Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Tập II - Pôlia Akimốp - Phần Một - Pôlia - Chương 1
D
ường đi lối lại ở Narưm vào mùa đông ngắn đi có đến năm mười lần so với lúc đang hè. Đến ngày lễ Chúa giáng sinh thì các con sông to, nhỏ, ở những quãng nông, gần như đều đóng băng đến tận đáy, các bãi lầy bùng nhùng khó vượt qua được đều phủ một lớp áo giáp đông giá dầy tới hàng xagiên, các hồ nước và khúc sông lấp nằm bất động dưới lớp kính dầy đến hai ácsin đã được những ngọn gió xoa phẳng lì. Cứ việc phóng đi về đâu tùy thích, cứ việc bay đi tới nơi nào tâm hồn vẫy gọi!
Mọi phương tiện để vượt các con đường mùa đông, Êpiphan Crivôrucốp bao giờ cũng đều có sẵn trong tay: một con ngựa chân cao, chắc nịch với cái đuôi gọn gàng với dải bờm ngắn - đối với con ngựa như vậy thì chẳng có thành tuyết cản đường nào làm nó sợ, một cỗ xe nhẹ gắn trên hai càng trượt rộng bản như hai đòn trượt tuyết, những tấm áo lông - lông hươu tuần lộc, lông chó, lông cừu - rộng, dài chấm gót, quấn vào người thì chẳng còn sợ băng giá nào nữa, chẳng gió nào lọt đến người.
Cô Đômnusca chỗ nào cũng có mặt đã mang đến cho Pôlia cái tin là cả Pôlia cũng sắp phải lên đường. Bấy giờ mới là buổi sớm mai. Ngoài trời bão tuyết đang náo động. Gió thổi làm mặt kính ở khung cửa sổ kêu bần bật. Pôlia tỉnh giấc và nằm nghe ngóng. Đấy, ở trên buồng khách của mụ Anphixa chiếc đồng hồ treo tường sắp phải điểm năm tiếng đấy. Bấy giờ cô sẽ bật ngay dậy tung khỏi chăn, mặc xống áo, và vớ lấy cái xô, rồi theo cô Đômnusca bổ đi vắt sữa bò.
Nhưng chiếc đồng hồ dường như thể lần chần, không vội gióng giả những âm thanh ngân nga vang động khắp căn nhà. Không lẽ nó ngừng chạy rồi chăng? Hay Pôlia tỉnh giấc không đúng giờ?
Chợt có tiếng gõ nhè nhẹ ngoài cánh cửa vào căn buồng con ở dưới cầu thang. Pôlia nhỏm đầu dậy. Đầu ngón tay ai lại chạm vào cửa: một lần, hai lần. Pôlia choàng vội chiếc áo dài mỏng lên người, xỏ hai chân vào đôi ủng lông.
- Ai ngoài đó? Ai đấy? - Pôlia thì thào e sợ, ghé tai vào bên cửa.
- Mở cửa ra, Pôlia.
- À, cô Đômnusca! Cháu mở ngay đây. - Sợ đánh thức bố mẹ chồng, Pôlia lẹ làng mở chốt cửa, từ từ hé cánh cửa. - Cô Đômnusca vào đi. Khéo vấp phải cái ghế ở chỗ này này.
- Không phải lo, Pôlia. Trăng chiếu sáng thế kia cơ mà! Tôi nom thấy cả.
- Cô ngồi tạm lên cái hòm này, cô Đômnusca. - Pôlia lùi vào bên trong, ngồi xuống cái giường chưa thu dọn, còn ấm hơi người của cô. Trái tim cô thổn thức, đập thình thịch bởi những linh cảm không vui.
- Sao mà cô không ngủ thế, cô Đômnusca?
- Chúng mình phải dậy thôi. Đồng hồ đã sắp đánh chuông đến nơi rồi. Mấy lại có chuyện này, Pôlia ạ, các vị thần trên lầu vừa nghĩ ra cái trò gì kia chứ. Họ đã sai Nhikipho theo xe hàng ra tỉnh rồi, bữa nay Êpiphan lại định đưa cháu đi theo chuyến kiếm hàng đấy.
Pôlia nhớ lại ngay giấc mộng vừa thấy đêm qua: một con sông ngoằn ngoèo chảy giữa đôi bờ dốc cao rậm rịt cây rừng, một con tàu, sóng vỗ oàm oạp ở những khúc nông. Con tàu không chạy, mà nhảy chồm chồm, và Pôlia lo sợ, cô cảm giác rằng chỉ khoảnh khắc nữa là con tàu đâm vào chỗ nhô ra ở bên bờ, và khó có thể nói được là sau cú đâm tàu ấy hiện cô có còn nguyên vẹn hay không.
«Con tàu - nghĩa là phải lên đường. Song chỉ có điều là mình phải đi đâu? Có lẽ mình lại chạy về Parabên thăm bố thôi» - Pôlia ngẫm nghĩ và cố ngủ thiếp đi, để xóa lấp cái cảm giác khó chịu trong lòng về giấc mộng vô nghĩa kia. Vậy mà mộng hóa ra lại ứng nghiệm thật! Pôlia kể lại mộng cho cô Đômnusca nghe, cô Đômnusca vung hai tay lên, thì thào:
- Ôi, Pôlia yêu quí, mộng gở lắm. Cháu bảo là con tàu nó nhảy hả, nhảy chồm chồm như con ngựa buộc chân hả. Ôi, thật là đáng sợ, đáng sợ quá!
Trên gác, sợi móc xích với hai quả lắc của chiếc đồng hồ treo tường kêu cọt kẹt, và khắp nhà vang lên một âm thanh ngân dài.
- Pôlia dậy chưa thế nhỉ? - cô Đômnusca cố ý nói to, đàng hoàng gõ còng cọc vào cửa.
- Cháu ra đây, cô Đômnusca, cháu ra đây! - Pôlia đáp lại và vùi đầu vào gối cười khúc khích.
Phải làm tất cả cái trò ấy là vì mụ Anphixa. Họ mà dậy hơi muộn một tí là lập tức sàn nhà rên lên dưới bước chân nặng nề của mụ ta. Mụ ta sẽ xuống độ ba bốn bậc thang và bằng cái giọng điềm đạm, nhưng đầy trách móc cay độc, mụ ta sẽ lên tiếng:
- Đômnusca! Pôlia! Sao đến giờ này rồi mà các người còn duỗi dài chân cẳng ra đấy? Hay là ta phải đi vắt sữa thay các người?! Gớm thật, các người tuyền là một đồ bỏ đi cả! Giá mà ngồi vào bàn ăn thì lại nhanh nhảu phải biết. Cái miếng béo nhất, ngon nhất đâu có nhường cho ai, mà cứ là vơ cả về mình tất... Nào, mau ra ngay chỗ vắt sữa cho tôi nào!
...Năm phút sau Pôlia và cô Đômnusca mặc áo lông cộc, đi ủng lông, choàng khăn san lông tơ, xách những xô vắt sữa, theo nhau ra sân. Những con bò sữa được nhốt ở cái chuồng đóng tường bằng những thân gỗ to, các góc được bịt kín bằng rêu với đất sét. Chúng đang rống, húc sừng vào thành chắn, đoán biết các bà chủ đang đến. Đômnusca lên tiếng quát tháo:
- Lũ mắt lồi, yên nào!
Pôlia lao tới mở cửa chuồng, nhưng Đômnusca ngăn nàng lại:
- Khoan đã, Pôlia. Để tôi kể cho cháu nghe làm sao tôi biết được những chuyện kín của họ. Cái mụ độc ác ấy chẳng đến đây đâu, mụ sợ rét, chứ cánh ta thì nóng mà.
- Chà, cô Đômnusca, - Pôlia đáp lại một cách tuyệt vọng, không lấy gì làm hào hứng cho lắm đối với điều Đômnusca sẽ nói. Cô thầm nghĩ: «Không, ta không phải là người trong nhà họ. Nhikipho về một cái là ta không có ở thêm đây một ngày nào nữa. Bố và ông ngoại chẳng đuổi vợ chồng ta đi đâu, còn sau đó sẽ hay».
- Chẳng là tôi lên dọn dẹp trên gác, - Đômnusca lên tiếng. - Tôi mới chui xuống gậm giường, loay hoay với cái giẻ ở đấy. Họ bước vào phòng, ngồi xuống ghế đi văng. Cái con mụ rắn độc ấy liền vặn vẹo lão già: lão đi những đâu về? Mua bao nhiêu cá? Giá cả ra sao? Uống rượu mất bao nhiêu? Lấy ví tiền của lão bỏ ra đếm lại tiền. Thiếu! Mụ đứng phắt ngay dậy, lồng lộn! Cứ như cơn giông ấy! Lão ta - cứ đực mặt ra, còn mụ cứ thế té tát. Tôi thấy - bỗng lão nổi xung. Lão giáng cho mụ một đòn, mụ ngã sóng soài vào bên tường. Tôi lạnh người đi dưới gậm giường. Dù là sau tấm bình phong thật đấy, nhưng cũng rợn người. Nhưng họ vừa ầm ỹ lên vậy đấy, đã lại ngồi xuống bên nhau và rủ rỉ rù rì cứ như là vừa đó chẳng hề có chuyện gì xảy ra hết. Họ đếm cái gì đó, tiền bạc hết xếp chỗ này lại đặt chỗ kia. Chợt lão ta bảo với mụ: «Bà để con Pôlia đi với tôi. Nó sẽ tính toán, con bé có học, nhanh nhảu». Mụ ta như vui mừng thì phải: «Vậy hả, cứ đem đi! Ở đây nó cũng chẳng được cái tích sự gì cho lắm, cứ thoắt một cái lại chạy về nhà bố đẻ. Còn đi với ông ở đấy chưa chừng nó sẽ quen đi, học hỏi nên người». Họ đã quyết như vậy đấy... Pôlia ơi, cháu phải cẩn thận với lão ta, cái đồ ngựa dái cuồng vó, quân đểu cáng bất lương ấy.
«Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, mong sao Nhikipho trở về sớm sớm», - Pôlia thầm nghĩ trong lòng buồn bã, nhưng không muốn lộ ra, cô cũng chẳng tin cô Đômnusca cho lắm, mặc dù cũng có cảm tình với cô ấy.
- Cô Đômnusca ạ, cháu sẽ tự bảo vệ lấy mình. Cháu chỉ trông vẻ hiền lành bề ngoài vậy thôi, chứ thực ra chẳng dễ ăn thịt được cháu đâu. - Pôlia nói, cố tự khích lệ. - Cô châm đèn lên.
Cô Đômnusca ngồi xổm xuống, đánh diêm châm cây đèn bão, xách đèn vào chuồng, treo lên cái móc gỗ đóng thẳng vào tường.
Pôlia đi đến con bò đốm Xupbốtca, âu yếm vuốt ve tai nó, lấy khăn lau vú nó rồi bắt đầu vắt sữa. Sữa tia xuống làm cái xô kêu lên long tong. Pôlia ngây ngất vì cái hơi ấm no nê của sữa. Xupbốtca đứng ngoan ngoãn không nhúc nhích đuôi một lần nào. Pôlia nhanh chóng vắt kiệt sữa của nó, chuyển sang con bò cái khác - con Kraxốtca.
«Không hiểu ông ta đưa ta đi có lâu không? Chẳng lẽ đến tận cuối đông ư? Ta thì làm sao thành được một mụ lái buôn kia chứ! Đấy mới là cái chuyện mà ta chẳng ngờ, chẳng đợi... Ta sẽ nhờ cô Đômnusca bảo anh Nhikipho ở tỉnh về một cái là đi đón ta ngay... Và phải chạy về gặp bố ngay... Ngay tức thì bây giờ phải chạy về, phải nói với bố là ông Êpiphan sắp đưa mình đi theo buôn bán», - Pôlia nghĩ ngợi trong tiếng sữa chảy đều đặn xuống xô.
Cô Đômnusca và Pôlia xách đầy mấy xô sữa trở vào nhà. Pôlia nán bước lại ở hiên cửa. Trong ánh sáng nhá nhem, nhìn vào mặt cô Đômnusca lấp dưới vạt khăn, Pôlia se sẽ đề nghị:
- Anh Nhikipho về một cái là cô đừng quên báo với anh ấy hộ cháu, cô Đômnusca ạ, là: cháu chờ anh ấy như con dạ oanh chờ mùa hè ấy.
- Pôlia, cháu cứ yên tâm. Tôi không chỉ nói với anh Nhikipho thôi đâu, mà chừng nào anh ấy còn chưa đi đón cháu, tôi còn không để cho anh ấy yên nữa. Đời thuở nhà ai vào cái thời trăng mật lại đi chia cắt vợ chồng trẻ với nhau kia chứ? Quân ăn thịt người, đồ quỉ hút máu!
Cô Đômnusca xúc động đến mức không để ý thấy cái xô sữa của cô ấy nghiêng đi và sữa tràn qua miệng xô.
o O o
Trong bữa ăn sáng, lão Êpiphan nói cho cả nhà biết quyết định của mình:
- Như vậy là, Pôlia, con phải thu xếp mà lên đường, - thổi phù phù vào cái đĩa tách nước trà nóng bỏng, Epiphan nói. - Sau bữa ăn trưa con đi với cha đến Ôbi, đến Tưm, đến Vaxiugan thu lượm tiền. Ta đi độ hai ba tuần. Thu chi - con ghi chép vào quyển sổ hế... hế... hế toán. Phải như của các thương gia thực sự ấy. Chứ không đầu óc không đủ chứa tất cả mọi chuyện. Con lo liệu cho việc ấy! Con được ăn học những điều cao xa ở những dân thị thành uyên bác chẳng phải uổng phí. Con chịu thương chịu khó - ta không làm con phải phật lòng, ta ban ta thưởng cho. - Lão Êpiphan đưa mắt ngước lên nhìn Pôlia, tinh nghịch nháy một con mắt ranh mãnh.
- Có gì mà không chịu thương chịu khó kia chứ, bố nó! - mụ Anphixa phụ họa. - Nào có phải nó làm cho người xa kẻ lạ, mà là vì nhà mình. Của cải nhà chồng cũng là của cải của vợ.
- Giá cho con về qua nhà, gặp bố con một tý, - hết nhìn mụ Anphixa lại nhìn bố chồng, Pôlia se sẽ nói.
- Giá về nhà... Nhà của cô bây giờ là ở đây. Đã đến lúc phải quen đi như vậy rồi, - mụ Anphixa nói, giọng chê trách và cười khẩy tai ác. Nhưng lão Êpiphan không cho mụ xúc phạm Pôlia.
- Mẹ nó định tính chuyện quở trách hả? Cứ cho con nó chạy đi một chút. Dù thế nào đi nữa ở đấy vẫn là ông bố đẻ. Lạy Chúa, đâu có phải người nào xa lạ, mà là bố đẻ.
- Thôi thì đã muốn thì cứ việc đi. Có phải đi tìm nhân tình nhân ngãi gì, mà là về với cha đẻ, - mụ Anphixa dịu giọng, nhưng chỉ dịu xuống trong một giây lát. Hít một hơi thở, mụ nghiêm khắc nhìn Pôlia, đưa tay khoát một nửa vòng một cách ra lệnh. - Pôlia, liệu mà thu vén về nhà. Tự cô phải lo cho bản thân cô. Đừng có trông cậy vào người khác.
- Thưa mẹ, mẹ nói chuyện gì thế kia ạ? - không hiểu những lời bóng gió của mụ Anphixa, Pôlia hỏi, thực sự ngạc nhiên.
- Thì cô cứ tự suy nghĩ, Pôlia, suy nghĩ cho kỹ vào con ạ, bây giờ không còn là con nít nữa, dù sao cô cũng đã đang sống với chồng rồi. - Mụ Anphixa thốt ra những lời ấy một cách đạo mạo, bằng một giọng đầy vẻ thiện ý, nhưng cặp mắt đen của mụ lại lộ tất cả mọi tình cảm thực của mụ: những tia lửa dữ tợn tới tấp trút vào nàng dâu.
- Pôlia, đây tôi xin giảng giải cho cô thâm ý của mẹ chồng, - cô Đômnusca cười khẩy và ném về phía mụ Anphixa một cái nhìn hằn học. Mụ Anphixa lập tức ưỡn thẳng người, căng thẳng sẵn sàng đỡ đòn. - Nghĩa là ông Êpiphan có ném cho cô quà cáp gì, cô chớ có nghĩ rằng đó là của mình. Cô phải đưa quà ấy cho bà mẹ chồng yêu quí. Bà sẽ cất nó vào hòm ở buồng trên, để rằng là giữ kỹ càng hơn, tiện tay bà hơn...
Cô Đômnusca liếc nhìn mụ Anphixa, vội vàng cúi xuống cái dĩa tách nước trà nóng. Bộ mặt dài dài, xương xẩu của cô đỏ lên, thậm chí cả hai cái tai lông mọc lưa thưa, cũng trở nên đỏ ửng. Rõ là không phải dễ dàng gì mà cô lên tiếng chống lại được Anphixa như thế.
- Bò của ai kia có rống thời rống, chứ bò của cô, cô Đômna ạ, thì nên ngậm miệng,- Anphixa nói dằn giọng và hướng cái nhìn của cặp mắt đen vào Đômnusca. Hai người nổi nóng, hừng hực niềm thù ghét ngấm ngầm.
- Ấy, thế là cô ấy chọc đúng tim đen mẹ nó hả! - lão Êpiphan nói, khoái chí theo dõi cuộc đối chọi giữa vợ và cô em gái.
- Coi chừng đấy, chị Anphixa kẻo tham quá lại đi gặm cả cái mông to của mình! - cô Đômnusca ngửng phắt mái đầu lên, và mặc dù cặp mắt nẩy lửa của mụ Anphixa xoáy vào cô, cô chỉ cau mặt lại, nhưng không chịu đầu hàng.
Mụ Anphixa hẳn cảm thấy rằng cô Đômnusca không lùi bước, bèn chuyển cơn thịnh nộ của mình sang chồng:
- Đồ chó dái già! Phải người khác đâu lại cho phép đưa vợ ra làm trò cười! Còn ông thì thế nào cũng được - cốt sao được cười: ha ha hi hi!
- Mẹ nó ạ, bao giờ tôi cũng thích vui vẻ! Thề có Chúa là như vậy! - lão Êpiphan ngặt nghẽo đưa tay giật giật cái tai đeo khuyên.
Pôlia chỉ muốn đứng dậy và bỏ đi, nhưng cô cố dằn mình, càng ngồi co dúm lại hơn, không dám đưa mắt nhìn ai. Mọi người ăn lặng lẽ, không châm chọc nhau thêm nữa. Cuối cùng lão Êpiphan úp cái tách xuống, lên tiếng:
- Nào, Pôlia, đi thu xếp đi. Giúp cô Đômnusca dồn thức ăn vào cái bao kia. Còn các hộp đựng hàng xếp cả vào cái hòm. Ta sẽ đi hai ngựa: bố với con ngồi ở xe đi trước, còn thức ăn và hàng hóa để con ngựa thứ hai kéo. Đóng nó vào xe trượt, dòng giây buộc vào sau xe.
- Con xin làm, thưa bố, - Pôlia nói và dò hỏi nhìn Êpiphan. Lão đoán ra con dâu chờ đợi gì.
- Cứ thu xếp đâu vào đấy thì chạy về thăm ông nhà. Mà đóng ngựa cho kỹ vào: đường đi ghé đây ghé kia chẳng gần đâu.
- Chà, ông Êpiphan ơi, ông nuông chiều con dâu quá đấy, nuông chiều quá đấy! Rồi đến lúc hối thì đã muộn. Cái của gái mới lấy chồng từ ngày xưa đến nay cứ là phải nắm cho chắc giây cương! Còn ông thì sao? - mụ Anphixa chậm rãi, nặng nhọc đứng dậy khỏi cái ghế đẩu, ngửng cao mái đầu thắt chiếc khăn chéo, nhìn bàn thờ tượng thánh ở góc đằng trước nhà, rồi vung tay. Thoạt đầu mụ làm dấu thánh giá lớn kéo dài từ trán xuống tới tận bụng, sau bé hơn một ít và cuối cùng bé tẹo - từ cằm xuống tới ngực.
- Xin đức mẹ chúa trời cứu vớt và gìn giữ chúng con, - mụ lẩm bẩm và bỗng chợt nhận thấy cô Đômnusca khoác lên vai tấm áo lông cộc, mụ nói bằng một giọng khác hẳn: - Cô đi đâu vậy, cô Đômna? Không lẽ lại đến nhà thờ lần nữa? Bánh mì và muối thì nhón của ông anh, nhưng lại đi làm lụng cho cha Vôniphati. Không có cô ông ta cũng chẳng chết đâu. Ông ta giàu có hơn nhà này nhiều. Thu dọn bát đĩa đi rồi đi mà dọn chuồng bò. Lũ bò sữa trong chuồng vùi trong phân ngập đến sừng rồi.
- Chị nên biết ngượng! Vừa mới làm dấu thánh lên trán đấy! Còn phải làm gì, tôi khắc biết. Tôi ra đóng con ngựa đỡ cháu Pôlia, sau đó tôi khắc thu dọn trong sân. - Không kịp mặc cho xong áo khăn ấm, cô Đômnusca vò dải khăn quàng trong tay, hấp tấp bỏ ra, đập mạnh cánh cửa ra vào.
- Tự nó nó cũng khắc đóng được ngựa. Tiểu thư công chúa gì, - mụ Anphixa ném theo cô Đômnusca và chậm rãi không nhấc chân lên khỏi mặt sàn, lướt đi ra cầu thang dẫn lên tầng hai của ngôi nhà.
- Ông Êpiphan, ông lên theo tôi, - dừng lại ở bậc thang đầu tiên, mụ Anphixa ngoái lại. Lão Êpiphan làm dấu một cách qua quýt, không nhìn cả lên tượng thánh, húng hắng giọng, đi theo chân vợ.
Họ vừa lên khuất, Pôlia liền nhanh nhẹn mặc áo ấm và lao ra ngoài trời. Phải gấp, sao thật gấp đến ngay nhà cha đẻ! Kể ra thì bố chồng đã ra lệnh trước tiên phải thu xếp mọi thứ để lên đường đã, rồi sau đó mới được về Parabên gặp phụ thân. Có điều ở cái nhà này cứ việc cho họ nói, thì đã sao? Ở đây nếu chỉ nghe mình bà mẹ chồng Anphixa thôi, cũng đã có thể mất tự chủ rồi, lại còn nghe theo mọi điều phán định cân đi nhắc lại của họ nhà Crivôrucốp thì họa có mà loạn trí. Câu chuyện từ hôm nay ở bữa ăn thế nào kia chứ? Thì bao giờ mà chẳng thế! Người ta đâu có trò chuyện với nhau, mà bôi tro trát trấu lẫn nhau. Không, không, không thể để phí một phút nào. Hơn thế nữa: mụ Anphixa đã lôi chồng lên gác. Bây giờ thì mụ sẽ dạy khôn dạy ngoan cho lão, không biết bao giờ mụ mới thôi. Còn cái thiện tâm thì mụ chẳng bao giờ dạy bảo cho đâu, về điều đó thì Pôlia chẳng phải nghi hoặc.
o O o
Cô Đômnusca đã đóng ngựa vào xe trượt. Pôlia cảm ơn cô, nhảy lên lòng xe, giật giây cương đánh vào lưng con ngựa và liền khuất ngay ra sau làng. Đi bằng con ngựa phi nhanh thì thực quả là từ Gôlêsikhinô đến Parabên chỉ chớp mắt là đã tới! Pôlia đi đến nhà cha đẻ và, chưa đánh xe vào sân, đã lao tới bên cửa sổ. Cha cô có nhà không đây? Hay lại đã phóng xe tới nơi cùng trời cuối đất để cứu chữa cho một người đi đày khốn quẫn nào đó. Đối với những con người ấy tấm lòng ông nhạy cảm đặc biệt. Từ thơ ấu Pôlia đã nhận thấy điều này.
Cha cô có nhà! Ông đang ngồi bên bàn của mình, đang làm trò ảo thuật với cái cân dược phẩm, miệng ngậm cái bót thuốc, tuôn khói như chiếc tàu thủy! Pôlia hồ như suýt chết ngạt vì sung sướng. Cô thấy cha cô, sẽ chuyện trò với người!..
- Con chào bố! Bố sống ra sao? - Cô lao qua lối đi, tẹo nữa thì xô ngã bà bếp lúc đó đã đang loay hoay bên cạnh cái bếp lò cháy rực.
Ông Gôrbiacốp mải mê công việc không để ý thấy cô con gái đi xe đến. Nghe thấy giọng nói thánh thót của Pôlia, ông đứng bật dậy, làm vãi khắp mặt bàn thứ bột gì vàng vàng, ông ôm lấy con gái, ghì chặt vào lòng mình.
- Con gái yêu quí! Hòn ngọc yêu quí của bố! Bố nhớ con quá chừng! Mà làm sao bố lại để cho con đi đến nhà khác xa lạ? Vì sao mối tình đột ngột, bồng bột của con lại trao cho anh ta? - Nước mắt ứa ra lưng tròng, trái tim đập mạnh thêm. Nhưng ông Gôrbiacốp đã hối kịp và lặng thinh. Hóa ra ông trách móc con gái ông! Không lẽ như vậy được ư? Không lẽ điều đó phù hợp với cái quan niệm của ông về con người, về tình yêu, về cuộc sống? Không đời nào! Con gái ông đã chọn người mà lòng nó mách bảo nó. Nó đã là người lớn, tự lập, tự nó phải lựa chọn lấy con đường đời của mình... - Pôliusca con yêu quí, sao con trở về vào cái giờ bất thường thế này? Không hiểu sao bố cứ mường tượng là tối nay con sẽ tìm về với bố... Nhưng dù sao đi nữa bố cũng mừng... rất mừng, - ông Gôrbiacốp lẩm bẩm, cảm thấy ngượng nghịu vì những lời lẽ đầu tiên của mình, những lời ông đã đón chào con gái ông, và ông gọi con bằng cái tên mà trước đây ông vẫn thích dùng để gọi khi bà Phơrôxia, vợ ông, còn sống. Cái thời gian ấy bây giờ tưởng tượng xa xôi không thể nào với tới được, và đôi lúc lại nghĩ rằng bấy giờ chính trong nhà này từng đã sống, làm lụng, đi lại, suy nghĩ không phải ông, mà là một người nào khác, chỉ hơi giống giống ông. Trong cuộc sống xa xôi ấy có cái gì đó phi thường về sự trọn vẹn của hạnh phúc, đến mức tưởng như không phải là chuyện thực, mà là chuyện cổ tích: «Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai tuấn tú, và chàng có một người vợ yêu thương, và chàng yêu quí vợ mình hơn mọi thứ trên đời... Và rồi thì qua bao lâu cũng chẳng ai hay biết nữa, hai vợ chồng sinh hạ được một quí nương... Họ đặt tên cho con là Pôliusca...»
Buông Pôlia ra khỏi vòng tay, ông Gôrbiacốp lui lại một bước và nhìn vào mắt con gái, ông hiểu là con gái ông đang có chuyện gì vừa xúc động vừa u buồn.
- Có chuyện gì thế con, Pôliusca? Con gặp chuyện gì thế?
- Bố, con sắp đi xa đây. Ông Êpiphan mang con đi theo.
- Theo xe hàng đến Tômxcơ ư? - ông Gôrbiacốp nói ra cái điều phỏng đoán thoáng lóe ra trong đầu và ông cũng không thấy trong việc đó có gì xấu cả.
- Không phải thế, ông ấy bảo rằng: ta với con cùng đi hốt tiền, đến vùng Ôbi, đến Tưm, đến Vaxiugan...
- Ra thế kia đấy! - ông Gôrbiacốp kinh ngạc, và lòng ông thắt lại.
- Bố ạ, ông ấy muốn sống theo lối một nhà thương gia. Ông ấy bảo, con sẽ lập sổ chi thu, - Pôlia giãi bầy, nhớ lại lời lẽ của Êpiphan nói trong bữa ăn. - ông ấy biết cả chuyện những người bạn lưu đày của bố đã dậy cho con học ở nhà.
- Con coi chừng đó, ông ta quả thực sẽ định làm ăn to... Nghĩa là ông ta quyết định kéo con vào những... - ông Gôrbiacốp bối rối. Ông muốn nói: vào những hợp đồng mờ ám của mình, nhưng chưa biết chuyện ấy thì con gái ông cũng đã lo lắng về chuyến đi sắp tới rồi! Người bố yêu con nào lại muốn gây cho đứa con dứt ruột của mình phải chịu thêm đau khổ? Ông Gôrbiacốp bông đùa rẩu môi huýt sáo, làm ra bộ vô tư lự, vui vẻ, lấp lánh đôi mắt sâu dưới đôi lông mày cụp xuống, ngập ngừng nói: - Thôi thì, con gái ạ, có thể, con cứ phải đi. Bố sẽ buồn nhớ con lắm, bố sẽ dõi trông ra cửa sổ...
Nhưng Pôlia biết rất rõ cha đẻ và hiểu ngay rằng trong lòng ông nghĩ khác. Cái vai một kẻ bàng quan đối với mọi sự đời đang xảy ra, có thể nói thẳng là ông đóng không lấy gì làm đạt. Ông đã nói điều không phải là điều ông nghĩ. Đi thì đi, nhưng với cái chuyện lão Êpiphan lôi kéo con gái ông vào các công việc buôn bán và, coi bộ thì, trong các trò làm ăn của mình lão dành cho con gái ông một vị trí khá là lớn, biết đối phó thế nào đây? Có thể nào ông lại để cho Pôlia lao vào môi trường hoạt động như vậy, mà không nói một lời nào về điều gì đang đe dọa nó? Liệu ông có nên đợi đến lúc con gái ông tự hiểu ra tất cả sự tuyệt vọng của cái giới mà tình yêu của nó đã dẫn dắt nó nhập vào? Hay, có thể, giúp cho nó hiểu rõ điều này? Thì ngay bây giờ đây chẳng hạn? Ông không quá dửng dưng với số phận của con gái ông đấy chứ? Có nên chăng một hai năm trước đây ông đã phải can thiệp vào mối tình của Pôlia, vào quan hệ qua lại của nó với Nhikipho và bẻ gẫy tất cả bước biến diễn của cái hoàn cảnh sống, không cho tổ chức cuộc hôn nhân ấy, cuộc hôn nhân mà chỉ mang lại gông cùm cho con gái ông mà thôi... Nhưng có phải gông cùm đấy chăng? Phải chăng ông nhìn sự việc quá ư nghiêm trọng? Tính khí Pôlia có phải đâu loại dễ nhẫn nhục tuân theo sở nguyện của người khác và trở thành con lúc lắc của người chồng hay họ mạc nhà chồng. Tính nó tự chủ, nó ý thức được phẩm giá riêng của mình, và không phải uổng công là nó đã thuyết phục được cha rằng nó rời khỏi nhà cha không bao lâu và điều trước tiên nó sẽ làm là trong một thời gian ngắn nhất nó sẽ cùng Nhikipho quay trở lại với ông. Và ông dường như không chút dao động và lập tức tin vào điều đó, không kể gì rằng phía bên kia, phía gia đình nhà Nhikipho cũng có cách sống riêng của mình, có những quan niệm riêng về tương lai của Pôlia và Nhikipho. Và thế là, trong lúc ông còn chưa kịp làm gì để giúp con gái thực hiện những mong ước của nó, thì phía bên kia người ta đã hành động, và hành động với biểu xích tầm xa và rất kiên quyết. Những con đường đời mới ngoằn ngoèo, lắm chông gai và giảo quyệt làm sao - ai chứ ông là ông biết rõ! Biết đâu lại xảy ra như thế này: ông chờ đợi con gái trở về với mình, còn sự việc lại xoay chuyển hoàn toàn khác hẳn: cuộc sống trong ngôi nhà giàu có lại hút lấy Pôlia. Những lo toan, bận bịu chạy ngược chạy xuôi của cái gia đình nhà họ Crivôrucốp ấy bỗng nó lại cảm thấy là những chuyện gần gũi, những chuyện hấp dẫn. Không, ông không thể nào tưởng tượng nổi con gái ông là một mụ lái buôn, toàn tâm toàn ý mê mải với những thích thú của chuyện góp nhặt kiếm lời... Tất cả những ý nghĩ ấy đã choán ngợp lấy ông Gôrbiacốp, và ông đã đứng trước mặt con gái trong trạng thái bối rối ít nhiều. Chính vì thế mà cái trò làm ra vẻ vô tư lự của ông mới không tự nhiên đến thế.
- Con biết làm gì hả bố? Anh Nhikipho không có nhà, còn lâu anh ấy mới trở về, mà hôm nay đã phải ra đi rồi, - Pôlia đưa mắt nhìn thẳng vào mắt ông và chờ đợi ở ông câu trả lời tức khắc, không trì hoãn lại một giây phút nào.
Nhưng ông Gôrbiacốp vẫn cứ đứng chân nọ đổi chân kia, cân nhắc đi cân nhắc lại xem trong trường hợp này nên xử sự thế nào tốt hơn. Tất nhiên, nếu ông đứng ra bênh vực cho con gái với tất cả lòng kiên quyết, thì lão Êpiphan sẽ nhượng bộ, sẽ rút lui: «Này ông thông gia, ông làm gì thế nhỉ?! Chẳng nhẽ tôi cho con gái tôi theo con trai ông là để bây giờ ông biến nó thành một mụ chạy hàng?» Nhưng liệu đó có phải là điều có ích chăng? Pôlia còn chưa va chạm với các hoạt động của lão Êpiphan, nó còn chưa biết, bố chồng của nó thế nào và lão có khả năng làm đến những việc gì, khi vấn đề đề cập đến sự lăng nhục con người ta chỉ vì đồng tiền. Mà nó cần phải biết chuyện đó, nhất thiết phải biết. Nếu không nó sẽ không tìm được trong bản thân nó sức lực để bảo vệ cho tương lai của mình. Cỗ xe ngựa nhà Crivôrucốp cũng sẽ nghiền nát cả con bé ra, như cỗ xe ấy đã từng nghiến nát số phận của nhiều người khác. Thêm vào đó, ngoài ra còn có một điều cân nhắc: chuyện ông xung đột với người thông gia giàu có, tức thì ở Parabên, ở Narưm, cũng như ở Cônpasevô mọi người đều sẽ thông tỏ ngay. Tiểu thị dân ở Narưm, đặc biệt các quan chức cảnh sát mà quan hệ với lão Êpiphan cứ như sơn dính, bao giờ tai chả hong hóng vểnh lên. Thế nào cũng bắt đầu bàn ra tán vào, căn đi vặn lại: tại sao với lại thế nào, rồi lại do đâu? Lúc này hoàn toàn không hợp thời nếu người ta chú ý hơn đến ông, một y sĩ lưu động khiêm nhường, tuy nổi tiếng là một người kỳ quặc ít lời đấy, nhưng lại là một thần dân thanh bạch. Bởi vì trong tay ông là số phận người chạy trốn ở rừng taiga xa xôi, và ông đã nhận được cái yêu cầu lần thứ ba của ban chấp hành: Gôrbiacốp, cho dù vượt qua cả bản thân mình đi nữa, nhưng phải giữ gìn Akimốp được an toàn, bảo đảm cho anh ấy khả năng tiếp tục chạy trốn. Có những công việc vô cùng quan trọng đang chờ đợi anh ấy ở Xtốckhôn, chỉ có anh ấy, Akimốp, riêng một mình anh ấy mà thôi, mới có thể hoàn thành nổi.
- Ở địa vị con, Pôlia, bố sẽ đi ngay, - ông Gôrbiacốp nói, giọng bình thản và đầy thuyết phục. - Và bố sẽ giảng giải cho con biết vì sao. Thứ nhất là, con còn chưa đến các địa phương kia bao giờ. Được nhìn xem thế gian bao giờ cũng là chuyện lý thú. Còn thứ nữa là, trong chuyến đi con sẽ biết ra và hiểu ra nhiều điều. Dù sao đi nữa con cũng vừa về một gia đình lạ, và tất nhiên, con muốn biết ở đấy họ thế nào, họ sống ra sao. Ở nhà ta đây thì khi con ở nhà con đã biết cả. Bố của con nhận được lương tháng bao nhiêu của công quỹ này, và ông Phêđốt kiếm được bao nhiêu trong rừng taiga nữa này, rồi bản thân con kiếm được bao nhiêu trong công việc nhặt hạt tuyết tùng, gia công cá, lưới của thương nhân. Còn bây giờ con chẳng biết gì có phải không nào. Con chỉ biết rằng nhà Crivôrucốp sống sung túc khá giả; hiếm có ai sống được mực ấy. Thế mọi cái lấy ở đâu ra? Con chẳng biết gì hết. Thế thì dịp này con xem xem. Mà không có như vậy không được. Bố nhớ là con đã thỏa thuận với anh Nhikipho rằng các con sẽ sống cuộc sống tự lập. Có phải thế không nào? Ý định của con đã thay đổi rồi sao?
Nghe cha nói Pôlia biến đổi trông thấy. Cô vui lên. Nỗi u buồn và lo ngại ẩn nấp đâu đó dưới khóe miệng, đã biến hết cả. Giọng nói của cô lại vang lên lảnh lót yêu đời, và trong thân hình Pôlia, ngang lưng thắt cái thắt lưng đàn ông bên ngoài áo lông cừu lửng, lại hiện rõ vẻ linh hoạt và sẵn sàng bắt tay vào công việc.
- Sao bố của con lại nghĩ như vậy nhỉ? Căn cứ vào đâu mà bố bảo các ý định của con thay đổi? Không đời nào. Mấy lại con còn cảm thấy là con không sống hòa thuận được với bà Anphixa. Bà ta đè bẹp tất cả mọi người. Với con bà ta cũng đã hai ba lần vung tay lên dọa rồi. Nhưng con không có sợ bà ta, bố ạ, con không chịu nhường một ly một tý gì phần của mình, mặc dù con không chịu được những lời trách móc của bà ta. Và việc ông Êpiphan đưa con đi theo chuyến này có lẽ vừa hay. Con sẽ xem xét, sẽ nghe ngóng, tìm biết ra xem ông ấy có cái gì ở đấy, làm ăn ra sao. Còn nếu anh Nhikipho trở về, anh ấy sẽ đến thăm bố. Bố nói cho anh ấy biết con đến đây ra sao.
- Thì tất nhiên rồi, - ông Gôrbiacốp gật đầu. - Phần bố, bố có đi đâu chăng nữa cũng không bao lâu. Một người đi đày ở Uxti-Vaxiugan đang bị ốm. Phải ghé thăm. Kẻo nhỡ anh ta lại đã giả hồn cho chúa rồi thì sao. Bệnh phổi. Anh ta ho. Chuyển sang lao, và như vậy thì chẳng thể giúp đỡ được nữa.
- Thế bố nhỉ, cái người chạy trốn mà con đưa đến lán của ông, không vấp chứ ạ? Thoát rồi chứ ạ? Có phải, ông đang chăm lo cho anh ấy trong rừng taiga xa xôi chứ ạ? Cô Đômnusca bên nhà con chuyện gì cũng biết, có lần đi nhà thờ về kể: «Cánh mugích đi săn lùng trong rừng. Cái anh chàng trốn tù ấy, cái anh mùa thu vừa rồi chạy trốn khỏi Narưm ấy, đang sống ở rừng ta. Dân Nhêxtêrôvô nhìn thấy anh ta. Họ bảo anh ta mò mẫm trong đất rừng. Làm sao mà cho đến nay anh ta còn chưa chết cóng, chính thượng đế cũng không biết được nữa!». Nhưng có thể, bố nhỉ, tất cả chỉ là chuyện đồn đại nhảm nhí?
Ông Gôrbiacốp phồng má trợn mắt một cách khôi hài vểnh ria lên. Nghe Pôlia nói hết, ông bật cười:
- Thiên hạ mới bịa lắm chuyện lạ thế kia chứ! Còn ông, thì con gái ạ, tự ông đến ở trong rừng taiga đấy. Thì chính con cũng biết đấy - năm nào chẳng thế. Bây giờ chỉ đến lễ Giáng sinh mới chờ được ông về, - ông bịa ra nói với con gái mà thậm chí không rời mắt nhìn con gái. Nhìn Pôlia chằm chằm, ông kiểm tra: con gái ông có tin ông nói hay không? Hình như nó tin ông, bởi vì nó hỏi ông về một chuyện khác hẳn:
- Thế bố nhỉ, bố không cần chuyển gì về Narưm ư? Mai bố chồng con và con sẽ đến đấy vào nửa buổi. Ông Êpiphan bảo, ông ấy có việc gì đó với một thương gia.
Chà, thật là một dịp may hiếm có! Đã bao nhiêu ngày rồi ông Gôrbiacốp tìm kiếm cơ hội để chuyển tới Narưm thông báo về Akimốp: Akimốp đã được đưa đi ẩn trốn an toàn, hiện thời chưa có nguyên cớ nào để phải lo ngại. Nhưng vừa bột hứng như vậy, tiếp liền lại phải tính toán ngay một cách tỉnh táo. Chỉ một ý nghĩ là con gái ông hoàn toàn không hay biết chuyện gì, phải tìm đến một người coi giữ các vựa chứa thóc bến cảng chuyển cho ông ta cùng với một ít thuốc vớ vẩn là một đơn thuốc thực, trên đó bằng các con chữ la tinh ghi điều thông báo của ông, ông Gôrbiacốp cảm thấy bất tiện, đúng hơn là cảm giác lương tâm cắn rứt.
Mỗi khi ông sử dụng lão quản Philatốp giúp cho mình những việc liên lạc bí mật, ông đều cảm thấy một cảm giác đắc thắng trong lòng: «Thế đấy, gã Pharaông, bây giờ mi chuyển bưu tín của ta, cứ như một tay đưa thư cần mẫn nhất. Và mi chẳng lỉnh đâu được, mà phải chuyển thôi, bởi vì bọn ta khôn ngoan hơn, có sức sống mạnh hơn mi, đồ bị thịt dốt nát. Và nếu như tương lai thuộc về chúng tao, thì tất cả lũ quần thần tôi tớ sa hoàng tuyệt sinh chúng mày sắp hết thời rồi...»
Pôlia... Nhưng đây lại nảy sinh ra những suy tư hoàn toàn khác hẳn. Từ lâu ông Gôrbiacốp đã cảm thấy rằng, càng ngày ông càng khó khăn hơn trong việc giấu giếm con gái những quan điểm thực sự của mình, việc làm của mình cho cách mạng, cho đảng. Khi Pôlia còn nhỏ, mọi chuyện đều dễ dàng hơn và đơn giản hơn, còn sau đó trong nhiều năm ông buộc phải dùng mưu mẹo không những trước các quan chức nhà nước, mà ngay cả ở nhà nữa. Đôi mắt tinh tường của con gái theo dõi sát sao ông, và đành phải tìm đến vụng sông, cái lán đất của cụ Phêđốt, và ở đó dưới sự canh gác nghiêm ngặt của ông cụ, ông ngồi chuẩn bị các chuyến bưu tín khi gửi đi Narưm, khi gửi đi Tômxcơ, có khi còn xa hơn nữa - đi Pêtrôgrát, Xtốckhôn, Giơnevơ, Pari...
Và giờ đây trước khi chia tay với con gái và phải khước từ việc nhờ nó chuyển bưu tín đến địa chỉ bí mật, ông Gôrbiacốp cảm thấy: không, tiếp tục như thế này mãi không được, cần phải cho con gái ông hay biết sự thật. Thật là vô nghĩa nếu cứ tiếp tục để nó không biết trong lòng cha đẻ của nó mang những tình cảm gì. Có thể, nói ra ngay lúc này đây, ngay tức khắc. Có thể bắt đầu từ chuyện người chạy trốn, bởi vì chính nó đã bảo vệ anh ấy khỏi cuộc truy lùng... Nói xong thì thông báo nào cũng có thể giao cho nó chuyển về Narưm mà lòng không bận bịu gì nữa... Chà, trong lòng ông lập tức mới vui làm sao: con gái - là người bạn chiến đấu...
- Bố ở nhà mạnh khỏe nhé! Con vội đi đây. Có thể ở đấy, ở nhà Crivôrucốp họ đã tìm con, - Pôlia vội vội vàng vàng.
- Con về có thế thôi ư? Giá con nán lại thêm một phút nữa, Pôliusca. Chẳng có bố lại trơ trọi mỗi một mình. - Ông Gôrbiacốp dường như sực tỉnh sau những suy tư, ông cầm lấy tay con gái, âu yếm nhìn vào mắt con. - Con gái ạ, trở về một cái là chạy ngay đến với bố nhé. Bố con mình sẽ ngồi với nhau bên bàn và sẽ chuyện trò thật lâu, rõ thật lâu. Bố muốn nói cho con một điều vô cùng quan trọng... - Giọng nói mà ông Gôrbiacốp dùng để nói lên những lời kia, đầy vẻ trang trọng, còn bộ mặt ông, Pôlia có cảm giác quá nhiều suy tư và nghiêm nghị. Bố cô định nói gì với cô thế không biết?
- Bố, bố định đi bước nữa vào lúc tuổi già này hay sao thế? Bố nói có vẻ gì bí ẩn và bố nhìn đấy, sao mà nghiêm nghị thế, - Pôlia bỗng lo lắng, chăm chăm nhìn từ đầu xuống chân người cha.
- Không, Pôliusca, không phải thế! Thôi con hãy cứ đi đi đã. Cha con mình sẽ chuyện trò sau, khi nào con trở về. Bây giờ không đủ thời gian. - Ông Gôrbiacốp ôm con gái, sau đó đỡ lấy cằm con và, hơi nâng mặt con lên, ông hôn vào một bên má, hôn vào bên má kia, cuối cùng, hôn vào đầu mũi. Bao giờ ông cũng chia tay như vậy, mỗi khi ông ra đi thăm con bệnh, để con gái lại nhà.
- Cầu mong cho con mạnh khỏe, mau mau trở về nhé, - ông Gôrbiacốp thì thào, bước ra cửa theo sau con gái trên lối hành lang rộng thênh thang.