Love is the only way to grasp another human being in the innermost core of his personality.

Viktor E. Frankl

 
 
 
 
 
Tác giả: Maurice Druon
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Tistou Les Pouces Verts
Dịch giả: Nguyễn Văn Quang
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 149 / 5
Cập nhật: 2019-12-06 09:01:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15 - Tix-Tu Học Bài Học Về Địa Lý Và Bài Học Về Nhà Máy. Ở Đâu Và Vì Sao Cuộc Đụng Độ Giữa Hai Nước Va-Dy Và Va-Tăng Lại Lan Nhanh Một Cách Bất Ngờ
ng Tru-na-đix đang ngồi sau bàn làm việc của mình. Ông lại nói oang oang như lệnh vỡ và cùng một lúc hét vào ba máy điện thoại. Xem thế đủ biết ông Tru-na-đix rất bận.
- Bao giờ cũng như vậy, - Ông nói với Tix-tu - khi chiến tranh nổ ra đâu đó trên hành tinh chúng ta, thì ở Mi-rơ-poan, công việc của chúng ta sẽ tăng gấp đôi.
Thực thế, buổi sáng Tix-tu nhận thấy còi nhà máy hú hai lần lâu hơn thường lệ, công nhân kéo đến làm việc đông gấp đôi, chín cái ống khói mới nhả khói nhiều gấp bội, đến nỗi cả một vùng trời u tối đi.
- Khi nào ông đỡ bận, cháu quay lại được chứ ạ?
- Cậu muốn hỏi gì tôi?
- Cháu muốn biết chiến tranh lần này nổ ra ở đâu?
Ông Tru-na-đix đứng dậy, dẫn Tix-tu đến một quả địa cầu, xoay xoay nó rồi chấm ngón tay trỏ vào giữa.
- Cậu thấy cái sa mạc này hả?... Đấy, chính ở đấy.
Dưới ngón tay ông Tru-na-đix, Tix-tu trông thấy một vết hồng tự như cái kẹo hạnh nhân.
- Thưa ông Tru-na-đix, vì sao chiến tranh lại nổ ra ở đó ạ?
- Rất dễ hiểu.
Khi ông Tru-na-đix bảo chuyện gì dễ hiểu, thì Tix-tu lại nghi hoặc, nói chung, chuyện đó rất phức tạp. Nhưng lần này, Tix-tu quyết tâm lắng nghe.
- Dễ hiểu lắm, - Ông Tru-na-đix nhắc lại - sa mạc này chẳng là của ai.
“Chẳng là của ai…”, Tix-tu thầm nhắc.
- Nhưng bên trái là dân tộc Va-dy, bên phải là dân tộc Va-tăng.
“Va-dy… Va-tăng”, Tix-tu lại thầm nhắc; quả thực em rất chăm chú lắng nghe.
Gần đây, dân Va-dy thông báo họ muốn lấy sa mạc ấy, dân Va-tăng đáp lại rằng họ cũng muốn vậy. Dân Va-dy liền dồn ra biên giới, dân Va-tăng cũng làm y hệt. Cánh Va-dy liền gửi một bức điện cho cánh Va-tăng, yêu cầu Va-tăng rút đi. Cánh Va-tăng loan trên đài phát thanh rằng họ cấm cánh Va-dy ở lại. Hiện nay, quân đội hai bên đều đã xuất phát, hễ gặp nhau là choảng liền.
- Vậy có gì trong cái kẹo hạnh nhân… Cháu muốn nói… cái sa mạc này ạ? Vườn cây chăng? – Tix-tu hỏi.
- Không có gì ráo, sa mạc mà! Chỉ toàn đá thôi.
- Vậy họ đánh nhau để tranh sỏi ư?
- Họ muốn độc chiếm cái bên dưới kia.
- Bên dưới sa mạc ạ? Có gì ạ?
- Dầu lửa!
- Tại sao họ muốn có dầu?
- Họ muốn chiếm để cho nước khác không có. Họ muốn có dầu vì lẽ muốn làm chiến tranh nhất thiết phải có dầu.
Tix-tu rất hiểu rằng lời giảng giải của ông Tru-na-đix bao giờ cũng càng ngày càng khó hiểu.
Em nhắm mắt lại để suy nghĩ tốt hơn.
“Nếu cháu hiểu đúng thì Va-dy và Va-tăng gây chiến với nhau là do dầu lửa, bởi vì có dầu mới có thể làm chiến tranh”. Em mở mắt ra.
- Thật ngốc! – Em nói.
Hai tai ông Tru-na-đix đỏ tía lên.
- Tix-tu, cậu muốn xơi trứng ngỗng hả?
- Không ạ. - Tix-tu đáp - Nhưng cháu muốn dân Va-dy và Va-tăng đừng đánh nhau.
Dấu hiệu của lòng tốt ấy tạm thời làm nguội cơn giận của ông Tru-na-đix.
- Đã hẳn, đã hẳn. - Ông nhún vai đáp - Chẳng ai muốn chiến tranh. Nhưng nó vẫn tồn tại…
“Có thể làm gì để ngăn chặn chiến tranh?...”, Tixtu tự hỏi, “Chạm hai ngón tay cái lên cái vết hồng trên địa cầu?”.
- Sa mạc này xa lắm ạ? – Em hỏi.
- Bằng nửa khoảng cách từ đây đến bên kia trái đất.
- Thế thì chiến tranh không thể lan tới Mi-rơ-poan sao?
- Không hẳn đâu. Người ta có thể biết nơi chiến tranh bùng nổ, nhưng không bao giờ biết được nơi nó kết thúc. Dân Va-dy có thể cầu cứu một nước lớn, dân Va-tăng cầu cứu một nước lớn khác. Hai nước lớn đánh nhau. Người ta gọi đó là xung đột mở rộng.
Đầu Tix-tu nóng như một động cơ đang chạy.
“Vâng, nói gọn lại, chiến tranh giống y như một thứ cỏ gấu khủng khiếp mọc trên mặt đất… Có thể lấy, cây cỏ nào khác để diệt nó?...”.
- Bây giờ cậu đi với tôi. – Ông Tru-na-đix bảo - Cậu sẽ thấy nhà máy đang kỳ làm ăn phát đạt lắm, đấy cũng là một bài học hay.
Ông hét mấy mệnh lệnh vào ba máy điện thoại, rồi đi ra cùng Tix-tu.
Mới đầu, Tix-tu ù tai đi vì tiếng ồn. Các búa máy nện thình thịch, các cỗ máy kêu vù vù như hàng triệu con quay. Phải hét lên mới nghe được nhau, ngay cả đối với ông Tru-na-đix vốn nói oang oang như lệnh vỡ.
Tix-tu cũng loá mắt vì muôn ngàn tia loé sáng phóng ra từ mọi chỗ; thép chảy trên đất thành những dòng suối khổng lồ nóng bỏng; nóng kinh người; người làm việc trong cái nhà máy mênh mông này nom bé tí và đen bóng. Ra khỏi xưởng đúc, Tix-tu đến thăm xưởng tiện, xưởng mài, xưởng sản xuất xe bọc thép hay xe ô-tô tải; nhà máy của bố em sản xuất mọi thứ cần thiết cho chiến tranh, vũ khí và quân trang quân dụng.
Mai là ngày giao hàng nên công nhân đang đóng gói hàng hoá vô cùng thận trọng như đóng đồ sành sứ.
Sau hết, ông Tru-na-đix chỉ cho Tix-tu xem hai cỗ pháo lớn, cao như hai tháp nhà thờ và bóng lộn như phết bơ.
Treo trên những dây xích to, hai cỗ pháo chuyển dịch chầm chậm trong không trung; rồi chúng được khẽ khàng, hết sức khẽ khàng đặt xuống mấy cái rơ-moóc ô-tô tưởng như nối nhau đến vô tận.
- Cậu Tix-tu ạ, chính những khẩu pháo này làm giàu cho Mi-rơ-poan đấy. - Ông Tru-na-đix hét lên - Một phát đạn pháo bắn đi có thể phá trụi bốn toà nhà khổng lồ như nhà cậu.
Nghe thông báo này, Tix-tu chẳng hề hãnh diện như ông.
“Thế ra, - em nghĩ - cứ mỗi phát đạn nổ, bốn Tix-tu mất nhà, bốn Ca-rơ-luyx mất cầu thang, bốn A-me-li mất bếp nấu… Chính do những cỗ pháo ấy mà người ta mất vườn, mất quê, mất chân tay, hay người ruột thịt… Đúng thế!”.
Và búa máy cứ nện, lò nấu thép cứ đỏ.
- Thưa ông Tru-na-đix, ông ủng hộ ai ạ? – Tix-tu hỏi to vì xung quanh quá ồn.
- Cậu hỏi gì?
- Cháu hỏi: trong cuộc chiến tranh này, ông ủng hộ ai.
- Dân Va-dy! – Ông Tru-na-đix hét.
- Còn bố cháu?
- Cũng vậy.
- Vì sao?
- Bởi vì từ lâu dân Va-dy là những người bạn trung thành của chúng ta.
“Hiển nhiên. - Tix-tu tự nhủ - Khi bạn bè bị tiến công, giúp bạn tự vệ là chính đáng.”
- Vậy những khẩu pháo kia sẽ được chuyển đến cho dân Va-dy chứ? – Em lại hỏi.
- Chỉ những khẩu bên trái thôi. - Ông Tru-na-đix hét - Những khẩu bên phải dành cho dân Va-tăng.
- Sao, nước Va-tăng ấy ạ? – Tix-tu phẫn nộ thét lên.
- Bởi lẽ họ cũng là những khách hàng đáng tin cậy.
Hoá ra khẩu pháo này của thành Mi-rơ-poan lại bắn vào khẩu pháo khác cũng của chính Mi-rơ-poan, và phá huỷ vườn cây của cả bên này lẫn bên kia!
- Buôn bán là như vậy đấy cậu! – Ông Tru-na-đix hét.
- Cháu thấy việc buôn bán của các ông kinh tởm lắm.
- Sao? – Ông Tru-na-đix cúi xuống tai Tix-tu để nghe cho rõ bởi tiếng búa máy nuốt mất tiếng em.
- Cháu bảo việc buôn bán của các ông kinh tởm lắm vì rằng…
Một cái tát đánh bốp cắt ngang lời em. Cuộc đụng độ giữa hai nước Va-dy và Va-tăng vừa đột ngột lan đến má Tix-tu.
“Chiến tranh là thế đấy! Cháu muốn được rõ, rồi cháu nói ý nghĩ của mình và ăn cái tát! Nếu cháu cho cây nhựa ruồi mọc trong quần cộc của ông thì ông nói sao? – Tix-tu vừa nhìn ông Tru-na-đix vừa nhủ thầm, mắt đầy lệ - Phải, phải cho cây nhựa ruồi hay cây cúc gai mọc trong quần ông ấy”.
Em xiết hai ngón tay cái… và chính lúc ấy, một ý nghĩ, ý nghĩ vĩ đại nảy ra trong em.
Bài học về nhà máy, như các bạn thấy, chấm dứt ở đó. Tix-tu được xơi liền hai quả trứng ngỗng, ông Tru-na-đix cấp tốc báo cho bố em biết. Bố em rất phiền lòng. Thằng Tix-tu của ông, nay mai sẽ kế nghiệp ông làm chủ Mi-rơ-poan, quả thật tỏ ra ít có khả năng điều khiển một cơ nghiệp đẹp đẽ như vậy.
- Tôi phải trao đổi thật nghiêm chỉnh với cháu. - Bố em nói - Hiện cháu ở đâu?
- Cậu trốn đến ở nhà lão làm vườn như thường lệ. - Ông Tru-na-đix trả lời.
- Thôi được, chuyện này ta sẽ xem sau. Giờ ông giúp cho xong việc đóng gói.
Lấy cớ phải giao hàng gấp, nhà máy hoạt động liên tục. Suốt đêm chín ống khói được chiếu đỏ lừ.
Thế nhưng đêm ấy, bố Tix-tu, vốn chưa kịp ăn chiều, và vẫn ngồi cao chót vót trên một tháp nhỏ bịt cửa kính để giám sát công việc, bỗng rất ngạc nhiên, Tix-tu của ông trở lại nhà máy, và chậm chạp len lỏi giữa các hòm đạn, trèo lên các xe ô-tô tải, khom người trên các động cơ, luồn lách qua các khẩu pháo.
“Tix-tu giỏi giang của bố! – Ông thầm nhủ – Con đang tìm cách gỡ lại hai điểm không đấy. Chà! Sao lại mất hy vọng!”.
Quả thực, chưa bao giờ Tix-tu tỏ ra bận rộn và nghiêm trang như thế này! Tóc em dựng ngược cả lên. Chốc chốc, em lại lôi trong túi ra những mẩu giấy nhỏ.
“Hẳn nó ghi chép đấy. - Bố em nhận xét - Miễn là nó không bị kẹp khi thò tay vào các khẩu trung liên. Chà, một cậu bé biết điều, mau chóng nhận ra lỗi lầm của mình”.
Ông sắp được kinh ngạc hơn nữa kia.
Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh - Maurice Druon Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh