Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 14
Ngược gió. Ông Kim và bà Lê gò lưng đạp xe trên con đường đất gồ ghề. Buổi sáng sớm trời còn mát mẻ mà mồ hôi vẫn thấm qua áo ướt sũng. Sau xe đạp bà Lê đèo lỉnh kỉnh đủ thứ túi vải nào gạo, nào mì sợi và các gói quà tích cóp hàng ngày dồn lại dành đem cho con mỗi lần xuống chỗ sơ tán. Đang vào vụ gặt mùa, hai bên đường lúa chín vàng ruộm trải dài mênh mông. Nhìn thấy cảnh gặt hái tấp nập không giống với những nơi khác, ông Kim dừng xe lại. Bà Lê đi sau suýt nữa húc vào xe ông.
- Sao dừng lại. Xe hỏng à?
- Không hiểu Hợp tác xã nào mà nhìn lúa má thích mắt quá bà ạ. Chắc tay Chủ nhiệm nào biết cách làm ăn đây.
Bà Lê bực mình:
- Tốt xấu gì mặc người ta. Được một ngày nghỉ đi thăm con đi nhanh lên. Lúc về anh muốn ở lại đấy để tìm hiểu, em để cho anh ở lại suốt đêm.
Ông Kim cười khì khì:
- Đi ngay đây. Đi ngay đây. Ghê quá đi mất, cứ như bà La Sát không bằng.
- Không La Sát không được với anh. Dạ dày sắp bục đến nơi, người như cái xác mắm mà chả biết giữ gìn là gì. Lúc nào cũng Hợp tác với lúa má.
Ông Kim nhảy lên xe:
- Ăn hạt gạo của nông dân mà không nghĩ đến nông dân thì còn nghĩ đến ai?
- Anh tưởng một mình anh nghĩ mà xoay chuyển được tình thế hay sao?
Đi được một đoạn gặp hai cái xe cải tiến chở lúa đi ngược lại. Điều khiển xe phần lớn là các cô gái. Nhìn thấy những bông lúa vàng ươm chất đầy trên xe, mắt ông Kim sáng lên, dừng xe lại.
- Không đi còn dừng lại làm gì?
- Em đi trước đi. Anh hỏi mấy câu rồi đuổi kịp ngay thôi mà.
Bà Lê không nói gì, giận dỗi đạp xe đi. Ông Kim nhìn theo cười rồi hỏi mấy cô gái:
- Các cháu ở Hợp tác xã nào?
Các cô gái dừng xe líu ríu trả lời:
- Hợp tác xã An Lưu bác ạ.
Ông Kim rút ra mấy bông lúa đưa lên xem rồi hỏi tiếp:
- Các thửa ruộng của Hợp tác đều như thế này cả, hay đây là thửa tốt nhất?
- Hơn kém nhau không đáng kể bác ạ – Một cô trả lời – Mà sao bác quan tâm đến lúa của Hợp tác xã của chúng cháu nhiều thế?
- Hợp tác xã của bác năng suất lúa kém lắm nên thấy lúa của các cháu tốt bác muốn hỏi để học tập thôi.
- Vụ này thiếu phân đạm để bón thúc nên lúa của chúng cháu bông mới ngắn như thế này chứ mấy vụ trước đủ phân, lúa của chúng cháu còn dài bông hơn thế này nhiều.
- Hợp tác của các cháu ai làm chủ nhiệm?
- Bác Khương làm chủ nhiệm bác ạ.
- Ông Khương già rồi hay sao mà các cháu gọi bằng bác?
- Bác ấy mới hơn năm mươi tuổi thôi.
- Cám ơn các cháu. Bác làm các cháu mất bao nhiêu thì giờ rồi. Bác đi đây.
Ông Kim gò lưng đạp xe đuổi theo bà Lê. Đuổi gần đến nơi, ông Kim gọi:
- Này, đạp gì mà cứ như ma đuổi thế. Từ từ chờ tớ với.
Bà Lê không đáp, cứ cặm cụi đạp.
- Đằng ấy định bỏ rơi tớ đấy à? – Ông Kim vừa gọi vừa cố đạp rướn lên. Khi xe vượt lên trước xe bà Lê, ông ngoái cổ lại cười:
- Định đua xe đạp chắc.
Bà Lê vẫn làm thinh không đáp cố đạp xe rướn lên vượt qua xe ông Kim. Ông Kim lại gồng người vượt lên trước.
- Sao thế. Đằng ấy giận tớ đấy à?
Bà Lê vẫn im lặng. Thế này thì phải dùng chiến thuật giả vờ thôi. Nghĩ thế ông Kim đạp xe chậm lại rồi dừng hẳn và quẳng chiếc xe đạp đổ kềnh xuống đất, vờ lồm cồm như mình bị ngã đang cố đứng dậy. Nghe tiếng xe đạp đổ, bà Lê dừng lại nhìn. Bà hốt hoảng khi thấy ông Kim đang cố gắng đứng lên liền vứt xe của mình chạy trở lại đỡ ông Kim dậy. Ông Kim làm bộ đau đớn, lê chân cố đứng lên. Bà Lê ngồi xuống sờ nắn chân ông Kim:
- Anh thấy đau chỗ nào?
Ông Kim vờ xuýt xoa:
- Chân anh đau lắm. Không khéo gãy xương rồi.
- Khổ. Đường gồ ghề như thế này mà cắm đầu cắm cổ đạp, làm gì mà không ngã.
Ông Kim nhăn nhó:
- Mấy lần anh bảo đạp từ từ chờ anh mà em có nghe đâu. Bây giờ biết tính sao đây. Hay em cứ đến thăm con, anh ngồi đây chờ có ai đi qua nhờ người ta cõng đến bệnh viện xem chân cẳng gãy như thế nào.
- Em làm sao mà bỏ anh ngồi lại một mình ở đây được.
- Anh ngã như thế này, em có thương anh không?
- Hỏi vớ vẩn. Không thương anh thì thương ai.
Ông Kim vỗ tay cười:
- Bị ăn một quả lừa rồi nhé.
Bà Lê vừa bực vừa buồn cười. Bà đưa hai tay đấm thùm thụp vào lưng ông Kim:
- Đồ khỉ gió. Làm người ta hết cả hồn.
- Ai bảo người ta gọi hết cả hơi mà không thèm dừng lại để chờ.
- Sao không đứng hỏi chuyện các cô gái đến trưa mà còn đuổi theo làm gì?
Ông Kim vỡ ra:
- À ra thế. Cũng ghê gớm đấy nhỉ.
2
Cu Việt ngồi ở sân đang dùng một cái que vẽ nguệch ngoạc xuống đất nghe tiếng xích xe đạp lạch cạch ngẩng lên nhìn rồi reo lên:
- Bố mẹ về rồi chị Hà, anh Bắc ơi.
Nghe tiếng reo của Việt, Hà và Bắc ngồi trong nhà mừng rỡ chạy ra đón bố mẹ. Hà mếu máo:
- Con nhớ bố mẹ quá. Sao mẹ lâu về thăm chúng con thế?
Bà Lê ôm lấy Hà:
- Bố mẹ rất nhớ các con lắm nhưng công việc thời chiến bận lắm nên không về thăm các con thường xuyên được.
- Thế nào cu Bắc. Bố mẹ giao cho con chỉ huy hai em, con có hoàn thành nhiệm vụ không đấy? – Ông Kim hỏi cậu con trai thứ ba.
Bắc mách:
- Em Việt bướng lắm bố ạ.
- Có đúng thế không anh cu Việt?
- Anh Bắc nói dối bố đấy.
- Thế ai để anh nhắc làm bài tập nhà từ sáng đến giờ mà không chịu làm?
- Em định vào làm thì bố mẹ đến chứ em có không làm đâu.
Ông Kim vỗ vỗ đầu cu Việt:
- Nói dối nhé. Bố vừa nhìn thấy con nghịch đất thế mà dám nói là định vào làm bài thì bố mẹ đến. Được rồi. Lát nữa bố sẽ kiểm tra bài vở của mấy anh em sẽ biết ngay là ai lười học.
Bà Lê nhìn thấy trong nhà vắng tanh hỏi Bắc:
- Cô chú Liễn đi đâu hết không thấy ai ở nhà?
- Đi gặt hết rồi mẹ ạ.
- Mấy đứa con của chú Liễn cũng đi gặt à?
- Không phải đi gặt mà đi mót lúa. Hôm nào chúng nó cũng mót được bao nhiêu là lúa. Bố nhìn đống rơm ở góc sân kia kìa. Rơm của lúa mót đấy bố ạ. Sáng nay chúng nó rủ chúng con đi mót, nhưng chúng con không đi.
Ông Kim nhìn ra theo tay Bắc chỉ thở dài:
- Nhà nào đi mót cũng được cả một đống rơm thế kia thì còn lúa đâu cho Hợp tác xã nữa. Con bảo hôm nào chúng cũng đi mót, vậy chúng bỏ học à?
- Vâng. Từ hôm bắt đầu gặt đến giờ, có đến mấy chục đứa bị bố mẹ bắt nghỉ học để đi mót lúa.
Ông Kim không nói gì chỉ thở dài.
- Lát nữa cô chú ấy về ông đừng nói gì để cô chú ấy mất lòng đấy – Bà Lê dặn xong mở cái túi vải lôi ra một gói giấy báo đưa cho Bắc – Bánh bích cốp đây, con chia cho các em. Còn lại để làm quà cho chú Liễn chia cho các con chú ấy.
Hà hỏi:
- Bánh bích cốp là bánh gì hả mẹ?
- Đó là bánh mì những hôm mậu dịch bán không hết, người ta cắt thành lát nhúng vào nước đường pha loãng. Sau đó cho lên chảo gang rang cho khô rồi đóng vào túi để bán cho mọi người.
- Vì sao lại gọi là bánh bích cốp hả bố?
- Chắc là vì khi cắn nó kêu lốp cốp trong mồm.
Hà cười:
- Bố chỉ giỏi bịa.
- Anh cu Bắc soạn vở của ba anh em ra cho bố kiểm tra xem học hành ra sao nào.
- Xuống thăm con, để thời gian chuyện trò với các con chứ bắt con lấy vở lấy sách làm gì.
- Nói chuyện cứ việc nói chuyện, nhưng cũng phải xem chúng nó học hành ra sao chứ. Chú Khanh có hay kiểm tra việc học tập của các con không?
Bắc đáp:
- Hai ngày chú ấy kiểm tra một lần. Chú ấy nghiêm lắm bố ạ. Tuần trước em Việt bị chú ấy phạt đấy.
- Tội gì thế anh cu Việt?
Việt nói lí nhí trong mồm:
- Con đánh nhau với bạn ở lớp.
- Thua hay thắng?
Bà Lê cằn nhằn:
- Ông dạy con hay nhỉ.
Ông Kim cười:
- Đánh nhau là phải thắng. Không thắng thì không được đánh nhau, nhớ chưa.
Việt thấy bố không những không mắng mà bảo đã đánh nhau là phải thắng nên vênh mặt lên bảo:
- Chúng nó cậy người làng xúm lại đánh con, con mới thua chứ đừng hòng con thua.
Bà Lê khuyên con:
- Bố nói đùa đấy. Lần sau con không được đánh nhau với bạn nữa nhé.
- Nếu chúng nó gây gổ với con thì sao?
- Con mách với thầy cô giáo.
Có tiếng kẻng vọng đến. Ông Kim hỏi Bắc:
- Kẻng ăn cơm hay kẻng gì thế cu Bắc?
- Kẻng Hợp tác báo hết giờ làm việc đấy bố ạ.
- Lại kẻng.
Ngồi nói chuyện với các con một lúc, ông Kim bảo mấy mẹ con nói chuyện với nhau, còn ông đến chỗ Khanh, phó văn phòng tỉnh ủy được phân công phụ trách khu sơ tán hỏi xem tình hình khu sơ tán ra sao.
Thấy ông Kim đến, Khanh từ trong nhà chạy ra đón.
- Anh về từ khi nào?
- Mới về được một lát.
- Chị có về không?
- Có. Đang nói chuyện với các cháu. Anh em khỏe cả chứ?
- Vẫn bình thường. Anh vào nhà uống nước.
Ông Kim và Khanh vào nhà.
- Các cháu học hành có được không?
- Các cháu chăm học lắm anh ạ. Ngoan nữa. Chỉ có cháu Việt là hơi nghịch thôi. Vừa rồi đánh nhau với bạn cùng lớp, em phạt cho cu cậu một trận.
- Cháu Bắc vừa mách với tớ xong. Phải nghiêm khắc với chúng. Đừng để chúng dựa vào cái thế con bí thư tỉnh ủy để bắt nạt người khác là nguy hiểm lắm đấy.
- Các cháu không hề mảy may biểu hiện thái độ ấy. Anh đã bảo cháu Bắc xuống bếp báo cơm trưa nay chưa. Nếu chưa để em đi báo.
- Cô Lê mua được mấy lạng thịt phiếu, định trưa nay nấu cơm ăn chung với nhà chủ cho vui.
Khanh cười:
- Mấy lạng thịt thì ai ăn ai nhịn?
- Kèm thêm ba suất thức ăn của mấy cháu ở dưới bếp là xôm rồi.
- Hay là để em xuống bảo cô Lưu cho thêm thức ăn vào suất của các cháu.
- Không nên xâm phạm vào tiêu chuẩn của người khác.
Nói chuyện loanh quanh một lúc, Khanh hỏi ông Kim:
- Nghe anh em bàn tán anh cho một số Hợp tác xã chia đất cho nông dân sản xuất có phải không?
- Tin từ đâu ra thế?
- Từ bộ phận tuyên huấn.
- Nếu tin ấy tung ra từ bộ phận tuyên huấn thì tớ biết từ mồm ai ra rồi.
- Tin có chính xác không anh?
- Chính xác một nửa.
- Sao lại chính xác một nửa?
- Thứ nhất, tớ không cho mà do nông dân người ta nghĩ ra. Nếu trong tương lai việc làm ấy được chứng minh là đúng thì công đầu thuộc về nông dân chứ không phải là tớ. Thứ hai, không phải chia lại ruộng cho nông dân mà chỉ cho nông dân mượn ruộng làm vụ xen canh. Sau khi thu hoạch xong, trả lại ruộng cho Hợp tác xã tiếp tục sản xuất. Tớ biết có một số người trong tỉnh ủy cố tình ghép cho tớ cái tội muốn đưa nông dân trở về con đường làm ăn riêng lẻ của chủ nghĩa tư bản và mong tin ấy đến tai Ban bí thư Trung ương nhưng tớ không sợ. Mọi việc tớ làm là mong muốn nông dân có một cuộc sống no ấm chứ tớ chẳng có xơ múi gì.
- Em cũng nghĩ thế.
Khanh nhìn ông Kim rồi lắc đầu cười.
3
Cố gắng không muốn phân tâm vào những chuyện vụn vặt để tập trung vào việc tìm lối thoát cho việc sản xuất nông nghiệp nhưng rồi ông Kim vẫn không được yên. Ngoài cặp mắt như mắt cú vọ của ông Bao đánh xe đi săm soi hết nơi này sang chỗ khác thì Đình lại giống như một cái dằm lúc nào cũng tìm cách đâm vào người ông. Trong lúc đó cường độ đánh phá của máy bay Mỹ trên địa bàn của tỉnh ngày một tăng. Cầu cống sửa ngày hôm trước, hôm sau lại bị đánh sập. Thanh niên trai tráng lần lượt lên đường ra mặt trận. Nông thôn phần lớn còn lại phụ nữ, ông bà già và trẻ con. Đầu ông Kim đôi lúc như muốn vỡ ra. Miếng cơm nhai không còn thấy ngon, giấc ngủ không đêm nào được trọn vẹn. Người ông rạc rài. Bệnh dạ dày nhân cơ hội đó cũng ra sức hành hạ ông. Bà Lê vô cùng lo lắng cho sức khỏe của chồng. Bà chăm cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ. Dỗ dành và cả cáu gắt bắt ông phải dành thì giờ nghỉ ngơi. Ông Kim âm thầm cám ơn người bạn đời đã gắn bó và chia sẻ ngọt bùi với ông hơn hai chục năm qua nhưng công việc khiến ông không làm sao đành lòng được.
Đi loanh quanh một lúc, ông Kim trở lại phòng làm việc của mình.
Thấy ông Dần đang ngồi uống nước một mình, ông Kim hỏi:
- Ông đến lâu chưa?
- Lâu rồi. Thấy anh đi vòng qua vòng lại biết anh đang có chuyện suy nghĩ nên tôi không gọi.
- Tớ suy nghĩ rồi ông ạ. Có khi phải họp thường vụ theo đề nghị của tay Đình thôi. Không họp hắn cứ tưởng tớ sợ hắn phê phán những việc làm của tớ nên đem đi nói lung tung. Hôm trước hắn xuống khu B nói vung lên tớ chủ trương chia đất cho nông dân quay lại làm ăn cá thể. Bực không chịu được.
- Ai nói cho anh biết?
- Hôm qua vợ chồng tớ về khu sơ tán thăm các cháu, nghe anh em nói lại. Không những hắn chỉ nói trong bộ phận cơ quan tỉnh ủy sơ tán về đó, mà đem nói cả bên ủy ban tỉnh. Cả đêm qua tớ trằn trọc không sao ngủ được. Cũng chẳng phải sợ gì tay Đình. Nhưng không làm rõ trắng đen ra thì nội bộ Ban thường vụ chẳng ra làm sao.
Ông Dần khuyên:
- Tính anh ta xưa nay thích khích bác người khác, anh để ý đến làm gì.
- Không phải khích bác mà việc làm của hắn có mục đích hẳn hoi.
- Có nên họp thường vụ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân giữa anh và ông Đình không?
- Sao gọi là mâu thuẫn cá nhân. Đây là cuộc đấu tranh giữa quan điểm đúng sai, một bên thì cho rằng việc thay đổi phương thức sản xuất liên quan đến nhiệm vụ chính trị bức thiết hiện nay là vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh để chi viện cho tiền tuyến và một bên thì cho là đang đưa nông dân đi vào con đường làm ăn cá thể. Trong nội bộ Ban thường vụ mà không thống nhất quan điểm thì làm sao chỉ đạo được bên dưới. Vừa rồi tớ đã bảo tay Đình chuẩn bị ý kiến để phát biểu trong cuộc họp thường vụ sắp tới rồi.
- Anh bảo họp thường vụ, ông Đình có nói gì không?
- Hắn biết họp thường vụ thế nào hắn cũng đứng vào thế yếu nên ra điều kiện nếu họp thường vụ thì phải mời các phái viên của Ban bí thư dự. Nếu không thì triệu tập họp bất thường Ban chấp hành đảng bộ tỉnh để tranh luận. Ông thấy hắn có ngang ngược không?
- Đúng là quá quắt. Thế anh bảo sao?
- Tớ bảo tớ quyết định họp thường vụ chứ không mời ai hết. Có lẽ ta sắp xếp họp vào một tối nào đó chứ ban ngày không còn thì giờ đâu mà họp ông ạ. Hôm qua chúng nó tiếp tục đánh vào khu dân cư ở Ninh Phương. Cường độ đánh phá của chúng ngày một ác liệt.
Ông Dần hỏi:
- Cầu đường sắt Gia Liễn đã chữa xong chưa?
- Xong rồi. Đêm qua đã cho tàu chạy thử. Ông qua chơi hay gặp tớ có việc gì?
- Ban bí thư có công văn trả lời về việc khôi phục danh dự cho đồng chí Nguyễn Đình Mạch, nguyên bí thư huyện ủy Văn Lâm.
- Có hướng dẫn cách thức tổ chức như thế nào không?
- Không. Chỉ nói giao cho tỉnh đứng ra tổ chức, thế thôi. Tôi và chị Thường có trao đổi qua với nhau, thấy khó quá. Không biết hình thức tổ chức thế nào cho thích hợp.
Ông Kim ngồi suy nghĩ một lát rồi bảo:
- Theo tớ, ta nên tổ chức lễ tưởng niệm tại cơ quan huyện ủy với đầy đủ nghi thức lễ tưởng niệm một đồng chí đã có công cống hiến cho cách mạng. Hôm trước trên đường đi thăm bà Mạch tuy chưa có công văn của Ban bí thư nhưng tớ và chị Thường cũng đã bàn qua chuyện này rồi. Tớ thay mặt tỉnh ủy, ông Quốc thay mặt ủy ban tỉnh, ông, chị Thường và một vài đồng chí phụ trách các ban ngành của tỉnh phải có mặt để dự. Ông có đủ tài liệu về những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí Mạch, ông dựa vào đó viết bài điếu văn nêu đầy đủ công lao của đồng chí ấy. Việc đồng chí ấy bị xử lí oan là do hoàn cảnh lịch sử lúc đó, chúng ta cứ mạnh dạn nhắc lại chứ chẳng cần giấu diếm làm gì. Chỉ có cách nói thế nào đó cho khéo để không gây lại nỗi bất bình với quá khứ ông ạ. Người mất thì đã mất rồi. Chúng ta làm chỉ để an ủi cho người còn sống thôi. Việc này tôi giao trách nhiệm cho ông. Thời gian tổ chức càng sớm càng tốt. Đọc điếu văn, có khi giao cho tay Mân, bí thư huyện ủy Văn Lâm.
- Tay Đô văn hay chữ tốt, anh bảo nó viết bài điếu văn. Tôi sẽ cung cấp tài liệu về đồng chí Mạch cho hắn. Còn đọc thì tôi nhất trí với anh giao cho anh Mân.
- Được rồi. Ông cứ giao cho tay Đô viết điếu văn. Còn việc họp Ban thường vụ ông thấy thế nào?
- Nếu coi đây là cuộc đấu tranh để thống nhất tư tưởng trong nội bộ Ban thường vụ thì cũng nên họp.
- Không biết tay Côn chỉ đạo tình hình sản xuất ở Gia Đạo thế nào mà không thấy về báo cáo.
Ông Dần nhìn thấy dáng điệu mệt mỏi của ông Kim khuyên:
- Anh nên dành thì giờ để nghỉ ngơi anh ạ. Tôi thấy anh dạo này gầy quá.
- Cám ơn cậu.
Nói xong ông Kim vớ lấy cái điếu cày cho thuốc vào hút.
4
Dựng xe đạp vào nhà, rửa ráy qua loa, bà Thường vội vã đi lên phòng làm việc của ông Kim. Sau những ngày lăn lộn với bà con nông dân ở Hồng Vân, người bà gầy rộc.
Ông Kim đang ngồi làm việc với ông Côn lấy làm ngạc nhiên khi thấy bà Thường xuất hiện đột ngột.
- Chị ở Hồng Vân về từ khi nào thế?
- Về gần nửa tiếng nay rồi. Hai chú đang bàn chuyện gì đấy?
Ông Kim đáp:
- Làm việc xong, ngồi nói chuyện tào lao với nhau cho vui chứ có bàn gì đâu.
- Chú Côn xuống chỉ đạo ở Đạo Thắng kết quả thế nào rồi?
- Còn lung bung lắm, chưa đâu đến đâu cả – Ông Côn đáp.
- Nghĩa là thế nào?
- Định làm thử một vài cách khoán trong vụ gặt này nhưng vẫn chưa làm được. Ban quản trị Hợp tác đưa ra trăm ngàn lí do để từ chối.
- Từ chối hay chống đối?
- Không nói thẳng ra là chống nhưng cũng coi như chống.
Bà Thường hỏi:
- Chú nói thế là nghĩa làm sao?
- Xã viên đề nghị khoán ngay trong vụ gặt mùa thì Ban quản trị bảo không kịp, sợ làm rối công việc lên, không hoàn thành việc thu hoạch lúa. Còn xen canh thì bảo sẽ cày đất chia cho xã viên làm theo chỉ thị của bí thư tỉnh ủy. Ai muốn đăng ký nhận bao nhiêu cũng được nhưng tự lo lấy giống má và nước. Nếu cấp trên phê bình chia đất cho nông dân làm ăn riêng lẻ, Ban quản trị không chịu trách nhiệm.
- Cũng là một cách chống đối – Bà Thường nói.
- Thay hết. Thay hết. Những thằng như vậy không nên để trong Đảng và cho nắm quyền điều hành, lãnh đạo Hợp tác xã.
Nói xong ông Kim cho thuốc vào nõ điếu định hút. Bà Thường giằng cái điếu trong tay ông Kim:
- Lại nổi máu Trương Phi lên rồi. Chú lấy lí do gì để khai trừ họ ra khỏi Đảng nào? Xét về lí, những người đó đang đứng ra bảo vệ đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng chế độ làm ăn tập thể. Người bị phê bình khiển trách là chú chứ không phải họ.
- Chúng nó là một lũ phá hoại chứ bảo vệ cái gì. Được rồi. Để xem mấy cái thằng ở Gia Đạo chống lại chủ trương của tỉnh ủy được bao lâu.
Bà Thường cười:
- Giận gì mà đến nỗi quẫn trí lên như vậy. Tỉnh ủy làm gì có chủ trương mà bảo người ta chống đối.
Ông Côn rót chén nước đưa cho ông Kim:
- Một số cán bộ lãnh đạo ở huyện, ở xã và Hợp tác xã không đồng tình với việc đổi mới cách làm ăn phần lớn là sợ trách nhiệm. Xét về mặt nào đó thì họ đúng, bởi vì đã là cán bộ, đảng viên thì phải triệt để chấp hành đường lối do Đảng đề ra. Sự dũng cảm và đồng thuận từ huyện đến xã như ở Vĩnh Hòa là hiếm. Có thể nói là rất hiếm. Theo tôi, ta không nên sốt ruột và nóng vội. Phải dựa vào các đảng viên và quần chúng tốt ở các Hợp tác xã để làm một cuộc vận động tư tưởng rộng lớn trong bà con xã viên. Lực lượng đảng viên và quần chúng tốt ở các Hợp tác xã không phải là ít. Tôi lấy ví dụ ở Gia Đạo chẳng hạn. Tôi và cô Chi đã tâm sự với nhiều đảng viên và quần chúng ở đó. Họ rất muốn thay đổi lối làm ăn cứng nhắc như hiện nay. Song song với công tác tư tưởng là phải mạnh dạn thay đổi các cán bộ lãnh đạo bảo thủ và trì trệ. Công tác tổ chức và tư tưởng tốt, tôi nghĩ chúng ta sẽ thành công.
- Chú nói có lí đấy – Bà Thường nói chậm rãi – Không thể dùng biện pháp hành chính trong việc thay đổi lề lối sản xuất của các Hợp tác xã mà phải vận động, thuyết phục. Nói phải củ cải cũng nghe. Họp thường vụ có chuyện gì mà cho gọi tôi về gấp thế?
- Nhắn chị về để tối nay họp chứ có bảo chị về gấp đâu. Tranh thủ họp vào buổi tối để thời gian ban ngày còn làm việc khác. Nội dung họp cũng chỉ xoay quanh việc tổng hợp một số tình hình và bàn phương hướng lãnh đạo sắp tới. Ngoài ra còn giải quyết dứt điểm chuyện tay Đình cứ một mực cho rằng tôi đang hành động đi ngược lại với đường lối chính sách của Đảng.
- Có nên đưa việc này ra để đôi co không? – Bà Thường thận trọng hỏi.
- Chị nghĩ tôi đôi co để giành phần thắng cho cá nhân mình à?
- Không phải thế. Nhưng chỉ có một mình chú Đình nghĩ chú đang đi ngược lại đường lối chứ có ai nữa đâu mà đưa ra cuộc họp.
- Chị không nhớ tay Đình đã mấy lần đề nghị với chị và ông Quốc cho họp thường vụ để xem xét việc làm của tôi hay sao. Mình làm đường đường chính chính, nếu không họp theo đề nghị của hắn thế nào hắn cũng nghĩ mình làm sai nên sợ không dám họp.
Ông Côn tham gia:
- Anh Kim nói phải đấy chị ạ. Cũng nên đưa vấn đề này ra cuộc họp thường vụ tối nay để cho trắng ra trắng, đen ra đen.
- Tôi dặn chú trước, có việc gì cũng nên từ tốn, bình tĩnh chứ đừng có nổi nóng lên là hỏng việc đấy.
Ông Côn cười bảo:
- Chị phải ngồi thật sát anh Kim. Hễ thấy anh Kim chuẩn bị nổi nóng là chị véo cho anh ấy một cái thật đau để nhắc nhở.
- Sốt ruột nói lằng nhằng cho vui thôi.
- Anh mà biết nói lằng nhằng thì chó mặc váy lĩnh.
- Ngày xưa bà cụ nhà tớ cũng hay nói cái câu ông vừa nói đấy. Thấy mấy anh em tớ làm một việc gì đó ngứa mắt là mắng luôn, chó mà cũng đòi mặc váy lĩnh.
Bà Thường góp chuyện:
- Các cụ ta xưa nay ở nông thôn chả có chữ nghĩa là bao mà nói những câu hay đáo để. Ngày trước mẹ tôi thường mắng tôi cái đồ chưa nóng nước đã đỏ gọng. Nghe mắng mà chẳng hiểu gì. Khi lớn lên đi tham gia công tác cách mạng, một lần tôi đưa câu ấy ra hỏi anh Quốc Việt. Anh ấy giải thích. Chưa nóng nước đã đỏ gọng dùng để chỉ những người hay nản chí, đầu hàng, giống như con cua biển khi cho vào nước để luộc, nước chưa nóng đã đỏ rực lên rồi. Chê bai mà văn vẻ sâu xa như thế thì chỉ có các cụ nhà ta thôi.
Ông Kim hỏi:
- Tình hình Hồng Vân thế nào chị?
- Tôi đang lo nếu lãnh đạo không tốt sẽ có chiều hướng quá tả. Một bộ phận xã viên đề nghị Hợp tác xã không nên quản lí sức kéo và các nông cụ khác mà hóa giá bán cho xã viên. Một số khác lại đề nghị hai vụ chính cũng nên giao ruộng cho dân làm giống như vụ xen canh. Tay Hoàng phó ban tuyên huấn xem ra lại tâm đắc với đề nghị này mới chết chứ.
Ông Kim chộp ngay câu nói của bà Thường:
- Có đúng thế không chị? Mấy tay lãnh đạo huyện có ý kiến gì về chuyện này không?
- Nói chung là tỏ ra lo sợ dân bung ra làm ăn lung tung thì nguy. Tay Bằng bí thư huyện ủy thì thực sự hoang mang.
- Ông Côn thấy thế nào với đề nghị của bà con Hồng Vân?
- Theo tôi ta nên thận trọng xem xét. Chưa nên phản đối vội, lại càng chưa nên tán thành ngay. Đây là vấn đề lớn. Liên quan đến đường lối nên càng phải thận trọng.
- Thú thực trong đầu tôi vương vấn với việc này từ lâu. Làm cách mạng không nên mạo hiểm nhưng cũng không nên chần chừ khi có thời cơ. Nắm bắt đúng thời cơ là coi như thắng lợi đến chín mươi phần trăm. Nguyện vọng đại bộ phận nông dân ở Hồng Vân cũng là thời cơ. Theo chị và ông Côn có nên bỏ qua không?
- Chưa nóng nước đã đỏ gọng. Phải xem cho kỹ nước ở Hồng Vân đã nóng chưa đã rồi hành động. Nếu vội vã có khi hỏng cả việc lớn.
Nghe câu nói của bà Thường, mặt ông Kim xịu xuống.
5
Ông Kim không ngờ cuộc họp thường vụ lại căng thẳng đến như vậy. Đình phản đối đã đành mà ngay Lộc và Thạch cũng đồng tình với quan điểm của Đình. Chỉ có khác là thái độ của Lộc và Thạch mềm mỏng, khuyên ông nên chờ chủ trương của Trung ương chứ không nên vội vàng thay đổi phương thức khoán trong sản xuất. Không khí oi bức. Những bóng đèn treo trong phòng họp le lói như những viên than. Ông Kim phải dùng thêm cây đèn bão để trước mặt để ghi chép ý kiến phát biểu của mọi người. Hai chiếc quạt tai voi của Liên Xô và một chiếc quạt Oát Sông của Trung Quốc trở thành vật trang trí vì công suất điện không đủ làm cho cánh quạt chuyển động. Đã thế những lời Đình phê phán ông như những ngọn lửa hừng hực táp vào mặt ông khiến cây đèn bão đang để trước mặt ông cũng phả ra hơi nóng chẳng thua kém gì đống lửa. Ông Kim đưa tay đẩy cây đèn bão ra xa, lấy chiếc khăn mặt vắt sau ghế ra lau mồ hôi.
Thấy thái độ của ông Kim tỏ ra lơ đễnh trước những lời nói của mình, Đình dừng lại. Thấy thế ông Kim giục:
- Đồng chí Đình nói tiếp đi. Tôi sẵn sàng nghe hết.
- Vâng. Tôi xin nói tiếp. Tôi thừa nhận đồng chí Kim là con người rất có tâm huyết với nông dân. Đồng chí không ngại khó khăn gian khổ để đi vào từng ngõ, từng nhà và ra tận đồng ruộng để tìm hiểu cuộc sống của họ. Thương dân vốn là phẩm chất của người cách mạng. Nhưng thương thế nào cho đúng. Hồ Chủ tịch đã nói: Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội là phải có con người Xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể là thể hiện tình thương đúng đắn nhất. Bản chất của người nông dân là tự do chủ nghĩa, thích làm ăn riêng lẻ chứ không muốn đi vào khuôn phép. Vì thế cuộc đấu tranh giữa hai con đường Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa tư bản là một cuộc đấu tranh gian khổ, kiên trì, bền bỉ, lâu dài và quyết liệt. Việc đồng chí Kim dung túng, thậm chí đang có ý định mở rộng cho một số Hợp tác xã quay lại con đường làm ăn riêng lẻ là đi ngược lại con đường Đảng ta đã chọn cho nông dân. Tôi đề nghị đồng chí Kim đứng trên cương vị là một bí thư tỉnh ủy phải nghiêm khắc nhìn lại mình.
Đình dừng lại. Ông Kim đưa khăn lên lau mồ hôi và hỏi:
- Đồng chí Đình đã nói hết chưa?
- Tôi xin nhường cho các đồng chí khác phát biểu.
- Đồng chí cứ phát biểu hết ý kiến của mình đi rồi các đồng chí khác phát biểu sau.
- Tôi chỉ xin nói thêm một ý này thôi. Vào thời điểm chiến tranh đang diễn ra ngày càng ác liệt trên cả hai miền Nam, Bắc đang rất cần dồn sức người sức của để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Vì thế việc để cho nông dân trở về với con đường làm ăn riêng lẻ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc chiến đấu của quân đội ta…
Ông Kim ngắt lời:
- Có phải anh muốn nói, nếu cho nông dân làm ăn riêng lẻ thì họ chỉ còn nghĩ đến chuyện làm giàu chứ không còn ai muốn ra mặt trận nữa có phải không?
- Gần như thế.
- Sao anh không nói thẳng ra là đúng như thế mà chỉ nói là gần như thế. Tôi biết hiện nay có một số người đang nghĩ như anh Đình. Tôi xin nói, nếu ai có ý nghĩ như vậy là xúc phạm đến lòng yêu nước của người nông dân đấy. Lịch sử làm nên cách mạng và các chiến thắng trước đây ai cũng rõ lực lượng chủ yếu là nông dân. Cuộc chiến đấu chống Mỹ hôm nay cũng vậy. Sức người, sức của đều do những người nông dân cung cấp là chính. Đồng chí Côn đi vào khu Bốn về kể cho tôi nghe, đồng bào trong ấy dỡ cả nhà mình ra lát đường cho xe ra mặt trận. Tất cả bảy ủy viên thường vụ ngồi đây cũng xuất thân từ nông dân. Những người nghĩ như anh Đình có khác gì chúng ta quay lại miệt thị lòng yêu nước của chính giai cấp mình, trong đó có bố mẹ, anh em mình. Nông dân không nhỏ nhen tầm thường đến mức đổi lòng yêu nước của mình để lấy mấy cân thóc, mấy củ khoai đâu anh Đình ạ.
Đình lúng túng:
- Đồng chí bí thư hiểu lầm ý của tôi rồi.
- Tôi mong sao đây chỉ là chuyện hiểu lầm chứ không có đồng chí nào nghĩ như vậy. Xin đồng chí khác phát biểu tiếp.
Bà Thường đứng lên. Ông Kim đưa tay bảo bà Thường ngồi xuống nhưng bà vẫn đứng nguyên vậy để nói:
- Đồng chí Đình và đồng chí Lộc phê phán đồng chí Kim làm sai lầm lí thuyết này, khuyết điểm hành động kia nhưng hai đồng chí có nắm được tình trạng các Hợp tác xã nông nghiệp làm ăn bê bối như thế nào không? Ngồi ôm lấy cái bàn và mấy cuốn sách rồi hình dung ra Chủ nghĩa xã hội là ưu việt ngần này, làm ăn tập thể tươi đẹp thế kia để rồi thấy ai làm không đúng như sách vở đã dạy là hốt hoảng kêu toáng lên là sai lầm, là đi ngược lại chủ trương đường lối. Tôi xin nói là không ai thay đổi chủ trương đường lối của Đảng cả. Trong thời gian vừa qua nhiều nơi trong tỉnh ta nhận ra những nhược điểm của cung cách làm ăn hiện nay và muốn thay đổi nhưng tâm lí chung là sợ làm sai chủ trương đường lối. Mấy đồng chí vừa phát biểu cũng nhắc đi nhắc lại chuyện đường lối. Chung quy là do các đồng chí nhận thức hai tiếng đường lối một cách sơ lược và máy móc.
Đình cắt ngang:
- Chị Thường nghĩ chúng tôi là giáo điều chăng?
- Điều mận đâu tôi không biết, tôi chỉ biết việc làm của đồng chí Kim là xuất phát từ thực tế làm ăn sa sút của các Hợp tác xã. Đồng chí Đình bảo đồng chí Kim đang cùng với nông dân phá Hợp tác xã…
Đình lại ngắt lời bà Thường:
- Chị hiểu lầm ý của tôi rồi. Tôi nói việc làm của đồng chí Kim vô tình tạo điều kiện cho nông dân phá lối làm ăn tập thể để trở về với lối làm ăn riêng lẻ của chủ nghĩa tư bản chứ tôi có nói đồng chí Kim đang cùng nông dân phá Hợp tác xã đâu.
Bà Thường tiếp tục nói:
- Đường lối chủ trương của Đảng cũng chỉ nhằm đưa lại cơm no áo ấm cho dân. Nhưng dân đang sống thế nào thì xin mời đồng chí Đình, đồng chí Lộc, đồng chí Thạch xuống tận nơi tìm hiểu, rồi về phê phán việc làm của đồng chí Kim vẫn chưa muộn. Đồng chí Đình sợ dân làm ăn theo con đường tư bản thì không có người đi ra chiến trường đánh Mỹ. Thử hỏi, thời chống Pháp chưa có con đường Xã hội chủ nghĩa sao nông dân vẫn nô nức tòng quân và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng thế giới? Phê bình, lên án gì thì cũng phải có thực tế và có lí có tình thì người bị phê bình mới tiếp thu được, chứ cứ ê a ba cái câu lí thuyết suông thì ai nghe được.
- Chị Thường bình tĩnh mà nói – Ông Kim bảo bà Thường.
- Tôi nói xong rồi – Nói xong bà Thường ngồi xuống thở hổn hển.
Thấy ông Quốc nhấp nhổm, ông Kim hỏi:
- Anh Quốc muốn phát biểu à?
- Tôi thấy ý kiến của chị Thường và anh Côn là quá đủ để minh định cho những suy nghĩ và việc làm của anh Kim. Tôi cũng như anh Kim, trước khi đi theo cách mạng và bây giờ là chủ tịch tỉnh, tôi đã hiểu thế nào là cái đói, cái rét của một anh nông dân nghèo. Anh Kim còn phải đi ở cho địa chủ để kiếm cơm, cho nên càng thấm thía nỗi khổ còn hơn tôi. Vì thế chúng ta không lạ gì khi anh Kim dồn tất cả tâm huyết của mình cho đồng ruộng và người nông dân. Việc các Hợp tác xã làm ăn kém hiệu quả khiến anh Kim trăn trở và cố tìm cho nó một lối thoát không đơn giản, vì chúng ta bị ràng buộc nhiều thứ. Cả mặt lí thuyết lẫn thực tế. Đi lệch về hướng này hay hướng kia đều nguy hiểm cả. Đồng chí Đình và đồng chí Lộc phê phán anh Kim không đứng ở vị trí của người bí thư tỉnh ủy và người đảng viên để xem xét, đánh giá sự việc mà chạy theo cảm tính tiểu tư sản. Phê phán anh Kim thương nông dân nhưng vô tình dắt tay họ đi trở lại con đường làm ăn riêng lẻ và nói con đường đó chỉ có thể dẫn đến đói nghèo là chưa hiểu gì về anh ấy. Tôi nghĩ chị Thường nói đúng. Các anh nên xuống trực tiếp tìm hiểu xem tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp đang làm ăn như thế nào rồi hẵng phê phán anh Kim.
- Đồng chí Quốc nghĩ rằng, chúng tôi không hiểu một tí gì về việc làm ăn của các Hợp tác xã mà đã vội phê phán đồng chí Kim sao? – Đình vẫn giữ lối giọng hùng hồn của mình – Tôi xin hỏi đồng chí Kim có biết việc Hợp tác xã Hồng Vân trả lại ao chuôm cho xã viên tự nuôi cá để kinh doanh hay không? Có biết ban chủ nhiệm cày ruộng lên rồi đem chia cho nông dân trồng ngô hay không? Ai giao nhiệm vụ cho đồng chí Côn và bí thư huyện ủy Tam Bình xuống Đạo Thắng chỉ đạo các Hợp tác xã ở đó học tập Hồng Vân? Tôi có thể lấy ví dụ thêm một số Hợp tác xã trong tỉnh đang phát triển lệch lạc chứ không riêng gì Hồng Vân, Đạo Thắng hay Cao Sơn.
Ông Kim nhếch mép cười mệt mỏi:
- Trước khi các đồng chí khác phát biểu, tôi xin trả lời đồng chí Đình luôn. Tôi biết những việc làm ở Hồng Vân, Cao Sơn, An Lưu và tôi hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích việc làm của họ. Tôi cũng đang chỉ đạo hai Hợp tác xã ở Đạo Thắng tháo gỡ những vướng mắc của cơ chế hiện tại để đi lên. Không phải đi lên Tư bản chủ nghĩa mà lên Xã hội chủ nghĩa hẳn hoi. Tôi không hề giấu giếm việc làm của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Vì sao chúng ta rất sợ làm sai lí luận này, nguyên tắc kia chứ không khi nào chúng ta sợ làm sai với lòng mình và làm mất lòng dân? Sao thế? Cũng cần nói thêm ở chỗ này. Nếu chúng ta không làm thì dân vẫn cứ làm, bởi không khi nào người ta cam chịu có ruộng đất, trâu bò trong tay mà để bụng đói từ tháng này qua tháng khác. Người lãnh đạo phải biết nắm lấy ý nguyện của dân, lãnh đạo họ, vạch cho họ một lối đi đúng đắn hợp với quy luật phát triển của xã hội. Dập tắt ý nguyện của dân là anh tự thiêu sống mình. Nhưng nếu để họ phát triển theo lối tự phát thì cả ta lẫn họ đều bị thiêu sống cùng một lò. Tôi không muốn mình bị thiêu sống và cũng không muốn chui vào lò thiêu cùng với họ.
Mọi người ngồi lặng yên sau câu nói của ông Kim.
* * *
Cuộc họp giải tán từ lâu chỉ còn mình ông Kim ngồi lại trong phòng. Hai tay chống xuống bàn ôm lấy đầu. Không khí chung quanh tĩnh lặng. Những cành cây bị gió lay rung khẽ xào xạc trong đêm. Bà Lê bước vào. Bà đứng lặng yên nhìn ông Kim rồi từ từ bước đến bên ông.
- Em thấy chị Thường họp xong về lâu rồi, sao anh vẫn còn ngồi ở đây?
Ông Kim ngẩng đầu lên nhìn bà Lê, nói giọng buồn bã:
- Anh buồn quá!
- Có chuyện gì thế?
- Chẳng có chuyện gì cả.
- Không có chuyện gì sao lại buồn?
Ông Kim thở dài:
- Tự nhiên anh có cảm giác mình cô đơn quá.
Bà Lê đưa tay lên âu yếm vuốt tóc chồng:
- Có phải trong cuộc họp thường vụ, có ai đó nặng lời với anh phải không?
- Nặng lời hay nhẹ lời đối với anh không quan trọng. Buồn nhất là những người đồng chí cùng chí hướng với nhau mà không hiểu nhau.
- Anh cả nghĩ quá. Đồng chí đồng cốt gì thì cũng là người cả. Mà đã là người thì mỗi người mỗi tính, làm sao mà anh bắt mọi người phải giống nhau được. Nếu em nhớ không nhầm thì chiều nay anh bảo chú Hành chuẩn bị xe cộ để sáng mai đi Cao Sơn. Anh về nghỉ lấy sức sáng mai còn đi. Em chuẩn bị mấy thứ, sáng mai ghé qua chỗ trường cấp Ba sơ tán đưa cho cái Dương và kiểm tra xem con học hành ra sao.
- Em về trước đi. Anh ngồi đây cho yên tĩnh một lát rồi về.
- Nếu thế thì anh và em đi dạo mấy vòng. Không khí trong lành ban đêm có thể xua đi nỗi buồn bực trong người anh đấy. Nào đứng lên.
Bà Lê đưa tay kéo ông Kim đứng lên. Ông Kim rút tay khỏi tay bà Lê:
- Thôi, về nghỉ để sáng mai đi công tác. Trên đầu đã gần hai thứ tóc và cũng đã có năm mặt con rồi mà ban đêm còn cặp kè đi bên nhau người ta nhìn thấy họ cười cho.
- Em không nghĩ anh lại còn phong kiến như thế. Nếu anh sợ mọi người cười thì xuống chỗ chị Thường rủ chị ấy cùng đi dạo. Chắc chị ấy cũng chưa ngủ đâu.
- Thôi, không phải rủ chị Thường nữa. Anh và em đi dạo cho khuây khỏa vậy.
Nói rồi ông Kim đứng lên cùng bà Lê bước ra bên ngoài. Bóng ông Kim và bà Lê ẩn hiện trên con đường rợp bóng cây. Đêm yên tĩnh. Chỉ có tiếng gió xôn xao, xôn xao, xôn xao.