Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15/27
hững bài thi đệ nhất lục cá nguyệt đã hết. Phượng cám ơn tôi đã giúp nàng thoát bí bài Lý Hóa. Con gái thường dốt Toán, Lý, Hóa. Dĩ nhiên là con gái đẹp. Con gái đẹp mà giỏi Toán, Lý, Hóa thì sẽ bị xấu đi. Phượng dốt Toán, Lý, Hóa vì Phượng đẹp. Ðầu tháng giêng mới trả các bài thi. Tôi tin rằng kết quả của tôi trên điểm trung bình. Có thể, tôi hết xuất sắc, tôi "xuống dốc", ảnh hưởng những buổi sáng làm học trò nhưng không sách cầm tay, những buổi chiều mơ mộng đếm mãi bâng quơ những dấy giầy. Chả sao. Tôi không muốn làm người xuất sắc. Chỉ muốn làm một người trung bình. Bất cứ lãnh vực nào cũng ở mức trung bình. Như thế cuộc đời bình yêu lắm. Chẳng ai đố kỵ, ghen ghét, thù hận. Quan niệm ai nhất ta nhì, ai nhì ta ba, ai ba ta tư... có vẻ an phận song đó lại là triết lý sống tuyệt hảo. Bây giờ, những người học trò lớp đệ tứ, lớp sửa soạn lên ngưỡng cửa tú tài, được ít ngày thoải mái. Sau lễ Giáng Sinh là đến Tết Nguyên Ðán. Trường đã họp toàn lớp. Lớp tôi lãnh nhiệm vụ xuất bản bích báo và tổ chức văn nghệ tất niên. Tôi không chú ý. Tôi đang đợi buổi chiều ngày 24 tháng 12.
Sáng nay, Phượng đi học qua nhà tôi. Nàng ghé vào rủ tôi đến trường. Trời lạnh. Không mưa. Chúng tôi bước ngược chiều gió. Chiếc pull-over đủ sức cản gió không làm con chim khuyên trong trái tim tôi rét mướt. Tôi không sợ rét. Ði bên Phượng, không còn gì sợ rét. Một tay cắp chồng sách vở, một tay thọc vào túi quần. Tôi bước đều và thấy tỉnh lỵ của tôi nhỏ bé quá. Nhưng vỉa hè thì trải thảm nhung và rắc đầy hoa dù bây giờ cây đang giơ cành khẳng khịu như bộ xương cách trí. Chiếc khăn mầu đỏ quấn quanh cổ Phượng bằng hàng lụa tung bay. Phượng giống con bé quàng khăn đỏ. Cô bé quàng khăn đỏ mới đúng. Cổ tích đôi khi đã kể sai. Cô bé quàng khăn đỏ ở tuổi vừa lớn. Mẹ cô bảo cô đi học. Con đường từ nhà dẫn đến trường phải qua một cánh rừng mơ. Cô muốn làm công chúa hái mơ nên cô đã tha thẩn trong rừng. Cô chờ đợi hoàng tử trốn học đi săn. Hoàng tử sắp đến thì mẹ cô đi tìm cô, bắt cô trở về nhà. Cô tháo khăn đỏ vất lại. Chiếc khăn bay lên mắc trên một cành cây. Hôm hoàng tử lạc vào rừng mơ, chiếc khăn đỏ còn nguyên đó. Hoàng tử nhìn chiếc khăn. Chiếc khăn khẽ phất phơ. Rồi bay xuống quấn quanh cổ hoàng tử, tỏa ra mùi hương tuyệt diệu. Hoàng tử ngây ngất. Chiếc khăn đỏ rời khỏi hoàng tử và bay là đà trước mặt vị hoàng tử trốn học. Hoàng tử đuổi theo. Ðuổi mãi tớn căn nhà cô bé thì thấy cô bé đẹp não nùng đang tựa cửa nhìn xa mơ mộng. Chiếc khăn quấn lấy cổ cô bé. Cô bé ngạc nhiên ngó ra. Hoàng tử đang chiêm ngưỡng cô. Bà tiên Tình Yêu đã ban phép cho cô bé. Dĩ nhiên, cô bé quàng khăn đỏ trở thành công chúa. Vợ chồng cô không về triều bệ kiến vua cha mà rủ nhau tới rừng mơ lập nghiệp. Họ hái mơ làm ô mai bán cho những người học trò yêu nhau. Về sau, họ còn nuôi tằm, dệt tơ thành khăn, nhuộm đỏ để tặng những cô gái chung thủy. Khăn lụa đỏ quấn quanh cổ các thiếu nữ vào mùa đông mang ý nghĩa đó. Hày quàng khăn lụa đỏ, thế nào cũng gặp tình yêu cao quý trong rừng mơ. Rừng mơ ở trong những giấc mơ đẹp.
Cổ tích Cô bé quàng khăng đỏ tôi đã đọc ở đâu, bao giờ, tôi quên mất. Nhưng nó đúng như tôi đã nhớ lại khi nhìn chiếc khăn lụa đỏ của Phượng tung bay.
- Anh Chương!
- Hở?
- Anh không "dạ" nữa à?
- Tôi quên.
- Anh cứ quên đi, quên luôn cũng được, chả sao.
- Tôi xin lỗi Phượng.
- Phượng có trách anh đâu? Mà ta nói chuyện khác. Trời lạnh, trên đường đi học, anh biết ta nên làm gì cho đỡ lạnh không?
- Ăn bánh tây chả quế rắc nhiều muối tiêu.
- Anh đoán đúng ý của Phượng. Nhưng anh đã ăn lót lòng chưa?
- Tôi định ăn thì Phượng tới rủ đi học.
- Anh đừng lo, Phượng có mang sẵn bánh tây chả quế đây, chúng mình vừa đi vừa ăn vừa nói chuyện.
Phượng dừng lại. Nàng mở cặp sách lôi ra hai chiếc bánh tây nhỏ kẹp phồng chả quế. Phượng đưa cho tôi một chiếc:
- Mời anh.
Nàng gài khóa cặp lại. Rồi tay trái xách cặp, tay phải cầm bánh mì. Nàng đưa chiếc bánh lên miệng, cắn một miếng. Phượng cười bằng mắt:
- Coi chừng Phượng bỏ thuốc độc đấy nhé!
Chúng tôi hồn nhiên như đôi chim, như hai người bạn chơi với nhau từ thời thơ ấu. Bánh tây giòn. Chả quế thơm cay mùi quế chi. Tôi chợt nhớ những tháng ngày tiểu học. Mùa đông đi học phải xin mẹ bằng được mấy hào mua quế chi. Trời lạnh căm căm, bẻ một mẩu quế chi nhỏ tí mà ngậm thì bao nhiêu rét mướt trốn chạy hết. Quế chi nuốt vào dạ dầy, nóng ran cơ thể, chảy nước mắt, nước mũi. Nhưng mà thích. Cho bạn một mẩu quế chi là cho bạn một tấm áo len, một lò sưởi trong buổi học. Lên trung học là giã từ thơ ấu, giã từ những thanh quế chi cay lịm người mùa đông, cay quên lạnh giá, mỗi người học trò phải tìm cho riêng mình một niên thiếu ấm nồng bằng cách gì đó để chắn gió đông. Tình yêu là thứ áo len tuyệt diệu nhất. Mùa đông, tình yêu làm ấm áp. Mùa hè, tình yêu làm mát mẻ. Nhưng chưa tìm ra tình yêu, bánh tây thịt quay hay báng tây chả quế rắc tí muối rang khô tán nhỏ và nhiều hạt tiêu xay thì cũng bớt lạnh một quãng đường từ nhà đến trường. Có tình yêu, lại được tình yêu cho ăn bánh tây chả quế rắc nhiều hạt tiêu, tôi thừa sức lên tận miền Bắc cực, ngồi giữa phiến băng mà mơ mộng.
- Anh Chương!
- Dạ.
- Anh cứ nhớ mãi?
- Hở?
- Như thế tốt lắm. Anh sẽ cho cảm tưởng đấy nhé!
- Cảm tưởng gì?
- Bánh tây. Phượng muốn sau ô mai, báng tây cũng phải có huyền thoại.
- Như huyền thoại chiếc khăn lụa đỏ quàng trên cổ Phượng.
- Có huyền thoại ấy nữa à?
- Hay lắm.
Chúng tôi bên nhau, bước đều, coi như không gian tỉnh lỵ của riêng hai đứa.
- Dịp nào chúng mình được ngồi ở Cổ Ngư, quay lưng về hồ Trúc Bạch, thả mắt nhìn hồ Tây, anh Chương nhỉ?
Tôi hỏi:
- Ðể làm chi?
Phượng đáp:
- Ăn bánh tôm.
Tôi hân hoan nói:
- Nếu đỗ, sang năm tôi sẽ lên Hà Nội học.
Phượng nói:
- Vậy anh phải đỗ. Rồi Phượng sẽ đưa anh đi thăm đủ ba mươi sáu phố phường.
Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Hàng Mật, hàng Ðường, hàng Muối trắng tinh
Từ ngày ta phải lòng mình
Bác mẹ đi rình đã biết mấy phen
Làm quen chẳng được nên quen
Làm bạn mất bạn ai đền công cho
Tôi đã nuốt tới miếng bánh tây cuối cùng và nuốt luôn cả lời hứa của Phượng. Nàng sẽ dẫn tôi đi xa hơn, đến một rừng mơ chưa hề có bước chân ai lai vãng. Nhưng tôi phải thi đỗ cuối năm học này. Tự nhiên, tôi yêu Hà Nội, tôi yêu cậu học trò tên là Ðiệp. Tôi muốn Phượng là Lan ngồi bên song cửa và tôi là Ðiệp vừa nghe kết quả từ trường thi về qua nhà Phượng. Tôi sẽ mua mười gói đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ đen, hiên ngang như một cảm tử quân đứng phưỡn ngực ngạo nghễ nhìn xe tăng địch quân và ném đủ mười trái lựu đạn. Lựu đạn nở hoa hy vọng. Hoa hy vọng rực rỡ mầu sắc tình yêu. Ðịch quân không cười. Ðịch quân chớp mắt. Có thể, địch quân sẽ khóc. Hay vừ khóc vừa cười.
- Anh bằng lòng chứ?
- Ðể Phượng dẫn đi thăm Hà Nội?
- Ðỗ trước đã.
- Nhỡ tôi trượt?
- Anh không thể trượt. Anh phải đỗ.
- Nhỡ...
- Trong đời chúng ta không hề có một lần "nhỡ", anh hiểu chưa, anh Chương?
Tôi hiểu. Nghĩa là không hề có nhỡ một lần tôi và Phượng xa nhau. Ðiều đó khiến tôi lo ngại. Và tôi sợ mùa hè sắp tới, dù bây giờ chưa hết mùa đông. Mùa hè tới, tôi sẽ đi thi. Tôi sẽ đỗ. Nếu chỉ giản dị thế, cuộc đời thật sung sướng. Nhưng nhỡ (làm sao biết nổi mà bảo không hề có nhỡ) tôi trượt, nếu tôi về ngang nhà người yêu bằng một gói vỏ chuối, chắc chắn, cuộc đời sẽ buồn tênh.
- Anh Chương!
- Dạ.
- Anh lại nhớ?
- Tôi quên rồi.
- Nhưng điều này cấm anh quên: Tối 24, anh chờ Phượng ở cửa nhà anh. Chúng mình cùng đi dự tháng lễ nữa đêm.
- Tôi sẽ nhớ.
Ðã đến cổng trường. Tôi cám ơn cổng trường. Vì nó làm tôi không thèm nhớ đoạn kết của cuộc đời cậu học trò tên là Ðiệp. Một chuyện tình chán ngấy là một chuyện tình có nhân vật quy y cửa Phật. Còn chuyện tình đẹp? Tôi chưa biết. Có điều chuyện tình ấy không có đoạn kết khiến ta phải khóc sưng mắt hay cười rũ rượi như một người điên. Nó lâng lâng. Nó man mác. Nó dịu nhẹ. Tôi muốn tình yêu man mác, lâng lâng, dịu nhẹ đừng bùi ngùi, thổn thức. Chúng tôi sóng đôi bước vào sâng trường, vào lớp học. Tôi vừa tìm ra câu trả lời của tôi. Tại sao các cô học trò lớp dưới nhìn tôi khi tôi ở bên cạnh Phượng? Tại vì, giản dị quá mà, các cô ấy đang mơ thành Phượng, đang mộng có cậu học trò nào đó đứng cạnh chuyện trò vu vơ...
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ