We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
I CŨNG LẤY LÀM LẠ tháng Tư rồi mà tuyết vẫn còn rơi. Nhưng những vị thần thời tiết chẳng màng đến dương lịch. Hoặc có khi chính các thần bày trò nghịch ngợm ngày Cá tháng Tư.
Ở Los Angeles, tiết trời đông đồng nghĩa với những ngày dài lê thê và tối tăm, mưa xám xịt mải miết trút xuống, làm ngập các con phố và đi đâu cũng bị cấm đường. Nhưng tuyết hầu như chẳng dính dáng gì đến khung cảnh đó. Tuyết là một điều kì diệu nho nhỏ. Có năm, chút mưa tuyết hiếm hoi rơi xuống Encino, CM và tôi thi nhau chạy loăng quăng, há miệng lè lưỡi ra như những đường băng màu hồng, háo hức mong đợi bông tuyết nào đó sẽ đáp xuống.
Hồi bé, tôi chắc mẩm rằng chỉ ở Tahoe mới có tuyết, vì đó là nơi duy nhất tôi được thấy tuyết rơi. Tôi chưa từng ở thành phố nào vào lúc tuyết rơi. Có lẽ nó chỉ tổ thêm phiền phức cho New York, Chicago và những nơi mùa đông nào cũng có tuyết. Giao thông ách tắc, người ta phải xúc dọn tuyết khỏi lối đi, rắc muối trên thềm nhà, và tha lôi những bánh xe cuốn xích để đi được trên tuyết. Còn đa phần người Seattle không phải chịu vất vả đến mức như vậy.
Tôi thích cái cách tuyết làm cho mọi thứ chậm lại. Mọi người nhìn trước ngó sau như thể có âm thanh đột ngột nào đó khiến họ hoảng hốt, trừ khi đúng là bất ngờ có tiếng suỵt vang lên đâu đó. Trên Queen Anne Avenue, người ta tụm lại ở các góc, thong thả uống cà phê latte, sô-cô-la nóng, và dậm dậm ủng đang đi, chỉ để phát ra tiếng động. Tuyết lấp mịn mọi xù xì, thô nhám, nứt nẻ và mấp mô, hệt như lớp kem đường tinh khôi phủ lên phần cốt bánh không mấy hấp dẫn.
Tất nhiên, một thế giới đang hoạt động bình thường chợt bị đảo lộn hoàn toàn. Không thể lái xe mà không có dây xích, xe buýt không chạy, sân bay đóng cửa. Gary gọi điện thông báo chuyến bay của anh bị hủy, tuần sau lại bận công việc, nên phải cuối tháng anh mới tới chỗ tôi được.
- Anh nhớ em, - Gary nói. - Mong được gặp em quá.
- Em cũng thế. - Nhưng cảm giác thực sự trong tôi gần giống với cái thở phào nhẹ nhõm hơn.
o O o
Đêm thứ Bảy ở quán Bailey giống như mở tiệc. Kenny làm nóng rượu rum và bơ trong nồi hầm Crock-Pot. Có bỏng ngô nổ bằng lò vi sóng, và ai đó mang đến một khay khổng lồ đầy bánh quy sô-cô-la chip, tất cả biến gọn chỉ sau vẻn vẹn chừng năm phút. Mac bật nhạc thập niên sáu mươi, mọi người nhún nhảy theo điệu twist và jerk. Một anh chàng không nén nổi cơn ngẫu hứng trẻ thơ chạy ào ra ngoài nắm vội chút tuyết, nghịch ngợm thả vào cổ áo cô nàng đi cùng.
Tôi hòa mình vào bầu không khí hội hè nhộn nhịp ấy bất chấp cảm giác nhoi nhói từ đêm hôm qua ở chỗ làm, giờ đã âm ỉ thành cơn đau dạ dày không mấy dễ chịu. Thoáng thấy buồn nôn. Liệu mình có bị ngộ độc thực phẩm không nhỉ? Chẳng biết lúc sáng uống thuốc giảm đau Alka-Seltzer có phải là ý hay không nữa. Nếu đã dính đến virus thì lẽ ra nên kệ nó hoàn thành chặng đường rồi tự đào thải ra khỏi cơ thể mình, phải không nhỉ? Hay chỉ là bị co cơ hoặc chuột rút gì đó thôi? Còn bị đều đặn thì ít nhất phải một tuần nữa.
Nên về nhà và ngủ thôi, nhưng tôi thực sự không muốn rời đi, và chỉ nghĩ đi bộ một mình về nhà trong thời tiết lạnh lẽo này thôi cũng đã muốn nản rồi. Nếu ngồi đây thêm một lúc nữa, tự chữa bằng thứ bia ấm mà tôi đã gọi, vì uống rượu lúc này không tốt lắm, chưa biết chừng tôi sẽ thấy khá hơn.
Khi Inez và Charlie Foxx bắt đầu hát “Con chim nhại”, Mac từ sau quầy bar đi tới và nắm lấy tay tôi.
- Bài hát của chị này.
Anh kéo tôi khỏi ghế và chúng tôi đi được vài bước nhảy. Anh đưa tay lên cao để tôi xoay tròn, nhưng tôi lại đổ gập xuống.
- Này, chị sao thế?
Tôi đứng thẳng dậy.
- Không sao. Tôi bị đau bụng. Chắc tôi đã bắt trúng con virus cúm đang quay mòng mòng rồi.
Mac giúp tôi ngồi lại lên ghế đẩu. Tôi liếm môi, và chỉ khi đó mới nhận ra mình đang đổ mồ hôi. Mac cau mày.
- Trông chị không khỏe lắm.
- Có ai bị cúm mà lại trông khỏe đâu, - tôi gắt.
- Chị có muốn tôi đưa về nhà không?
Tôi lắc đầu.
- Tôi ngồi thêm một lúc nữa rồi sẽ tự về. Đừng lo, tôi không lây cúm sang mọi người đâu.
- Nếu thấy khó chịu thì chị cứ bảo tôi. Xe tải đỗ ngay bên ngoài.
- Không cần cả cỗ xe đâm sương đạp tuyết như thế. Tôi không ốm đến mức ấy đâu.
Anh bật cười và quay trở lại sau quầy bar.
Chừng một giờ mười lăm, hầu hết đám đông trong quán đã ra về, tìm đến những chiếc giường ấm áp. Chắc đúng mình bị cúm rồi. Tôi ngồi gập người như con sâu trên ghế, hai mắt nóng bừng và bụng dạ nhộn nhạo, liên tục phải lấy khăn ăn lau trán. Kể ra đi nhờ cỗ xe đâm sương đạp tuyết về cũng không phải là quá tệ.
- Anh Mac ơi.
Nụ cười của Mac tắt vụt khi anh nhìn sang tôi.
- Trời đất, Wyn, chị ổn cả không? - Không đợi tôi trả lời, anh nói tiếp. - Nào, ta đến phòng khám thôi.
- Không đời nào. Chỉ cần đưa tôi về thôi. Phiền anh.
- Trông chị khiếp lắm, phải đi khám bác sĩ thôi. - Anh mặc vội áo khoác lên và giúp tôi xỏ măng-tô của mình vào, cuốn khăn quàng quanh đầu tôi.
Tôi đẩy Mac ra.
- Anh có thôi không?
- Tôi đi một lát về ngay. - Mac gọi với sang Kenny.
Không khí lạnh ngoài ngõ khá dễ chịu, nhưng tuyết không chặn nổi mùi rác khăn khẳn thoáng qua, và chỉ cần có thế. Tôi quỳ thụp xuống nôn như muốn lộn hết gan ruột ra, và vì chẳng có gì mấy trong đó, nên tôi bắt đầu ọe khan.
Mac đỡ lưng tôi đứng dậy và cơn đau chạy như xé bụng dưới tôi ra. Những đốm sáng li ti nổ bùng trước mắt tôi, rồi nhạt đi như chùm pháo hoa tí hon.
- Cố gắng thở sâu nào. Thế, từ từ thôi. Cứ hít thở và nuốt vào thế nhé.
Hình như tôi đã kêu gào gì đó, vì cửa sau bật mở và Kenny ló ra.
- Chuyện gì thế?
- Gọi 911 đi anh, - Mac nói.
Tôi lắc đầu mạnh hết sức có thể.
- Không, đừng!
Kenny không đếm xỉa gì đến lời tôi.
- Nào, vào trong nào, - Mac giữ chặt cánh tay tôi.
- Trong đấy nóng lắm, - tôi lẩm bẩm.
- Chị có muốn ngồi không?
Tôi lắc đầu.
- Thế chị bị đau ở đâu?
Tôi đặt tay lên một chỗ dưới áo khoác. Mac nhìn đồng hồ đeo tay. Cuối cùng, Kenny mở cửa.
- Gọi được cấp cứu rồi, nhưng họ nói phải mất ít nhất mười lăm, hai chục phút mới đến được. Đêm nay bị kẹt tứ phía, tuyết...
- Đến lúc ấy thì... - Giọng Mac nghe nhỏ dần, càng tốt, tôi chẳng muốn nghe mọi người nói gì. - Giúp tôi đưa Wyn lên xe tải.
Mac mở cửa, cả hai cùng thả tôi vào xe, đi qua bãi nôn.
- Cậu chắc là sẽ đi được chứ? - Kenny chừng như nghi ngại, nhưng Mac cười, vỗ lên tấm bạt xanh phủ căng trên thùng chiếc xe Elky.
- Nửa thùng chuẩn gỗ sồi là đủ đảm bảo đi được ngon lành.
Anh ngồi vào sau tay lái và xoay chìa khóa. Chiếc xe tải gầm gừ, Mac vỗ lên bảng điều khiển như thể đây là một con chó già lớn xác. Tiếng gầm gừ khục lên một cái. Tôi muốn phì cười nhưng lại sợ cười sẽ đau. Mac không để ý và lại xoay chìa khóa. Lần này gầm, khục, và nấc cụt; rồi chiếc xe rù rì chuyển bánh.
Tuyết đang rơi những bông lớn, lấp lánh như sao sa. Đèn đường nhòa trong ánh sáng phản chiếu. Một khung cảnh lung linh huyền ảo, trừ có điều tôi cảm thấy mình như vừa nuốt chửng một con chồn sương còn sống vào bụng. Đèn pha xe tải rọi thành một dải đường hầm ánh sáng trong ngõ tối, Mac rẽ trái, rồi rẽ phải vào Queen Anne Avenue.
- Anh đang đến chỗ quái nào thế?
Mac không trả lời.
- Mac, quỷ tha ma bắt anh đi, tôi phải về nhà.
Anh dừng xe trước tín hiệu đèn giao thông.
- Chúng ta sẽ đến bệnh viện Virginia Manson.
Khuôn mặt anh nhòe đi. Tôi khò khè, gấp gáp và hoảng hốt thở ra khói trắng.
- Vậy đưa tôi đến phòng khám cấp cứu được rồi. Tôi không cần đi bệnh viện đâu. Thật. Tôi không sao mà. Chỉ cần ngủ thôi. Họ sẽ kê cho tôi thuốc giảm đau. Kháng sinh gì đó.
Tôi vuốt mặt đang đầm đìa mồ hôi và ngửi thấy mùi nôn trên tay áo. Bụng dạ lại cuộn lên.
- Hít thở và nuốt vào nào. - Giọng Mac bình tĩnh, nhưng anh đang nắm tay lái chặt đến mức các khớp ngón tay trông như một đường kẻ chấm trắng. - Tôi cần nghĩ cách đến đó nhanh nhất, ít phải đi đường đồi nhất.
Dựa vào tấm kính cửa sổ lạnh khiến tôi thấy dễ chịu hơn. Một cách bản năng, tôi co chân lên và run rẩy.
- Chị thắt dây an toàn đi, - Mac nhắc, bật chế độ chống băng giá ở mức cao. Chiếc xe từ từ tiến vào giao lộ.
- Tôi không làm được. Đau lắm.
Từng đầu mút thần kinh trong cơ thể tôi đang ở trạng thái báo động chiến đấu cao nhất. Tôi cảm nhận được từng viên sỏi, từng thay đổi của mặt đường, từng ổ gà ổ vịt bánh xe lướt qua. Tôi có ốm bao giờ đâu. Chưa bao giờ ốm. Tôi không ốm. Tôi không bao giờ bị ốm.
- Bạn trai của chị thế nào? - Mac lên tiếng ngắt mạch thầm cầu nguyện của tôi.
Tôi nhìn anh bằng đôi mắt đã díu lại.
- Cái gì của tôi cơ?
- Tôi nên gọi là anh trai của chị chăng? - Tôi không đáp. - Người California các chị có đời sống thú vị thật.
- Chúng tôi ăn tối với nhau hai lần. Như thế không biến anh ấy thành bạn trai của tôi.
- Thế chị có chia hóa đơn với anh ấy không?
- Anh muốn chuyện gẫu cho vui hay muốn xỏ xiên tôi vậy?
- Tùy cách nghĩ của chị thôi. - Anh mỉm cười, vẻ như đắc thắng.
Tôi nhăn nhó khi xe đi qua chỗ xóc.
- Cái gì thế? Tôi bị làm sao vậy?
- Chắc là đau ruột thừa.
- Không. Trời ơi. Không thể nào. Tôi không mổ máy gì đâu. Không phải lúc nằm bệt cả tháng.
- Tôi không nghĩ chị được quyền quyết định ở đây. Cơ mà rồi chị sẽ thích thôi. Tha hồ được thăm hỏi, động viên, nhận thiếp và hoa chúc sức khỏe, được chăm sóc tẩm bổ cho lại sức. - Anh cau mày. - Vấn đề duy nhất là...
Tôi đưa mắt sang nhìn anh, cử động nhẹ vậy thôi mà cũng đau thốn.
- Là sao?
- Phải tránh xa bikini một thời gian.
Đầu tôi đổ trở lại lưng ghế.
- Quỷ bắt anh đi, McLeod.
- Giữ mồm giữ miệng chứ nào, đừng nguyền rủa thế, chị còn phải ăn bằng cái miệng đó đấy.
- Anh có thôi chọc tức tôi không? Gớm quá đi mất.
- Cho đến khi mọi chuyện ổn thỏa đã. Tin tôi đi, tôi đã qua cảnh này rồi.
- Cho tôi xem vết sẹo của anh đi. - Mac bật cười, và tôi cảm thấy bánh xe xoay tít. – Ôi trời ơi!
- Đường trơn chút thôi. - Mac trấn an, nhưng tôi thấy cả nước mưa và tuyết lòa nhòa bắn lên cửa kính phía trước. Chiếc xe vẫn tiến lên, bám đường bằng sức nặng của mình. - Chị đọc thơ cho tôi nghe đi.
- Chịu thôi, chẳng nhớ được gì. - Tôi hổn hển nắm chặt tay ghế, người nghiêng trước đổ sau.
- Được rồi, để tôi đọc trước. “Chắc tôi chẳng phúc phận nào/ Đọc áng thơ đẹp như đầu gối em...”
- Anh đã nhìn thấy đầu gối tôi bao giờ đâu.
- Đáng buồn nhưng đúng đấy. - Mac rẽ trái, rồi sang phải. Khu trung tâm chìm trong tuyết rơi, đắm mình trong ánh đèn đường vàng sậm tựa đồng thau, thi thoảng nhá lên sắc đỏ và xanh lục từ đèn giao thông, khung cảnh huyền diệu như cổ tích. Chúng tôi chưa gặp chiếc xe nào từ khi ra khỏi Queen Anne. - Thôi được, hay là thơ có đoạn “Con đường là dải lụa trăng/ Buông lơi trên trảng cỏ tím...”
- Đồ ăn gian, - tôi xì. - Anh bỏ mất mấy câu. “Gió là dòng bóng đêm/ Lách qua hàng cây tăm tối/ Trăng là tàu lữ thứ/ Bồng bềnh biển mây bạc/ Con đường là...” - ôi, khiếp...
- Tôi nhớ không có khiếp khiếc gì trên đường đâu. Nhưng có ngựa đấy. “Con đường là dải lụa trăng/ Buông lơi trên trảng cỏ tím/ Chàng kị mã dập dìu vó ngựa/ Quán trọ thân quen, khung cửa cũ năm xưa”.
Đột nhiên xe chững lại, trôi ngược và chỉ dừng khi đã chạm mép vỉa hè.
- Chết tiệt, - Mac khẽ rủa qua hơi thở. - Ngọn đồi này... - Anh nhìn sang tôi. - Chị thấy thế nào?
- Tôi chưa từng nằm viện. Chỉ toàn đi thăm người ốm.
Rẽ bánh xe về hướng này, rồi lại hướng khác, từ từ nhích lên, trượt xuống, Mac chầm chậm quay xe, không phải xuống dốc, mà là sang ngang, rồi chúng tôi đi đường chữ chi lên đỉnh dốc, như con thuyền tìm cách lách gió.
- Cố gắng chịu đựng nhé. Sắp tới nơi rồi.
- Tôi chưa bị gây mê bao giờ. Tôi không muốn thế đâu.
Mac lục khục cười.
- Wyn ơi là Wyn, có phải là đi đẻ đâu mà chị sợ. Tôi bảo đảm chị không muốn tỉnh táo trong khi bác sĩ làm phẫu thuật đâu.
Tôi kinh hãi nhắm tịt mắt, rồi lén lau vội nước mắt vì sợ anh sẽ coi tôi là đứa ủy mị sướt mướt.
Càng lên gần đỉnh đồi gió càng mạnh, tạt đầy tuyết lên cửa kính phía trước. Tôi thì không sao, nhưng chỉ sợ anh không nhìn được nhiều. Các bánh xe lại đang trượt đi, nhưng tôi chẳng để tâm nổi nữa, chỉ kéo khăn quàng quanh cổ và khổ sở nép vào thành xe.
Mac bật radio và một giọng nam cao vút tràn ra xe.
“Đêm nay những vì sao ngao du nơi đâu?
Vòm trời nhiều mây hay sao vẫn sáng nhiệm màu?”
- Ồ, hay đấy, - Mac mỉm cười. - Nhạc của The Flamingos.
- Mac ơi...
- Chị nhắm mắt lại đi. Nghe lời hát này.
“Ta đang dạo bước trong vườn?
Hay chen chân trên đại lộ đông đúc?”
Một buổi dạ hội ở trường trung học hồi thập niên năm mươi. Các cô gái mặc váy voan nhẹ, các cậu diện như phù rể, cổ tay đeo hoa. Cả mấy cậu cắt đầu cua, mặc bộ vest tối màu, ve áo hẹp chứ không to bản. Tôi thả mình trôi vào hồi ức đó.
“Em ở đây, tôi cũng ở đây
Chắc hàng triệu người đang mải miết lướt qua
Nhưng họ đều không xuất hiện trong tầm mắt chúng ta.”
Đột nhiên tôi cảm thấy mặt đường võng xuống, chắc chắn là một lối rẽ. Chữ thập đỏ sáng rực trong bóng tối, và tấm biển đề “Cấp cứu”. Mac bấm còi trong khi chúng tôi từ từ dừng hẳn lại.
- Thôi đi, tôi thấy mình giống con ngốc quá.
Anh mở cửa đi ra, đóng mạnh lại sau lưng; chút gió lạnh ùa vào cùng vài bông tuyết xoay xoay rơi xuống, tan đi trên vải bọc ghế. Và tôi cuộn mình trong cơn đau nóng hổi.
Có âm thanh và chuyển động đâu đó bên ngoài, nhiều người mặc trang phục phẫu thuật màu lá cây và đồng phục trắng. Tôi được đặt nằm ngửa trên cáng đẩy có bánh xe, và Mac tìm lấy ví của tôi.
- Gọi cho CM nhé, - tôi khẩn khoản, và anh gật đầu.
- Chị ăn bữa cuối cùng khi nào? - Một y tá hỏi tôi.
- Sáng nay, - tôi ngớ ngẩn nhìn chị và đáp.
Chị xoay tôi nằm nghiêng, và tôi cảm thấy kim tiêm chọc vào đau nhói, kéo theo một làn sóng ấm áp. Kì diệu thay, cơn đau giảm dần, rồi tan biến.
Tôi kí vào một tờ giấy mà tôi đọc không nổi. Những bức tường trôi về sau, đèn trần vùn vụt chạy qua đầu tôi. Mặt tôi nghiêng sang trái và Mac vẫn ở đó. Hình như anh đang nắm bàn tay tôi đã lạnh. Anh đang di chuyển, những người mặc quần áo trắng và xanh lá cây cũng đang di chuyển quanh tôi, nhưng hình như tôi đang trôi nổi. Trên một tấm đệm không khí, dễ dàng bồng bềnh theo nhịp dập dờn êm ái.
Giống như một bộ phim câm với khung hình màu đen nhòe nhoẹt. Khung đen càng lan ra, hình ảnh ở giữa càng nhỏ lại, nhỏ lại, cho đến khi tôi không còn thấy được gì nữa.
o O o
Tôi đang ói. Hoặc muốn ói. Nhưng cô y tá tóc vàng ngọt ngào nhất thế giới đang mỉm cười với tôi và nói:
- Chị ơi, đừng nôn đấy nhé, sẽ khó chịu lắm đấy.
Tôi lúc lắc đầu. Không thể cảm thấy tệ hơn được. Bụng dạ lại nhộn nhạo, tôi ngoan ngoãn cố nuốt xuống. Tôi muốn ngủ và cô y tá bóp nhẹ tay tôi, lau mặt cho tôi và bảo tôi đừng ngủ. Tôi chỉ biết lát nữa cô ấy sẽ quay lại và mang thuốc ngủ cho tôi.
Sau đó, tôi tỉnh dậy trong một căn phòng khác. Khi mọi thứ xung quanh không còn mờ ảo nữa, điều đầu tiên tôi thấy rõ được là gương mặt lo lắng của CM. Tôi cười yếu ớt với chút cảm giác nhẹ nhõm. CM kéo ghế kim loại lại gần giường và nắm tay tôi bằng cả hai bàn tay cô.
- Bồ thấy sao rồi?
- Chưa bao giờ ổn hơn. Có ai ghi lại biển số xe tải không đấy?
CM khúc khích cười, vẫn còn thoáng nét lo lắng, và áp bàn tay tôi lên má cô.
- Giời ạ, tôi sợ đứng tim luôn ấy. Sao Mac lại biết cách liên lạc với tôi vậy?
- Có số điện thoại của bồ trong ví tôi.
- Anh chàng tử tế phết đấy.
- Bạn bè thôi mà.
- Anh ấy hỏi tôi có nên gọi điện cho mẹ bồ không, tôi nghĩ tốt nhất là đợi bồ tỉnh lại đã...
- Đội ơn bồ, - tôi thở hắt ra. - Bây giờ mà có mẹ tôi líu lo ở đây như Florence Nightingale* thì tha hồ vui nhé. Khi nào về nhà yên ổn rồi, tôi sẽ gọi điện cho mẹ sau. Hôm nay thứ mấy rồi nhỉ?
Ánh nắng lấp ló xuyên qua rèm cửa sổ, rọi lên đủ loại thiết bị y tế bằng kim loại, với các túi nhựa đầy dung dịch dẫn qua các ống truyền, cắm vào vài lỗ trên người tôi. Một kim truyền cắm vào bắp tay tôi.
- Chiều Chủ nhật rồi. Tuyết đang tan.
Tôi toan trở mình thì chợt thấy đau nhói đến mức phải há miệng ra thở.
- Quỷ thần ơi, họ để quên dao mổ trong ổ bụng tôi phải không?
- Đồ hâm, là vết mổ của bồ thôi mà. Bồ không sao đâu, miễn là đừng ho, hắt xì hơi, cười thành tiếng hoặc thở.
Tiếng gõ lên kim loại khiến chúng tôi cùng nhìn ra cửa. Một thanh niên rất trẻ, tóc gợn sóng giống tôi, cổ đeo ống nghe và mặc trang phục phẫu thuật màu xanh da trời, đang đứng đó và nhoẻn cười rạng rỡ.
- Mọi chuyện ổn cả không? - Một cách tự nhiên, cậu ta bắt chuyện với tôi, nhưng ánh mắt lại nhìn CM.
- Chính cậu làm tôi ra nông nỗi này phải không?
- Có tội như đã bị kết án, thưa chị. Và dẹp mọi khiêm tốn sang một bên, tôi đã phạm tội một cách chuẩn xác. Chị không cần phải đi đâu, - cậu ta nói khi CM đứng dậy.
- Tôi muốn chạy qua hàng lưu niệm xem họ có còn mẫu này với những tông màu của mùa xuân không. - Cô chỉ vào cái vòng nhựa của bệnh viện đeo trên cổ tay tôi.
Đầu cậu bác sĩ xoay như muốn trật khỏi vai trong khi dõi theo CM, rồi cậu kéo ánh mắt lại nhìn tôi.
- Hôm nay chị cảm thấy thế nào?
- Như phụ tá của ảo thuật gia sau màn biểu diễn cưa đôi thân thể. Khi nào thì tôi về nhà được?
- Ồ, thong thả nào. Chị rất may đấy. Suýt nữa thì... - cậu đưa ngón trỏ và ngón cái sát lại gần nhau - chỉ chừng này nữa thôi là vỡ ruột thừa. Thực ra, tôi vừa lôi được anh bạn nghịch ngợm ấy ra, đặt vào bát, là “bùm”, chẳng còn gì. Bạn chị đã đưa chị đi cấp cứu rất kịp thời.
- Tôi khẳng định với cậu rằng tôi biết ơn tất cả mọi người có liên quan, nhưng tôi muốn về nhà.
Cậu bác sĩ mỉm cười thích thú.
- Thứ Ba nhé. Thậm chí có thể ngày mai. Chừng nào chị tự tiểu tiện được. Rồi chị phải hứa với tôi là sẽ không lái xe trong ít nhất ba tuần...
- Tôi hứa ngay đây. Tôi không có xe ô-tô.
- Và rằng chị sẽ không đi bộ nhiều trong ít nhất hai tuần...
- Thế tôi đi làm bằng cách nào?
- Chị không đi làm. Và tôi không muốn chị nhấc vác vật gì nặng hơn một cái bánh sandwich trong khoảng sáu tuần.
- Cậu đang đùa phải không? Tôi là thợ làm bánh. Bê vác là một nửa công việc của tôi.
- Trong sáu tuần tiếp theo thì không. - Bác sĩ lắc đầu. - Chị phải hiểu rằng mình vừa trải qua ca phẫu thuật ổ bụng không nhỏ. Chắc chắn phải mất ít nhất sáu tuần, rồi chị mới được quay lại cường độ làm việc ngày trước. Đặc biệt khi công việc bình thường của chị phải dùng sức nhiều.
Tôi khoanh tay nhìn thẳng vào cậu bác sĩ.
- Ồ, được thôi, cậu có muốn đến nhà tôi giám sát luôn không?
- Đó không phải là lời đề nghị tệ hại nhất dành cho tôi, nhưng lúc này tôi không sắp xếp được thời gian. - Anh chàng dành cho tôi một nụ cười quyến rũ, trong khi tôi đang quặm mặt cáu. - Chị Morrison này, không đùa nữa nhé, cơ thể chị cần một thời gian nhất định để phục hồi. Đó là một thực tế cuộc sống thôi mà.
- Thực tế cuộc đời tôi đây. Tôi sống một mình. Công việc phải được giải quyết và tôi không có cậu nào túc trực xung quanh để mà nhờ vả cả.
- Chị có biết các biến chứng dính nội tạng là thế nào không?
- Tôi có cần biết không?
Cậu bác sĩ thở dài.
- Không. Nhưng nếu không để cơ thể mình hồi phục hoàn toàn, thì chị sẽ cần biết đấy. Và trải nghiệm ấy không dễ chịu gì đâu.
Cho đến khi cậu bác sĩ kết thúc bài giảng chi tiết đến rùng rợn về chứng dính nội tạng, tắc ruột, áp-xe, đau mãn tính và khả năng tiếp tục phẫu thuật trong tương lai, tôi đành miễn cưỡng chấp nhận tình trạng thương tật của mình.
o O o
Chiều thứ Hai, Mac gọi điện hỏi tôi có cần giúp gì không. Tôi tuyên bố rằng mình đã tự tiểu tiện được. Tôi chưa bao giờ thấy tự hào về khả năng đi nhà vệ sinh của mình như lúc này, kể từ hồi bé được dạy ngồi bô.
Mac cười ngất.
- Như thế nghĩa là chị cần người đưa về nhà phải không?
- Nếu anh sẵn lòng, tôi hết sức biết ơn được ra khỏi đây càng sớm càng tốt. Nơi này bí bách muốn điên luôn. Đi đâu cũng thấy người ốm.
- Rủi là phải làm một chuyến nữa trên cái xe đâm sương đạp tuyết đấy nhé.
- Tôi chân thành xin lỗi về bất cứ bình phẩm ác ý nào tôi đã vô ý thốt ra với chiếc Elky.
- Thế mà là vô ý ư?
Tôi phải cắn chặt hàm răng lại, rồi nói:
- Anh Mac, một cách thật lòng nhất, tôi mong anh tha thứ.
- Thôi được, tha cho chị đấy. Mấy giờ chị muốn rời bệnh viện?
- Ngay khi anh có thể lôi cái cỗ xe già nua ấy đến đây.
o O o
Mac đã đúng ở một điểm. Đã lâu lắm rồi tôi mới được quan tâm nhiều như thế này. Tất nhiên mấy ngày đầu tôi vẫn còn lờ đờ vì thuốc Vicodin nên không tận hưởng được ngay được. CM xếp đầy tủ lạnh nhà tôi các món súp và hầm, giúp tôi gội đầu và tỉ mẩn tết tóc cho tôi. Ellen và Diane mang bánh mì, các loại scone và muffin đến.
Tyler mang cho tôi bánh quy và bức tranh in mộc bản, hình một ổ bánh mì trên nền những sắc thái khác nhau của màu nâu, trông hết sức ấm cúng.
- Tyler ơi, bức này đẹp quá. Phải treo ở hiệu bánh mới phải. Cô in thêm một tấm nữa có được không?
- Vâng, - Tyler nhún vai, chừng như xấu hổ vì tôi hào hứng đến vậy.
- Mà có khi chúng ta cần cả áo phông nữa.
- Để làm gì ạ?
- Để bán chứ sao, cô gái phá cách ạ.
- Tức là bán áo phông có in thiết kế của em ấy ạ? - Đôi mắt Tyler lấp lánh phấn khởi và thích thú.
- Chính xác. Có khi cả cốc cà phê nữa nhỉ. Cô thử bảo chị Ellen gọi điện cho tôi xem sao, nhé?
- Quán triệt tinh thần ạ. Nhân tiện, bà Linda gửi lời chào chị nhé.
- Ờ.
- Không, em nói thật đấy. Bà ấy nhớ chị thật mà.
- Tyler, thôi ngay, tôi mà cười là sẽ đau lắm đó.
Mac mang băng ghi âm đến để tôi có thể nghe được bằng máy cát-xét; và sách. Anh đọc to cho tôi nghe, những lúc tôi quá đờ đẫn không tự đọc được. Càng lớn, ta càng quên mất cảm giác khoan khoái khi được nghe đọc truyện, chứ không phải đọc thầm bằng mắt. Nó gọi lại kỷ niệm nguyên sơ về những câu chuyện được kể khi ngồi bên nhau quanh đống lửa trại, xung quanh bốn bề là bóng tối của rừng.
Sau một tuần, không phải uống thuốc giảm đau nữa, tôi hoàn toàn có thể tự đọc được, nhưng Mac vẫn đọc cho tôi nghe, vì cả hai chúng tôi đều thích như vậy. Kỷ niệm tròn ba tuần xuất viện, Mac có mặt lúc chín giờ rưỡi sáng trước cửa nhà tôi với cái túi trắng và cuốn Gatsby Vĩ Đại. Tôi bò trở lại giường trong khi anh pha cà phê.
- Nếu không vì đau thì tôi sẽ quen thân thế này mất. Ngủ dậy muộn rồi mọi người cứ thế mang đồ ăn, băng nhạc đến, đọc sách cho tôi nghe.
- Cứ tận hưởng khi chị còn có thể đi. Khi nào chị khỏe hẳn và trở lại bình thường, tôi sẽ lên kế hoạch tự ốm để đến lượt chị đọc sách cho tôi.
- Thế tôi có phải cưỡi cỗ đâm sương đạp tuyết đưa anh đi cấp cứu không?
- Không, tôi tự ốm tại gia thôi. Elky không đời nào cho chị cưỡi đâu. Anh đặt một vỏ băng cát-xét lên mặt bàn bếp. - Băng mới cho chị đây.
- Ai thế?
Anh lướt qua tủ bếp của tôi.
- Chị có cốc sạch không?
- Có mà, CM đã rửa hết rồi đấy, nhưng không dặn lại là cô ấy cất đi đâu. Trong băng mới có ai hát thế?
- Bo Diddley, Chuck Berry, Jackie Wilson, Sam Cooke.
Anh đưa tôi tách cà phê và thả cái túi trắng xuống giường. Bên trong có một chiếc bánh sừng bò vàng ruộm hoàn hảo, vẫn còn ấm.
- Ôi, Mac, cảm ơn anh. - Tôi khoan khoái hít hà mùi bánh thơm ngậy. - Anh mua ở hiệu Le Panier phải không?
- Tất nhiên rồi. Chị nghĩ tôi dám rước món bánh cuộn hình sừng bò ở hiệu Phoebe đến đây sao?
Tôi phải ấn tay lên bụng.
- Ôi, đừng làm tôi phì cười đi mà. - Tôi cắn một miếng và nghe cả ngàn lớp bột mỏng tang vỡ rụp trong miệng mình. - Ôi Chúa ơi, hoàn hảo đến từng lớp. Cảm ơn anh nhiều nhiều nhiều nhé. Anh có muốn thử một miếng không?
- Không, tôi đã ăn một chiếc ngay ở hiệu rồi. - Mac ngồi xuống ghế, gác chân phải đi ủng lên đầu gối trái.
- Thứ Bảy mà anh ra khỏi nhà sớm nhỉ.
Mac giở mấy trang sách.
- Thực ra tôi chưa về nhà. Đêm qua tôi đi với Kenny, cuối cùng đến một bữa tiệc ở đồi Capitol.
Tôi bất chợt thấy gợn lên chút nhoi nhói là lạ trong bụng, đâu đó gần vết mổ thì phải.
- Tiệc vui chứ? - Tôi hỏi và từ từ ra khỏi giường, thận trọng tới bên bếp rót thêm cà phê. - Anh dùng thêm không?
- Chị ăn sáng xong rồi à? - Một nhịp thở, rồi anh nói tiếp. - Laura ở đó.
- Hai người có nói chuyện với nhau không?
- Không. Cô ấy có người đi cùng.
- Anh cảm thấy thế nào? - Tôi trở lại giường, vừa cuộn mình vừa giữ thăng bằng tách cà phê.
Anh ngả đầu vào lưng ghế và cười thành tiếng.
- Có thể đưa cô gái đi khỏi California, nhưng không thể...
- Được rồi, được rồi. Tôi chỉ chợt nghĩ chắc anh muốn nói về chuyện đó thôi. Nếu anh không thích thì có sao đâu. Sao anh không bật băng nhạc lên luôn?
- Vì tôi sắp đọc và tôi không muốn chị bị phân tâm. Chị nghe nhạc sau vậy nhé.
Tôi nhắm mắt lại, lắng nghe Mac trở thành Nick Carraway, lạc lối trong thế giới hào nhoáng của gia đình nhà Buchanan. Và tôi loáng thoáng nhớ lại, hồi mười sáu tuổi, lần đầu đọc Gatsby, tôi đã muốn đổi tên thành Jordan. Bây giờ Mac đang đọc đến đoạn Daisy nói với Nick về sự ra đời của con gái cô.
- “Và mong rằng con bé sẽ là một đứa ngốc - trên thế gian này, đó là điều tốt nhất đối với một bé gái: xinh đẹp, bé bỏng và ngốc nghếch”.
Đến đây anh gập sách lại.
- Xin lỗi chị, tôi mệt quá rồi.
- Vì anh đã ra ngoài cả đêm đấy. Nên về nhà ngủ một giấc đi. Để cuốn sách lại cho tôi nhé.
Anh nghiêng đầu hết trái sang phải, đưa tay xoa gáy.
- Trời ơi, tôi thấy mình cứ đờ ra rồi.
- Lại đây. Ngày xưa bố tôi vẫn nói tôi mát-xa cổ rất cừ.
- Chị đừng tiện tay bẻ cổ tôi đấy nhé.
- Ngồi xuống và trật tự giùm tôi.
Anh ngồi xuống sàn, duỗi chân ra trước; còn tôi ngồi khoanh chân trên giường, bắt đầu mát-xa phần gáy cứng ngắc của anh. Mọi chuyện bình thường cho đến khi tôi chợt nghĩ về điều đó. Mac và tôi không chạm vào nhau. Một nguyên tắc bất thành văn giữa cả hai. Cùng lắm chỉ thỉnh thoảng khẽ huých khuỷu tay. Bây giờ tôi nhớ được tại sao.
Vì tôi đang tưởng tượng những đầu ngón tay mình chạy dọc đường cong mềm trên lưng anh. Tôi đang chăm chú nhìn vùng hõm trên cơ thể anh, nơi cần cổ nối với bờ vai, tự hỏi nếu mình đặt môi lên đó thì sẽ cảm thấy thế nào. Chúa ơi, không, không thể được. Tôi cần một người bạn, không cần thêm những rắc rối nữa.
- Rồi nhé, - tôi thốt lên, hình như quá vui vẻ, và vỗ một cái lên vai anh. - Đã xong. Tay tôi ê ẩm rồi, chắc mọi thứ đều nối với cơ bụng của anh nên mới cứng ngắc như vậy.
- Cảm ơn chị, - Mac không đứng dậy, cũng không quay lại.
Hồi còn cố dạy tôi học piano, mẹ đã giải thích về pê-đan giảm âm una corda, nằm bên trái trong ba pê-đan. Khi dận lên pê-đan đó, toàn bộ máy đàn và phím sẽ hơi lệch đi, gần như không nhận thấy được bằng mắt thường, một chút xíu sang phải. Như vậy các đầu búa chỉ gõ lên hai trong ba dây đàn. Nhạc công vẫn chơi như bình thường, nhưng âm sắc khác đi một chút, dịu hơn. Và như vậy cả thế giới đã thay đổi.
Tiếng gõ lên cửa trước khiến tôi giật mình, một cảm giác nhoi nhói lại chạy qua vết mổ. Mac chống tay đứng dậy.
Từ chỗ mình, tôi không nhìn được ra hiên. Chỉ thấy khuôn mặt Mac, biểu cảm trung tính như thể rèm vừa buông sau vở kịch. Anh lùi lại và Gary đi vào, hai tay ôm kín những bó bự hoa hồng màu vàng nhạt.
Tôi nghe thấy tiếng mình đang nói:
- Anh Gary! Sao hôm nay anh lại đến? Em xin lỗi chưa giới thiệu. Đây là bạn em, Mac McLeod. Anh Gary Travers.
Họ trao đổi với nhau ánh mắt mang theo những thông tin kiểu như đã được mã hóa vào gene của nam giới, rồi Gary chuyển đám hoa để giơ tay ra bắt. Và chắc để không ai hiểu nhầm, anh cúi xuống hôn tôi. Tôi cố gắng để nụ hôn chỉ ngắn trong giây lát.
- Tôi nên về rồi, - Mac nói và cầm lấy áo khoác jeans lên.
Tôi nhìn qua Gary và cơ man hoa hồng.
- Mac ơi, tôi nói chuyện với anh sau nhé.
Cửa đóng lại sau lưng Mac, Gary đặt hoa lên bàn bếp. Anh treo áo khoác da lên, ngồi xuống cạnh tôi và nắm cả hai bàn tay tôi.
- Sao em không cho anh biết?
- Vì không cần thiết mà. Em tính chắc tuần sau anh sẽ tới. Vậy sao anh đã biết rồi?
- Hôm qua anh nói chuyện với mẹ em. Giá biết trước thì anh đã đến chăm sóc em được rồi. - Gary nâng hai bàn tay tôi lên và chạm môi vào.
Tôi mỉm cười, ý để anh yên tâm.
- Mọi người ở đây đều cùng chăm sóc em mà.
- Như Mac ấy hả?
- Vâng, Mac chẳng hạn. Anh ấy đưa em đến bệnh viện hôm em đau nặng đấy.
Gary đưa một tay vuốt tóc.
- Anh xin lỗi nhé, Wyn. Có lẽ anh không nên đường đột đến, nhưng khi mẹ em nói em phải mổ cấp cứu, anh thấy lo quá.
- Đúng là anh với cả mẹ em. - Tôi mỉm cười. - Đó là tất cả những gì em có thể làm để mẹ không lên ngay chuyến bay sớm nhất đến đây. Nhưng em khỏe rồi. Em đã được cắt chỉ, giờ chỉ còn nghỉ ngơi cho đến khi mọi thứ dính lại vào nhau như cũ.
- Vậy đó cũng chính xác là những gì chúng ta sẽ làm.
Cái cách Gary ôm khuôn mặt tôi trong tay anh, cứ như tôi là một tác phẩm nghệ thuật quý giá, đã đánh tan mọi ý đồ kháng cự trong tôi. Môi anh hôn dịu dàng nhưng cương quyết, khiến tôi muốn làm những điều mà tôi chưa thể làm được.
o O o
Gary cắn răng chịu đau, cắt tỉa tất cả các cành hoa hồng và cắm vào thứ duy nhất có thể gọi là “bình” trong nhà, một cái xô mạ kẽm. Nhiều hoa tới mức trông ngoạn mục đến phát ngượng.
- Cảm ơn anh, hoa đẹp lắm ạ.
- Em thấy thích là anh vui rồi. - Gary lau tay vào khăn lau bát đĩa của tôi. - Anh ra xe lấy đồ nhé.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
- Lấy cái gì cơ ạ?
- Túi và va-li của anh.
- Tức là anh sẽ ở lại đây ạ?
- Ừ, đúng. Trừ khi em không muốn. Anh đã sắp xếp mọi việc để có thể ở lại cả tuần.
- Chỗ này chật chội... - Có cảm giác như sự phản đối của tôi không chỉ yếu ớt mà còn nhỏ mọn và vô ơn. - Anh sẽ không có chỗ để...
- Anh đến chăm em cơ mà. Anh hứa sẽ không làm xáo trộn phiền hà gì đâu. Mai anh phải gọi mấy cuộc điện thoại, trừ điều đó ra, phần lớn thời gian còn lại anh sẽ là nô lệ tận tụy của em. - Gary cúi xuống hôn tôi. - Mà này, chắc em không phản đối đâu nhỉ, anh đã đưa số điện thoại của em cho Erica và bọn trẻ con. Và vài người ở chỗ làm nữa. Anh đã nói với mọi người là có thể liên lạc với anh ở đây.
Gary biến mất sau cánh cửa.
Tôi có thể chịu đựng được một tuần. Anh đã thay đổi toàn bộ lịch làm việc, lặn lội đến đây với tất cả những đóa hồng ấy. Làm sao tôi có thể bảo anh ấy hãy đi đi được?
o O o
Bữa tối, Gary đun nóng súp CM đã chuẩn bị từ trước. Anh mang theo một ổ bánh mì men chua Paisan và hai chai rượu cabernet Napa Valley. Cứ như anh không nhớ rằng tôi làm bánh để kiếm sống, hoặc không tin tưởng rằng miền Tây Bắc cũng ủ được thứ rượu vang tuyệt hảo. Hoặc có thể tại tôi quá khắt khe.
Tôi thực sự thích ngắm mông Gary khi anh đứng bên bồn rửa bát, cái áo gối giắt vào thắt lưng vì tôi không có tạp dể làm bếp. Có lúc anh đã quay lại, mỉm cười với cặp mắt mơ màng.
- Em cười cợt gì thế?
- Anh chứ gì nữa. Hiên ngang cuốn tạp dề dã chiến và đôi bàn tọa hết tiến lại lùi. Mà em không cười cợt, em đang mỉm cười, chiêm ngưỡng màn trình diễn hậu-bữa-tối.
- Nếu em không đỡ nổi thì đừng tung đòn khiêu khích như thế. Hãy nhớ nguyên tắc của thuyết kỳ vọng nhé.
o O o
Rửa bát đĩa xong, Gary cởi đôi giày Top-Sider và duỗi ra cạnh tôi. Cát-xét đang bật băng nhạc của Mac, một trong số mấy băng ít dữ dội hơn.
- Em không có thứ gì lãng mạn hơn Otis Redding sao?
- Em thấy khá lãng mạn đấy chứ. Anh để ý nghe lời hát đi, từng câu chữ cuốn vào giai điệu. Cơ mà nếu anh không thích thì có Frank Sinatra kia kìa. Cả Ella Fitzgerald nữa.
Chỉ lát sau, Ella đã hát “Mỗi lần tạm biệt” và tôi cố không nghĩ đến đêm đầu tiên Mac đưa tôi tới quán Lofurno. Gary kéo tay áo tôi lên và mơn trớn khuỷu tay tôi.
- Uhm, như thế tốt đấy ạ.
- Khi nào em lại sẵn sàng ra khơi? - Anh hỏi, gặm nhẹ vành tai tôi.
- Em không biết. Các chỉ dẫn hậu phẫu không nói rõ lắm. Đại khái là từ từ khôi phục mức độ sinh hoạt tình dục trước khi mổ. Và thậm chí họ chẳng biết mức độ trước đây của em là như thế nào. Em có thể vào cỡ “trạm đỗ xe tải” lắm chứ.
- “Từ từ” à? - Hơi thở của anh đã gấp hơn. - Nếu phải từ từ khôi phục, có lẽ mình nên bắt đầu chậm thôi. Bây giờ.
- Em không nghĩ thế.
- Anh chỉ chạm vào em thôi nhé?
Tôi mỉm cười.
- Thế nếu em chỉ chạm vào anh thôi thì sao? Anh mới là người có khẩu súng ở trong túi mà.
Gary thở dồn dập khi bàn tay tôi trượt xuống cạp quần anh. Gary tháo thắt lưng, tôi kéo khóa xuống và lùa bàn tay vào trong, giải phóng anh bạn nhỏ. Từ phản ứng đặc biệt mẫn cảm của anh khi tôi cúi xuống hôn, tôi đoán chắc Erica không quen âu yếm anh theo cách này. Sau thoáng xúc động mạnh ban đầu, Gary thả lỏng hơn và để tôi làm anh ngây ngất. Những rung động liên tục được kích thích, nhưng vẻ biết ơn của anh khiến tôi mơ hồ thấy không thoải mái. Như phần lớn đàn ông, Gary không biết phải làm gì nếu anh không phải là người kiểm soát.
- Thật không thể tin được, - anh thì thầm trong hơi thở khi ôm tôi vào lòng sau đó. - Giá mà anh cũng thỏa mãn được em.
- Gary à, em đang mãn nguyện lắm rồi. Em thích anh ôm em như thế này. Anh biết đấy không phải lúc nào cũng nhất thiết phải tới đỉnh.
Rõ ràng đó là một quan niệm xa lạ với anh.
o O o
Điện thoại đổ chuông lúc bảy giờ sáng. Gary nhấc máy trước khi tôi kịp trở mình. Anh mất mười lăm phút duyệt nội dung các câu hỏi phỏng vấn nhân viên mới.
- Nhớ đưa cho tất cả các ứng viên tờ kiểm tra chất gây nghiện. Báo ngay cho tôi biết chúng ta có bao nhiêu ứng viên tốt. Nếu tối thiểu không đạt sáu thì ta sẽ phải đăng lại thông báo.
Đến lúc này tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Không biết khi đi làm trở lại, tôi sẽ phải loay hoay vặn lại đồng hồ sinh học của mình thế nào đây. Gary chui lại vào chăn và cố ra vẻ làm nũng, tôi sắt đá nhìn anh.
- Anh biết đấy, vì đây là nhà em cho nên em trả lời điện thoại mới phải.
- Anh xin lỗi, tại anh không muốn đánh thức em.
- Sao em có thể ngủ được trong khi anh đọc vanh vách cả cuốn sổ tay nhân viên?
- Anh xin lỗi mà.
- Được rồi. Chỉ là... nhỡ là mẹ em hay ai khác gọi thì sao. - Chắc mẹ sẽ mừng rơn khi nghe thấy tiếng Gary trong điện thoại nhà tôi, nhưng tôi không nói với anh điều đó.
- Em nói phải. Anh sẽ không trả lời điện thoại trừ khi em muốn.
o O o
Khoảng trưa, Gary tắm và thay quần áo.
- Anh phải họp một cuộc ngắn thôi. - Trông anh có vẻ lo lắng. - Em ở nhà một mình ổn chứ?
- Tất nhiên rồi ạ. Từ hôm xuất viện hầu như em đều ở một mình mà. Mọi người đến thăm chốc lát và để đồ ăn lại. Em toàn ăn, ngủ, lên cân và gia tăng mức độ lười.
- Tối nay em có muốn ra ngoài không?
- Nghe cũng hay ạ. Anh đi họp đi, khi nào anh về mình quyết định chuyện ấy sau nhé.
- Em muốn anh đun nóng thứ gì đó để em ăn trưa không? - Anh đổi tay cầm chiếc áo khoác da mềm.
- Thôi, em tự làm được. Cũng nên đi lại động đậy tay chân nhiều hơn. Anh đi đi không muộn.
o O o
Gary đi rồi, tôi thấy mệt nhoài. Có cảm giác như tôi vừa lên sân khấu, hoặc chí ít là được trưng bày trong hai mươi tư tiếng qua. Trong phòng tắm, dấu vết duy nhất về anh là vài sợi ria vương trên bồn rửa. Mọi thứ khác đều sạch bong sáng bóng. Tôi vặn nước nóng cho đầy đến lưng bồn tắm, rồi dựa vào thành bồn và tự lau rửa. Tôi lau sạch vết mổ nhăn nhúm và thấm khô như đã được hướng dẫn. Không còn đau như trước nữa, nhưng vừa nhìn vừa chạm vào vết mổ vẫn khiến tuyến nước bọt của tôi rung lên pừng pừng, nghe như dây đàn guitar căng quá chặt.
Tôi vẩn vơ vào bếp, rửa bình pha cà phê, làm cho mình một chiếc sandwich bơ lạc từ bánh bột mì nguyên và hạt óc chó. Lấy Ella ra khỏi cát-xét, tôi bật cái băng Mac mới đưa. “Bo Diddley là sát thủ ăn tiền”, “Tuổi mười sáu ngọt ngào” của Chuck Berry. Tâm trí tôi tìm kiếm điều gì đó. Một ý niệm mơ hồ chỉ thoáng qua mà không tóm giữ lại được. Như bánh xà phòng ướt dưới vòi hoa sen đang xối.
Rồi Jackie Wilson bắt đầu ngân nga “Theo đuổi vòng quanh”. Tôi sởn gai ốc khi nghe đến đoạn ca sĩ vút lên bổng ở từ “Đúng” rồi trượt vào những nốt trầm của điệu blue nói về một con người hồn hậu phải trải qua những cảm giác tồi tệ.
- Bồ phải thấy khá hơn thế này chứ. Nghe xập xình như mở tiệc. - CM mở tung cánh cửa ra vào.
- Tôi thấy quá... - Từ ngữ tắt lịm trên môi tôi khi CM đưa tay sát mặt cho tôi xem một viên kim cương lấp lánh. - Ôi Chúa ơi!
Bầu không khí im lặng trùm xuống và như tỏa ra vô tận.
- Bồ chỉ nói được thế thôi à? - CM phì cười.
Tôi quàng tay ôm lấy cô.
- Chúc mừng bồ! - Muốn tươi cười mà mặt tôi cứ đơ ra. Nào, Wyn. Đây là bạn thân nhất của ngươi và cô ấy đang ngất ngây như đi trên mây. Nói dối. - Tôi thực lòng rất mừng cho bồ.
- Ờ, tôi đủ thấy thế rồi.
- Chẳng qua tôi... bất ngờ quá. Chuyện bắt đầu khi nào vậy?
CM vung vẩy bàn tay, quay tới quay lui tìm vị trí có thể khúc xạ ánh sáng xuyên qua cửa sổ vào nhà thành những cầu vồng rực rỡ trên tường.
- Rất là đàng hoàng và đúng bài nhé, bồ không nghĩ thế sao? Tối hôm qua. - CM ngồi phịch xuống ghế. - Anh ấy mở cửa vào nhà với một chai Dome Perignon và hoa hồng. Tôi hỏi kỷ niệm chuyện gì thế thì anh ấy nói...
Tôi lấy làm lạ, lúc này Neal không đi làm mà sống dựa vào CM; thế quái nào mà chàng có tiền sắm nhẫn kim cương và rượu Rom Perignon.
- Ui giời, hi vọng tôi không làm bồ phát ngấy. - CM nói.
Tôi nhìn cô.
- CM này, đừng có cáu với tôi đấy nhé.
Cô mỉm cười, nhưng có thể thấy trái tim cô không đồng cảm.
- Tôi không cáu đâu. Chẳng qua tôi cứ tưởng bồ sẽ tỏ ra căng thẳng và hồi hộp chút thôi. - Cô nhún vai. - Có thể tại tôi hơi đòi hỏi.
- Tôi thấy lo, - tôi yếu ớt nói.
CM đứng dậy, hai tay chống lên hông.
- Bồ không thể chia vui một chút đơn giản vì tôi đang vui hay sao?
Tôi từ từ nuốt xuống.
- Bồ có muốn tôi nói hết sức thật lòng không?
- Tôi có muốn gì thì bồ cũng sẽ chẳng kiêng dè mà nói toạc móng heo ra hết cho coi.
- Tôi xin lỗi. Chỉ là tôi không thể tự hỏi... Đây có phải là những gì bồ muốn không?
- Không hẳn. Nhưng tôi không có lịch dạy nào trong cả mùa xuân, cho nên thiết nghĩ tôi sẽ tổ chức đám cưới.
- Bồ cứ ngồi đi. - Tôi nhích một chút và vỗ vỗ lên chỗ cạnh tôi ở trên đệm. CM tới bên cửa sổ và giả vờ nhìn gì đó bên ngoài. -Có lần tôi đã nghĩ. Về David và tôi. Nhưng cũng có thể áp dụng cho bồ và anh Neal...
CM quay lại, dựa vào thành cửa sổ.
- Sao?
- Kể chuyện này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng bồ còn nhớ luận thuyết về người để cưới làm chồng của bồ không?
- Không.
- Một lần bồ nói với tôi rằng người ta thường sẽ cưới bất cứ ai tình cờ lảng vảng quanh mình đúng vào thời điểm cái đồng hồ nằm sâu bên trong réo lên “đã đến lúc làm đám cưới rồi”. Dù có hay không...
- Ôi, thôi nào, thưa cô Morrison. Ngày đưa ra tuyên bố ấy tôi mới có mười chín đôi mươi. Chẳng có gì dính dáng đến thực tại cả.
- Ừ thì... mới đây thôi bồ còn không dám chắc có muốn gặp lại anh ấy hay không. Và thậm chí bồ đâu có thích kim cương. - Tôi nói không cân nhắc.
Đôi mắt CM nhíu lại.
- Bồ bị làm sao vậy? Nhẫn loại gì thì có vấn đề gì? - Cô bắt đầu đi tới đi lui trước mặt tôi.
- CM, tôi muốn bồ hãy ngồi xuống và nghe...
- Tai tôi vẫn hoạt động tốt khi tôi đang đứng.
- Không, hãy ngồi xuống đi mà. - Tôi dịu giọng. - Làm ơn.
CM ngồi mớm xuống ghế. Ngay mép ghế, để khi cần có thể nhảy phắt lên và lao tới bóp cổ tôi.
- Tôi muốn bồ được hạnh phúc. Bồ biết mà. - Tôi ngừng, hi vọng CM sẽ tỏ ý đồng tình, nhưng cô không biểu lộ gì. - Tại sao anh ấy lại chọn kim cương cho bồ?
- Lúc mổ ruột thừa người ta đã cắt bớt một phần não của bồ rồi hả? Thế bồ nghĩ tại sao anh ấy lại chọn kim cương tặng tôi? Vì anh ấy yêu tôi. Muốn làm đám cưới với tôi. Điều đó quá khó hiểu sao? Bồ nghĩ mình là người duy nhất trong căn phòng này có thể lấy chồng à?
Có lẽ tôi không nên nói gì nữa. Chúng tôi có thể êm thấm dừng lại ở đây. Duy có điều tôi không kiểm chế nổi.
- Không, nhưng... anh ấy hiểu bồ cơ mà. Anh ấy biết bồ không thích kim cương...
- Wyn! - Cô trỏ một ngón tay vào mặt tôi. - Bồ đang ghen tị đó!
- Ừ, đúng thế, nhưng chẳng liên quan gì đến chuyện này cả. - CM đã cáu điên lên rồi, hình như tôi cũng được ăn cả ngã về không luôn. - Bồ không thấy điều đang xảy ra ư? Bồ đang bị kích động...
- Bồ còn dám ư? Đừng nói thêm lời nào nữa!
- Neal Brightman không phải là cơ hội cuối cùng để bồ lập gia đình đâu.
CM đứng dậy, đi về phía cửa.
- Hãy nghe tôi đi. - Tôi cũng nhảy vội theo, và bụng đau nhói đến mức tôi phải há miệng ra thở. - Người đàn ông đó chỉ yêu bồ khi anh ta bình yên vô sự, bồ không nhớ ư?
CM quay ngoắt lại, bắn cho tôi ánh mắt như thể mang theo tất cả băng giá Bắc Cực.
- Mối quan hệ nào cũng có vấn đề riêng, bồ phải hiểu điều đó hơn ai hết chứ. Ít nhất Neal không ve vãn thư ký của anh ấy. - Cô đủ nhã nhặn để giữ ý một chút.
- Bồ không nhớ sao? Chúng ta vẫn bảo nhau, nếu một đứa mấp mé mắc sai lầm nghiêm trọng, thì đứa kia phải hết sức cảnh báo, bất chấp tất cả. Tôi chỉ đang cố gắng giúp... - Những từ ngữ vướng vào nhau, ngổn ngang như chồng gạch bị đứa trẻ vụng về làm đổ.
- Quỷ tha ma bắt bồ đi! - CM gào lên. – Bồ chỉ biết đố kỵ thôi. Trước không muốn mẹ bồ làm đám cưới, giờ không muốn tôi làm đám cưới. Không ai được phép hạnh phúc nếu bồ đang không vui. Từ bao giờ bồ lại trở thành đứa ích kỷ, hẹp hòi...
CM không nói hết câu, nhưng tôi có thể điền nốt những gì còn thiếu. Cô dập cửa mạnh đến mức nó lại bật ra, và tôi luống cuống đuổi theo.
- CM! Đợi một giây thôi. Hãy nghe tôi. - Tôi đi qua vạt độc cần vừa đúng lúc thấy xe của CM phóng đi. Tôi bám lấy một cành cây để chính mình bình tĩnh lại. Những ngọn lá kim nằm yên mát lạnh trong lòng bàn tay tôi.
“Cô ấy có phải là thư ký của anh ta đâu”, tôi nói với không ai ngoài chính mình.
Bánh Mì Cô Đơn Bánh Mì Cô Đơn - Judith Ryan Hendricks Bánh Mì Cô Đơn