Nguyên tác: Як гартувалася сталь!
Số lần đọc/download: 25766 / 2149
Cập nhật: 2017-04-06 16:36:08 +0700
Phần II - Chương 6
H
ai người đứng gác ở cửa phòng hòa nhạc của khách sạn. Người cao lớn mang kính kẹp mũi, trên tay áo có cái băng đỏ đề chữ: "Phụ trách trật tự".
Ri-ta hỏi:
- Đoàn đại biểu U-crơ-ren họp ở đây phải không?
Người đó trả lời, giọng hách dịch:
- Phải, chị muốn gì?
- Xin phép cho tôi vào.
Anh ta chắn ngang lấy lối ra vào, mắt nhìn Ri-ta và hỏi:
- Chị cho xem giấy chứng minh. Chỉ có các đại biểu có thẻ chính thức và dự thính mới được vào đây.
Ri-ta rút từ trong ví tay ra một cái thẻ viết chữ vàng. Người kia cầm lấy đọc: "Ủy viên Ban chấp hành Trung ương". Giọng hách dịch của người đó bỗng biến đi ngay, và anh ta lập tức trở nên lễ phép và "thân mật".
- Xin mời đồng chí vào. Mời đồng chí đi sang bên phải, còn nhiều chỗ chưa ai ngồi.
Ri-ta đi qua giữa các hàng ghế, tìm được chỗ không, ngồi xuống. Cuộc họp của các đại biểu gần xong. Chị lắng nghe diễn văn của chủ tịch phiên họp, nhận ra hình như giọng nói quen quen.
- Các đồng chí, thế là chúng ta đã cử xong đại biểu vào các bộ phận công tác của Đại hội. Còn hai tiếng đồng hồ nữa thì Đại hội sẽ khai mạc. Tôi xin phép kiểm tra lại lần nữa danh sách các đại biểu đã đến dự Đại hội.
Ri-ta nhận ta A-kim: chính anh đang đọc vội bản danh sách.
Mỗi lần A-kim gọi tên, có những bàn tay cầm thẻ đỏ hay trắng giơ lên để đáp lại.
Ri-ta hết sức chú ý nghe.
Đây là một tên quen thuộc:
- Pan-cơ-ra-tốp.
Ri-ta quay nhìn về phía bàn tay vừa giơ lên, nhưng trong dãy các đại biểu ngồi, chị không thể phân biệt được nét mặt quen của người công nhân khuân vác. Những tên người nối tiếp nhau và trong số đó có tên "Ô-cu-nhếp", liền sau đấy lại một tên khác cũng quen nữa: "Giác-ki".
Ri-ta trông thấy Giác-ki. Giác-ki ngồi ngay gần, mặt quay nghiêng về chỗ chị. Anh ta kia, nét mặt lâu ngày chị đã quên mất rồi. Phải, Giác-ki đấy. Đã bao nhiêu năm trời, chị chưa gặp lại Giác-ki.
Những tên trong danh sách cứ tiếp nhau đọc lên rồi qua đi và bỗng nhiên có tên một người làm cho Ri-ta giật thót mình.
- Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin.
Mãi tận xa, đằng hàng ghế trước, một bàn tay giơ lên và hạ xuống. Và có điều rất lạ, không hiểu tại sao Ri-ta thấp thỏm khao khát được thấy mặt ngay người có tên trùng với tên người bạn cũ của chị đã hy sinh. Chị chăm chăm nhìn về phía lúc nãy có bàn tay giơ lên, chị nhìn không rời mắt, nhưng nào có thấy gì, những đầu người dường như đều giống nhau cả. Ri-ta đứng dậy đi men rìa tường, lại gần mấy hàng ghế đầu. A-kim đã đọc hết. Tiếng ghế xô đẩy ầm ầm, các đại biểu bắt đầu nói chuyện to, tiếng cười của tuổi trẻ vang lên và A-kim cố nói át tiếng ồn trong phòng:
- Bây giờ tại Nhà hát lớn! Các đồng chí nhớ đừng đến trễ đấy?
Ngoài cửa, người ùn ùn đi ra, bị nghẽn lại.
Ri-ta hiểu rằng giữa cái thác người này, khó tìm cho được một ai quen thuộc trong số những người mà chị vừa nghe đọc tên. Chỉ còn cách đừng bỏ mất bóng A-kim, nắm được A-kim thì có thể tìm được những bạn khác. Chị nhường cho nhóm đại biểu cuối cùng đi trước rồi bước về phía A-kim.
Bỗng phía sau chị có tiếng nói:
- Thế nào Pa-ven? Cùng đi thôi chứ, mày?
Rồi có tiếng rất quen thuộc, thoạt nghe chị đã nhận ra ngay, nhớ ra ngay:
- Ta cùng đi.
Ri-ta quay lại. Trước mặt chị là một thanh niên cao lớn, da ngăm ngăm, mặc áo va-rơ màu ka-ki, có thắt một dây da Cô-ca-dơ mỏng, và mặc quần đi ngựa màu xanh thẫm.
Ri-ta trố mắt nhìn người thanh niên ấy, và khi đôi tay bạn thân thiết ôm chặt, và giọng bạn run run kêu khẽ "Ri-ta", thì chị đã hiểu thanh niên ấy chính là Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin.
- Pa-ven còn sống ư?
Mấy tiếng đó đã nói với Pa-ven tất cả? Ri-ta không hề biết rằng cái tin Pa-ven hy sinh là một tin nhầm.
Phòng họp đã vắng hẳn. Từ phố Tơ-véc-scai-a, phố lớn nhất của thành phố, tiếng ồn ào vọng vào cửa sổ mở toang. Đồng hồ treo tường đã điểm sáu tiếng rồi, nhưng hai người có cảm tưởng như vừa mới gặp nhau cách đây vài phút. Tiếng chuông đồng hồ giục hai người đi đến nhà hát lớn. Khi đi xuống cầu thang rộng ra cửa, Ri-ta còn đưa mắt nhìn lại Pa-ven một lượt nữa. Bây giờ Pa-ven đã đứng cao hơn Ri-ta một nửa đầu người rồi. Nhưng trông Pa-ven vẫn như xưa, chỉ khác là cứng cỏi hơn, trầm tĩnh, vững vàng hơn.
- Đấy Pa-ven thấy không, Ri-ta quên mất cả không hỏi bây giờ Pa-ven công tác ở đâu?
- Pa-ven là Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản liên quận, hay là nói như Đu-ba-va thường nói: làm "thơ lại" rồi. - Và Pa-ven mỉm cười.
- Pa-ven gặp anh ta à?
- Có gặp. Và cuộc gặp ấy đã để lại cho tôi một kỷ niệm khó chịu.
Hai người bước ra. Ngoài phố, tiếng còi xe hơi inh ỏi phố xá nhộn nhịp, ồn ào. Dọc đường đến Nhà hát lớn, hai người đều im lặng, hầu như không nói chuyện với nhau, nhưng đều nghĩ về một chuyện như nhau. Cả một biển người huyên náo, dữ dội, vây lấy Nhà hát lớn. Biển người ấy kéo tới tòa nhà đá đồ sộ của nhà hát, định ùa vào những cửa có anh em bộ đội Hồng quân đứng gác, nhưng những người gác rất hắc kia chỉ cho các đại biểu vào thôi. Những ai được vào đều lấy làm hãnh diện đưa giấy chứng minh ra, khi bước qua hàng dây ngăn cửa.
Biển người bao quanh nhà hát toàn là những đoàn viên thanh niên cộng sản. Những anh chị em đó không có giấy mời, nhưng tha thiết muốn được đến dự cho được lễ khai mạc Đại hội. Có những anh láu cá đi lẫn vào giữa nhóm đại biểu và cũng giơ lên một miếng giấy gì đo đỏ, miễn là phải thật đúng màu giấy chứng minh của đại biểu, thế là họ có lúc vào được gần cửa trong. Một vài người lọt được vào cửa. Nhưng đến đây họ lại đụng phải đồng chí ủy viên Trung ương hoặc người phụ trách trật tự đứng túc trực, chờ dẫn khách mời lên gác, còn đại biểu thì đi vào tầng dưới. Và mấy anh láu cá kia liền bị đuổi ra ngoài làm cho những tay "không vé" khác khoái chí.
Nhà hát không thể chứa được một Phần hai mươi tổng số những người muốn vào dự.
Ri-ta và Pa-ven chen vất vả lắm mới đến được cửa. Các đại biểu đến mỗi lúc một đông: xe điện, xe hơi đưa họ tới. Ngoài cửa, người xô đẩy nhau. Các đồng chí bộ đội gác, cũng là những đoàn viên thanh niên cộng sản, bị một mẻ gay go. Các đồng chí bị xô ép đến tận tường. Có tiếng kêu to lên gần cửa vào:
- Ê! Các cậu khu Bâu-man chen vào đi nhé.
- Chen vào đi các cậu, thế nào cũng vào được đấy.
- Vào này !...
Cùng lúc ấy, Pa-ven và Ri-ta đi vào cửa, có một cậu bé mắt sắc, đeo huy hiệu thanh niên cộng sản, lừa lúc bất thần lẻn vào cửa. Cậu ta tránh được mặt người "phụ trách trật tự”, liền lẩn vào phía trong. Chỉ một nháy mắt là cậu ta đã biến vào thác người đi họp.
Ri-ta và Pa-ven đi vào tầng dưới; Ri-ta chỉ dãy ghế bành ở cuối, nói với Pa-ven:
- Chúng ta ngồi đây.
Hai người ngồi vào một góc.
- Ri-ta muốn Pa-ven trả lời một câu hỏi . Tuy là chuyện cũ, song Ri-ta tin rằng Pa-ven sẽ trả lời: tại sao hồi ấy Pa-ven lại bỏ dở việc học tập và cắt đứt tình bạn của chúng ta như thế ?
Pa-ven đã chờ đợi câu hỏi ấy ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ; vậy mà anh vẫn cứ lúng túng. Hai cặp mắt bắt gặp nhau và Pa-ven hiểu rằng Ri-ta đã biết tất cả rồi.
- Tôi tưởng rằng Ri-ta đã hiểu tất cả. Đã ba năm rồi đấy nhỉ và bây giờ đây Pa-ven chỉ còn có thể trách cậu Páp-ca về cách xử sự lúc bấy giờ. Chính Pa-ven là người đáng trách trong chuyện này. Pa-ven trong đời mình đã có nhiều sai lầm, lớn có, nhỏ có, và một trong những sai lầm đó chính là điều Ri-ta vừa hỏi.
Ri-ta mỉm cười:
- Pa-ven vào đề khéo lắm. Nhưng Ri-ta chờ một câu trả lời kia!
Pa-ven hạ thấp giọng:
- Trong chuyện này, không phải chỉ riêng Pa-ven có lỗi. Mà đấy cũng là lỗi ở truyện Ruồi trâu nữa, ở cái lãng mạn cách mạng của nhà hiệp sĩ này. Những cuốn sách tả các chiến sĩ cách mạng dũng cảm đầy quyết tâm và ý chí, không biết sợ sệt, đem cả thể lực lẫn tinh thần hiến cho sự nghiệp của chúng ta, những cuốn sách đó để lại cho tôi một ấn tượng không bao giờ phai nhòa, nuôi trong người tôi cái mong muốn noi gương những anh hùng ấy. Và trong tình cảm đối với Ri-ta, tôi đã bắt chước Ruồi trâu nén tình cảm xuống. Ngày nay thì nhận ra thái độ đó thật buồn cười, hơn thế, lại còn rất là đáng tiếc nữa.
- Thế nghĩa là bây giờ ý kiến của Pa-ven về Ruồi trâu đã khác đi rồi hay sao?
- Không, Ri-ta ạ! Về căn bản thì không! Tôi chỉ muốn tước bỏ đi cái Phần bi kịch vô ích, đem ý chí mình thử thách vào những việc không cần đến, tự mình gây cho bản thân mình đau đớn không lợi gì. Nhưng còn cái Phần căn bản, chủ yếu trong Ruồi trâu thì tôi rất tán thành, tán thành đức tính dũng cảm, tinh thần kiên nhẫn không bờ bến của Ruồi trâu, tán thành con người biết chịu đựng được đau khổ, không kêu ca, không hề ngỏ cho một ai biết. Tôi rất tán thành, rất hâm mộ hình ảnh đó của con người cách mạng, con người thấy được rõ ràng so với sự nghiệp chung, thì bất cứ cái gì thuộc cá nhân mình thật không đáng là bao.
Ri-ta tư lự mỉm cười nói với Pa-ven:
- Pa-ven ạ, giờ chỉ còn biết tiếc là câu chuyện này đáng lẽ phải nói với nhau cách đây ba năm rồi kia, thế mà bây giờ mới nói.
- Sao lại tiếc, hở Ri-ta? Phải chăng vì Pa-ven đối với Ri-ta không bao giờ có thể đi quá tình đồng chí không hơn không kém ư?
- Không. Đáng lẽ Pa-ven đã có thể đi xa hơn thế nhiều lắm, Pa-ven ạ.
- Bây giờ còn có thể nối lại được.
- Hơi muộn rồi, đồng chí Ruồi trâu ạ.
Ri-ta mỉm cười về câu đùa của chính mình và nói cho Pa-ven rõ:
- Ri-ta đã có một cháu bé, cháu bé gái xinh xắn lắm. Cháu bé có bố nó, bố cháu là một người bạn lớn của Ri-ta. Ba người sống với nhau thân lắm và bây giờ đây tay ba không thể nào rời nhau ra được.
Những ngón tay của Ri-ta nắm lấy bàn tay Pa-ven tỏ vẻ lo ngại cho Pa-ven. Song Ri-ta hiểu là lo ngại vô ích. Phải, ba năm qua, Pa-ven đã lớn hẳn lên rồi, không những chỉ thân thể lớn lên không thôi. Ri-ta biết giờ đây Pa-ven đang đau đớn: mắt Pa-ven để lộ ra vẻ đau đớn ấy. Nhưng Pa-ven đã chân thành nói với Ri-ta:
- Dù sao Pa-ven vẫn còn giữ được một cái gì muôn ngàn lần quý hơn cái Pa-ven vừa mất đi.
Pa-ven và Ri-ta đứng dậy. Đã đến lúc phải tìm chỗ ngồi gần hơn. Hai người đi lại dãy ghế của đoàn đại biểu U-cơ-ren. Nhạc nổi lên. Những băng khẩu hiệu đỏ chói mang những hàng chữ sáng ngời "Tương lai thuộc về chúng ta". Hàng ngàn đại biểu ngồi kín tầng dưới và các ghế "lô", các dãy ghế hai bên gác. Hàng ngàn con người ấy hòa vào đây thành một cái máy biến thế điện mạnh với một sức điện không bao giờ tắt được Tòa nhà hát lớn khổng lồ đã nhận vào lòng mình tất cả tinh hoa của lớp vệ quân thanh niên trong đạo quân công nghiệp vĩ đại. Hàng ngàn cặp mắt sáng lên đổ dồn vào nhìn hàng chữ chói lọi chăng ở phía trên cái màn sân khấu: "Tương lai thuộc về chúng ta". Những tiếng nói chuyện vẫn ồn lên. Còn vài phút nữa. Và cái màn nhung nặng từ từ giãn ra. Đồng chí bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Nga bắt đầu nói. Đồng chí xúc động quá, trong giây lát mất tự chủ, đứng yên một lúc lâu trước cảnh tượng trang nghiêm không tả xiết của giờ phút này.
- Đại hội lần thứ sáu Đoàn thanh niên cộng sản Nga khai mạc.
Chưa bao giờ như hôm nay, Pa-ven cảm thấy rõ ràng, sâu sắc sức hùng mạnh và vĩ đại của cách mạng, lòng tự hào không lời nào diễn đạt nổi và niềm vui sướng không gì bằng mà cuộc đời đã cho anh hưởng, cuộc đời đã đưa anh, người chiến đấu và xây dựng, tới đây đến chỗ thắng lợi huy hoàng này của lớp vệ quân thanh niên bôn-sê-vích.
Đại hội làm việc căng thẳng, chiếm hết cả thời giờ của các đại biểu, từ sáng sớm đến khuya, Pa-ven chỉ gặp lại Ri-ta ở một trong những phiên họp cuối cùng. Pa-ven nhận ra Ri-ta đang đứng với một nhóm đại biểu U-cơ-ren, Ri-ta nói với anh:
- Ngày mai, sau khi Đại hội bế mạc, Ri-ta sẽ đi ngay. Không biết chúng ta còn có dịp trò chuyện và chào biệt nhau không. Vì vậy hôm nay, Ri-ta đưa cho Pa-ven hai tập nhật ký riêng của Ri-ta liên quan đến chuyện ngày xưa và một bức thư nhỏ. Pa-ven xem xong rồi gửi lại theo đường bưu điện cho Ri-ta nhớ. Pa-ven đọc nhật ký của Ri-ta sẽ hiểu tất cả những điều Ri-ta nói với Pa-ven.
Pa-ven bắt tay Ri-ta và nhìn bạn hồi lâu như để khắc sâu nét mặt bạn vào tâm trí mình.
Ngày hôm sau, đúng hẹn, hai người gặp nhau ở cửa chính. Ri-ta trao cho Pa-ven một gói cuộn tròn và một phong bì dán kín. Chung quanh đông người, nên cả hai chỉ kín đáo chào biệt nhau. Chỉ riêng trong đôi mắt hơi rơm rớm lệ của Ri-ta là Pa-ven thấy rõ lòng trìu mến sâu xa và một thoáng buồn rầu.
Ngày hôm sau, hai con tàu đưa mỗi người về mỗi ngả. Những người U-cơ-ren ngồi ở nhiều toa. Pa-ven ở trong nhóm đại biểu thành Ki-ép. Tối đến, khi mọi người đã đi ngủ, và Ô-cu-nhếp đã nằm ngáy như kéo gỗ ở giường bên, Pa-ven lại gần ánh đèn bóc thư ra:
"Pa-vơ-lu-sa thân yêu ơi!
Đáng lẽ Ri-ta có thể trực tiếp nói thẳng với Pa- ven, nhưng Ri-ta nghĩ là viết cho Pa-ven thế này thì hơn. Ri-ta chỉ muốn một điều: sao cho những chuyện chúng ta nói với nhau trước khi bắt đầu Đại hội không để lại vết tích nặng nề trong đời Pa-ven. Ri-ta biết Pa-ven có nghị lực, nên Ri-ta tin ở điều Pa-ven đã nói với Ri-ta. Ri-ta không nhìn đời một cách hình thức, giáo điều đâu: đôi khi, tuy đấy thật ra là những trường hợp đặc biệt rất hiếm, người ta có thể ra ngoài lẽ thường trong quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, nếu điều đó là do một thứ tình cảm rất lớn, rất sâu chi phối. Pa-ven xứng đáng được như thế. Gặp lại Pa-ven, lúc đầu Ri-ta đã định đền bù lại mối tình của thuở mười tám đôi mươi ấy, song Ri-ta đã cưỡng lại. Ri-ta cảm thấy làm thế không cho chúng ta có được một niềm vui lớn trong tâm hồn. Pa-ven ạ, không nên khe khắt quá với mình đến thế. Trong cuộc đời chúng ta, không phải chỉ có đấu tranh không thôi mà còn có niềm vui của một tình cảm tốt đẹp nữa.
Về cuộc đời tương lai của Pa-ven, nghĩa là về nội dung chủ yếu của đời Pa-ven, Ri-ta hoàn toàn không cảm thấy có gì đáng lo ngại cả. Bắt tay Pa- ven rất chặt.
Ri-ta".
Pa-ven nghĩ ngợi, xé vụn bức thư. Thò tay ra ngoài cửa sổ, anh cảm thấy gió dứt khỏi ngón tay từng mảnh thư nát vụn.
Đến sáng thì Pa-ven đã đọc xong hai cuốn nhật ký. Anh lại lấy giấy gói và buộc lại. Đến Khác-cốp, một số các đồng chí U-cơ-ren xuống tàu, trong đó có Ô-cu-nhếp, Pan-cơ-ra-tốp và Pa-ven. Ô-cu-nhếp phải đi Ki-ép đón Ta-li-a hiện đang ở nhà An-na. Pan-cơ- tốp mới được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản U-cơ-ren thì có việc bận phải đi giải quyết ngay. Pa-ven quyết định cùng đi với họ đến Ki-ép, tiện thể vào thăm Giác-ki và An- na. Anh nán ở lại sở bưu điện nhà ga, gửi hai cuốn nhật ký trả lại Ri-ta. Khi anh ra tàu thì các bạn không còn ai nữa. Xe điện đưa anh tới nhà An-na và Đu- ba-va ở. Pa-ven leo thang lên tầng hai, gõ cửa bên phải - chỗ buồng An-na. Nhưng không có tiếng đáp lại Còn sớm thế này, An-na chưa thể nào đã đi đến cơ quan làm việc được. Pa-ven nghĩ thầm: "Chắc lại còn đang ngủ". Cửa buồng bên hé ra, và Đu-ba-va ngái ngủ lừ đừ bước ra cầu thang. Mặt hắn xám ngắt, mắt quầng thâm. Pa-ven vốn thính mũi nhận ra ngay cả mùi rượu nữa. Qua cánh cửa hé mở, Pa-ven nhìn thấy trên giường có người đàn bà beo béo, hay nói đúng hơn là nhìn thấy cái cẳng chân để hở và đôi vai nung núc của người ấy.
Đu-ba-va thấy Pa-ven nhìn vào buồng liền lấy chân đá khép kín cửa lại. Hắn hỏi giọng khàn khàn, mắt nhìn chằm chằm vào một góc nào ở ngoài sân:
- Cậu đến tìm nữ đồng chí An-na Bô-khác chứ gì? Bà ấy bây giờ không ở đây nữa. Cậu lại còn không biết chuyện hay sao?
Pa-ven cau mày nhìn thẳng vào mặt Đu-ba-va:
- Mình không biết, thế An-na dọn đi đâu?
Đu-ba-va cáu lên ngay:
- Cái đó chẳng liên quan gì đến đây cả, - và sau
khi ợ một cái, hắn nói thêm, giọng đầy tức tối: -
- Cậu đến an ủi cô ả chứ gì? Thật là đúng dịp! Chỗ trống rồi đấy. Làm đi. Nó chẳng chê cậu đâu. Nó nhiều lần nói với đây là nó thích cậu đấy. Hay nói thế nào nhỉ, như bọn đàn bà thường nói ấy mà... Tóm lấy thời cơ đi, cô cậu thông cảm với nhau cả Phần hồn lẫn Phần xác.
Pa-ven cảm thấy nóng má. Anh cố nén, nói khẽ:
- Đu-ba-va, cậu sa ngã quá đi mất rồi. Mình không ngờ lại thấy cậu đểu cáng đến như thế được. Bởi vì, dù sao trước đây đã có hồi cậu cũng là một thanh niên không đến nỗi nào. Tại sao cậu sinh ra đốn mạt đến như vậy?
Đu ba-va dựa lưng vào tường. Hắn đi chân không trên sàn xi-măng. Trông thấy hắn rét ra mặt, người hắn run lên. Cánh cửa mở, một người đàn bà má núng na núng nính, vẻ còn ngái ngủ, ló ra.
- Vào đây, mình ơi. Mình cứ đứng ngoài ấy làm gì thế ?
Đu-ba-va không để cho con mụ ấy nói hết câu, đóng sập cửa lại, rồi lấy lưng đứng chắn.
Pa-ven nói:
- Bước đầu hay đấy. .. Bây giờ, cậu tiếp những hạng người thế nào và rồi cậu sẽ đi đến tận đâu?
Đu-ba-va nghe chuyện rõ ràng là thấy chán tai lắm rồi. Hắn quát lên:
- Có phải mày đến đây để chỉ thị cho tao là phải ngủ với hạng ngườii nào hay sao? Cái thói lên lớp ấy, tao xin đủ rồi. Ớ đâu dẫn xác đến đây thì cút vế đấy đi ! Mày cứ đi mà rêu rao là thằng Đu-ba-va rượu chè be bét và ngủ với gái nhà thổ.
Pa-ven lại gần hắn, nói những lời xúc động:
- Đu-ba-va, cậu hãy đuổi người đàn bà ấy đi, mình muốn nói với cậu một lần cuối...
Mặt Đu-ba-va sa sầm lại. Hắn quay gót và lui vào buồng.
- Đồ khốn! - Pa-ven lẩm bẩm trong miệng và thong thả bước xuống cầu thang.
*
Hai năm qua thời gian vô tình đã cuốn dần ngày tháng trôi đi. Nhưng cuộc sống băng băng, mãnh liệt, rực rỡ muôn màu đã chứa chất lên mỗi một ngày qua (trông bề ngoài tưởng như đều đều phẳng lặng) những nhân tố mới, khác hẳn với ngày hôm trước. Một trăm sáu mươi triệu người của nhân dân vĩ đại này, lần đầu tiên trên thế giới đã trở thành chủ nhân của đất nước bao la, chủ nhân của những tài nguyên thiên nhiên phong phú không sao kể xiết, một trăm sáu mươi triệu người đó đã đem sức lao động anh hùng, được phát huy đến cao độ, ra khôi phục lại nền kinh tế quốc dân đã bị chiến tranh tàn phá. Đất nước đã hồi sức lại, trở nên cường tráng và những nhà máy, mới gần đây thôi, còn bỏ hoang, trông ảm đạm nhà như nhà máy chết, không còn thấy những ống khói tắt ngấm nữa.
Pa-ven đã trải qua hai năm ấy trong cái đà đi lên không gì cưỡng nổi. Chính anh cũng không còn kịp để ý là đã hai năm qua nữa. Anh là người không thể sống bằng lặng, anh ghét cái lối sống sáng sáng ra uể oải ngáp dài và tối đến đúng mười giờ đi ngủ. Anh sống hối hả. Và không những chỉ bản thân mình hối hả sống mà còn thúc đẩy kích thích những người khác nữa.
Anh hà tiện giờ ngủ. Thường cửa sổ phòng anh, ánh đèn sáng cho đến tận đêm khuya, người ta năng trông thấy những bóng người châu đầu vào nhau quanh chiếc bàn. Họ đang học tập. Trong vòng hai năm qua, họ đã nghiên cứu xong cuốn thứ ba của bộ sách Tư bản luận. Bây giờ đây họ đã thấu hiểu được bộ máy tinh vi của chế độ bóc lột tư bản.
Ra-dơ-va-li-khin lại đến liên quận mà Pa-ven công tác. Tỉnh ủy phái hắn đến đấy, đề nghị để hắn làm bí thư một quận đoàn thanh niên cộng sản. Hồi đó Pa-ven đi công tác biệt phái. Trong lúc Pa-ven đi vắng ban thường vụ liền điều động Ra-dơ-va-li-khin xuống một quận. Pa-ven về, biết chuyện ấy, nhưng không nói gì.
Một tháng sau, Pa-ven bất thình lình về quận của Ra-dơ-va-li-khin. Anh phát hiện được một số không lấy gì làm nhiều những sự việc, nhưng trong những sự việc đó có những sự việc này: Ra-dơ-va-li-khin nào uống rượu say bí tỉ luôn, nào tụ tập quanh mình bọn xu nịnh và đàn áp những đoàn viên tốt. Pa-ven đem những việc ấy về trình bày với ban thường vụ. Khi tất cả mọi người đã tỏ ý tán thành nghiêm khắc cảnh cáo Ra-dơ-va-li-khin thì Pa-ven nói đốp:
- Phải khai trừ vĩnh viễn khỏi Đoàn và tước hẳn quyền gia nhập lại.
Điều đó làm cho ai nấy đều ngạc nhiên, thấy kỷ luật dường như quá nặng, nhưng Pa-ven nhắc lại:
- Phải khai trừ thằng khốn kiếp ấy. Thằng học sinh ly-xê mất dạy ấy đáng lẽ có thể trở nên người. Nhưng nó không thể. Nó chỉ tìm cách len lỏi vào tổ chức ta cầu lợi mà thôi.
Rồi Pa-ven kể cho mọi người biết tư cách của Ra- dơ-va-li-khin ở Bê-rê-dơ-đốp.
Ra-dơ-va-li-khin kêu lên:
- Tôi cương quyết phản đối những lời tuyên bố của Pa-ven. Đây là những chuyện tư thù cá nhân, không ít kẻ có thể cứ đặt điều nói xấu tôi. Pa-ven nói thế thì tài liệu đâu, chứng cớ đâu, sự việc đâu? Tôi cũng có thể bịa ra rằng anh ta buôn lậu. Vậy thì có phải khai trừ anh ta ra không? Không thể được. Đề nghị Pa-ven nói thì tài liệu đâu, trình bày đi.
Pa-ven đáp lại hắn:
- Được tôi sẽ có tài liệu
Ra-dơ-va-li-khin đi ra. Nửa giờ sau, Pa-ven đã được mọi người tán thành thông qua nghị quyết: "Khai trừ Ra-dơ-va-li-khin, một Phần tử lạc loài, ra khỏi hàng ngũ của Đoàn thanh niên cộng sản".
*
Hè đến, tất cả các bạn Pa-ven đều lần lượt thay nhau đi nghỉ. Ai yếu sức thì đi ra bờ biển. Đến mùa này là mọi người đều nghĩ đến nghỉ mát. Và Pa-ven để các đồng chí đi, xoay xở cho anh em giấy vào nghỉ ở các nhà an dưỡng và giúp anh em tiền nong đi nghỉ. Anh em ra đi, người xanh xao, mệt mỏi nhưng mặt mày tươi tỉnh. Công việc của anh em ở nhà lại trút lên vai Pa-ven và anh gánh tất cả, như một con ngựa thuần nai lưng kéo xe lên dốc. Sau một thời gian nghỉ, anh em trở về, da rám nắng, tràn đầy nghị lực và lòng yêu đời. Lại đến lượt tốp khác đi. Suốt vụ hè có vắng mặt ai thì cuộc sống vẫn không ngừng bước tiến. Pa-ven làm việc không nghỉ một ngày nào. Anh vắng mặt một ngày trong phòng làm việc là một điều không thể có được.
Hè đã đi qua như vậy.
Pa-ven không thú mùa thu, cũng chẳng thú mùa đông: hai mùa ấy đến là anh lại có thể đau nặng.
Mùa hè này, anh đặc biệt sốt ruột mong đợi nó đến. Anh thú nhận với mình là sức khỏe mỗi năm một suy và điều đó làm anh đau buồn. Có hai cách giải quyết: hoặc là tự nhận mình không đủ sức chịu được nữa những khó khăn của hoàn cảnh công tác căng thẳng, nhận mình là người tàn phế, hay là vẫn đứng vững ở cương vị công tác cho đến khi nào không kham được nữa mới thôi. Và anh đã chọn cách giải quyết thứ hai.
Một hôm, trong cuộc họp của ban thường vụ Đảng ủy liên quận, Pa-ven ngồi gần bác sĩ Ba-rơ-tê-lích, trưởng ty y tế, một người bôn-sê-vích già đã hoạt động bí mật lâu năm.
- Anh Pa-ven này, tôi trông anh yếu quá. Anh thấy trong người thế nào? Anh đã đến cho ban y tế khám chưa? Chắc là chưa phải không? Đúng như thế, tôi không nhớ là đã có lần nào khám cho anh. Thế nào anh cũng phải để cho tôi khám. Thứ năm này, vào chập tối, đến tôi xem cho nhé.
Pa-ven không đến ban y tế. Anh bận việc. Song bác sĩ Ba-rơ-tê-lích vẫn không quên; một hôm bác sĩ kéo Pa-ven vào phòng thăm bệnh của mình. Buổi khám bệnh rất cẩn thận ấy, có sự tham gia của Ba-rơ-tê- lích vốn là nhà chuyên môn về bệnh thần kinh, đã đi đến kết luận như sau:
"Ban y tế nhận thấy cần thiết phải cho ngay Pa- ven đi nghỉ chữa bệnh một thời gian lâu ở Cơ-rưm, cần theo dõi điều trị cẩn thận, nếu không, không thể tránh khỏi hậu quả nghiêm trọng".
Lời kết luận ấy còn kèm theo một tràng dài kể tỉ mỉ những tên bệnh bằng tiếng la-tinh. Xem giấy khám đó, Pa-ven chỉ hiểu được một điều: bệnh đáng ngại nhất, không phải là hai chân mà là ở thần kinh, chính là trong não bị đau nặng.
Ba-rơ-tê-lích trình thẳng ban thường vụ kết quả chẩn bệnh ấy. Toàn thể đồng ý cho Pa-ven đi nghỉ ngay. Nhưng chính Pa-ven lại đề nghị hãy đợi Sbít- nhếp là trưởng phòng tổ chức của liên quận đoàn về đã. Pa-ven sợ liên quận ủy hết người, vắng cán bộ.
Các đồng chí đành phải đồng ý đề nghị của Pa-ven, tuy rằng Ba-rơ-tê-lích có phản đối.
Còn ba tuần nữa thì đến chuyến đi nghỉ đầu tiên trong đời của Pa-ven. Cái giấy vào nhà điều dưỡng ở Ơ-pa-tô-ri-a đã nằm chờ sẵn trong ngăn kéo.
Trong những ngày đó, Pa-ven gấp rút giải quyết mọi công việc. Anh chuẩn bị một cuộc hội nghị toàn thể chấp ủy liên quận thanh niên cộng sản. Anh làm không tiếc sức, cố giải quyết hết mọi vấn đề còn dở cho xong để yên tâm mà đi.
Song trước khi đi nghỉ và được ra biển mà suốt đời anh chưa từng được thấy bao giờ thì xảy ra ngay một chuyện vô lý, bất bình anh không ngờ tới.
Sau khi làm việc xong, Pa-ven đi đến ban tuyên huấn: anh ngồi ở khung cửa sổ bỏ mở, sau cái tủ sách để chờ họp ban. Khi anh tới thì chưa có ai. Một lát sau, nhiều người vào. Ngồi sau tủ, anh không nhìn thấy họ, song nhận ra giọng nói của một người. Đấy là Phai-lô làm trưởng ban kinh tế của liên quận. Người hắn cao gọn, trông bảnh trai, dáng đi ra vẻ quân sự. Đã nhiều lần, Pa-ven được nghe nói hắn là một tay nghiện rượu và thích chim gái.
Trước đây Phai-lô có thời kỳ là du kích và bây giờ hễ có dịp là hắn vừa cười ha hả, vừa kể lại chuyện hắn chặt đầu bọn phỉ Ma-khơ-nô, mỗi ngày một chục cái đầu. Pa-ven không thể chịu được hắn ta. Một hôm, có một nữ đoàn viên thanh niên cộng sản đến gặp Pa-ven vừa khóc vừa báo cáo chuyện Phai-lô lừa cô ta: Phai-lô hứa hôn với cô ta, nhưng ăn ở với nhau được một tuần thì bỏ rơi, thậm chí gặp cô ta hắn cũng phớt đi không chào hỏi nữa. Ban kiểm tra đem ra xét nhưng Phai-lô thoát được vì người con gái không có tang chứng. Song Pa-ven tin lời cô ta nói.
Pa-ven lắng tai nghe, bọn mới đến không ngờ rằng có Pa-ven ngồi ở đây:
- Kìa Phai-lô, dạo này thế nào? Gần đây người anh em có làm thêm được món nào ly kỳ không?
Người hỏi là Gơ-ri-bốp, một trong những bạn của Phai-lô, cùng một phường như hắn cả. Gơ-ri-bốp là một đứa hết sức chậm tiến, vừa dốt vừa ngu, thế mà không hiểu tại sao người ta lại cho hắn làm tuyên truyền viên. Hắn rất lấy làm hãnh diện với danh nghĩa đó, bạ đâu hắn cũng mang ra phô.
- Cậu có thể chúc mừng tớ được. Hôm qua tớ đã tốc được váy con Cô-rô-ta-ê-va rồi đấy. Thế mà cậu trước kia cứ bảo là không ăn thua gì đâu. Ông anh ạ khi mà Phai-lô này đã đuổi con bé nào, thì các bạn cứ yên trí…
Và Phai-lô chêm vào một câu rất tục .
Pa-ven cảm thấy nổi gai trong người, căm tức đến tột bậc. Cô-rô-ta-ê-va là đồng chí phụ trách ban phụ vận. Chị đến đây cùng một thời gian với Pa-ven. Và trong công tác chung, Pa-ven đã quen thân với người nữ cán bộ dễ có cảm tình ấy. Chị vốn tính rất thảo, thường ân cần chăm sóc đến tất cả những chị em nào tìm đến nhờ chị khuyên bảo hay giúp đỡ. Chị được anh chị em cán bộ chung quanh liên quận đoàn rất tín nhiệm. Chị chưa có chồng. Không còn nghi ngờ gì nữa, thằng Phai-lô này đang nói về chị đây.
- Phai-lô, cậu không lòe chúng tớ đấy chứ? Chúng tớ nghi lắm, vì con mụ Cô-rô-ta-ê-va không có như cậu nói tí nào đâu.
- Tớ lại nói dối các cậu à? Thế các cậu cho tớ là hạng người thế nào? Tay này đã chài được khối đứa rồi. Chỉ cần biết cách tán thôi. Mỗi một con, mình phải có một chiến thuật tiếp cận riêng. Có con thì chỉ một ngày là ăn câu, nhưng hạng ấy thật tình chẳng lý thú gì lắm. Có con phải lẵng nhẵng đến hàng tháng. Chủ yếu là nắm chắc được tâm lý. Mỗi đứa một khác. Cả một khoa học đấy, mày ạ, nhưng trong khoa học này thì tao là bậc thầy. Hô hô hô!
Phai-lô đắc chí cười lên ha hả. Đám người nghe lại khích cho hắn nói: bọn họ nóng lòng muốn biết cho được những chi tiết.
Pa-ven đứng dậy, bàn tay nắm chặt, tim đập mạnh. Phai-lô vẫn bô bô:
- Phỗng được con Cô-rô-ta-ê-va mà không chịu vất vả thì đừng có hòng. Nhưng vất vả thì vất vả, tao không muốn nhả, với lại thằng Gơ-ri-bốp đã cuộc với tao mười hai chai rượu poóc-tô. Thế là tao bắt đầu nghi binh, dương đông kích tây. Tao đến tìm cô ta một lần, hai lần, cô ả có vẻ lườm nguýt tao. Nhiều chuyện đồn đại về tao đến con bé ... Tóm lại, tấn công chính diện không được, tao mới xoay đánh vòng sau lưng. Ha ha! Chúng mày biết không, tao nịnh con bé: "Em ạ, anh đã từng tham gia chiến đấu, đã từng giết bao nhiêu quân địch, anh đã đi khắp thế gian, đã vào sống ra chết", đấy là cách tao nói cho con bé hiểu là đời tao đã ba đào chìm nổi, thế mà vẫn không tìm được người ý hợp tâm đầu. "Em ơi, anh sống như con sói cô đơn, không kẻ yêu chiều, không người âu yếm . . ." . Tao cứ cái điệu ấy mà tuôn ra, nịnh con bé phổng cả mũi. Tóm lại, mình đánh vào tình cảm của nó. Mà con bé cũng gớm lắm, nó quay lại tao, làm tao mướt mồ hôi. Có lúc tao đã tưởng đi đời nhà ma, cho hạ màn sớm tấn hài kịch mất. Nhưng, đây là một vấn đề nguyên tắc, vì vấn đề nguyên tắc, tao nhất định không có chịu buông. Cuối cùng, tao thắng. Có kiên nhẫn cũng có lãi thật. Tưởng là một con mụ nạ dòng, hóa ra vớ được một con bé trinh nguyên. Ha ha, buồn cười thật.
Và Phai-lô cứ tiếp tục kể cái câu chuyện nhơ bẩn đó.
Pa-ven cũng không còn nhớ là anh đã sấn đến chỗ Phai-lô lúc nào không biết. Tiếng anh rít lên:
- Đồ khốn nạn !
- Tao khốn nạn hay mày khốn nạn, đồ mật thám đi rình nghe trộm chuyện người ta.
Chắc Pa-ven còn nói gì nặng lời nữa, cho nên Phai- lô túm lấy ngực anh.
- À à, mày chửi tao phải không?
Và hắn ta vốn đang say rượu, đấm vào Pa-ven túi bụi.
Pa-ven liền vớ lấy cái ghế gỗ sến và giáng cho một cái quật Phai-lô xuống sàn nhà. Trong túi Pa-ven lúc đó may mà không mang súng ngắn, nếu có súng thì Phai-lô đã mất mạng rồi.
Tuy thế, việc vô lý vẫn xảy ra: đúng ngày định lên đường đi Cơ-rưm nghỉ thì Pa-ven bị gọi ra trước tòa án của Đảng.
Toàn thể tổ chức Đảng họp ở nhà hát thành phố. Chuyện xảy ra ở ban tuyên huấn đã làm chấn động dư luận. Vụ án đã gây một cuộc luận chiến gay go về vấn đề tác phong sinh hoạt. Tác phong sinh hoạt, những quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, đạo đức cộng sản, những vấn đề đó đã làm mờ bản thân sự việc mà vụ án đang xét. Vụ án trở nên dấu hiệu của một vấn đề tư tưởng. Trước tòa án Đảng, Phai-lô đã có một thái độ khiêu khích, hắn vênh mặt cười khẩy. Hắn nói việc này phải đưa ra toà án nhân dân và đòi Pa-ven sẽ phải đi tù khổ sai vì đã can tội đánh hắn vỡ đầu. Hắn khăng khăng một mực từ chối, không đáp lại những câu tòa hỏi.
- Các đồng chí định nhúng mõm vào đời tư của tôi à? Xin lỗi các đồng chí. Tha hồ các đồng chí cứ gán cho tôi đủ các chuyện, song nếu giống cái chồm chồm lên với tôi thì chẳng qua vì tôi chẳng coi các mụ ra quái gì. Mà việc này chẳng ra làm sao, không đáng cái vỏ trứng. Năm nay chứ năm 1918 thì tôi đã giải quyết việc này theo cách của tôi với cái thằng loạn óc Pa-ven ấy rồi. Bây giờ thì chẳng cần tôi ở đây nữa. - Nói rồi hắn bỏ đi ra.
Khi chủ tọa bảo Pa-ven trình bày chuyện ẩu đả, thì Pa-ven kể lại bình tĩnh, nhưng ai cũng cảm thấy rằng Pa-ven đã dùng nhiều nghị lực lắm mới tự chủ được mình như vậy.
- Tất cả câu chuyện hôm nay phải xét xử ở đây đã xảy ra là do tôi đã không trấn tĩnh được. Tôi biết rằng, thời kỳ tôi làm việc bằng hai cánh tay đã qua, mà giờ phải làm việc bằng óc. Nhưng tôi đã mất tỉnh táo và khi tôi đã kịp nhận rõ ra điều đó rồi thì Phai- lô đã bị ghế của tôi đập vào đầu. Trong vòng mấy năm gần đây, lần này là lần độc nhất mà tôi phạm phải một hành động mang tác phong du kích và tôi tự trách mình về hành động đó, tuy rằng tên Phai- lô là một hiện tượng ghê tởm trong sinh hoạt cộng sản của chúng ta. Tôi không thể hiểu và không khi nào có thể công nhận được một người cách mạng cộng sản có thể đồng thời là là một tên súc sinh nhơ bẩn, một thằng chó đểu. Việc này đề ra cho chúng ta phải bàn đến vấn đề tác phong sinh hoạt, và tất cả câu chuyện chỉ có khía cạnh ấy là có tính chất xây dựng mà thôi.
Tuyệt đại đa số Đảng bộ biểu quyết khai trừ Phai- lô ra khỏi Đảng. Gơ-ri-bốp bị nghiêm khắc khiển trách có kèm theo cảnh cáo vì đã làm chứng gian. Những người khác đã tham gia vào cuộc nói chuyện với Phai- lô hôm trước, vì đã thành thật kiểm thảo, nên chỉ bị khiển trách .
Ba-rơ-tê-lích trình bày tình trạng bệnh thần kinh của Pa-ven. Khi đồng chí dự thẩm của toà án Đảng đề nghị khiển trách Pa-ven thì toàn thể Hội nghị nhao nhao phản đối. Đồng chí dự thẩm phải rút lui ý kiến. Pa-ven được trắng án.
Sau đó mấy ngày, con tàu vụt đưa Pa-ven đến Khác- cốp. Đảng ủy liên quận đồng ý với đề nghị tha thiết của Pa-ven, giao anh thuộc quyền điều động của Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản U- cơ-ren. Đảng ủy ghi những lời nhận xét rất tốt vào lý lịch và Pa-ven lên đường. Trong số các bí thư của Ban chấp hành trung ương Đoàn có A-kim. Pa-ven tìm đến gặp anh và kể lại hết mọi chuyện.
Trong bản nhận xét, sau những chữ "Tuyệt đối trung thành với Đảng”, A-kim đọc thấy: "Có đức tính tự chủ của con người đảng viên. Trong những trường hợp cá biệt, có nóng nảy và không kiềm chế được mình. Khuyết điểm ấy là tại thần kinh bị đau nặng".
- Thế ra họ cũng vẫn ghi cả chuyện ấy vào bản lý lịch vốn tốt của cậu. Cậu đừng vì thế mà buồn nhé! Nói ngay những người khỏe hẳn hoi, đôi khi cũng còn phạm phải kia mà. Thôi cậu thu xếp đi miền Nam nghỉ, lấy lại sức. Bao giờ về ta sẽ bàn đến công tác của cậu.
Và A-kim bắt tay Pa-ven rất chặt.
*
An dưỡng đường "Người công xã" của Trung ương. Những lẵng hoa hồng, những tia nước sáng óng ánh ở bể phun nước, những tòa nhà có giàn nho phủ trong vườn áo dài trắng và quần áo tắm biển của những người đi nghỉ mát. Một nữ y sĩ trẻ tuổi ghi họ tên những người đến nghỉ. Pa-ven ở một gian phòng rộng trong tòa nhà góc vườn, giường đệm trắng tinh, ở đây sạch không một mảy bụi, im không một tiếng động nhỏ. Tắm xong, mát tỉnh người, Pa-ven thay quần áo đi ra bãi biển.
Trước mắt là cả khoảng bao la biển lặng, cảnh tượng hùng tráng thăm thẳm một màu xanh đen như cẩm thạch đánh nhẵn bóng. Không biết đâu là bờ bến, xa xa màu nước biển lẫn với màu trời nhòa trong sương biếc. Mặt trời đỏ rực như nung sắp chảy ra, phản chiếu vào mặt nước, bắt đầu mọc lên như một đám cháy. Xa tít, qua làn sương sớm, dãy núi chạy dài nhô dần lên từng khối lớn. Pa-ven căng ngực cố hít thật nhiều không khí tươi mát khỏe người của gió biển, mắt anh không thể nào rời được cái khoảng trời yên lặng xanh man mác kia.
Sóng uể oải dạt dào, âu yếm trườn đến tận chân Pa-ven, liếm lên lớp cát vàng óng của bờ biển.