Số lần đọc/download: 5230 / 84
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Chương 12 - Ngày Tết Quê Hương - Xem Mặt.
C
huyến xe hoả Hà Nội - Hải Dương dần dần chạy chậm lại, qua con cầu bắc trên sông Sen quen thuộc, rồi từ từ vào trong ga Cẩm Giàng.
Đã lâu lắm tôi chưa về quê. Năm nay phải về ăn tết. Vẫn cái nhà ga nhỏ, xám. Những người gồng gánh lên xuống. Sau ga, con đường lát đá gồ ghề, mấy hàng quán lêo tèo. Tôi bước trên con đường sắt thẳng tắp đi về chân trời, bên phải vẫn là cây đa mâm xôi. Chỗ bà nội tôi yên nghỉ ở gần đó. Chung quanh, những xóm làng luỹ tre bao bọc không khác gì xưa.
Bước vào trong cổng nhà, cây cối đã mọc nhiều, um tùm trong vườn. Có rặng chuối, có mấy cây ổi, còn cả cây na. Những luống tóc tiên đã bờm xờm, vì thiếu người cắt xén. Cây mít trước gian nhà gạch cũng đã lớn nhiều, quâ dính vào thân cây: Chân tường nhiều rêu phong hơn trước. Mái ngói đã đổi màu. ít người sống ở đây, nên cảm giác có vẻ hiu quạnh cô đơn giữa cánh đồng không. Không biết tại sao tôi cảm thấy xa lạ, hình như có dấu hiệu báo trước sẽ có gì thay đổi đối với cái trại Cẩm Giàng này.
Chỉ có mẹ tôi ngồi trên phản, trong buồng khách. Hình như có điều gì chịu đựng trong đôi mắt, trên khuôn mặt đã nhiều nết răn của bà. Con cái đã trưởng thành cả, đỗ đạt, làm nên, thành công, tuy phần nhiều vẫn nghèo. Nhưng ai nấy đều bận rộn, và ít khi về thăm nhà. Bà chỉ còn hy vọng vào mấy ngày Tết, giỗ. Ngay đứa con út là tôi, đã hơn hai mươi tuổi đầu, nhưng vẫn lông bông, làm những cái gì bà cũng chẳng biết. Trong lúc ngồi ăn cơm, tôi cảm thấy mình ích kỷ, ít khi nghĩ đến mẹ. Và tôi không khỏi cười một mình, nghĩ đến những lúc bà muốn dạm vợ cho tôi. Nào cô này xinh và hiền hậu lắm, cô khác cũng coi được, phúc đức và là con một, nhà có hai trăm mẫu ruộng... Kể thì hấp dẫn thực, nhưng khổ nỗi tôi chưa thấy hứng thú trong việc lấy vợ. Một lần, còn nhớ, bị mẹ thúc dục quá, nhờ trung gian của một bà bạn, tôi phải đi xem mặt một cô gái! Đến tận nay, tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại đi làm một việc vô ý thức như vậy, cho tới nay, tôi vẫn trách mình. Vào một căn nhà ở phố hàng Tre, tôi được bà chị cô gái tiếp đãi khá niềm nở, khiến tôi thấy ngượng ngập. Song vì người ta biết mình cũng là nhà báo, nên cũng cố đối đáp trôi chảy được những câu hỏi khó trả lời. Hàn huyên xong, tôi bị dẫn xuống nhà ngang, và lại phải đối diện với cô gấi một cách gượng gạo. Trò truyện một vài câu nhát gừng, cô cứ ngồi cúi mặt xuống. Cô ta không đẹp lắm, nhưng cũng dễ thương, rất có thể là một người vợ hiền, nếu chính tôi đã muốn cưới vợ...
Cơm trưa xong, tôi vượt qua đường sắt, qua con đường đất quen thuộc, đi giữa đồng ruộng còn trơ gốc rạ. Nơi này có bao nhiêu kỷ niệm. Những đứa trẻ chạy tung tăng trên bờ ruộng, hắi những cánh hoa cúc vàng dại, cùng những hoa thài lài mầu xám lơ, rồi đánh cỏ gà. Khi mệt, cùng ngồi nghỉ trên rễ cây đa, nhìn ra con sông nhỏ chảy xuôi.
Mộ bà tôi vẫn nằm gần đấy, hướng về Đông Nam, như mộ con trai bà. Một cuộc đời đã tẩt trong cô đơn, im vắng, như một định mệnh. Trên gò Phụng, mộ thầy tôì, mấy ngọn cỏ may vẫn lay lắt theo gió. Vẫn ngôi chùa cổ kính rêu phong, con đường nhỏ không một bóng người. Gió thổi lạnh qua những cành tre xao xác, bên những nhà tranh buồn tê. Tôi ngồi bên cạnh ngôi mộ, mộ người cha mà tôi chưa bao giờ trông thấy mặt. Thời gian đọng lại như lui về dĩ vãng. Bao nhiêu thế hệ đã qua, đã sống trên đồng ruộng hiu quạnh, đã nằm xuống ở mảnh đất này? Tiếng thân tre kẽo kẹt khi chạm vào nhau đôi khi tới nay vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Hai hôm sau, cảnh tượng trong nhà rộn rịp hẳn lên. Mấy người em họ từ trong ga ra chơi. Chuyến xe trưa lại đưa xuống một số anh em văn báo, đã hẹn trườc năm nay cùng về đây ăn Tết cho vui.
Ra ga đón có cả Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu, và hai bạn nối khố, Huyền Kiêu và Đinh Hùng. Trong nhà có Nhất Linh, vợ chồng chị Thế, Thạch Lam và tôi, đủ mặt anh tài. Mọi người chia nhau đi tham quan vườn nhà, những người trẻ thì chạy ra đồng, ngắm cảnh đồng quê, rồi theo con đê đi mãi tới bờ con sông Sen. Già hơn một chút, thì ngồi nhấp nước trà, với mứt và kẹo vừng.
Đã lâu, không được nhìn lại ánh đèn trắng măng xông chiếu sáng khắp nhà trong cảnh ba mươi tết. Trên bàn thờ, khói nến sáng choang, mùi hương ngây ngất lẫn với màu hồng của hoa đào, làm tăng thêm không khí ấm cúng trong nhà. Thêm vào đó một mâm cơm cỗ bát cũng khá đầy đủ, suốt năm mới được ăn một hai lần. ăn xong, mấy anh lớn tuổi ngồi lại đánh bất, sát phạt lẫn nhau để đợi tới phút giao thừa. Bọn trẻ chúng tôi xuống nhà bếp, để giúp nấu bánh trưng. Hai thùng sắt đầy ắp bánh. Công việc chúng tôi là thêm củi hay thêm rơm vào lò để duy trì lửa đủ mạnh. Trời rét, ở ngoài mưa phùn nhẹ, gió bấc thổi qua phên liếp, nhưng ở trong ấm áp, lửa chiếu vào mặt ai cũng đỏ hồng. Đây là những phút cuối năm thú vị nhất, vừa đun bánh, vừa ngồi cắn hạt dưa, bàn đủ mọi truyện Đông Tây, kim cổ. Vừa đến nửa đêm thì bánh vừa chín tới. Mùi thơm bánh chín toả ra khắp buồng. Ai cũng mong chóng tới giao thừa, đợí cúng xong sẽ được ăn bánh. Cuối cùng thì giờ đó cũng tới. Một tràng pháo nổ lên. Tất cả đều chạy lên nhà trên, làm lễ trước bàn thờ. Rồi đến chúc tuổi bà mẹ. Tôi còn nhớ anh Khái Hưng, người nhiều tuổi nhất, thay mặt các bạn nâng cốc rượu hồng - độ ấy có những thứ ruợu ngọt đủ màu sắc- để mừng tuổi, rồi đến các con, cháu. Mỗt người đều được một phong bao nhỏ... để tiêu Tết, đủ để ban ngày chơi đánh đáo.
Cỗ giao thừa được bầy ra, món chính là bánh trưng chín tới, vừa cắt ra còn bốc khói, màu xanh mịn, dậy mùi tiêu. Đương đói, ai cũng ngốn nghiến, không làm khách. Nhưng phải kể riêng về hai kiện tướng: Huyền Kiêu và Xuân Diệu. Lực sĩ Huyền Kiêu thực là kinh người nuốt hết miếng này tới miếng khác dưới sự cổ động của mọi người. Sau rốt, lực sĩ cũng phải bỏ cuộc, đầu hàng, chỉ còn thi sĩ tiếp lên chiến đấu, đoạt giâi quán quân. Song, thực ra, cũng không đến bốn chiếc bánh như người ta kể trong truyền thuyết.
Hôm sau, mọi người lục tục cáo biệt trại Cẩm Giàng ra về, tiếp nối công việc hàng ngày. Riêng tôi, lại trở về nhà trọ và trường học.
Một hôm, chúng tôi đáp xe điện đi thăm đôi bạn Thế Lữ - Song Kim ở ngoại thành. Thế Lữ đã bắt đầu tổ chức một ban bầu kịch. Và Song Kim là một phụ tá đắc lực, kiêm một diễn viên chính.
ở đây, tập hợp một số người trê, nam có nữ có. Tất cả đều hăng hái tập dượt, bàu không khí phấn chấn, vui vẻ. Họ diễn kịch, ngâm thơ, đàn hát. Tuy kịch nói, kịch thơ lúc đó chưa thịnh hành, nhưng các anh em đều rất nỗ lực, và tin tưởng rằng sẽ có thành tích trong một lĩnh vực văn nghệ mới.
Tại sao anh Thế Lữ lại chọn nghề làm kịch? Tôi cũng không rõ lắm. Có thể vì đến lúc đó nguồn thơ đã cạn dẳn với những bài như cảm đề truyện Đoạn Tuyệt. Nàng Thơ đã dần dần lui xa... Sau tập Mấy Vần Thơ, không thấy ra một tập thơ nào khác. Và cũng có thể là ảnh hưởng của Song Kim, không rõ chị đóng kịch từ hồi nào.
Trước kia, trên sân khấu, được quần chúng thích nhất là hát tuồng - những tuồng cổ theo lối kịch Bắc Kinh hay Quảng Đông, thương diễn trên sân khấu rạp Quảng Lạc. Thuở nhỏ, tôi thường trố mắt nhìn những ông tướng đầu đội mũ cắm lông dài, vai cắm những lá cờ ngũ sắc múa may, tay cầm một thứ roi giả vì làm ngựa cưỡi, trong trống kèn inh ỏi đinh tai nhức óc. Những thứ tuồng cổ ấy về sau bị gọi chung một tên là tuồng Quảng Lạc.
Rồi xuất hiện kịch hát cải lương, hình như lan từ trong Nam ra nghe hay và dễ hiểu hơn tuồng, có vẻ tân thời hơn, với những tên tuổi như Năm Châu, Phùng Há, ái Liên. Nhưng dù sao, cũng vẫn có vẻ tuồng... cải lương. Kịch nói sinh sau đẻ muộn, mô phỏng theo kịch nói Tây Phương, với những đề tài hiện đại, xã hội, hay lịch sử. Ban kịch Thế Lữ đã đưa ngành kịch Việt nam vào một giai đoạn mới.
Nói vẻ nguồn thơ, thì không những Thế Lữ mà không lâu, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận xem ra cũng cạn dần. Sau này, cũng thêm được Tế Hanh, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hồ Dzếnh, Vũ Hoàng Chương... Thi sĩ Huyền Kiêu sau khi đi lấy vợ - tôi có hân hạnh được làm phù rể- nghe như đã tắt cảm hứng.
Chỉ còn nhà thơ Đinh Hùng viết vài bài não nuột. Thời thế không họp với thứ văn thơ sướt mướt nữa, nhưng nhà thơ cũng vẫn cố gắng sướt mướt. Điều trên cũng có thể áp dụng đến trào lưu sáng tác văn xuôi kể cả Tự lực văn đoàn.
Sau cuốn Đoạn Tuyệt, cuốn Lạnh Lùng của Nhất Linh cũng gây ra nhiều luồng dư luận. Lần này là câu truyện của một thiếu phụ ở goá bị dằn vặt giữa quan niệm phụ nữ đấu tranh lấy quyền sống tự do và hạnh phúc cho mình. Lại có một số người lên tiếng chỉ trích -trong đó lại có ông Trương Tửu- là phá hoại luân thường đạo đức. Nhưng Nhất Linh được phe phụ nữ và giới trẻ ủng hộ. Họ chống đối truyền thống phu quyền, hỏi tại sao đàn ông goá vợ lại có thể tái kết hôn mà đàn bà lại phải thủ tiết vô lý. Xã hội vẫn tiến lên, và về sau đàn bà goá đi lấy chồng đã thành sự thường.
Trong Đôi Bạn, hai nhân vật chính vẫn là tài tử giai nhân, lần này Dũng tuy là con một ông Tuần, nhưng đã tham gia vào hàng ngũ cách mạng dân tộc, nên hai người bắt buộc phải xa nhau. ở đây, rõ rệt tư tưởng dân tộc đã ảnh hưởng đến tác giả. Và vì thế, không giống như các nhà văn khác, Nhất Linh đã sẵn sàng từ tiểu thuyết bước vào hành động. Khác với Nhất Linh, Khái Hưng chuyên tâm viết về những mâu thuẫn xã hội, và sáng tác nhiều hơn với những cuốn Gia đình, Thoát ly, Băn khoăn v.v.. Ngoài ra còn viết kịch thơ Tục lụy. Chủ trương của Khái Hưng, Hoàng Đạo vẫn là những tác giả có khuynh hướng cải cách xã hội. Họ cũng thấm nhuần quan niệm dân tộc và dân chủ trong khi hấp thụ những giá trị tinh thần từ xã hội Tây Phương, và từ lịch sử đấu tranh chống thực dân của các bậc tiền bối. Cho nên, bước đường đi về sau của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng và cả của Nguyễn Gia Trí, người ta đã có thể mường tượng ngay từ lúc này.