N
gày xưa có hai vợ chồng già sống ở vùng núi Sở Tư Dã. Hai ông bà có hai anh con trai và một người con gái. Khi con gái khôn lớn, cô đi lấy chồng và theo chồng đến một nơi xa, còn hai anh con trai lấy vợ và ở lại sống cùng cha mẹ. Họ sống sung túc, êm vui. Nhưng tai hoạ xảy đến. Một trận dịch bệnh đã cướp đi bà mẹ già, rồi chẳng bao lâu, giết nốt cả hai người con trai. Ông già còn lại sống với hai chị con dâu. Ông không còn đủ sức làm lụng công việc đồng áng, vì vậy cơ nghiệp trút cả cho hai chị con dâu gánh vác. Thời gian trôi đi, hai chị con dâu đối xử với bố chồng càng ngày càng tồi tệ. Họ ngược đãi ông cụ, bắt ông làm công việc nặng nhọc: hết bổ củi, lại xách nước, không thì vào núi canh giữ cừu giữa bão tuyết rét mướt. Nhưng ăn uống, thì họ cho ông cụ ăn khổ ăn sở: chỉ vài miếng bánh tráng lạnh cứng với ít tiết bò già. Công việc khổ cực làm ông già suy yếu từng giờ, chứ không còn phải từng ngày nữa, và chẳng bao lâu ông cụ tiều tuy đến mức tưởng như chẳng mấy lúc nữa là về chầu ông bà ông vãi. Cuối cùng, ông cụ quyết định nhắn tin cho con gái, để người con gái gửi cho ông cụ chút gì mà sống. Ông cụ ra giữa đường cái lớn, nơi thường có các đoàn thồ hàng vẫn qua lại, và ngồi xuống bên vệ đường chờ. Ánh nắng sưởi ấm, ông già thiếp ngủ đi lúc nào không biết, và lúc đó, một đàn bò Tây Tạng thồ hàng đi qua trên đường. Hây! Hây! - Người đánh bò dẫn đầu đoàn thô kêu to. - Ông già, sao ông lại nằm ngủ ở đường như thế? Ông không sợ bò thồ giẫm phải người ư? Ông già tỉnh dậy và nhã nhăn nói với những người thổ hàng chuyển hộ lời chào của mình cho con gái và nói cho con ông biết: "Mẹ và hai anh con không may qua đời cả rồi, riêng cha còn sống. Bây giờ cha chăn cừu cho hai người con dâu, mà ăn thì họ chỉ cho bánh tráng lạnh cứng với tiết bò già, còn món đzamba và bia lúa mạch thì từ lâu cha chẳng còn nhớ vị nó ra làm sao nữa! Đoàn thồ hàng tiếp tục đi, và chẳng bao lâu đã đến làng con gái ông cụ già sống ở nhà chồng. Nghe chuyện cha mình, người con gái khóc lóc thương xót: -Khốn khổ cha tôi, khốn khổ cha tôi! Ai ngờ đến lúc tuổi già lại phải chịu cay đắng như thế! Cha già yếu quá rồi mà người ta còn bắt vào núi chăn cừu, nhưng cho ăn lại chỉ mấy miếng bánh tráng khô lạnh! Như thế còn gì là sống nửa kia chứ! Biết được ngày đoàn thổ hàng quay trở lại, người con gái nhờ những người thồ hàng chuyển hộ về cho cha mình một viên gạch nhỏ, trong đó giấu kín một viên ngọc lam quý khá lớn. -Nhờ các bác nói lại với cha cháu- người con gái nói với những người đi thồ hàng - nếu cha cháu muốn sống dễ chịu hơn, xin cha cháu xem kỹ trong viên gạch, nhưng xin cha cháu giữ lấy, chớ có bán đi! Lúc ấy, người cha ngày ngày cứ lùa cừu đi trên đường, hy vọng chờ được tin tức của con gái. Cuối cùng, đoàn thồ trở về, những người thồ hàng trao cho ông cụ viên gạch và kể lại những lời người con gái nhờ nói lại. Ông già cảm ơn họ rồi bửa viên gạch ra và tìm thấy viên ngọc lam trong đó. Ông buồn rầu không hiểu vì sao người con gái lại không cho bán viên ngọc đi. Về tới nhà, nhìn thấy hai người con dâu, bấy giờ ông mới chợt hiểu ra: viên ngọc chính là có ích thế này đây! "Chà, con gái thông minh của cha!" - Ông già thầm nghĩ. Sáng hôm sau, khi người con dâu thứ không có nhà, ông già lấy viên ngọc quí ra và đưa cho chị con dâu trưởng nhìn: -Viên ngọc này con gái ta hôm qua mới gửi đến cho. Nó quí lắm, nhưng cha không bán, khi nào cha chết, cha sẽ để lại cho con! Nghe thấy vậy, chị con dâu trưởng mừng rỡ, nghĩ thầm: "Ông già chẳng còn kéo dài được bao hơi sức nữa; nghĩa là: chẳng bao lâu nữa ta sẽ giàu to! Từ hôm đó, chị ta thay đổi hẳn thái độ đối xử với bố chồng: chị ta bắt đầu chăm sóc ông già, không còn mắng chửi, không bắt ông cụ vào núi chăn cừu, cũng không bắt ăn tiết bò khô nữa. Nửa buổi, chị con dâu thứ trở về, còn người con dâu trưởng đi đâu vắng. Ông già lại lấy viên ngọc ra khoe và bảo: -Đây là quà của con gái ta gửi cho. Một bảo vật, nhưng cha không đem bán đâu, cha muốn sau khi chết sẽ để lại cho con. Chị con dâu thứ lấy làm hài lòng lắm. "Ông cụ già khọm rồi, chẳng sống được bao nữa đâu. - Chị ta nghĩ thầm, - Bây giờ tạm thời phải chăm sóc ông cụ, cho ông cụ ăn ngon hơn, để ông cụ không thay đổi ý kiến". Và chị con dâu thứ cũng bắt đầu quan tâm đến ông bố chồng. Cả hai người con dâu cố gắng hết sức mình, chị nào cũng cho rằng: chính mình sẽ là người được thừa kế viên ngọc quí sau khi ông bố chồng qua đời. Một năm trôi qua, ông già lâm bệnh nặng. Cảm thấy chẳng còn sống được bao lâu nữa, ông già lấy viên ngọc ra giấu lại vào trong viên gạch, đem nhét viên gạch vào đuôi xà nhà ám khói, thò ra phía trên bếp lò. Bên cạnh bếp lò có một cái chum đựng nước. Ông già nhìn xuống nướ và mỉm cười về một điều gì đó. Khi hai chị em dâu đến, ông cụ bảo họ cho đi gọi người con gái về: Cho cha thấy mặt nó lần chót rồi cha yên tâm nhắm mắt! Còn nếu như nó về mà cha không còn sống nữa, các con hãy chuyển lời cha cho nó: -Như nhịp cầu, rồng vươn qua mặt nước, -Đuôi rồng in bóng xuống một vệt đen -Nhìn thấy hình, hãy ngước mắt nhìn lên, -Trong đuôi rồng - ấy là viên ngọc. Ông già qua đời, không đợi được con gái trở về. Sau khi ông già tắt thở hai chị em dâu lao đi tìm viên ngọc. Họ bới tung giường chiếu lên, nhưng không tìm đâu ra viên đá quí ấy! Cả hai tức tối điên khùng, nhưng cũng chẳng làm gì được, họ đành đợi người em chồng về. Con gái ông cụ về, biết tin cha đã qua đời, liền oà khóc thảm thiết. Chị làm mọi thủ tục lễ viếng, sau đó hỏi hai chị dâu: -Trước khi cha đi có dặn lại gì em không? Có, - hai người trả lời, - nhưng có điều chúng tôi không hiểu ông cụ muốn nói gì! -Như nhịp cầu, rồng vươn qua mặt nước! -Đuôi rồng in bóng xuống một vệt đen! -Nhìn thấy hình, hãy ngước mắt nhìn lên, -Trong đuôi rồng - ấy là viên ngọc. Con gái ông già vốn thông minh, đã hiểu ra ngay. Chị đi đến chỗ chum lớn đựng nước, nhìn xuống mặt nước thì thấy hình chiếc xà nhà, đuôi xà nhà bị ám khói đen kịt. Chị đưa tay sờ tìm, và thấy viên gạch đất. Thế là viên ngọc lại trở về với người con gái thông minh của ông già.