Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Chương 15 - Đầm Lầy Baraba
T
hật may mắn cho Misen Xtrôgôp là anh đã mau chóng rời khỏi trạm giao thông. Lệnh của Ivan Ôgarep lập tức được truyền tới tất cả các lối ra vào thành phố và đặc biệt nhận dạng của anh được gửi đến tất cả các trưởng đồn để anh không thể lọt ra khỏi thành phố Ômxk. Nhưng lúc này anh đã chui qua một lỗ hổng của bức tường thành, phi ngựa trên thảo nguyên. Anh chưa bị rượt theo ngay, nên có cơ trốn thoát.
Misen Xtrôgôp rời khỏi Ômxk hồi tám giờ tối ngày 29 tháng Bảy. Thành phố này ở khoảng giữa đường từ Maxcơva đến Irkuxk, nơi anh phải tới trong vòng dưới mười ngày, nếu muốn vượt lên trước những đạo quân Tactar. Rõ ràng là sự tình cờ đáng tiếc dẫn anh đến việc gặp mẹ đã làm lộ cuộc đi bí mật của anh. Ivan Ôgarep không thể nào không biết là có một người mang thư của Nga hoàng vừa qua Ômxk và đang đi về hướng Irkuxk. Thư tín mà người này mang theo tất phải cực kỳ quan trọng, bởi vậy Misen Xtrôgôp biết rằng chúng sẽ không từ một thủ đoạn nào để tóm bắt anh bằng được.
Nhưng có một điều anh không biết, không thể biết là mẹ anh, bà Marfa Xtrôgôp đã nằm trong tay Ivan Ôgarep và sẽ phải trả giá có thể bằng cả sinh mệnh của mình vì phản ứng không kiềm chế nổi của bà, khi bất ngờ đứng trước mặt con. Cũng may là anh không biết chuyện đó. Nếu được chứng kiến, liệu anh có thể vượt qua được trước thử thách mới này không?
Misen Xtrôgôp thúc ngựa phi nhanh như muốn truyền cho con vật tất cả sự nóng lòng sốt ruột đang giày vò anh, chỉ mong con vật đưa anh thật nhanh tới trạm để anh đổi ngựa khác chạy cho nhanh hơn nữa.
Tới nửa đêm, anh đã vượt được bảy chục dặm và dừng lại ở trạm Kulikôvô. Nhưng ở đây, đúng như anh đã lo ngại, ngựa không có, xe cũng không. Một số phân đội lính Tactar đã tràn qua con đường lớn trên thảo nguyên. Tất cả đều bị cướp hoặc bị trưng thu trong các làng mạc, trong các nhà trạm. Bởi vậy, kiếm được chút thức ăn cho người và ngựa thật là khó. Cần phải giữ sức cho con ngựa, vì anh không biết khi nào và làm sao có thể thay nó được. Nhưng để cho khoảng cách càng lớn giữa anh và bọn kỵ binh mà Ivan Ôgarep nhất định thế nào cũng cho rượt theo, anh quyết phóng ngựa nhanh lên phía trước. Vì thế sau một tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, anh thúc ngựa phi qua thảo nguyên.
Cho tới lúc này rất may là thời tiết vẫn thuận lợi cho cuộc hành trình của người giao liên của Nga hoàng. Nhiệt độ dễ chịu. Vào thời kỳ này, đêm rất ngắn, lại được ánh sáng trăng bàng bạc lọc qua những đám mây mỏng soi rọi làm cho con đường dễ đi. Vả lại Misen Xtrôgôp vốn thông thạo đường đi lối lại, nên anh không một chút nghi ngờ hoặc ngập ngừng lưỡng lự. Mặc dù bị những ý nghĩ đau thương ám ảnh, trí óc anh vẫn hết sức sáng suốt. Anh xăm xăm đi tới, tưởng chừng như đã thấy rõ cái đích ở phía trước rồi. Mỗi khi anh dừng lại chốc lát ở một khúc ngoặt nào đó chính là để cho ngựa lấy lại sức. Anh nhẩy xuống để cho con vật đỡ mệt và áp tai sát đất nghe xem có tiếng vó ngựa phi dội đến trên bề mặt của thảo nguyên không. Khi không thấy có gì khả nghi, anh lại tiếp tục phóng lên phía trước.
Ôi! Giá như toàn bộ vùng Xibir này chìm đắm trong đêm địa cực, cái đêm kéo dài triền miên trong nhiều tháng! Đáng mong ước như thế lắm chứ! Để anh có thể vượt qua được chắc chắn hơn.
Ngày 30 tháng Bảy, vào hồi chín giờ sáng, đi khỏi Turumôp, Misen Xtrôgôp lao vào vùng đầm lầy Baraba. Ở đây, trên một khoảng dài ba trăm dặm, những trở ngại về thiên nhiên cực kỳ lớn lao. Anh biết rõ như thế, đồng thời anh cũng biết rõ là dù sao anh vẫn phải khắc phục cho kỳ được những trở ngại đó.
Những đầm lầy mênh mông ở Baraba kéo dài từ Bắc đến Nam giữa vĩ tuyến sáu mươi và vĩ tuyến năm mươi hai là một cái bể khổng lồ chứa tất cả nước mưa không có lối thoát ra sông Ôbi và cũng không chảy ra được tới sông Irtys. Đất ở cái lòng chảo mênh mông này toàn là loại đất sét không thấm nước, nên nước đọng triền miên và biến thành một vùng đất khó đi lại trong mùa nóng.
Thế mà chính nơi đây, đường đi Irkuxk vắt qua giữa những hồ ao, đầm lầy mà sức nóng mặt trời làm hơi độc bốc lên ngùn ngụt. Và cứ như thế, con đường được mở rộng dần khiến cho khách bộ hành hết sức mệt nhọc.
Misen Xtrôgôp phóng ngựa giữa một đồng cỏ mọc trên đất than bùn, nơi không còn thấy thứ cỏ thấp lè tè của thảo nguyên đã từng nuôi sống biết bao đàn gia súc của Xibir nữa, Đây không còn là những đồng cỏ rộng vô biên mà là một loại rừng bất tận mọc lên những loại thực vật thuộc dạng cây cối.
Cỏ ở thảo nguyên chỉ cao chừng năm, sáu bộ. Ở đây, những cây cối của đầm lầy đã thay thế cỏ và do ẩm thấp lại thêm nắng nóng mùa hè, nên chúng phát triển với quy mô rất lớn. Mọc ở đây chủ yếu là những cây cói và cây bấc hoa, chúng tạo thành một mạng lưới chằng chịt, một cái lưới mắt cáo khó mà chui lọt.
Misen Xtrôgôp phi ngựa giữa rừng cói che khuất những đầm lầy viền hai bên đường. Những đám cỏ lớn vươn cao quá đầu mà anh đi tới đâu là vô số những con chim nước đậu bên rìa đường vù bay lên từng đàn, tiếng kêu xáo xác rộn cả không gian. Tuy vậy, đường đi vẫn rõ. Chỗ này, nó vươn thẳng tới những rừng cây rậm rạp mọc trên đầm lầy; chỗ kia, nó vòng qua những bờ ao quanh co. Có ao rất lớn, dài rộng hàng dặm đáng được gọi là những hồ nước. Ở những chỗ khác, con đường không tránh khỏi phải qua những vùng nước đọng, thì lại không phải qua cầu mà qua những nền sàn bập bềnh trát đất sét. Những phiến gỗ ghép thành nền sàn rung rinh như tấm ván mỏng bắc qua một cái vực. Một vài nền sàn nói trên có độ dài tới hai, ba trăm bộ. Nhiều lần những du khách nhất là các nữ du khách, ngồi trên tarantax lăn bánh trên những nền sàn này mà cảm thấy nôn nao như bị say sóng.
Còn đối với Misen Xtrôgôp lúc này, mặt đất, dù rắn chắc hay mềm lún, anh vẫn phóng nhanh không ngừng không nghỉ, chẳng kể gì đến những khe hở giữa những thanh gỗ mục; nhưng dù phi nhanh đến đâu cũng không tránh khỏi bị những con bọ hai cánh sống lúc nhúc ở các vùng đầm lầy đốt rất đau.
Ngựa của anh nhảy chồm chồm như lên cơn điên. Đuôi đập liên hồi vào hai bên hông, nó lồng lên phi nhanh như gió vượt hết dặm này đến dặm khác, muốn làm dịu đi phần nào cái nhục hình nó đang phải chịu bằng tốc độ tối đa. Misen Xtrôgôp phải là một kỵ sĩ có tài mới khỏi bị hất ngã vì phản ứng của con vật, lúc thì dừng lại đột ngột, lúc thì nhảy chồm lên vì bị bọ đốt. Có thể nói anh đã mất hết cảm giác đau đớn về vật chất và tê liệt về thần kinh, chỉ còn sinh động trong ý nghĩ là phải tới đích bằng bất cứ giá nào, chỉ còn nhìn thấy mỗi một hình ảnh trong cuộc phóng ngựa như điên này là: con đường đang lùi nhanh lại phía sau.
Ai có thể tin được rằng vùng Baraba rất độc hại trong mùa nóng này lại có người cư trú? Thế mà có đấy. Một vài thôn xóm thấp thoáng xa xa giữa những bãi cói khổng lồ. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con mình đều quàng da súc vật, mặt trùm bong bóng có phết nhựa dính, đang chăn những bầy cừu gầy nhom. Để tránh cho đàn gia súc này khỏi bị bọ châm, họ đốt những đống lửa bằng củi tươi dưới làn gió để cho cả ngày lẫn đêm làn khói cay xè tỏa trên khắp mặt đầm lầy mênh mông.
Khi Misen Xtrôgôp cảm thấy ngựa mình đã quá mệt, sắp quỵ, anh dừng lại ở một trong những thôn xóm nghèo khổ đó và, quên mệt nhọc của bản thân, theo tập quán Xibir, anh dùng mỡ nóng xoa vào những vết bị bọ đốt trên mình con vật khốn khổ và cho nó ăn cỏ no nê. Chỉ sau khi chăm sóc chu đáo cho con ngựa, anh mới nghĩ đến mình, ăn một vài miếng bánh kẹp thịt, uống vài ly kơváx* để lấy lại sức. Một tiếng đồng hồ sau, hoặc cùng lắm là hai tiếng, anh lại gấp rút lao đi trên con đường dài dằng dặc tới Irkuxk.
Như vậy là chín chục dặm đường đã vượt qua kể từ Turumốp. Vào hồi bốn giờ chiều ngày 30 tháng Bảy, Misen Xtrôgôp tới Elamxk, mất cả cảm giác mệt mỏi. Ở đây anh phải cho ngựa nghỉ một đêm. Con vật dũng cảm không thể tiếp tục kéo dài thêm chuyến đi. Ở Elamxk cũng như ở các nơi khác, không còn một phương tiện vận tải nào. Cũng vì lý do như ở các thị trấn đã qua, ngựa và xe tất cả đều đã bị lấy đi.
Elamxk là một thành phố nhỏ, tuy bọn Tactar chưa đặt chân tới, nhưng hầu như không còn dân cư, vì nó dễ dàng bị quân giặc tràn đến từ phía Nam và khó có thể được cứu viện từ phía Bắc. Vì vậy, các trạm giao thông, các đồn cảnh sát, dinh tỉnh trưởng đều bỏ trống theo lệnh cấp trên. Viên chức và dân chúng ai có điều kiện tản cư đều đã rút về Kamxk ở trung tâm Baraba.
Misen Xtrôgôp đành phải qua một đêm ở Elamxk, cho ngựa nghỉ mười hai tiếng. Anh nhớ lại những lời dặn dò ở Maxcơva: bí mật vượt qua Xibir, làm sao tới nhanh được Irkuxk, nhưng trong một chừng mực nào đó không vì muốn đi nhanh mà làm hỏng việc. Vậy thì anh phải giữ gìn phương tiện giao thông duy nhất còn lại.
Ngày hôm sau, Misen Xtrôgôp rời Elamxk, giữa lúc được tin có những tên thám báo Tactar đầu tiên xuất hiện cách mười dặm ở phía sau trên đầm lầy Baraba. Thế là anh lại cho ngựa phi nhanh. Đường phẳng dễ đi, nhưng quanh co khúc khuỷu nên bị kéo dài. Không thể nào bỏ con đường này để theo đường thẳng xuyên qua cả một hệ thống hồ ao và đầm lầy không sao vượt nổi. Sáng ngày hôm sau nữa, mồng một tháng Tám, anh lại vượt thêm được một trăm hai chục dặm. Đến trưa, Misen Xtrôgôp tới thị trấn Xpaxkôe và đến hai giờ chiều, anh dừng lại ở thị trấn Pôkrôxkôe. Ngựa của anh đã quá sức từ lúc rời Elamxk, không thể nào nhích thêm được một bước. Bắt buộc phải nghỉ lại, nên Misen Xtrôgôp lại mất cuối ngày và cả đêm hôm đó. Sáng hôm sau, anh vẫn tiếp tục băng qua vùng đất nửa ngập lụt này và sang ngày mồng hai tháng Tám, hồi bốn giờ chiều, sau một chặng đường dài bảy mươi lăm dặm, anh tới Kamxk.
Quang cảnh địa phương có đổi khác. Thị trấn Kamxk này nhỏ bé, giống như một hòn đảo, nơi có khí hậu tốt lành có thể ở được. Nó nằm giữa một vùng không có dân cư, ở ngay trung tâm Baraba. Tại đây khí hậu được cải thiện là nhờ có hệ thống kênh Tôm, nhánh của sông Irtys chảy qua, biến các đầm lầy đầy xú khí thành những bãi chăn thả hết sức màu mỡ.
Cuộc tản cư do sự xâm lược của bọn Tactar gây ra chưa làm giảm số dân của cái thị trấn Kamxk nhỏ bé này. Có lẽ nhân dân tại đây cho rằng ở trung tâm Baraba thì vẫn được an toàn, hoặc ít ra cũng có đủ thời gian để chạy giặc trong trường hợp bị trực tiếp đe dọa.
Như vậy là dù khao khát đến đâu, Misen Xtrôgôp cũng không thu lượm thêm được một tin tức gì ở đây. Ngược lại, lẽ ra viên thị trưởng Kamxk phải tìm đến hỏi tin ở chính anh, nếu ông ta biết danh nghĩa thực của người mang danh là thương gia ở Irkuxk. Misen Xtrôgôp rất ít khi, có thể nói là không khi nào muốn xuất đầu lộ diện. Đối với anh thì không để ai trông thấy và chú ý đến mình vẫn chưa đủ, mà anh còn muốn mình trở thành vô hình vô ảnh nữa kia. Kinh nghiệm đã qua khiến anh càng phải thận trọng hơn nữa trong lúc này và thời gian tới. Vì vậy anh lảng tránh mọi người và chẳng những không màng tới việc chạy rong các phố trong thị trấn mà còn không muốn bước ra khỏi nhà trọ anh nghỉ.
Misen rất có thể tìm được ở Kamxk một chiếc xe tiện lợi hơn để thay thế con ngựa anh đã cưỡi từ Ômxk. Nhưng sau khi suy nghĩ chín chắn, anh sợ là sẽ làm mọi người chú ý nếu anh mua một chiếc tarantax và chừng nào chưa vượt qua được trận tuyến hiện nay mà bọn Tactar đang làm chủ, nó cắt ngang vùng Xibir gần như dọc theo thung lũng sông Irtys, thì chừng đó anh còn cần phải tránh mạo hiểm, không được gây ra bất cứ một sự nghi ngờ nào.
Vả lại để kết thúc chuyến đi qua vùng Baraba đầy khó khăn này, để có thể lẩn trốn qua vùng đầm lầy nếu gặp trường hợp hiểm nguy trực tiếp đe dọa, để dễ tránh bọn kỵ binh đang rượt đuổi, để, nếu cần, có thể chui tọt vào rừng cói rậm rạp thì rõ ràng một con ngựa có giá trị hơn hẳn một cỗ xe. Rồi, sau này khi đã qua khỏi Tômxk hoặc cả Kraxnôiarxk, tại một trung tâm quan trọng nào đó của miền Tây Xibir, thì lúc đó anh sẽ tính đến việc cần phải làm gì cho thích nghi với hoàn cảnh cụ thể.
Còn về con ngựa đang cưỡi, anh cũng không có ý định đổi lấy một con khác. Anh đã quen với con ngựa dũng cảm này. Anh biết có thể khai thác ở nó những gì cần khai thác. Anh đã gặp may khi mua được nó ở Ômxk và người mugich nhân hậu đã giúp anh một việc lớn khi đưa anh đến chỗ người trưởng trạm. Hơn nữa, nếu Misen Xtrôgôp thấy ngày càng gắn bó với con ngựa, thì con vật này cũng dần dần quen với những nhọc nhằn trong một cuộc hành trình như thế và, với điều kiện dành cho nó một vài giờ nghỉ ngơi hàng ngày, thì triển vọng là có thể đi được tới bên kia những tỉnh bị giặc chiếm. Vì vậy suốt buổi chiều và cả đêm ngày 2 rạng ngày 3 tháng Tám, Misen Xtrôgôp tự giam mình trong quán trọ ở cửa ngõ thành phố, một quán trọ ít người lui tới, tránh được những kẻ quấy rầy và những người tọc mạch.
Mệt bã người, sau khi chăm sóc ngựa chu đáo, anh bèn đi nằm, nhưng chỉ chập chờn không tài nào ngủ được. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu lo lắng đã cùng lúc dồn dập tấn công anh. Hình ảnh mẹ già, hình ảnh cô bạn gái trẻ gan dạ phải bỏ lại không người che chở cứ lần lượt hiện ra trong óc anh và thường quyện vào nhau trong cùng một ý nghĩ.
Rồi trở lại với sứ mệnh mà anh đã nguyện ra sức làm tròn. Những gì anh đã thấy từ lúc rời Maxcơva đến nay ngày càng chỉ rõ tầm quan trọng của sứ mệnh anh đảm trách. Tình hình biến động cực kỳ nghiêm trọng và sự đồng lõa của Ôgarep làm cho tình thế càng thêm khủng khiếp. Và, khi anh nhìn đến bức thư có mang quốc ấn - thư này chắc là chứa đựng phương thuốc trị bách bệnh, cứu nguy cho đất nước đang bị tàn phá Misen Xtrôgôp thấy sôi sục trong người một ý chí mãnh liệt muốn băng mình qua thảo nguyên, vượt khoảng cách từ đây tới Irkuxk theo đường chim bay, muốn làm chim phượng hoàng để vượt lên trên mọi chướng ngại, muốn làm giông bão ào qua không gian với tốc độ trăm dặm một giờ để cuối cùng đến trước mặt đại công tước và kêu to: “Thưa điện hạ, có thư của hoàng thượng!”.
Sáu giờ sáng hôm sau, Misen Xtrôgôp lại ra đi với dự định trong ngày hôm đó sẽ vượt tám chục dặm (85km) là khoảng cách giữa Kamxk và thôn Ubinxk. Nhưng đi được khoảng hai chục dặm, thì lại gặp lại đầm lầy Baraba, vì nơi đây không có lấy một con kênh tiêu nào nên mặt đất thường ngập nước sâu đến một bộ. Rất khó nhận ra đường đi, nhưng vì anh rất thận trọng, nên trên quãng đường này cũng không xảy ra biến cố gì đáng tiếc. Tới Ubinxk, Misen Xtrôgôp cho ngựa nghỉ trọn một đêm vì anh muốn vượt liền một trăm dặm sau đó giữa Ubinxk và Ikunxkôe, không ngừng nghỉ. Anh ra đi từ rạng sáng, nhưng khốn thay, trên chặng đường này, mặt đất xứ Baraba ngày càng tồi tệ.
Quả vậy, giữa Ubinxk và Kamakôva, vì có mưa rả rích suốt mấy tuần trước, nên nước đọng lại ở chỗ đất trũng này như trong một cái lòng chảo. Trong cái mạng lưới chằng chịt vô tận những ao cùng hồ này, không có một chỗ nào gián đoạn. Một trong những hồ này khá lớn để xứng đáng được ghi vào bảng danh mục địa lý - là hồ Tchang, (tên Trung Quốc) anh phải men theo bờ của nó dài tới trên hai chục dặm với bao trở ngại khó khăn mới vượt qua được, do đó mà bị chậm. Dù cho Misen Xtrôgôp có nóng lòng sốt ruột đến đâu cũng đành phải chịu mà thôi. May mà anh đã lường trước được tình hình, nên ở Kamxk anh không mua một cỗ xe, chỉ có ngựa mới có thể đi qua đó.
Chín giờ tối, Misen Xtrôgôp tới Ikunxkôe và dừng lại ở đó trọn đêm. Trong cái thị trấn hẻo lánh này, tin tức về cuộc chiến hoàn toàn mờ mịt. Do điều kiện thực tế của nó, phần đất này của tỉnh ở vào giữa một cái chạc tạo nên bởi hai đạo quân Tactar, một rẽ sang Ômxk, một rẽ sang Tômxk, nên cho đến nay nó vẫn chưa phải chịu những cảnh rùng rợn của họa xâm lăng.
Nhưng cuối cùng, trở ngại của thiên nhiên cũng dần dần giảm bớt, nếu không có gì làm cho chậm lại, thì chỉ ngày hôm sau là Misen Xtrôgôp đã rời khỏi Baraba. Lúc đó, anh sẽ gặp một con đường đi lại dễ dàng khi đã vượt qua nốt một trăm hai mươi lăm dặm (133km) là khoảng cách với Kôlyvan. Tới được thị trấn quan trọng này, anh sẽ chỉ còn cách Tômxk một quãng đường dài tương đương. Lúc này tùy theo tình hình nắm được chính xác rất có thể, anh sẽ quyết định đi vòng qua thành phố nếu đã bị quân Fêôfar-khan chiếm đóng.
Nhưng nếu những thị trấn như Ikunxkôê, Karghinxk mà anh sẽ đi qua ngày hôm sau tương đối được yên tĩnh nhờ vị trí của chúng trong vùng Baraba, nơi những đạo quân Tactar gặp nhiều khó khăn trong hành quân, thì trên những triền đất phì nhiêu dọc sông Ôbi, Misen Xtrôgôp không còn những trở ngại về vật chất nữa, nhưng liệu anh có còn phải lo chạm trán với những con người bất lợi cho anh không? Đó là điều rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu cần thiết, anh sẽ không ngần ngại rời khỏi con đường đi Irkuxk. Băng qua vùng thảo nguyên, dĩ nhiên là có nguy cơ lâm vào tình trạng thiếu thốn mọi thứ vì ở đấy không có đường vạch sẵn, không có thành phố cũng không có làng mạc. Có chăng chỉ vài thôn trại hẻo lánh, hoặc dăm túp lều của dân nghèo, chắc là hiếu khách đấy, nhưng ở chỗ họ đâu có đủ những thứ anh cần! Nhưng không phải là lúc có thể lưỡng lự.
Cuối cùng, vào khoảng ba giờ rưỡi chiều, sau khi vượt qua trạm Kargatxk, Misen Xtrôgôp rời khỏi vùng lòng chảo Baraba. Đất cứng và khô của miền Xibir lại kêu lóc cóc dưới vó ngựa.
Misen Xtrôgôp đã từ Maxcơva ra đi ngày 15 tháng Bảy. Đến hôm nay mồng 5 tháng Tám, kể cả hơn bảy chục tiếng đồng hồ mất toi trên bờ sông Irtys, vậy là hai mươi mốt ngày đã trôi qua.
Anh còn cách Irkuxk một nghìn năm trăm dặm.