Nguyên tác: Walden
Số lần đọc/download: 0 / 32
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:40 +0700
14.Những Cư Dân Cũ & Những Vị Khách Mùa Đông
T
ôi đã sống qua một vài cơn bão tuyết vui vẻ và sống những đêm mùa đông dễ chịu bên bếp lửa, trong khi tuyết xoáy điên cuồng bên ngoài át cả tiếng cú kêu. Nhiều tuần liền đi bộ trong rừng tôi không gặp người nào ngoài những người thỉnh thoảng vào rừng đốn gỗ và chở bằng xe trượt tuyết vào làng. Tuy nhiên, các nguyên tố [456] xui tôi tạo một lối đi qua lớp tuyết sâu nhất trong rừng, vì một khi tôi đã đi qua gió sẽ thổi những lá sồi vào những con đường mòn do bước chân tôi tạo ra và nằm lại ở đó, chúng hấp thụ những tia nắng làm tuyết tan ra, như vậy không chỉ làm thành một nền khô cho tôi bước, mà ban đêm màu tối sẫm của nó còn dẫn đường cho tôi. Về xã hội con người, tôi phải biết ơn những người trước kia đã ở trong rừng này. Trong trí nhớ của nhiều dân thành phố con đường gần nhà tôi thường vang lên tiếng cười nói của những cư dân, và khu rừng non tiếp giáp nhà tôi được điểm lấm chấm đó đây bằng những mảnh vườn nhỏ và những chiếc lều, mặc dù khi đó nó còn bị rừng già bưng kín hơn bây giờ nhiều. Trong trí nhớ của riêng tôi, những xe ngựa đi qua đây thường bị thông cọ xát cả hai bên cùng một lúc, và những phụ nữ trẻ em buộc phải một mình đi bộ qua lối này tới Lincoln thì vừa đi vừa sợ, và thường chạy phần lớn quãng đường. Là con đường chính nhưng khá tệ đi đến các làng lân cận, hay đường đi cho những toán thợ rừng; trước đây đã có thời sự đa dạng của nó đã làm cho du khách vui hơn bây giờ, và lưu lại trong trí nhớ của họ lâu hơn. Nơi bây giờ là những cánh đồng rắn chắc và rộng mở từ làng trải dài đến rừng, thì khi đó là con đường chạy qua khoảng rừng gỗ thích bị ngập nước trên nền những thân cây bị đốn hạ, những vết tích của nó chắc chắn còn nằm bên dưới con đường cái bụi mù ngày nay, từ Stratten, bây giờ là Nhà Tế Bần (Alms House), Nông trại (Farm), đến Đồi Brister.
Phía đông cánh đồng đậu của tôi, bên kia đường, là nơi sinh sống của Cato Ingraham, (không phải Cato Uticensis, mà là Concordiensis [457]) nô lệ của Ngài Duncan Ingraham, quý tộc làng Concord; ông xây cho nô lệ của mình một ngôi nhà, và cho phép anh ta sống trong Rừng Walden. Có người bảo anh là người da đen Guinea. Ít người còn nhớ mảnh vườn nhỏ của anh giữa cánh rừng óc chó, mà anh để mặc cho cây cối lớn lên mong dùng đến lúc tuổi già, nhưng cuối cùng những tay đầu cơ trẻ da trắng chiếm được nó.
Tuy nhiên, cả anh nữa, bây giờ cũng chiếm, một cách bình đẳng, một căn nhà hẹp [458] ở đây. Căn lều ổ chuột bí rì của Cato vẫn còn đó, dù ít người biết, bị một hàng thông che khuất khỏi tầm mắt người đi đường. Bây giờ nó đầy những cây gỗ sơn (Rhus glabra) nhẵn nhụi, và một trong những loài sớm nhất của goldenrod (Solidago stricta), mọc sum sê ở đó.
Ở đây, ngay bên góc vườn của tôi, gần thành phố hơn, Zilpha, một người đàn bà da màu, có ngôi nhà nhỏ, nơi chị ta quay tơ cho dân thành phố, làm cho Rừng Walden rung lên với tiếng hát chói tai của chị ta, vì chị có một giọng vừa to vừa đặc biệt. Cuối cùng trong chiến tranh 1812, ngôi nhà của chị bị lính Anh, những tù binh được phóng thích, đốt cháy, khi chị đang ở ngoài; và con mèo, con chó cùng lũ gà mái của chị bị cháy rụi. Chị sống một cuộc sống cay cực gần như không phải của con người. Một ông già thường hay lui tới khu rừng này nhớ lại, rằng khi đi ngang qua nhà chị vào buổi trưa, ông nghe chị đang thì thầm nói một mình bên trên cái nồi đang sôi ùng ục, "Tất cả chúng bay là xương, là xương hết". Tôi đã trông thấy những viên gạch giữa những đám sồi ở đó.
Cuối con đường, bên tay phải, trên Đồi Brister, Brister Freeman, "một người da đen khéo tay", sống ở đấy, trước kia từng là nô lệ của Điền chủ Cumming - ở đó nay vẫn còn mấy cây táo mà Brister trồng và chăm bón; những cây ấy bây giờ to và già lắm rồi, nhưng quả của nó vẫn dại và chua đối với lưỡi tôi. Không lâu sau khi tôi đọc bài văn bia trên mộ ông ở nghĩa địa Lincoln cũ, nằm lệch về một bên, gần những ngôi mộ không đánh dấu của lính đặc nhiệm Anh ngã xuống trên đường rút lui khỏi Concord, ở đây ông được mệnh danh là "Sippio Brister" - Scipio Africanus [459], ông có quyền được gọi thế - "một người da màu", cứ như thể da ông có thể bị phai màu. Những chữ to tướng ấy cũng nói rõ ngày giờ ông ấy chết; chỉ là một cách gián tiếp thông báo rằng ông đã từng sống trên đời. Vợ ông, Fenda, một người đàn bà vui vẻ làm nghề thầy bói sống vối ông, nhưng dễ chịu, to, tròn, và đen, đen hơn bất kì đứa con nào của đêm, một quả cầu tối như thế chưa bao giờ hiện lên ở Concord trước và sau đó.
Xuống thêm nữa bên dưới đồi, bên trái, trên con đường cũ trong rừng, là những dấu vết của cơ ngơi nhà cửa vườn tược của gia đình Stratten; vườn cây ăn quả của họ đã có thời phủ kín cả sườn đồi Brister, nhưng từ lâu đã bị giống thông nhựa (pitch-pine) tiêu diệt, chỉ còn lại vài gốc mà những bộ rễ già của chúng còn cung cấp chồi nhánh cho nhiều cây ghép sum sê trong làng.
Gần thành phố hơn, ta sẽ thấy cơ ngơi của Breed, ở bên kia đường, ngay cạnh mép rừng, mảnh đất nổi tiếng vì những trò tinh quái của một con quỷ không rõ danh tính trong một huyền thoại cũ, kẻ đóng vai trò nổi bật và kinh hoàng trong đời sống New England của chúng ta, và như phần lớn những nhân vật huyền thoại, xứng đáng được viết tiểu sử một ngày nào đó; y đến đây đầu tiên dưới lốt một người bạn hay người làm thuê, rồi cướp và giết cả gia đình New-England Rum. Nhưng lịch sử chưa được phép kể những tấn bi kịch diễn ra ở đây, hãy để thời gian xen vào trong mức độ nào đó làm dịu bớt và nhuộm cho chúng một màu xanh thanh thản. Ở đây truyền thống mơ hồ và không minh bạch nhất nói rằng đã có thời quán rượu đứng được, thì nay giếng nước cũng thế, nó pha loãng bia rượu của khách bộ hành và tiếp sức cho con ngựa của anh ta. Ở đây người ta chào nhau, nghe và kể tin tức, rồi đường ai nấy đi.
Ngôi nhà của Breed cách đây chục năm vẫn còn, mặc dù từ lâu nó đã bị bỏ không. Nó có kích cỡ khoảng bằng nhà của tôi. Nó đã bị những đứa trẻ tai ác đốt cháy, nếu tôi không nhầm thì vào đêm Bầu cử. Khi đó tôi sống ở bìa làng, và vừa mới vùi đầu vào Gondibert của Davenant [460], mùa đông ấy tôi đã mất ngủ triền miên, nhân tiện nói thêm, tôi không biết phải coi nó như một chứng bệnh di truyền (vì tôi có một ông chú phải cạo râu khi đi ngủ, và ngày Chủ nhật phải ngồi ngắt chồi khoai tây trong tầng hầm để cho tỉnh ngủ mà giữ ngày xaba [461] ) hay như hậu quả của ý định đọc liền một mạch tuyển tập thơ Anh của Chalmers [462]. Nó hoàn toàn thắng bộ lạc Nervii của tôi [463]. Tôi vừa vùi đầu vào đọc thì chuông báo cháy vang lên, các xe cứu hỏa hối hả lao về hướng đó, từng đoàn người lớn trẻ con chạy tán loạn, tôi ở trong số đầu tiên, vì tôi đã nhảy qua suối. Chúng tôi nghĩ là cháy ở phía nam cách khá xa rừng - chúng tôi là những người đã chạy tới đám cháy đầu tiên - kho thóc, chuồng gia súc, cửa hàng, nhà ở, hay tất cả. Một người kêu lên "Cháy nhà kho của ông Baker". "Không, đấy là quảng trường Codman". Một người khác khẳng định. Và khi đó những đám lửa mới bắn vọt phía trên rừng, như thể mái nhà sập xuống, và chúng tôi gào lên "Concord đâu cấp cứu!”. Những chiếc xe ngựa nhét chật cứng người và lao đi với tốc độ kinh hoàng, có lẽ mang theo nhân viên Công ti Bảo hiểm, họ buộc phải đi dù xa đến đâu, đằng sau chúng tôi chốc chốc lại vang lên tiếng chuông xe cứu hỏa, đến chậm hơn nhưng chắc chắn hơn, và sau cùng, như người ta xì xào sau đó, là những kẻ phóng hỏa và kéo chuông báo động. Cứ như vậy chúng tôi tiến lên, như những kẻ duy tâm thật sự, không tin vào những chứng cứ cảm giác của mình, cho đến khi ở một chỗ ngoặt trên đường chúng tôi nghe thấy tiếng lốp đốp và thật sự cảm thấy hơi nóng của lửa từ bên trên bức tường. Và nhận ra, trời ơi! rằng chúng tôi đã đến nơi. Lửa gần sát sạt đã làm nguội sự nóng nảy của chúng tôi. Đầu tiên chúng tôi muốn đổ cả một bể nước vào đó; nhưng cuối cùng nghĩ thôi cứ để nó cháy, vì dù sao tất cả đã bị vây bọc trong lửa rồi, chẳng đáng làm như thế. Nên chúng tôi đứng quanh xe cứu hỏa, xô đẩy nhau, lớn tiếng thể hiện tình cảm của mình, hoặc hạ thấp giọng nhắc đến những đám cháy lớn trên thế giới, trong đó có cửa tiệm Bascom, và, nói nhỏ với nhau, chúng tôi nghĩ thế, chúng tôi đã đến đúng lúc với "máy bơm" [464] của chúng tôi, và một bể nước đầy, chúng tôi có thể biến đám cháy khủng khiếp cuối cùng này thành một trận lụt khủng khiếp khác. Cuối cùng chúng tôi rút lui mà không làm trò trống gì, quay về với giấc ngủ và với Gondibert. Nhưng còn về Gondibert, tôi phản đối đoạn văn trong lời tựa rằng hóm hỉnh là thuốc súng của linh hồn - "nhưng phần lớn nhân loại xa lạ với sự hóm hỉnh, như người Anhđiêng xa lạ với thuốc súng vậy".
Đêm hôm sau, tình cờ tôi đi bộ ngang qua chỗ đám cháy, cũng vào khoảng giờ ấy, thì nghe thấy tiếng rên khe khẽ, tôi đến gần và phát hiện ra kẻ sống sót duy nhất của một gia đình mà tôi biết, thừa kế cả tính tốt và tật xấu của gia đình ấy, kẻ duy nhất quan tâm đến đám cháy này, nằm sấp nhìn xuống đống than còn cháy âm ỉ bên dưới bức tường hầm, miệng lẩm bẩm một mình, như hắn quen làm thế. Cả ngày hôm ấy hắn làm việc xa trên một bãi cỏ ven sông, và tranh thủ mấy phút rảnh đầu tiên để chạy về nhà thăm bố hắn và các con hắn. Hắn lần lượt ghé vào nhìn căn hầm từ mọi hướng, và mỗi lần nhìn hắn đều nằm xuống, như thể hắn nhớ ra ở đó có kho báu giấu giữa những hòn đá, nhưng thật sự nơi đó chẳng có gì ngoài một đống gạch và tro. Ngôi nhà đã biến mất, hắn nhìn những gì còn sót lại. Hắn nguôi đi với sự thông cảm mà sự có mặt của tôi đem lại, và chỉ cho tôi, trong mức độ bóng tối còn cho thấy, nơi cái giếng có mái che, mà ơn trời, không bao giờ bị cháy; rồi hắn mò mẫm trên thành giếng tìm cái cần lấy nước mà cha hắn đã cắt và đóng lên, sờ cái móc sắt hay cái kẹp để buộc vật nặng - lúc này hắn còn biết bám vào cái gì khác nữa? - để chứng minh với tôi rằng nó không phải là một đối trọng thông thường đâu. Tôi sờ nó, và hằng ngày trong những lần đi dạo tôi vẫn thường ngoái cổ nhìn cái giếng, vì nó là phần còn lại của cả một gia đình.
Xa hơn về bên trái, nơi có cái giếng và những bụi tử đinh hương bên thành, nay là cánh đồng không, nơi Nutting và Le Grosse từng sống. Nhưng họ đã quay về Lincoln.
Đi sâu hơn trong rừng, nơi con đường đến gần với đầm nhất, là nhà người thợ gốm Wyman, ông cung cấp cho dân thị xã những đồ đất nung, và để con cháu kế tục ông. Chẳng cần nói rằng ông ta giàu, họ giữ mảnh đất đó chỉ là bất đắc dĩ, và viên chức thu thuế thường xuyên đến mà không thu được gì, đành "gắn một mẩu gỗ" [465] chỉ để làm vì, như tôi đã đọc trong sổ kế toán của ông ta, vì chẳng có gì lấy được trong nhà ông ta. Một ngày giữa mùa hạ, khi tôi đang cuốc đất, một người chở đồ gốm ra chợ dừng ngựa bên cánh đồng của tôi và hỏi thăm người con trai ông Wyman. Ông ta từ lâu đã mua một chiếc bàn xoay của ông thợ gốm, và muốn biết ông ấy nay ra sao. Tôi đã đọc về đất sét và chiếc bàn xoay của người thợ gốm trong Kinh Thánh [466], nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng những cái bình mà chúng tôi dùng vẫn còn nguyên không vỡ từ bấy đến giờ, hay chúng mọc trên cây nhừ những quả bầu, và tôi vui khi nghe nói trong khu vực mà tôi sống từng có người làm cái nghề gốm tinh diệu ấy.
Người cư ngụ cuối cùng của những khu rừng này trước tôi là một người Ai Len, Hugh Quoil (nếu tôi phát âm tên ông nghe khá "cuộn" [467]) ông này tiếp quản khu đất của nhà Wyman. Đại tá Coil, người ta gọi ông thế. Có người đồn rằng ông đã từng là lính ở Waterloo. Nếu ông còn sống tôi sẽ xin ông đánh lại trận đánh của ông lần nữa [468]. Nghề nghiệp của ông ở đây là thợ đào hào. Napoleon đến Đảo St Helena; Quoil thì đến Rừng Walden. Tất cả những gì tôi biết về ông là bi thảm. Ông là một người lịch thiệp, có vẻ trải đời, và biết cách nói năng lịch sự dù người ta không đủ lịch sự như thế để nghe ông. Ngay giữa mùa hè ông vẫn mặc một chiếc áo khoác dày, vì bị chứng sảng-run (trembling delirium), mặt ông đỏ rực. Ông chết trên đường ngay dưới chân đồi Brister, ít lâu sau ngày tôi đến khu rừng này, nên tôi không nhớ đến ông như một người hàng xóm. Trước khi nhà ông bị dỡ, khi bạn bè ông tránh nó như tránh "một thành trì bất hạnh", tôi đã đến thăm nó. Quần áo cũ của ông cuộn tròn lại sau khi mặc, trông giống như chính ông nằm trên chiếc phản kê cao. Chiếc tẩu sứt của ông nằm trên lò sưởi, một chiếc bát vỡ dưới lạch nước. Cái này không phải là biểu tượng cho cái chết của ông, vì ông đã thú nhận với tôi rằng, mặc dù ông đã nghe Dòng Suối của Brister, ông chưa bao giờ thấy nó, và những quân bài nhem nhuốc, những con K rô, pích, cơ, nằm rải rác trên nền nhà. Ở căn buồng bên cạnh vẫn còn một con gà con đen đậu trên giàn, đen như đêm, mà chính quyền không thể đăng kí vào tài sản; đứng lặng thinh, đợi cáo Reynard [469]. Phía sau có đường viền mờ mờ của một mảnh vườn, cây được trồng nhưng chưa bao giờ nhận được một nhát cuốc vun xới, vì những trận run khủng khiếp của chủ nhân, mặc dù bây giờ đã là mùa thu hoạch. Những cây ngải đắng và cây gai [470] mọc tràn ra, dính vào quần áo tôi. Da chuột chũi còn tươi căng treo sau nhà, một chiến tích của trận Waterloo [471] cuối cùng của ông ta; nhưng ông không cần thêm một chiếc mũ ấm hay đôi găng tay hở ngón nào nữa.
Bây giờ chỉ những vết rạch sâu trên đất và những viên đá chôn trong hầm rượu là còn ghi lại dấu vết vị trí những nơi từng có người ở; và dâu tây, đũm hương, những bụi cây phỉ và cây sơn mọc rải rảc trên bãi cỏ nắng, một số cây thông nhựa những cây sồi xương xẩu chiếm chỗ trước đây là góc yên tĩnh của ống khói; một cây dương đen tỏa mùi thơm ngọt đung đưa ở nơi trước đây có lẽ là ngưỡng cửa bằng đá. Đôi khi có thể trông thấy vết tích một cái giếng, nơi trước đây có một dòng nước rỉ ra, bây giờ chỗ đó là cỏ khô hoặc bị lấp kín bởi một tấm đá phẳng dưới lớp đất cỏ - cho mãi đến gần đây mới bị phát hiện, khi người cư ngụ cuối cùng đã chết. Việc che lấp đi một cái giếng chắc chắn phải là một hành động buồn bã. Trùng hợp với việc mở những giếng nước mắt. Những vết tích của tầng hầm này, giống những hang cáo bỏ hoang, những cái hốc cũ, tất cả còn lại ở nơi đã có thời rộn ràng hối hả cuộc sống con người, và chắc chắn "số phận, tự do ý chí, tiên đoán chân lí" [472] đã lần lượt được luận bàn dưới hình thức và ngôn ngữ này hay khác. Nhưng những gì tôi học được từ những kết luận của chúng tựu trung chỉ là thế này: "Cato và Brister đã đánh lừa", nó cũng có tác dụng khai trí như lịch sử của những trường phái triết học nổi tiếng hơn.
Sau khi cả cánh cửa lẫn ngưỡng cửa đều đã biến mất, thì các thế hệ tử đinh hương lưu niên vẫn còn lớn lên và mỗi mùa xuân lại nở ra những bông hoa ngát hương, bị các du khách mơ màng nhổ lên; trước kia chúng từng được những bàn tay trẻ em trồng và chăm sóc trong những bồn hoa sân trước, nay đứng trong những đồng cỏ hoang vu, nhường chỗ cho những cánh rừng mới bật lên, những di tích cuối cùng còn sót lại của gia đình ấy. Lũ trẻ con đen đúa ít nghĩ rằng cái cành ghép nhỏ xíu với hai mắt của nó, mà chúng giâm xuống đất trong bóng rợp của ngôi nhà và tưới nước hằng ngày, lại có thể tự mọc rễ như thế, và sống lâu hơn chung, lâu hơn cả bản thân ngôi nhà ở đằng sau che bóng cho nó, lâu hơn cả vườn cây quả của người lớn, và khi chúng đã lớn lên và chết đi, lại có thể uể oải kể câu chuyện của chúng cho người lang thang cô độc nửa thế kỉ sau đến đây - nở hoa đẹp, tỏa hương thơm như mùa xuân đâu tiên ấy. Tôi ghi nhận cái dịu dàng, tao nhã, vui tươi và những màu sắc tử đinh hương của nó.
Nhưng cái làng nhỏ này, có thể là mầm sinh ra một cái gì khác nữa, tại sao nó phải biến đi khi Concord vẫn còn nguyên vẹn? Nó không có chút thuận lợi nào sao, thật vậy, không có những nguồn nước tốt sao? Thôi được, thế còn cái đầm sâu Walden và dòng suối mát Brister thì sao? Đàn ông ở đây không biết tận hưởng cái đặc ân uống một hơi dài thứ nước trong lành ở đó, mà chỉ biết dùng nó pha loãng cốc rượu của họ hay sao? Nói chung họ là một loài chết khát. Tại sao ở đây nghề đan giỏ, làn, và đan chiếu, rang ngô, quay tơ, làm đồ gốm không phát đạt, những nghề thủ công có thể biến hoang mạc thành vườn hồng, và để đất của ông cha cho nhiều thế hệ con cháu thừa hưởng? Sự cằn cỗi của đất ở đây ít ra cũng tố cáo tình trạng suy thoái về sử dụng đất. Trời ơi. Trí nhớ của những cư dân ở đây ít chăm lo biết bao đến vẻ đẹp của phong cảnh! Thêm nữa, có lẽ Thiên nhiên sẽ thử thách tôi, người định cư đầu tiên, và căn nhà tôi mới cất lên mùa xuân vừa rồi, là căn nhà đầu tiên trong xóm này.
Tôi không biết trước tôi có ai từng dựng nhà trên mảnh đất mà tôi chiếm hôm nay không. Ném mình ra khỏi một thành phố, xây dựng trên địa bàn một đô thị cổ hơn, mà toàn bộ vật liệu của nó đã sụp đổ, vườn của nó đã thành nghĩa địa. Ở đó đất bạc màu và khô kiệt, và trước khi trở nên cần thiết thì bản thân đất đã bị hủy hoại. Với những hồi tưởng ấy tôi vào rừng ở và dỗ mình vào giấc ngủ.
Vào mùa này tôi ít khi có khách thăm. Khi tuyết phủ dày hơn không có khách bộ hành nào dám liều mạng bén mảng đến gần nhà tôi ở liền trong một hay hai tuần, nhưng ở đó tôi sống ấm cúng như một con chuột đồng, hay như lợn bò gà chó mà người ta kể bị vùi dưới đống đổ nát, không thức ăn vẫn sống sót; hoặc giống như một gia đình di cư đầu tiên ở thị trấn Sutton, trong bang này, căn lều của họ bị bao phủ hoàn toàn bởi trận bão tuyết lớn năm 1717 trong khi ông chủ đi vắng, và một người Anhđiêng phát hiện ra nó chỉ nhờ một cái lỗ mà hơi thoát ra từ ống khói làm thành trong đống tuyết; nhờ thế mà cứu được gia đình. Nhưng không có người Anhđiêng thân thiện nào quan tâm đến tôi; tôi cũng không cần anh ta, vì người chủ nhà đang ở nhà. Trận Bão Tuyết Lớn! Nghe mới vui làm sao. Khi đó những người nông dân không thể vào rừng và đến đầm lầy với những cỗ xe của họ, và buộc phải chặt những cây có tán trước nhà; và lớp băng cứng hơn phạt ngang cây cối trong các đầm lầy mười foot tính từ mặt đất, như mùa xuân năm sau người ta thấy.
Dưới lớp tuyết sâu nhất, con đường tôi đi từ đường cái vào đến nhà tôi, dài khoảng nửa dặm, có thể được biểu hiện bằng một đường chấm chấm uốn khúc, với khoảng cách rộng giữa các chấm. Trong một tuần thời tiết thuận lợi tôi bước chính xác cùng một số bước, mỗi bước cùng một độ dài, đến và đi, bước thong thả và với độ chính xác của một chiếc compa giẫm vào những vết bước chân sâu của chính tôi - theo chuỗi động tác tối giản mà mùa đông bắt chúng ta theo - tuy vậy chúng thường được lấp đầy bằng màu xanh của trời. Nhưng thời tiết không thể can thiệp quá sâu vào những cuộc đi dạo của tôi, hay đúng hơn những cuộc dã ngoại của tôi, vì tôi thường lặn lội tám hoặc mười dặm qua tuyết sâu nhất để giữ cuộc hẹn với một cây sồi hay cây hoàng dương, hoặc một cây quen thuộc trong số những cây thông; băng và tuyết làm cho cành của chúng tríu xuống, và khiến ngọn của chúng càng nhọn hơn, biến những cây thông thành những cây linh sam, khi tôi leo lên tận đỉnh những quả đồi cao nhất khi tuyết sâu gần hai foot, chúng lắc cho tuyết rơi lên đầu tôi như một trận bão tuyết trong từng bước đi, hoặc đôi khi tôi loạng choạng bò bằng cả hai chân hai tay tới đó, khi những người thợ săn đã đi vào khu nghỉ đông của họ. Một buổi trưa tôi thích thú nhìn một con cú barred [473] (Strix nebulosa) đậu trên một trong những cành thấp đã chết của một cây thông trắng, gần thân, trong ánh sáng ban ngày rõ ràng, tôi đứng cách nó khoảng năm mét. Nó có thể nghe thấy tôi khi tôi bước đi làm tuyết lạo xạo dưới chân, nhưng không thể nhìn rõ tôi. Khi tôi gây tiếng ồn cực lớn nó vươn cổ ra và dựng đứng lông ở cổ, mở to mắt, nhưng mí mắt nó cụp lại ngay, và nó bắt đầu gật gù. Tôi cũng thấy một cảm giác mơ màng sau khi nhìn nó nửa giờ, khi nó ngồi như vậy với hai mắt mở hé, như một con mèo, một người anh em có cánh của mèo. Chỉ có một khe hẹp nằm giữa hai mi, qua đó nó giữ một liên lạc với tôi, cứ thế, với mắt nhắm hờ, từ một cõi mơ màng nó nhìn ra, và cố gắng để nhận ra tôi, một đối tượng mơ hồ hay xa xôi đang làm gián đoạn tầm nhìn của nó. Cuối cùng, do một tiếng động lớn hay do tôi đến gần, nó khó khăn và chậm chạp quay cái mỏ của nó, như thể bực bội nóng nảy vì những giấc mơ của nó bị quấy rầy; và khi nó phóng mình xuống bay qua giữa những cây thông, dang đôi cánh ra đến một chiều rộng không ngờ, tôi không nghe thấy tiếng động nào dù nhỏ nhất. Nó được dẫn hướng bởi một cảm giác tinh tế về vùng lân cận hơn là bởi nhìn, với đôi cánh nhạy cảm nó nhận biết con đường nhập nhoạng của nó, và tìm được một cành mới để đậu, nơi nó có thể yên ổn chờ buổi rạng đông của ngày mới.
Khi đi bộ trên con đường đắp cao cho đường sắt xuyên qua đồng cỏ, tôi gặp nhiều trận gió rét buốt thổi ào ào, vì không có chỗ nào nó tự do hơn ở đây, và khi sương giá quất vào một bên má tôi, dù là người ngoại đạo, tôi cũng giơ má kia ra [474]. Con đường xe chạy từ Đồi Brister cũng không khá hơn. Vì tôi ra thành phố một cách lặng lẽ, như một người Anhđiêng thân thiện, khi toàn bộ tuyết của cánh đồng rộng chất đống lên con đường Walden, và nửa giờ là đủ xóa hết vết chân của người khách bộ cuối cùng. Và khi tôi trở về những đống tuyết mới đã thành hình, tôi phải loạng choạng bước qua, nơi trận gió tây bắc dồn dập đã làm đọng xuống một lớp tuyết mịn như bột quanh một chỗ ngoặt trên đường, và không có dấu chân thỏ hay vết chân mờ nhạt nhất của con chuột đồng nào. Tuy nhiên tôi hiếm khi bỏ lỡ không nhận ra một đầm lầy ấm áp có những mô đất đàn hồi, nơi cỏ thường và cỏ đầm lầy [475] xanh tốt quanh năm và có một giống chim dày dạn đợi xuân về.
Đôi khi bất chấp tuyết rơi có buổi tối khi trở về sau cuộc đi dạo tôi bước qua những vết chân lún sâu của một người thợ từng từ nhà tôi ra, và thấy đống vỏ bào của ông ta trên lò sưởi, và nhà tôi sặc mùi từ cái tẩu của ông. Hay vào một buổi chiều thứ Bảy, nếu tình cờ ở nhà, tôi sẽ nghe tiếng tuyết lạo xạo dưới bước chân của một ông nông dân lanh lợi, từ xa bên kia rừng tìm đến nhà tôi, để có một cuộc "chạm cốc" thân thiện, một trong những thiên hướng của ông ta, "những người chủ trại" [476], người mặc áo khoác thầy tu chứ không mặc áo thụng giáo sư, và sẵn sàng viện dẫn đạo lí từ nhà thờ hay nhà nước như sẵn sàng chở một xe phân từ nhà kho của mình. Chúng tôi trò chuyện về những thời còn sơ khai và đơn giản, khi mọi người ngồi bên một đống lửa lớn trong cái lạnh khỏe người, và khi món tráng miệng thiếu, chúng tôi thử răng mình bằng những loại quả hạch mà những con sóc khôn ngoan từ lâu đã bỏ, vì chúng có những cái vỏ dày nhất thường là rỗng bên trong.
Người từ nơi xa nhất đến túp lều của tôi, qua tuyết sâu nhất và bão tố tối tăm nhất, là một nhà thơ. Một nông dân, một thợ săn, một người lính, một nhà báo, thậm chí một triết gia, có thể nản chí, nhưng không gì có thể ngăn cản một nhà thơ, khi anh ta bị tình yêu thuần túy lôi cuốn. Ai có thể đoán trước anh ta đến và đi? Công việc của anh gọi anh đi bất cứ giờ nào, khi ngay cả bác sĩ cũng còn ngủ. Chúng tôi làm cho căn nhà nhỏ vang lên tiếng cười đùa dữ dội và âm vang tiếng rì rầm của cuộc nói chuyện điềm tĩnh, bù lại cho thung lũng Walden đã lâu rồi yên lặng. So với nó Broadway còn lặng lẽ hiu quạnh chán. Những tràng cười bung ra sau những quãng cách đều đặn, khi nhắc đến một câu vừa thốt ra hay một câu pha trò đùa sắp đến. Chúng tôi làm ra vô số lí thuyết "mới toanh" về cuộc sống trên một đĩa cháo loãng, kết hợp những ưu thế của yến tiệc với sự nhạy cảm mà triết học đòi hỏi.
Tôi không thể quên được trong mùa đông cuối cùng của tôi ở đầm có một vị khách [477] khác đáng mong đợi, ông là người đã một lần đến làng, lặn lội qua tuyết, mưa và đêm tối đến khi ông nhìn thấy ánh đèn nhà tôi qua những hàng cây, và chia sẻ với tôi những buổi tối mùa đông. Một trong những triết gia cuối cùng - Connecticut đã tặng ông cho thế giới - ông bán rong hàng hóa của nó, sau đó, như ông tuyên bố, bán đến những bộ óc của ông. Những bộ óc ấy bây giờ ông vẫn rao bán, nhắc Thượng Đế và làm con người hổ thẹn, chỉ để những suy tư trong óc ông kết trái, như nhân trong quả hạch. Tôi nghĩ ông phải là người tin cậy nhất trong những người còn sống. Lời lẽ và thái độ của ông luôn gợi lên một trạng thái tốt hơn những trạng thái mà người khác đã quen, và ông sẽ là người cuối cùng thất vọng khi các thời đại xoay vần. Ông không có dự án nào trong hiện tại. Nhưng mặc dù hiện thời ông khá bị coi thường, khi thời của ông đến, các quy luật mà đa số người nghi ngờ sẽ có hiệu lực, và những ông chủ gia đình và những nhà cầm quyền sẽ tìm đến ông xin lời khuyên.
"Không nhìn thấy cảnh yên bình thì thật là mù” [478].
Một người bạn chân chính của con người, gần như người bạn duy nhất của tiến bộ. Một Lão tử vong [479], nói đúng ra là một người Bất tử, với lòng kiên nhẫn không mệt mỏi và niềm tin làm cho hình ảnh Chúa khắc trên thân thể những con người trở nên rõ nét, vị Chúa mà con người chỉ là những ảnh tượng mờ nhạt xấu xí. Với một trí tuệ dễ mến, ông bao quát trẻ em, ăn mày, người điên, và các học giả, và xem xét tư tưởng của tất cả, bổ sung vào đó sự phóng khoáng và thanh lịch của mình. Tôi nghĩ ông ấy nên giữ một dãy quán trọ cho lữ khách nghỉ qua đêm trên con đường cái của thế giới, nơi các triết gia của mọi dân tộc có thể đến trọ, và trên biển hiệu của ông có thể ghi: "Nơi Tiêu khiển cho người, nhưng không dành cho con thú của hắn [480]. Vào đây những ai đang đi tìm con đường đúng đắn sẽ có thì giờ nhàn nhã và tâm trí tĩnh lặng". Có lẽ ông là người có đầu óc lành mạnh nhất và có ít ý ngông nhất mà tôi đã có dịp gặp, cả hôm qua và mai sau. Chúng tôi đã đi thong dong nói chuyện về quá khứ, và đã thật sự bỏ thế giới lại sau lưng chúng tôi, vì ông không thừa nhận một định chế nào trong đó hết, ông là người tự do bẩm sinh, bản địa ingenuus. Dù chúng tôi rẽ đi ngả nào thì dường như trời và đất vẫn gặp nhau, vì ông đề cao vẻ Đẹp của phong cảnh. Một người áo choàng xanh, người mà mái nhà thích hợp nhất trên đầu là vòm trời phản ánh sự trong sáng của ông. Tôi không thể hình dung làm sao ông có thể chết, vì Thiên nhiên không thể nào bỏ phí không dùng đến ông.
Mỗi người vốn đã có mấy nong ý nghĩ phơi khô, chúng tôi ngồi thử dùng dao chuốt chúng, và say sưa ngắm màu vàng nhạt của thớ gỗ thông. Chúng tôi lội hoặc kéo lưới thật êm để cho những con cá tư duy không bị kinh động vì dòng nước, cũng không sợ bất là người câu cá nào trên bờ, mà đến và đi đàng hoàng như những đám mây óng ánh màu xà cừ hiện ra rồi lại tan đi. Ở đó chúng tôi làm việc, xem xét lại các huyền thuyết, gọt giũa các ngụ ngôn đó đây, và xây những lâu đài trong không khí vì trên mặt Đất không có cái nền nào xứng đáng với nó. Ông thật biết Nhìn! Ông thật biết Chờ đợi! Trò chuyện với ông chẳng khác nào nghe kể Nghìn Lẻ Một Đêm New England.
Một cuộc thảo luận như thế giữa ba chúng tôi: ẩn sĩ, triết gia và người định cư cũ mà tôi đã nói đến, nở bung ra và làm chật căng ngôi nhà nhỏ bé của tôi; không biết áp suất dư đến bao nhiêu kilôgam trên centimet vuông, nó làm hở ra những đường ghép nối của ngôi nhà, khiến chúng tôi phải dùng bao nhiêu là buồn chán trám đi để ngăn chặn rò rỉ - nhưng tôi có dự trữ đủ loại xơ thừng đã được xé tơi ra để trám.
Còn có một người khác [481] mà tôi có nhiều cuộc gặp gỡ đáng nhớ tại nhà ông trong làng và thỉnh thoảng ông lại đến thăm tôi, và đó là toàn bộ giao du của tôi.
Ở đó, cũng như ở bất cứ đâu, đôi khi tôi chờ đợi một Vị khách không bao giờ đến. Kinh Vishnu Purana [482] nói, "Người chủ nhà chiều chiều ở lại trong sân nhà hắn khoảng thời gian cần để vắt sữa một con bò, hoặc lâu hơn nếu hắn muốn, để chờ một vị khách đến". Tôi thường thực hiện bổn phận hiếu khách ấy, đợi khoảng thời gian cần để vắt sữa cả một đàn bò, nhưng vẫn không thấy người ấy từ thành phố đến. [483]