Good as it is to inherit a library, it is better to collect one.

Augustine Birrell, Obiter Dicta, "Book Buying"

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Nhật Nam
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5188 / 191
Cập nhật: 2015-09-22 19:37:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Một Người Tù Vừa Được Thả Một Tiền Đồn Bị Tràn Ngập.
uối cùng, bà Ngô Bá Thành đã được thả, tuy tình trạng chỉ là tại ngoại hầu tra, nhưng từ vị thế của một người sắp sửa để trao trả cho Mặt Trận Giải Phóng trong hạ tuần tháng 7-73 đến tình trạng hiện tại, quả tình đã có một thay đổi rất lớn. Sự thay đổi có nhiều nguyên do, gây nên từ nhiều sức ép; cũng như hành động rùm beng tô vẽ của nhiều đoàn thể, cá nhân chung quanh người đàn bà này làm người viết phải suy nghĩ... Bà Thành! Bà là ai? Sau lưng bà là tôn giáo cực tả, cộng sản hay người Mỹ?!! Ý nghĩ dấy lên đau đớn. Bao nhiêu năm tháng tù tội của một đời rốt cuộc cũng chỉ là con bài mặt của những dự mưu thâm hiểm hay sao? Và mục tiêu của phong trào Đòi Quyền Sống, trong đó vắng bóng dáng tội nghiệp và niềm ao ước nhỏ nhoi của người lính cùng tập thể gia đình họ, những người có thẩm quyền nhất để được đòi quyền sống yên lành. Bà Thành, người đàn bà trí thức với năm mươi bảy tháng tù trong cô quạnh cùng lời tuyên bố kiêu hãnh “Tôi là thành phần thứ ba...” Thành phần thứ ba, thành phần bề mặt tối cần thiết để hoàn thành bước chót của Hiệp Định Ba Lê. Và ước mơ của dân tộc có được gói đủ trong những dòng chữ rất nhiều nghĩa của tấm Hiệp Định quái gở này chăng? Trại Tống Lệ Chân với 293 người lính Biệt động quân, đám thân nhân gia đình binh sĩ chạy nhốn nháo giữa rừng già trong tiếng nổ dồn dập của bộc phá. Tiểu đoàn K2 đặc công quyết làm đầu cầu để lực lượng sư đoàn 320 chính qui Bắc Việt dứt điểm trại. Không ai nói đến 293 người lính này, không ai nghĩ đến hình ảnh người đàn bà vợ một binh nhất tay bế con nương theo chồng dưới lằn đạn của những người Cách Mạng Việt Nam: Cuộc cách mạng kết tập bởi giai cấp công-nông gồm nhân dân giác ngộ. Người lính, người vợ, đứa trẻ nhỏ, chắc hẳn đã là những trở ngại của bước tiến cách mạng vô sản Việt Nam đó. Những người này có quyền đòi quyền sống không? Bà Thành có kể thêm họ vào mục tiêu tranh đấu...?
Phong trào Đòi Quyền Sống của bà Thành có ý niệm nào về những người đau khổ này? Và một tờ báo mang nhản hiệu đối lập đấu tranh cho “nhân dân yêu nước” có chăng hình tượng chiếc trại bốc cháy giữa rừng xanh, rộ tiếng reo hò đẫm máu của lực lượng quân đội Hà Nội?! Trong hỗn loạn với những hình ảnh chập chờn nhức nhối này Bà Thành được trả tự do.
Không ai phủ nhận giá trị cá nhân người đàn bà nổi tiếng với bốn mươi mốt tuổi, tiến sĩ Công pháp quốc tế, năm mươi bảy tháng tù tội liên tục trong bảy năm... Không thể là những tiêu chuẩn bình thường mà mọi người đều có thể thực hiện. Văn bằng đó đã có nhiều người khác đạt được, nhưng quả tình rất hiếm hoi nơi đất nước ta, ở vùng Đông Nam Á, cũng có thể nói toàn cõi Á - Phi, ngay trên khắp thế giới. Tiến sĩ Công pháp quốc tế, một bằng cấp bảo đảm nhiều khả năng và giá trị; năm mươi bảy tháng tù trong hiu quạnh cùng lúc niềm tin, ý tất thắng vượt qua nghịch cảnh trong trạng huống khó khăn để hoàn tất bước chót hoài bão lại là một tiêu chuẩn khác rất khó đạt. Dù đã có nhiều người ở tù lâu hơn, đã có nhiều cảnh tù cực khổ đau đớn hơn, nhưng một người đàn bà từ chối an lành để đem đời xuống đường phố, vào lao tù, đối diện bức tường lạnh trong thời gian đằng đẵng năm mươi bảy tháng quả tình không thể là sự kiện bình thường... Chắc chắn phải được thôi thúc từ một dự tính cao cả mang vóc dáng to lớn theo kích thước của quê hương. Phải thán phục, người đàn bà đã từ chối sự bình yên thụ động, dấn thân vào nơi bão lửa chấp nhận những thiệt thòi đau đớn cụ thể.
Nhưng những kính phục trên khía cạnh cá nhân không thể ngăn nổi hoài nghi cùng câu hỏi: Bà Thành đã thực hiện cuộc đấu tranh với mục đích gì? Không thể nghĩ một cách giản dị, đây là cuộc đấu tranh đơn độc của người đàn bà trí thức vùng dậy chống đối một chế độ nhiều sơ hở. Không thể nghĩ nông cạn và giản lược toàn bộ một cuộc đấu tranh rất có hệ thống và đa diện vào một mục tiêu đơn độc như thế.
Vậy, nhìn lại những năm trước với những hành động của phong trào: Đấu tranh yểm trợ phong trào Thương Phế binh, đòi hủy bỏ chính sách quân sự học đường, tham dự vào cuộc tranh chấp của hai phe nhà chùa về một bất động sản... Những mục tiêu hạn hẹp, đoản kỳ, hụt hơi không thể nào là mục tiêu chiến thuật của phong trào mang vóc dáng to lớn với tiêu đề hàm súc: Đòi Quyền Sống?!! Ngoài ra phong trào đã bỏ qua, đã với không tới biết bao nhiêu mục tiêu rất đáng được để giành ưu tiên quyền được sống: Người lính chiến đấu cùng hệ thống gia đình lầm than của họ...
Những mục tiêu lúng túng, ngắn hạn, thụ động và vô ích càng ngày tỏ rõ thực chất của phong trào. Một đoàn thể hỗn tạp với bề mặt sôi nổi hiếu động, thiếu quan niệm chiến lược chỉ đạo để rút cuộc hiện nguyên hình là một bộ phận xách động vô tổ chức, cố thực hiện cho bằng được một vài mục tiêu bề mặt. Hình trạng của phong trào trong những năm 69, 70 làm ta nghĩ đến mũi giáo tiền phong thay mặt hợp pháp cho Cộng sản ở đường phố Sài Gòn. Tôi e ngại khi nghĩ như trên vì sợ rằng đã hạ thấp phẩm giá người cầm đầu phong trào, một phụ nữ hằng chứng tỏ khả năng dẻo dai, sung sức với căn bản trí thức vững chãi, một người có đủ lực ngăn chặn mình không lầm lẫn khi thực hiện những mục tiêu hạn chế trong đường phố Sàigòn, những “mục tiêu tập dượt” chỉ đáng dành riêng cho đám sinh viên đàn em. Hơn nữa, nếu quan niệm bà Thành là một cán bộ trung cấp nội thành của Mặt Trận thì quả tình không nghiêm chỉnh. Sự trùng hợp về tính chất của mục tiêu phong trào và ý đồ của Mặt Trận chỉ có thể là một chuyện ngẫu nhiên có dự tính!!
Vậy, mục tiêu to lớn trong kích thước Dân Tộc không có, cán bộ trung cấp của Mặt Trận không phải... Thì Bà Thành là ai?!! Cần mở một dấu ngoặc ở đây, nếu Bà thành là “cán bộ gộc” thì Mặt Trận không đời nào chịu hao tổn lực lượng bằng cách dàn ra trống trải đám cán bộ cỡ “quốc tế” như bà ta ra đường phố với sư, cha, sinh viên con nít... Nhưng nếu tất cả không phải là hai vế trên, thì Bà Thành chỉ còn lại là một chiếc “phông” để hiển hiện lên đó toàn bộ bản chất và chủ đích của người Mỹ. Phải, chỉ có thể là như vậy.
Ý nghĩa trên đã được thành hình với toàn thể tính chất não nề, cay đắng. Một cá nhân xuất sắc, một căn bản trí thức vững chãi, chuỗi ngày dài tranh đấu với năm mươi bảy tháng tù câm nín với một tiêu đề to lớn rốt cuộc chỉ là lá bài tẩy cho lực lượng lót đường hình thành bản Hiệp Định tái lập Hòa Bình Việt Nam. Bản Hiệp Định phản ảnh rất dễ bị xuyên tạc, rất nguy hiểm, ngụy trang sâu sau ước vọng của toàn dân tộc nhưng đã được nhận định: “Đó là một thắng lợi to lớn, chứng tỏ chính nghĩa nhất định thắng”... Nhận định của Bà Thành, nhận định này có những từ ngữ của người Cộng sản, nhận định cũng bao gồm sự diễn giải Điều 1 Hiệp Định theo quan điểm của Hà Nội, của Mặt Trận. “Chính nghĩa nhất định thắng”. Thành ngữ đãi lọc đã được phổ quát do Hồ Chủ tịch. Nhưng điểm quan trọng không phải ở vài từ ngữ mang hơi hướng Cộng sản này; cũng không phải lời chào đặc sệt mùi vị vô sản “gởi lời chào đồng bào cả nước” của bà Thành làm chúng ta chú ý. Chúng ta nói đến vẻ kiêu hãnh của lời tuyên bố “Tôi là thành phần thứ ba...”. Thành phần thứ ba, quả tình tất cả sinh hoạt chính trị trong và ngoài nước đang chủ tâm, đang hướng toàn bộ khả năng định giá vào những người rải rác khắp nơi trên Âu, Á... Bảo Đại, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Chánh Thi, Nghị Sĩ Mẫu, Đại Tướng Minh... Những khuôn mặt cũ kỹ đã bị thời cuộc bào nhẵn nay được nhuộm lại màu sắc để chuẩn bị cho thế đấu tranh mới. Thế đấu tranh dứt điểm tình trạng Việt Nam theo sách lược của người Mỹ hay là của Kissinger - ông Ngoại Trưởng thượng hảo hạng của Hiệp Chủng Quốc. Trong đám người được tô vẽ có hệ thống tội nghiệp yếu kém kia có bà Thành với sự góp mặt kiêu hãnh thảm thương “ Tôi là thành phần thứ ba!!”. Thành phần không có chân trong cộng đồng dân tộc, thành phần sinh sau đẻ muộn từ một cõi ngoài Việt Nam, sản phẩm tối cần thiết cho tác phẩm Kissinger.
Nhìn bản Hiệp Định dưới nhãn quan tàn nhẫn đích thực kia, thấy toàn thể rã rời ốm yếu của thành phần thứ ba ấy, xét được nỗi vô ích của năm mươi bảy tháng tù, mảnh bằng tiến sĩ Công pháp, sự quảng cáo lố bịch ồn ào các tờ báo Sài Gòn chung quanh bà Thành, tự nhiên lòng sôi niềm công phẫn. Đã quá nhiều người nhân danh Tổ Quốc và Nhân Dân, đã quá nhiều người hân hoan bạo ngược trên bầu rượu máu Việt Nam, trại Tống Lệ Chân với 293 người lính cùng đám thân nhân góp phần đời sống vào bữa tiệc đau đớn này. Thành phần thứ ba - Người dự tiệc mới mẻ! Hãy giới hạn nỗi hân hoan tàn nhẫn của các người.
Thật nguy hiểm khi nhận định: Sự kiện Lệ Chân là một thử thách cho nền hòa bình của Hiệp Định (Hòa Bình của Hiệp Định không là Hòa Bình của Việt Nam). Phải bỏ qua sự kiện, xem như là tai nạn cục bộ, địa phương để xúc tiến và hoàn tất việc kết tập thành phần thứ ba, đi bước chót của Hiệp Định. Hoặc phải đặt vấn đề máu để lương tâm và phẩm tính con người chuộng công lý, chuộng liêm sỉ chọn lựa. Chúng ta đang bị vây bởi vòng đai lửa hiểm độc, mọi lối thoát đều bị kiểm soát và phê phán khắc nghiệt cùng lúc tiếng reo hò man rợ của kẻ thù bốn phía dấy lên. Hình ảnh, bài báo phỏng vấn bà Thành cùng một lần câu chuyện chiếc đồn bốc cháy được nêu lên trên trang nhất các tờ báo hằng ngày chính là bằng cớ về một chọn lựa giữa lương tâm và luân lý; nước mắt đau đớn phẫn nộ hay một đồng lõa tồi tệ thụ động buông xuôi theo hoàn cảnh vượt khỏi tầm tay.
Tháng 11-1973
Tù Binh Và Hòa Bình Tù Binh Và Hòa Bình - Phan Nhật Nam Tù Binh Và Hòa Bình