Trở ngại càng lớn, chiến thắng càng huy hoàng.

Moliere

 
 
 
 
 
Tác giả: Dương Hà
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7390 / 81
Cập nhật: 2017-04-11 11:35:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
nh nắng yếu ớt cuối cùng đã tắt mất sau những rặng dừa cao ngất của Thới Bình thôn. Gió chiều hây hây thổi khua xào xạc cành lá. Những đợt khói lam bốc lên từ những mái nhà tranh cuồn cuộn, rồi tỏa lần ra và cuối cùng tản mác hết trong bóng chiều buông rũ.
Những bầy quạ đen đập cánh bay về mạn rừng U Minh: thỉnh thoảng chúng kêu lên “oang oác”, người yếu bóng vía nghe cũng rùng mình.
Trên những bờ đê dẫn vào làng, từng đoàn nông dân hấp tấp rảo bước. Họ nôn nóng trở về vì họ biết ở nhà người vợ hiền của họ đang chờ đợi với mâm cơm bốc khói. Sau một ngày làm việc đồng áng cực nhọc, họ cần nghỉ ngơi bên cạnh vợ hiền, con thảo.
Chỉ có lũ mục đồng là ra về thảnh thơi, nhàn hạ hơn hết. Trên lưng trâu, chúng nghêu ngao hò hát, tâm hồn chúng thật vô tư. Tiếng sáo diều reo vi vút hòa lẫn với giọng hát ngô nghê tạo nên một khúc nhạc đồng quê đầy thi vị.
Tiếng chày giã gạo đã nổi lên đều đều ở khắp mọi nơi trong làng.
Riêng ở bờ sông, khung cảnh có vẻ linh động hơn. Con sông Trẹm với dòng nước đỏ ngầu muôn thuở vẫn lững lờ trôi. Những chiếc ghe thương hồ lợi dụng con nước lớn, chuẩn bị xuôi dòng. Mái chèo đập nước loang loáng. Tiếng cười lảnh lót của các cô gái nghe ròn tan trong gió.
Sông Trèm Trẹm, rừng U Minh, Thới Bình thôn.
Dân miền Bạc Liêu, Cà Mau đồng chua nước mặn mấy ai mà chẳng từng nghe qua những cái tên quen thuộc vang danh này.
Người dân Trèm Trẹm, người dân U Minh, người dân Thới Bình suốt thời kỳ thực dân Pháp cai trị, họ là những người hiền lành chất phác, làm việc giỏi, chịu đựng hay, nhưng khi kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, họ lại là những người gan dạ nhứt, kiên hùng nhứt, chiến đấu bất khuất.
Những trận đánh cực kỳ ác liệt đã từng diễn ra ở Thới Bình này. Xác giặc Tây xâm lược từng trôi lềnh bềnh trên sông Trẹm, màu máu đỏ tham tàn pha trộn với màu đất phù sa nhuộm thắm đất nước. Xác giặc Tây hung bạo từng gục ngã bên bờ đê, bên ruộng lúa chứng tỏ dân miền Nam ngang tàng không bao giờ bị tủi nhục để mất quê hương.
Qua bao nhiêu cảnh biến thiên dời đổi, oanh liệt có, tang thương có, dòng sông Trẹm vẫn trôi muôn đời bên cạnh rừng U Minh rùng rợn, bí hiểm.
Chiều hôm đó, cũng buổi chiều chủ nhật êm đềm như muôn ngàn chiều chủ nhật của Thới Bình thôn.
Hãy rời bỏ bến đò chợ chiều, đi men theo bờ sông Trẹm. Độ non cây số, ngừng lại.
Một bãi nghĩa trang nằm trơ vơ cách bờ sông chừng trăm thước và cách chùa Linh Sơn không xa mấy. Nghĩa trang này không có bảng hiệu, không có tên tuổi. Người ta chỉ gọi đó là bãi tha ma của làng Thới Bình.
Dân làng Thới Bình, cha truyền con nối, chết đều chôn ở đây. Có một điều đặc biệt, bãi tha ma này còn có một khu đất dành riêng để chôn những chiến sĩ đã hy sinh và những lính Tây chết trong những cuộc chiến tranh suốt thời kỳ kháng chiến diễn ra ở đây. Có những ngôi mả có mộ bia, có những ngôi mả chôn dấu thánh giá, nhưng phần nhiều là những ngôi mả trống trơn không có mộ bia lẫn thánh giá.
Những kẻ xâm lược, những chiến sĩ chống xâm lược, khi chết đã nằm bên cạnh nhau, quên hết hận thù. Người Việt Nam nhân đạo không thèm trả thù những kẻ đã chết mặc dù lúc sống họ rất tàn bạo.
Đáng lẽ để xác lính Tây lều bều trôi sông Trẹm hay cho diều tha quạ rỉa bên kia rừng U Minh, dân làng Thới Bình đã mang hết xác họ chôn ở đây, xây cho họ ngôi mộ hẳn hòi. Những kỳ tảo mộ, người ta còn cắm cho họ vài nén nhang mặc dù chẳng ai biết lúc sinh tiền họ thuộc tôn giáo nào.
Phật giáo ư? Hồi giáo ư? Thiên Chúa giáo ư? Tin Lành giáo ư?
Người đã nằm xuống rồi, còn có nghĩa lý gì nữa? Người dân quê hiền lành của Thới Bình đâu cần nghĩ ngợi xa xôi.
Nghĩa trang một buổi chiều buồn.
Im lặng lạnh lùng. Chỉ có tiếng gió thổi lào xào bứt tung những chiếc cá vàng héo úa. Những ngôi mộ đá lẫn đất nằm bơ vơ, chập chùng, im vắng quá! Tưởng như các hồn ma còn lẩn quất đâu đây.
Đứng ở đây, người ta nghe rõ mồn một tiếng gõ mõ, tụng kinh đều đều từ chùa Linh Sơn vọng lại, nhứt là những buổi chiều im gió. Tiếng mõ khua, tiếng chuông vọng và những câu kinh lời kệ như an ủi những linh hồn chưa siêu thoát.
Trong khung cảnh thê lương này, bỗng có một bóng người xuất hiện. Từ cổng nghĩa trang, người đó đi rất nhanh, đi quanh queo trên những con đường mòn nhỏ, không cần nhìn qua hay ngoảnh lại, một cách rất quen đường thuộc lối. Cái bóng nhỏ bé của người đó như muốn chìm mất giữa bãi đất rộng thênh thang ngổn ngang gò mả.
Một ni cô!
Phải, đó là một người sư nữ còn rất trẻ và cũng rất đẹp. Nàng khoác manh áo màu đà và đầu vấn khăn ni cô. Tuy nhiên, màu áo tu hành khô khan kia vẫn không che giấu nổi sắc đẹp mặn mà của nàng.
Với làn da trắng trẻo mịn màng, đôi mắt u buồn nhưng đẫm lệ, chiếc miệng hoa mộng đỏ đầy nét quyến rũ, nàng xứng đáng làm một giai nhơn thành thị hơn là chôn kín cuộc đời son trẻ giữa bốn bức vách nhà chùa.
Ni cô trẻ đẹp đó là ai?
Đó là sư cô Diệu Linh của chùa Linh Sơn và cũng là người đẹp Mỹ Lan của làng Thới Bình trước kia. Nàng chính là nạn nhân của một mưu toan độc ác, ích kỷ và vai chính của một tấn thảm kịch đầy máu lệ đã làm xôn xao, xúc động dư luận dân chúng trong vùng một dạo.
Ni cô Diệu Linh dừng bước trước một nấm mồ nhỏ còn chưa xanh cỏ. Trước mộ có một tấm mộ bia bằng đá xanh có khắc dòng chữ đỏ như máu:
“Nơi an nghỉ ngàn thu của bé Trần Đức”.
Ni cô Diệu Linh đứng im lặng, đầu cúi thấp, hai bàn tay chắp trước ngực. Nàng đứng như thế rất lâu. Miệng nàng lâm râm đọc kinh cầu nguyện.
Những chiếc lá chết lìa cành bay chập chờn.
Kể từ ngày thằng bé Trần Đức chết thê thảm, chiều chủ nhựt nào ni cô Diệu Linh cũng đến nghĩa địa viếng mồ con, đứa con trai đầu tiên và cuối cùng của đời nàng.
Kỷ niệm duy nhứt của một mối tình dang dở đã nằm yên dưới đáy huyệt lạnh nhưng lòng người mẹ hiền, ni cô Diệu Linh vẫn ngàn đời đau khổ.
Trong phút u buồn này, ni cô Diệu Linh mường tượng khi nhìn thấy rõ thằng bé mỉm cười với nàng. Nụ cười thơ ngây, giống hệt nụ cười của cha nó. Diệu Linh còn như nghe rõ giọng nói trong trẻo của thằng bé văng vẳng bên tai nàng:
- Mẹ ơi, tuần nào mẹ cũng nhớ đến thăm con một lần, mẹ nhé!
Không đè nén được xúc cảm, ni cô Diệu Linh để mặc hai dòng lệ long lanh lăn dài xuống má. Nàng nghẹn nghào, lẩm bẩm:
- Phải... mẹ sẽ đến thăm con thường, mẹ chẳng bao giờ quên con đâu, con yêu quý ngàn đời của mẹ. Hiện giờ, mẹ chỉ sống với hình ảnh con.
Tiếng khóc nức nở u uất của nàng nghe sầu thảm làm sao.
Từ Linh Sơn tự, tiếng chuông u buồn vẫn ngân vang đều đều. Bầu không khí êm ả của buổi hoàng hôn tắt nắng như ngừng đọng lại...
Bỗng nhiên có tiếng lá khô khua xào xạc ở phía sau lưng. Khẽ giật mình, ni cô Diệu Linh chưa kịp quay lại thì đã nghe một giọng nói êm đềm, quen thuộc vang lên:
- Mỹ Lan em.
Hai tiếng “Mỹ Lan” vang lên bất ngờ khiến Diệu Linh rùng mình. Nàng đứng bất động không định quay đầu lại nữa. Nàng đã biết người vừa gọi nàng là ai rồi. Từ nãy giờ, mãi đắm hồn trong đau khổ, vẫn không biết sự có mặt của người thứ hai, ở trong nghĩa trang này.
- Mỹ Lan em.
Lần này, biết không thể tránh được, ni cô Diệu Linh từ từ quay đầu lại.
Triệu Vĩ đã đứng sau lưng nàng tự bao giờ rồi.
Bốn mắt nhìn nhau một phút. Hai cõi lòng xao xuyến.
Mặc dù hết sức kiềm giữ nhưng cứ mỗi lần chạm mặt với Triệu Vĩ là Diệu Linh không sao giữ được lòng bình tĩnh. Tay vội lần chuỗi hạt, ni cô như muốn cầu cứu với đấng thiêng liêng.
Triệu Vĩ buồn nên gọi khẽ:
- Em Mỹ Lan.
Ni cô Diệu Linh cúi mặt nhìn xuống. Nàng sợ phải nhìn thẳng vào hai luồng sáng mắt như thôi miên của người tình cũ. Lâu lắm, nàng mới buột miệng:
- A di đà phật! Tôi là ni cô Diệu Linh ở chùa Linh Sơn, chớ nào phải là Mỹ Lan.
Triệu Vĩ nghiêm trang nói:
- Mỹ Lan, em đừng mãi tự dối lòng! Chúng ta đã chịu đựng quá nhiều đau khổ rồi. Em vẫn còn đủ can đảm giết chết lần mòn cả hai cuộc đời của chúng ta sao? Cái chết bi thảm của Trần Đức, con của chúng ta vẫn chưa làm em tỉnh ngộ? Anh tin rằng ở dưới suối vàng Trần Đức cầu mong cho cha mẹ nó sum họp để cho sự hy sinh của nó khỏi trở thành vô ích.
Ni cô Diệu Linh nghiến chặt hai hàm răng và tay lần chuỗi nhanh hơn, giọng nói trầm ấm, mơn trớn của Triệu Vĩ đã từng làm tim nàng rung động. Nàng rất sợ sa ngã vì ánh mắt, vì lời nói của chàng:
Diệu Linh cố giữ giọng lạnh lùng:
- Ông nói gì tôi không hiểu? Ông quá tàn nhẫn. Ông nỡ lòng nào lôi cuốn một người đàn bà đã gửi thân vào chốn thiền môn. Dĩ vãng đã chết.
Giọng ni cô vẫn ung dung:
- Mỹ Lan đã chết... Hiện giờ chỉ có hiện tại và hiện tại tôi là ni cô Diệu Linh chùa Linh Sơn.
Ni cô hơi cao giọng:
- Ông làm ơn tránh đường cho tôi về chùa, trời tối rồi, kẻo sư cụ quở phạt!
Nàng quay lại phía ngôi mộ và không dằn nổi bão lòng, nàng nức nỡ:
- Trần Đức con ơi! Mẹ về nghe con. Tuần sau mẹ trở lại thăm con. Con cứ yên tâm, mẹ không quên con đâu.
Đưa tay áo rộng chùi nhanh nước mắt, ni cô Diệu Linh thúc giục:
- A di đà Phật! Mời ông dang ra. Tôi còn phải tụng kinh tối!
Vừa nói nàng vừa bước sấn tới.
Nhưng Triệu Vĩ đã tiến nhanh lên một bước để chặn đường nàng. Chàng nói mau:
- Mỹ Lan, anh muốn cùng với em cầu nguyện cho linh hồn con trai chúng ta.
Chàng nắm cánh tay ni cô giữ lại:
- Xin em tha lỗi. Hôm nay chúng ta phải giải quyết dứt khoát câu chuyện. Anh không chịu đựng nổi nữa! Sau ngày thằng bé Trần Đức chết, anh đã suy nghĩ nhiều rồi. Anh sẽ ly dị với Ngọc Anh và nàng cũng sẵn sàng ưng thuận, Ngọc Anh biết anh vẫn còn yêu em và nàng cũng hiểu sau cái chết thảm thương của Trần Đức, anh và nàng càng xa cách nhau hơn nữa. Ngọc Anh gánh một phần trách nhiệm về cái chết của Trần Đức. Ly dị xong, chúng ta sẽ làm lễ cưới sau khi em rời khỏi Linh Sơn tự. Anh muốn biết ý kiến của em để anh thu xếp mọi việc.
Triệu Vĩ hỏi to:
- Mỹ Lan, em nghĩ sao?
Trước sự khẩn cầu tha thiết của Triệu Vĩ, ni cô Diệu Linh đâu phải con người sắt đá mà chẳng nao lòng. Nàng ngậm ngùi đáp:
- Nếu bé Trần Đức đừng chết... May ra... Nhưng con đã chết là hết! Tôi đã quyết định gởi thân hèn mọn này trọn đời vào cửa Phật. Tôi muốn tìm quên lãng và tâm hồn tôi đã yên tĩnh.
Triệu Vĩ rít lên:
- Không đúng! Em đừng nói dối! Tâm hồn em có bao giờ được yên tĩnh đâu! Em đừng tự lừa gạt em. Anh biết em vẫn còn đau khổ! Anh biết em vẫn chưa quên! Em tự đày đọa cuộc đời em làm gì!
Chàng tìm cách nhìn thẳng vào mắt nàng:
- Đúng không? Em còn khổ, em còn nhớ. Em thành thực trả lời đi! Phải thế không?
Bị Triệu Vĩ tấn công như vũ bão, tình cảm ni cô Diệu Linh xáo trộn hoàn toàn. Nàng mất tự chủ lúng túng và bản tính đàn bà nhiều tình cảm lại trở về với nàng.
Trong giây phút, nàng quên hẳn đang là kẻ tu hành, nàng khóc òa lên:
- Tôi vang ông! Ông hãy để tôi yên. Ông đừng làm khổ tôi nữa! Tôi muốn quên! Quên hết! Con chúng ta đã chết. Ông đã có vợ con. Tôi là kẻ tu hành. Ông còn muốn gì hơn nữa chứ?
Triệu Vĩ gào lên:
- Chính em mới làm khổ anh và làm khổ luôn chính em nữa! Kiếp sống phù du của con người được mấy chốc.
Hiểu ý Triệu Vĩ, Diệu Linh chặn lời:
- Bởi thế nên tôi mới gởi thân vào chốn am mây! Cuộc đời là cõi tạm. Tình là dây oan. Tu là cội phúc.
Tinh thần căng thẳng cực độ. Triệu Vĩ bóp mạnh tay ni cô định không buông tha:
- Phải! Cuộc đời là cõi tạm nhưng chỉ có hạnh phúc của con người mới là đáng kể! Tuổi xanh qua mau như bóng câu ngang qua cửa sổ. Em hãy quay về trước khi quá muộn!
Ni cô Diệu Linh nấc lên:
- Không! Đã muộn lắm rồi!
Lúc này, Diệu Linh chẳng khác nào một kẻ đắm tàu đang chờ mong vớ được một cái phao.
Đôi mắt nàng bỗng rực sáng lên. Nàng hối hả nói:
- Ông mau buông tôi ra! Vợ và con ông đến kìa!
Câu nói chẳng khác nào một gáo nước lạnh tát vào mặt Triệu Vĩ. Chàng vội vàng buông cánh tay ni cô.
Lợi dụng cơ hội tốt này, Diệu Linh đi thẳng ra cổng nghĩa trang. Nàng không nói dối vì ngay lúc đó, Ngọc Anh và con gái nàng là Ngọc Lệ vừa xuất hiện. Họ chính là cái phao mà nàng đang đợi, nếu không có dịp may này dễ gì nàng thoát khỏi tay Triệu Vĩ, và nếu tình thế kéo dài lâu chưa biết câu chuyện sẽ biến chuyển ra sao.
Ni cô Diệu Linh chạm mặt với hai mẹ con Ngọc Anh. Ngọc Anh ném một cái nhìn thù nghịch về phía ni cô. Nàng “hừ” một tiếng khô khan và kéo tay con gái đi nhanh vào trong.
Vờ không trông thấy và không nghe thấy gì hết, Diệu Linh cúi mặt rảo bước về phía Linh Sơn tự.
Ngọc Anh và Diệu Linh không hỏi han và cũng không gật đầu chào nhau. Chỉ có con bé Ngọc Lệ ngoái cổ nhìn theo bóng dáng ni cô và ngây thơ hỏi mẹ:
- Bà vãi đó vào nghĩa trang làm gì hở mẹ? Mẹ con ta đi thăm mộ anh Đức. Còn bà ta có ai quen thuộc ở đây đâu!
Ngọc Anh không trả lời con gái.
Sau khi Diệu Linh đi rồi, Triệu Vĩ đứng chết lặng. Chàng đã thấy vợ và con. Triệu Vĩ không ngờ Ngọc Anh theo dõi chàng đến tận đây. Giữa lúc đang bối rối chưa biết tính sao thì con bé Ngọc Lệ đã chạy trờ tới. Nó ôm trên tay một bó hoa huệ trắng. Nó tíu tít với Triệu Vĩ:
- Cha ơi! Con mua bó hoa đẹp này để tặng anh Đức. Chắc ảnh thích ghê lắm, phải không cha?
Câu nói ngây thơ của con gái khiến Triệu Vĩ bồi hồi xúc động, thật là trẻ con vô tội chẳng biết gì.
Triệu Vĩ cúi xuống xoa nhẹ đầu con gái và đáp nhỏ:
- Phải, anh Đức của con rất thích hoa huệ.
Ngọc Lệ nắm cánh tay cha giật lia lịa:
- Lúc trước con mê bắt bướm để lỡ trợt chân té xuống sông. Nếu không có anh Đức cứu kịp.
Cô bé bật cười giòn tan.
Triệu Vĩ âu yếm bên con gái. Ngọc Lệ trịnh trọng đặt bó hoa trước mộ Trần Đức.
Triệu Vĩ không giấu được vẻ bực tức hiện ra ngoài mặt trước sự xuất hiện đột ngột của vợ. Chàng cho rằng Ngọc Anh theo rình rập từng hành vi nhỏ của chàng.
Biết chàng đang giận ngầm, Ngọc Anh riu ríu bước nhẹ không dám làm động mạnh.
Gương mặt khổ sở của vợ không làm Triệu Vĩ thương hại, trái lại, chàng đăm đăm nhìn Ngọc Anh và nói gằng:
- Đây là nơi yên nghỉ của bé Trần Đức! Em không có quyền đặt bước tới đây! Em còn muốn làm xáo trộn linh hồn của nó nữa sao? Tội ác của em đã ngần đó vẫn chưa đủ sao?
Triệu Vĩ không bao giờ quên tội ác của Ngọc Anh. Vì lòng ghen tuông ích kỷ của nàng mà bé Trần Đức chết một cách thảm khốc. Cái chết đau thương của Trần Đức càng làm Triệu Vĩ xa cách vợ thêm. Bây giờ, chàng chẳng còn yêu Ngọc Anh một tí nào. Chàng chỉ thương con Ngọc Lệ mà thôi. Không lúc nào chàng quên lãng hình ảnh Mỹ Lan và Trần Đức.
Không thể sống mãi bên cạnh người đàn bà mà chàng khinh ghét. Triệu Vĩ đã đệ đơn ra tòa xin ly dị vợ. Ngày tòa xét xử đã gần kề. Triệu Vĩ cố kiên nhẫn sống chung với vợ một thời gian nữa.
Ngọc Anh toan nói, nhưng Triệu Vĩ phũ phàng gạt ngang:
- Em đừng hòng biện hộ, vô ích lắm!
Dứt lời chàng nắm tay con gái dắt đi. Tội nghiệp, con bé Ngọc Lệ chẳng hiểu chuyện gì, giật mình nắm áo cha hỏi:
- Sao cha không chờ mẹ cùng đi về với?
Triệu Vĩ đáp bình thảng:
- Không chờ, về thôi!
Ngọc Anh cắn răng, nuốt ực niềm tủi cực. Một cái hố sâu quá rộng đã ngăn cách giữa hai người. Nàng biết không thể nào lấp cạn nổi cái hố chia cách đó.
Quá đau đớn, Ngọc Anh ứa trào nước mắt, nàng lủi thủi bước theo chồng.
Tiếng chuông chùa vẫn đỗ dần từng hồi một.
Liên tưởng đến Mỹ Lan, Ngọc Anh hậm hực nguyền rủa thầm:
- Khốn nạn! Cũng chỉ vì con đó.
*
Lướt nhẹ mười ngón tay thon nhỏ trên phím dương cầm, Ngọc Lệ dạo bản “Nhạc buồn”.
Tiếng đàn lả lướt, dìu dặt ngân lên trong căn phòng vắng càng làm cho bầu không khí đã thê lương càng thê lương thêm.
Chiếc đồng hồ treo trên tường rè rè gõ mười tiếng.
Đêm đã khuya rồi mà Triệu Vĩ vẫn chưa về nhà. Chàng không dùng cơm chiều mà cũng chẳng báo cho vợ biết. Ngồi đợi đến lúc mâm cơm đã nguội lạnh, hai mẹ con chẳng trao đổi một lời nào. Con bé Ngọc Lệ biết mẹ nó có chuyện buồn, nên chẳng dám hỏi lăng xăng lít xít như mọi hôm khác.
Ăn xong, Ngọc Anh kéo ghế ra ngồi cạnh cửa sổ. Nàng vừa đan áo ấm cho con gái và thỉnh thoảng nhìn ra ngoài song cửa ngóng bóng chồng.
Bên ngoài, trăng đã lên cao. Con trăng vàng dịu hiền muôn thuở của rừng U Minh vẫn nhẹ nhàng soi bóng trên dòng sông Trẹm.
Trong làng, mọi người đã yên ngủ từ lâu. Im lặng triền miên. Chỉ có lũ trùng dế rỉ rả hòa tấu bản đàn man dại, chán chường bất tuyệt. Thỉnh thoảng, xen lẫn tiếng chó sủa, trăng buồn ảo não.
Từ phía sông Trẹm, giọng hò tình tứ lả lơi của đám trai gái thương hồ vẳng lại, dư âm xa vắng làm sao.
Ngọc Anh đã quá quen thuộc với nếp sống bình lặng ở Thới Bình thôn. Những cảnh thơ mộng của miền thôn dã một đêm trăng không còn đủ sức quyến rũ nàng nữa. Nàng chán ngán quá rồi.
Ngọc Anh là một người đàn bà từ nhỏ tới lớn sống ở thành thị. Nàng đã quen với nếp sống nhẹ nhàng, quen hưởng thụ những thú vui vật chất của ánh đèn màu đô thị. Nàng không thể vùi mái tóc xanh ở miền rừng thiêng nước độc này. Bây giờ nàng mới nhận thấy nàng đã lầm lẫn to lớn khi chọn Triệu Vĩ làm chồng.
Ngọc Anh và Triệu Vĩ khác xa nhau nhiều quá, từ tình cảm đến lý tưởng, Ngọc Anh đã đi lầm lạc một quãng đường tình. Giờ biết tính sao.
Ngọc Anh cảm thấy cô đơn lạ lùng. Giờ đây đáng lẽ phải là giờ phút ấm cúng của một gia đình. Chồng vợ, con cái quây quần bên nhau. Nhưng, vào giờ khuya khoắt này, Triệu Vĩ vẫn chưa về, bỏ mặc vợ con mong đợi. Chàng đi đâu? Lo công việc ư?
Từ ngày thằng bé Trần Đức chết vì mìn nổ ở xưởng dệt và gã quản lý Năm Hương lãnh án chung thân khổ sai lưu đày ra Côn Đảo, chàng sống như một kẻ thất tình, thất chí. Chàng chỉ biết thù ghét vợ và bỏ phế gia đình.
Ngọc Anh tuy có chịu phần nào trách nhiệm trong cái chết của bé Trần Đức, nhưng đó là chuyện ngoài ý muốn của nàng. Trên đời này, người đàn bà nào lại chẳng ghen tuông và ích kỷ. Nàng có quyền ghen với Mỹ Lan và làm hết mọi cách để bảo vệ hạnh phúc, quyền lợi của nàng và con nàng.
Ngọc Anh ngồi đan áo mà đầu óc nghĩ ngợi đâu đâu. Thỉnh thoảng đưa mắt nhìn đồng hồ.
Mười giờ ba mươi phút.
Ngọc Anh ngồi đợi mãi, đâm ra chán nản.
Ngọc Lệ vừa dạo đàn vừa ngáp dài. Hai mí mắt con bé bắt đầu nặng trĩu.
Thương con, Ngọc Anh dịu dàng bảo:
- Khuya rồi, thôi con đi ngủ đi, sáng mai còn đi học!
Ngọc Lệ lắc đầu:
- Con chưa buồn ngủ, mẹ ạ! Cho con thức chờ cha.
Ngọc Anh khuyên nhủ:
- Cha về khuya lắm, con không chờ nổi đâu.
Ngọc Lệ buồn rầu:
- Mẹ có biết cha đi đâu không?
Ngọc Anh đáp một câu chua chát mà bé Lệ không sao hiểu nổi.
- Chắc cha con đi chùa Linh Sơn. Ngày nào không lảng vảng ngang cổng chùa một lần cha con không ăn ngủ được.
Con bé ngây thơ tò mò:
- Cha đi đến chùa làm gì hở mẹ?
Ngọc Anh vuốt tóc con gái:
- Con còn nhỏ, con không biết đâu! Thôi đừng hỏi lôi thôi, ngủ đi, nếu không sáng mai vào lớp lại gục lên gục xuống. Cha con có thương con đâu mà chờ với đợi.
Nàng vụt im lặng vì nghe tiếng chó sủa rộ lên trước sân nhà. Rồi có tiếng gót giầy kéo lê trên sân nhà.
Ngọc Lệ đứng phắt dậy reo lên:
- Cha về rồi!
Cửa mở. Triệu Vĩ bước vào, gương mặt chàng đỏ bừng và mùi rượu mạnh bốc sực nồng. Đôi mắt chàng long lên sòng sọc, trông thật dữ dằn.
Chưa bao giờ Ngọc Anh thấy chồng lâm vào tình trạng say rượu như thế.
Con bé Ngọc Lệ chạy ào tới ôm chầm lấy cha:
- Cha ơi! Con đàn được bản “Nhạc buồn” của Chopin rồi! Cha ngồi xuống ghế, con đàn cho cha nghe! Con đợi cha mãi!
Thấy con gái, sóng mắt Triệu Vĩ dịu lại. Chàng âu yếm bẹo má con gái:
- Con đi ngủ đi, khuya rồi! Mai con đàn cho cha nghe cũng được!
Ngọc Lệ sụ mặt, nó nói gần như muốn khóc:
- Cha không thương con chút nào hết. Tại sao cha không thương con?
Triệu Vĩ ném một cái nhìn bất mãn về phía vợ. Chàng hỏi gằn:
- Em dạy con nói thế đó à?
Ngọc Anh chối:
- Em không dạy con đâu. Nhưng em muốn hỏi anh điều này.
Nàng nhấn mạnh:
- Tại sao anh luôn lạnh nhạt với em? Anh xem em còn hơn kẻ thù. Anh! Chuyện đã dĩ lỡ rồi. Anh không thể tha thứ cho một kẻ đã biết ăn năn sám hối? Chính mẹ anh mới là người có tội, là đầu dây mối nhợ.
Thấy vợ đỗ lỗi cho người đã chết. Triệu Vĩ đỏ mặt gạt ngang:
- Em còn đủ can đảm đỗ lỗi cho người đã chết? Nếu em không ích kỷ huỷ bỏ tờ di chúc của cha mẹ thì đâu có tai họa ghê gớm đó xảy a. Em là kẻ đáng khinh nhứt trên đời này.
Chàng hằn học rít lên:
- Chính em giết chết thằng bé Trần Đức vô tội! Tội lỗi của em muôn đời không rửa sạch!
Không dằn nổi nữa, Ngọc Anh cãi lại:
- Anh mới là kẻ đáng khinh! Chính anh đã huỷ hoại cuộc đời của em. Nếu anh còn yêu con Mỹ Lan, tại sao anh chịu cưới em làm vợ? Anh không đủ can đảm cãi lịnh mẹ anh, thì anh ráng chịu lấy một mình. Sao anh còn lôi kéo em vào chuyện rắc rối này. Em có biết gì đâu. Em tưởng anh là người học thức, trọng danh dự, không ngờ, anh chỉ là một kẻ hèn nhát! Anh trốn tránh trách nhiệm.
Quá uất ức, Ngọc Anh gào lên:
- Chính anh đã giết thằng bé Trần Đức! Chính anh đã làm hư hỏng cuộc đời Mỹ Lan! Và bây giờ anh làm hại luôn hạnh phúc của vợ con anh!
Trước những lời kết án có lý của vợ, Triệu Vĩ lãng tránh cái nhìn trách móc của nàng:
- Ngoài Mỹ Lan ra, anh không yêu bất cứ một người đàn bà nào khác! Anh vẫn yêu Mỹ Lan và sẽ yêu nàng mãi mãi.
Ngọc Anh hậm hực:
- Anh đã làm hư đời con gái của Mỹ Lan, bây giờ anh còn muốn phá hoại cuộc sống tu hành của người ta nữa à? Đúng vậy không? Anh trả lời thành thật đi.
Không trả lời câu chất vấn của vợ, Triệu Vĩ nói lảng:
- Ngọc Anh, chúng ta không thể tiếp tục chung sống trong cái địa ngục này.
Nói đến đây, chàng nhẹ ẵm con lên và dỗ dành:
- Con đi ngủ nhé. Sáng mai con nhớ đàn cho cha nghe!
Ngọc Lệ chùi nước mắt, mếu máo:
- Nhưng cha có thương con không? Cha nói đi, rồi con mới đi ngủ.
Triệu Vĩ hôn lên gò má con gái:
- Cha thương con nhiều lắm, thương hạng nhứt.
Ngọc Lệ nhoẻn miệng cười:
- Con sẽ cố học giỏi và đàn thật hay để cho cha vui lòng.
Triệu Vĩ bồng con gái đi thẳng vào phòng riêng của nó, để mặc Ngọc Anh ngồi lại một mình trong căn phòng khách vắng tanh.
Cố nuốt ực niềm cay đắng, Ngọc Anh uất ức buột miệng:
- Triệu Vĩ khinh mình quá!
Bên Dòng Sông Trẹm Bên Dòng Sông Trẹm - Dương Hà Bên Dòng Sông Trẹm