Số lần đọc/download: 7729 / 201
Cập nhật: 2016-06-08 09:12:58 +0700
Tù Xưa, Tù Nay -
V
ăn tự Nga có một danh từ đặc biệt ý nghĩa. Ostrog nghĩa đen là tù, ngục. Có 6 chữ cái ghép lại mà đọc lên hình dung ra ngay những bức tường kiên cố, không thể vượt qua! Cùng một âm với nó còn có một lô danh từ có ý nghĩa gần cận. Nào strogost là nghiêm khắc, ostroga là mũi lao, ostrota có nghĩa bén nhọn. Thêm vào một vần ostoroznhost lại có nghĩa thế chân (tiền thế chân để đổi lấy tự do chớ còn gì? Mà bớt đi, còn rog gọi là gai nhọn. Cây gai nhọn chĩa ra, đâm vào cuộc đời chúng ta chớ còn gì nữa?
Xét về toàn bộ tổ chức, điều hành thì chế độ lao tù ở nước Nga trong vòng 90 năm trở lại có thể ví như một cây gai. Một cây gai nhọn cả 2 đầu. Thời Cách mạng phản đế Narodnaya Volya là một đầu gai nhọn. Nó từ nhọn đi thuôn thuôn dần đến chỗ xù xì, không làm rách da được: đó là những năm đầu thế kỷ XX.
Thế rồi thân gai bắt đầu thu lại, cứng ngắc để từ sau 1917 để trở thành một đầu gai nhọn hoắt, chìa ra năm 1913 để sẵn sàng cắm ngập vào yết hầu chúng ta.
Nhờ tập hồi ký đồ sộ của bà già Vera Finger (xuất bản ở Mạc Tư Khoa năm 1964) mà ta có thể hiểu được sự khắc nghiệt của chế độ lao tù thời đó, điển hình là khám đường pháo đài Schlusselburg ở gần St. Petersburg. Hồi đó tù không có tên mà chỉ là con số, cai ngục hắc ám như đào luyện ở lò Lubyanka ra! Hành lang nhà tù im lặng như nhà mồ, xà lim tối om kín mít, sàn trải nhựa đường. Mỗi ngày một ô cửa sổ mở đúng 40 phút. Ăn thì chỉ có cháo đặc, cải bắp. Không được đọc sách có khi hai năm liền chẳng được nhìn thấy mặt ai. Ít ra từ năm thứ 3 trở đi tù mới có quyền giữ ít tờ giấy, có đánh số đàng hoàng. Theo tài liệu của Novorussky thì từ 1884 đến 1906 tù Schlusselburg có 3 người chịu không nổi phải tự sát và 5 người hoá điên.
Như cây gai thuôn dần, đời sống khám đường dần dà cải thiện bớt, nay một chút mai một chút. Tù được ăn bánh mì, phát trà, đường, Có tiền gởi vô còn được mua đồ Câu lạc bộ thêm, kể cả thuốc hút. Xà lim sáng sủa, thoáng hẳn nhờ cửa kính đóng mở tùy tiện, vách không âm u một màu sơn đen, sân nhà tù có vườn bông, cây cảnh. Tù được ra chơi, trò chuyện hay dạy học lẫn nhau. Sách có quyền mượn của thư viện St. Petersburg. Ban quản đốc Khám Schlusselburg còn phải cấp thêm đất để phạm nhân trồng hoa, trồng rau tổng cộng 450 thứ khác nhau. Hồi đó nhà tù còn có phòng trưng bày thủ công khoa học, có xưởng mộc, lò rèn. Kiếm được tiền ở trong tù có quyền gởi mua sách chính trị hay mua tháng, mua năm báo ngoại quốc. Thư từ cho gia đình rất dễ dàng
[2].
Nữ phạm nhân Vera Finger nhớ lại tình trạng ngược đời hồi đó: lớn lối, la hét không phải giám thị mà là phạm nhân. Năm 1902 một thầy chú không chịu chẳng đơn bị bà ta lồng lộn, xé rách cả cầu vai. Vậy mà ông Thanh tra đến xét còn phải xin lỗi!
Tại sao chế độ tù tội hồi ấy lại tử tế, nhân đạo vậy? Finger cho rằng tại quản đốc và giám thị còn là những người tốt, biết cư xử đàng hoàng, vả lại "ở tù lâu đâm quen mặt, quen nết". Cũng có thể vì phạm nhân hồi đó vừa khôn khéo vừa có tư cách. Nhưng theo tôi đó là nhờ ảnh hưởng của thời đại xã hội vừa được một ngọn gió tự do, ngọn gió mới thổi tạt qua, xua đuổi hết mây mù ám chướng khiến đời sống dễ chịu, lòng người phơi phới. Nếu không thì tội xé cầu vai, nhục mạ giám thị hẳn sẽ lãnh 9 gam chì!
Nói chung chẳng phải nhà nước đã làm đẹp cho chế độ nhà tù thời Nga hoàng, cải thiện đời sống phạm nhân. Chính trào lưu xã hội với ngọn gió tự do, cách mạng đầu thế kỷ XX đã trông cậy một sự thay đổi bộ mặt khám đường. Triều đại Nga hoàng không phải đợi đến tháng Hai 1917 mới đổ sụp mà từ cả chục năm trước đã lung lay nặng. Ở địa hạt ngục tù chẳng hạn, có ai coi ở tù là xấu đâu? Con nhà danh giá còn có hân hạnh được ở tù mà. Giám thị nhà tù thực sự bị coi là cai ngục, ngay sĩ quan Ngự lâm quân cũng không thèm bắt tay! Chế độ nhà tù càng nới rộng – tức càng suy yếu – thì chính trị phạm càng có giá trị và các đảng viên Cách mạng càng có thế lực, càng coi nhẹ luật pháp nhà nước.
Thế rồi 1917 Cách mạng bùng nổ và từ 1918 trở đi chế độ nhà tù đổi khác hẳn. Phải nói kể từ 1918 trở đi vì từ tháng Hai 1917 đến cuối năm trên toàn lãnh thổ Nga có chính trị phạm nào ở tù đâu. Khám giam cứu, khám thọ hình hay trại khổ sai vẫn giam tù chính trị đều mở toang cửa, giám thị thất nghiệp hết! Không muốn đói phải trồng khoai ăn trọn năm đó nhưng qua 1918 lại bắt đầu sung sướng như cũ.
Cuối tháng 12 năm 1917 nhà nước cách mạng vô sản bắt đầu cảm thấy dầu sao cũng phải thiết lập khám đường trở lại xét vì có những thành phần không thể cho phép trà trộn vào xã hội mới mà bắt buộc phải tống vào tù. Đó là thời kỳ thân cây gai bắt đầu nhọn dần và cho thấy sự bén nhọn.
Dĩ nhiên nhà nước phải long trọng tuyên bố sẽ không đi theo chế độ tù ngục hà khắc, hãi hùng của triều đại Nga hoàng. Qua lời đồng chí Vyshinsky thì sẽ cấm tuyệt sự trừng trị, hành hạ kéo dài. Không có nạn tuyệt đối im lặng, biệt giam, đi chơi theo hàng lối riêng rẽ. Không có cát-xô nữa. Chế độ mới nhằm 2 trọng tâm: một là huấn luyện cán bộ gác bên ngoài khám sẵn sàng ứng chiến, hai là tiếp tục thu trọn vẹn hệ thống nhà giam do chế độ cũ để lại. (Vẫn biết Cách mạng là thay đổi toàn diện nhưng đặc biệt riêng bộ phận khám đường không thể phá bỏ hết làm lại mới!). Cũng may mà Cách mạng không triệt hạ hết khám lớn, khám nhỏ.
Vấn đề là đào thải danh từ. Khám đường, cải hối thất lạc hậu quá. Phải là trung tâm cô lập chính trị, để cô lập những kẻ bị coi như đối thủ ở địa hạt chính trị, không phải cần trừng phạt họ nhưng nên để những con người cách mạng lỗi thời đó ra ngoài đường tiến của xã hội mới. Do đó phải có những trung tâm cô lập dành riêng cho những đảng viên Xã hội Cách mạng, Dân chủ xã hội, vô chính phủ, có sẵn cả hệ thống tiếp nhận của chế độ cũ!
Những kẻ cần cô lập vốn chẳng phải tù mới. Họ ở tù quen rồi và được đãi ngộ như tù chính trị cũng quen rồi! Họ quen có một khẩu phần chính trị, một chế độ chính trị mà quyền của họ Nga hoàng vẫn áp dụng và được Cách mạng công nhận. Một số quyền lợi được nêu ra như sau: mỗi ngày nửa gói thuốc lá, được mua sữa, phó-mát ngoài chợ, đi chơi thong thả ngoài sân, giám thị nói không phải đứng dậy nghe, nếu hai vợ chồng cùng bị nhốt thì phải nhốt chung xà lim, được đọc sách báo giữ bút giấy viết, đồ vặt cá nhân (kể cả kéo, dao cạo), một tháng 3 lần nhận thư gửi thư, 1 lần thân nhân vô thăm, đi lại dễ dàng giữa các phòng giam, cửa sổ không bít kín, đàn bà hộ sản được đưa ra ngoài 2 tháng trước. Và quan trọng nhất trong số quyền lợi của họ là quyền bầu cử ban đại diện để tạo tình đoàn kết và tiếp xúc với ban quản đốc.
Tù chính trị nhất quyết bảo vệ tất cả quyền lợi của họ và nhà nước cũng cương quyết tước bỏ bằng hết. Trong vòng rào nhà tù cuộc chiến đấu gay gắt nhưng âm thầm diễn ra và kéo dài đến hai mươi năm: chẳng sử sách nào nói đến, chẳng có đại bác. Lâu lâu mới có loạt súng nhỏ, cửa kính bể, vừa đủ nghe. Những chuyện tranh đấu - thua thì nhiều mà được thì quá ít - của tù chính trị thảng hoặc mới lọt đến tai chúng ta. Không sách, truyện, hồi ký mà chỉ có dịp thì truyền miệng, do đó người chết thì chuyện tranh đấu trong tù cũng chết luôn.
Chúng ta đã quen nghe chuyện xa chiến hoặc bom nguyên tử nổ nhưng đâu biết gì về ý nghĩa, tầm quan trọng của những cuộc tranh đấu vặt vãnh của những người đã mất tự do chỉ để đòi hỏi quyền tự do thông báo tin tức, đại diện tù phải được quyền liên lạc giữa các phòng giam. Nếu không được thì lén lút gõ vách, truyền miệng, thòng dây thả xuống. Phải can đảm thế nào mới dám chống lại cát-xô biệt giam, hay quản đốc Lubyanka bước vô nhất định không đứng dậy chớ. Năm 1926 có Anna G. và 1931 có Katya Olitskaya từng cứng đầu như trên: dĩ nhiên phải có một chầu đánh đập, riêng Katya còn bị cấm tắm, cấm rửa mặt. Nếu nằm xà lim cấm không cho nói chuyện thành tiếng thì năm 1925 hai cô Shura và Vera nhất định cất tiếng ca vang mấy bản tình ca, dù biết rằng sau đó bị gã quản đốc đánh đá, nắm tóc kéo từ xà lim xềnh xệch xuống cầu tiêu. Năm 1924 đám sinh viên bị nhét trên toa xe súc vật đưa đi đày cũng lên tiếng ca thách thức và sau đó bị cúp nước uống luôn.
Đối với chúng ta những vụ chống đối đó đâu được coi như những tấm gương anh dũng? Chúng ta quá quen với những thứ anh dũng chiến trường, bay trong không gian hay lách cách những mề đay, trong khi lòng anh dũng của người dân mới là thứ xã hội này cần và chúng ta không có.
Năm 1923 ở khám Vyatka có vụ tẩm dầu hôi tự thiêu tập thể của Struzhinsky và các đồng chí. Họ đóng chặt cửa xà lim chịu chết cháy, nhưng họ là ai, bao nhiêu người và tại sao, thì ai biết nổi? Không nói thời tiền cách mạng mà ngay thịnh thời của Schlusselburg một vụ chống đối rùng rợn như vậy sẽ rúng động cả nước Nga. Không thể rơi vào quên lãng được! Nhưng Vyatka là "Trung tâm cô lập chính trị" mà!
Quần đảo Solovetsky là trung tâm cô lập lý tưởng. Sáu tháng băng giá mùa đông thì tuyệt đối cắt đứt hẳn liên lạc với thế giới bên ngoài, nên năm 1923 các đảng viên Xã hội bị đày ra đó, chia ra ba nhóm ở ba trại trước kia là tu viện. Trại Savvatyevsky gồm hai toà nhà trước kia dành cho khách thập phương lưu ngụ: mấy tháng đầu các phạm nhân còn được hưởng chế độ đặc biệt, vài thân nhân ra thăm còn được, còn được cử 3 đại diện cho 3 nhóm chính trị, bên trong trại còn được đi lại, chuyện trò.
Ít lâu sau đã có nguồn tin cầu tiêu cho hay chế độ đặc biệt sắp hủy bỏ. Quả nhiên giữa tháng 12 băng đóng cứng mặt Bạch Hải, đường giao thông duy nhất bị cắt đứt thì Tổng Quản đốc Eichmans mới thông báo chỉ thị mới. Dĩ nhiên không có vấn đề nhất loạt bãi bỏ tất cả quyền lợi chính trị phạm. Mới cầm viết thư, nhận thư và giới hạn đi lại bên trong trại thôi! Kể từ ngày 20 tháng 12 từ 6 giờ chiều là không được ra khỏi xà lim.
Để chống lại, 2 nhóm Cách mạng Xã hội và Vô chính phủ kêu gọi anh em tình nguyện, đợi đúng 6 giờ chiều ngày cấm đầu tiên thử bước ra sân trại coi phản ứng của nhà tù ra sao. Phản ứng có liền, tới trước 6 giờ! Không đợi đúng giờ, Nogtyev quản đốc trại Savvatyevsky đã ra lệnh cho lính canh xông vô sân trại nã súng vào đám người chưa vô xà lim. Ba loạt đạn 6 phạm nhân chết tại chỗ, 3 bị thương nặng.
Sáng hôm sau Tổng Quản đốc Eichmans vô trại trấn an, giải thích tất cả chỉ là một hiểu lầm đáng tiếc (có thể vì đồng hồ chạy lẹ!). Tuy nhiên Nogtyev bị thuyên chuyển tức khắc và các nạn nhân sẽ được tổ chức mai táng trọng thể. Sáu nạn nhân được chôn trong nấm mộ tập thể và đây là lần cuối cùng Bài ca tiễn bạn tù thảm tử được phép cất lên giữa vùng băng tuyết chập chùng đảo Solovetsky. Tuy nhiên một gốc phong lớn được dựng lên với họ tên 6 người bất hạnh khắc sâu vào lòng gỗ thay vì bia mộ không thọ được hơn một năm! Năm 1925 nó đã bị quật xuống, vùi sâu lòng đất đến không còn mảy may di tích.
Một vụ hạ sát phạm nhân trắng trợn cỡ đó báo chí lờ đi sao nổi? Có tờ Pravda đăng mấy hàng chữ nhỏ li ti là tù tấn công toán lính hộ tống, 6 kẻ bị bắn chết. Tờ Rote Fahne trung thực hơn, loan báo Tù nổi loạn ở Solovetsky. Bằng chứng cụ thể duy nhất là những tờ y chứng của các nạn nhân có Yuri Podbelsky giữ được tính sau này sẽ công bố nhưng chẳng may đã nhét giấu trong chiếc va-li 2 vỏ mà còn bị lính xé ra một năm sau, lúc bị lục lọi ở khám tạm Sverdlovsk.
Tuy nhiên 6 mạng người hy sinh không oan. Ít nhất suốt một năm chế độ đặc biệt vẫn được duy trì. Tháng 12 năm 1924 lại có tin cúp bớt nên cả 3 trại đồng tình chuẩn bị chống đối: 3 trại trên 3 đảo Savvatyevsky, Troitsky, Muksalmsky sự liên lạc cực kỳ khó khăn nhưng vẫn ước hẹn nhau được đồng thời phát động tranh đấu, gởi tối hậu thư lên Bộ Chỉ huy Solovetsky và về Mạc Tư Khoa để yêu cầu: một là được đưa về đất liền trước khi băng đóng cứng mặt hồ, hai là duy trì toàn vẹn chế độ đặc biệt. Hạn định 2 tuần lễ, nếu không toàn thể phạm nhân 3 trại Solovetsky sẽ tuyệt thực.
Còn một ngày nữa hết hạn. Tổng Quản đốc Eichmans đi từng trại thông báo Trung ương bác bỏ. Cuộc tuyệt thực khởi sự ở cả 3 trại, tất cả đều từ chối thực phẩm, chỉ uống nước. Hàng ngày có bác sĩ (trong đám phạm nhân) theo dõi để những người bệnh khỏi phải tuân hành quyết định chung. Tuyệt thực tập thể khó ở chỗ tình trạng sức khoẻ, sức chịu đựng mỗi người mỗi khác, tất cả đều phải nương nhau, canh nhau để giữ vững tinh thần đến phút chót. Huống hồ cả mấy trăm con người, không cùng một Đảng nên qua ngày thứ 15 trại Savvatyevsky đã phải bỏ phiếu kín để quyết định nên tiếp tục hay tạm ngưng tuyệt thực.
Trong khi đó Eichmans và nhà nước cũng làm lơ: báo chí Mạc Tư Khoa đâu dám hó hé, sinh viên đâu dám biểu tình yểm trợ. Tất cả đều im lặng, cúi đầu im lặng.
Cuộc tuyệt thực Solovetsky đình chỉ. Không thắng nhưng cũng không bại, Chế độ đặc biệt vẫn còn, tù chỉ phải tự vào rừng kiếm củi sưởi mùa đông. Mùa xuân năm 1925 mọi người hân hoan vì có lệnh được di chuyển về đất liền hết. Cuộc di chuyển quá gay go, khổ cực nhưng ít nhất cũng còn gần gũi quê hương, khỏi phải thức trắng đêm Bắc cực, khỏi 1 năm 6 tháng hoàn toàn cô lập. Tù Solovetsky đã tưởng đâu thoát nạn cho đến khi ban đại diện bị tách rời khỏi các anh em: họ đều được mời lên toa xe trên, đầy đủ phương tiện hơn. Đến ga Vyatka toa xe đại diện được tách rời ra, đi theo công voa về Tobolsk còn toàn thể phạm nhân như "rắn mất đầu" được tiếp tục chở tới "khánh thành" trung tâm Verknhe – Uralsk vừa được trang bị lại. Để áp đảo tinh thần đám tù Solovetsky ngỡ ngàng vì mất thành phần lãnh đạo nhà nước đặc cử 2 cán bộ "thứ dữ" Yagoda và Katanya.
Đến đây họ mới trắng mắt ra: cuộc tuyệt thực tưởng thắng phần nào bỗng là cả một thảm bại! Ở Verknhe Uralsk chế độ đặc biệt bỗng mất hết. Quyền lợi duy nhất còn sót lại là đề cử ban đại diện thì chính ban đại diện cũng bị hạn chế lại giữa các phòng. Biện pháp chống đối còn có thể làm được là hò hét thì bị lính canh át đi bằng súng! Chớ nghĩ tới phá hoại, đập bể đổ nhà lao: phá hư cái gì mất luôn cái đó, đập bể cửa kính thì mùa đông tới tha hồ chết rét!
Theo nhân chứng Pyotr P. Rubin thì năm 1928 tù Verknhe Uralsk ráng vùng lên bằng một đợt tuyệt thực như mấy năm trước ở Solovetsky. Toàn trại tham gia nhưng tinh thần yếu hẳn. Được mấy hôm thình lình từng toán lính canh xông vô "hạ" từng xà lim một. Đám tù mấy ngày nhịn ăn sắp lả được ăn gậy và giày bốt no nê đến chết ngất hết! Cuộc tuyệt thực chấm dứt luôn và Verknhe Uralsk nổi danh địa ngục từ ngày đó!
*
Thì ra võ khí tuyệt thực lỗi thời rồi. Đe doạ nhịn ăn đến chết thực sự chỉ có ảnh hưởng nếu Ban Quản đốc nhà lao còn nhất điểm lương tâm hay còn sợ phản ứng của dư luận. Bọn cai ngục Verknhe Uralsk đâu có ngây thơ, khờ khạo như các đấng tiền bối thời Nga hoàng, thấy tù tuyên bố tuyệt thực là bồn chồn, bấn loạn rồi coi như vấn đề quan trọng, nào canh chừng nào săn sóc.
Ngày xưa nhà cách mạng Valentino tuyệt thực 12 ngày, cuộc điều tra phải ngưng tức thời. Năm 1912-1913 mỗi đợt tuyệt thực của tù khổ sai Orel là một lần nới lỏng chế độ nhà tù. Năm 1914, Dzerzhinsky và 4 đồng chí nhịn ăn nhịn uống 5 ngày là bao nhiêu yêu sách được thoả mãn đủ. Hồi đó tù nhịn ăn chỉ sợ đói chớ đâu còn sợ gì nữa. Đâu sợ bị đánh đập, tra tấn hay chồng án, tăng án, hoặc bắn bỏ, đưa đi đày chỗ khác.
Thời kỳ sau Cách mạng 1905 tù còn nắm vững tình hình hơn nhiều. Chống đối thì đập phá vật dụng nhà lao cho hả rồi mới phát động tranh đấu sau! Năm 1906 ở khám đường thị xã Nikolayev 197 phạm nhân tranh đấu tuyệt thực, thò đầu ra cửa sổ ca hát rầm rầm. Dân thị xã kéo tới trước khám cổ võ, yểm trợ công khai, làm dữ với ban quản đốc nên qua ngày thứ 9 nhà nước phải nhượng bộ. Ở Odessa, ở Kherson, ở Yelizavetgrad, bao nhiêu cuộc tuyệt thực là bằng ấy lần đại thắng. Nó là võ khi sắc bén, hữu hiệu của tập thể mất tự do.
Sau Cách mạng 1917 võ khí tuyệt thực gần như bị phạm nhân bỏ quên. Qua thập niên 1920 nó bỗng hết bén nhọn để trở thành một mũi tên cùn đầu, như bị một bàn tay thép phạt ngang.
Muốn tranh đấu tuyệt thực trên nguyên tắc vẫn được chớ. Nhưng coi chừng luật lệ mới ấn định kẻ tuyệt thực phải biệt giam, tuyệt đối cấm tiếp xúc, ít nhất nhà tù cũng có quyền kiểm soát xem có tuyệt thực thật sự, hay chỉ đòi hỏi làm nũng, vẫn được tiếp xúc lén chớ. Do đó nếu ở khám Byturki sẽ được "lên chòi" Pugachev ngay. Kẻ tuyệt thực không có quyền gây xúc động quần chúng: không cứ công chúng ở ngoài đời, mà tù ở phòng kế bên hay nhốt cùng một xà lim cũng là quần chúng!
Từ thập niên 1930 thì quyền tuyệt thực bị chính thức bôi sổ. Một phạm nhân "có hạng" như Yekaterina Olitskaya đâu chịu nhượng bộ dễ dàng. Nằm cát-xô biệt giam đúng 15 ngày đến ngất ngư mới được đưa xuống nhà thuốc và bị nhử bằng sữa tươi, bánh bích quy. Oltitskaya cương quyết nhịn đói: sang ngày thứ 19 mới được nhà tù nhượng bộ, cho phép nhận đồ tiếp tế.
Đấy là trường hợp cá nhân, tuyệt thực chỉ để đòi hỏi một quyền lợi cá nhân tầm thường, hợp pháp! Thiếu gì người ăn vạ tới 20 ngày, nguy hiểm đến cả sinh mạng chỉ để đòi hỏi một gói đồ tiếp tế, hay quyền được đi ra ngoài sân hóng mát. Tín đồ Koloskov cũng chỉ vì những đòi hỏi nhỏ mọn tương tự mà nhịn ăn hết ngày thứ 25 và sau đó hết sống luôn!
Chính vì để ngăn ngừa những trường hợp Koloskov mà các quản đốc khám đường đều được học tập chỉ thị chống tuyệt thực, với những phương pháp sau: