Nguyên tác: Vietnam, Qu'as Tu Fait De Tes Fils?
Số lần đọc/download: 2779 / 70
Cập nhật: 2015-09-20 20:43:07 +0700
Chương 9: Chiến Trận Đẫm Máu
N
gày Thứ Sáu, 11 tháng Tư
Lần nầy thì sắt thép đụng nhau rồi! Đụng rất nặng ở Xuân Lộc.
Câu chuyện bắt đầu từ đêm thứ tư đến ngày thứ năm 10/4 bằng một cuộc pháo kích dọn đường rất dữ dội: 2000 quả đạn pháo và hỏa tiễn đã được rót xuống thành phố. Vào lúc hừng sáng, 2000 đặc công cộng sản có chuến xa T.54 yểm trợ đã mở cuộc xung phong vào Xuân Lộc. Đến 8 giờ, coi như họ đã chiếm được ba phần tư thị trấn, trong khi có 2 trung đoàn đang đánh bọc vào 2 bên sườn.
Suốt cả ngày hôm qua, chiến trận đã hoành hành khốc liệt. Nhưng chúng tôi chỉ được biết vào hồi 7 giờ sáng sau giờ chấm dứt thiết quân luật. Vừa biết được hai bên đã đụng nhau ác liệt, tôi đi ngay lên Biên Hòa, đến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, Quân Đoàn lo cả phòng thủ cho Sai Gòn. Tại đây tôi đã gặp Trung tướng Toàn, một người lớn con vạm vỡ từng theo học ở trường Thiết Giáp Kỵ Binh Saumur ở Pháp. Ông có tính nóng nảy nhưng là một người thích ra trận, nhất là tấn công. Vào năm 1972, chính ông đã bẻ gãy tất cả các trận tấn công của cộng sản Bắc Việt vào Cao Nguyên. Ông vừa mới từ mặt trận trở về bằng trực thăng. Các sĩ quan tham mưu vây quanh ông để nhận lệnh. Ông nói với họ vài ba câu xong ra hiệu cho tôi và nói:!!!-" Rất vui mừng được gặp lại anh ở đây, anh Pierre. Nhưng chắc tôi không có thì giờ để lo cho anh đâu. Nếu anh muốn đi xem thì anh hãy lên Ngã ba Biên Hòa rồi từ đó nhảy lên một chiếc cam nhông nào đó để lên thẳng Trảng Bom. Nhưng hảy cẩn thận nghe. Nặng lắm rồi đó."
Tôi biết rất rõ vùng Xuân Lộc. Từ năm 1947 đến 1948 tôi đã đi hành quân trong tiểu khu nầy ròng rã cả năm với toán đặc công của tôi. Vào thời kỳ đó, Xuân Lộc chỉ là một thị trấn nhỏ với khoảng vài dãy phố chừng 50 căn nhà gạch liền vách nhau hai bên chợ có nóc, và trên trăm nhà lá. Ga xe lửa là trạm dừng chân của đoàn "tàu thiết giáp", một đơn vị "an ninh thiết lộ" của lê dương xâm mình, được trang bị loại đại bác Bofor và liên thanh nồi, nối liền Sai Gòn với miền Nam Trung Phần.. Dinh ông quận trưởng hành chánh người Pháp được tô điểm bằng một dàn hoa leo, nằm đối diện với trại "lính kỷ luật", một đơn vị tập trung các binh sĩ nhiều lần bị kỷ luật, mà chỉ có một cơ may trở về đội ngũ của mình bằng một huy chương tưởng thưởng trong tác chiến. Xa xa về phía trước là một bộ phận của Hiến Binh lưu động, và đơn vị thân binh người Thượng, tất cả đều trú đóng trong một thành có tường đá bao quanh. Lúc bấy giờ tiểu khu nầy cũng không yên lắm đâu. Đã có nhiều trận phục kích, tấn công đoàn tàu hỏa hay đoàn xe trên quốc lộ vì hai bên đường đều có rừng hay đồn điền cao su của hảng SIPH (đã trồng 20.000 mẫu và đang khai thác 12.000 mẫu), và cao nguyên Bình Lộc với cỏ voi lá bén như dao cạo, với tre to và rừng cây già.
Từ đó thị trấn nầy đã lớn lần ra. Hằng ngàn dân tỵ nạn rách như bươm, người thiên chúa giáo từ Miền Bắc đến định cư ở đây vào năm 1954. Chủ đồn điền ở đây đã cho các cha xứ 120 mẫu đất không lấy tiền để cất một ngôi thánh đường, một ngôi trường đạo và một nhà ở cho Linh mục do Sai Gòn bổ nhiệm. Quận cũ được cải biến thành quận lỵ của tỉnh, với một bệnh viện tối tân, và một dinh thự cho vị tỉnh trưởng, một nhà bưu điện, một trung tâm học vụ và một sân vận động. Dân tỵ nạn từ Miền Bắc vào đã xây nhiều ngôi nhà xinh xắn bằng gạch, nhiều căn nhà có dàn cho hoa leo, họ cũng đã mở ra hàng trăm tiệm buôn bán và xưởng mỹ nghệ. Một sư đoàn lính Mỹ đã đóng quân ở đây ba năm, đã xây cất một phi trường và nhiều doanh trại với đầy đủ tiện nghi. Xã đã biến thành thị trấn, và một thành phố trù phú đang sinh hoạt với 60.000 dân, nơi đây hằng ngày đều có hàng loạt "xe be" chở cây lóng và các xe rau cải đi về Sài Gòn.
Bây giờ thì chiến tranh làm vỡ tan hết tất cả dưới một cơn bảo thép. Tôi đã đến đây không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi đã thuộc hết hình ảnh của Xuân Lộc nầy, và những tiếng ồn ào ở đây, tiếng gầm của các khẩu pháo binh đang tác xạ làm rung chuyển mặt đất, tiếng rít khô khan và sắc bén của những viên đạn bắn đi với những chùm lửa, chùm sắt thép làm nát hết thân người và ném các mảnh xương thịt đó đây vung vãi....trên mặt đất.
Bây giờ là 9 giờ sáng rồi, trời cũng đã quá nóng, mặc dù có dồn điền cao su thường giữ được độ mát nhờ có bóng râm. Trước khi vào Trảng Bom, cảnh sát dã chiến có dựng lên một hàng rào chữ chi để kiểm soát mọi sự lưu thông, tiếng súng bắn chỉ thiên thay cho tiếng tu hít., tôi xuống xe, kiểm soát xong tôi tiếp tục tản bộ đi về phía trước khoảng 100 thước.
Thị trấn rất yên tĩnh và cần cù siêng năng nầy được thu hẹp chung quanh những cơ sở lớn sơn màu vàng được lợp ngói đỏ, thuộc công ty đồn điền SIPH, (nhà máy, văn phòng, trung tâm truyền thanh, nhà của giám đốc v.v..). Các anh thợ rèn và thợ mộc, cởi trần trùng trục đang tiếp tục làm việc trong mấy căn chái dựa hai bên đường. Tôi cố gắng tìm một đồn cũ của người Pháp hồi trước, nằm về bên phải của ngôi chợ. Vào năm 1948, đồn nầy được một đại đội binh sĩ dưới quyền của trung úy Suako, một lực sĩ người đảo Antilles, với bộ mặt cứng rắn đến hung dữ, một tay thiện chiến, đã từng làm chủ mảnh đất nầy trong vòng 30 cây số chung quanh, thiện chiến đến độ Việt Cộng phải sợ và đặt cho anh ta cái tên là "beo đen". Dĩ nhiên cái đồn nầy không còn nữa. trung úy Suako đã chết và trong 25 năm nay, cuộc chiến đã thay đổi hẳn bộ mặt của nó, nhưng nó vẫn còn ở đây. Dữ dội hơn và gây chết chóc nhiều hơn! Một pháo đội 105 ly đặt sau hàng cây đã bắn đi một tràng. Một chiếc xe Jeep vừa hụ còi vừa đi qua. Một sĩ quan đứng bên cạnh tài xế khoát tay. Đoàn xe tiếp tục lăn bánh, tôi lại lên xe và tiếp tục đi.
Quốc lộ đi qua nhiều làng mạc, có rào đóng kín và bên trong có nhà thờ. Hầu hết dân làng đều là dân "di cư", tỵ nạn từ Miền Bắc. Các cụ già thản nhiên im lặng ngồi nhìn binh sĩ đi ngang qua trước nhà. Các trẻ em thì cứ nô đùa, các bà thì đang đập lúa. Cả một dảy nhà gỗ là của người "Nùng", những người rạm nắng di cư vào đây từ miền Thượng Du Bắc Việt, giáp giới với Trung Quốc. Họ là những người nhai thuốc lá và cũng thích "sơi" thịt cầy, có truyền thống làm giặc hay cướp biển, không sợ Trời, không sợ quỷ thần, không sợ Việt Cộng, và cũng không sợ sen đầm nốt!
Tuyến phòng ngự thứ nhất nằm ở phía trước Trảng Bom chừng 10 cây số. Từ đó trở đi, thình lình không khí thay đổi hẳn. Hai bên đường vốn được khai quang sạch sẽ khoảng 100 thước bề sâu cốt để tránh bị phục kích, có nhiều chiến xa hạng nặng và thiết vận xa đang tuần tiễu dọc theo các bờ chuối trong bìa rừng. Chung quanh một công sự đổ nát, trên một chục khẩu pháo binh 105 ly đang tác xạ, làm tung bụi lên mù mịt. Giữa một khoảng trống có đánh dấu bằng khói màu, các trực thăng khổng lồ "chinook" đang thả xuống nhiều toán binh sĩ mặc quân phục Biệt động quân, đội mũ nâu, mang đầy mình đạn dược và lựu đạn.. Một đoàn chiến xa M41 với cờ đuôi nheo cột trên ăng ten, đang di chhuyển về hướng mặt trận.
Rồi lại đến lượt các binh sĩ thuộc binh chủng Nhảy Dù với quân phục xanh lá cây, mủ đỏ, súng tự động M.16 cầm tay. Chúng tôi gặp hai xe cam nhông chở thương binh, chỉ được băng bó sơ khởi, như những bóng ma, máu me bê bết, nằm la liệt chồng chất lẫn lộn lên nhau.
Chúng tôi đi được thêm 5 cây số nữa thì phải ngừng lại.Tiếng súng nghe như gần bên rồi. Những tiếng nổ ròn của đại liên nghe rất rõ cùng với tiếng tác xạ ầm ầm của pháo binh. Chiến xa dẫn đầu, sau đó là các xe Jeep và xe 4/4 chở Biệt động quân. Tôi nhảy xuống xe vá quyết định đi tới trước với toán binh sĩ nầy. Biệt động quân là các đơn vị tiếp viện, hành quân từng tiểu đoàn 600 người gồm phần đông là binh sĩ lớn tuổi, già kinh nghiệm chiến trận và không biết hốt hoảng. Tôi lên một xe 4/4, ngồi cạnh đại úy Niệm. Trong khi di chuyển ông kể cho tôi nghe một vài câu chuyện. Đại đội của ông từ Chơn Thành về, ở đó ông và đại đội đã chiến đấu suốt 16 ngày liền và chỉ về nghỉ xả hơi được có 48 tiếng đồng hồ là phải ra trận nữa đây.
Lực lượng cộng sản được tung vào mặt trận Xuân Lộc rất là quan trọng: 3 sư đoàn Bắc Việt được tăng cường 1 trung đoàn chiến xa T. 54 và được khoảng 30 khẩu pháo 130 ly và 152 ly viện trợ từ Liên Xô.
Đối diện với lực lượng tấn công của cộng sản, phía Chánh Phủ chỉ có sư đoàn 18 bộ binh của tướng Lê minh Đảo, 1 lữ đoàn Dù, 5 Liên đội Biệt động quân và lữ đoàn 3 Thiết giáp của tướng Trần quang Khôi.!!!- "Chúng tôi được lệnh phải đến Xuân Lộc bằng mọi giá", đại úy Niệm kết luận với tôi như thế. Và chắc không dễ dàng lắm đâu. Trước mặt chúng ta là sư đoàn 6 Bắc Việt. Chính sư đoàn nầy, cách đây 3 ngày, đã tấn công vào ngã ba Suzannah, các xã chung quanh đó, nhà máy và trung tâm đồn điền nầy,. Hai tiểu đoàn Dù đã phản công đêm nay và đã chiếm lại ngã ba nầy. Cộng sản Bắc Việt đã có chiến xa yểm trợ và tổn thất nghe đâu cũng nặng lắm. Nhưng lực lượng Dù vẫn bám đất. Chúng tôi chắc phải xuống xe và phải đi bộ chừng 10 cây số, vòng qua ngã
ba Suzannah mới tới Xuân Lộc được."
Đoàn xe chúng tôi đến gần Suzannah. Và chúng tôi lọt vô luôn giữa chiến trận. Những tràng đạn pháo binh, bách kích, hỏa tiễn chém nát mấy ngọn cây và mảnh đạn ghim xuống đường. Anh em Biệt động quân bỏ hết xe và tiến lên theo hướng thị trấn. Họ chia ra làm 3 toán, họ tiến lên từng đoạn ngắn, súng cầm tay. Bên trái và bên phải chúng tôi những hàng cây cao su đều đặn và thẳng tấp tạo nên những hành lang tranh tối tranh sáng. Suzannah là một đồn điền xưa nhất trong vùng, có khoảng 3.500 mẫu và 300.000 cây cao su. Đồn điền được chia ra thành từng lô 100 mẫu có đánh số...... Dửng dưng với chiến sự và mặc cho sự ồn ào của đạn súng, lén lén và yên lặng các phu đồn điền vẫn tiếp tục công việc cạo mủ của họ, dao đục mang ở lưng và thùng đựng mủ xách tay, họ không buồn nhìn lên khi chúng tôi đi ngang qua họ.
Chúng tôi tiến lên trong một khung trời mờ ảo, đi dưới một vòm lá xanh um rợp bóng nửa tối nửa sáng có nơi biến màu đất đỏ dưới chân thành màu xám tro. Chúng tôi đi sâu thêm một đoạn nữa dưới những tàng cây. Không khí thấy đã ẩm ướt làm tôi khó chịu. Tôi tự hỏi không biết lúc nào bọn Việt Cộng nằm đâu đó trong vườn cao su rộng mênh mông nầy sẽ khai hỏa đây? Nhưng vẫn chưa có gì xảy ra. Và chúng tôi tiếp tục tiến tới, hơn nửa giờ nữa. Và thình lình tiếng đại bác nghe như gần bên tai, đại liên thi nhau nhả đạn. Biệt động quân bắt đầu chạy tới, trăm thước, rồi hai trăm thước, một con đường mòn, một khoảng đất trống và đến con đường.
Chiến xa, xe vận tải.. cả một đoàn binh sĩ đang ở tư thế tác chiến. Họ thuộc sư đoàn 18 bộ binh của Miền Nam Việt Nam. Anh em Biệt động quân giải thích cho họ biết là chúng tôi từ đâu tới. Đoàn quân đi lại con đường đó nhưng lần nầy họ đi ngược lại, vì con đường đã trống trơn. Họ đang tìm cách bọc sau lưng bọn cộng sản Bắc Việt để liên lạc với đơn vị Dù.
Thành phố Xuân Lộc đầy khói và đầy những tiếng nổ. Tháp chuông nhà thờ bị nhiều quả đạn bắn bay hết một góc, nhà ga đang cháy. Các cột điện sập ngã đầy đường, giây điện bị đứt. Gần bên hông trường Nhà Dòng, hai khẩu pháo 105 ly đang bắn về hướng quốc lộ đi Phan Thiết. Khỏi chợ chừng 200 thước, súng liên thanh nổ từng tràng ngắn, xen lẫn vào lại có những tiếng nổ chát chúa của lựu đạn cầm tay. Thật khó mà có môt ý niệm về tình hình. Hai chiến xa M.48 có ống kính hồng ngoại tuyến bên hông pháo tháp đang tiến về phía chợ. Các binh sĩ Biệt động quân thì đang bố trí các ổ súng máy phía sau những đống gạch vụn của gần chục ngôi nhà đã sụp đổ bên phải của bưu điện. Họ cũng có một số súng phóng lựu M.79, một loại vũ khí tấn công nòng ngắn rất hữu hiệu trong thế cận chiến. Tôi ngồi phía sau một vách tường đã sụp đổ, và tôi sẽ ở đây suốt buổi trưa và tối nay.
Vào lúc 6 giờ chiều, một loạt hỏa tiễn rơi vào chợ. Năm, mười hay mười hai quả gì đó, nổ điếc cả tai.... và sau đó có tiếng la hét. Nhiều chị đàn bà và trẻ con rách rưới mình đầy máu vừa la vừa băng qua đường, chạy ùa về phía nhà dòng.
Ở về hướng Đông Bắc, chung quanh sân bay không còn nghi ngờ gì nữa, nghe có tiếng súng liên thanh nặng bắn liên hồi. Và đùng một cái pháo binh Bắc Việt nã ngay vào thành phố. Chúng tôi bị kẹp cứng trong vòng lửa đạn. Không thể đếm được là bao nhiêu quả. Cá nhân tôi chưa từng bị pháo kích nặng như vậy bao giờ. Các quả đạn pháo binh cày rất có hệ thống từng căn nhà một, căn nầy sập đến căn khác. Thành phố bị một cái bừa thép cày lên sới lại.. liên tục trong vòng 2 giờ đồng hồ. Không có môt bóng người nhúc nhích. Đêm đã bắt đầu xuống, trời nóng bức. Tôi không có gì để ăn, không có gì để uống, lại không có mũ sắt nữa! Thật là không ổn tý nào!
Vào lúc 10 giờ, hai trái bom sáng nổ trên không trung và vô số ngôi sao sáng rơi xuống màn đêm như một cơn mưa ánh sáng... Tiếp theo đó là đạn pháo binh lại tiếp tục rơi xống thành phố. Lần nầy là pháo 130 ly. Tôi nghe tiếng đạn đi trên đầu chúng tôi ầm ầm như tiếng tầu hỏa đang mở hết tốc độ, và ngay sau đó là những tiếng bùng nổ tiếng nầy tiếp tiếng kia liên tục.. Đất cát, rồi đá sỏi, rồi lửa rồi miểng đạn bắn đi tung tóe khắp nơi..Và nổi lo sợ làm bụng quặn đau....
Đến khoảng nửa đêm thì ngưng pháo kích. Người tôi ướt đẩm mồ hôi. Có một sự yên lặng hoàn toàn trong vài giây... và thình lình tiếng dế nổi lên gáy đều đều môt cách kỳ lạ và bất lịch sự, vì chúng là những con dế mèn nhỏ bé đâu cần biết đến chiến tranh hay giặc giã là gì, cứ gáy cứ hát lên một cách bền bỉ và ngạo nghể để mà sống... Con người tìm cách giết lẫn nhau, dế mèn có gì đâu mà phải lo sợ!
Vào khoảng 3 giờ sáng, bóng đêm lại bất thần sáng rực lên. Bách kích pháo, súng liên thanh, súng tự động thi nhau nỗ. Từng đợt một, bộ đội Bắc Việt mỡ những cuộc xung phong. Tiếng hô "Tiến lên" nghe vang dội. Bấy giờ binh sĩ Biệt động quân mới xử dụng vũ khí của họ. Súng liên thanh thi nhau quét những làn sóng xung phong của địch, hàng ngàn tia lửa như điện chớp xé nát màn đêm... các khẩu đại bác pháo binh bắn trực xạ, bẻ gãy các đợt xung kích, làm im tiếng xung phong của địch. Chung quanh ngôi chợ, các chiến xa T.54 đang dùng đại bác bắn sập từng ngôi nhà. Chiến xa M.48 của Miền Nam chạm súng với họ trong một cự ly thật ngắn. Cảnh tượng trông thật là khủng khiếp. Với thân hình nặng nề màu xám và các đại bác nòng dài cứ lóe sáng lên mỗi lần tác xạ, gợi lên một trận chiến quái dị giữa những con voi khổng lồ.. Thật hoàn toàn là một trận đụng độ với nhau. Một trận mưa trái sáng soi tất cả chu vi phòng ngự bằng một ánh sáng mờ nhạt. Hai phi cơ võ trang C.119, được trang bị liên thanh điện tử (6000 viên phút). nhảy vào vòng chiến, tác xạ nhanh đến độ tai mình không còn phân biệt được từng tiếng đạn đi, người ta cứ tưởng đó là tiếng của một miếng tôn thiếc bị xé toẹt ra...
Vào tảng sáng, các phóng pháo cơ A 37 lại đến dội bom và bắn hỏa tiễn vào phía sau ngôi chợ và cả về hướng phi trường. Binh sĩ Biệt động quân ra khỏi hầm trú ẩn của họ, vừa tiến lên từng đoạn ngắn vừa ném lựu đạn. Tôi thấy có 3 người ngã xuống, và người thứ tư thì bị một loạt đạn vào đầu.
Đến 10 giờ sáng, tôi vẫn ở đằng sau bức tường của tôi. Tôi thấy hàng trăm binh sĩ Miền Nam đầu đội mũ sắt đang tiến tới. Một trung úy lúc đi ngang qua bức tường của tôi đã cho lệnh:!!!" Có hơn trăm tên bộ đội chết bầm đang trốn trong bệnh viện, Mình phải đuổi bọn chúng ra ngoài."
Vẫn còn đạn pháo và vẫn có một số binh sĩ bị tung lên trời. Một chiến xa T.54 bị một phát đạn 105 bắn trực xạ giữa xích, đang cháy khói lên nghi ngút.
Có nhiều chiến xa M.48 đang yểm trợ cho bộ binh trước bệnh viện. Thời gian trôi qua..có nhiều tiếng hò reo và nổ ì ầm nhưng cũng có đôi lúc có sự yên lặng tuy ngắn ngủi. Và viện binh đã đến, Binh sĩ Miền Nam bắt đầu lục soát những căn nhà đổ nát bằng lựu đạn...
Đến 3 giờ chiều, lúc đã im hết tiếng súng trong thành phố thì tôi rời chổ núp của tôi. Thành phố coi như vẫn còn trong vòng kiểm soát của Miền Nam Việt Nam. Người ta bắt đầu kiểm điểm xác chết của quân Bắc Việt. Họ mặc quân phục xanh ô liu và đi giày "tơ nít" hiệu Bata bằng cao su. Tôi đếm được rải rác chừng 30 bị chôn nừa thân mình dưới những đống gạch vụn. Một toán nhỏ Biệt động quân đang đẩy trước mặt họ 3 tù binh, đội nón cối bằng mớp được bọc vải màu xanh, trên nón có gắn môt ngôi sao bằng đồng. Nom họ còn rất trẻ, cao lắm là 16 hay 17 tuổi. Một trong ba người đó bị thương ở vai. Xa hơn môt chút, có một T.54 bị hạ, nằm phơi xác dưới một góc mái hiên đổ sụp. Cách đó vài thước, trước một hiệu thuốc tây vỡ kính, có một chiến xa của Miền Nam pháo tháp mở rộng, đầu chiến xa bị một viên đạn bộc phá B.40, đứt hết xích, giống như một con quái vật nằm bất động. Tất cả những tiệm buôn chung quanh chợ đều bị đạn pháo binh quạt sập đổ xuống hết. Kim Long, một quán ăn lâu đời nhất của thành phố (nơi mà cách đây 30 năm binh sĩ của trung đoàn 22 bộ binh của người Pháp (22ème R.I.C.) thường đến đây để ăn hủ tiếu) đã sập chỉ còn là một đống gạch vụn bị cháy đen.
Bệnh viện chỉ còn là một cái vỏ nám đen vì khói. Rải rác trong sân là giường chiếu, dụng cụ y khoa, bô, bốc lẫn lộn khắp nơi với một số tử thi của bộ đội Bắc Việt mất tay mất chân mảnh vụn vung vãi ra cùng khắp.
Cạnh bên chợ về phía rừng, một xe ủi đất đang đào một đường dài độ một thước. Và anh em Biệt động quân đang xếp tất cả những tử thi và những gì còn rơi vãi trên chiến trường vừa qua. Một tuyên úy đi dài theo đó lẫm nhẫm đọc kinh cầu nguyện lần cuối cùng cho họ, sau đó xe ủi đất đẩy họ xuống hố và lấp đất lại.Tôi quay trở lại. Gần nhà thờ, dưới hai cây to mà cành lá đã gảy nát, có khoảng 30 binh sĩ bị thương nặng được cho nằm trên băng ca. Những chai huyết thanh được treo trên báng súng cắm thẳng đứng xuống đất bằng lưỡi lê, và từ đó các ống cao su truyền máu thẳng đến kim tiêm vào cho thương binh. Các y tá đang săn sóc cho họ và vừa đuổi ruồi cho họ vừa trò chuyện nho nhỏ với họ.
Tôi gặp tướng Đảo trước cửa Nhà Dòng. người ông nom ốm gầy, có vẻ mệt nhọc.!!!- "Chúng tôi đã đẩy lui được họ, ông nói. Đây là một thành quả tốt nhằm nâng cao tinh thần
cho anh em binh sĩ và cho cả hậu phương.. Họ bỏ lại 400 xác trên trận địa và chúng tôi đã hạ được 9 chiến xa T.54, bắt được 20 tù binh trong đó có 1 sĩ quan. Nặng nhất là chiến trận ở gần phi trường, và phía sau nhà ga.. Bây giờ thì trận tuyến đã phát triển ở hướng Bắc và hướng Tây, trên cao nguyên Bình Lộc và chung quanh Gia Kiệm. Anh em phi công báo cho biết là lực lượng cộng sản Bắc Việt đang tập trung mạnh lắm ở Giá Rai. Anh em Dù đã giải tỏa được ngả ba Suzannah rồi. Tất cả người Pháp ở đồn điền S.I.P.H. đều an toàn. Các đồn điền cũng không bị thiệt hại gì sau các cuộc đụng độ ở đó."
Gia Kiệm với 40.000 dân. là một thị trấn rất phồn thịnh được mọc lên hai bên đường đi Dalat, cách Xuân Lộc khoảng 15 cây số. Ở đây nhà cửa tiệm tùng sung túc nằm san sát bên nhau, có rào dậu, có lũy tre. Dân chúng toàn là người công giáo di cư từ Miền Bắc, một lòng với nhau. Không một người lạ mặt nào lẻn vào được ở đây. Nếu cộng sản Bắc Việt tấn công vào đây thì nhất định sẽ bị thiệt hại lớn.
Vùng Giá Rai, nơi các đơn vị Bắc Việt tập trung nhiều nhất, nhờ dựa lưng vào vùng rừng bụi của núi Chứa Chang, một ngọn núi đất cao khoảng 900 thước, trên đó có gần 3000 giống thảo mộc nhiệt đới mà Viện Khoa Học Sai Gòn đã ra công gìn giữ. Ngọn núi nầy là một đài quan sát rất lý tưởng, và dựa vào khu rừng của ngọn núi nầy, cộng sản có thể sẽ tung ra một cuộc tấn công mới từ phía Đông vào Xuân Lộc.
Vào lúc 5 giờ chiều có một chiếc xe vận tải nhẹ đi liên lạc với Trảng Bom. Tôi nhảy lên xe đó. Ngã ba Suzannah được đơn vị Dù trấn giữ, nằm kín trong hố cá nhân, và một số chiến xa thuộc lữ đoàn 3 Thiết Giáp. Có nhiều xe đã đi phía trước chúng tôi. Đi được khoảng 3 cây số, cách chúng tôi độ hơn 100 thước, một chiếc xe chở dân chúng bị trúng một quả đạn pháo. Tiếp theo tiếng nỗ chói tai là bụi, lửa bắn lên tung tóe. Cả chiếc xe và những người hành khách trên xe đều không còn gì cả! Chỉ còn trên đường một chấm đen lớn, và vung vãi thịt xương tóc tai của người chết và mấy mảnh kim khí của hộp số.. Và như vậy là chỉ trong có một giây đồng hồ, mà trên 20 người dân vô tội đã bị xóa hẳn tên trong danh sách người Việt.
Ở Việt Nam chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần hằng ngày. Làm sao mà dân tộc nầy, một dân tộc đã bị quá nhiều đau khổ, chết chóc, đã từng bị xua đuổi khỏi thành phố của họ với đất đai làng mạc mồ mả bị tàn phá, mà người ta vẫn còn chém giết nhau mãi như vậy dai dẳng năm nầy qua năm khác một cách bền bỉ và dã man như vậy được?
Ai sẽ là người chấm dứt được chuyện nầy vĩnh viễn một ngày nào đó, chấm dứt được cơn ác mộng đẩm máu và đáng ghê tởm nầy cho người dân vô tội?