The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 141 / 13
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
uối cùng thì con diều cánh ná của Cường chỉ còn là một chấm trắng, đứng im, tít mít trên thiên đỉnh vòm trời chiều. Sợi dây gai níu nó buộc vào hòn gạch ở trên sân thượng nhà ông Nhự. Vòm trời chiều mùa hạ xanh nôn nao. Diều cánh én. Diều cánh cốc. Diều vuông. Diều mặt trăng. Trong bao la, chỗ nào cũng thấy lấm chấm những cánh diều chấp chới...
Diều của Cường lên cao nhất. Cánh diều cong vênh ăn gió, thỉnh thoảng đảo khẽ, nháy một cái, Cường mồi cho nó vài cái giật, nó lại no gió, đứng im một chấm lặng giữa mênh mông.
Nhìn diều, Cường thấy như chính tâm hồn mình đang cất cánh lên cao xanh. Cường có cảm tưởng, từ trên cao xanh trong lành đó, nhìn xuống, Cường thấy những vùng cây xanh đang ran ran tiếng ve kêu ra rả. Thấy mùa hạ chói chang cho đến tận chiều tà. Thấy những gù hoa phượng đỏ nung nấu. Và những vòm cây bằng lăng nước buồn tẻ ngày nào ở phố Hàng Mành, giờ bỗng tung lên những vầng hoa tím nhạt, khiến cái phố nhỏ trở nên diêm dúa khác thường. Mùa hạ làm đẹp cho phố phường.
Cường chỉ chơi diều một lát cho đỡ nhớ chút tuổi thiếu niên còn vương lại chút ít thôi. Còn bây giờ toàn bộ đam mê của Cường là dành cho xe đạp xe máy, và gần đây là tấp tểnh bước vào môn bốc, theo chân anh Nhân rồi.
Ngồi trên sân thượng, nối hồn với cánh diều chiều nay là Nhân và Tùng. Hai người đang học thi. Tùng mấy hôm nay lên nhà Nhân cùng bạn ôn bài.
— Cường nó đi đâu?
— Cái thằng tính nết nó khác hẳn bọn mình.
— Nó trẻ hơn, linh hoạt hơn và có vẻ mạnh mẽ hơn.
— Tớ chỉ sợ nó ít tư duy hơn?
— Không! Nó suy nghĩ sâu sắc chẳng kém bọn mình đâu!
Tùng ngước lên, mắt vời vợi, đắm đuối tìm chấm diều:
— Nhân ạ, mấy hôm nay mình thấy lòng dạ thế nào ấy, bồn chồn, rạo rực quá! Không phải là từ trước đến nay bọn mình ít nghĩ ngợi, sống hoàn toàn vô tư đâu. Nhưng, quả thật là ít lâu nay, không đêm nào mình ngủ yên được. Mình phấp phỏng, bồi hồi ghê quá. Sắp hết cái thời đèo xe đạp nhau, lê dép đứt quai trên vỉa hè rồi. Một thời điểm hệ trọng đã đến với chúng mình rồi, có phải không, Nhân?
Mắt Nhân theo cái nhìn của Tùng, soi lên cánh diều thăm thẳm trên cao. Cánh diều, trò chơi của tuổi thiếu niên mà gợi mở những suy tưởng lớn lao. Vậy là mùa thi kết thúc những năm học phổ thông đã đến, đồng nghĩa với sự kết thúc của tuổi học trò! Chào nhé! Giã biệt nhé! Giã biệt tuổi trẻ cắp sách đến trường. Nhưng, sẽ chào đón một tuổi trẻ và một đoạn đời mới nào ở phía trước đây! Ôi! Phấp phỏng làm sao lần đầu tiên bước lên võ đài cuộc đời này!
Có tiếng xe máy nổ vang trong ngõ. Cả hai rời mắt khỏi cánh diều, nhìn xuống, nhận ra Cường đang dắt chiếc véspa đi vào.
— Anh Nhân, anh Tùng, - Cường leo lên sân thượng, mặt hăm hở, nhưng cố giữ vẻ thản nhiên - các anh ngồi hóng mát à?
Nhân nhìn em:
— Cậu mượn xe của ai thế?
— Của thằng Tấng, em thằng Tấc.
— Chơi với nó à?
— Tương kế tựu kế chứ, anh!
— Vừa đi đâu về đấy?
— Em lên nhà thầy Thiệu. Thầy đi chấm thi ở Hải Phòng. Nhà chỉ có chị Thúy. Chị Thúy tự dưng bảo em: cậu và anh Nhân sắp đến ở đây rồi, vui ghê.
— Vớ vẩn... - Nhân làu bàu - Thôi, xuống đi cho chúng tao học.
Miệng Tùng thoảng một ánh cười buồn buồn.
o O o
Cộp cộp cộp... Đế giầy của giám thị Cẩn thỏa sức ra oai. Mặt ông, oai vệ đã quá thừa rồi. Cái đầu húi bốc như đầu võ sĩ, rắn, gồ ghề những cục, những u. Hai mắt ông thô lố như hai mắt sư tử giấy. Giọng ông càng oai nghiêm:
— Các anh phải nhớ rằng đây là kỳ thi hệ trọng của quốc gia. Trượt, đỗ, quan hệ đến vận mệnh cuộc đời. Đỗ, cả một triển vọng tươi sáng ở trước mắt các anh.
— Thưa thầy...
— Không có hỏi. Hôm nay là kỳ thi.
Cộp cộp cộp... Đế giầy của ông giám thị y như tính ông. Thầy Thiệu phải đổi đi chấm thi nơi khác, thầy đi giầy đế kếp, êm nhẹ, không gây một tiếng động nhỏ.
Ông giáo Tiết thì lê dép da lẹp kẹp, y như cái miệng lắm lời lèm bèm của ông.
Đôi giầy đế có cá sắt của ông giám thị quả là làm khiếp vía lũ học trò bướng bỉnh. Tất cả ba mươi đứa ở buồng thi số 4, từ vần N đến vần Y im thin thít. Cái phong bì gắn xi như mảnh nam châm hút hồn các cậu. Thầy giám thị tủm tỉm đắc ý vì bọn học trò đã biết sợ, cầm cái kéo, cắt cạnh phong bì. Cắt rất đúng cách, vẫn để dính một tí giấy, nên cái thẻo rìa phong bì rũ xuống chứ không rời ra. Rồi thầy thò tay vào lòng phong bì. Vận mệnh các chú mày ở trong này đây. Thầy nghĩ vậy, kéo mảnh giấy gấp tư ra, liếc mắt rồi cười tủm: hà! Vừa dễ vừa hắc búa đây!
Thầy xướng cái đề thi một lần, giọng như đọc văn tế. Học trò vẫn kháo nhau rằng: thầy học trường sư phạm cùng thầy Thiệu, nhưng dốt quá, lại ham đá bóng nên không đỗ. Có đứa lại còn bảo: hồi xưa thầy là anh cu mõ ở làng Thượng Đình. Anh cu mõ vớ được con gái phú ông nên mới được ăn, được học.
Có lẽ đúng thế nên giọng thầy đọc cái đề thi Quốc văn vừa oang oang vừa hết sức phớn phở:
— “Nhiệm vụ của người thanh niên học sinh Hà Nội trong lúc này?”.
Thầy đọc lần thứ hai, mắt liếc nhìn đám thí sinh để dò phản ứng của chúng. Tuy là kỳ thi hệ trọng nhưng thầy vẫn cứ thích được biết thái độ của chúng ngay tắp lự. Thì lập tức ở cuối phòng có tiếng một đứa:
— Nhiệm vụ là ắc ê ạ. Là đi lính quốc gia ạ!
Thầy toét miệng:
— Anh nào nói trúng ý câu hỏi đó!
Cả buồng thi rầm lên một tiếng cười. Bấy giờ thầy giám thị mới thấy mình ngu. Thầy vội cộp cộp cộp... Xi-lăng-xơ! Im lặng! Trật tự! Dờ hồn!
Buồng thi im phăng phắc.
Tấc ngồi cạnh Tùng. Nó đã để ria mép. Cái mũ bê rê nghiêng lệch chỉ che có nửa đầu. Nó liếc sang Tùng. Cái liếc thần tình của nghề chỉ điểm đã khiến nó biết ngay là Tùng đang rất băn khoăn.
Ôi chao! Có gì mà phải băn khoăn. Luận đề tưởng hỏi về cái ngông của Cao Bá Quát, cái nhàn của Nguyễn Công Trứ, hay cái cười cợt nghịch ngợm ngoa ngoắt của nữ sĩ họ hồ thì nó mới sợ, chứ cái đề thi này thì dễ ợt. Không cần nháp, chỉ một mạch là xong. Cứ là thẳng tắp như con đường Gămbétta, Tràng Thi, Tràng Tiền. Quốc gia hữu sự, trai phải ra trận. Có bằng đíplôm thì đi học sĩ quan tại trường võ bị Đà Lạt. Thế thôi. Còn nó, nó chẳng cần đi đâu sất. Xa Hà Nội, nhớ phở, nhớ cà phê, nhớ mái tóc huyền, tà áo dài, cặp mắt nhung các em lắm. Nó ở đây thôi, nhưng nó sẽ làm việc hữu ích. Tây culít Đờ Gátxơ, trưởng đồn đảm bảo tư cách trung thành với nhà nước đại Pháp cho nó trước Sở mật thám. Lại còn thằng anh nó nữa.
Nó cúi xuống viết lia lịa. Được hơn một trang, nó dừng bút, vẩy tay, nghển lên phía trước! Nhân đang cắm cúi viết. A! Cái thằng võ sĩ này xem ra viết cũng có vẻ trơn tru nhỉ?
— Thôi ngay! Có muốn tao thưa giám thị không?
Nhân gầm ghì. Nó vội thu mình lại.
Tùng vẫn cắn bút. Hai vệt lông mày chúi vào nhau như đang hội ý với nhau. Cuộc hội ý đã xong. Mỗi đứa lại về vị trí cũ, thật thảnh thơi. Và Tùng đã cúi xuống. Mực Oáttécman xanh đen hằn từng nét mạnh mẽ, uyển chuyển trên trang giấy.
Con mắt chỉ điểm của thằng Tấc liếc sang Tùng. Toàn bộ những dòng mở đầu một bài văn chính luận sôi nổi của Tùng đã lọt vào con mắt cú vọ của nó
“Trai Hà Nội, trai nước Việt. Trai nước Việt như lửa, như hoa, như trà, như vẽ. Hiện tình đất nước là một cuộc phân cực. Một cực là anh hùng dũng sĩ, là toàn thể dân tộc mang anh khí của giống nòi Lạc Việt, con cháu của cụ Hồ Chí Minh, một cực là lũ đế quốc sài lang, bọn bán nước tay sai hôi tanh bẩn thỉu...”
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài