Số lần đọc/download: 2990 / 75
Cập nhật: 2015-12-10 02:35:18 +0700
Chương 14
V
ậy mà tôi còn gặp lại sử gia Nguyễn Bình Nam ở Long Thành. Ông ta bảo nhân tiện vô Sài Gòn công tác đột xuất, đến thăm tôi.
- Cô mạnh khỏe chứ, cô Ngô Kim Lan?
- Cám ơn ông Nam, bí danh Sử Gia, tôi chưa chết.
- Tôi rất mừng.
- Ông mừng gì?
- Mừng cô khỏe mạnh.
- Tôi thì lại thương hại ông. Ông có vẻ gầy đi. Ông nghĩ cách làm đau khổ chúng tôi nên ông hốc hác trông rõ. Ông không thích tâm hồn bình yên, thảnh thơi à?
- Thích chứ.
- Vậy ông nên sống thật một chút. Ông quen sống giả nên ông luôn luôn giả dối. Ông thừa hiểu cái động, cái ánh sáng ông ban cho tôi, nó đã đày đọa tôi tới mức nào. Thế mà, nhìn hình hài ông, ông nỡ hỏi tôi có mạnh khỏe không, ông rất mừng thì, quả nhiên, ông chưa là người, Sử Gia à!
- Cô vẫn ngoan cường. Gia đình cô thăm gặp cô đều đặn chứ?
- Tôi không cần thăm gặp.
- Đó là ý của cô. Cô chống chúng tôi đến bao giờ.
- Ông tự trả lời đi. Bây giờ, tôi thấy tôi vô cùng kiêu hãnh. Tôi đã chấp các ông hai tay và luôn hai chân. Khi đã còng tay, còng chân tôi lại rồi đấm đá, ông có cảm giác nhục nhã không? Có võ đài nào như thế không?
- Cô dùng nước trà đi.
Sử Gia, tạm coi đó là bí danh của Nguyễn Bình Nam - có lẽ cũng giả nốt – không chịu trả lời những câu hỏi của tôi. Ông ta ưa né tránh.
- Ông đừng mời tôi uống nước nữa.
- Tại sao?
- Vì ông chưa được làm người.
- Tôi sắp kết thúc cuộc trắc nghiệm tâm lý tuổi trẻ chống Đảng, chống chủ nghĩa cộng sản.
- Tôi hy vọng ông thành công.
- Phải thành công!
- Ông hơi chủ quan đấy, ông Sử Gia ạ!
- Cô chớ tưởng cô phi thường. Chúng tôi sẽ thả cô ra. Sẽ thả hết thành phần phản động ra. Cô thì làm nổi cái gì!
Sử Gia đấm mạnh vào tự ái của tôi.Tôi choáng váng mặt mày.
- Cô vẽ kế hoạch nổi loạn mấy tháng trước, ở Hà Nội, tôi biết hết. Đúng không?
Tôi dõng dạc đáp:
- Đúng.
- Trò chơi ấy không hợp thời và tự cô làm tàn tạ cô.
- Tôi thừa biết.
- Biết mà cô vẫn làm.
- Vì đám đông, vì thể diện, ông hiểu chưa?
- Tôi ngạc nhiên thấy cô tích cực lao động. Tư tưởng đang diễn tiến tốt thì cô dở chứng.
- Ông sẽ ngạc nhiên hơn nếu ông biết tôi tích cực lao động không phải vì sợ hãi, vì ham tiến bộ. Mà vì tôi muốn chứng tỏ thái độ của người trí thức: Trí thức có thể xuống hầm phân, đồng thời, có thể làm công việc mà cộng sản các ông không đủ trí tuệ nghĩ tới. Nói tóm lại, những gì cộng sản làm được, trí thức cũng làm được; những gì trí thức làm được, cộng sản không làm được.
Sử Gia mỉm cười kênh kiệu:
- Cô muốn nói đến hạng trí thức nào? Miền Nam nhiều trí thức lắm.Họ đang tụ tập ở Hội Trí Thức Yêu Nước. Có phải lũ trí thức bệ rạc đó không? Hay trí thức hải ngoại yêu nước để về nước phe phẩy, buôn bán tình ái, lừa gạt xuất nhập cảnh, chuyển lậu vàng, kim cương? Chúng tôi đã đánh giá bọn trí thức kể trên là đống phân trâu.Chúng tôi biết hết, khinh bỉ chúng nó mà vẫn lờ đi.Chúng tôi có mục đích của chúng tôi.
Tôi nhếch mép, khẽ lắc đầu:
- Ông xếp tôi vào hạng trí thức nào?
Sử Gia lại tránh né. Nhấp ngụm nước trà, ông ta châm điếu thuốc mới, nhả khói.
- Bạn cô thể nào?
- Thế nào là thế nào?
- Mạnh khỏe không, cô?
- Chị ấy chớm lao phổi. Vài tháng nữa, nếu có dịp ghé đây, ông chiếu cố chị ấy, tôi có thể trả lời ông: chị ấy chết rồi.
- Tội nghiệp.
- Ông nên tội nghiệp cho ông. Chính ông, các ông mới đáng tội nghiệp. Tội nghiệp cộng sản thật, chả phút giây nào họ được bình yên tâm hồn để sống thật với lòng họ. Kẻ nào giả dối sẽ chết bằng sự giả dối.
- Còn người chân thật?
- Người chân thật không chết, dẫu thể xác họ tan rã nhưng ý nghĩa sống của họ tồn tại. Và đó là linh hồn.
- Người chân thật sẽ chết thảm. Cô tin đi, trước khi dẫy chết, người chân thật sẽ phơi bày sự giả dối và cô sẽ được chứng kiến.
- Các vị anh hùng, liệt sĩ của chủ nghĩa cộng sản đã phơi bày sự giả dối trước khi chết thảm?
- Tôi chỉ đề cập mẫu người chân thật của cô, người đã nhồi nhét cho cô thứ chân lý không tưởng, đã mê hoặc cô. Tôi muốn cô tỉnh ngộ. Đừng tưởng tôi mù và điếc.
Sử Gia «kết thúc» buổi mạn đàm với tôi. Nửa tiếng sau, tôi thấy Trực trại dẫn chị Nga lên văn phòng. Sáng nay, đang ngồi tập họp chờ đi lao động, Trực trại kêu tên chị Nga và tôi và bảo «ở nhà làm việc». Và tôi tái ngộ Sử Gia. Ông ta vẫn rình mò chúng tôi. Chưa lần nào tôi tin Sử Gia cả, nhưng lần này, tôi rất tin lời dọa nạt «kết thúc cuộc trắc nghiệm» của ông ta. Tôi đứng dựa lưng vào tường mà nhìn ra sân trại. Những người tê bại, kiệt sức, tuổi tác đang chống gậy quét sân, khom lưng lượm rác, ngồi phệt nhổ cỏ, gợi tưởng hoàng hôn của đời sống. Ai rồi cũng phải chết. Thời chưa có trò chơi tư tưởng Tây phương, người bình thường của Đông phương chia đời sống thành bốn khúc: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Thi sĩ triết gia Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mở đời sống «... khi mới chôn nhau, đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra» và khép đời sống «... có nghĩa gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khau xanh rì». Từ được «chôn rau» đến bị «chôn xác», đời sống dằng dặc những hệ lụy, những điều «trông thấy mà đau đớn lòng», những cảnh «chết đuối người trên cạn». Trên cái dòng đời hệ lụy rã rượi đó, con người đã đi, vẫn đi từ bước đầu đẫm lệ đến bước cuối sầu thảm. Chắc chắn, đời sống phải chứa đựng niềm bí ẩn tuyệt vời nên mới quyến rũ nổi con người trong cuộc hành trình chông gai chân non rướm máu. Con người đi tìm cái gì? Sự khôn lớn, niềm tin yêu, ý nghĩa cao cả, cái khốn cùng của trời đất, hạnh phúc của muôn loài, hay ảo ảnh…? Một số người đã chụp được bí ẩn tuyệt vời ấy. Thích Ca đó. Lão tử đó. Khổng Tử đó. Trang Tử đó. Jesus đó… Chỉ gọn tay mình. Tay người ngắn, niềm bí ẩn còn nữa, còn nhiều, tít trên cao. Sức người hữu hạn. Niềm bí ẩn vô hạn. Mỗi ngày mỗi tuyệt vời, mỗi thời đại mỗi thay đổi. Có lẽ, mỗi con người đều mơ hồ thấy niềm bí ẩn của đời sống, đều hy vọng có lần vuốt ve nó, nâng niu nó và con người đã vuốt nước mắt, mỉm cười đi trên sầu đạo trọn vẹn đời mình. Con người sợ hãi cái chết, vì thế. Vì khao khát nhìn một sợi bí ẩn của đời sống.
Thời đại của chúng ta, dòng đời hệ lụy không còn đơn giản như bốn khúc đời sống đơn giản. Với những trò chơi của tư tưởng, đời sống đã bị chia thành trăm khúc nghìn đoạn. Khúc nào của cách mạng, của tự do, của dân chủ. Đoạn nào của thù hận, của thủ tiêu, của thanh trừng. Khúc nào của chiến tranh, của ý thức hệ, của phô trường quyền lực. Đoạn nào của tàn sát, của ngục tù, của đói rách, của ngu dốt… Dòng đời hệ lụy chẩy xiết cuốn phăng. Sầu đạo của con người hôm nay chênh vênh dốc nhọn. Những niềm bí ẩn của đời sống quyến rũ mãnh liệt, gấp bội. Con người hôm nay không phải chỉ đi trong cô đơn mà còn đi trong ngộ nhận; không phải chỉ đạp lên chông gai mà còn đạp lên bom mìn. Chị Nga là hình ảnh con người ấy. Chị đã tìm ánh sáng cứu rỗi loài người. Chị đi mòn mỏi, cô đơn. Chị đi quằn quại, thống khổ. Trên đỉnh cao hệ lụy, những búng máu phọt ra từ buồng phổi đọa đày, ánh sáng cứu rỗi chưa thấy nhưng tôi đã thấy những hạt giống mang tên một loài hoa Nhân Ái rắc đầy xuống các trại tập trung cải tạo ở quê hương tôi. Con người cao thượng ấy, chị Nga của tôi, đang đối diện với kẻ chưa được làm người. Tôi cảm giác một nỗi sót sa, bùi ngùi. Và, đột nhiên, tôi bị ám ảnh bởi cái chết nào đó.
Gần giờ tan lao động, tôi bị gọi lên văn phòng giám thị lần nữa. Chị Nga còn ngồi đó. Sử Gia gật gù, tự mãn:
- Chính tôi ra lệnh thi hành kỷ luật hai cô.
Chị Nga nói:
- Không ai phán xét ông cả vì không ai phán xét những kẻ mất hết lương tri.
Giám thị Ba Tơ dẫn chúng tôi ra hàng rào giây kẽm gai. Đích thân y cầm còng. Ba Tơ bảo tôi đứng bên trong hàng rào. Y đưa chị Nga ra ngoài hàng rào. Hai chúng tôi đối diện nhau. Biên giới ngăn cách là hàng rào một lớp giây kẽm gai tua tủa. Trực trại đã mang tới ba chiếc ghế thấp.Ba Tơ bắt chúng tôi trèo lên ghế.Y cũng trèo lên ghế. Theo lệnh của y, chúng tôi đứng sát hàng rào nhưng không được đâu mặt vào nhau. Hai cánh tay phải của chúng tôi đeo chung một cái còng. Trực trại lôi ghế mạnh.Chúng tôi đu trên giây kẽm gai.Sợi trên võng xuống sợi dưới, võng xuống, võng xuống, đến khi chỉ đầu những ngón chân của chúng tôi chạm đất.Nắng bây giờ dữ dội.Ba Tơ và bọn Trực trại đã bỏ về. Và Sử Gia đứng nấp đâu đó chiêm ngưỡng tác phẩm vĩ đại của ông ta. Không có trò chơi nào man rợ hơn trò chơi của tư tưởng cộng sản. Nó biến con người bất đồng quan điểm với nó thành cá khô, thịt muối.
- Nói một chuyện gì cho vui chứ, Lan?
- Chuyện gì, chị Nga?
- Cổ tích chẳng hạn.
- Em thuộc một bài thơ cổ tích mới, chị muốn nghe không?
- Muốn qua. Em biết ngâm thơ chứ?
- Em đọc.
- Đọc đi. Ta thả hồn vào thơ, sẽ quên mọi sự.
Tôi đọc bài Trái thị, quên tên tác giả:!!!«Ngày xưa cô Tấm ngời nhan sắc!!!Thật thà như đếm chả thù ai!!!Cô thương điều xấu yêu điều tốt!!!Chung hết tâm tư với mọi người.!!!Có nhiều đứa ác hờn ghen Tấm!!!Đày đọa Tấm và giết Tấm oan!!!Tấm hóa thành chim thành trái thị!!!Cuối cùng thành công chúa nhân gian.!!!Em ạ, anh là cô Tấm xưa!!!Lòng anh chứa chất cả hư vô!!!Anh đi với tháng dài năm rộng!!!Mơ nỗi niềm chưa ai ước mơ.!!!Anh cũng bị chôn dưới vực sâu!!!Trước khi sặc nước mắt cơ cầu!!!Rồi cũng thành chim thành trái thị!!!Ngạo nghễ lên đời chói ngọc châu.!!!Em, cổ tích này anh tặng em!!!Hãy nghe hãy truyện kể nghìn năm!!!Nghìn năm trái thị còn xanh mộng!!!Chỉ úa điêu ngoa héo dối gian.»
- Ai đã làm bài thơ này, chị Nga hỏi?
- Em không rõ. Tôi đáp.
- Có vẻ giống tâm sự chúng ta.
- Vâng, từa tựa.
Các đội đã nhập trại. Qua cổng, hàng ngàn con mắt nhìn hai chúng tôi treo tòng teng trên giây kẽm gai, ngón chân chạm đất. Nhìn khoảnh khắc rồi họ cúi đầu, lầm lũi bước. Rồi họ lĩnh com, chia cơm ồn ào, cãi lộn. Rồi họ ăn và họ ngủ trưa. Những người tò mò, không ngủ, theo rỗi cực hình qua cửa sổ.
- Em còn sức chịu đựng không, Lan?
- Còn, chị ạ!
- Bao lâu?
- Em không hiểu, nhưng em cố gắng.
- Chừng hết chịu nổi, em cho chị hay nhé!
- Để làm gì, chị Nga?
- Chị đầu hàng họ để em sống.
- Cám ơn chị.
Nắng toa rập với thù hận trừng phạt chúng tôi. Mồ hôi tôi toát ra. Đầu tôi như bị úp cái vun nóng ran. Tôi khát nước. Tay tôi mỏi đơ và chân cũng mỏi đơ.
- Lan này, em có nghĩ ngày nào đó em sẽ trốn khỏi Việt Nam không nhỉ?
- Em chưa hề nghĩ.
- Nghĩ đi.
- Em đã tự hỏi em nhiều lần, rời Việt Nam, em sẽ là cái gì? Vâng, cái gì xa lạ, rỗng tuếch, buồn bã. Em không thích phiêu lưu trên dòng sông nước mắt mà bờ bãi chỉ là hiu quạnh, ưu phiền.
- Phải đi để đọc Bài diễn văn mơ ước, em ạ!
- Vinh dự ấy, xin dành riêng cho chị.
- Cho mọi người. Cái ta nhỏ bé quá. À, lúc này em mơ ước gì?
- Chị không chết.
Chị Nga cố khơi chuyện để tôi quên cực hình, dù chị đã thấm đòn thù. Tôi xoay cổ mấy lần, không thấy được mặt chị. Người ta hằng nói về thiên thần. Tôi nghĩ thiên thần chỉ là chị Nga, thiên thần đeo trên giây kẽm gai vẫn nói chuyện thân ái.
- Em chưa biết số nhà của chị, phải không?
- Vâng.
- Đường Lê Văn Hưu, số 158, quận 1. Căn nhà độc đáo nhất phố nhờ cái cổng như cổng chùa. Trong vườn có cây me lớn. Em sẽ gặp mẹ chị. Nói với mẹ chị là chị đã sống thật hạnh phúc từ khi xa nhà. Chị có người bạn trai đang ở trại cải tạo Nam Hà. Có thể anh ấy đã về rồi. Em nói với anh ấy rằng chị xin lỗi nhiều…
Chị Nga xúc động quá, ngừng lại. Tôi đã khô cổ họng, rã rời thể xác rồi. Mắt tôi hoa, nhìn cái này ngỡ cái nọ. Rồi mờ di. Tôi thật sự chìm vào ác mộng.
- Lan! Lan!
Tôi giật mình.
- Em hết chịu nổi chưa?
Câu hỏi của chị Nga như xô nước lã ai vừa tưới khắp mình mẩy tôi. Tôi hớp miếng nước tưởng tượng và tỉnh táo lạ thường.
- Em, em chịu đựng mãi mãi…
Và tôi la hoảng:
- Chị đừng đầu hàng!
- Lan!
- Dạ.
- Em nhớ nhé. Không bao giờ được phép quên nhé, điều chị sắp nhắc lại với em.
- Vâng, em nhớ.
- Làm lại quê hương chúng ta, làm lại trái đất bằng những trái tim không vấn vương quá khứ thù hận, không dính líu hiện tại ủ ê.
- Em nhớ, em nhớ…
Chị Nga không nói thêm. Nắng xoáy xuống thân thể tôi bỏng rực. Giá tôi được ngắm khuôn mặt chị Nga để chiêm ngưỡng chị và để hình tưởng khuôn mặt tôi thảm não, ghê rợn. Tôi cạn hết cả nước miếng, há hốc miệng cho gió lùa vào. Kẻng tù báo thức. Tôi mơ hồ nghe hồi chuông cáo phó. Nắng đốt da mặt tôi. Tôi nhắm mắt. Và tôi hết cảm giác. Tiếng nói tù nhân ồn ào trong sân trại cơ hồ những tiếng âm y từ địa ngục vọng lên. Một chút tôi tỉnh, nhiều chút tôi mê sảng. Tôi muốn mở mắt mà chẳng tài nào mở nổi. Cho đến lúc tôi thấy tôi bị kéo mạnh, ngón chân không còn chạm đất, mình mẩy cọ sát giây kẽm gai thì cảm giác của tôi hoàn toàn bị tê liệt.
Khi tôi mở mắt, cảm giác đầu tiên của tôi là tôi biết tôi chưa chết. Dần dần, tôi biết tôi đang nằm trên chiếc giường sắt của bệnh xá. Tôi đưa tay phải rờ rẫm cổ tay trái. Đau buốt. Có miếng băng keo vải dán lên chỗ đau. Người ta đã tiếp nước biển cho tôi. Tôi không thể mở mắt lâu hơn vì mắt tôi còn yếu lắm.
- Chị uống một miếng sữa nhé!
Cô ý tá của trại – bạn tù của chúng tôi được gọi lên làm việc tại bệnh xá – nhỏ nhẹ nói bên tai tôi.
- Chị nên uống một miếng sữa. Em đã pha sẵn. Để em đỡ chị dậy.
Cô nâng tôi ngồi dậy và cầm ly sữa cho tôi uống. Sau só, cô mời tôi uống nửa ly nước lạnh rồi dìu tôi nằm xuống.
- Tôi đã nằm đây lâu chưa, em?
- Thưa chị, hai ngày.
- Những chuyện gì đã xảy ra?
- Chị nằm nghỉ đi. Những vết trầy ở mình mẩy, tay chân của chị, em đã rửa sạch và thoa thuốc sát trùng.
- Còn chị Nga?
- Chị nằm nghỉ đi. Thương em một chút chứ…
Tôi cũng chẳng nhớ bao nhiêu ngày thì tôi mở mắt hết mỏi và có thể ngồi dậy một mình, ăn cháo không cần sự giúp đỡ của cô y tá. Hình như phải mất tuần lễ. Tôi đã nhìn rõ những vết giây kẽm gai xước sát, bôi đầy thuốc đỏ trên tay tôi, chân tôi, thân thể tôi. Cái dấu còng ở cổ tay phải vẫn tím bầm. Tôi muốn đừng bao giờ nó tan. Bây giờ, tôi hồi tưởng những việc đã xảy ra… Chị Nga chết rồi. Chị đã chết trong những khoảnh khắc mê sảng của tôi. Lúc tôi thấy ngón chân mình hết chạm mặt đất là lúc chị Nga rũ đầu, và chị nặng hơn bình thường. Sức nặng của xác chết đã kéo tôi lên cao thêm. Chị Nga đã kéo tôi lên cao thêm. Chị mong ước tôi còn cao thêm nữa. Nước mắt tôi ứa ra… Qua màng nước mắt, tôi thấy cái cachot ở khu A cửa đề lao Gia Định, nơi ấy, hai chiếc còng Mỹ đã siết chùm ba đứa chúng tôi 52 ngày đêm, nơi ấy, chị Ngađã ứng khẩu đọc «Bài diễn văn sẽ đọc trước quốc hội Mỹ», nơi ấy, chị Nhi đã chết trong đoạn nào của bài diễn văn mà tay vẫn đeo còng. Tôi thấy cái phòng trừng phạt củanhà thương điên Chợ Quán, nơi ấy, chị Nga đã giả vờ điên nhiều tháng vất vưởng. Chúng tôi thật nhiều kỷ niệm về nhau, cho nhau. Kỷ niệm cuối cùng với chị Nga tôi có ở hàng rào giây kẽm gai trại tập trung đàn bà Long Thành, nơi ấy, chúng tôi bị còng chung một chiếc còng Mỹ, bị treo lên và chị Nga đã chết trong cơn hôn mê nắng quái của tôi.
Và tôi còn nằm lại, còn nằm trên cái hoang liêu của nửa đường hệ lụy. Để thương sót hơn là giận hờn. Để thương yêu chứ không thù hận. Chị Nga chết đẹp lắm dù người ta đã chỉ định một cách chết quá tồi tệ cho chị. Sử Gia quả quyết «Người chân thật sẽ chết thảm». Điều này đúng, hoàn toàn đúng. Nhưng «trước khí dẫy chết, người chân thật sẽ phô bày sự giả dối» thì hoàn toàn sai. Sử Gia đã sai, chủ nghĩa cộng sản của ông ta đã sai. Cái thiện luôn luôn song hành cái ác. Nó đã đi bằng tiểu thuyết TâyDu. Nó chính phục cái ác. Cuối cùng, nó leo lên đỉnh mơ ước. Nó đến Tây Trúc thỉnh bằng được cái chìa khóa giải thoát sự u mê của con người. Nó cũng đi bằng hiện thực. Nó đang đi và nó phải tới đích. Một mai, tôi nghĩ không còn là chuyện trăm năm, cái thiện toàn vẹn sẽ bước qua khải hoàn môn của nhân loại và, đằng sau nó, cái ác hoàn lương, sám hối đã biết mỉm cười trong hạnh phúc.
Chị Nga chết đau đớn nhưng không bất hạnh. Tôi biết rõ nấm mồ cửa chị nơi nào. Còn mồ của chị Nhi, tôi sẽ phải tìm kiếm. Hai người bạn tù của tôi, một người chết trong bóng tối, một người chết ngoài ánh sáng. Bóng tôi và ánh sáng của những cái ác toa rập. Trong cái ác toa rập như cái lưới kẽm gai nhọn hoắt chụp bủa thế giới, chụp bủa quê hương yêu dấu của tôi, một đóa hoa Nhân Ái Việt Nam đã nở. Ý nghĩa của đời sống cao thượng đã tỏa ra từ nơi thống khổ không còn gì để so sánh. Mấy năm qua, tôi đã nghĩ sẽ tìm đến mộ của chị Nhi, cắm lên bia mộ của chị một chiếc còng Mỹ. Bây giờ tôi quên còng Mỹ, quên ngục tù Cộng Sản. Tôi sẽ đặt lên mộ chị Nhi một vòng hoa hồng thắm. Tôi sẽ đặt lên mộ người thiện và kẻ ác những vòng hoa hồng thắm.
Tự nhiên, tâm hồn tôi bay bổng…