm ra chỗ thích hợp nhất để treo nàng vũ nữ này lên. Anh có muốn uống rượu whisky không? Hay tốt hơn cả là uống cà phê?
– Xin cảm ơn, cho tôi uống cà phê.
– Còn tôi thì uống whisky vậy. Đó là cách chọn lựa thông minh nhất vào lúc thời tiết nóng nực như thế này.
Cooper thu lớp giấy phủ ngoài và đặt bức tranh lên bàn.
– Liệu có chuyện lường gạt gì trong việc tôi mua bức tranh này không đây? - Cooper hỏi. - Ông Silvers khẳng định như đinh đóng cột là ông ta đã tặng bà vợ bức tranh này. Trở về nhà mà bà ta không thấy bức tranh này nữa, sẽ có một trận lôi đình xảy ra. Thật là bịa đặt!
– Và chính vì sự bịa đặt đó mà ông mua bức tranh này chứ gì?
– Tất nhiên không phải như vậy rồi. Tôi mua bức tranh chỉ vì tôi muốn có bức tranh này thôi. Anh có đoán được lão Silvers cắt cổ tôi bao nhiêu tiền bức tranh này không?
– Không, tôi không biết.
– Ba mươi nghìn đô la.
Cooper nhìn tôi dò xét. Tôi hiểu ngay là ông ta nói dối, cốt để kiểm tra qua tôi.
– Thế nào? - Ông ta nói. - Một khoản tiền không nhỏ, đúng thế không?
– Đối với tôi thì đấy là cả một gia tài.
– Thế nếu anh mua, anh sẽ trả giá bao nhiêu nào?
Tôi mỉm cười.
– Không trả một xu nào cả.
– Vì sao? - Cooper hỏi rất nhanh.
– Rất giản dị thôi: tôi không có khoản tiền như ông. Trong tình cảnh hoàn toàn rỗng túi của tôi hiện nay thì chỉ ba mươi lăm đô la tôi cũng không mua.
– Thế nếu anh có tiền, anh sẽ trả giá bức tranh này bao nhiêu nào? - Cooper vẫn chưa chịu buông tha.
– Tất cả tài sản của tôi. Nếu ông đánh giá cao những bức tranh của ông thì ông hãy tin là niềm say mê nghệ thuật ấy cũng chính là món tiền hời. Và ông đừng suy nghĩ thiệt hơn làm gì nữa. Tôi cho là ông Silvers sẽ mua lại những bức tranh của ông với giá cao hơn ấy chứ.
– Ông Silvers ấy à? Một gã bịp số một. Để sau đó gã lại bán cho tôi đắt hơn năm mươi phần trăm chứ gì?
Nói được câu này ra Cooper có vẻ yên tâm hơn. Ông ta hỏi tôi:
– Thôi, ta sẽ treo nàng vũ nữ này ở đâu đây?
Chúng tôi bước vào gian trong. Ngay lúc đó có điện thoại gọi ông ta.
– Anh cứ ngắm nghía cho kĩ lưỡng, đừng đi đâu mà vội. Có thể sẽ tìm được chỗ ưng ý nhất đấy.
Theo cô hầu phòng tôi đi vào phòng ngủ rồi lên trên tầng gác thượng, cuối cùng tôi và ông ta quyết định treo ở phòng khách.
Trở về nhà, tôi kể lại mọi chuyện với Silvers.
– Một thằng kẻ cướp! - Silvers kêu lên bai bải. - Cứ mỗi lân tôi cho mang hàng đến, lão ta lại chăng ra một cạm bẫy mới. Thật là lão khách hàng có một không hai. Anh có biết lão ta bắt đầu sự nghiệp công danh như thế nào không. Ban đầu đi nhặt sắt vụn, sau đó thì bán cả toa tàu chở sắt. Trước chiến tranh, đúng thời điểm thích hợp nhất, lão bắt tay vào nghề kinh doanh súng đạn. Khi khả năng này không còn kiếm chác ở Nhật được nữa, lão ta liền liên kết với bọn Mỹ. Có thể nói mỗi bức tranh của Degas mà lão ta có được lão đã đổi bằng mạng sống của hàng trăm, nếu không muốn nói là của hàng nghìn người dân vô tội.
Tôi chưa bao giờ thấy Silvers bực bội, phẫn nộ đến như vậy. Cái giá của những bức tranh Degas của Cooper mà Silvers vừa nói rõ ràng là điều ông ta bịa đặt ra, nhưng những lời nói của ông ta lại như những mũi kim chọc thẳng vào tiềm thức của tôi. Sự bịa đặt và thói đạo đức giả gây ra những ấn tượng mạnh mẽ hơn sự thật.
– Đã như vậy tại sao ông lại kết liên buôn bán với ông Cooper? - Tôi tò mò muốn biết. - Vì với cung cách ấy ông cũng trở thành người cùng hội cùng thuyền với ông ta còn gì?
Silvers mỉm cười, tuy lòng ông còn đang sôi lên giận dữ.
– Tại sao à? Tại vì tôi cần bán hàng cho lão ta! Tôi không thể đứng ngoài công việc làm ăn được. Còn tôi là kẻ liên đới với lão ta sao? Về phương diện nào? Trong chiến tranh à? Đó chỉ là sự vu oan giá họa thôi.
Tôi vận dụng hết nỗ lực để an ủi ông Silvers và làm cho ông ta hiểu rằng tất cả những câu hỏi mà tôi nêu ra chỉ xuất phát từ kiểu suy nghĩ lô gích của tôi mà thôi.
– Tóm lại là tôi không nhúng tay vào việc buôn bán cái chết. - Cuối cùng Silvers đã bình tĩnh trở lại. - Tôi đã moi ở lão ra được món hời năm nghìn đô la vì bức tranh kia. Lí ra cần moi thêm ở lão một nghìn rưỡi đô la nữa.
Ông ta mang tới cho mình một cốc whisky soda.
– Anh có muốn uống không?
– Tôi vừa uống cà phê rồi. Cảm ơn ông. Ông hoàn toàn có thể bù lại phần của mình, - tôi nói, - có lẽ chỉ một lát nữa ông Cooper lại tới thôi. Tôi đã làm cho ông ta hiểu rằng còn một bức tranh khác của Degas hoàn toàn tạo thành một cặp tuyệt vời với bức tranh mà ông ta đã mua và tôi còn nói là, theo như sự hiểu biết của tôi, bức tranh thứ hai xét về mặt nghệ thuật còn giá trị hơn bức ông ta mới mua nhiều.
Silvers nhìn tôi đăm chiêu.
– Anh khá tiến bộ đấy. Chúng ta giao kèo như thế này nhé: nếu trong tháng này Cooper lại xuất hiện để mua bức tranh của Degas, anh sẽ được thưởng một trăm đô la.
Trước khách sạn Plaza tôi bỗng nhìn thấy Natasha. Nàng đang đi ngang qua mảnh đất đang trồng cây để sang phố 59. Lần đầu tiên sau một thời gian dài gián đoạn tôi được nhìn thấy nàng vào ban ngày. Nàng bước đi nhanh nhẹn, đôi tay vung vẩy, người hơi cúi về phía trước. Natasha không nhận ra tôi.
– Natasha! - Tôi cất tiếng gọi khi nàng đi ngang bằng với tôi. - Tối hôm nay em định mượn cái vương miện nào ở cửa hàng Cleef và Arpels đấy?
Natasha ngây người ra giây lát.
– Ôi anh đấy à? - Nàng thốt lên. - Anh mang bức tranh Renoir ở nhà ông Silvers đến El Morocco để đổi lấy đồ nhậu đấy à?
– Anh là người nhút nhát lắm, - tôi thở dài. - Anh chỉ dám nghĩ đến việc mang đến quảng cáo xem họ có mua không, còn em lại xui anh làm việc tày đình. Em đi xa hơn anh đấy…
– Chính vì vậy có lẽ em sẽ sống ít hơn anh. Anh có muốn đi ăn trưa với em không đây?
– Ở đâu?
– Em mời anh mà. - Nàng cười nói.
– Thế thì không tiện rồi. Anh là một kẻ ăn bám già nua. Lại không có duyên nữa…
– Anh thì hoàn toàn không có duyên rồi, nhưng vấn đề không phải là ở chỗ đó. Ta đi thôi và đừng hành hạ mình làm gì. Tất cả bọn em đều ăn cơm trưa ở đấy, trả bằng phiếu. Thanh toán vào cuối tháng. Như vậy anh khỏi phải lo lắng gì về phẩm giá của anh cả. Ngoài ra em muốn giới thiệu anh với một bà mệnh phụ đã có tuổi. Bà ta rất giàu có lại rất thích các tác phẩm nghệ thuật. Em đã kể cho bà ta nghe về anh rồi.
– Nhưng, Natasha, anh có phải là người buôn bán tranh đâu.
– Đương nhiên anh không phải là Silvers. Nhưng nếu anh dắt khách đến cho ông ta, lẽ đương nhiên ông ta phải trả phần trăm tiền hời cho anh.
– Cái gì cơ?
– Phần trăm tiền hời. Điều này đã được thỏa thuận như thế rồi. Chả lẽ anh không biết có tới nửa số người lương thiện sống bằng khoản tiền dắt mối đó sao?
– Quả là anh không biết.
– Thế thì đã đến lúc anh cần biết rồi đấy. Còn bây giờ thì ta đi thôi. Em cảm thấy đói bụng rồi. Hay là anh ngại?
Natasha nhìn tôi thách thức.
– Em rất đẹp, - tôi nói.
– Nói hay lắm!
– Nếu kiếm được tiền dắt mối, anh sẽ mời em ăn trưa có món trứng cá và rượu sâm banh.
– Nói rất hay. D’accord. Bây giờ thì anh không còn hành hạ mình nữa chứ?
D’accord (tiếng Pháp trong nguyên bản): Tốt lắm.
– Hoàn toàn không. Bây giờ anh chỉ còn một nỗi sợ không gian thôi.
– Anh cũng không khác với những người khác lắm đâu, - Natasha nói.
Nhà hàng hầu như đã kín đặc người. Tôi có cảm tưởng tựa như mình vừa bị nhốt vào một cái lồng được trang hoàng hết sức đẹp, trong lồng bươm bướm, quạ đen và vẹt chen chúc bên nhau. Những người hầu bàn lăng xăng chạy qua chạy lại. Giống như ở các nơi khác, tại đây Natasha cũng có rất nhiều người quen.
– Em quen biết có lẽ đến nửa thành phố New York mất?
– Không đâu. Em chỉ quen biết những kẻ ăn không ngồi rồi và những ai liên quan đến chuyện mốt mét thôi. Nghĩa là những người như em. Để anh không tự giày vò mình vì nỗi sợ hãi không gian, ta hãy xem thực đơn mùa hè hôm nay có món gì nào?
– Thực đơn mùa hè, cái tên gọi nghe mới lạ làm sao!
Natasha cất tiếng cười.
– Đó thực ra chỉ là một trong những thức ăn kiêng mà thôi. Tất cả người Mỹ đều ăn một thức ăn kiêng nào đó.
– Sao vậy? Nom mọi người đều khỏe mạnh như thế cơ mà.
– Để họ không mập phì ra. Người Mỹ cố sao để gìn giữ tuổi trẻ và vóc dáng. Mỗi một người đều muốn mình mãi mãi trẻ trung và thân hình được cân đối. Tuổi tác ở đây không được trọng nể đâu. Một ông già bệ vệ nghiêm chỉnh chỉ được sự kính nể ở nước Hy Lạp cổ đại thôi, còn ở Mỹ họ lập tức bị đưa tới nhà an dưỡng dành cho người già ngay. - Natasha hút thuốc và nháy mắt ra hiệu với tôi. - Bây giờ anh và em không nên đả động đến cái chuyện một phần nhân loại đang chết đói đấy nhé! Có lẽ anh đang định nói đến chuyện đó phải không nào?
– Anh không đến nỗi ngốc như em tưởng đâu. Anh hoàn toàn không nghĩ tới điều đó.
– Thế thì được.
– Anh đang nghĩ đến châu Âu. Ở bên đó mọi người không đến nỗi chết đói, nhưng quả là thực phẩm ít hơn ở bên này rất nhiều.
Nàng nhìn tôi qua hàng mi rậm.
– Anh không có cảm giác là anh sẽ có lợi hơn nếu giả như anh bớt nghĩ về châu Âu hơn sao? - Nàng hỏi tôi.
Tôi sửng sốt vì câu nàng vừa hỏi.
– Anh đang cố tập để không nghĩ đến nó nữa.
Natasha cất tiếng cười.
– Kìa bà mệnh phụ giàu có đã tới rồi.
Tôi chờ đợi để được nhìn thấy mẫu người phốp pháp như ông Cooper nhưng đi về phía chúng tôi lại là một người đàn bà duyên dáng với những lọn tóc màu bạch kim và đôi má hồng hào. Cái nhà bà này hiển nhiên là suốt đời sẽ mãi mãi cứ được chăm chút và tinh tươm hệt như chưa từng bao giờ bước chân ra khỏi mấy bức tường nhà trẻ. Bà ta đâu đó đã xấp xỉ bảy mươi, nhưng ta dễ dàng đoán bà chừng chỉ mới năm mươi tuổi.
Bà ta rất yêu thích thành phố Paris và bà sung sướng gặp tôi để trò chuyện về thành phố này. Tôi cố gắng kể cho bà ta nghe cuộc sống của tôi ở thành phố ấy, nhưng kể như thế nào để bà ta cảm nhận ra dường như chưa từng xảy ra chiến tranh với Paris, với nước Pháp. Tôi nhìn Natasha và kể về sông Seine, về hòn đảo St. Louis, về hai bờ sông Grands Augustins, về những đêm mùa hè tại vườn Luxembourg, trên đại lộ Champs-Élysées và trong rừng Boulogne. Tôi nhận ra cặp mắt của Natasha như nóng ấm, tươi tỉnh lên và tôi càng cảm thấy thanh thản, thơ thới để kể về mọi điều.
Thời giờ trôi qua khá nhanh. Bữa trưa đã kết thúc. Bà Whymper đứng lên tạm biệt chúng tôi.
– Anh có thể rẽ qua chỗ tôi vào năm giờ chiều ngày mai được không? Sau đó tôi và anh sẽ đến ông Silvers của anh để tôi xem bộ sưu tập của ông ta.
– Được thôi, thưa bà, - tôi nói và định nói gì đó thêm, nhưng Natasha đã giẫm lên chân tôi ở dưới gầm bàn, tôi liền im lặng.
Khi bà Whymper đi rồi, Natasha phá lên cười.
– Thế nào, mọi chuyện không vô ích chứ? Anh định giải thích với bà ta là ông Silvers chỉ vừa mới khui mấy thùng hàng ra chứ gì? Nhiều người ở đây chỉ chuyên sống bằng những tin tức mới nhất thôi đấy.
– Nói tóm lại, họ là những điệp viên trong công việc buôn bán chứ gì?
– Họ là những người tư vấn, - Natasha cải chính lại, - nghĩa là những con người có uy tín, biết bảo vệ những ông triệu phú nhỏ trước lũ cướp trong nghề buôn tranh. Mai anh đi với bà ta chứ?
– Tất nhiên - tôi đáp.
– Hoan nghênh anh.
– Vì tình yêu em đấy!
– Hoan nghênh anh một lần nữa.
– Nói đúng ra là không có sự cổ vũ của em anh vẫn tới với bà già. Anh là người thực dụng hơn em tưởng nhiều.
– Anh mỗi lúc lại càng trở nên đáng yêu hơn đấy.
– Nghĩa là anh dần dà càng trở nên con người hơn chứ gì?
– Anh chưa là người đâu. Anh còn là bức tượng mới chập chững dò những bước đi đầu tiên thôi.
– Mọi điều xảy tới nhanh đến không ngờ. Bà Whymper này có biết quái gì về anh đâu.
– Anh đã kể về chính cái điều bà ta thích: Paris, mùa hè trong rừng Boulogne, mùa thu trên sông Seine…
– Và không nói một lời nào về các bức tranh cả…
– Chính điều đó làm bà ta đặc biệt thích thú. Anh đã hành động đúng: không nói một lời về chuyện làm ăn.
Chúng tôi thanh thản dạo bước trên phố 54. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và vui vui. Chúng tôi dừng chân bên một cửa hàng bán đồ cổ, ở đây có bán những chuỗi ngọc Ai Cập. Những chuỗi óng ánh xanh ngời màu xanh nước biển. Từ cửa hàng bán đấu giá nhiều người bước ra với những tấm thảm quý. Thật tuyệt vời những cảm giác về cuộc sống hiện diện ngay trước mắt ta. Và còn tuyệt vời hơn khi ta cảm thấy còn lâu lắm đêm mới sập xuống.
– Tối hôm nay cho anh được gặp em nhé? - Tôi hỏi.
Nàng gật đầu.
– Ở tại khách sạn à?
– Vâng.
Chia tay nhau, tôi đi ngược lại. Ánh nắng mặt trời lấp lánh xuyên qua tấm màn bụi. Không gian nồng nặc mùi hơi ga và như đặc quánh trở lại. Tôi đứng trước cửa hàng bán đấu giá, rồi cuối cùng đã bước hẳn vào bên trong cửa hàng. Một nửa gian hàng đã vãn người, bầu không khí ngự trị nơi đây có cái gì đó như cả vật cả người đương thiu thiu ngủ. Công việc rao bán những tấm thảm kết thúc. Bây giờ người ta rao bán những bức tượng thánh. Tôi lại bước ra phố và ngắm nhìn chiếc tủ kính quầy hàng. Giữa những thứ đồ đạc nặng nề của thời kì Phục hưng tôi nhận ra hai bức tượng Trung Quốc bằng đồng, một trong hai bức kia rõ ràng là phiên bản tượng thời nhà Minh, nhưng bức thứ hai hoàn toàn có thể là bức tượng cổ thật.
Rời khỏi cửa hàng bán đấu giá tôi đi theo phố 54 và nhằm tới Đại lộ số Hai. Từ đó tôi đi thẳng đến cửa hàng của hai anh em nhà Lowy. Tôi bỗng nghĩ tới chuyện tôi sẽ mua bức tượng đồng của thật kia và bán lại cho anh em họ. Tôi cho là họ đã không nhận ra bức tượng này giữa những bình thiếc và những thứ đồ đạc kềnh càng kia. Sau đó tôi nghĩ tới Natasha và tôi bỗng nhớ lại buổi tối nàng chở tôi trên chiếc Rolls-Royce tới khách sạn. Hôm đó tôi quá vội vã từ biệt nàng, hoặc nói đúng hơn trên suốt đường đi tôi im lặng: tôi chỉ bận tâm mỗi việc làm sao nhanh chóng thoát khỏi chiếc xe lộng lẫy, sang trọng ấy. Lí do hoàn toàn trẻ con: tôi muốn rẽ vào ngay toilet. Mà việc này ở New York khó khăn hơn ở Paris nhiều. Tôi gắng chịu đựng và kết quả là tôi không đủ thời gian chia tay với nàng cho phải nhẽ nữa. Natasha nhìn theo tôi bực bội, còn chính tôi sau đó cũng tự sỉ vả mình vì tôi đã phá vỡ tất cả mọi điều do cái tính xuẩn ngốc cố hữu của tôi.
Đi đến gần cửa hàng anh em nhà Lowy, tôi trấn tĩnh lại và sắp xếp mọi ý nghĩ về cái việc tôi dự định tự nhúng tay vào công việc buôn bán. Sau đó tôi bước qua ngưỡng cửa.
– Công việc ra sao, anh Lowy? - Lấy giọng có vẻ suồng sã, tôi hỏi con người lãng mạn đang đứng trong quầy hàng.
– Tạm được thôi… Anh tôi hiện không có nhà. Anh ta ra tiệm ăn quen rồi, - Lowy-em đáp, - tôi thì bao giờ cũng thích hợp với món ăn Mỹ.
– Tôi mới tìm ra một bức tượng đồng, - tôi nói. - Nó được bán ở cửa hàng đấu giá với giá khá hời.
Lowy-em phẩy tay.
– Anh hãy nói điều này với anh tôi. Tôi chẳng còn hứng thú gì với công việc kinh doanh đâu. Bây giờ tôi chỉ nghĩ đến những chuyện liên quan tới cuộc sống và cái chết thôi. - Lowy-em đột ngột quay về phía tôi, hỏi, - Xin anh nói thực xem tôi đã nên cưới vợ chưa?
Một câu hỏi khá hiểm, trả lời như thế nào tôi cũng sẽ là người ở thế bất lợi.
– Theo quan điểm tướng số anh cầm tinh con gì? - Tôi đáp lại câu hỏi bằng một câu hỏi khác.
– Anh nói gì cơ?
– Anh sinh năm nào?
– Điều này thì có liên can gì tới việc tôi muốn hỏi ý kiến anh? Tôi sinh tháng 7 năm 1912.
– Đúng như tôi đoán. Anh cầm tinh con cua. Bản chất của anh là nhẹ dạ, say đắm trong đường tình, có thiên tư về nghệ thuật.
– Thế thì đã lấy vợ được chưa?
– Với tuổi anh thì khó đấy. Con cua bám riết anh lắm cho tới khi nào người ta còn chưa vặt càng của nó đi.
– Ôi một hình ảnh thật đáng sợ.
– Hình ảnh chỉ có tính chất biểu trưng thôi.
– Chỉ thế thôi sao? Xin anh đừng đùa giỡn nữa. Anh nói thật xem tôi đã nên lấy vợ chưa?
– Nếu ở nước Ý sùng đạo tôi sẽ trả lời anh là chưa. Còn ở đây mọi việc đơn giản hơn: trai gái, chồng vợ muốn bỏ nhau lúc nào mà chẳng được.
– Ai hỏi anh về chuyện ly hôn đâu. Tôi hỏi anh về chuyện lấy vợ cơ mà.
May sao tôi chưa phải trả lời thì Lowy-anh đã bước vào cửa hàng.
– Cái giống ăn bám kia sống ra sao? - Lowy-anh vui vẻ cất tiếng hỏi.
– Ông Silvers ấy à? Ông ta vừa mới tự nguyện tăng tiền công cho tôi.
– Lão ta có thể làm điều ấy. Bao nhiêu? Bao nhiêu đô la một tháng?
– Một trăm đô la.
– Bao nhiêu?
Cả hai anh em Lowy nhìn tôi chòng chọc.
– Lão ấy phải trả anh hai trăm đô la mới đúng, - Lowy-anh nói.
– Ông ta cũng muốn như vậy, - tôi nói, - nhưng tôi từ chối. Tôi cho rằng hiện tại tôi chưa xứng với khoản tiền đó. Có thể sang năm, lúc ấy là chuyện khác.
– Không thể nói chuyện một cách thông minh nhất với anh được, - Lowy-anh lầu bầu.
– Ngược lại thì có, - tôi nói. - Đặc biệt nếu ở đây ta bàn tới những bức tượng đồng. - Tôi nói cho anh ta nghe về phát hiện mới đây của tôi. - Tôi có thể mua bức tượng kia cho anh. Có lẽ người ta vẫn nghĩ rằng đấy là của rởm.
– Nhưng nếu là rởm thực thì sao?
– Thì có nghĩa là chúng ta bị sai lầm. Hoặc nếu anh muốn tôi phải bảo lãnh cho sự thua thiệt?
– Mà sao lại không cơ chứ? - Lowy-anh nhếch miệng cười. - Lương của anh cao mà!
– Bản thân tôi có thể mua những bức tượng ấy. Điều này đơn giản hơn, - tôi nói đầy thất vọng.
Tôi dự định sẽ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với anh ta vì lời khuyên trên. Nhưng giống như mọi lần dự định kia hóa ra là một sai lầm.
– Món xúp đậu lăng có ngon không ngài Lowy? - Tôi hỏi.
– Xúp đậu lăng? Do đâu mà anh biết được tôi ăn xúp đậu lăng?
Tôi chỉ vào cái ve áo khoác ngoài của anh ta, ở đó có một hạt đậu lăng bẹp nát dính vào.
– Một món ăn quá nặng đối với thời tiết nắng nóng như năm nay đấy anh Lowy ạ. Anh định liều mạng với chứng huyết áp sao?
– Anh quá tinh mắt đấy, anh Ross ạ! - Lowy-anh nhận xét với nụ cười nhăn nhó. - Thì cũng phải tập làm quen với sự đùa cợt phải không. Họ treo giá bức tượng đồng kia bao nhiêu cơ?
– Để tôi tới xem lại đã.
– Được thôi. Tôi không muốn làm việc ấy. Ở đó họ biết mặt tôi. Anh sẽ báo cho tôi biết nhé.
– Tất nhiên rồi.
Bước đi chưa được chừng mười bước tôi bỗng cảm thấy ân hận.