Nguyên tác: The Godfather’S Returns
Số lần đọc/download: 3191 / 132
Cập nhật: 2016-05-03 19:52:17 +0700
Chương 14
1956 -1957
Mùa xuân năm ấy, sau nhiều tháng thương lượng, cuối cùng Ủy ban cũng đồng ý gặp nhau. Mục đầu tiên trong chương trình nghị sự sẽ là kết nạp Louie Russo ở Chicago làm thành viên thứ tám. Tiếp theo sẽ là việc long trọng chấp thuận điều ước hòa bình. Những người đứng đầu của cả hai mươi bốn gia đình đều được mời. Lần này mọi bên đều thể hiện thiện chí muốn bảo đảm một nền hòa bình lâu dài.
Michael Corleone bay đến New York trên chuyến bay đêm, chỉ có ba vệ sĩ tháp tùng. Hagen, một ứng viên đã công bố vào Thượng viện Hoa kỳ, nên không thể dính líu tới chuyện này. Bởi vì mỗi hạng mục quan trọng của chương trình nghị sự đều đã được quyết định, nên hôm nay, cái mà Michael cần bên cạnh mình không phải là một chiến lược gia xuất sắc nhưng là cần một nhân vật mà chỉ sự hiện diện không thôi cũng gợi ra cảm tưởng về tính ổn định và sự tôn trọng đối với truyền thống. Clemenza là mẫu consigliere hoàn hảo cho một cơ hội như thế.
Michael không hề có ý định chọn một consigliere thường trực. Vị trí này đòi hỏi một tập hợp linh hoạt những kỹ năng trái ngược nhau. Một kẻ đa mưu túc trí nhưng lại phải rất trung thành. Một thuyết khách sắc sảo hùng biện cỡ Machiavel nhưng không lừa đảo, không láu cá vặt. Một mẫu người đặc biệt loại” đại gian đại tín, đại nịnh đại trung.”
Một con người có khả năng xoay chuyển tình thế, biến nguy thành an hoặc biến trị thành loạn đều được cả nhưng không mang tham vọng cho riêng mình. Thuở trước đã lên kế hoạch là Vito là người cuối cùng nắm giữ chức vụ đầy quyền lực này. Một Tổng Giám đốc có một Hội đồng Giám đốc và cả một tiểu đoàn luật sư. Chủ tịch Hội đồng Quản trị có một bộ tham mưu, một văn phòng thường trực, và những thẩm phán mà chỗ ngồi của họ ở pháp đình là nhờ ông ta, và việc kiểm soát đội quân mạnh nhất thế giới. Tổ chức Corleone sẽ phát triển công khai hợp pháp và theo những tuyến như thế.
Clemenza đích thân đón họ ở sân bay. Chính việc nhìn thấy ông béo cũng đem lại cảm giác an toàn. Ông đã bỏ việc nhai que tăm và trở lại với xì -gà. Tất cả những gì thay đổi nơi người ông kể từ khi Michael còn là cậu thiếu niên đó là hiện nay ông đi lại phải chống gậy.
Họ lái vào Manhattan, dừng xe trước một tiệm bánh trên phố Mulberry để mua một hộp bánh nướng, rồi đến một căn hộ trên đường chín mươi ba, phía Tây nơi nhà Corleones đang giữ một con tin của dòng họ Bocchicchio, một thiếu niên mặt còn non choẹt đến từ Sicily ngày hôm qua. Cậu ta đang chơi dominos với Frankie Pants, Little Joe Bono, và Richie Nobilio Hai tay Hai súng - thủ hạ của Clemenza. Cậu bé không thể quá mười lăm tuổi. Cả bọn đứng lên. Michael và Pete ôm hôn lần lượt từng đứa. Bằng tiếng Anh ngập ngừng, cậu bé, có tên là Carmine Mario, thưa gửi với Michael là “Don Corleone” và cám ơn Ông Trùm đã cho cậu có được cơ hội đến nước Mỹ. Cửa sổ duy nhất của căn hộ được sơn đen hình như là bằng hắc ín. Michael đáp lại lời cám ơn của cậu: “Prego, fa niente” (Ồ, không đáng gì đâu).
“Ông không mang theo cà-phê à?” Richie hai súng hỏi khi mở hộp bánh.
“Hãy pha cà-phê đi, thằng lười biếng,” Clemenza nói. “Tiệm bánh ngon thì khó tìm chứ cà-phê ở đâu mà chả có.”
Clemenza nháy mắt, xoa nhanh vai Frankie, lấy bánh nướng ra, và, giống như một hướng dẫn viên du lịch, giải thích những điểm đặc biệt của loại bánh nướng này.
Các cuộc thương nghị hòa bình bắt đầu lúc hai giờ chiều. Giờ đây, mỗi Gia đình đến bàn hiệp thương đều nắm giữ một con tin dòng họ Bocchicchios. Các con tin tự nguyện đi theo. Đây là cách kiếm tiền của họ Bocchichios. Nếu, chẳng hạn, có chuyện gì xảy ra cho Michael hay Clemenza, thì thủ hạ của họ sẽ giết cậu bé này. Không một người nào trong dòng họ Bocchichios ngồi yên cho đến khi việc giết hại cậu bé được trả thù - không phải trả thù kẻ đã trực tiếp giết cậu bé mà là trả thù những ai đã làm hại những người thân của sát thủ. Dòng họ Bocchicchios là thị tộc nuôi chí trả thù với đầu óc đơn giản nhất mà Sicily từng sản sinh ra, hoàn toàn không nao núng bởi tù tội hay cái chết. Không có gì phòng vệ chống lại họ được. Bảo đảm của Bocchichio còn tốt hơn là cả hàng trăm vệ sĩ. Những người đi đến bàn thương nghị sẽ làm thế với các consiglieres của họ thôi.
Quay trở lại trong xe, Michael hỏi Clemenza ông nghĩ chú nhóc Bocchichio mặt búng ra sữa kia bao nhiêu tuổi.
“Carmine ấy à?” Ông béo ngẫm nghĩ chuyện này một hồi lâu. “Ta chẳng rành ba chuyện này lắm đâu. Bỗng dưng trước mắt ta, mọi người đều là con nít cả.”
“Thằng bé trông chừng như chỉ độ mười lăm.”
“Ta nghe dòng Bocchicchios này cũng không còn nhiều nhân khẩu lắm đâu,” Clemenza nói. “Đàng khác, vào tuổi của ta, đôi khi cháu dường như cũng chỉ mới mười lăm. Không phải là bất kính hay gì đâu -”
“Dĩ nhiên.” Mười lăm. Khi Michael mười lăm, chàng ta đã đứng lên ở bàn ăn, nhìn vào mắt bố mình, và nói rằng mình thà chết hơn là lớn lên để thành một người như ông. Những gì xảy ra sau đó vẫn còn làm cho Michael rùng mình nhiều năm sau đó. Nếu không có cái thời khắc tự phụ trẻ con đó, Michael tự hỏi, liệu bản thân anh có đi vào công việc này không? “Tôi sẽ không nghĩ,” Michael nói,” rằng một cậu bé trẻ như thế lại có thể được phép bay đến đây một mình.”
“Tôi cũng không biết rõ lắm về chuyện đó,” Clemenza nói, “nhưng mà thằng nhóc không bay đến đây. Nó đến trên một con tàu, cùng với phần lớn những con tin khác. Trong khoang hạng bét. Tôi nghi là đám Bocchichios có trả tiền cho chúng không. Phần lớn là chúng gửi đến những bà con xa lơ xa lắc chỉ cần được đến Mỹ sống là mãn nguyện rồi. Chúng ta trả khoản tiền chuộc vua chúa cho chuyện này, anh biết đó, nhưng rồi họ phân phối của cải như thế nào. Mà thôi đó là chuyện của họ, chúng ta cũng chẳng cần phải bận tâm làm gì.
Clemenza lắc cái đầu bự, buồn bã. Họ vượt qua cầu Tappan Zee, hướng về phía bắc.
“Này, chú nói tôi nghe xem,” Michael nói sau một hồi lâu im lặng. “Những lời đồn mà chú nghe được về Fredo là gì?”
“Những lời đồn gì?”Pete lửng lơ.
Michael nhìn trừng trừng vào con đường phía trước.
“Chú nói đây,” Pete nói. “Bia rượu quá nhiều, còn những chuyện khác đến từ những nguồn xấu, không đáng tin.”
Michael hít vào một hơi sâu. “Chú có nghe rằng anh ấy là dân đồng tính?” “Cháu nói gì lạ vậy? Cháu nghĩ đó là điều chú nghe sao?”
“Anh chàng bị anh ấy đập một trận dữ dội ở San Francisco là một người đồng tính.”
“Nói vậy hóa ra ai đánh đập một người đồng tính thì cũng là đồng tính cả sao? Nếu là như thế thì ngoài đường nhan nhãn người đồng tính ra đấy.”
Theo lời Fredo thì anh đã ra ngoài tản bộ một lát cho đầu óc thanh thản sau tang lễ Molinari và tạt vào quán uống vài ly. Một anh chàng từ quán bar đi theo anh đến khách sạn và sau đó lẻn vào phòng anh để trộm. Fredo dần cho hắn ta một trận hơi nặng tay và chẳng may trúng chỗ nhược nên hắn... ngoẽo! Chuyện này nghe ra hơi tức cười đấy - tại sao, chẳng hạn, tên trộm kia không trổ ngón với Fredo ngay trên đường phố khi lúc ấy anh cũng khá say xỉn rồi mà phải đợi kiếm chìa khóa rồi lẻn vào phòng Fredo? Vả chăng là, cha mẹ chú bé kia mới vừa mất gần đây và có để lại cho chú khoảng ba mươi ngàn đô - chưa phải là gia tài nhưng cũng không túng quẫn đến nỗi phải liều mình đi ăn trộm để rồi toi mạng một cách tức tưởi? Hagen - hành động trong tư cách một luật sư - đã thu xếp để giữ cho vấn đề ngoài tầm với của báo chí và để mắt sao cho vụ việc không bị ghi vào hồ sơ lưu, nhưng anh ta đã trở về từ San Francisco với nhiều “iêu tư” canh cánh bên lòng!
“Chú có đoan chắc là chú chưa bao giờ nghe chuyện đó?” Michael hỏi.
“Ta chưa bao giờ nói rằng ta chưa bao giờ nghe chuyện đó. Ta chỉ nói là chuyện đó đến từ những nguồn không đáng tin cậy. Nếu như ta đã bắt đầu tin mọi thứ ta nghe được từ những nguồn không đáng tin cậy, ta đã không bao giờ -” ông nói. “Ôi lạy Chúa! Mike à. Đây là anh ruột của cháu. Có thể anh ấy đã làm những điều ngu ngốc và đã lỡ tay đánh chết một tên đồng tính, nhưng ta không thể tin là cháu lại nghĩ rằng anh ấy cũng là một tên đồng tính. Đây là Fredo mà chúng ta đang nói về phải không? Tóc quăn, dáng dong dỏng cao, khỏe mạnh? Tiêu tiền cho chuyện mua nữ trang tặng các em và cho các em phá thai khi dính bầu, lấy một ngôi sao điện ảnh danh tiếng - có phải đó là người mà ta nói đến? Chú kể cháu nghe câu chuyện từ một nguồn đáng tin cậy. Anh chàng bác sĩ mà các anh có đấy? Tên gì nhỉ?... Phải rồi, bác sĩ Segal. Anh ta bảo tôi rằng ngay cả sau khi kết hôn với Deanna Dunn, Fredo vẫn
còn tằng tịu với một em vũ công người Pháp, hình như tên là Marguerite hay Rita gì đó. Cháu xem, đấy có thể là hành vi của một kẻ đồng tính hay không?”
Michael vẫn thản nhiên, như không hề bị thuyết phục tí nào.
Anh đã cho Fredo cơ hội để chứng tỏ mình, và chuyện gì đã xảy ra? Bia rượu nhiều hơn. Gái gú nhiều hơn. Michael không chắc Fredo muốn chứng tỏ điều gì khi chạy theo và kết hôn với con đĩ Hollywood nọ (nguyên văn: that Hollywood puttana). Mặc dầu nếu có điều gì làm cho người đàn ông đậm tính đàn ông hơn, thì đó hẳn là hôn nhân. Vả chăng, cũng có một giá trị hình ảnh công chúng nào đấy khi một người trong gia đình Corleone kết hôn với một minh tinh điện ảnh tiếng tăm đã hai lần đoạt giải Oscar, cho dầu giờ đây những năm trên đỉnh cao màn bạc của nàng đã qua rồi. Vậy nên anh phải tính điểm cho Fredo chuyện đó.
“Cháu muốn biết điều này không?”Pete nói. “Ta muốn kể cháu nghe chuyện này dầu cháu thích hay không. Chính cháu là người mà bố cháu lo nghĩ về chuyện đó. Trong một thời gian.”
Michael nghiêng người qua và vặn radio lên. Clemenza chẳng kể cho anh nghe chuyện gì mà Michael không từng nghe trực tiếp từ bố mình. Qua nhiều dặm đường, cả Michael lẫn Clemenza không ai nói lời nào.
“Bocchicchios,” Clemenza cuối cùng lên tiếng.
“Cái gì?”Michael hơi giật mình hỏi. Họ đã im lặng khá lâu đủ cho Michael nghĩ lan man qua hàng tá đề tài khác. “Có chuyện gì về chúng?”
“Chúng làm một cái nghề cũng quái thật. Làm thế nào mà một người -nhất là những đứa trẻ ngốc nghếch, tiêu biểu như thằng nhóc Bocchichio theo anh - có đời nào lại nghĩ ra một dịch vụ quái gỡ như thế?”
“Nếu điều gì đó là thuộc về số mệnh của mình, có lẽ ta không cần phải suy nghĩ gì,” Michael nói. “Ta chỉ cần lắng nghe”
“Lắng nghe như thế nào, theo ý anh?”
“Nếu có bất kỳ ai cháu biết mà từng phát hiện ra số mệnh mình, thì người đó là chú đấy, chú Pete à.”
Clemenza nhíu mày, động não như vũ bão để “điều nghiên” cho tường tận cái câu nói có phần bí hiểm này. Thế rồi khuôn mặt ông nở bung ra thành một cái cười nhăn nhở. “Hà!” ông nói. “Ta nghĩ mình đã nghe ra ơn kêu gọi của số mệnh!” Ông nhướng đôi lông mày biểu lộ sự ngạc nhiên chế nhạo và cong bàn tay quanh vành tai trái như cố căng tai để lắng nghe tiếng động nào đó đến từ trong rừng. “Pete” ông tự gọi tên bằng một tiếng thì thầm rất “sân khấu kịch trường”: Giờ lịch sử đã điểm rồi đấy!
Nick Geraci nhớ lại vụ rơi máy bay và mọi chuyện cho đến điểm anh bị sốc và trồi lên trên mặt nước.
Có lẽ giờ đây đã có cách để khám phá ra những ngón tay của ai mà anh đã bẻ gãy để gỡ mình ra, nhưng anh hy vọng mình sẽ chẳng bao giờ biết được.
Anh đã bất tỉnh trong toàn bộ thời gian nhập viện và nhiều ngày sau đó. Khi cuối cùng tỉnh lại, anh thấy mình trong một căn phòng màu vàng chanh nhỏ xíu đến nỗi chiếc giường đôi anh nằm hầu như đã choán gần hết không gian căn phòng. Chân anh được băng bó và nối với một cái ròng rọc gắn vào một thanh ngang trên trần. Ánh sáng tràn vào từ hai cửa lớn kiểu Pháp dường như mở ra một ban -công. Nơi đây không phải là bệnh viện, nhưng anh được kết nối với mọi trang thiết bị bệnh viện. Anh nhìn trừng trừng lên trần nhà, cố tái cơ cấu lại các biến cố đã đưa anh đến đây. Dầu đây là đâu.
Nhiều, rất nhiều bác sĩ ở đây là người Do thái, nhưng khi người đầu tiên mà Geraci thấy sau khi anh tỉnh lại trong căn phòng đó là một ông già rõ là trông có vẻ dân Do thái với một cái ống nghe đeo nơi cỗ, thì Geraci nhận định rằng - và cũng lạ thay, là ngẫu nhiên mà lại đúng - rằng dầu anh đang ở đâu thì cũng là bởi công ơn của nghĩa phụ anh, Vincent Forlenza, người Do thái.
“Anh ta tỉnh lại rồi, thần thánh ôi,” vị bác sĩ gọi lại, qua vai anh. Từ phòng kế bên vọng lại âm thanh của những chiếc ghế được kéo ra sau từ một cái bàn và ai đó đang quay số điện thoại.
“Ông là ai?” Geraci lẩm bẩm. “Tôi đang ở đâu đây?”
“Ta chẳng là ai cả,” ông bác sĩ nói. “Ta cũng không ở đây, và, nếu như ta có thể phiêu lưu một lời đoán, thì anh cũng chẳng phải ở đây.”
“Tôi đã ở đây bao lâu rồi?”
Bác sĩ thở dài và thực hiện một loạt khám nhanh và xem xét các vết thương của anh. Geraci, đọc giữa hai hàng chữ, đoán là (một lần nữa, lại đúng) anh đã ở trong phòng này chưa đến một tuần. Cái gây cho anh đau đớn nhiều nhất là mấy chiếc xương sườn, nhưng anh từng bị gãy xương sườn nhiều lần đủ để biết rằng đó chỉ là... chuyện nhỏ! Cũng thế với cái mũi. Đã là võ sĩ quyền Anh, dám lên đài chịu đấm ăn... đô la thì chuyện bị dập mũi, bầm mắt, gãy ba sườn, thậm chí vỡ sọ, âu cũng là chuyện thường. Bác sĩ gỡ chân anh khỏi thiết bị kéo giãn. “Về lâu về dài điều duy nhất mà tôi e ngại,” bác sĩ nói, “là chuyện chấn thương sọ não. Không phải lần đầu, với anh, đúng không?”
“Tôi từng là dân đấm bốc chuyên nghiệp mà,” Geraci nói.
“Như vậy anh đã,” bác sĩ nói. “Và, nếu anh vui lòng tha lỗi cho tôi vì đã nói như thế, không làm tốt lắm.”
“Ông đã thấy tôi thượng đài?”
“Tôi chưa hề thấy anh trước đây trong đời tôi,” bác sĩ nói. “Dầu anh là ai thì anh đã lãnh một cú chấn thương sọ não sau cùng mà anh có thể lãnh mà không trở thành một kẻ thiểu năng trí tuệ ở mức độ đáng tội nghiệp nhất.”
“Như vậy là ông nói rằng hiện nay tôi không phải là kẻ thiểu năng trí tuệ đáng tội nghiệp? Một cái tin tuyệt vời! Hoan hô Bác sĩ!”
“Tôi chẳng nói điều gì quan trọng,” bác sĩ bảo. “Tuy nhiên tôi dám tuyên bố là khả năng chữa lành của anh chạm đến biên giới của cái phi thường.”
“Đó là nhờ cái gien của gia đình,” Geraci nói. “Bố tôi đã được nhận nghi lễ lâm tử sau khi bị tai nạn lúc lái thuyền cao tốc, ấy thế mà một tháng sau ông lại đi chơi bowling và suýt ghi điểm 300.”
“Đó là chưa kể lần ông bị bắn vào bụng vào ngày thứ năm vậy mà đến ngày thứ hai đầu tuần ông lại ngồi vào buồng lái, nắm vô -lăng xe tải như thường lệ. Thưa bác sĩ, ông có biết những trường hợp như thế không?
“Tôi chẳng biết về bất kỳ chuyện gì.” Bác sĩ nhún vai tỏ vẻ nhân nhượng. “Đừng lo ngại gì.” Ông dùng đầu bút gõ nhẹ vào cánh tay Geraci. “Tôi chỉ biết về y khoa thôi.”
Ông bảo Geraci đừng động đậy nhiều và đi ra.
Geraci ngửi được mùi bánh rán. Của hiệu Presti. Lại một phỏng đoán buồn cười khác. Ai có thể phân biệt mùi hương của tiệm bánh này khác với tiệm bánh kia thế nào? Ngay cả nếu anh ở đâu đó tại Cleveland, thì nơi chốn cuối cùng mà anh chờ đợi mình sẽ có mặt có lẽ là khu Little Italy. Hiển nhiên là thế. Nhưng mấy phút sau, Geraci nghe âm thanh của một người bước nặng nhọc lên bậc cầu thang. Cửa mở ra và Laughing Sal Narducci khập khiễng đi vào, tay giang ra, nắm lấy một túi lớn từ tiệm bánh... Presti! Anh chàng Geraci này quả là có cái mũi cực nhạy của loài chó săn thiện nghệ! “Cậu có thích hương vị quê nhà?” Narducci hỏi. “Nào, dùng tự nhiên đi.”
Nick Geraci làm theo.
Mấy người ở phòng kia kéo một chiếc ghế đến sau Laughing Sal và ông ta ngồi xuống. Ông giải thích mọi chuyện. Geraci đã được đem đến một căn hộ ở tầng ba trong khu Little Italy ở Cleveland, chỉ cách căn nhà chật hẹp nơi Geraci từng lớn lên có mấy dãy nhà. Không ai ngoài những người thân tín nhất của Don Forlenza biết Geraci ở đây. Ý tưởng hoàn toàn là của Don Forlanza, một quyết định đột xuất mà ông thực hiện vì ngại rằng ngay cả nếu như vụ rơi máy bay không phải là lỗi của ai đi nữa thì hoạc là tổ chức của ông, hoặc nghĩa tử của ông cũng có thể bị người ta nghi ngờ, trách móc. “Ta không đi thêu dệt với chú mày đâu,” Narducci bảo chàng, “nhưng nhiều người trong truyền thống chúng ta, nếu có một người bạn của họ bị đột quị tim mạch, thế là họ bắt đầu lên kế hoạch trả thù... Ông Trời!”
“Chú cứ nói thế, chú Sal. Chú biết Don Falcone đã phải ê mặt như thế nào trong cuộc chiến đấu đó.”
“Lão ta như thế nào à?” Narducci cười khà khà. “Đúng thế! Một quả đích đáng cho lão ngã lăn quay, bởi anh, một người đang ngồi, trong khi lão đang hùng hổ lao đến ta. Ấy thế mà rồi lão lại muối mặt cười cầu hòa. Kể ra cái đức chịu nhục của lão này cũng vào hàng thượng thặng đấy! Đáng tiếc là ông
Trời lại bắt lão ta vắn số...”
Xin phục vụ ngài, Geraci nghĩ. “Ồ không, tôi muốn nói đến trận đấu quyền Anh kìa. Lão ta nằn nì tôi
cứ bay dầu thời tiết xấu, vì cú cá độ ấy -”
“Tay đấm mà lão bắt đã thắng trận đó, cậu có biết chuyện ấy không? Trong khi địch thủ của lão cá năm ăn một. Phải chi lão không chết vì tai nạn bữa đó thì ngày đó đã là ngày hên cho lão, vì lão cá đến một trăm ngàn đô mà. Và như thế, lẽ ra, lão đã bỏ túi được nửa triệu đô rồi mà không phải tốn giọt mồ hôi nào. Đáng tiếc cho lão!”
“Còn gia đình tôi,” Nick hỏi. “Vợ tôi và các con -”
“Charlotte và các con anh đều ổn cả thôi Bố của anh vẫn... anh biết đấy. Ông cụ nằm một chỗ, không nói gì nhiều nhưng theo chỗ chúng tôi biết, thì cũng ổn.”
“Họ có biết rằng tôi ổn không?”
“Ổn sao?” Narducci lặp lại. “Tôi không biết nữa. Anh thấy mình ổn à?”
“Tôi sẽ ổn nhanh thôi, Geraci nói. “Một người hình như là bác sĩ đã nói rằng theo ý kiến chuyên môn của ông thì tôi không đến nỗi thành một... xác chết biết đi đâu!”
“Một xác chết biết đi, một tử thi còn động đậy,” Narducci lẩm bẩm. “Bọn bác sĩ thì biết đếch gì bí ẩn của chuyện này? Xem nào. Nói ta nghe coi. Điều gì đã xảy ra ở đó khiến anh la lên phá hoại?”
“Tôi không nói thế bao giờ.”
Narducci nháy mắt. “Ta cứ nghĩ là có lẽ anh đã nói thế đấy.”
“Ơ,” Geraci cố ý chơi tình vờ, giả bộ ngây thơ cụ. “Tôi chẳng nhớ được gì cả. Không một tí ti nào.”
“Không một tí ti nào? Trên sóng radio anh không hề la hét gì? Cho tháp không lưu? Và nơi đây đã rung chuông khẩn cấp. Anh không nhớ gì cả?”
“Không,” Geraci quyết định đóng kịch tới cùng. “Không? Nghĩ kỹ lại xem.”
Geraci có ý nghĩ khá hay về lí do tại sao Narducci lại coi chuyện này thành vấn đề nghiêm trọng đến thế. Nếu giả như có âm mưu phá hoại, điều ấy sẽ có nghĩa là có ai đó, bằng cách nào đó, đã xâm nhập hòn đảo thuộc sỡ hữu riêng của Don Forlanza và làm chuyện ấy. Ngay cả nếu sau này kẻ đó lộ diện là ai đi nữa, và dầu ai đứng đàng sau vụ việc, thì Don Forlenza vẫn bị thiên hạ qui tội, dầu không chính thức mà chỉ là xầm xì, ngay cả là chỉ trong ý nghĩ, thì cũng sẽ tổn hại đến thanh danh ông rất nhiều.
Phải chăng là có âm mưu phá hoại? Quá nhiều chuyện đảo điên lộn xộn trong những giây phút cuối cùng đó. Geraci nghĩ rằng mình nhớ được mọi chuyện và tuy thế chang vẫn không có ý tưởng thực sự nào về những gì đã xảy ra. Cũng không hẳn không phải là lỗi là hoàn toàn do chàng ta. Biết rằng máy bay sắp sửa rơi đã khiến cho chàng nói và làm nhiều việc quờ quạng, mất kiểm soát. Chàng đã hốt hoảng la toáng lên. Phá hoại. Tháp không lưu đã bảo Nói lại đi, nhưng anh không nói. Có lẽ là sai lầm khi vào thời điểm thập tử nhất sinh đó anh đã không tập trung tất cả tinh thần và sức lực để cố điều khiển máy bay trong mức độ tối đa có thể, mà anh lại nghĩ đến Charlotte và hai cô con gái yêu, đến những khuôn mặt vặn vẹo lại vì đau đớn khi họ tiếp nhận tin chẳng lành là anh đã chết. Ý nghĩ đó có lẽ không kéo dài đến vài giây, nhưng ai biết được? Có lẽ là vài giây cực kỳ quí giá mà nếu anh hoàn toàn dành cho việc điều khiển chiếc máy bay thì câu chuyện có thể sẽ khác đi? Anh có thể đã không thấy được đường băng hạ/cất cánh, nhưng anh đã biết là mình không còn xa bờ. Có vấn đề với chân trời giả tạo, nhưng có rất nhiều yếu tố có thể góp phần tạo nên hiện tượng đó. Những thiết bị đã chỉ ra cho anh nhiều điều trái ngược nhau, và anh đã đi đoong với những gì anh cảm nhận là đúng. Nếu anh buông thả cho những cảm nhận của mình, tay huấn luyện viên bay đã nói, chúng sẽ giết anh. Tay huấn luyện viên là một cựu phi công thử nghiệm. Thực tại, anh ta thuyết pháp, là tuyệt đối. Một phi công lão luyện không bao giờ lơ là về điều này. Geraci e rằng mình đã phạm lỗi đó.
“Mọi chuyện diễn ra quá nhanh mà lại như một mớ bòng bong rối mù,” Geraci nói. Narducci vẫn chờ đợi. Lão không chuyển động.
“Nếu tôi có nói điều gì về chuyện phá hoại - chuyện này thực ra tôi không nhớ, nhưng nếu như tôi nhớ
- thì cũng chỉ là thoáng qua thôi. Hãy loại trừ khả năng này.” Geraci nghĩ là mình đã ăn hết cả hai chiếc bánh rán và ngạc nhiên thấy vẫn còn lại một miếng lớn. Chàng ta xơi hết luôn. “Những gì xảy ra quả là khủng khiếp, nhưng chẳng phải lỗi của ai.”
“Chẳng phải lỗi ai.” Narducci lặp lại câu ấy nhiều lần nữa, có vẻ bình thản. “Được rồi,” cuối cùng ông ta nói, “thế thì tốt. Tôi còn một câu hỏi nữa ngay đây.”
“Xin nghe”
“Hãy nói với ta về O’Malley. Ai biết rằng hắn là anh? Hay có thể hình dung ra? Đừng nên quên là trên thế giới này có lắm kẻ đoán mò mà may mắn lại trúng đấy nhé. Lắm kẻ còn khôn ranh, tinh ma hơn là bạn nghĩ đấy. Xin nhắc lại. Cứ nhẩn nha, chẳng đi đâu mà vội. Chỉ riêng ý nghĩ phải đi ngược trở lại tất cả những bậc thang đó...” Lão ta rùng mình.
Một danh sách ngắn thôi. Không ai khác ngoài Narducci, Forlenza, và những nhân vật chóp bu trong gia đình Corleone. Không có lí do nào để không kể ra. Nếu tất cả những gì Don Forlenza muốn làm là che đậy những dấu vết dính líu vào chuyện này của ông ta, thì Geraci có lẽ đã toi mạng lâu rồi. Vì chỉ có anh là nhân chứng duy nhất còn sống và biết được nhiều điều. Thế nhưng ông đâu có tuyệt tình với anh. Vậy thì nếu Forlenza và người của ông sắp giúp Geraci biện giải con đường của anh thoát khỏi cái mớ bòng bong này, ắt là họ cần những thông tin nào đó.
Trên một con đường hẹp ở Thượng New York thường được xe tải và xe kéo đi lại nhiều hơn, bỗng thấy một dòng bất thường và liên tục xe Cadillacs và xe Lincolns. Những sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục hướng dẫn chiếc xe của Clemenza đến một bãi cỏ ở phía sau một nông trang màu trắng có ốp ván nghiêng bên ngoài để bảo vệ tường nhà. Xét theo cái hàng dài những chiếc xe đồ sộ bóng lộn đang đậu có trật tự thứ lớp thì họ nằm trong số những người đến sau cùng. Nếu như Hagen vẫn còn là consigliere, Michael có lẽ sẽ nghe nói rằng Vito Corleone hẳn là trong số những người đầu tiên. Đó là một cách hành xử; cách của Michael lại khác. Ngay cả bố anh, trong những tháng cuối cùng còn có mặt trên đời, đã nhấn mạnh rằng Michael cần hành xử theo cách riêng của anh. Clemenza huýt sáo một bài dân ca xưa và không hỏi han gì, ngay cả là mình phải cuốc bộ bao xa.
Họ bước ra khỏi xe. Đàng sau nhà là một căn lều phục vụ. Gần đó, treo mình trên đống than hồng đỏ rực và xoay xoay trên một cái xiên nướng dài là một bác lợn đủ to để được phong cấp thành một anh hà mã vị thành niên!
Cả Michael lẫn Clemenza chưa từng bao giờ tham dự một cuộc họp mặt kiểu này, nhưng họ tiếp cận căn nhà như thể những người biết rõ mình chờ đợi điều gì. Michael tỏ ra khá tự tin là mình biết. nhưng anh cũng khá tự tin anh biết cái gì nên chờ đợi khi anh ngồi xổm trong chiếc xe kéo thủy bộ, ra khỏi bờ nước Peleliu, sẵn sàng đổ bộ lên bãi cát.
Ở đây là chuyện khác, anh tự nhủ. Chiến tranh đã ở lại sau lưng. Hòa bình đang chờ anh phía trước.
“Cứ mỗi mười năm, đúng thế không?” Clemenza vỗ vào đồng hồ đeo tay. Cử chỉ đó tạo cớ khoan miễn tốt cho ông dừng lại một lát và lấy lại nhịp thở khò khè. “Giống vòng quay đồng hồ.”
“Thực ra,” Michael nói, “chỉ mới tám năm.” Mặc dầu có bảo hiểm của Bocchicchio, anh vẫn thấy cây lại tưởng là người bắn tỉa hoặc là một người nào đó lẽ ra không nên có mặt ở đó. Một tâm trạng “kinh cung chi điểu” (con chim bị ná sợ cành cây cong).
“Vậy thì lần tới sẽ là mười hai. Từ đó lấy ra con số trung bình. Nào, vồ một miếng lớn từ con lợn khổng lồ kia đi.”
Michael cười. “Chú có chắc chú không muốn làm chuyện này thường xuyên?”
Clemenza lắc đầu và bắt đầu tản bộ trở lại. “A chi consiglia non vuole il capo.” Kẻ làm tư vấn thì không muốn làm chủ; một câu ngạn ngữ từ xưa. “Không khác gì Hagen hay Genco, chú chỉ là người hỗ trợ.”
Cửa sau mở ra. Họ được chào đón bởi cả một dàn đồng ca lời chào, như thể từ những người bạn tại một buổi party. Với một cái liếc mắt nhanh về phía sau nhìn vào con lợn quay, Clemenza vỗ tay lên vai Michael và theo anh vào bên trong.
Nick Geraci trải qua mấy tuần lễ trong căn hộ màu vàng chanh đó, mỗi sáng thức giấc nghe mùi thơm
của bánh rán và âm thanh của những phụ nữ đi dép nhựa, lầm bầm tiếng Ý và tản ra trong tư thế khom khom. Charlotte và hai cô con gái nhỏ vẫn bình an, anh được an tâm về mặt ấy, và biết rằng mình đang hồi phục tốt. Anh được cho biết rằng Vincent Forlenza và Michael Corleone đang làm mọi chuyện trong khả năng của họ để thương lượng dàn xếp đưa anh về nhà an toàn. Hiếm có ngày nào trôi qua mà không có người nói với anh là anh đã may mắn biết bao khi có được hai bề trên, một nghĩa phụ và một ông chủ, cả hai đều yêu thương, lo lắng cho anh.
Trong suốt thời gian đó Geraci không hề biết được tên của vị bác sĩ già hay việc ông ta đã chịu ơn Don Forlenza như thế nào. Chắc hẳn là một điều gì đó rất lớn lao. Để chuẩn bị cái thi thể sẽ được phát hiện nơi khe núi do dòng sông mang tấp vào, ông bác sĩ đã đứng đó, bên một tấm bảng với nhiều biểu đồ, và chỉ bảo người của Forlenza trong lúc họ mang đến một tử thi nào đó có kích cỡ như Geraci và tạo ra những tổn thương gần giống với những tổn thương trên người Geraci. Bác sĩ tự tay khâu những vết thương, phỏng theo cách khâu vá các vết thương trên người Geraci của phòng cấp cứu. Geraci không bao giờ phát hiện được cái tử thi kia đến từ đâu. Câu hỏi duy nhất anh đặt ra, vào cái ngày họ đưa anh ra khỏi nơi đấy và gửi anh đến Arizona để gặp gia đình, là họ có biết rằng những con chuột sẽ ăn cái tử thi nhiều đến thế hay không và nếu có, thì làm thế nào họ biết được. Khuôn mặt đã được hủy hoại có phương pháp, anh nghe nói thế, và những con chuột sống bên trong cái tử thi mục rửa. Có phải tự nhiên điều đó xảy ra khi người ta vất một cái xác gần bên sông? Hay là họ tự tay làm thế cho chắc ăn?
“Có gì khác đâu nào?” Laughing Sal hỏi, ngồi sau anh trong chiếc xe tang mà họ dùng để đưa anh đến nhà ga xe lửa.
Geraci nhún vai. “Biết để biết thôi mà.”
“Đấy, chú mày lại thế!” Narducci nói, gật đầu. “Cái khía cạnh học trò mà chú mày ưa diễn xuất đó cũng không tệ.”
“Ờ, một cái gì đại khái như thế.”
“Ta dám cá rằng có những người chẳng mê đắm gì lắm cái khía cạnh đó đâu.” “Những người,” Geraci nhất trí. “Ta dám cá.”
Anh học theo cách mà Narducci vận dụng lối “tiếng vọng & yên lặng (echolalia &
silence). Anh sao y bản chánh lối nói đó. Người ta chẳng bao giờ nhận ra mình. Ngay cả trong một sàn đấu quyền Anh bạn có thể hạ “nốc -ao” đối thủ bằng chiêu này.
“May rủi vẫn hiện diện,” cuối cùng Narducci lên tiếng trở lại, “song thiên nhiên vẫn đi theo lộ trình của nó. Nhưng giống như nhiều chuyện trong đó may rủi tạo thuận lợi cho người nào đó, chú mày vẫn muốn chắc cú.”
Dầu đường đến Arizona có bao xa đi nữa, Geraci cũng từ chối ngồi máy bay, ngay cả trong một chiếc máy bay y tế sang trọng đến mức chỉn chu với một dàn máy hi -fi và một cô điều dưỡng duyên dáng, dễ thương mà muốn thương cũng dễ. Không máy bay máy lượn gì nữa, không bao “vờ”! Một lần là cạch đến già! Và do vậy, họ đành phải gửi anh về nhà trong một chiếc quan tài, đút vào trong xe tải đi đến cùng chỗ nhà táng mà anh từng đi đến trong mùa hè năm đó, sau khi mẹ anh qua đời.
Song những thời điểm duy nhất của cuộc hành trình mà Geraci thực sự phải nằm bên trong quan tài là lúc lên hàng và lúc xuống hàng. Khi lên xe rồi, với bốn quan tài khác và một cây đàn pano được đóng thùng, anh có thể ra ngoài, đọc sách báo giải trí, thư giãn, chơi bài với hai người theo chăm sóc anh, và xài mọi thứ họ có. Anh cũng hơi áy náy là mình thì có chỗ để ngủ nghĩ còn họ thì không, phải ngồi suốt lộ trình. Anh gợi ý là họ lấy hai cái thây ma ra, ghép đôi vào hai quan tài kia, và như thế họ có được hai quan tài trống để ngã lưng. Nhưng họ thà ngủ ngồi chứ không tự nguyện vào nằm trong quan tài. Làm như thế dễ “có huông” lắm! Như một cử chỉ thiện chí anh tặng cho họ một phần tiền mà nghĩa phụ Forlenza đã cho anh làm lộ phí một cách rất hào phóng và hậu hĩ, nhưng dĩ nhiên là họ từ chối, đâu dám nhận vì đã có lệnh rồi. Mấy chàng trai Cleveland này có khuôn phép đấy, tốt.
Khi xe lửa về đến ga Tucson, anh nói lời từ biệt với hai chàng kia và tự tay đóng nắp quan tài lại. Hai ngày nằm trong cái của nợ chết tiệt này, và chiếc gối nhung đã bốc mùi hôi thối muốn phát ói! Khuôn mặt sắp tới mà anh sẽ nhìn thấy có thể hoặc là của Charlotte vợ yêu, như anh đã được bảo thế, hoặc có thể là một tên chó đéo thối tha nào đó sắp sửa cho anh đi chầu ông bà ông vãi.
Anh nằm trong bóng tối, hoàn toàn yên tĩnh. Chẳng mấy chốc anh nghe mấy ngươi nói tiếng Tây ban Nha và cảm nhận những bàn tay móc vào mấy cái núm, dỡ nắp quan tài lên. Rất nhiều giằng xóc và va chạm vào tường cho đến khi Geraci nghe ai đó nói “Hãy cẩn thận!” bằng tiếng Anh và một lát sau anh chạm nền đất, mạnh đến nỗi làm anh phải “lấy gió trong người anh ra” thành... một phát trung tiện khá to. Mấy anh chàng Mễ phá ra cười ồ. Geraci đặt tay lên tim ép xuống cho nó bớt đập mạnh. Như vậy có lẽ khuôn mặt anh sắp nhìn thấy sẽ không phải là của Charlotte cũng không phải của một sát thủ.
Mấy người đó tiếp tục cười đùa, chửi thề lẫn nhau loạn xạ bằng một thứ ngôn ngữ pha tạp giữa tiếng Anh và tiếng Tây ban nha. Họ nâng quan tài lên. Nhịp tim và nhịp thở của Geraci trở lại gần như bình thường. Anh cũng bị va chạm mạnh vào đầu mà lúc đó anh mới nhận ra. Ngay lập tức họ lại tuồn anh vào một cái gì đó có lẽ là một chiếc xe tang khác.
Michael Corleone đã nhắn lời rằng ông ấy không phiền trách gì Geraci về vụ rơi máy bay và rằng sau tất cả những công việc nặng nhọc mà Geraci đã đảm trách trong mấy tháng qua anh xứng đáng được hưởng vài tháng an dưỡng với gia đình tại một khu nghĩ dưỡng thích hợp. Anh đã được bảo đảm rằng mọi chuyện diễn biến tốt, rằng sẽ không có ai tìm kiếm anh, quấy rầy anh. Phải bí mật đưa anh ra khỏi Cleveland như thế này chính là một biện pháp”cẩn tắc vô ưu”, lo xa để không phải bị phiền gần, một tính toán rất dụng công nhằm đánh lạc hướng bọn cớm và những kẻ đoán mò may mắn.
Có lẽ mọi điều ấy đều thật. Nhưng cũng có thể đó chính là loại trấn an mà một nạn nhân được cho uống nước đường trước khi được giải phẫu chỉnh hình để cắt tỉa bớt một vài bộ phận không cần thiết lắm như tim, gan, phổi chẳng hạn!
Vả chăng, dầu cho Geraci có lẽ sẽ chẳng bao giờ thích Michael Corleone, nhưng anh thực sự ngưỡng mộ ông ta. Nhìn toàn cảnh trong giới hắc đạo giang hồ, Michael Corleone quả đúng là trí dũng song toàn, là con đại bàng lược thao hiếm thấy và giấc mộng xưng bá đồ vương gồm thâu lục quốc của ông không phải là hoàn toàn không có cơ sở, không hẳn là hoàn toàn không có tính khả thi. Chỉ có điều... mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, muốn biết kết cục thế nào, xin xem... đến dòng cuối sẽ rõ!
Geraci tin ông ta. Michael có lẽ sẽ cứu Geraci dầu cho chẳng vì lí do nào khác hơn là ông ta cần anh. Ông ta cần lòng trung thành, tài năng kiếm tiền của anh, trí thông minh của anh. Michael muốn biến đổi một tổ chức gồm những tên tội phạm gốc nông dân chỉ biết dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề thành một đại doanh nghiệp có chỗ đứng hợp pháp trong cái mưu đồ cờ bạc hợp pháp vĩ đại nhất từng được phát minh ra - Thị trường Chứng khoán New York. Nếu ông sắp thành công, thì chắc chắn ông không thể phí phạm để mất một người như Geraci. Xét trong tổng sơ đồ mọi sự, Geraci biết, mình chỉ là một tiện dân đến từ Cleveland, một kẻ đấu tranh biết giành phần nào của mình, làm việc năng nổ, cật lực, chịu khó đi học thêm lớp đêm, và có được chút thành công trong tư cách một luật sư tập sự và một doanh nhân. Chưa có gì đáng kể so với những “cây đa cây đề” nhưng nếu làm một phép “đối chiếu tỉ giảo” với những tên óc đất sét, chỉ biết làm thiên lôi sai đâu đánh đó trong cái thế giới ngầm này thì quả thật Fausto Geraci Jr. này xứng đáng được coi là... Albert Einstein cũng không có gì quá đáng!
Song dầu thế, Geraci đã phạm những sai lầm. Lẽ ra anh nên giữ vững lập trường trước Falcone và từ chối bay trong điều kiện thời tiết như thế. Lẽ ra anh không nên nói rằng anh nghĩ máy bay đã bị phá hoại khi anh thực sự cũng không có ý tưởng nào. Máy bay rơi, chuyện đã đủ tồi tệ rồi. Hẳn nhiên anh không nên bơi quá xa khỏi hiện trường vụ tai nạn đến thế làm như thể mình có tội hay sao ấy. Những sai lầm đã thu hẹp những chọn lựa của anh. Anh không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chơi những con bài còn lại trên tay theo cách ranh ma nhất để đạt hiệu quả tối ưu trong chừng mực cho phép.
Đây có thể là một phương cách rất dụng công tỉ mỉ để thủ tiêu anh dầu là khó loại trừ khả năng. Anh đã từng nghe những vụ dụng công nhiều hơn. Anh cũng đã tham dự vào một vụ còn dụng công tỉ mỉ hơn.
Khi bị buộc phải giết Tessio, Geraci đã giận Michael đến độ không thể nào còn giận hơn được nữa. Nhưng từ lúc đi xa khỏi nấm mồ lộ thiên của Tessio cho đến lộ trình từ chuyến xe lửa đến bất kỳ nơi nào anh thực sự đi đến, Geraci thực sự không dành cho nó tư tưởng nào khác.
Chiếc xe tang dừng lại. Anh được “xuống hàng”bởi những người không nói tiếng nào, điều này coi bộ không phải là một dấu hiệu tốt lành.
Đầu Geraci choáng váng vì bị va đập mạnh. Anh thở khó khăn. Không phải vì quan tài không có lỗ thông hơi. Chắc anh sắp chết mất vì sợ hãi, lo lắng làm cho ngạt thở. Chắc là đám người này đến để nện cho anh một trận nhừ đòn trước khi cho thưởng thức những thực đơn rùng rợn khác. Chư vị thánh thần ôi, ai sẽ cứu con đây, để con còn cơ hội thấy mặt vợ con? Nghĩ đến vợ con bỗng giúp anh định thần, cố gắng làm đúng theo lời dặn, nằm yên bên trong với nắp quan tài đậy kín cho đến khi Charlotte đến nhận anh.
Mấy người nọ khiêng anh qua nền xi -măng và đặt anh xuống trên cái gì đó, cũng là xi -măng, anh chắc thế. Đây rất có thể là phòng sau của Công ty Mai táng Anh em nhà Di Nardo. Đêm anh ta giết Tessio thì cái lò thiêu nơi họ lấy mấy cái đầu được cưa rời ra cũng có nền xi -măng thì phải?
Đây cũng có thể là một nhà kho, hay một garage nhỏ của ai đó. Bất kỳ thứ gì.
Anh nghe cánh cửa mở ra. Đôi giày đế cao su của ai đó lướt nhẹ khi đến gần anh. Một nền xi -măng bóng. Anh nín thở.
Nắp quan tài mở ra.
Khuôn mặt của... Charlotte!
Anh ngồi bật dậy và cảm nhận khí oxy lùa xuyên qua người mình, gây tê tê, ngứa ran khi chạm vào tay chân anh. Anh có thể cảm nhận không khí chạy lên từ chân đến đầu. Charlotte trông rám nắng và có vẻ vui. “Trông anh khỏe lắm!” cô nói. Cô có vẻ thành thật. Cô không phản ứng gì với cái ôm của anh. Khá lâu. Chỉ khi đó anh mới để ý Barb và Bev đứng bên nhau dựa vào tường sau có ốp váng, vẻ sợ hãi, giữ một cặp nạng cao ngang ngực, dành sẵn cho anh.
Charlotte hôn nhanh lên môi anh. Dường như nàng đang bận tâm điều gì đó. Geraci không ngửi thấy mùi rượu mùi. “Chúc mừng trở về nhà”
“Cám ơn,” anh nói. Ờ, không phải nhà, nhưng anh biết nàng có ý chỉ gì. Bên trên đang cử hành tang lễ. Lời thánh ca rầm rì. Lời kinh và lời cầu nguyện. “Trở về, thật là tuyệt. Em thế nào?”
Geraci giang đôi cánh tay về phía hai cô con gái. Chúng gật đầu chào anh nhưng vẫn đứng yên tại chỗ. “Bận rộn lắm,” Charlotte nói. “Nhưng ổn.” Nhẹ nhàng, nàng chạm tay vào cái gút trên đầu chàng.
Barb được mười một tuổi; Bev vừa lên chín. Barb là một bản sao tóc vàng nhỏ của Charlotte. Bev là một cô gái tóc đen to lớn, cao nhất trong lớp (kể cả con trai), và cao hơn chị mình đến hai inches, dầu cô chị cũng khá cao.
“Hai đứa được đi xem cảnh quay phim trong sa mạc và kể từ ngày ấy đến giờ, chúng cứ bàn tán suốt về chuyện đó,” Charlotte nói, vẫy tay cho các con tiến về phía quan tài. “Nào, lại đây, các con. Nói chuyện với bố đi.”
Bev chỉ tay về phía bố. “Thấy chưa?” cô bé nói với chị. “Chị thấy không? Em đã nói với chị là bố không chết mà.”
“Chưa, có lẽ,” Barb nói. “Nhưng rồi cũng sẽ...”
Geraci ra hiệu cho Charlotte giúp anh trèo ra nhưng nàng không nhận thấy.
“Bố sẽ không bao giờ chết,” Bev nói.
“Em khờ quá,” Barb nói. “Ai rồi cũng phải chết, một ngày nào đó.” “Này, các con,” Charlotte bảo. “Ngoan nào.”
Làm như thể nàng không hề thấy ra cái vẻ kỳ lạ nơi màn cảnh này: bôn ba từ hai ngàn dặm đến đây, phía sau một nhà tang lễ để nhận lại người chồng mất tích của mình từ một chiếc quan tài, nhưng vẫn còn sống nhăn! Bên trên, chiếc đàn organ, không hiểu vì lí do nào, có mà Trời biết, bắt đầu chơi bài “Yes, Sir, That’s My Baby.”
“Bố rồi cũng sẽ chết,” Barb tái khẳng định. “Mọi người đều phải thế.” “Nhưng bố thì không,” Bev xác định. “Bố đã hứa như thế, đúng không, Bố?”
Quả thực, anh có nói như thế, một lần. Bố anh vẫn thường nói rằng một lời hứa là một món nợ. Ogni promessa è un debito. Chỉ khi chính anh cũng trở thành bố - và hơn nữa với cuộc sống nghề nghiệp đầy bất trắc của mình -anh mơi thấm thía bài học này.
“Giờ đây anh thấy từng ngày trôi qua đối với em như thế nào,” Charlotte nói. Tuy vậy nàng lại có vẻ vui khi nói điều ấy. Nàng không làm ra vẻ như là mình đã cố gắng tảo tần, nặng nhọc. Nàng mỉm cười và nâng khuôn mặt bầm tím của chồng trong đôi tay mình và hôn vào đó. Không có vẻ đam mê nồng nàn, nhưng là một nụ hôn vợ chồng bình thường, hơi lần lữa kéo dài một tí, loại nụ hôn mà người chồng có thể được hưởng vào buổi sáng nơi bàn ăn điểm tâm. Đó không phải là loại nụ hôn mà Geraci từng chờ đợi đón nhận, suốt thời gian nằm trong một quan tài với những chiếc xương sườn được băng bó và một cái chân gãy -và, ai biết được, có lẽ là một chấn thương sọ não mới - trong khi dàn đồng ca đám ma đang rì rầm ở phòng trên đang hát để tiễn đưa linh hồn một kẻ khốn khổ nào đó. Mặc dầu, thành thực mà nói, với Charlotte có lẽ không có loại nụ hôn nào là đúng nhất cho một cơ hội như thế này.
“Em có thể đưa tay cho anh nắm được không?” chàng nói. “Để đi ra.” “Bố anh đang đơi trong xe,” nàng nói. “Em có nên ra đón ông vào đây?”
“Không.” Tất nhiên không nên để cha anh phải nhọc sức đến đây chào anh. “Anh chỉ cần em đưa tay để anh đi ra. Rồi chúng ta đi đón bố.”
Chàng nương vào tay nàng bước ra khỏi quan tài. Hai cô bé tiến tới, bước đi rất hoàn hảo. Chúng đã diễn tập những động tác này nhiều lần. Hai đứa trao cho bố cặp nạng giống như thể chúng là những thần dân cung kính dâng hiến một món quà lên Đức Vua của mình.
Rồi chúng đổ sụp xuống, và trong một thời gian lâu anh chẳng biết làm gì hơn là giữ lấy vòng ôm của
các con. Đến một lúc, Bev thì thầm,” Bố đã hứa,” và anh đáp lại,” Cho đến giờ này, mọi sự đều tốt đẹp.”
“Đón anh trở về mẹ con em thật là vui,” Charlotte nói.
Bên ngoài, bãi đậu xe phủ đá cuội có lẽ đủ lớn để làm một trung tâm mua sắm. Có lẽ đủ cho năm mươi chiếc, nhưng bố anh, Fausto, dĩ nhiên là được dành cho khoảng không gian tốt nhất, gần nhất với cửa chính. Dường như ông đã đến đây từ hôm qua, ngắm nghía tình hình đậu xe, rồi đến đây từ nhiều giờ trước để chắc ăn rằng mình có được vị trí đó. Ông ngồi sau tay lái chiếc Oldsmobile của mình, nhìn thẳng ra trước và nghe nhạc Mễ tây cơ qua radio. Ông vặn máy lạnh đến tối đa, có lẽ chẳng vì lí do nào khác hơn là tạo ra nhu cầu cho ông để mặc chiếc áo jacket cũ mang logo của công đoàn địa phương trên lưng. Ông chờ Nick thôi loay hoay làm quen với đôi nạng và ngồi vào nơi ghế hành khách, xoay người để đối mặt ông.
“À, à, à,” Fausto Geraci lên tiếng, “Ta đâu phải tài tử Eddie Rickenbacker đâu.”
Một toán thợ mộc địa phương đã được thuê để làm những cái bàn dài bằng gỗ thích đặc biệt cho các cuộc thương nghị hòa bình. Những cái bàn được bố trí thành một hình chữ nhật lớn bên trong một phòng khiêu vũ trước kia từng là chuồng gia súc. Lớp véc -ni trên các mặt bàn đã khô nhưng còn quá mới nên vẫn bốc mùi. Mùi gỗ và mùi véc -ni thì cũng không khó chịu lắm cho đến khi căn phòng dày đặc khói xì -gà và khói thuốc lá. Họ mở tất cả các cửa sổ, nhưng tay “quân sư quạt mo” (consigliere) của Philly, vốn mắc bệnh khí thũng, và Don Forlenza từ Cleveland vốn kỵ nắng nóng, cả hai phải ngồi nghe từ phòng kế bên. Nhiệt độ bên ngoài là bốn mươi độ. Ngoại trừ Louie Russo, còn trong thời kỳ thử thách phải chứng tỏ một cái gì đó, những người chủ trì cuộc họp vẫn mang khăn quàng và mặc áo khoác.
Điều mà mọi người có mặt tại bàn thương nghị đồng ý tin vào vì mục đích hòa bình là thế này: Vụ rơi máy bay ở Hồ Erie chẳng phải lỗi tại ai. Frank Falcone thực sự có đánh cá một trăm ngàn đô vào cuộc đấu ở Võ đài Cleveland và ông ta đã nằn nì phải đi chứng kiến trận đấu, dầu cơn bão có tệ hại đến thế nào cũng bất chấp. Lúc máy bay đâm đầu xuống, có người nơi tháp kiểm tra không lưu nghe Geraci nói đến từ phá hoại, nhưng Geraci chỉ thoạt nghĩ đến trong lúc tâm trí bị khủng hoảng tột cùng và người ta đồng ý loại trừ phá hoại. Sấm chớp đã làm cho các sóng truyền thanh trở thành khó nghe. Máy bay rơi và mọi người chết tại chỗ, trừ Geraci, cũng gần chết. Don Forlenza được tin về những cái chết thảm khốc của các vị khách mới đây của ông và ông cũng nghe phong thanh rằng nhà chức trách nghĩ là tai nạn máy bay này có thể là hậu quả của phá hoại. Ngay lập tức Don Forlenza cam kết rằng không có ai trong tổ chức ông ta đã phá hoại chiếc máy bay. Sau đó ông giải cứu nghĩa tử bị nạn của ông từ bệnh viện. Còn làm cách nào khác hơn? Giả dụ như Don Falcone và Don Molinari bị giết hại như hậu quả của phá hoại thì chắc là người ta sẽ đổ lỗi cho tổ chức Cleveland. Và cũng có thể đổ lỗi cho nghĩa tử ông - anh chàng này sau tai nạn đã bất tỉnh cả tuần, không có khả năng tự bảo vệ mình, cũng không thể trả lời chuyện gì. Ai trong phòng này lại không hành động như ông để lo cho nghĩa tử của mình. Và cũng vì Geraci là một thành viên của Gia đình Corleone, Don Forlenza cũng lo ngại rằng nghĩa tử của mình có thể trở thành mục tiêu bạo lực của một trong những Gia đình New York khác. Geraci đã tỉnh lại. Nhà chức trách liên bang đã loại trừ phá hoại. Vụ rơi máy bay là... một hành động của Thượng đế!
(an act of God). Don Corleone đã cho những thành viên khác của Ủy ban biết rằng viên phi công mất tích là Geraci. Như Don Corleone đã nói lúc đó và xác nhận lúc này, cái tên giả trên giấy phép lái máy bay của Geraci chỉ nhằm đánh lạc hướng không ai khác hơn ngoài những viên chức thi hành pháp luật, cũng không khác với chuyện bằng lái xe mang tên ngươi khác mà rất nhiều người có mặt ở đây vẫn đang dùng. Trong trường hợp này, cái tên giả đã làm được việc. Trong khi mọi người trong phòng này đều đã biết từ nhiều tháng nay rằng Gerald O’Malley trong thực tế là Fausto Geraci Jr., thì nhà chức trách lại nghĩ rằng O’Malley là cái tử thi bị chuột gặm nơi khe núi kia.
Quả là một công trình xây dựng phù hợp cho bốn người chết khiến cuộc tranh luận khởi đầu giúp hiểu được vụ rớt máy bay nhanh chóng mở rộng sang các vấn đề khác. Và rồi ngay sau đó một hiệp ước hòa bình lâu dài đã được thảo ra - một hiệp ước mà tất cả đã đến đây để chuẩn y.
Trên đại thể, câu chuyện chính thức là đúng nhưng không một ai có mặt trong trang trại kia, vào thời điểm đó, tin hẳn mọi lời của câu chuyện.
Mặc dầu không có bằng chứng nào được đưa ra ánh sáng, nhưng dường như ít có nghi ngờ nào rằng người của Louie Russo đã xâm nhập vào pháo đài nơi tiểu đảo của Vincent Forlenza và phá hoại chiếc máy bay. Xét cho cùng, những người trong chiếc máy bay đó thực sự đại diện cho bốn đại kình địch của Chicago ở Las Vegas và ở Bờ Tây. Vụ rớt máy bay đã thành công trong việc làm cho Don Forlenza trông giống như một lão già khờ. Những cuộc đấu đá ở New York đã cho Russo một khai mở và lão chộp ngay cơ hội. Lão đã lập được liên minh với nhiều Ông Trùm khác - Carlo Tramonti ở New Orleans, Bunny Coniglio ở Milwaukee, Sammy Drago ở Tampa, và ông chủ mới ở Los Angeles, Jackie Pingpong. Khi Russo đi Cuba, lão ta ở trong Dinh Tổng thống. Không ai ngoài những đồng minh của Russo hứng thú với việc trở lại quyền lực của đám Chicago, nhưng mọi người đồng ý rằng Russo ít tạo nên một mối đe dọa khi có được một ghế ngồi trong Ủy ban hơn là khi lão ta làm kẻ đứng ngoài nhưng sẵn sàng vồ lấy mọi thứ cho mình. Đối với phần lớn những người ngồi tại bàn hội nghị hôm ấy, việc cố gắng chứng minh Russo chịu trách nhiệm đối với vụ rớt máy bay là không quan trọng. Vấn đề chính là xoay lại sự chú tâm đầy đủ vào công việc của mỗi người. Đèn nhà ai nấy sáng. Đừng rỗi hơi làm tài lanh, việc người thì sáng việc mình thì quáng. Ngay cả Butchie Molinary cũng đã được khuyên giải (bởi chính Ông Trùm Michael Corleone, ghê chưa!) để công khai tuyên bố rằng mình chấp nhận phiên bản chính thức về vụ rớt máy bay và hứa không tìm cách trả thù.
Louie Russo và tay consigliere của lão không có ý định phủ nhận lời kết tội mà không ai công khai đưa ra ngay cả nếu họ biết rằng nó sai lạc. Russo không ra lệnh tập kích vào những người trên máy bay đó. Còn nếu như lão ta có những lí thuyết riêng của mình về chuyện ai, nếu có bất kỳ ai, thì lão cũng không lộ ra.
Russo, dĩ nhiên, có biết một đôi điều. Jackie Ping-Pong cũng biết một đôi điều. Sal Narducci - người, vì sức khỏe của Forlenza có vấn đề, nên ngồi một mình ở bàn đầu, như thể lão đã điều hành Cleveland
- biết được những chuyện khác.
Người mà Narducci thuê để phá hoại chiếc máy bay được thưởng công để đi vui chơi ở Las Vegas - cờ bạc, rượu chè, gái gú thỏa thích - trong mấy ngày và sau đó không còn ai thấy mặt ở đâu nữa.
(Hay đúng hơn là, hắn ta không còn khả năng để cho ai thấy mặt kể từ khi Al Neri một kẻ không bao giờ thắc mắc cũng chẳng bao giờ bận tâm người mình giết là ai và tại sao phải giết, đã bắn rồi chôn anh chàng kia trong sa mạc Nevada mênh mông.)
Riêng Clemenza biết rất nhiều, nhưng chưa phải là tất cả.
Michel Corleone khá chắc chắn rằng mình đã bao che mọi vết tích đủ kín đáo để không một ai - dầu bạn hay thù, cớm hay đầu lĩnh (capo) có thể ráp nối mọi sự kiện với nhau thành một câu chuyện mạch lạc.
Ai mà có thể giả địng hay phỏng đoán rằng không những chính Michael ra lệnh thủ tiêu Barzini, Tattaglia và cả tay đầu lĩnh số một của chính anh ta là Tessio, và cả chồng của em gái ruột của mình - đó là chưa kể bao nhiêu những vụ giết chóc khác phái sinh từ những vụ này - thế rồi sau đó anh ta lại thương lượng một cuộc ngưng bắn và lợi dụng cuộc đình chiến còn bất an kia để hoạch định một cuộc tập kích vào những người trên chiếc máy bay nọ, kể cả nick Geraci, người anh ta vừa mới thăng cấp lên chức đầu lĩnh, và Toni Molinari, một đồng minh kiên định từ lâu? Không có lời đồn nào là có người nào đã phản bội anh ta - tất nhiên, do phần lớn là họ không.
Ai có thể hình dung ra cái túi mà Fontane chuyển giao cho Michael đựng cái gì và để làm gì? Ngay cả Hagen cũng đã cho là - mà không thắc mắc - đó là một phần góp vốn đầu tư vào casino sắp mở ở Hồ Tahoe.
Từ nơi Michael Corleone ngồi, vỗ nhẹ vào chiếc đồng hồ Thụy sĩ cổ do Hạ sĩ Hank Vogelsong trao tặng trước lúc tử trận, ai có thể - ngay cả những người đã từng đọc về những máy bay Thần phong cảm tử Kamikazé của người Nhật nổ tung thành những quả cầu lửa khi chúng đâm đầu xuống các tàu chiến chở đầy binh lính Đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp... ) và cắt đôi những chiếc tàu này - nghĩ rằng một người từng thấy những gì Michael đã thấy nơi Thái bình dương lại có thể giết bất kỳ người nào bằng cách ra lệnh dàn xếp một vụ rơi máy bay?
Mỗi buổi sáng, Fausto Geraci - đúng ra phải phát âm là Jair -AH -chee, nhưng mà thôi, nhân danh chín tầng địa ngục, bàn dân thiên hạ cứ đọc tên ta theo cách nào tùy thích -luôn luôn là người thức dậy đầu tiên. Ông sẽ nấu nước pha cà-phê và đi ra khoảng sân sau của căn nhà nhỏ trát vôi vữa của mình, mặc quần soóc của dân đánh bốc và một áo thun, ở đó ông sẽ ngồi trên chiếc ghế nhôm đặt trên sân cỏ, đọc báo buổi sáng và hút liên tục những điếu Chesterfield Kings theo kiểu dây chuyền - dùng điếu sắp hết đốt điếu mới. Một khi đọc xong tờ báo, ông ngồi nhìn trừng trừng vào cái hồ bơi cạn khô. Ngay cả việc có mấy đứa cháu gái trong nhà vì chúng đang nghỉ hè cũng chỉ đem lại hiệu ứng rất nhỏ trên tâm trạng của ông.
Trái tim Fausto Geraci bị ngâm trong một dung dịch chua cay với cường độ ăn mòn còn mạnh hơn cả a
-xít lon -nít! Ông là người đã tin chắc rằng cái thế giới chó má này đã đẩy mình ra rìa. Năm này qua năm khác cứ ra khỏi giường là lại leo vào buồng lái lạnh buốt của một chiếc xe tải nào đó và kéo đi bất kỳ cái gì mà người ta có thể tưởng tượng và hàng lố những các cái mà không ai muốn tưởng tượng
ra! Tự mình lên hàng và xuống hàng những chiếc xe tải “đặc nhiệm” mà nếu bị “lộ hàng” thì cứ gọi là gỡ lịch triền miên! Lái những chiếc xe có lẽ là xe ăn trộm mà chính ông cũng không biết, mà có biết thì cũng cứ phải lái. Ông đã tốn gần cả đời đứng vững chống lại những ai chống lại người Ý, và ông vẫn trung thành với cái lão Vinnie Forlenza và tổ chức của lão cho đến lúc “lão lai tài tận” thì được cho về vườn. Ông từng biết bao lần ngồi tù thế cho bọn họ. Mà nào có than thở một lời nào đâu? Không. Đối với họ ông chỉ là Bác tài xế Fausto, một thân trâu ngựa lặng lẽ, chịu cày sâu kéo nặng, phục tùng mọi mệnh lệnh vô điều kiện. Ông đã làm mọi việc đó cho họ, những việc đã đày linh hồn ông xuống địa ngục từ lâu và ngay cả bà vợ ông cũng nói rằng bà đã thôi không cầu nguyện cho ông nữa vì cái “khối lượng hoành tráng” những tội lỗi của ông đã đến mức vô phương cứu chữa rồi! Ấy thế mà người ta có đối xử với ông như một người bình đẳng không? Không hề! Ông kiếm được chút ít tiền, hẳn nhiên phải thế rồi, nhưng họ trả công cho những tên Do thái và những tên Da đen hậu hĩnh hơn rất nhiều mặc dầu công việc của chúng chẳng cực nhọc bằng mà cũng ít nguy hiểm hơn. Họ cho là ông phải biết ơn họ vì họ đã “cài đặt” ông vào công đoàn. Ha ha! Thì cũng chỉ là con bù nhìn cho họ giật dây thôi. Lương lậu thì tương đối cũng khá đấy nhưng chưa đủ để bù đắp cho việc phải ngồi bàn giấy suốt ngày và chịu để cho hai cái lỗ tai bị hành hạ bởi những lời mè nheo than vãn lảm nhảm linh tinh từ những quân biếng nhác, ăn như xáng xúc, làm như lục bình trôi. Thế nhưng ông vẫn chịu khó để cho hai cái lỗ nhĩ bị hiếp dâm liên tục từ ngày này qua ngày khác, mà gần như chẳng nói gì nhiều, cứ thế mà cắm cúi cặm cụi công tác tốt! Ông đã tiêu phí bao năm tuổi đời để giải quyết những vấn đề của thiên hạ, nhưng có ai thèm nhấc một ngón tay vì công chuyện của Fausto Geraci, hở? Thế rồi sau bao nhiêu những năm tháng cúc cung tận tụy, cuối cùng được thăng hạng “nô tì bậc trung” thì một ngày kia: vèo! Thôi hãy về... vui thú điền viên! Tổ chức đã bố trí công việc này cho người khác(Fausto đủ lõi đời để biết rằng tốt nhất là đừng nên “théc méc” tại làm sao... con bò lại trắng răng!) và bố trí cho Bác tài Fausto về hưu non. Với một cục tiền đấm mõm. Cũng có nghĩa là bỏ tiền vô túi, sẵn sàng đi xa. (Hush money, go
-away money) Và ông làm gì? Ông lặng lẽ ra đi, lặng lẽ ngắm... lá vàng rơi Vèo trông lá rụng đầy sân, Công danh phù thế có ngần ấy thôi! Vẫn trung thành đến đoạn cuối. Trung thành quá đoạn kết luôn! Cái lão Fausto này tốt đấy. Một tấm gương nghĩa bộc tuyệt vời, đáng đưa vào luân lí giáo khoa thư!
Và Chúa ôi! Đừng có nói với ông là tuổi già vui với con cháu. Con gái của ông là một cô giáo nhưng là một cô gái già khô quắt, đã chuyển công tác từ Youngstown đến Tucson chỉ để làm cho cuộc sống của ông thêm phần bực bội khó chịu - mỗi tối sau giờ tan trường cô tạt vào thăm ông và dặn dòhãy ăn cái này, đừng ăn cái kia, hôm nay bao nhiêu điếu thuốc rồi hả bố? Cứ cái điệp khúc đó nghe mãi đến phát hãi! Còn con trai, người mang cả họ cả tên của ông, Fausto Geraci, chỉ thêm chữ Con? Cái thằng ngựa non háu đá ấy, hiếu thắng tự phụ lúc nào cũng vênh váo cho rằng ta đây hơn người. Mẹ nó từ nhỏ cũng nuông chiều con, khuyến khích nó nuôi dưỡng cái ý tưởng kiêu căng đó. Cho đến bây giờ mọi chuyện xem ra có vẻ thuận lợi cho nó. Lấy một con vợ tóc vàng với bộ ngực lớn hơn hai trái bưởi năm roi. Học trường Luật, lớp đêm. Và chuyện lái máy bay. Cũng chỉ là một cách để chứng tỏ với thiên hạ rằng ta đây đã vượt qua bố - một phi công tư nhân đắc sô, xem nào, vi vu giữa trời mây, chứ đâu phải một tài xế xe tải rề rề trên mặt đất. Từng mỗi hơi thở mà tên vô ơn đó thở ra cũng là một thách thức ngạo mạn. Ngay cả phát âm cái tên mình cũng theo kiểu lai tạp, không còn thuần túy theo cội nguồn. Lại còn bày đặt lớn lối với cái hỗn danh Geraci Con Át chủ bài. Trèo cao ngã đau đấy con. Hắn nghĩ ai đã lót đường cho mình? Vinnie Forlenza, chắc là hắn nghĩ thế. Hay là những thằng bú c... kia ở New York.
Khi những người khác bắt đầu thức giấc, và trước khi họ có thể bắt đầu làm phiền ông, Fausto đứng dậy từ chiếc ghế nơi bãi cỏ và đi vào garage. Ông để sẵn một cái áo làm vườn và đôi dép nhựa ở đó. Ông mang vào và ra làm vườn một hồi cho đổ mồ hôi. Trên đường đến trường, Barb và Bev, cầu phúc cho chúng, sẽ ra vườn gặp ông nội và hôn ông trước khi đi. Ông muốn bảo vệ cho những đứa cháu còn hồn nhiên thơ ngây đó khỏi cái thế giới nó sẽ làm chúng thất vọng và rồi hủy hoại chúng, thế nhưng thay vì thế, ông chỉ đứng ngây ra đó, tay cầm ống nước hay cái cào, cười như một người nông dân hạnh phúc và vẫy tay chào tạm biệt các cháu.
Rồi ông vào nhà, tắm rửa và lái xe qua mấy con phố đến chiếc xe moóc dùng làm nhà (house -trailer) của Conchita Cruz. Nàng ta chẳng nói được mấy tí tiếng Anh, còn ông không phải là người ham nói, nhưng trời xui đất khiến thế nào họ đã gặp nhau trong một quán bar không lâu sau khi ông dọn nhà về đây và họ đã tiến đến chỗ dàn xếp một tạm ước như thế này. Ông cũng không nhớ rõ lắm là mọi sự diễn ra như thế nào song ông thấy “chuyện đôi ta” mà hai người làm cho nhau giúp cho ông thấy rất chi là thư giãn vàthoải mái! Hair -AH -see, nàng phát âm tên ông, còn gần đúng hơn nhiều so với cách phát âm của chính thằng con ông. Thỉnh thoảng họ fuck nhau, nhưng thường hơn thì họ trải qua một vài giờ bên nhau mà không hỏi han gì. Chỉ đơn thuần là... hiện hữu (Just existing). Chiếc Tivi thật đắc dụng cho chuyện đó. Những lúc khác có thể họ chơi bài, chơi domino, mát -xa chân. Họ sẽ ăn trưa, hoặc tại nhà, hoặc tại quán nơi góc phố, và rồi ông sẽ hôn nàng lên trán. Họ không tuyên ngôn tình yêu cũng chẳng thề non hẹn biển gì với nhau, và cô sẽ đi làm ca hai tại nhà máy đồ hộp còn ông sẽ lái xe chạy một đoạn ngắn vào sa mạc. Mọi ngày, trừ Chủ nhật, trên cùng một đoạn đường thẳng đó, ông sẽ nhấn ga và xua đi khói bụi trong động cơ - và cả trong lòng mình. Có lần ông chôn cây kim chỉ tốc độ vào khoảng đen vượt quá 120. Rồi ông buông ga, thả lỏng tốc độ và nhịp tim mạch cũng như mọi dây thần kinh ông chùng xuống. Rồi ông về nhà, nơi kẻ trùng tên vênh váo của ông với cô vợ người Thụy điển lắm mồm của hắn có lẽ là đang cãi nhau. Lúc mới dọn về đây, Charlotte là một cô vợ gương mẫu, và Nick tỏ ra khiêm tốn vì tình trạng sức khỏe và thương tật còn tệ hại. Nhưng chỉ vài tuần sau, lúc anh ta bỏ cặp nạng ra, những cuộc cãi nhau lại bắt đầu. Ngay cả chuyện bật tắc Tivi xem kênh này hay kênh kia, đài này hay đài nọ cũng đủ là lí do để tranh cãi. Ngày qua ngày hai vợ chồng họ hành xử càng lúc càng giống với Fausto và bà vợ quá cố của ông trước đây, một cách mà cậu con dường như chủ ý làm để... chọc quê ông!
Đây là thời gian họ được nghĩ dưỡng để thưởng công cho Geraci sau những lần xông pha trận mạc, chịu thương tích đầy mình vừa rồi. Vì thế nên hai vợ chồng chẳng có chuyện gì để làm. Hoàn toàn không. Thế cho nên mới “nhàn cư vi bất thiện” khiến hai cái miệng muốn kiếm chuyện cãi nhau cho... bớt hưỡn! Khối lượng thời gian mà họ phung phí làm cho Fausto Geraci muốn phát ốm. Charlotte ra ngoài và mua sắm lung tung những thứ mà nàng chẳng cần để làm gì. Nick lái chiếc xe thuê chạy lòng vòng, gọi điện thoại từ những trạm điện thoại trả tiền nào đó và tạt vào một bar ổ chuột, bù khú với mấy đám tạp nham ba bứa, nhưng phần lớn thời gian anh ngồi lòng vòng đọc sách và nói chuyện với những người ghé lại để trao cho anh những tin nhắn.
Ngày nọ, Fausto về nhà thấy Nick đang cho đầy nước vào cái hồ bơi chết tiệt. Fausto chỉ hơi nhíu mày, và Nick dài dòng giải thích rằng thì là mặc dầu má anh đã chết trong cái hồ bơi đó khi trái tim suy yếu vì bệnh ung thư của bà hờn dỗi không thèm đập nữa nhưng bà đã chết trong khi làm điều mình thích.
Bà đâu có trăn trối là nên rút hết nước và để cho hồ cạn khô. Một cái hồ bơi mà để cạn khô, không dùng vào việc gì cả, thế thì phí quá! Cái thằng nhãi ranh lớn xác này thì biết gì về những chuyện đó? Hắn đâu phải là người vớt cái xác chết của bà ta khỏi nơi ấy. Thằng du côn ích kỉ. Bà ấy có ước nguyện hay không ước nguyện gì cũng chỉ là cái cớ. Nick chỉ muốn cho nước vào đầy hồ để hắn có thể sử dụng. Chắc chắn rồi, ngày hôm sau khi Fausto về nhà sẽ thấy không chỉ Nick đang bập bềnh trên một cái bè bằng cao su thổi phồng lên mà còn đang đọc một quyển gì đó về Eddie Rickenbacker. Lại thêm một trò chế giễu lếu láo. Đã bao nhiêu tuần rồi hắn không ngừng lời với những câu chuyện về các phi công tài ba lỗi lạc, các tay đua xe siêu tốc cừ khôi, những chuyện lạc giữa biển khơi, chuyện những ông trùm trong ngành hàng không. Ờ, thì là một con người đáng kể đấy, Fausto Geraci không thể phủ nhận: người hùng nước Mỹ và bao nhiêu thứ vân vân. Nhưng biết ba cái chuyện đó để làm gì nào. Eddie Ricken—ba que hay bốn que thì cũng kệ mẹ hắn chứ! Việc gì mà ông đây phải mệt trí để nhớ thêm một cái tên bá vơ chẳng có ích lợi gì cho mình sất! Để dành khoảng không gian tâm trí cho những cái tên Conchita, Margarita, Madonna vv... và nhớ lưu số điện thoại của các em vào “dế” để khi nào hứng thì a -lô cho các em, hẹn hò vi vu không thú hơn sao?
Nick đối xử với hai cô con gái như là đối với con trai, nhất là con bé Bev tội nghiệp, nó sùng kính bố và lớn lên có lẽ sẽ trở thành một giáo viên thể dục gái già cũng giống như bà cô khô quắt của nó. Hắn và Charlotte đem mấy đứa bé đến với mọi thứ dưới ánh mặt trời: vườn bách thú, rạp xiếc, phòng hòa nhạc, những trận bóng, phim ảnh - giống như chúng đang cố gắng thích nghi mọi sự cho lũ trẻ.
Nói chung, mấy bé gái này đã thích nghi tốt với việc dời chỗ ở về đây. Chúng đã kết bạn với đám trẻ láng giềng, học hành khá. Chúng hạnh phúc được làm trẻ con nhưng cha mẹ chúng lại không thể thấy điều đó.
Khi thấy buồn chán với cuộc sống trầm lặng ở đây và muốn quay về lại Long Island, thì Charlotte đến thưa chuyện với ông. Còn cậu con đắt sô của ông hình như chẳng thèm bận tâm đến những cảm nhận của ông bố. Fausto Geraci búng tay một cái kêu đánh tách. Ông không tự hào gì, nhưng ít ra một lần ông phải trải lòng mình, nói ra ý nghĩ thật của mình. Mấy đứa cháu gái của ông đã phải chuyển trường giữa học kỳ để đến đây và đã thích nghi tốt, và rồi bây giờ, chuyện gì đây? Vợ chồng chúng nó lại bắt mấy đứa nhỏ tội nghiệp phải chuyển trở về nhà cũ, chỉ hai tháng trước khi năm học kết thúc? Lũ vị kỉ, chẳng nghĩ gì đến cảm nhận của người khác, ngay cả của con cái mình! Bộ chúng không biết là bọn trẻ phải khó khăn lắm mới thích nghi được với môi trường sống mới? Ông không đành lòng để mặc như thế. Nick cứ về nhà nó đi. Cả Charlotte nữa. Ở New York thì có nhiều chỗ để tiêu tiền cho sướng tay hơn là ở đây. Nhưng mấy đứa nhỏ phải ở lại đây cho đến hết năm học đã. Bộ mẹ chúng nghĩ rằng Fausto Geraci này, sau cả một đời lo chuyện cho thiên hạ, lại không thể lo cho hai cháu mình vài tháng hay sao? Mẹ chúng chắc gì đã lo cho chúng tốt hơn ông nội này?
Khi ông la lối cô ta như thế, ông đã, đúng vậy, đập bể một số đồ đạc, nhưng đó là đồ đạc của ông. Nước mắt ông đổ ra là nước mắt giận dữ. Bây giờ lũ con trời đánh lại bắt ông đi cho bác sĩ khám có mắc bệnh tâm thần không.
Đó là cái giá mà một người phải trả để nói sự thật. Không có gì. Fausto Geraci là một kẻ cả đời chẳng làm được cái quái gì tốt đẹp ngoại trừ cho hai cháu mình và một người đàn bà Mễ sống trong một
chiếc xe moóc và hầu như chẳng biết tí gì về ông. Và giờ đây những đứa cháu gái của ông cũng ra đi. Ông tự tay lái xe đưa chúng đến nhà ga và tiễn chúng mà lòng nặng trĩu. Thằng con ông và người đàn bà kia không thèm ngoái đầu nhìn lại, và đứa cháu gái lớn cũng không. Nhưng con bé Bev quay nhìn quanh, thẳng vai lên, ngướng cỗ ra và hôn gió ông nội với một nụ cười thiên thần. Cháu nên cười nhiều hơn nữa, Bev cưng quí của ông.
Chuyến đi đến nhà ga đã làm ông lỡ hẹn bữa ăn trưa với Conchita. Ông cũng hết hứng với việc chạy một vòng vào sa mạc. Ông về căn nhà trống vắng của mình. Ông có thể đơn độc bất cứ ở đâu nhưng ông đã quen với khoảng sân kia rồi. Chỉ là vấn đề thời gian thôi, ông nghĩ, trước khi Conchita cũng biến đi như làn khói. Fausto Geraci nhìn vào hồ bơi. Thêm một điếu Cheterfield King, có thể là hai - tối đa là ba - và sau đó ta sẽ rút hết nước khỏi cái hồ trời đánh kia.
Những người viết tiểu sử và những ai quan tâm đến lịch sử Mafia ở Hoa kỳ thường lưu ý rằng mọi quyết định táo bạo trong những năm hình thành nhân cách của Michael Corleone được đưa ra trong thế đối nghịch lại bố anh. Như chuyện nhập ngũ Thủy quân Lục chiến. Lấy một cô gái như Kay Adams làm vợ. Nhúng tay vào công việc của gia đình trong khi Vito Corleone còn đang hôn mê và không thể ngăn cản chuyện đó. Lao vào việc buôn bán ma túy. Vài nguồn khác còn gợi ý rằng Michael Corleone đã dùng cái chết của ông bố như một cái cớ để phát động chiến tranh với hai Gia đình Barzinis và Tattaglias sớm hơn theo dự định của Vito Corleone.
Sự phá vỡ đầu tiên mô thức này có lẽ là quyết định của Michael để cho Nick Geraci được phép... tiếp tục sống. Dầu người ta có thể nói gì đi nữa về những hậu quả của quyết định này, thì đó cũng chính là quyết định mà bố anh có lẽ cũng làm thế, vì bốn lí do.
Trước tiên, việc phong cho Geraci chức capo chỉ huy regime trước đây thuộc quyền Tessio đã, như Michael mong đợi, làm lắng xuống mọi hiềm oán về cuộc hành quyết Tessio, tuy là chuyện chẳng hay ho gì nhưng tất yếu phải thế. Geraci quen thuộc với dân đường phố, những người này chẳng có ý niệm nào về chuyện anh ta mang tên O’ Malley, họ chỉ nghĩ rằng anh ta đến Tucson để mở ra những chuyện làm ăn mới, điều mà Geraci thực sự cũng có làm. Gia đình Corleone quản lí một số những tay cho vay nặng lãi, có một quán bar và quán thịt nướng nơi đó, nắm được một đại úy cảnh sát và thọc tay vào một nguồn marijuana được một cựu tổng thống Mexico bảo kê.
Thứ nhì là, mọi lí do để cảnh giác về Geraci đã được giảm nhẹ hay được loại trừ. Ngay cả Chicago, Los Angeles hay San Francisco không bao giờ gửi người đến để giết anh ta, anh ta cũng vẫn e dè về chuyện đó, điều này sẽ kìm hãm bớt tính hiếu chiến của anh ta. Anh ta dường như biết ơn thành thực và sâu xa đối với Michael đã bảo vệ anh ta sau cái trò nguy hiểm bắt cóc lố lăng của Forlenza, đưa anh ta về Tucson và sắp đặt cho anh ta trở về New York. Và giờ đây khi Narducci sắp sửa nắm quyền ở Cleveland, những quan hệ của Geraci với Forlenza cũng không mấy quan trọng.
Thứ ba là, Geraci là tay kiếm tiền cừ khôiDường như hắn có ngón tay chỉ đá hóa vàng.
Thứ tư là, Michael Corleone cần hòa bình. Tổ chức của anh ta không phải là Binh chủng Thủy quân Lục chiến Mỹ. Anh ta không có đủ người, nhất là không đủ người thiện chiến để tiến hành chiến tranh
vô thời hạn. Để cho Geraci sống sẽ giúp cho Michael củng cố cảm tưởng rằng Louie Russo là kẻ đáng nguyền rủa về vụ rớt máy bay, một yếu tố chủ chốt cho hiệp thương hòa bình được chính thức hóa tại cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên đó ở Thượng New York.
Vậy tại sao còn cần đến một hội nghị thứ nhì? Tại sao còn phải tổ chức những hội nghị kiểu đó hàng năm? Và tại sao cứ phải tổ chức tại cùng một địa điểm.
Những người đến tham dự lần đầu trong căn nhà nông trại màu trắng đó chắc hẳn không có lí do bắt buộc nào để nhất trí là sẽ gặp lại tại đó vào năm sau (và, thực vậy, cuộc gặp gỡ năm 1957, xét về mọi khía cạnh, chỉ là một sự kiện thông lệ, hầu như chắc chắn là không thực sự cần thiết, chỉ là một cước chú lịch sử - a historical footnote - cho cuộc gặp gỡ năm 1956 và cuộc gặp gỡ định mệnh vào mùa xuân năm 1958). Những vấn đề mà họ đến để thảo luận và giải quyết, đã được thảo luận và giải quyết. Nền hòa bình được thỏa thuận vào ngày đó có tính lịch sử và lâu dài; cho đến hôm nay, chưa có một cuộc bùng nổ bạo lực nào giữa các Gia đình so với cuộc chiến 1955 -1956 (hay với hai cuộc chiến trước đó, Cuộc Chiến Giữa Năm Gia Đình trong thập niên 1940s và Cuộc Chiến Castellamarese năm 1933). Chưa có tiền lệ nào để lên lịch cho một cuộc gặp gỡ như thế; mọi hội nghị thượng đỉnh trước đó chỉ được triệu tập nhằm trả lời trực tiếp cho những vấn đề đang tồn tại.
Quyết định triệu tập những hội nghị này hàng năm được tán thành không phải tại hội nghị năm 1956 nhưng là chẳng bao lâu sau đó. Không có điều gì trong quyết định đó đã xảy ra nếu không vì ngẫu nhiên mà ngày hôm đó thời tiết lại vào lúc giao mùa và, hơn thế, bởi con lợn khổng lồ kia.
Michael đã có ý rời đi ngay sau khi mọi chuyện đã xong xuôi. Nhưng trong nhiều giờ, các cửa sổ đã được mở. Trong nhiều giờ liên tục, mùi thơm từ con lợn quay đã lan tỏa vào trong phòng tạo hiệu ứng ma thuật khiến người ta thèm rỏ dãi. Clemenza - giống như hầu hết mọi người khác ở đó - không phải là loại người đi qua một lộ trình dài mà không có miếng gì bỏ bụng. Mùi bánh mì nướng tỏi đủ ngon để khiến người lớn cũng... khóc vì thèm, ngay cả những người lớn rất đặc thù này! Thế mà đây còn là loại bánh mì thượng hảo hạng vừa mới ra lò còn nóng hổi nữa! Chỉ cần chấm xì dầu ớt tỏi cũng đủ mê rồi huống hồ là còn được ngốn ngấu với thịt heo quay thơm lừng, béo ngậy rồi làm vài cốc rượu vang Bordeaux Pháp ướp lạnh nữa thì cứ gọi là lâng lâng! Vừa hay khi nên trời cũng chiều người: hóa ra hôm đó lại là ngày lập xuân, thời tiết lại chuyển qua ấm áp một cách ôn hòa, dễ chịu. Cảnh ấy tình này ai nỡ lòng nào bỏ đi cho đành, nhất là khi bụng đã đói meo sau mấy giờ bàn bạc thương nghị?
Thế mà, bỗng dưng Michael Corleone cảm nhận một bàn tay lạnh ngắt chạm vào sau gáy anh. Ai mà giỡn nhột ghê! Dễ được xơi một cú cùi chỏ cho phù mỏ quá!
“Tớ không xơi được thịt nợn,” một giọng the thé cất lên, chỉ thấp hơn giọng con bé ba tuổi của Michael một tí. Hóa ra là “Ngài Mặt Đéo” Louie Russo. “Cũng thèm lắm nhưng mà không thể ăn được. Máu nhiễm mỡ. Ăn thịt nợn vào là tim làm biếng đập ngay,” y lấy tay đập đập vào ngực. “Này, xin được một lời riêng với anh, trước khi tớ đi, mong anh không phiền?”
Họ cùng tản bộ qua sân cỏ trong lúc mấy người kia lục tục vào căn lều để đánh chén. Tay quân sư quạt mo (consigliere) của Russo lo đi lấy xe.
“Tớ đã không muốn nói điều này lúc ở trong phòng họp. Tớ là người mới. Người mới phải biết yên lặng và lắng nghe.”
Michael gật đầu. Russo thực ra cũng nói nhiều lắm tại bàn hội nghị.
“Tớ không được ăn học nhiều như anh,” lão ta nói bằng cái giọng cao the thé, kỳ quặc của mình,” và tớ hơi lơ mơ về đôi điều. Khi anh nói đến đoạn cuối về chuyện thay đổi, anh làm tớ thực sự bối rối đấy.”
“Tôi không hề quan tâm việc bảo ban người khác nên quản lí công việc của họ như thế nào. Nhưng sẽ đến một lúc mà người khác sẽ nắm quyền kiểm soát tội ác đường phố, theo cách mà người Ý đã giành lấy từ tay người Ái nhĩ lan hay người Do thái. Hãy nhìn bọn Da đen kìa; ở một vài đô thị quyền lực bọn chúng đang lớn lên từng ngày.”
“Không phải ở Chicago.”
“Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi thấy chẳng được gì nếu chúng ta tích lũy được tiến bạc, của cải, quyền lực lớn hơn nếu chúng ta không chuyển được quyền lực & của cải đó từ bóng tối ra ánh sáng. Và đấy là điều tôi dự định làm.”
Có tiếng cười vọng lại từ bóng đêm vừa buông xuống. Ngồi trên một hòn đá lớn kế bên chiếc lều, Pete Clemenza và Joe Zaluchi, trở thành thông gia qua đám cưới giữa hai đứa con họ, đang chuyện trò bù khú với nhau có vẻ tương đắc lắm.
“Anh lại làm tôi bối rối với bóng tối và ánh sáng đấy.” Russo nói. Michael bắt đầu giải thích.
“Không, không, không,” Russo xổ liền một tràng phủ định ba tiếng. “Xin đừng nói với tớ cứ như thể tớ là thằng ngu vậy.”
Michael chẳng biện hộ hay công nhận sự bùng nổ nho nhỏ của cơn bực bội kia, vốn có vẻ xúc phạm nơi một Ông Trùm, cho dầu là một kẻ đến từ Chicago.
“Tớ xin nói với anh như thế này,” Russo nói. “Anh nói về chuyện bằng cách nào một ngày kia con cái chúng ta có thể trở thành đại biểu quốc hội, thượng nghị sĩ, hay ngay cả là thống đốc, tổng thống, mà chúng ta vẫn có những người ấy trên bảng lương của chúng ta.”
“Tổng thống thì không bao giờ,” Michael nói, nghĩ đến Ngài Đại sứ và nghĩ chưa.
“Chưa,” Russo nói. “Đừng nhìn tớ như thế. Tớ biết anh đã nói chuyện với Mickey Shea. Anh nghĩ anh là người duy nhất mà lão ấy thương lượng với hay sao?”
Nhiều Ông Trùm khác đang nhìn đường đi của họ. Michael đâu muốn có ai đó nghĩ rằng mình đang mưu đồ điều gì. “Chúng ta nên trở lại,” anh nói.
“Tớ không quay lại, xin anh nhớ cho?” Russo nói. “Tớ đang đi. Nhìn này, tất cả những gì mà tớ cố gắng nói ra đó là, ít ra là ở Chicago, chúng tớ chọn những người chúng tớ muốn, và một khi họ an vị rồi thì chúng tớ sẽ lấy lại từ họ những gì chúng tớ muốn lấy ra từ họ. Ngay cả những kẻ mà chúng tớ không kiểm soát được, cũng được kiểm soát bởi ai đó.
Đừng nói với tớ cứ như thể tớ là thằng ngu. Michael Corleone nghĩ nhưng đếch nói.
“Như vậy, tại sao,” Russo nói, “chúng ta lại mong ước điều này cho con cái chúng ta? Tại sao chúng ta muốn chúng trở thành những con bù nhìn? Chúng ta chẳng ngây thơ, anh biết mà, không ai trong chúng ta ngây thơ cả, thế mà vẫn có một số người trong chúng ta vẫn ôm giấc mộng lớn nhưng cũng thật hão huyền đó. Tớ không hiểu nổi. Tớ chẳng hiểu một li ông cụ nào, nói thật đấy.”
Mấy người ở dưới căn lều đang gọi họ.
Michael mỉm cười. “Không ai vượt quá sự kiểm soát của những người khác cả, Don Russo à. Kể cả chúng ta cũng không.”
“Chỉ muốn nói phần mình thôi,” Russo nói. “Ô, vả chăng -”
“Hey, Mike!” Clemenza gọi. “Khi anh gặp vận may, chúng tôi cần anh đôi việc.”
“Sao ạ?” Michael quay sang Russo, tỏ ý sẵn sàng nghe tiếp điều lão đang nói nhưng bị cắt đứt nửa chừng bởi tiếng gọi của Clemenza.
“Nhanh thôi,” Russo nói. “Tớ muốn làm sạch không khí và làm sáng tỏ hành vi của mình. Tớ chắc rằng anh biết là Capone gửi người anh em tớ, Willie và một tay khác nữa đến giúp Maranzano trong lúc khó khăn, và trở về khi ông ấy và bố anh đã giải quyết được cơn khủng hoảng.”
Vậy ra đây chính là điều cốt lõi mà cuộc tản bộ mạn đàm này nhắm tới.
“Tôi đã được nghe thân phụ nói về chuyện đó rồi, Don Russo à, ông cứ an tâm,” Michael nói. “Giữa chúng ta không có gì vướng mắc về chuyện đó đâu.”
“Tớ nguyền rủa Capone. Tớ muốn anh biết điều đó. Đâu phải chuyện của lão ta, những gì xảy ra ở New York. “Russo đưa bàn tay mềm và nhỏ nhắn ra.” Bố anh đã làm điều mà ông ấy phải làm thôi.”
Michael chấp nhận cái bắt tay, vốn trở thành một cái ôm, được đóng dấu bởi một cái hôn, và Don Russo ngồi vào xe mình, đang đợi lão ta từ nãy giờ.
“Don Russo đi đâu vậy?” Clemenza hỏi khi Michael quay trở lại căn lều. Pete khó chịu muốn chết khi
không thể gọi Russo kèm theo cái hỗn danh “Lão Mặt Đéo” trước mặt các Ông Trùm khác. “Lão không thể ăn thịt heo,” Michael nói.
“Tôi nghĩ Winnie Forlenza là người Do thái làm tin của chúng ta,” Zaluchi nói.
“Đủ rồi đấy!” Forlenza hét lên từ chiếc xe lăn. “Nếu không có những tên Do thái mà ta gửi đến Las Vegas thì phần lớn các anh sẽ chẳng có xu nào để tiêu xài đâu.”
“Chúng tôi còn có nhiều hơn là chúng làm ra cho chúng tôi,” Sammy Drago, Ông Trùm của Tampa phản pháo, “nếu chúng tôi có được một hào mỗi lần chúng tôi phải nghe ông kể lể công đức của ông và người của ông đối với chúng tôi.”
Forlenza xua tay tỏ vẻ ghê tởm. “Này, Joe. Anh kêu gọi một cuộc đầu phiếu, vậy thì chúng ta bỏ phiếu đi.”
Hài lòng với món barbecue (nướng ăn tại chỗ) và có được bạn tâm giao, Pete Clemenza nêu ý kiến là họ nên tổ chức chuyện này hàng năm, và Joe Zaluchi nâng một bên kính mắt lên tỏ ý tán thành và đề xuất cuộc bỏ phiếu sau khi họp. Tất cả, trừ một người trong số các thành viên của Ủy ban vẫn còn hiện diện tại đó. Cuộc bỏ phiếu đạt kết quả đồng thuận tuyệt đối.
Không lâu trước khi quay về lại New York, Nick Geraci gặp Fredo Corleone trong một phòng quay đang dựng cảnh cho phim Ambush at Durango. Cảnh trông khá thực nếu bạn đừng nhìn vào nhưng dây cáp và những lối đi men (catwalks). Fredo có một vai diễn trong phim nhưng chưa thay trang phục diễn. Họ ngồi ở một cái bàn gần cửa ra vào. Họ là những người duy nhất ở đó. Bên ngoài, giám đốc sản xuất, một người Đức với kính một mắt, la lối người nào đóvì ông ta không thích màu sắc và tạo dáng của bùn.
“Anh thấy cái thứ rác rưởi này chưa?” Fredo nói, ném tờ báo buổi sáng lên bàn. BÀ HOÀNG ĐIỆN ẢNH ĐI HƯỞNG TUẦN TRĂNG MẬT Ở ĐÂY VỚI ANH CHỒNG CÔN ĐỒ, đó là cái tít giật gân
của bài báo. Hai đoạn đầu có những câu trích vô hại từ Deanna Dunn. Đoạn thứ ba nêu ra rằng Fredo cũng tham gia diễn xuất, “bắt đầu sự nghiệp điện ảnh như một tên vô lại.” Sau đó câu chuyện là một mớ pha trôn tạp nham đầy những tin cũ, qua nhiều năm, đã từng xuất hiện trên báo chí ở New York và được cho thêm tiêu hành ớt tỏi với những cụm từ được cho là như thế, người ta xầm xì rằng, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng được độ tin cậy... làm như anh nhà báo này có lương tâm nghề nghiệp lắm lắm, không xác định điều gì mà mình chưa kiểm tra chắc chắn, nhưng thực ra đó chỉ là mánh khóe câu khách, khêu gợi óc tò mò của người đọc bởi những tờ báo lá cải chuyên nghiệp. Tuy vậy nó lại được kèm theo những hình ảnh có thực. Fredo giận tím mặt khi nhìn thấy bức ảnh chụp anh đang ngồi thu mình ngay sau khi Vito bị bắn, trố mắt ra nhìn thay vì cố tìm cách cứu mạng sống ông già. “Tôi đâu đóng vai tên vô lại,” Fredo nói. “Tôi bắt tên vô lại lừa đảo mà.”
“Có gì quan trọng?” Geraci nói. “Nếu anh gọi cho báo hoặc trực tiếp đến tòa soạn phân trần, thì sau đó họ lại sẽ thực sự có một câu chuyện. Nó sẽ làm cho mọi chuyện rối mù hơn và tệ hại thêm lên chứ
chẳng giúp được gì.”
“Anh nói tệ hại thêm, đúng không? Vậy là anh đồng ý. Cái này là xấu. Người ta không đi đến tệ hơn
từ tốt hay được lắm. Không, trừ phi anh đã ở mức xấu.”
“Anh quan tâm làm quái gì?” Geraci nói. “Chỉ là một tờ báo lằng nhằng cấp huyện, hơi đâu phí tâm trí để ý đến làm gì.”
“Chúng đăng toàn những chuyện sai lạc.”
Như sự kiện là Deanna Dunn đâu còn được gọi là Bà hoàng điện ảnh nữa. Nàng ta là một con sâu rượu, và ánh mắt nhìn cũng như sự nghiệp của nàng ta bị tổn hại bởi chuyện đó. Geraci hình dung rằng nàng kết hôn với Fredo chỉ để cho nàng có thể tiếp tục cuộc sống xa hoa ngay cả khi tài năng diễn xuất của nàng đã cạn kiệt hoàn toàn.
Bên ngoài, đạo diễn ra lệnh “Action!” Một toa xe lao ầm ầm xuống con phố bụi mù, và Deanna Dunn bắt đầu la hét.
“Cảnh đó ở trong kịch bản,” Fredo nói. “Fontane chết và Dee Dee la hét.” Nàng đóng vai góa phụ của viên quận trưởng cảnh sát. Fontane là ông mục sư mang súng.
“Nếu anh muốn những sự kiện,” Geraci nói, “thì có nhiều chỗ tốt hơn để đến, chứ không phải là tờ báo.”
“Chúng tôi kết hôn đã hơn một tháng nay. Chuyện này đâu phải là bí mật gì, như tờ báo nói, và chúng tôi đã có tuần trăng mật. Nghỉ cuối tuần ở Acapulco nơi chiếc xe Jeeps màu hồng rơi xuống bãi biển đó.”
“Kỳ trăng mật ngắn ngủi.”
“Chúng tôi ai cũng đều bận rộn cả.” “Tôi có làm anh phát cáu không?”
“Ồ, ai mà không muốn dành nhiều thời gian cho tuần trăng mật của mình, anh biết mà”
Geraci có lẽ không muốn, nếu như phải nằm chết dí trong một phòng khách sạn với một người đàn bà quan tâm đến bản thân một cách quá quắt đến mức hiếu chiến như Deanna Dunn. Trừ phi có lẽ bạn có thể làm cho nàng rú lên như thế khi nằm trên giường. Đạo diễn lại ra lệnh hành động cho một cảnh quay khác. Tiếng la rú của Deanna càng kinh hoàng hơn. “Tôi chưa bao giờ đến Acapulco,” Geraci nói. “Có gì đặc biệt không?”
“Tôi không rành lắm. Đại khái là cũng giống như nhiều nơi khác thôi, tôi đoán thế.” Fredo đấm nắm
tay xuống mặt bàn, ngay chỗ tấm hình anh ngồi vào chiếc limo tại sân bay. “Giải thích giùm cho tôi nghe coi. Chúng tôi đã ở đây ba tuần, một cách công khai, để làm công việc của mình, và giờ đây thình lình, cái tin chó chết này?”
“Fredo à, tại anh kết hôn với một ngôi sao điện ảnh. Anh chờ đợi điều gì nào?” “Tôi kết hôn với ngôi sao điện ảnh cả tháng rồi mà.”
“Bây giờ anh cũng là ngôi sao điện ảnh rồi.”
“Chuyện đùa để cười chơi thôi. Tôi đóng phim chưa tới một phút.” “Tuy thế, cũng là... tài tử điện ảnh!”
“Vậy tại sao họ không nói về tôi như là một người có hậu thuẫn trong ngành giải trí đang thử tạo sự nghiệp trong ngành này.”
Geraci nhận ra những lời của Michael Corleone trong miệng của người anh. Michael đã đồng ý với hình ảnh được quảng bá với công chúng của Fredo như là cái gì hữu ích trong việc giúp làm cho những người họ Corleone trở thành hợp pháp hay ít nhất là có vẻ như thế.
“Xem này, Geraci nói. “Tôi đã đọc tờ báo đó nhiều tháng rồi. Tin tôi đi, chẳng ma nào thèm đọc nó đâu.”
Fredo bật cười. Một lát sau nụ cười rút đi khỏi khuôn mặt anh. “Cậu nói chuyện ấy như chuyện đùa, đúng không?”
Geraci nhún vai, nhưng rồi mỉm cười.
“Coglionatore,” Fredo nói, cũng cười và đấm vào vai Geraci một cách thân mật.
Cho đến ba tuần trước khi việc quay bộ phim này bắt đầu, Geraci hầu như chưa nói chuyện gì với Fredo. Hóa ra anh ta là một chàng trai thực sự rất dễ mến.
“Cậu tưởng mọi chai whiskey kia đều thật cả à?” Fredo nói, chỉ vào mấy chai sáng, không dán nhãn trên dãy kệ quầy bar.
“Tôi làm sao biết được? Sao anh không đi mà xem thử?”
Fredo xua bỏ ý niệm đó bằng một cái nhíu mày và cái vẫy tay. “Đó là điều cuối cùng mà tôi cần.” Geraci gật đầu. “Aspirin?”
“Có đôi khi.” “Một vài đêm.”
“Tôi sẽ kể cho cậu nghe đây,” Fredo nói, lắc đầu và bỗng nhiên trông có vẻ vừa nuối tiếc vừa ngạc nhiên. “Không còn nữa, khi mọi đêm đều là đêm đáng nhớ.”
Đêm rồi hai người đã mang vợ theo đi ra phố, cũng như thường lệ. Do một ý tưởng ngẫu hứng, họ hướng xe về phía Mexico. Khi họ đến đó Deanna Dunn nằn nì đi xem sô diễn lừa với người. Charlotte giận dữ vì suốt đêm, dầu ai nói gì về bất kỳ đề tài nào thì Deanna Dunn cũng kéo cuộc đối thoại trở về với Deanna Dunn. Geraci bắt đầu chuyển đổi đề tài một cách võ đoán, nhưng cho dầu sự thay đổi có lố lăng buồn cười đến đâu, nàng ta cũng lấy đó như một đầu mối để kể một câu chuyện khác về Deanna Dunn. Sau khi về nhà Char kết tội chồng là nịnh Deanna. Chàng ta cứ làm như nước đổ đầu vịt, chẳng thanh minh biện hộ gì. Nàng ấm ức nhưng rồi đành chịu thôi với chiến thuật “quăng cục lơ” của chàng, nhưng cảm thấy vô cùng thất vọng rằng Bà Hoàng Điện Ảnh mà nàng từng rất phấn khích với chuyện được chơi thân với, hóa ra lại là một cô đầu to mồm lớn, nói đùa tục tĩu về chuyện chồng mình không thích những màn diễn “thổi kèn” dầu là độc tấu hay song tấu, saxo hay trumpet hay trombone! - với Fredo ngồi ngay đó, giống như một người cố cười trong khi ruột kết co thắt từng cơn chẳng mấy chốc mà phải... ị ra quần! Cô ta còn cho rằng đi xem màn trình diễn con lừa fuck một cô gái Da đỏ còn vị thành niện là một trò gây cười đầy hứng thú! Tuy vậy, nếu để cho Charlotte có thời gian, nàng sẽ kể tất cả những buổi parties dành riêng cho phái nữ ở East Islip với những đêm hoang dại, sẽ khiến cho nàng có vẻ như muốn học đòi... làm sang!
Từ dưới phố vọng lên tiếng đổ vỡ ầm ầm của toa xe.
“Đừng lo ngại gì,” Fredo nói. “Cái đó cũng ở trong kịch bản.”
“À, vâng,” Geraci nói. “Thứ lỗi cho tôi nếu, từ sau vụ rớt máy bay kinh hoàng nọ, tôi hơi bị căng thẳng khi nghe tiếng đổ vỡ.”
“Tôi đâu có được thứ quyền lực đó,” Fredo nói. “Cậu muốn sự tha thứ, chuyện đó là của Mike.”
Geraci cố làm ra vẻ không ngạc nhiên. Anh chưa từng nghe Fredo lộ ra một tí oán hận nào đối với em mình. “Vậy Fontane có ở đây?”
Fredo lắc đầu. “Họ đã rút anh ta ra khỏi phim, cậu tin nổi điều ấy không? Chính người đóng thế vai cho anh ta đang giả chết ngoài đó.”
Sự lơ là, bỏ bê của Fontane đối với chính hãng phim của mình đang càng ngày càng trở thành một vấn đề lớn, nhưng đây là lần đầu mà anh bỏ đi trong lúc phim đang quay. “À, ra thế?” Geraci nói. “Anh ta bỏ mặc chuyện làm phim, để ai làm gì thì làm?”
“Tôi không muốn dây dưa vào đó,” Fredo nói. “Tôi nghe Dee Dee bằng một tai, người anh em tôi
bằng tai kia và mặc kệ Hagen bằng tai khác nữa.” “Vậy ra anh có đến ba lỗ tai?”
“Cảm thấy hình như thế,” Fredo nói. “Không phải là thứ cảm nhận mà tôi khuyên người khác nên có.”
Họ bàn về công việc. Geraci đã chờ đợi Fredo - như anh ta vẫn làm thế những lần trước đây khi họ ngồi xuống để họp bàn với nhau - truyền lại những thông điệp về chiến dịch của Geraci trở về New York. Thay vì thế, Fredo cho anh biết tin tức về những cuộc thương nghị hòa bình ngày trước đó. Mọi chuyện đã thu xếp: Geraci sẽ về nhà.
Điều này cũng là thứ mà một người có thể nghe trước khi hắn được “thanh lí thể lí” một cách nhanh gọn và lặng lẽ. Nhưng nếu đó là điều sắp xảy ra, tại sao Mike lại phái Fredo?
“Cậu ổn chứ?” Fredo hỏi. “Thính giác của cậu có vấn đề gì không vậy? Tôi đã nghĩ rằng một người được tin như thế này hẳn là lên chín tầng mây chứ?”
Nhóm nhân viên âm thanh ánh sáng đã trở vào lại và bắt đầu dựng cảnh quay mới. Mấy anh chàng rải mạt cưa lên sàn và bày ra những quân bài, những con phỉnh chơi poker, những tấm kính dơ, những tờ chép nhạc cho một người chơi piano được cho là đã chết.
“E là mọi chuyện sẽ trở nên rắc rối khi về nhà,” Geraci nói. “Thế thôi.”
Fredo hạ thấp giọng. “Này, quan hệ giữa cậu với nhà Stracci ra sao? Ý tôi muốn nói là trước đây, quan hệ thế nào? Trước khi dời về đây. Tôi có lí do để hỏi chuyện đó.”
“Tôi có quan hệ làm ăn với một số người ở đó.” Nếu không có những cống phẩm hậu hĩ mà Geraci nộp cho Tony Stracci Mặt sắt Đen sì, thì ma túy chẳng bao giờ có thể đổ bộ vào Jersey và đi đến New York một cách trơn tru như thế. “Lí do của anh là gì?”
“Tôi có ý này. Có thể có cái gì trong chuyện đó cho phần cậu. Nguồn thu nhập mới. Có thể là một trong những nguồn tốt nhất mà chúng ta từng có. Khi tôi nói chuyện đó với Mike, chú ấy nói không, nhưng càng biết về cậu hơn, tôi càng nghĩ cậu và tôi cùng thuyết phục có thể làm chú ấy thay đổi ý kiến.”
“Tôi không biết, Fredo à.” Geraci hy vọng mình không lộ ra, nhưng anh ta thấy sốc. Fredo chưa biết gì nhiều về anh ta mà đã chiêu mộ anh ta để thách thức Michael Corleone. “Nếu Ông Trùm từ chối xem xét chuyện này -”
“Đừng lo lắng khoản đó. Tôi sẽ thu vén chuyện đó. Tôi biết chú ấy hơn bất kỳ ai mà.”
“Tôi chắc là đúng như thế,” Geraci nói. Kiểu phản đối một cách công khai có lẽ là phạm thượng nếu đến từ một kẻ thô lỗ nào đó nơi đường phố. Nhưng đến từ sotto capo? Từ anh của Ông Trùm? “Tôi
phải thẳng thắn với anh, Fredo à. Tôi sẽ không -”
“Tôi coi trọng những gì cậu nói, nhưng hãy nghe tôi đã, okay? Okay. Vậy, chuyện là thế này. Cậu là luật sư, đúng không nào? Cậu có biết rằng chôn người trong nội thành San Francisco là phạm pháp?”
Sai, tôi chưa phải là luật sư, nhưng Geraci thấy không cần thiết phải đính chính. Ngay lúc đó, Deanna Dunn ùa vào qua cánh cửa bật.
“Này này,” nàng ta lầm bầm, “kiếm cho tôi một vé trên chuyến bay đêm tốt nhất.”
“Khá đấy,” Geraci nói. Giọng nói cô ta giống như diễn viên đóng vai tên vô lại trong cuốn phim đó, một kẻ cục mịch hay khóc nhè, cũng bắt đầu vào đời bằng cách chấp nhận chơi cái trò “đấm và chịu đấm” để ăn xôi, được gọi một cách hoa mỹ là “quyền Anh”.
“Những chai kia không phải là chai rượu whiskey thực đâu,” Fredo nói.
“Lòng quyến luyến của anh đối với thực tại có hơi quá quắt đấy. Giảm bớt đi thì vừa, được không?” “Ồ, được thôi,” Fredo nói, làm lơ cô vợ và quay sang nói với Geraci. “Tôi quên mất.”
Anh nắm lấy hai ve áo veste. “Tôi có một anh chàng. Anh ta đang ở Beverly Hills, nhưng tôi mang anh ta đến Vegas để mua sắm quần áo. Anh ta cũng như anh chàng thế vai Fontane ngoài kia, đây là điều tôi nghe được về anh ta”
“Không giống như anh,” Deanna Dunn nói, “Johnny phải đặt may quần đặc biệt cho mình mới được. Không có quần may sẵn nào vừa vặn với anh ta cả bởi đồ nghề của anh ta thuộc loại -”
“Hàng khủng, phải không?”Geraci không thể tin rằng Fredo để nàng ta đi xa đến thế. “Thì người ta đồn thế,” Fredo nói.
“Người ta là ai?”
“Ồ, cưng à.” Deanna Dunn quay và đánh võng một chiếc ghế.
“Ai không phải là người ta?” Nàng nhướng nhíu, nháy nhó hai hàng lông mày và cả hai hàng lông mi.
Geraci có thể thấy trong đôi mắt Fredo rằng anh ta đang tức điên lên, nhưng cái cười vẫn còn nấn ná một cách đáng sợ trên gương mặt của mộtsotto capo.
“Tôi đóng một phim chung với Margot Ashton,” Deanna Dunn nói,” trong thời gian cô ấy với Johnny còn là vợ chồng. Tay đạo diễn, Flynn, trêu chọc cô ta về việc kết hôn với một anh chàng da bọc xương, chỉ nặng có chín mươi tám pounds như Johnny Fontane. Chỉ một lát suy nghĩ thôi, trước
mặtmọi người, Margot dõng dạc trả lời, “chồng tôi có thể là da bọc xương, nhưng chỉ số thể hình của anh là tuyệt hảo. Tám pounds cho toàn bộ con người Johnny còn chín mươi pounds là ‘bộ tam sự’ của anh ta!”
Fredo nổ ra tiếng cười lớn, giải tỏa hả hê mối nghi ngờ từ nãy giờ.
“Người phụ nữ đáng yêu, cô Ashton ấy,” Geraci phát biểu. Còn cô, cô Dunn à, có phải chỉ số thể hình của cô là tám pounds cho toàn bộ Deanna và chín mươi pounds cho cái đầu khổng lồ? Geraci nghĩ thầm.
“Tất nhiên là,” Deanna hào hứng nói tiếp, “sau khi cô ta nói thế, tôi bèn coi công việc của mình là’kiểm chứng thực nghiệm’ xem cô ta có phóng đại quá chăng.”
Những người duy nhất mà Geraci từng thấy khuôn mặt họ chuyển từ niềm vui rạng rỡ sang thất vọng tột cùng nhanh như khuôn mặt của Fredo Corleone đó là khuôn mặt của hai đứa con gái yêu của anh, nhưng chỉ là khi chúng hãy còn bé tí.
“Và như thế, với niềm vui lớn lao, trước mặt tất cả các bạn đây, toàn những người bạn tốt,” Deanna khoái chí tự bạch theo cách có gì xấu đâu mà phải giấu, “tôi xin long trọng tuyên bố rằng, rằng thì là... lời đồn quả không ngoa!”
Đúng là, một nữ diễn viên từng hai lần đoạt giải Oscar - tức cũng là một dạng tài năng thiên phú - thì phải có quyền suy nghĩ và nói năng khác người chứ!
Có điều là, cái sự hào hứng bốc đồng của cô nàng quả là vô vàn tai hại và sẽ đem đến những hậu quả bất hạnh khôn lường.
“Tôi xin phép phải về nhà,” nghe đến đó chàng Geraci thấy “quá hớp” nên viện cớ rút lui trước. Chàng ta sẽ nghe chuyện về những tử thi cứng đờ ở San Francisco vào một dịp khác.
Còn Fredo rất là khả ái đang nghĩ gì trong cõi lòng cuồn cuộn phong ba của chàng thì chỉ có... Trời biết. Và mọi người cứ từ từ rồi cũng sẽ biết sau, qua những hành động... khả khủng của chàng!
Có một chuyện vẫn làm cho Pete Clemenza thắc mắc.
Đêm ấy tại Lâu Đài Trên Bãi Cát? Khi họ đang thưởng thức sô diễn của Fontane, Buzz Fratello và Dotty Ames, cho đến lúc Mike bắt cuộc gọi từ Hagen với tin tức về vụ rơi máy bay? Tại sao Mike vỗ lên vai Clemenza để bảo ông lưu ý rời đi ngay cả trước khi anh ta bắt đầu nói với Hagen? Làm sao anh ta biết họ sẽ phải đứng lên và đi trước khi hết sô diễn.
Thắc mắc thì cũng để trong lòng thôi chứ Clemenza sẽ chẳng bao giờ hở ra tiếng nào.
Nhưng đó là loại chuyện nho nhỏ mà lại khiến người ta nghĩ về nó nhiều. Loại chuyện có thể làm cho
một người phải đi ra ngoài lúc hai giờ sáng trong bộ đồ ngủ bằng lụa, đốt lên điếu xì -gà, bật đèn rọi lên và phóng chiếc Cadillac vù vù trong đêm.