Số lần đọc/download: 4219 / 54
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Chương 8: Chính Phủ Trần Văn Hữu
C
uộc chiến tranh ở Việt Nam đã bán chính thức quốc tế hóa sau khi mỗi bên thế giới dân chủ và cộng sản thừa nhận chính phủ Quốc Gia do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo và chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa của cụ Hồ chí Minh.
Quốc tế đã chính thức công nhận sự có mặt một Quốc Gia Việt Nam. Hai phe Quốc-Cộng ở Việt Nam đều cố gắng trong cuộc chạy đua quyết định sống còn. Dĩ nhiên, Quốc Trưởng Bảo Đại phải lãnh đạo dân tộc Việt Nam để đánh bại việt cộng, để nhân dân Việt Nam khỏi phải chịu đựng một chính thể độc tài, để công cuộc tranh đấu của những người chiến sĩ quốc gia khỏi thất bại, để Hiệp Ước Élysée, một sự cố gắng của chính phủ Pháp khỏi biến thành giấy lộn.
Thế giới dân chủ phải có mặt ở Việt Nam.
Từ chính phủ Trung Ương Lâm Thời Nguyễn Văn Xuân phần lớn dân chúng vẫn ở trong vùng Việt Minh kiểm soát. Vùng Quốc Gia chỉ gồm vỏn vẹn vài đô thị lớn và những trục giao thông cần thiết cho quân sự. Đã thế, vùng Quốc Gia còn không được an ninh và vì chính sách khủng bố bạo tàn của các cán bộ Việt Minh, còn hỗn loạn vì phương pháp tuyên truyền xảo trá của cộng sản quốc tế đội lốt quốc gia dân tộc. Tháng 3 năm 1950 vùng Sài Gòn, Chợ Lớn còn xẩy ra nào đốt nhà, nào tan chợ, nào bãi khóa…tinh thần dân chúng bị căng thẳng, hoang mang vì những cảnh tượng ghê gớm liên tiếp diễn ra ngay giữa các đô thị.
Những người quá khích nhất định phá rối nền trật tự mới tái lập tại vùng Quốc Gia.
Trước tình thế khẩn cấp đó, Quốc Trưởng Việt Nam quả quyết cải tổ Nội Các. Vấn để nhân sự là một việc rất khó khăn trên khoảng đất mà số nhân tài chống cộng đã bị thủ tiêu từng đợt từ 1945. Tình thế bắt buộc phải thay đổi chính phủ, dù thế nào Quốc Trưởng cũng phải cố gắng thảnh lập một Nội Các đặc biệt để có thể đối phó với giai đoạn.
Ông Trần Văn Hữu được Quốc Trưởng chú ý và chỉ định.
Ông Trần Văn Hữu, một nhân vật tuy toàn quốc chưa hẳn biết tiếng nhưng riêng địa phương Nam Việt đã rất rõ những hoạt động của ông, một người quốc gia chống cộng hoàn toàn, trên phương diện ý thức cũng như hành động. Trước những biến cố năm 1946, ông có chủ trương thoát ly Nam Việt ra ngoài Quốc Gia Việt Nam. Chủ trương ấy tuy có thể làm yếu cộng sản nhưng không phù hợp với ý thức dân tộc, do đó ông đã sáng suốt từ bỏ ý kiến bất hợp thời ấy để tham gia giữ chức Phó Thủ Tướng chính phủ Lâm Thời Việt Nam.
Được vời ra giữ trọng trách thành lập chính phủ trong lúc nước nhà đang nghiêng ngửa, chính sách của ông là tập trung tất cả những phần tử chống cộng, tập hợp khả năng ít ỏi trong vùng kiểm soát để đặt vững vàng guồng máy hành chính, cải tổ công việc trong các Bộ, kiến tạo một Quân Đội Quốc Gia Việt Nam và đặt đại biểu ngoại giao ở ngoại quốc.
Ngày 6.5.1950, Nội Các Trần Văn Hữu trình diện Đức Quốc Trưởng gồm những vị:
• Trần Văn Hữu: Thủ Tướng Chính Phủ kiêm Ngoại Giao và Quốc Phòng.
• Nguyễn Khắc Vệ: Tổng Trưởng Tư Pháp.
• Trần Quang Vinh: Tổng Trưởng Quân Lực.
• Dương Tấn Tài: Tổng Trưởng Tài Chánh.
• Hoàng Cung: Tổng Trưởng Kinh Tế.
• Lê Quang Huy: Tổng Trưởng Giao Thông Công Chính.
• Vương Quang Nhường: Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục.
• Đặng Hữu Chí: Tổng Trưởng Y Tế Xã-Lao.
• Trần Văn Tuyên: Bộ Trưởng Dinh Thủ Tướng.
• Đinh Xuân Quảng: Tổng Trưởng Công Vụ.
• Nguyễn Tôn Hoàn: Tổng Trưởng Thanh Niên
Việc lựa chọn nguyên Thủ Hiến Nam Việt làm Thủ Tướng chính phủ đã tạm chấm dứt nhiều nỗi băn khoăn.
Lĩnh sứ mạng cao cả đó, Thủ Tướng Trần Văn Hữu đã tỏ một lòng gan góc, một qý thức quyết chiến, một khả năng dồi dào.
Công việc đối phó đầu tiên của chính phủ là vấn đề an ninh nội bộ, an ninh trong vùng kiểm soát. Có an ninh, dân chúng mới đỡ khổ, mới có can đảm làm ăn, xây dựng lại cơ nghiệp hoang tàn. Thiếu an ninh, chính phủ không thể có uy tín trong dân chúng.
Nhiệm vụ đó thật cực kỳ khó khăn. Nhưng Bộ An Ninh đã thành công vĩ đại sau một thời gian ngắn. Đối phó với các ban khủng bố của đối phương, chính phủ thi hành chính sách ‘’tàn bạo đối với tàn bạo’’. Thủ đoạn ‘’trả đòn’’ dần dần thanh toán được cái nạn ném truyền đơn, ném tạc đạn, bắt trộm và đâm trộm. Tinh thần người dân được ổn định mặc dầu đã có một vài việc quá quắt trong vấn đề bắt bớ giam cầm. Nhưng làm thế nào được, một chính sách ‘’được việc’’ nào chẳng có những điềm thiếu sót?
Ngành Công An được cải tổ hoàn toàn để phù hợp với công tác an ninh. Được xây dựng trên những phương thức làm việc mới mẻ, hệ thống Công An trong thời gian ngắn đã chạy đều đặn ăn nhịp với sự biến thể của hoạt động Việt Minh. Dân chúng nhận thấy công an, tình báo, tuyên truyền Việt Minh… lấn lượt bị săn bắt ráo riết. Được che chở, người dân trở lại bình tâm xây đắp cuộc đời mới. Người hồi cư đã bắt đầu nhiều nhiều, dân số các thị thành tăng lên một cách lạc quan. Khẩu hiệu Bảo Vệ An Ninh đã có kết quả rất mỹ mãn. Dưới mắt người ngoại quốc, sự an ninh là một lời sự giới thiệu rất hay ho của chính phủ Trần Văn Hữu. Dân chúng và chính quyền đều được thỏa mãn dần dần với sự tiến bộ của tình hình.
Đi đôi với thành tích an ninh, chính phủ Trần Văn Hữu tiến hành rất gấp việc thu hồi chủ quyền nội bộ. Một Hội Nghị mới mẻ được tổ chức. Hội Nghị Pau giữa 4 quốc gia Pháp, Việt, Mên, Lào. Hội Nghị Pau đi vào chi tiết trong việc giải quyết tất cả những thắc mắc về quy chế của các nước Liên Kết: Vấn đề di trú, kế hoạch kinh tế, vấn đề ngoại thương, xuất nhận và tiền tệ. Riêng vấn đề tiền tệ. Việt Nam từ nay có mặt trong một Viện Phát Hành chung ở Đông Dương.
Số lớn các công sở chuyên môn trước khi thuộc quyền Giám Đốc Pháp lần lượt được chuyển sang tay người Việt. Các Công Chức mà Việt Minh đã gạt bỏ vì không hợp với họ dần dần được chính phủ quốc gia nâng đỡ, có chỗ ăn làm nhất định. Chính phủ Trần Văn Hữu đã mang lại yên ấm cho công chức, những bánh xe trong bộ máy chính quyền non trẻ của Việt Nam. Không những họ đủ ăn, đủ mặc, mức sống dĩ nhiên hơn hẳn những người làm việc với Việt Minh, còn có nhiều người được trở nên giầu có do những đặc ân và địa vị ưu đãi trong công sở…
Sau Hiệp Định Pau, chính quyền quốc gia đi dần dần đến chỗ ‘’Việt Nam Hóa’’. Người dân đã hơi làm quen với chính phủ quốc gia mà từ lâu họ nghi kỵ, không chú ý hoặc có chú ý nhưng chỉ chê bai, công kích.
Công tác an ninh đã đem lại kết quả đẹp đẽ cho đời sống của dân chúng. Tuy vậy, vấn đề an ninh nói riêng vẫn chỉ là một việc đấu tranh ngăn ngừa kẻ phá hoại lẻn vào hàng ngũ của chính phủ quốc gia mà chưa phải hẳn là một vấn đề mấu chốt trong cuộc chiến tranh với việt cộng.
Muốn kiến tạo một quốc gia theo ý muốn trong hệ thống dân chủ. Chính phủ phải cấp tốc xây dựng ngay một quân đội đủ để chiến thắng kẻ địch hiện tại, đủ để bảo vệ chính nghĩa, đủ để giữ gìn bờ cõi một khi bị xâm lăng.
Hiện nay công việc ngăn ngừa Việt Minh hoàn toàn ỷ lại vào lực lượng Liên Hiệp Pháp. Tình trạng trên phải sớm được chấm dứt nếu Việt Nam muốn xứng đáng với danh hiệu Độc Lập của mình. Để thực hiện ý định đó, Quốc Trưởng ký một Đạo Dụ Tổng Động Viên và chính phủ Trần Văn Hữu lập tức ban hành những biện pháp cần thiết để thi hành Đạo Dụ.
Lớp thanh niên đầu tiên 60.000 người được gọi ra để theo lớp huấn luyện quân sự 2 tháng. Nền móng của Quân Lực Quốc Gia được đắp xây và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thành hình. Người thanh niên Việt Nam, hôm qua, nạn nhân của một chính thể độc tài, nạn nhân của thời cuộc, hôm nay đã là người lính của quốc gia, hiên ngang trong bộ nhung phục, dưới sắc cờ vàng son. Từ 10 đến 100, từ 100 đến 1000, người lính quốc gia Việt Nam lớn dần với trang bị tối tân của nước bạn viện trợ, sánh vai với người lính viễn chinh đồng cam cộng khổ trên mọi chiến trường. Tuy trong thời kỳ măng sữa, tuy chưa được hết lòng tín phục của người, nhưng bóng dáng người lính quốc gia Việt Nam cũng đã đủ tượng trưng rõ rệt ý thức độc lập của một quốc gia thống nhất dưới vị lãnh tụ thân yêu: Quốc Trưởng Bảo Đại.
Trong bài diễn văn của buổi lễ ký Hiệp Định Quân Sự Quốc Trưởng tuyên bố: ‘’Có những kẻ đã nói đến cốt nhục thương tàn. Tôi muốn những kẻ đó phải giải thích rõ ràng hơn về tính chất tấm thảm kịch đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Tất cả những sự tàn phá, tất cả những tang tóc đau thương chồng chất từ 5 năm nay hoàn toàn do một đảng gây nên. Đảng đó bây giờ không còn e dè che đậy là một đảng do người ngoại quốc cầm đầu. Như vậy quân đội quốc gia sẽ không chủ trương một cuộc chiến tranh huynh đệ tương sát mà chỉ chiến đấu để cứu nước khi lâm nguy, chiến đấu để chống với những kẻ cố tâm phá hoại nền độc lập. Những kẻ muốn để một tà thuyết ngoại lai đặt ách đô hộ trên đầu dân chúng nước này sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tội đại ác của mình trước lịch sử…’’
Quan niệm của vị lãnh tụ rất rõ rệt. Người không muốn là một tà thuyết nào bay đến phá hủy những thuần phong mỹ tục truyền thống của Việt Nam. Người không muốn một chính thể chính trị nào phá bỏ cá tính quốc gia của dân tộc Việt Nam để buộc dân tộc Việt Nam vào sợi giây quốc tế không tưởng và Người đã lớn tiếng tố cáo Việt Minh là cộng sản, là phản động làm thụt lùi dân trí Việt Nam. Bởi lẽ đó, quân đội quốc gia Việt Nam cần có mặt để làm một việc phải làm: Tiêu diệt lực lượng tay sai của đệ tam quốc tế ở lãnh thổ Việt Nam.
Chính phủ Trần Văn Hữu được vinh dự đặt viên đá đầu tiên trong việc chính thức thành lập Quân Lực chính quy Việt Nam.
Quân đội được kiến tạo để bảo vệ quốc gia, bảo vệ lý tưởng do Quốc Trưởng hướng dẫn. Dựa vào quan niệm căn bản đó, tất cả những bộ đội địa phương khắp Trung, Nam, Bắc sẽ lần lượt được tập hợp, thống nhất dưới lá cờ vàng ba vạch đỏ.
Từ 1948, Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân đã muốn quy hợp Vệ Binh đất Bắc, Vệ Binh Cộng Hòa miền Nam và Việt Binh Đoàn Trung Việt làm một dưới nhãn hiệu duy nhất Vệ Binh Việt Nam nhưng hoàn cảnh và tình thế chưa cho phép. Qua Hiệp Ước Élysée, qua Hội Nghị Quân Sự ở Đà Lạt, Quốc Trưởng đã sắc cử Thủ Hiến Phan Văn Giáo làm Trung Tướng Tổng Thanh Tra Quân Đội Toàn Quốc. Đó là bước đầu để gây một quan niệm thống nhất về quân sự. Những nguyên tắc căn bản về việc tổ chức một Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được quyết định giữa Quốc Trưởng và Cao Ủy Pháp Letourneau tháng 11 năm 1950 tại Cao Nguyên Đà Lạt đã giúp chính phủ Trần Văn Hữu khẩn trương phương tiện tổ chức Quân Đội Việt Nam.
Trường Võ Bị Huấn Luyện Sĩ Quan mở ở Đà Lạt. Ở đây, những trang thanh niên tuấn tú được chau rồi cả đạo đức lẫn chuyên môn, ở đây đào tạo các cấp chỉ huy tương lai cho quân đội toàn quốc. Ngoài Trường Sĩ Quan Đà Lạt, ở các nơi khác còn có rất nhiều trường huấn luyện hạ sĩ quan và bổ túc quân sự.
Quân Đội của chính phủ quốc gia tuy chưa hoàn hảo nhưng cũng đã làm đối phương nhiều phen kinh khủng. Địch thủ khiếp sợ trước sức chiến đấu mãnh liệt của người lính quốc gia.
Quân Đội chính quy Việt Nam có bổn phận giữ vững nền Độc Lập cần cho hạnh phúc toàn dân tộc, cần cho nền trật tự chung thế giới. Dưới khẩu hiệu Dân Vi Quý, dành Độc Lập cho xứ sở, xây đắp Hòa Bình cho thế giới dân chủ.
Chính phủ Trần Văn Hữu đã hết sức vun trồng để quân đội quốc gia lớn vùng lên kịp theo sát được quân Liên Hiệp Pháp mục đích tiêu diệt sinh lực thù.
Ngoài việc củng cố nội bộ, xây dựng quân đội, chính phủ Trần Văn Hữu phát triển công tác đối ngoại, gửi rất nhiều phái đoàn đi dự các Hội Nghị quốc tế. Qua những Hội Nghị Pau, Hội Nghị Kinh Tế, Y Học, Lao Động Quốc Tế… Việt Nam còn có mặt tại Hội Nghị quan trọng nhất trong các Hội Nghị quốc tế kể từ sau chiến tranh hoàn cầu lần thứ hai: Hội Nghị Cựu Kim Sơn. Ngồi ngang hàng với các quốc gia trên thế giới, đoàn đại biểu Việt Nam đã phô bày một tâm lý nhiệt thành đối với Đại Gia Đình Quốc Tế, đối với Thế Giới Dân Chủ. Tiếng nói của Việt Nam được các cường quốc chú ý. Quần Đảo Hoàng Sa, Quần Đảo Tây Sa được trả lại Việt Nam, Nhật Bản thỏa thuận bồi thường những sự thiệt hại do chiến tranh gây ra…Đoàn Đại Biểu Việt Nam do chính Thủ Tướng Trần Văn Hữu hướng dẫn đã thành công, mang lại kết quả vật chất và tinh thần cho đất nước. Thắng lợi lớn lao ấy là công của toàn thể nhân dân Việt Nam. Sự tranh đấu mấy năm qua của những chiến sĩ vô danh đã không đến nỗi uống phí. Việt Nam được ngang hàng với các nước trên thế giới ở Hội Nghị Cựu Kim Sơn, đó là thành tích của những người lính hy sinh ngoài trận tuyến, đó là thành tích của những người dân đã tan vỡ cả sản nghiệp đã tản mác, lưu lạc khắp rừng xanh, núi đỏ, đã đổ máu, đổ mồ hôi trên đất nước.
Nói về khả năng, chính phủ Trần Văn Hữu còn đánh dấu được một nấc độ trong sự tiến bộ về phương diện tập hợp nhân tài. Điều khó khăn từ trước tới nay vẫn là vấn đề nhân tài giúp nước. Chính phủ Trần Văn Hữu cũng nhận thấy đó là một điều cần phải giải quyết nếu chính phủ muốn làm được những điều ích quốc lợi dân. Với phương pháp vận động khéo léo, với tư cách riêng của Thủ Tướng, một số người có đầu óc đã chẳng ngại nhẩy ra tham dự chính quyền.
Chính phủ Trần Văn Hữu tích cực xây đắp tư tưởng chống cộng ở Việt Nam và tích cực trình bầy quan điểm đẹp đẽ đó trước thế giới dân chủ. Nhờ lòng nhiệt thành của Thủ Tướng, của chính phủ trong cuộc chiến đấu chống việt cộng, viện trợ của ngoại quốc ngày càng dồi dào. Riêng nước Mỹ đã hết sức chú trọng đến Việt Nam. Các cố vấn Mỹ, các nhà ngoại giao đua nhau sang Việt Nam nghiên cứu. Dựa vào viện trợ Mỹ, Quân Đội Việt Nam sẽ được trang bị tối tân.
Chính phủ Trần Văn Hữu vừa thành lập, tình hình quốc tế đã biến chuyển rất nhanh, ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Việc thứ nhất là biên cương Việt Nam mở rộng trước Trung Hoa cộng sản, việc thứ hai là cuộc chiến tranh tại Cao Ly. Hai việc lớn đó càng ngày càng chịu ảnh hưởng lên cục diện địa phương Việt Nam. Riêng bóng người Hồng Quân Trung Hoa thấp thoáng ở biên giới đã là một ưu thế mạnh cho địch thủ của phe quốc gia dân tộc…Việt Nam cần phải nhẩy sang một bước khác mạnh hơn, quyết liệt hơn trong giai đoạn đấu tranh thực sự gay go với một kẻ địch đang hùng mạnh.
Tháng 6 năm 1952, Thủ Tướng Trần Văn Hữu tuyên bố hết nhiệm vụ.
Trong hai năm tròn, Nội Các Trần Văn Hữu cải tổ hai lượt. Lượt thứ nhất ngày 20 tháng 2.1951 sau Hội Nghị Pau:
• Trần Văn Hữu: Thủ Tướng kiêm Ngoại Giao, Nội Vụ, Quốc Phòng.
• Nguyễn Khắc Vệ: Phó Thủ Tướng kiêm Tư Pháp.
• Vương Quang Nhường: Tổng Trưởng Phụ Tá Thủ Tướng Phủ kiêm Quốc Gia Giáo Dục.
• Nguyễn Trung Vinh: Tổng Trưởng Tài Chánh.
• Trần Văn Khá: Tổng Trưởng Kinh Tế.
• Đặng Hữu Chí: Tổng Trưởng Y Tế.
• Dương Tấn Tài: Tổng Trưởng Công Vụ.
• Lê Quang Huy: Tổng Trưởng Giao Thông Công Chính.
• Nguyễn Duy Thanh: Tổng Trưởng Kế Hoạch
• Nguyễn Văn Tâm: Tổng Trưởng An Ninh.
• Hoàng Cung: Tổng Trưởng Xã Hội.
• Trần Văn Tuyên: Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng.
• Nguyễn Hữu Thuần: Bộ Trưởng Ngoại Giao.
• Đinh Xuân Quảng: Bộ Trưởng Ngân Khố
• Phạm Văn Bình: Bộ Trưởng Thanh Niên.
• Nguyễn Trí Độ: Thứ Trưởng Lao Động.
• Nội Các thứ ba ngày 8 tháng 3.1952 sửa đổi như sau:
• Trần Văn Hữu: Thủ Tướng kiêm Quốc Phòng và Tài Chính.
• Vương Quang Nhường: Tổng Trưởng Tư Pháp.
• Nguyễn Trung Vinh: Tổng Trưởng Ngoại Giao.
• Nguyễn Văn Tâm: Tổng Trưởng Nội Vụ.
• Lê Văn Hoạch: Tổng Trưởng Canh Nông.
• Nguyễn Chánh Hải: Tổng Trưởng Xã Hội Lao Động.
• Nguyễn Thành Giung: Tổng Trưởng Giáo Dục Thanh Niên.
• Lê Quang Huy: Tổng Trưởng Công Chính Viễn Thông.
• Nguyễn Duy Thanh: Tổng Trưởng Kế Hoạch Kiến Thiết.
• Nghiêm Văn Tri: Tổng Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng.
• Phạm Văn Hải: Tổng Trưởng Tài Chánh.
• Nguyễn Trác: Quốc Vụ Khanh.
• Đinh Xuân Quảng: Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng.
• Lý Binh Huê: Bộ Trưởng Thương Mai Kỹ Nghệ.
• Đỗ Văn Hoành: Bộ Trưởng Y Tế.
Nội Các Trần Văn Hữu từ chức. Nhìn tổng quát trong ‘’vấn đề thành công’’ của chính phủ Trần Văn Hữu, ta thấy hai điểm rõ rệt.
– Điểm kết quả nói chung về hành động và tổ chức
– Điểm kết quả về tinh thần, tư tưởng.
Nói chung về những kết quả tổ chức và hành động. Chính phủ Trần Văn Hữu chưa được nổi bật, lý do đặc biệt nhất vẫn là vấn đề nhân sự. Nhân tài trong vùng quốc gia quãng 1950 rất ít ỏi. Từ 1945, dưới bàn tay Việt Minh, những phần tử có khuynh hướng quốc gia đều lần lượt bị ‘’thủ tiêu’’ với cái nghĩa rộng rãi của nó:
– Bị xử bắn công khai hay bí mật như Học Giả Phạm Quỳnh, Tuần Phủ Cung Đình Vận, lãnh tụ Tạ Thu Thâu
– Bị đưa đi an trí một số lớn các giáo sĩ, bác sĩ, giáo sư, quan lại cũ
– Bị chi phối hay đồng hóa như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phan Anh, Chu Bá Phượng…
Số nhân tài trong vùng quốc gia hiện nay đều đã may mắn thoát khỏi nanh vuốt Việt Minh nhờ xự sơ xuất của các cơ quan Việt Minh địa phương hoặc nhờ sự can thiệp của Quân Đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa hoặc nhờ sự can thiệp của quân đội Pháp. Trong số người xót lại, còn cõi vì thời cuộc, đã tự phân ra làm nhiều loại:
– Các chính trị gia già nua, chầy chật vì nghịch cảnh trên trường tranh đấu, chán cảnh đời vì sự nghiệp không thành, xoay ra đi gõ đầu trẻ, viết sách báo sống cho qua ngày.
– Các nhân sĩ đa nghi, coi chính trị là một nghề bạc bẽo, họ hoài nghi, mất tự tin, không tin người và không tin cả chính mình nữa, thỉnh thoảng óc hoạt động nổi lên muốn làm một cái gì nhưng vì nghi ngại, nhát sợ, chùn lại sống an thân và chờ thời…vô thời hạn.
Ngoài những chính trị gia nói trên và một số những nhân tài chỉ có thể góp phần hoạt động về chuyên môn, những người khác còn lại hoặc biến thành lái buôn hoặc sống an nhàn trong gia đình, qua ngày đoạn tháng.
Nhân nạn ‘’khan nhân tài’’ trong vùng quốc gia Việt Nam dùng thêm lối tuyên truyền sâu sắc khiến cho những kẻ có lòng muốn tham gia giúp nước đều luôn luôn sống trong trạng thái tâm lý giao động, lúc muốn ở bên này, lúc muốn ở bên kia, e e, ngại ngại để rút cuộc cứ ngồi ý một chỗ mặc thời gian vô tình trôi…
Chờ thời đây là hoặc là Việt Minh thắng để sẽ cùng tham gia ‘’cách mạng’’ hoặc chờ tới khi nào đau khổ của quốc dân lên đến cực độ, chờ quốc gia đã Độc Lập, Tự Do hoàn toàn như ý muốn rồi mới ‘’chịu’’ xuất đầu lộ diện…‘’Muôn sự khởi đầu nan’’, cái khó khăn lúc đầu ấy đã quá dài, dài từ ngày ra đi của Quốc Trưởng Bảo Đại, qua sự tập hợp của chính phủ Trung Ương Lâm Thời Nguyễn Văn Xuân, qua sự thử thách của lá bài Nguyễn Phan Long rồi đến Nội Các Trần Văn Hữu và…sẽ còn kéo dài, cho đến bao giờ Quốc Gia Việt Nam có một chính quyền vững mạnh, một quân đội hùng hậu, không còn chi đáng lo ngại…
Ngoài số nhân tài không sợ thị phi, không sợ cộng sản hăng hái lăn lộn với lá bài quốc gia, đang hết sức giúp Quốc Trưởng xúc tiến xây dựng một ý thức quốc gia chân chính, một số lớn người khác vì không chịu đựng được chính thể vô sản độc tài của Việt Minh cũng đã lần lượt tìm cách trở về Thành. Muốn sống an ninh, tự do trong vùng quốc gia những người lẩn trốn Việt Minh lại mắc cái bệnh ‘’trùm chăn’’ không chịu tham gia phát triển sự an ninh chung. Bệnh đó cần phải được chính bản thân những con bệnh tự cố gắng thoát khỏi.
Tuy vấn đề tổ chức và hành động của chính phủ Trần Văn Hữu vấp phải yếu tố nhân tài, kết quả chưa được lạc quan lắm nhưng chính phủ của họ Trần cũng đã thắng lợi lớn trên phương diện tinh thần.
Trước hết chính phủ Trần Văn Hữu đã đặt viên đá chắc chắn và gọn ghẽ trên lâu đài ‘’Chính Nghĩa Quốc Gia’’. Một chính phủ đường hoàng đặt dưới sự lãnh đạo tối cao của Quốc Trưởng đã lôi kéo dần dần dân chúng từ vùng Việt Minh về. Nếu một số lưng chừng vẫn còn e dè bước đường tiến của chính phủ quốc gia trong giai đoạn thì đa số dân chúng đã tỏ lòng tin cậy Quốc Trưởng đã bỏ chính phủ cụ Hồ, đã hồi cư để hy vọng một đời sống tự do, an ninh và đầy đủ.
Dân chúng từ chối hoài nghi đã tiến dần đến chỗ có thiện chí công nhận vùng quốc gia có một chính phủ quốc gia. Trái với quan niệm xưa kia: Vùng ‘’tạm chiếm’’ chỉ có những ‘’Bù nhìn Việt gian’’ quan niệm tàn ác và tai hại đó đã là một trở lực lớn lao họ những lãnh tụ quốc gia trên bước đường tranh đấu, đã làm mủi lòng người chiến sĩ quốc gia nhưng thật ra quan niệm ấy cũng là một ngọn lửa thử thách trí cương quyết và lòng ái quốc chân chính của từng người.
Thủ Tướng Trần Văn Hữu hết nhiệm vụ nhưng còn lắm chông gai trên bước đường tranh đấu đi đến chính nghĩa, còn làm cản trở, làm đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác những người ái quốc. Nhưng đã yêu nước thương nòi thì kể chi đến khó khăn!
Ông Nguyễn Văn Tâm, một người hăng hái, can đảm, đủ nghị lực, đủ đức tính để ‘’chống cộng sản’’ được Quốc Trưởng tin cậy, chỉ định ra tiếp tục bồi đắp thêm ý thức quốc gia.