Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Bố Từ Ra Tỉnh - Chu Thượng Quốc
M
ấy năm vừa rồi, nhờ nuôi lợn, bố Từ đã giàu lên, chẳng còn lo ăn lo mặc, cuộc sống khấm khá, bố dự định ra tỉnh chơi một chuyến. Bố hỏi cậu con trai:
— Phú Quý này, ngày có mấy chuyến ô tô ra tỉnh?
Cậu con trai đáp:
— Một chuyến 8 giờ sáng, một chuyến 3 giờ chiều. Bố hỏi làm gì?
— Chẳng làm gì. Bố định ra tỉnh chơi một chuyến.
— Ồ! Sao bố chẳng báo trước. Ra tỉnh chơi không phải chuyện dễ. Người nước ngoài ai cũng thích đi du lịch. Bố ơi! Hay con thuê cho bố chiếc xe con.
— Đừng! Đừng! Thuê xe con đắt lắm, đi ô tô khách thôi!
Hôm sau, bố Từ dậy sớm sửa soạn tinh tươm, lại còn nhét hai bắp ngô non luộc tối qua vào túi xách. Một là muốn ăn tươi, già rồi gặm món này chẳng bao lâu nữa, hai là cũng để tiết kiệm chút tiền. Bây giờ cuộc sống đã khá lên, bố Từ cũng chẳng thể quên những ngày nghèo túng ăn cơm cám lá khoai.
Ra đến tỉnh, bố Từ mới thật sự mở tầm mắt. Những tòa ngang dãy dọc cao ngất, đằng trước đằng sau trông đến chóng mặt. Ra chợ, vào cửa hàng bách hóa, bố còn mua cho thằng cháu nội hai bộ quần áo trẻ con cỡ vừa và cỡ rộng.
Gần trưa, nghe những tiếng cá cược từ nhà hàng Duyệt Lai dồn dập vọng tới, bố Từ mới cảm thấy đói bụng. Giở túi xách, bố định lấy hai bắp ngô ra ăn, xong bố lại nghĩ ngay: giữa nơi trống trải, người xe qua lại này, một ông già răng vẩu còn gặm bắp ngô thì còn gì là thể diện. Không có tiền hay vì sao? Dẹp, đã ngần này tuổi đầu, tiêu thì tiêu, vào nhà hàng Duyệt Lai đánh một chầu cho đã, cả đời mới có một lần này.
Định bụng rồi, bố Từ cất bước đi đến nhà hàng Duyệt Lai đối diện. Nào ngờ, vừa vào đến cửa, một chàng trai ra dáng phục vụ đưa tay chặn lại:
— Đây không phải nơi ăn xin. Ra ngay! Ra ngay!
Nghe vậy, bố Từ cáu tiết lên vung tay cho anh ta một cái tát.
Trong chốc lát, cửa nhà hàng xúm đen xúm đỏ, kẻ khuyên can, người chỉ trích, ầm ĩ cả lên. Nơi đây đã trở thành công đường xét xử ngay thẳng, phải trái.
Bố Từ bực lắm, sống già nửa đời, hôm nay mới có một lần ra tỉnh: Bực thật đấy, hôm nay lão phải vung tay cho biết. Bố thọc tay vào túi xách, móc ra một xấp tiền có đến một ngàn nhân dân tệ, giơ cao khỏi đầu, tuyên bố hôm nay dứt khoát phải ăn một bữa hiếm có ở nhà hàng Duyệt Lai.
Sự việc đến tai giám đốc nhà hàng. Thấy bố Từ giơ xấp tiền khỏi đầu, giám đốc chỉ còn biết đứng ra xin lỗi:
— Thưa ngài, mong ngài bớt giận. Chỉ tại thường ngày chúng tôi giáo dục không đến nơi đến chốn, rất mong ngài tha thứ. Xin mời ngài vào! Xin mời!
Giám đốc ngoái đầu ra lệnh cho chàng trai:
— Tiểu Lý, đứng đây làm gì, không ra xin lỗi khách đi à!
Bố Từ được dẫn đến ngồi cạnh bàn tròn giữa buồng ăn. Giám đốc tự tay đưa bảng kê món ăn:
— Mời ngài chọn món ăn. Nhà hàng chúng tôi tuy kinh doanh vốn nhỏ, song cũng có một số món đặc sản nổi tiếng Đông Tây Nam Bắc như óc khỉ, yến sào, tay gấu...
Bố Từ đặt xấp tiền lên bàn, bảo:
— Những món này đâu có hiếm. Thời trai trẻ lão đã ăn chán. Hôm nay cứ bày một đĩa... gặm ngang.
Thật ra, bố Từ muốn gọi món tay chân gấu gì đó, xong không nhớ tên, mà kể cũng lạ, bí quá hóa khôn, lão nói cứng dọa người. Trò này cũng thánh thật, giám đốc vừa nghe đã ngẩn người. Mười mấy năm quản lý nhà hàng chưa bao giờ ông nghe nói đến món này. Rầy rà đây, nói không có, thì nhà hàng còn mặt mũi nào. Nói có thì rút cuộc là thứ gì? Đúng rồi, hãy cứ tìm các vị đầu bếp hỏi cái đã. Nghĩ vậy, giám đốc vội thưa chuyện với bố Từ:
— Xin ngài vui lòng chờ đợi chút, sẽ có món ăn đưa ra, sẽ có món ăn đưa ra.
Nói xong, liền vào bếp.
Khi giám đốc đi hỏi các đầu bếp, nhà ăn náo nhiệt hẳn lên. Khách hàng vây kín bố Từ tíu tít hỏi gặm ngang là món ăn như thế nào. Bố Từ chỉ cười không trả lời. Bố cười hì hì, móc bao thuốc lá ngon mác Thạch Lâm sáng nay cậu con trai nhét vào túi bóc ra mời một lượt. Mặc dù ngày thường chẳng bao giờ hút thuốc, bố cũng ngậm một điếu và châm lửa.
Một lúc sau, giám đốc từ nhà bếp đi ra, với vẻ mặt tiu nghỉu, nói với bố Từ:
— Thưa ngài, hết sức mong ngài thứ lỗi, Trương sư phụ, người duy nhất làm được món này của nhà hàng chúng tôi vừa xin phép về thăm nhà. Người khác không ai thấy được. Thành thật xin lỗi ngài, xin ngài cho gọi món khác được không?
Bố Từ vung tay đáp:
- Miễn, đã không ai thay thế được, thì tôi cũng không phiền các người nữa. Thôi nha, tôi đi chỗ khác vậy.
Nói xong, bố thu lại tiền, bước đi liền.
Giám đốc nhà hàng thở phào nhẹ nhõm, vừa tiễn khách vừa nói:
— Thành thật xin lỗi, đã làm mất thì giờ của ngài. Mong ngài lần khác lại đến.
— Không sao. Không sao!
Bố Từ xua tay nói:
— Có điều là từ nay trở đi, bảo cậu bé ấy học tập Lôi Phong nhiều hơn. Kể ra, hôm nay tôi cũng hơi nóng, không nên tát anh ta.
Bố Từ vui vẻ rời khỏi nhà hàng Duyệt Lai. Nhìn đông ngó tây, bố đều cảm thấy mới mẻ và có ý nghĩa. Nhưng bụng bố đang réo ùng ục. Bố định tìm quán ăn khác làm một bữa thật ngon, song lại e sinh chuyện rắc rối. Thôi thì, cứ tiêu diệt hai bắp ngô mang theo cho chắc ăn. Hơn nữa, cậu con trai Phú Quý chẳng đã nói, năm tới phải mở rộng chuồng trại, làm thức ăn nuôi lợn thịt, tiền thiếu sao được? Tiêu ít tức là làm được nhiều tiền. Nghĩ đến đây, bố Từ yên tâm, rút một bắp ngô ra khỏi túi xách, vừa thư thả dạo bước ngắm nhìn thế giới tươi mới xa lạ này, vừa gặm ngô một cách ngon lành.
Bỗng một tiếng gọi từ sau lưng vòng tới, khiến bố Từ giật nẩy mình.
Giữa tỉnh thành không họ hàng, không bạn bè thân quen, biết đâu anh chàng bị tát đến báo thù? Bố Từ quay đầu lại:
— Ông anh ơi, xin dừng bước, xin dừng bước.
Thì ra một đầu bếp mặc tạp dề.
— Ông em gọi tôi phải không?
Cho dù không phải chàng trai bị đánh, song trong túi có tiền. Bố Từ cũng cứ phần nào cảnh giác.
— Đúng! Ông anh ơi! Xin hỏi món ăn ông anh gọi ở nhà hàng Duyệt Lai, ông anh đã từng ăn ở đâu?
Chẳng còn sai vào đâu được, đây đúng là ông đầu bếp ở nhà hàng Duyệt Lại chạy theo để hỏi món gặm ngang, chứ chẳng có ác ý gì đâu.
— Ờ! — Bố Từ nghe vậy, nhẹ người như trút được gánh nặng. Bố cười hì hì, gặm thêm một miếng ngô, đáp.
— Ông em, nhìn kỹ mà xem, cái trò này phải gặm ngang, gặm dọc sao được?
— Ừ! Phải! — Người đầu bếp vỡ lẽ — Hà! Hà! Được một mẻ rối tinh cả lên, ông anh thật là...
VŨ CÔNG HOAN dịch
Theo Hội kể chuyện tháng 7,1992
NXB Văn nghệ Thượng Hải