TV. If kids are entertained by two letters, imagine the fun they'll have with twenty-six. Open your child's imagination. Open a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Dung
Thể loại: Kiếm Hiệp
Nguyên tác: 天龍八部
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 10255 / 339
Cập nhật: 2015-09-04 00:39:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 15 - Phép Lăng Ba Vi Bộ Kỳ Tuyệt
Ðoàn Dự nói:
- Tôi ưng thuận như vậy nhưng xin nhắc lại: nếu ông muốn thu tôi làm đồ đệ, phải lần lượ t hạ hết được các vị sư phụ tôi để tỏ rõ võ công ông giỏi hơn tất cả, vì có thế tôi mới thờ ông làm thầy được.
Nam Hải Ngạc Thần đáp:
- Ðược lắm! Mi toàn nói chuyện vẩn vơ. Tha hồ cho mi muốn xoay cách nào thì xoay cũng không lại được ta đâu.
Ðoàn Dự trỏ phía sau Nam Hải Ngạc Thần mỉm cười nói:
- Một trong các vị sư phụ tôi đang đứng sau lưng ông đó.
Nam Hải Ngạc Thần tưởng sau lưng mình có người thật quay ngoắt lại.
Ðoàn Dự thừa cơ tiến lên một bước, đưa tay thọc vào huyệt “đào đạo” giữa lưng Nam Hải Ngạc Thần.
Phép điểm huyệt này tuy không đúng cách thức của con nhà võ nhưng “đào đạo” là một trong các huyệt trọng yếu nhất của con người, Nam Hải Ngạc Thần lại nghe lồng ngực mình đột nhiên dường như bị tắc nghẽn thì ra tay trái Ðoàn Dự đã nắm được sau lưng lão và ngón tay chàng bấm đúng vào giữa huyệt “Y xá”.
Nam Hải Ngạc Thần giật mình vội vận nội công chống đỡ nhưng hai huyệt trọng yếu đã bị kiềm chế, đồng thời nội lực dùng vào việc giải phóng hai huyệt đạo này cũng bị kiềm chế luôn. Lão hết sức bình sinh đem nội lực ra phản ứng lại một cái tức thì toàn thân nhũn ra như sứa.
Ðoàn Dự chỉ có việc nhấc mình lão cao một chút cho đầu chúc xuống, chân giơ lên rồi hất mạnh một cái là lão phải té nhào. Cái đầu nhẵn thín đập xuống đất đánh “bịch” một tiếng. May mà nền nhà trải đệm nên lão không đến nỗi bị thương. Có điều một tay võ công lừng lẫy tiếng tăm mà nay bị thư sinh Ðoàn Dự đẩy ngã khiến lão thẹn quá hoá giận. Lão liền dùng miếng “Lý ngư đả đình” vụt dậy, giơ tay trái ra chụp xuống Ðoàn Dự.
Những người ngồi trong Hoa sảnh đều là tay võ nghệ cao cường không ai ngờ một gã thư sinh yếu ớt như Ðoàn Dự làm cho Nam Hải Ngạc Thần phải một phen điên đảo. Mọi người chưa hết kinh hãi, ngơ ngác về cái té của Nam Hải Ngạc Thần bỗng thấy lão lại hùng hổ giơ tay ra chực nắm lấy Ðoàn Dự.
Ðoàn Chính Thuần toan ra tay phản ứng, đã thấy Ðoàn Dự bước trệch sang bên. Bộ pháp của chàng rất là kỳ cục, chỉ bước lờ vờ một cái mà tránh khỏi bàn tay nhanh như chớp của Nam Hải Ngạc Thần, làm cho Ðoàn Chính Thuần buột miệng trầm trồ khen ngợi:
- Kỳ tuyệt! Thật là kỳ tuyệt!
Nam Hải Ngạc Thần lại đưa bàn tay ra chụp xuống. Ðoàn Dự không chống đỡ chi cả, bước tiến lên hai bước, thế là Nam Hải Ngạc Thần lại vồ hụt.
Nam Hải Ngạc Thần đánh hai đòn không trúng vừa ngạc nhiên vừa cáu giận, lại thấy Ðoàn Dự đứng lù lù trước mặt, cách mình không đầy ba thước lão tức quá gầm lên một tiếng đưa cả hai bàn tay ra chụp thẳng vào bụng Ðoàn Dự.
Bảo Ðịnh Ðế, Ðoàn Chính Thuần, Dao Ðoan Tiên Tử, Cao Thăng Thái thấy thế đánh vô cùng hiểm ác đều la lên:
- Phải cẩn thận đấy!
Ðó là miếng “Ðộc long trảo”, một thế võ tuyệt kỹ bí hiểm mà Nam Hải Ngạc Thần khổ công rèn luyện trong mười năm trời với mục đích đánh bại Diệp Nhị Nương để giành giật lấy ngôi thứ hai trong tứ ác về mình. Cũng may mà trong lúc lão điên tiết, mất hết bình tĩnh nên chụp sểnh không thì “con người tương lai của phái Nam Hải” đã vỡ bụng ra rồi.
Ðoàn Dự bước sang bên phải một bước rồi lại bước sang bên trái một bước, đoạn lẹ làng chuyển qua phía sau Nam Hải Ngạc Thần, giơ tay lên đập vào cái đầu hói của lão.
Nam Hải Ngạc Thần thấy đối phương giơ bàn tay thần xuất quỷ một lên đánh thì chẳng còn hồn vía nào nữa, buột miệng kêu lên: “Mạng ta nguy mất”. Nhưng khi tay chàng đập xuống đến đầu lão, lão cảm thấy tay chàng không có chút nội lực nào cả. Lão đưa tay trái lên đỡ mạnh quá, đánh “roạc” một cái. Mu bàn tay Ðoàn Dự bị năm ngón tay lão cào trúng, rõ năm vết toạc da rướm máu. Chàng vội rụt tay về, đà tay lão hãy còn sức mạnh sướt thẳng xuống làm cho chính cổ lão cũng toạc ra năm vệt chảy máu.
Kể ra thì Ðoàn Dự đã tránh xong ba đòn của Nam Hải Ngạc Thần và thế là đã thắng cuộc rồi. Nhưng chàng quên rằng mình chẳng có chút nội công nào, da dĩ máu nóng của tuổi trẻ bốc lên ngùn ngụt nên mới giơ tay đánh xuống đầu lão. Cái đòn vô lực của chàng chẳng những không làm gì được lão mà xuýt nữa còn bị lão túm được tay mình.
Chàng đâm ra hoảng sợ chân bước loạng choạng chạy đến núp vào sau lưng phụ thân, mặt cắt không còn hột máu.
Dao Ðoan Tiên Tử đưa mắt nguýt chàng, tự nói một mình: “Thằng nhỏ này gớm thật, dám dối cả ta nữa. Bá phụ và gia gia mi đã luyện cho mi những công trình kỳ diệu đến thế mà mi cứ giả vờ như không biết tý gì”.
Mộc Uyển Thanh la lên:
- Nhạc lão tam! Ngươi đánh ba đòn không hạ được chàng, trái lại ngươi bị té nhào. Còn chờ gì mà ngươi chưa dập đầu nhận chàng làm sư phụ?
Nam Hải Ngạc Thần vò đầu bứt tai, thẹn quá, mặt đỏ như gấc chín, ấp úng:
- Chưa phải là chuyện ra tay thực sự, chỗ đó bỏ đi không kể.
Mộc Uyển Thanh đưa ngón tay lên chọc chọc vào má mình bêu bêu:
- Thế mà không biết nhục! Ngươi không lạy chàng nhận làm sư phụ tức là ngươi tự nhận là quân chó đẻ hay sao?
Nam Hải Ngạc Thần đáp:
- Ta không chịu nhận cả hai thứ.
Ðoàn Chính Thuần thấy bộ pháp của con mình ảo diệu dị thường, chính ông không hiểu về bộ pháp này nhưng cũng khẽ bảo con:
- Con đừng có động thủ đánh lão, chỉ nhè huyệt đạo mà điểm vào thôi!
Ðoàn Dự rỉ tai đáp:
- Con cảm thấy kinh hãi lắm rồi, e rằng không làm nổi nữa.
Ðoàn Chính Thuần khẽ bảo:
- Việc gì mà phải sợ? Ðã có gia gia đây liệu tiếp tay cho.
Ðoàn Dự được cha hứa nâng đỡ, mất hết sợ hãi, đường hoàng bước ra nói:
- Nam Hải Ngạc Thần! Ngươi đánh ba đòn không hạ nổi ta! Thôi lạy xuống mà nhận làm sư phụ đi!
Nam Hải Ngạc Thần hét lên một tiếng rồi đánh ra một chưởng.
Ðoàn Dự rón chân một bước qua mé Ðông Bắc, tránh khỏi một cách dễ dàng.
Ðiện lực ở tay lão phóng ra làm đổ gãy các kỷ trà.
Ðoàn Dự vẫn bình tĩnh, miệng lâm râm đọc chú: “Sơn địa bác, hoả địa tấn, tiến vô vọng, chuyển trung phu, hoả thuỷ kỳ tế, địa hoả minh di, thoái tổn vị, tà quy đại tráng...”.
Những đòn Nam Hải Ngạc Thần đánh tới, chàng vẫn điềm nhiên như không thấy, chỉ nhìn nhận phương hướng, theo đúng bộ pháp, khi tiến chếch lên, khi lui thẳng xuống.
Nam Hải Ngạc Thần chưởng pháp đánh ra vun vút mỗi lúc một mau, nội lực mỗi lúc một mạnh thêm như vũ bão làm cho bàn ghế bay tứ tung, bình cốc vỡ loảng xoảng.
Rút cục vẫn không đánh trúng Ðoàn Dự được phát nào.
Chớp mắt đã đánh đến ba mươi mấy đòn.
Hai anh em Bảo Ðịnh Ðế Ðoàn Chính Minh và Trấn Nam Vương Ðoàn Chính Thuần nhìn rõ bộ pháp của Ðoàn Dự chỉ hời hợt, không có lấy một chút sức mạnh mà vẫn chưa biết vị cao nhân nào đã truyền thụ cho chàng lối bộ pháp cực kỳ thần diệu này.
Phép bước chân theo 64 quẻ của vua Phục Hy đời xưa. Cách tiến thoái không ai có thể lường được. Nếu cứ lấy thực lực mà đấu với Nam Hải Ngạc Thần thì chỉ nửa đòn chàng đã mất mạng với địch thủ rồi.
Nhưng Nam Hải Ngạc Thần đánh thế nào cũng mặc, chàng cứ lên lui theo đúng bộ pháp của mình thôi, nên địch dù mạnh đến đâu cũng không tài nào đánh trúng.
Hai anh em Bảo Ðịnh Ðế xem Nam HảiNgạc Thần đánh đến 48 đòn, sắc mặt thoáng lộ vẻ lo lắng, nghĩ thầm: “Giả tỷ Nam Hải Ngạc Thần cứ nhắm mắt đánh bừa, đừng nhìn nhận phương hướng Ðoàn Dự né tránh thì sau thế nào cũng có phát trúng”.
Nhưng vẫn thấy Nam Hải Ngạc Thần sắc mặt mỗi lúc một vàng nhạt, mắt mở mỗi lúc một to thêm. Ðòn nào cũng nhằm Ðoàn Dự đánh tới.
Một bên Ðoàn Dự cứ theo đúng phương pháp bước tiến, bước lui thành ra lão muốn đánh nhanh đến đâu cũng không trúng được.
Nếu cuộc đấu cứ như vậy kéo dài mãi thì dù cho Ðoàn Dự có dữ cho khỏi bị tổn thương đã là may rồi còn muốn đánh ngã đối phương thì đừng hòng.
Bảo Ðịnh Ðế coi một lát nữa, cất tiếng bảo Ðoàn Dự:
- Dự con! Con bước thong thả lại một chút, nhằm đường huyệt đạo trước ngực bên địch mà nắm lấy!
Ðoàn Dự thưa:
- Xin vâng!
Rồi tuân lời bá phụ chàng bước chầm chậm lại, lúc đến gần phía trước Nam Hải Ngạc Thần chàng nhìn chằm chặp vào mặt lão, thấy nét mặt hung dữ, vàng ửng, đôi mắt như nẩy lửa mà chàng bở vía, chân bước loạng choạng, trệch ra ngoài phương vị, bị tay Nam Hải Ngạc Thần chụp trúng vào tai bên trái, máu chảy đầm đìa, giả tỷ chàng bị chụp xích vào trong một tấc nữa thì phải chết lăn quay ra đất. Bị đau Ðoàn Dự càng hoảng hốt, phải chạy mau lại ẩn vào sau lưng Ðoàn Chính Thuần, gượng cười thưa lại Bảo Ðịnh Ðế:
- Bá phụ ơi! Không xong rồi!
Ðoàn Chính Thuần cả giận quát:
- Xưa nay con cháu họ Ðoàn nước Ðại Lý lâm trận đối địch có chạy trốn bao giờ? Mi phải ra đấu nữa đi! Lời bá phụ dạy chí phải đó!
Dao Ðoan Tiên Tử thương con nói xen vào:
- Con nó đã chống nhau với lão dư 60 đòn. Họ Ðoàn có được đứa con gan dạ như thế còn chưa đủ hay sao? Dự con! Thế là thắng cuộc rồi, đừng ra đánh nữa!
Ðoàn Chính Thuần tức mình nói:
- Nó là con tôi, mình bất tất phải quan tâm? Ðã có tôi bảo đảm sinh mạng cho nó.
Dao Ðoan Tiên Tử thương con đau lòng, nước mắt chảy quanh, muốn nhảy xổ ra. Ðoàn Dự thấy tình cảnh mẫu thân như vậy, trong lòng không nỡ, hùng khí bừng bừng trỗi dậy, rảo bước chạy ra, quát to lên rằng:
- Ta lại đấu với ngươi lúc nữa!
Lần này chàng tỏ ra gan dạ hơn, lên lui đĩnh đạc, xoay chuyển ung dung, đến lúc giáp Nam Hải Ngạc Thần chàng không nhìn vào mặt lão nữa, đưa hai tay chụp xuống ngực địch thủ.
Nam Hải Ngạc Thần thấy tay Ðoàn Dự chụp thong thả mà yếu ớt, lão cười ha hả, né đi một chút, rồi cứ giơ tay chụp xuống vai chàng.
Không ngờ bước chân Ðoàn Dự biến hoá khôn lường, hai người cùng xoay mình đổi phương vị thế nào lại đụng vào nhau.
Ngực Nam Hải Ngạc Thần chạm vào ngón tay trỏ Ðoàn Dự.
Không bỏ lỡ cơ hội, chàng nhằm đúng phương vị đường huyệt đạo, tay trái giữ lấy huyệt “Ðản Trung”, tay phải giữ huyệt “khí hộ”.
Chàng túm được hai yếu huyệt này nhưng chẳng có chút nội lực nào. Giả tỷ Nam Hải Ngạc Thần cứ để mặc kệ cho chàng giữ thế nào thì giữ, không thèm để ý tới, đừng vận nội công giải thoát thì rồi chàng cũng đến từ từ buông ra chứ chẳng làm gì được lão. Ðằng này Nam Hải Ngạc Thần thấy yếu huyệt bị kiềm chế, đâm ra hoảng sợ, giơ luôn hai tay lên, chụp xuống trước mặt chàng.
Miếng đánh vào mắt địch này nhà võ gọi là “thế đánh bắt buộc bên địch phải hồi thủ tự cứu”, khiến cho đối phương tự nhiên phải bỏ yếu huyệt để rụt tay về chống đỡ. Ðó là một miếng hiểm hóc, những tay cao thủ thường để giải cứu lúc lâm nguy.
Cũng may mà Ðoàn Dự chẳng hiểu tý gì về phương pháp đánh đỡ trong nghề võ.
Những đòn của Nam Hải Ngạc Thần ác liệt là thế, chàng cũng mặc kệ, hai tay cứ giữ khư khư lấy hai yếu huyệt của lão chứ không rút về để che chở cho mình. Hai tay Nam Hải Ngạc Thần đang chụp xuống mắt chàng, chỉ còn cách độ gang tay thì khí huyết trong mình lão bị trở trệ, chân tay cử động tựa hồ vướng víu, không đáp ứng theo đúng ý chí, không chụp xuống đúng mắt chàng. Lão hít một hơi chân khí rồi lại vận nội công... cũng vì lão gắng vận nội công làm cho khí huyết đi ngược chiều. Hai luồng khí lực trong mình tự va chạm nhau, xung đột nhau làm cho lão hoa mắt lên. Ðoàn Dự đang giữ chịt hai huyệt đạo Nam Hải Ngạc Thần bỗng thấy một luồng nhiệt khí làm cho bàn tay chàng nóng bỏng lên rồi cả thân chàng cũng run rẩy, chân không đứng vững.
Chàng biết rằng bỏ tay ra lúc này tất phải chết ngay với địch thủ nên dù trong mình khó chịu đến mức độ nào cũng phải cố gắng chịu đựng.
Ðoàn Chính Thuần đứng gần đó thấy mặt con mỗi lúc một đỏ bừng lên liền thò một ngón tay, dí vào huyệt “Ðại truy” sau lưng chàng. Ðó là phép điểm huyệt Nhất Dương Chỉ lừng danh thiên hạ của họ Ðoàn nước Ðại Lý.
Phép điểm huyệt này kỳ tuyệt ở chỗ làm cho một luồng khí dung hoà thấm vào trong mình, đồng thời truyền nội lực mạnh mẽ vào người Ðoàn Dự.
Chỉ trong giây lát, toàn thân Nam Hải Ngạc Thần run lên bần bật rồi mềm ra như bún lăn quay xuống đất. Ðoàn Chính Thuần truyền thêm khí lực cho chàng.
Ðoàn Dự dần dần hồi phục lại như thường nhưng hồi lâu không nói được lên tiếng.
Ðoàn Chính Thuần đem phép Nhất Dương Chỉ ám trợ cho Ðoàn Dự. Thế là cả hai cha con hợp lực mới chế phục nổi Nam Hải Ngạc Thần.
Mọi người ngồi trong Hoa sảnh đều hiểu như vậy nhưng cứ trông bề ngoài thì ai chả bảo Nam Hải Ngạc Thần bị Ðoàn Dự hạ, không còn cãi vào đâu được.
Con người như Nam Hải Ngạc Thần quả là ghê gớm.
Ðoàn Dự vừa buông tay ra, lão chỉ vận khí sơ sơ, tức thì đứng dậy được ngay.
Hai mắt lão nhìn Ðoàn Dự chằm chặp. Trên bộ mặt cổ quái của lão lộ vẻ kinh dị, thương tâm lẫn với vẻ căm hờn.
Mộc Uyển Thanh la lên:
- Nhạc lão tam! Ta xem ngươi cố tình không chịu thi lễ nhận thầy, vậy ra ngươi cam tâm làm quân chó đẻ mất rồi.
Nam Hải Ngạc Thần hậm hực nói:
- Mi hiểu ta thế nào được? Lậy y làm thầy thì lậy chứ sao? Ðời nào ta chịu tiếng xấu làm quân chó đẻ?
Nói xong lão quỳ ngay xuống lạy Ðoàn Dự bốn lạy, đầu dập “binh binh” bốn lần xuống đất rồi kêu lên:
- Thưa sư phụ! Ðệ tử là Nhạc lão tam kính bái sư phụ.
Ðoàn Dự đứng ngây người ra mà nhìn, chưa kịp trả lời thì Nam Hải Ngạc Thần đã vụt dậy, nhảy vọt lên nóc nhà bỏ đi.
Bỗng một tiếng kêu “ối” thê thảm nổi lên, rồi từ trên nóc nhà lăn xuống đánh “huỵch” một tiếng.
Mọi người nhìn ra thì là tên vệ sĩ trong phủ Trấn Nam Vương, trước ngực máu chảy đầm đìa. Tim gan gã đã bị Nam Hải Ngạc Thần móc đem đi mất, chân tay gã giãy giụa mấy cái rồi nằm chết thẳng cẳng.
Sự việc xảy ra thần tốc kinh người. Tên vệ sĩ này võ công tuy còn kém bốn gã Ngư, Tiều, Canh, Ðộc nhưng cũng vào hạng khá, vậy mà Nam Hải Ngạc Thần chỉ giơ tay ra một cái móc mất tim gan.
Ðoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái cũng ở gần đó nhưng không cứu kịp.
Mọi người nhìn nhau cả kinh thất sắc.
Mộc Uyển Thanh tức giận nói:
- Lang quân! Chàng thu được tên đồ đệ hung ác, hỗn láo đến thế là cùng. ở nhà thầy ra mà dám giết cả người nhà thầy. Lần sau lang quân có gặp hắn phải trừng trị hắn cách nào mới được chứ?
Ðoàn Dự đáp:
- Tôi may mà thắng cuộc là toàn nhờ ở gia gia ám trợ. Sau này gặp lão, tôi e rằng đến trái tim sư phụ này vị tất còn giữ nổi với lão nói chi đến chuyện nghiêm trị lão hung đồ đó?
Trong lúc đang trò chuyện Tiêu Ðốc Thành cùng Lăng Thiên Lý khiêng thân thể gã vệ sĩ ra ngoài.
Ðoàn Chính Thuần sai đem đi an táng và cấp đỡ rất hậu cho gia đình kẻ bị nạn.
Hoắc tiên sinh mười phần ba tỉnh, bảy say vâng dạ luôn mồm từ từ lui ra.
Bảo Ðịnh Ðế hỏi Ðoàn Dự:
- Dự con! Bộ pháp đó con đã được bậc cao minh nào truyền thụ cho? Theo đúng phương vị 64 quẻ của vua Phục Hy đời xưa. Ðoàn Dự đáp:
- Bộ pháp đó con tự luyện quấy quá một mình trong sơn động chả hiểu có đúng không? Xin bá phụ chỉ giáo cho!
Bảo Ðịnh Ðế lại hỏi:
- Con tự luyện lấy ở trong sơn động đầu đuôi thế nào? Nói rõ cho ta nghe!
Nguyên hôm đó ở trên đỉnh núi, Mộc Uyển Thanh bị Nam Hải Ngạc Thần cướp đem đi, Ðoàn Dự cuống quít chạy theo. Mới đi được vài bước, loạng choạng thế nào chân giẫm lên mình một con trăn lớn tròn trùng trục mà trơn như mỡ, chàng trượt chân ngã, mình cứ tuột dần dần xuống khe núi.
Trong cơn nguy cấp thập tử nhất sinh, chàng đưa hai tay ra kều cào thì may sao vớ được một cành cây. Chàng liền níu lấy, đưa cả hai chân ra sờ soạng, chợt đặt được lên một mỏm đá sườn núi nhô ra. Bên tai nghe tiếng sóng vỗ bì bòm, nước sông chảy cuồn cuộn kêu ầm ầm như sấm rền ở phía dưới chân.
Chàng định thần nhìn khắp xung quang, sườn núi cao chót vót và dựng đứng như bức tường thành không còn cách nào trèo lên được nữa, đi xuống lại bị lăn vào dòng sông nước chảy xiết cũng chết mất mạng. Chỉ còn cách theo mé tả bò đi thì còn có chỗ đặt chân, chẳng hiểu bước đường trước mắt ra sao, chàng dùng cả chân lẫn tay lần mò, sờ soạng trong lòng nơm nớp lo sợ.
Chàng bò đi có lúc mệt quá phải ngồi nghỉ, gặp chỗ hiểm trở phải cố gắng lắm mới bò qua được. Dò lần cho đến lúc trời đã hoàng hôn, trước mặt hiện ra vô số tảng đá lởm chởm, không sao tìm ra được lối đi phẳng phiu một chút. Sau mấy hồi cực kỳ gian lao, vất vả chàng chợt thấy cảnh tượng quen quen hiện ra. Dường như có lần chàng đã qua quãng đường này rồi thì phải? chàng định thần cố nhớ lại, hết nhìn non xanh lại ngắm nước đục, bất giác buột miệng kêu lên:
- A ha! Phải rồi! Ðúng là bữa trước ta ở trong thạch động ra đã qua chỗ này rồi, cảnh vật hãy còn y nguyên như cũ.
Ðoàn Dự nhận ra rồi trong lòng hớn hở vui mừng, tự nói một mình: “từ chỗ này đi qua mấy chân trái núi cao và vượt qua mấy khe vực nữa thì ra đến một con đường ven núi, chừng mười bảy mười tám dặm nữa là đến cầu “Thiện nhân độ”. Nhưng chàng lại sực nhớ đến pho tương ngọc mỹ nhân tư dung tuyệt thế. Chân chàng muốn đi nhưng dạ không đành, chàng tặc lưỡi lẩm bẩm: “¢u là ta hãy vào thăm ngọc tượng, dù có suốt đời bị giam cầm trong hang động, ta cũng cam tâm”. Thế là chẳng đắn đo gì nữa, chàng lần theo lỗi cũ, chỉ hơn mười trượng đã đến cửa hang nhỏ. Chàng chui ngay vào, rồi cứ theo đường hầm vào tới thạch thất.
Lúc đó trời đã hoàng hôn nhưng bốn mặt tường đều có giát những hạt minh châu toả ra một thứ ánh sáng huyền ảo. Ðoàn Dự run run đứng ngắm pho tượng ngọc nhủ thầm: cũng may đây chỉ là pho tượng bằng ngọc chứ không phải người thật.
Giả tỷ trên thế gian có cô gái mỹ lệ nhường này thì Ðoàn mỗ có phải vì nàng màtan nát thân danh hay phải chết nửa đời nửa đoạn cũng chẳng chút chi hối hận! Bất luận nàng ra lệnh cho làm gì, dù là việc đại nghịch vô đạo hay việc gian ác hiểm độc đến đâu đi chăng nữa, mình há dám từ nan?
Ðoàn Dự hỡi Ðoàn Dự! Trên đời không có người này tưởng cũng là cái may lớn trong những cái không may đó.
Ðoàn Dự đứng trước người ngọc đã chồn gối run chân mà không biết mỏi mệt là gì. Nào đâu Nam Hải Ngạc Thần? Nào đâu Mộc Uyển Thanh? Chàng bỏ rơi vào cõi hư vô hết, chẳng còn lo còn nghĩ gì tới nữa. Hồi lâu quay về thực tại, chàng cảm thấy mỏi quá, không tài nào đứng được nữa liền nằm quay ra chân pho tượng ngọc ngủ thiếp đi.
Trong lúc mơ màng, Ðoàn Dự thấy pho tượng quả nhiên cử động, cầm một thanh bảo đao đưa cho và sai chàng đi giết 36 người vô tội, bất luận nam hay nữ. Chàng chẳng ngần ngừ chút nào, khẳng khái vâng lời cầm đao ra đi, bất cứ gặp ai cũng giết. Chém giết một hồi đến bảy tám mươi người, đầu lâu lăn long lóc ngổn ngang trên mặt đất, chàng hăm hở trở vào phục mệnh.
Tượng ngọc mỉm cười, trầm trồ khen giỏi rồi bảo chàng:
- Ngươi hãy về nhà lấy đầu phụ thân đi!
Chàng nhất quyết không dám tuân mệnh. Tượng ngọc chau mày nói:
- Ngươi không tuân lệnh ta thì lập tức ra ngoài kia tự chặt đầu ngươi đem vào đây ra mắt ta.
Ðoàn Dự không do dự chút nào, cầm đao tự đâm vào bụng, kêu to lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra như tắm. Chưa hết kinh sợ, trống ngực đánh thình thình.
Bỗng chàng thấy ánh dương quang chiếu vào, nhớ lại chuyện vừa xong thì ra suốt đêm rồi mình đã trải qua một cơn ác mộng.
Chàng nhỏm dậy nhìn pho tượng, nghĩ vẩn nghĩ vơ một hồi, sực nhớ ra điều gì tự hỏi: “Ðây là một toà thạch thất sâu dưới đáy hồ từ đâu mà ánh dương quang lại chiếu vào được?”.
Ðoạn nhìn theo phía có ánh sáng để tìm cho ra lẽ thì thấy trên nóc nhà có treo một tấm gương đồng, ánh sáng do tấm gương này phản chiếu xuống. Chàng chú ý nhìn kỹ tấm gương hồi lâu, nhận ra có những chữ tròn trĩnh.
Chàng bỗng giật mình tự hỏi tiếp: “Khắp trong toà thạch thất này chỗ nào cũng để gương đồng, hay là có điều chi kỳ dị ở đó?”.
Nghĩ vậy tiện tay chàng với ra góc nhà bên phải nhặt lấy một tấm, lau hết bụi bặm cùng rỉ xanh đi để xem. Quả nhiên trên có khắc những đường ngang vạch dọc. Cạnh những nét này có chua “một bước”, “hai bước”, “nửa bước”. Ngoài đầu những nét vạch có ghi bằng chữ nhỏ: “đồng nhân”, “đại hữu”, “quy muội”, “khiêm”....
Ðoàn Dự biết ngay những chữ như “đồng nhân”, “đại hữu” v.v. là tên những quẻ trong 64 quẻ tuỳ theo phương vị ở kinh dịch. Chàng lật mặt dưới tấm kính lên thấyđề bằng lối chữ triện bốn chữ “LĂNG BA VI BỘ”.
Dó đó chàng liền nhớ lại lõm bõm được ít câu trong bài Lạc Thần Phủ tả điệu lăng ba:
Lăng ba nhón gót,
Chẳng nhiễm bụi trần.
Chuyển mình lấp loáng,
Mặt tựa hoa xuân,
Miệng cười chúm chím,
Lặng lẽ xuất thần,
Nhìn người yểu điệu,
Quên ngủ quên ăn
Ðoàn Dự cầm trong tay tấm gương đồng lật lên lật xuống, xem đi xem lại, ngồi thừ ra một lúc lại nhớ đến những dòng chữ khắc trên tấm gương đồng đặt dưới chân pho tượng mà mình đã xem bữa trước: “Ngươi đã lạy đủ ngàn lạy, vậy ta nhận ngươi làm đệ tử. Từ đây sắp tới ngươi còn gặp nhiều tai nạn thê thảm, nói không xiết được, cũng đừng hối hận. Võ công hơn đời của phái ta ở khắp nơi trong thạch thất này. Mong rằng ngươi ráng lĩnh tâm nghiên cứu cho ra”.
Rồi chàng nhớ lại bữa đó, trong lúc từ biệt pho tượng, chàng đã nói: “Thần tiên nương tử ơi! Tôi chả làm đồ đệ nương tử mà cũng chẳng học cái võ công hơn đời của nương tử đâu”. Nhưng hôm nay chàng ngó pho tượng thần mấy hồi nữa thì tâm hồn như ngây như dại, chẳng còn tự chủ được nữa.
Rồi chàng tự nhủ: “Thần tiên nương tử bảo ta học tập võ nghệ thì không thể không học được rồi. Nhưng câu võ công hơn đời của phái ta ở khắp nơi trong tòa thạch thất này, sao ta xem khắp cả có thấy gì đâu? Phải chăng võ công ghi trên tấm gương đồng ta vừa coi xong?”.
Nghĩ vậy chàng lật đi lật lại để xem cho kỹ phương vị 64 quẻ trong kinh dịch rồi bắt đầu tập bước thử.
Ban đầu chàng chỉ chiếu theo phương hướng, độ số bước cho đúng cách, chưa lĩnh hội gì đến phần ảo diệu bên trong. Nhưng đến chỗ khó khăn, kỳ cục, nếu cứ theo chữ khắc trên tấm gương thì đi bước trước xong không biết làm thế nào để bước tiếp cho đúng. Sau chàng phải xoay mình chân không chấm đất mới bước vào đúng khuôn phép, cũng có lúc phải nhón gót vọt lên hay co chân nhảy lùi lại mới hợp với phương vị, độ số trong chỉ thị.
Mỗi khi gặp vấn đề nan giải, Ðoàn Dự cố gắng nghiên cứu, tìm được lối giải quyết chàng cảm thấy khoan khoái vô cùng và công nhận học võ cũng nhiều chỗ thích thú chẳng kém gì đọc sách.
Có lúc chàng hối hận: “trước kia mình không hiểu, chỉ quan niệm võ nghệ là môn học để hại người, giết người nên không chịu học. Giờ xem bộ pháp này chẳng hại đến ai mà lại tránh được kẻ hung ác muốn đánh giết mình, như thế chẳng những không hại mà còn có ích nữa. Bất luận mônvõ nào dùng để cứu người hay tự vệ đâu có phải việc dở”. Kết luận như vậy chàng lại càng cần cù hăng hái luyện tập.
Tập suốt một ngày, mười phần Ðoàn Dự đã học được hai, ba. Tối đến, chàng đói quá bèn mở nắp hộp ngọc để đôi mãng cổ chu cáp kêu lên mấy tiếng cho rắn kéo đến nằm phục trước mặt. Chàng lựa giết mấy con rồi ra bờ sông nhặt củi đốt lên nướng ăn.
Mấy ngày liền chỉ trừ những lúc ngủ đi hay lúc giết rắn làm bữa còn bao nhiêu thì giờ chàng để hết vào việc nghiên cứu và luyện tập “Lăng Ba Vi Bộ”, không chểnh mảng một phút nào. Có lúc chán nản, chàng ngẩng đầu lên nhìn pho tượng ngọc thì lạ thay: Thần nương tiên tử tựa hồ có vẻ buồn bực thống trách chàng không chịu gắng sức hết lòng, thì chàng sợ hãi vô cùng, đứng bật dậy như chiếc lò xo, hăm hở đem hết tâm trí vào việc rèn tập “Lăng Ba Vi Bộ”.
Ðến giữa trưa hôm thứ tư, Ðoàn Dự đã thuộc lòng toàn bộ môn lăng ba ghi trên gương đồng và cách bước lên, lui xuống, diễn tập lại được một cách rất thuần thục.
Chàng sực nhớ đến chuyện Mộc Uyển Thanh bị Nam Hải Ngạc Thần bắt trong một thời gian khá lâu rồi, chàng cần trở về để cứu mạng cho nàng. Nhưng lúc diễn tập xong, chàng vào ra mắt Thần tiên nương tử thì chẳng khác gì kẻ bị ma làm, tâm hồn như ngây như dại, chẳng nghĩ gì đến chỗ nguy khốn của Mộc Uyển Thanh nữa.
Có lúc chàng quyết tâm “ta phải về cứu Mộc cô nương rồi sẽ trở lại đây cũng chưa muộn gì”. Chàng liền đặt tấm gương đồng vào chỗ cũ, chợt ngó đến một tấm gương khác loang lổ, sặc sỡ, trên khắc vô số chữ nghĩa. Chàng biết rằng nếu rèn luyện thêm món này nữa thì ít ra cũng mất mấy ngày, vội nhủ thầm: “Ðoàn Dự hỡi Ðoàn Dự! Mộc cô nương bị ác nhân giam giữ, một ngày xem bằng ba thu. Nếu mi không kịp trở lại cứu nàng thì còn mặt mũi nào trông thấy ai nữa?”.
Tuy chàng lẩm bẩm như vậy nhưng lại bị một ý nghĩ khác đả phá: “mình ở đây bên con người ngọc vui thú biết là chừng nào, huống chi mình chẳng có lấy một chút bản lãnh thì làm sao mà đánh lại được Nam Hải Ngạc Thần, chỉ có cách là thờ lão làm thầy. Như thế thì thà chịu chết còn hơn”.
Hai luồng tư tưởng xung đột nhau dữ dội trong đầu óc chàng. Phân vân hồi lâu rồi chàng nhất quyết: “dù sao bỏ mặc Mộc Uyển Thanh cũng là một điều địa bất nghĩa, đâu phải tư cách của bậc đại trượng phu? Ðừng có mình ở vào trường hợp bị giam cầm hoặc trường hợp bất khả kháng nào khác không trở về được chả nói làm chi”.
Quyết định như vậy, chàng lại trước mặt pho tượng ngọc mỹ nhân, lạy xụp xuống đất khấn rằng:
- Thần tiên nương tử ơi! Nếu nhờ được phép Lăng Ba Vi Bộ mầu nhiệm của nương tử vừa truyền cho mà tôi thoát khỏi tay Nam Hải Ngạc Thần thì sau này mỗi năm tôi tình nguyện đến ở đây với nương tử nửa năm. Khấn xong, chân trái chàng đạp bước “Trung phu”, chuyển sang bước “Kỷ tế” rồi toan tiếp tục theo phép Lăng Ba Vi Bộ chạy ra khỏi động. Nhưng vừa bước sang vị “thái”, chàng xoay mình một cái, chân phải bước đến vị “cổ”, đột nhiên một luồng hơi nóng ở huyệt “đan điền” bốc lên cao độ khiến cho toàn thân tê nhức, không thể chịu nổi rồi lăn kềnh ra đất nằm cứng đơ người.
Ðoàn Dự thất kinh, toan chống tay xuống đất để nhỏm dậy nhưng tứ chi cũng như các bộ phận khác không chịu phục tùng ý chí của mình nữa. Ðừng nói muốn ngồi lên mà ngay muốn cử động một đầu ngón tay cũng không thể được. Chàng chịu nằm trơ như phỗng đá, càng nóng nẩy lại càng không nhúc nhích được tý nào.
Nguyên phép Lăng Ba Vi Bộ khắc trên tấm gương đồng là một môn võ để cho những người đã có bản lĩnh vào hạng thượng thừa rèn luyện.
Ðoàn Dự tuyệt không có một chút căn bản võ công nào, lúc tập chàng tiến lên một bước rồi dừng lại suy nghĩ, hoặc lùi xuống một bước lại nghỉ giây lát, huyết mạch trong người chu lưu một cách bình thường nên không việc gì. Ðằng này chàng vừa thuộc hết bài, đột nhiên toan dông thẳng một lèo, các mạch máu trong người không thể luân lưu từ từ như thường mà chạy ngược lên một cách cấp bách nên toàn thân bị tê liệt, thiếu chút nữa biến thành cái xác không hồn. May mà chàng mới đi có mấy bước, vả không đi mau lắm nên chưa đến nỗi đứt mạch máu.
Lâm vào tình trạng sống dở chết dở, Ðoàn Dự cuống cuồng, cố sức vận động nhưng chàng càng cố gắng bao nhiêu ruột gan càng cồn cào bấy nhiêu, tựa như người buồn nôn mà không nôn ra được.
Chàng nghĩ thầm: “tấm đồng đặt dưới chân nương tử đã khắc rõ ràng từ đây sắp tới ngươi còn gặp nhiều tai nạn thê thảm, nói không xiết được cũng đừng hối hận”. Bây giờ mình nằm ỳ ra đây để mà chịu chết đói, há chẳng là một cảnh tượng thê thảm nói không xiết được ư?
Ánh dương quang buổi chiều chênh chếch chiếu xuống. Vào khoảng giờ thìn, ánh sáng soi vào giữa tấm gương đồng và phản chiếu xuống mặt Ðoàn Dự. Chàng thấy chói mắt, muốn quay đầu ra phía khác nhưng cổ cứng đơ không sao quay đi được. Chàng nhìn tấm gương thấy có khắc những chữ “Vị tế”, “Tiểu quá”, “chấn”, “truân”. Không còn cách nào quay đi chỗ khác, chàng chăm chú nhìn vào những chữ trong gương rồi đâm ra suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán thì ra tấm gương thứ nhất chàng đã luyện xong mới được có 32 trong 64 quẻ, còn 32 quẻ nữa ở tấm gương này, lại vừa khéo hiện ra đúng lúc trước mặt chàng. Tuy chân không bước được nhưng chàng vẫn nằm ngẫm nghĩ, tính toán các bước chân, tưởng tượng ra bộ số, phương hướng. Chàng cứ lẩm nhẩm tính toán như vậy đến chiều thì được hơn mười bước, tâm hồn đã thấy được cởi mở và dễ chịu hơn trước nhiều.
Trưa hôm sau Ðoàn Dự nhập tâm được nốt 32 quẻ, chàng nằm ôn lại cả 32 quẻ học trước hợp lại với 32 quẻ mới. Khi đầu từ “Minh di” rồi tuần tự sang “bí”, “kỳtế”, “gia nhân”. Bước theo độ số, chuyển theo phương vị cho đủ 64 quẻ thì về đến vòng tròn “Vô vọng” là xong.
Ðoàn Dự mừng quá, vỗ tay reo rồi vùng dậy la lên:
- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!
Dứt lời chàng mới biết rằng mình đã cử động lại được như thường, thì ra hơi thở và kinh mạch trong người cũng chuyển vận theo tâm niệm. Tâm niệm đến vòng tròn, chỗ để nối các kinh mạch cởi mở trở về cương vị bình thường.
Ðoàn Dự mừng rỡ khôn xiết, nhưng còn lo lỡ ra quên mất thì nguy, chàng ôn đi ôn lại nhiều lần cho nhớ thật kỹ. Lúc bắt đầu diễn lại chàng bước rất thong thả, cẩn thận cho khỏi sai trật. Ði xong 64 quẻ chàng cảm thấy tinh thần phấn chấn, khí lực dồi dào. Tuy đã mấy ngày chẳng được ăn uống gì mà trong bụng vẫn không thấy đói lắm.
Chàng vào vái ngọc tượng nói:
- Ða tạ Thần Tiên Nương Tử!
Rồi trở gót đi ra khỏi toà thạch động, tìm theo đường cũ qua cầu “Thiện nhân độ”, lên núi Vô Lượng, tìm đến chỗ Mộc Uyển Thanh.
Ðoàn Dự đem chuyện luyện Lăng Ba Vi Bộ trong sơn động thuật lại đầu đuôi cho Bảo Ðịnh Ðế nghe. Nhưng chàng dấu nhẹm việc pho tượng ngọc mỹ nhân không đả động gì đến vì chàng biết rằng trước mặt bao nhiêu người mà đem chuyện mình say mê một pho tượng ngọc nữ thì thật là một điều lố bịch, lại khiến cho Mộc Uyển Thanh phải nổi trận tam bành.
Nghe Ðoàn Dự kể xong Bảo Ðịnh Ðế nói:
- Bộ pháp 64 quẻ này dường như ở trong có ẩn hiện một căn bản nội công vào hạng thượng thừa. Con thử diễn lại từ đầu đến cuối cho ta coi!
Ðoàn Dự vâng lời, nhẩm lại một lúc rồi bước ra biểu diễn. Bảo Ðịnh Ðế, Ðoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái đều là những tay bản lĩnh cao siêu về phần nội công thế mà những chỗ tuyệt diệu về nội công trong bộ pháp này cũng chỉ nhìn nhận ra được vài phần mà thôi.
Ðoàn Dự diễn xong 64 quẻ, cuối cùng quanh một vòng tròn rồi trở về nguyên vị. Bảo Ðịnh Ðế cả mừng nói:
- Bộ pháp “Lăng Ba Vi Bộ” này ảo diệu vô cùng, trên đời có một không hai, con ta phải có phúc phân thế nào mới được gặp đó. Nay má con mới lại trùng phùng, thôi ta về để mẹ con hàn huyên với nhau.
Ðoạn nhà Vua quay sang bảo Hoàng hậu:
- Ta về thôi!
Vua cùng Hoàng hậu đứng dậy lên kiệu về Hoàng cung. Bọn Ðoàn Chính Thuần tiễn đưa ra khỏi cổng lớn rồi mới trở vào Vương phủ truyền mở tiệc ăn mừng.
Vợ chồng Trấn Nam Vương cùng Ðoàn Dự và Mộc Uyển Thanh ngồi một bàn có đến mười mấy tên thị nữ đứng bên hầu hạ.
Mộc Uyển Thanh từ nhỏ đến lớn có bao giờ được dự bữa tiệc vinh hoa phú quý như hôm nay. Những món trân tu nàng chẳng những chưa từng thấy mà cũng chưa nghe ai nói đến bao giờ. Nàng được vợ chồng Trấn Nam Vương coi như người nhà thế là nghiễm nhiên thành hai cặp vợ chồng, cặp già, cặp trẻ ngồi chung trò chuyện vui vẻ nàng đã mừng thầm.
Ðoàn Dự thấy mẹ chàng đối với cha vẫn ra chiều lãnh đạm, đã không uống rượu lại chẳng ăn ngon, chỉ dùng mấy món rau đậu nhạt nhẽo, liền đứng lên rót một chung rượu nâng đến trước mặt mẹ mời:
- Thưa mẫu thân! Con xin kính mời mẫu thân một chung rượu này.
Dao Ðoan Tiên Tử vội gạt đi:
- Má có uống rượu đâu?
Ðoàn Dự lại rót một chung, đưa mắt ra hiệu cho Mộc Uyển Thanh, rồi nói:
- Tôi xin mừng Mộc cô nương một ly.
Mộc Uyển Thanh cầm ly rượu đứng lên đưa đến trước mặt tiên tử.
Dao Ðoan Tiên Tử nghĩ thầm: “Ðối với Mộc Uyển Thanh ta chẳng nên tỏ ra quá thờ ơ với nàng”, liền mỉm cười nói:
- Mộc cô nương! Thằng nhỏ nhà này có tính lông bông lắm đấy. Ba má giữ y không được, cô nương phải giúp ta cai quản y mới xong.
Mộc Uyển Thanh nói:
- Nếu bảo không nghe con sẽ đánh cho mấy cái bạt tai.
Dao Ðoan Tiên Tử phì cười đưa mắt nhìn chồng. Ðoàn Chính Thuần nói:
- Phải thế mới được.
Dao Ðoan Tiên Tử đứng dậy đón lấy chén rượu ở tay Mộc Uyển Thanh. Dưới ánh đèn sáng, nàng trông rõ bàn tay bà nhỏ nhắn, trắng như tuyết, trong như ngọc nhưng trên mu bàn tay, chỗ gần cổ tay có miếng chàm đỏ tươi. Bất giác nàng rùng mình, run run hỏi:
- Phải chăng bà... bà là Thư Bạch Phụng?
Dao Ðoan Tiên Tử cười đáp:
- Sao cô lại biết tên của ta?
Vẫn một giọng run run Mộc Uyển Thanh hỏi:
- Bà đúng là Thư Bạch Phụng, trước nay bà vẫn sử cây nhuyễn tiên làm binh khí phải không?
Dao Ðoan Tiên Tử thấy nàng biến sắc nhưng không ngờ gì nàng có ý định ám toán, vẫn tươi cười đáp:
- Thằng Dự đối với cô thật tình lắm nhỉ, y đem cả như danh ta nói với cô.
Mộc Uyển Thanh kêu lên:
- Ân thầy đã nặng, lời thầy dám sai?
Nàng vẫy tay phải một cái, hai mũi tên độc bắn ra, nhằm giữa bụng Dao Ðoan Tiên Tử phóng tới.
Bốn người ngồi bàn tiệc đang truyện trò vui vẻ, thân mật trong bầu không khí gia đình, ai ngờ Mộc Uyển Thanh đột nhiên giở quẻ.
Dao Ðoan Tiên Tử tuy võ công hơn Mộc Uyển Thanh nhiều nhưng ngồi gần nàng quá, lại trong khi bất ngờ không kịp đề phòng, bà thấy rõ không còn cách nào tránh được nữa.
Ðoàn Chính Thuần lanh mắt trông thấy, vội đưa ngón tay trỏ theo cách điểm huyệt “Nhất Dương Chỉ” để khống chế Mộc Uyển Thanh nhưng cũng chậm mất rồi.
Ðoàn Dự đã mấy lần thấy nàng đang cười bỗng phóng tên giết người nhanh như chớp, đầu mũi tên đều có tẩm thuốc độc cực kỳ lợi hại. Giờ vừa thấy nàng phất tay áo đã biết ngay là nguy đến nơi rồi.
Chàng đang đứng bên cạnh mẫu thân khốn nỗi chẳng có chút công nào để cản trở Mộc Uyển Thanh đành theo phép Lăng Ba Vi Bộ bước chân chéo đi, chuyển mình che đỡ cho Dao Ðoan Tiên Tử.
“Phập phập” hai tiếng, hai mũi tên cắm vào ngực chàng.
Ðồng thời Mộc Uyển Thanh thấy sau lưng mình đánh nhốt một cái, nàng đau quá nằm gục xuống bàn, không sao nhúc nhích được nữa.
Ðoàn Chính Thuần ứng biến cực kỳ mau lẹ, đưa ngón tay ra điểm hết 8 đường huyệt đạo chung quanh vết thương cho máu độc khỏi chảy vào tim. Ông lật tay lại, đẩy lưng Mộc Uyển Thanh lên để điểm vào huyệt khớp xương tay phải, khiến tay nàng tê liệt không phóng ám tiến được nữa.
Ðoạn lớn tiếng gọi:
- Lấy thuốc giải độc cho mau!
Mộc Uyển Thanh vẫn run run nói:
- Tôi chỉ cần giết Thư Bạch Phụng, quyết không hại Ðoàn lang.
Tay phải nàng đau quá, nàng phải cố nhịn đau thò tay trái vào bọc móc ra hai bình thuốc giải nói:
- Lấy thuốc đỏ cho uống còn thuốc trắng thoa vào vết thương. Mau lên! Chỉ chậm một phút là không còn tài nào cứu chữa được nữa.
Dao Ðoan Tiên Tử nhìn nàng trừng trừng, thấy nàng thực lòng tha thiết với Ðoàn Dự thì bà đã đoán ra mọi sự. Bà vội lấy hai viên thuốc đỏ nhét vào miệng con, rồi lấy thuốc tán trong bình trắng rịt vào vết thương, sau khi đã nhẹ nhàng nhổ hai mũi tên ra.
Mộc Uyển Thanh nói:
- Cảm tạ trời phật. Tánh mạng chàng không còn gì đáng ngại nữa, nếu không thì... thì tôi... hoá ra...
Ðoàn Dự trúng tên rồi mê man không biết gì nữa, ngã lăn vào lòng mẹ, ngất lịm đi.
Vợ chồng Ðoàn Chính Thuần mắt không rời vết thương ở ngực con, lúc đầu thấy máu đen chảy ra, sau biến ra sắc tím rồi dần dần chuyển thành sắc đỏ, bấy giờ mới thở phào một cái nhẹ nhõm, biết rằng con mình thoát chết rồi.
Dao Ðoan Tiên Tử ẵm Ðoàn Dự lên đưa vào buồng nằm, đắp chăn cho con rồi cầm mạch xem. Tuy mạch chạy yếu nhưng đã điều hoà bà yên dạ trở ra.
Ðoàn Chính Thuần hỏi:
- Không có gì đáng ngại chứ?
Dao Ðoan Tiên Tử không đáp, nhìn Mộc Uyển Thanh hỏi:
- Cô bảo với Tu la đao Hồng Tần Miên...
Ðoàn Chính Thuần nghe đến sáu chữ “Tu la đao Hồng Tần Miên” biến sắc ngắt lời bảo vợ:
- Mình... mình...
Dao Ðoan Tiên Tử không thèm để ý đến lời chồng, tiếp tục nói với Mộc Uyển Thanh:
- Cô bảo với bà ấy rằng: nếu muốn giết ta thì cứ đường hoàng ra tay, hà tất phải dùng cách lén lút thế này? Không sợ người ta cười cho ư?
Mộc Uyển Thanh nói:
- Tôi không biết Tu la đao Tần Hồng Miên là ai.
Dao Ðoan Tiên Tử hỏi:
- Thế ai sai cô đến giết ta?
Mộc Uyển Thanh nói:
- Ðó là sư phụ tôi. Sư phụ tôi sai tôi giết hai mạng, bà là một. Người chỉ bảo trên tay bà có miếng chàm đỏ và tên là Thư Bạch Phụng, dong nhan rất mỹ lệ, sử cây nhuyễn tiên. Người không nói gì đến bà đã thành một vị đạo cô. Tôi thấy bà dùng cây phất trần làm khí giới lại mang danh Dao Ðoan Tiên Tử, có ngờ đâu lại chính là bà? Khổ hơn nữa lại chính là mẫu thân Ðoàn lang.
Nói xong hai hàng châu lệ trào ra.
Dao Ðoan Tiên Tử Thư Bạch Phụng hỏi:
- Có phải sư phụ cô là một bà nhan sắc kiều diễm, khuyết mất ba đốt ngón tay bên phải?
Mộc Uyển Thanh lấy làm kỳ hỏi lại:
- Ðúng lắm! Nhưng sao bà lại biết? Sư phụ tôi họ Khang.
Thư Bạch Phụng hai hàng châu lệ đầm đìa chảy xuống má nói:
- Chính Thuần! Thôi mình ở lại trông nom cho Ðoàn Dự!
Ðoàn Chính Thuần nói:
- Thư Bạch Phụng mình ơi! Những điều oan nghiệt dĩ vãng mình để tâm làm chi?
Thư Bạch Phụng nét mặt rầu rầu nói:
- Mình không để tâm nhưng tôi để tâm và người ta vẫn để tâm thì làm sao?
Dứt lời bà đứng phắt dậy, nhảy qua cửa sổ ra ngoài.
Ðoàn Chính Thuần nắm lấy áo vợ.
Thư Bạch Phụng quay lại tát vào mặt chồng.
Ðoàn Chính Thuần vội nghiêng đầu né tránh.
Thiên Long Bát Bộ Thiên Long Bát Bộ - Kim Dung Thiên Long Bát Bộ