Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Hữu Khuynh
N
hưng tôi đâu có thuận tay mặt chớ! Bị phê, Tư cãi, nhưng chỉ là cãi trong bụng thôi. Con người anh xưa giờ nói năng kém, lý sự chẳng có. Họp to họp nhỏ thường là ngồi im. Nếu nghe trong hội nghị có nhiều ý kiến tranh đấu nêu đích tên mình thì cũng xin được đứng lên phát biểu, song chẳng lâu la dài dòng, nhận mọi khuyết điểm và tiếp thu mọi đóng góp của tập thể, rồi lại ngồi xuống, ngồi im.
Còn về căn bệnh hữu khuynh mà mọi người vừa phê thì ngay từ chân ướt chân ráo trở về sau chiến tranh Tư đã mắc rồi. Có điều ngày đó người ta ngại phê bởi vì ngày đó Tư đang làm lớn. Giải phóng Sài Gòn tuần trước, tuần sau Tư về, chức danh là quyền bí thư huyện ủy. Gần như là vừa từ xe hơi bước xuống, một trong những việc đầu tiên Tư chỉ đạo tiến hành là cho làm sạch nhà giam. Làm sạch mà thực ra là thả sạch. “Giải Phóng, hai chữ ấy trước nhất có nghĩa là đại xá”, anh giảng giải như vậy với các cán bộ trẻ mới lên đương quyền. “Hòa Bình tức là hòa và bình, chớ gì nữa. Vậy mà nghĩ coi, tại nơi đậm đặc ân oán như địa phương mình đây, mấy cậu tính bắt giam cùng lượt, đặng hả cho hết thù sâu bấy nhiêu năm thì sao cho xuể, và sao mà có thể coi là đã hòa với bình rồi chớ, phải vậy không?”. Thành thử, trừ sĩ quan và chức sắc hạng tai to mặt lớn phải trải một thời gian xa nhà đi tập trung học tập, còn lại thì muôn dạng tề ngụy loại ruồi muỗi tôm tép đang bị nhốt trong các buồng giam, đều được về với gia đình, vui hưởng thái bình.
Lẽ tất nhiên Tư phải là người biết rõ hơn ai hết những người được phóng thích. Tuy chỉ là ruồi muỗi tôm tép nhưng ít nhiều đều đã từng chứa nọc của rắn rết bọ cạp. Ngụy tỉnh, ngụy quận, bảo an, chủ lực, và cả Mỹ, cả Pak Chung Hy đều không đáng sợ bằng “ngụy vườn”. Sách lược bình định hiểm ác đạt được đà lấn lướt trên toàn quận kể từ sau Mậu Thân, phong trào du kích bị đánh phá tan nát, đảng viên và quần chúng của Đảng hầu như chẳng còn ai, bị trốc tận gốc, phần nhiều là nhờ vào sự tiếp tay của những ác nhân cỡ mọn sống đời bình dân trong làng quê lối xóm. Biết rõ hơn ai hết, vậy mà vẫn dễ dàng cho qua. Mất cảnh giác, đó là lời nhẹ nhất, mất lập trường giai cấp, quay lưng lại quá khứ, đó là lời nặng nhất phê phán bí thư huyện ủy trong các đơn thư kiện cáo gửi Đảng bộ cấp trên. Có cả những lời xì xầm cho rằng Tư Cụt nhẹ tay với cựu thù bởi vì nặng nề dây mơ rễ má, không họ mạc gần xa cũng bạn bè, người quen, thậm chí người tình. Ông bí thư hữu khuynh thì chính quyền còn trứng nước sẽ mãi non yếu, kỷ cương lơi lỏng mọi sự sẽ trật đường rầy, hỗn mang, rối bời, không dứt. Rồi coi.
Thật may là thời kỳ chồng chất khó khăn của buổi đầu giải phóng đã dần qua đi. Chính quyền cách mạng các cấp vững lên, cứng cáp tay lái đưa đời sống trong huyện khuôn dần vào nề nếp. Nhưng bản thân Tư thì dường như tình hình huyện nhà càng mạnh bước tiến bộ anh lại càng có vẻ chậm bước và thụt lùi. Sức khỏe yếu, năng lực kém chỉ là một phần duyên do. Có một cái gì đó ở trong lòng mà tự Tư cũng không rõ là cái gì cứ lặng lẽ kiềm cương anh lại. Luôn luôn ngập ngừng do dự. Không táo bạo được, không thẳng thừng được, không triệt để được. Hết sai lầm nầy nẩy sai lầm kia. Bê bối vậy thì lãnh đạo ai? Chức bí thư tạm quyền do tỉnh chỉ định, đến kỳ đại hội anh không đủ phiếu để đương nữa. Công tác chính quyền cũng giảm dần cho tới hồi thôi hẳn.
Không còn giữ một trọng trách nào, người chỉ huy du kích năm xưa lặng lẽ về làng như là tất cả những người lính bình thường khác của đất nước, hết thời chinh chiến giải ngũ về vườn. Hòa bình đã bao tháng bao ngày, mới tới phiên anh. Ba lô trên vai, đi bộ trở về, bấy giờ anh mới thật là đã hồi hương.
* * *
Nhưng từ cái buổi chiều êm ả đầu mùa khô năm ấy, khi dân làng nom thấy Tư đeo ba lô đi bộ lần về, vậy mà cũng đã bao nhiêu là tháng ngày rồi trôi qua. Đất trời thì vẫn thế thôi. Con đường, dòng sông, đồng ruộng. Nhưng ngôi làng đã nhiều thay đổi. Nhúm sự sống còn vun lại được sau chiến tranh giờ đã con đàn cháu đống lấp đầy cõi trống không do những người bị giết để lại. Lẽ sống thường nhật lại hồn, đội đất nhú lên. Người ta lại nai lưng cày cuốc, ham công tiếc việc kiếm tiền lo chuyện cửa nhà cơm áo và lai rai với những thú vui cuộc đời, đàn đúm, tụ bạ, yêu đương, làm tình, ăn nhậu. Hồn nhiên, khỏe re, như thể chưa từng có những điều khủng khiếp đã diễn ra.
Không ham khề khà tụ bạ, nhưng như mọi gã đàn ông trong làng, Tư nhậu được và cũng thích nhậu. Nhà anh nằm sâu trong rẫy cà phê bên kia đồi, đường đất khá xa, song gặp ngày đẹp trời lại rỗi việc, anh thả bộ xuống làng, vào chơi nhà này nhà nọ, rồi thể nào cũng ghé tiệm rượu của vợ chồng Bảy Lé ở ngã ba kề bãi chợ. Gọi một xị và ngồi bên kia cửa sổ.
Ít lời, ít chuyện, tuồng như không thể cạy răng. Vóc dáng lòng khòng, lênh khênh, xạm đen và sứt sẹo. Cánh tay phải bị xén cụt, ống tay áo vắt lên vai. Mặt dài, xương xẩu, nhưng hàm lại bạnh ra. Môi dày và nhợt. Con mắt trái che kín bằng một miếng vải đen, nhường hết cái nhìn cho con mắt còn lại. Tuy nhiên, trong sự xấu xí ấy ẩn nét duyên dáng âm thầm vẫn thường thấy ở những người đàn ông tốt bụng mà trầm mặc, khiến Tư thu hút được lòng cảm mến của mọi người. Người ta chen lại bên chỗ anh ngồi, cụng với anh một ly: “Coi nào, anh Tư, trăm phần trăm đi chớ… Công chuyện ở ấp anh khá không? Vụ cà này coi bộ kiếm bộn hả? Mà nè, nghe thiên hạ đồn anh sắp có sự vui mừng phải không? Còn không phải sao… Gì đi nữa thì cũng cần có đứa nó đỡ đần việc nhà, với nó đẻ đái cho chớ. Và nó làm thủ quĩ cho… Tiền đó, mà độc thân rồi cũng nhậu hết thôi… Cô Huệ là quá được rồi. Đừng tính nữa, nghe lời bà già đi, lấy phứt…”
Sự đời, tình người thần tình vậy đó. Tất cả nhẹ tênh. Không có gì là vĩnh cửu hết, kể cả nỗi đau khổ, sự khiếp sợ và lòng căm thù. Mấy năm trước, bữa Tư trở về, bọn đàn ông cũng đang ồn ào tụ bạ trong tiệm Bảy Lé như bữa nay thế này, nhưng bữa đó tất cả đã chết lặng đi khi trông thấy bóng dáng anh hiện ra ở ngã ba, giữa nắng chiều. Coi ai kìa? Chỉ có vợ Bảy Lé thốt nổi nên lời. Đích thị Tư “tay chiêu” chớ còn ai! Ngay những gã đã say khướt cũng điếng hồn choàng tỉnh. Tay Chiêu đã về, dù là về vườn, tin ấy truyền mau khắp làng khiến lắm kẻ rụng rời.
Thật ra thì ngay sau giải phóng dân làng đã hay tin Tư “tay chiêu” còn sống. Với lại trong thời gian mấy tháng làm bí thư anh cũng đã đôi lần về qua làng. Về chốc lát thôi, đi ngay. Hồi đó đã thấy sợ rồi, nhưng nay khi Tư không chỉ về qua mà về hẳn, ở hẳn, người ta mới thật là thấm sâu nỗi sợ. Trong làng đã lập tức có ngay lời thì thào đồn thổi hù nhau rằng trong ba lô của Tay Chiêu có nhét một cây súng sáu với cả đống đạn, và rằng từ bữa trở về đêm nào Tay Chiêu cũng xoèn xoẹt mài mã tấu.
Sau một thời gian khá dài vui hưởng thái bình, đời sống đã tàm tạm ổn định, không ít người làng lại cảm thấy đã đến lúc phải liệu đường mà bán xới. Tất nhiên là chỉ những kẻ đầu óc tăm tối nhất mới nghĩ rằng Tư sẽ ra tay trừ khử một ai đó, nhưng cũng chẳng mấy ai trong làng bình thản nổi với cái chuyện là từ nay sẽ phải ngày lại ngày giáp mặt Tư. Nhất là bọn đàn ông. Nếu phải đối diện Tư thì bọn họ biết khu xử ra sao, biết nhìn tránh đi đâu, biết độn thổ xuống lỗ nào, biết cười hay mếu, vồn vã chào hỏi hay quì sụp van xin? Những kẻ đồng hương này của Tư còn biết rõ hơn cả Tư nữa những nợ máu mà anh có quyền đòi họ. Họ biết những mối thù chất chứa trong lòng anh sâu tới độ nào. Mà thù chưa rửa thì thù còn đó, càng hằn sâu, càng cào xé, nung đốt, rớm máu. Vả chăng, không vì muốn rửa thù, còn lần về quê để làm gì?
Về quê, Tư trở về với ngôi nhà tang thương, hoàn toàn cô quạnh, vườn tược ấp trại hoang phế. Gia đình chẳng còn ai. Ông già mất trong ngục thất thời Diệm. Bà già qua đời không bao lâu sau ngày anh bị bắt. Hai người chị và cậu em trai nằm cả ngoài nghĩa trang liệt sĩ cùng với gần trọn hết đội du kích. Thân thích ruột rà, đồng chí đồng đội tất cả đã hy sinh, chỉ còn lại mỗi mình anh và chỉ còn lại những kẻ thù. Bây giờ, trong làng, hầu hết những người đàn ông cùng thời với Tư và cùng may mắn còn sót lại trên đời như anh ít nhiều đều đáng bị hỏi tội. Các tay cường hào và tề ngụy hương thôn. Những phần tử ác ôn. Những tên chỉ điểm. Những đội viên du kích đã chiêu hồi. Những cơ sở cách mạng đã lật mặt trở cờ.
Thoạt đầu, ngay các cán bộ địa phương cũng thấy e ngại cái sự định cư của Tư. Họ thường xuyên lui tới nhà anh thăm hỏi, vừa là để tìm cách giúp anh mau ổn định đời sống, vừa là dò đoán thái độ của anh, xem chừng nhỡ đâu do tự cột mình vào mảnh đất khơi dậy quá nhiều đau thương mà anh sẽ có lúc đột ngột không chế ngự được thù sâu trong lòng. Nhưng lần hồi thì những lo âu sợ sệt của người làng đều đã rõ dần ra là không đâu. Người ta chỉ thấy Tư một mực im lìm cật sức làm lụng. Ngôi nhà của anh nơi cuối làng đã sớm hồi lại vẻ khang trang ngày xưa, vườn tược cây trái quanh nhà bừng tỉnh. Và chỉ vài hôm sau ngày trở về anh đã tự thoát mình ra khỏi cảnh ngộ tứ cố vô thân. Người ta thấy anh rước bà dì họ về phụng dưỡng. Mới ngoài năm mươi nhưng bà đã bị lòa. Cả hai người con, người là cán bộ bình định, người chỉ huy dân vệ, đều đã chết trẻ, chưa ai lập gia đình, bỏ bà lại một thân một mình. Là thân mẫu của những sát nhân khét tiếng trong vùng nhưng bà là thân thích gần gũi nhất của Tư còn lại trên đời.
Lâu dần, không ai trong làng còn thấy mặc cảm trước Tư, gặp anh, người ta không còn nem nép tìm cách lẩn mặt. Người ta chào hỏi, Tư chào đáp, và mỉm cười, một nụ cười hiền lành, bình thản, mặc dù có phần buồn bã. Dường như anh đã nhất quyết một bề lẽ sống của mình. Gắng gỏi làm ăn, thản nhiên vô sự sống cuộc sống muôn đời của nhà nông. Làng xóm chừng như cũng nhập tâm theo sự dịu lòng nơi Tư. Êm ả, yên lành, nhẹ nhàng và nhẫn nại, cả làng hòa mình vào những xoay chuyển lớn lao trong cuộc đổi đời của cả nước những năm sau chiến tranh.
Lịch sử của ngôi làng chọn một năm thuận trời, ăn nên làm ra làm mốc kết thúc thời hậu chiến. Năm đó, hai vụ lúa đều trúng. Nhà máy đường của tỉnh xây dựng cách làng không bao xa đã giúp mở ra một vùng trồng mía dọc ven sông. Các rẫy cà phê bắt đầu chín đỏ. Đồng lúa, ruộng mía, những đồi cà phê biến đất đai cằn cỗi và nặng trĩu chết chóc xưa kia thành một cõi mênh mang xanh rờn, dào dạt sóng lá.
Cũng năm đó, bà dì của Tư cử bà mối tới gia đình ông Năm trong làng dạm cô ba nhà ông cho Tư. Chẳng thấy Tư nói năng động tĩnh gì, nhưng người làng đều biết rằng hai bên gia đình đã định ngày. Ngày lành tháng tốt, đám cưới đời sống mới sẽ tổ chức ở hội trường ủy ban.
* * *
Chiều đó, Tư từ tiệm rượu Bảy Lé trở về, chưa xỉn chỉ hơi ngà ngà, nhưng tâm trạng không yên, vừa bồn chồn nóng ruột sao đó vừa bần thần sầu muộn chẳng có duyên do. Cả bữa cơm, anh và vậy gắp vậy cho bà dì khỏi quạu, chứ lòng dạ bứt rứt chẳng thiết ăn uống.
Bà dì nói, giọng không được vui:
- Bên nhà ông bà Năm bữa nay nghe nói đã rộn ràng lắm. Họ phải bộn thứ lo liệu sắm sanh. Con nhỏ Lý nó tính cho dì nghe là nội khăn áo cô dâu thôi đã chỉ vàng rồi, lại phải đặt may ngoài tỉnh kìa. Rồi mướn thợ chụp hình, mướn đào kép về ca. Đời sống mới, nhưng mới chừng mấy nhà họ cũng hai chục mâm. Nhà gái đã như vậy, huống chi nhà mình nhà trai. Vậy mà coi. Đến bữa nay mà vẫn bình chân như không… Coi bộ mầy không hay là việc tới nơi rồi sao Tư?
Tư buông đũa, nói lảng chuyện khác:
- Con cậy nhỏ Lý qua lo nhà cửa bếp núc đỡ đần dì. Tính cho nó cả ngày công đó dì, vậy mà nó vẫn để dì phải lụi cụi xuống bếp. Để rồi mai nó qua, con tính với nó.
- Có con Lý thỉnh thoảng qua thì nhà nầy còn có chút đỉnh tiếng nói tiếng cười. Chớ dì đâu đã liệt mà cần đứa nào chăm nom. Lặt vặt ba chuyện cơm nước heo gà, đui thì đui, còn sống ngày nào dì còn lo được cho mầy. Thương dì, thì đó, tính chuyện cưới xin cho chu toàn. Nể mầy đảng viên, ông Năm mới chịu cái thứ bây gọi đời sống mới, nhưng mới cũ cách gì cũng phải lệ làng thói quê chớ không có được vô phép như tỉnh thành, cưới vợ mà ngang cướp không con gái nhà người ta về. Gia tộc còn mình mầy, sao cho mát mặt ông bà là mầy đó. Làng xóm người ta trông vào. Chớ để điều tiếng cười chê.
- Bữa trước, chưa tìm hiểu nguyện vọng cô Huệ mà đã chịu để dì dạm hỏi, ông bà Năm gả bán, là con đã hữu khuynh quá rồi. Con không hữu khuynh thêm nữa đâu. Tới bữa đó, bên nhà ấy mà bày đặt lễ lạt rình rang to tát quá xá là con nhờ các đồng chí ủy ban cho du kích vô dẹp luôn.
- Trời thần! Có ông chú rể nào kỳ cục vậy không… Nhưng, vậy là đúng như người ta mách với dì. Mầy cực chẳng đã mà phải chiều dì thôi, chớ mầy vẫn chưa dứt được nó. Thiên hạ người ta biết hết, người ta đồn rùm. Chớ bản mặt cái thằng Lé chiêu hồi mầy đâu có ưa, cớ sao bữa nào cũng tới nó mà xị nầy nối xị kia? Người ta bảo, bởi ngồi đó thì mầy dõi qua được nơi nó.
- Không. Không phải vậy đâu, dì ơi. Thiệt tình là con…
Hai dì cháu ngồi lặng hồi lâu. Tư dọn mâm đi và rót nước mời dì. Nhấp một ngụm, bà dì thở dài:
- Con sao, dì biết chớ. Dì thương con tâm khổ trong lòng… Tâm con trung tín, nhân nghĩa, con không nỡ nào. Nhưng ngẫm coi, chừng bấy năm với chừng bấy sự thì phải đành vậy, chớ biết sao giờ, Tư. Tới hồi con phải lo cho đời con chớ. Mà con lấy vợ, định bề gia thất thì cũng là để giúp nó đó con à. Thấy con yên rồi thì nó phải tính lại cuộc đời nó…
Bà rờ rờ đưa bàn tay run rẩy nắm lấy ống tay áo của Tư buông thõng.
- Con à, có chuyện như vầy… - Bà nói, ngập ngừng - Hồi sáng, khi con vô rẫy, nó có qua đây… Nó qua chào dì chiều nay nó đi…
- Nó nào, dì? Đi đâu? - Tư thảng thốt.
- Là con Ngà đó, Tư… Nó biểu nó ra ngoài tỉnh, nhưng chắc nó đi hẳn Sài Gòn. Biết chừng đâu còn xa nữa… Nó không dám dàn mặt con để chào biệt, nó nhờ dì…
Tư sững sờ ngồi, con mắt còn lại của anh dại đi. Bà dì buông tay áo anh ra, đưa tay lần lần mở nắp cơi trầu. Bà nói:
- Nó nói mấy năm rồi nó chờ con qua lấy lại thứ nầy con gửi nó giữ dùm hồi xưa. Mà con không qua, thành thử…
Một cách máy móc Tư nhận lấy từ tay dì cái vật nhỏ, nằng nặng, gói trong chiếc khăn mù xoa màu hồng. Không nói gì, anh đứng dậy, rời cái chõng tre, đi ra hiên, bước xuống thềm. Thong thả ngang qua khu vườn rộng, tới khúc ngoặt cuối vườn, như thể đã cầm chắc bà dì không còn nghe thấy tiếng chân anh nữa, anh bước mau lên, sải bước, gấp gáp. Trong bầu không khí lành lạnh hơi sương buổi chiều tà, người anh hực nóng và tim anh nện mạnh. Tư đã chợt hiểu ra sự bồn chồn và nỗi sầu muộn vô cớ trong lòng mình bữa nay, hay đúng hơn, suốt bấy lâu nay.
Thì ra, suốt bấy lâu nay, mấy năm trời, mùa khô mùa mưa kế nhau đã bao mùa, anh lần đến tiệm rượu ngã ba kề bãi chợ chỉ vì lẽ đó. Một cái lẽ đến là vô lý đối với anh. Gánh mỳ quảng của Ngà xế bên kia bãi chợ, dưới mái lều lợp lá dừa, ba bề quây phên nứa, lúc đông khách lúc thưa khách nhưng chẳng bao giờ Tư thấy bóng Ngà, bởi vì chẳng bao giờ anh nhìn sang đó. Hôm nay lều cô ta trống không, cô ta không dọn hàng, nhưng anh đâu có biết, anh đâu có bận tâm. Ngày nào mà chẳng vậy, anh ngồi ôm xị rượu nhâm nhi, tào lao chuyện này chuyện nọ, tịnh không hề vương một gợn ý nghĩ nào về cô ta, mặc dù cô ta ở đó, không bao xa bên ngoài cửa sổ. Dân nhậu trong tiệm, và nói chung là người làng tránh nhắc đến cô ta trước mặt anh. Hoặc là như chiều này, Tư biết, cả tiệm đang ồn ào bàn luận gì đó về Ngà, nhưng nhác thấy anh bước vào, mọi người lập tức lảng chuyện.
Đang đi phăm phăm, Tư bỗng sững bước. Anh đang đứng ngay trong sân nhà Ngà. Ngôi nhà năm gian cũ kỹ, tường gạch lở lói, mái ngói rêu xanh.
Mặc dù thân thuộc với Tư biết chừng nào, đây là ngôi nhà duy nhất trong làng mà từ ngày trở về anh chưa một lần vào qua. Thoáng trông chẳng có gì thay đổi, thật ra là đã đổi thay, rã rời, tiều tụy. Anh dán tai vào cánh cửa. Không động tĩnh gì. Không một hơi thở, không một tiếng xào xạc hoặc lách cách bên trong. Đã nhận ra sự thật hiển nhiên, nhưng Tư vẫn gõ và khàn khàn cất tiếng gọi, muộn màng: Ngà, Ngà ơi! Tôi đây! Tư đây!
Ngôi nhà của dòng họ Phạm này nằm hơi tách ra khỏi chòm xóm, lọt vào trong lòng đồi, sau một cánh rừng tre. Từ cổng nhà có một đường đất nhỏ vòng theo chân đồi dẫn vào làng, một lối khác nhỏ hơn, ngang qua rừng tre, rồi qua khu nghĩa trang liệt sĩ ở bờ sông, tắt ra bến đò. Ngà chắc là đã đi ngả ấy. Bỏ nhà cửa ruộng vườn bỏ xứ ra đi người ta phải tránh lối qua làng.
Trong một thoáng chốc, qua các lùm cây ở bìa rừng, Tư như nhìn thấy bóng Ngà. Anh chạy ruổi tới và gọi to lên. Cỏ cây xào xạc đáp lời. Bản nhạc của côn trùng râm ran nhưng không khuấy động cảnh yên ả của rừng chiều.
Tại chính cánh rừng thưa này Tư đã một lần bị bắn gục, có thể nói là đã xong đời rồi. Đêm ấy, anh cùng số anh em còn lại của đội du kích buộc phải rời hầm bí mật rút lui khỏi ngôi làng đã bị địch tràn ngập. Nhưng lối rút ra bờ sông bị bọn chiêu hồi chỉ điểm. Du kích bị đón lõng ở bìa rừng. Không một ai thoát được ra khỏi lưới hỏa lực dã man. Sau khi bặt tiếng súng chống trả của du kích, bọn Mỹ sục sạo rà bắn tất cả những người bị thương, rồi dùng xe ủi dồn hết các thi thể xuống hố bom. Tư bị bắn nát người, nằm ở lượt xác trên cùng, trên lưng tấp sơ lớp đất mỏng. Và vào một ngày đêm nào đó anh đã mập mờ hồi lại ở buồng trong ngôi nhà của hai mẹ con Ngà.
Trước đấy Tư ít khi vào ngôi nhà này, có vào cũng chỉ là để rảo qua ngó chừng. Một gia đình rất đáng phải đề phòng. Ông bố bị xử trí ngay ngày đầu đồng khởi. Anh con trai là sĩ quan dù, đã tử trận. Và chẳng ai hiểu vì duyên cớ gì mà bà mẹ cùng cô con gái lại không tính chuyện ra đi rời bỏ vùng giải phóng. “Là do duyên số”, hình như thế, có thể là giữa chừng những hồi vật vã nửa mê nửa tỉnh Tư đã nghe Ngà nói vậy.
Mối tình như là được nuôi bằng những vết thương toác hoác, những cơn đau chết đi sống lại cùng triền miên những nỗi hãi hùng. Chốt dân vệ mọc lên ở rìa làng, bên chân đồi, chỉ cách chỗ mẹ con Ngà và Tư nửa tầm tiếng gào thét của những người bị tra tấn. Bấy giờ xe tăng thiết giáp và bọn lính chiến đã giãn ra, nhường lại những xóm thôn vừa bị tái chiếm cho bọn ác ôn địa phương rộng chỗ trả thù. Đã bắt và đã giết tất cả những ai chúng muốn bắt và muốn giết, chúng vẫn ráo riết bắt nữa và giết nữa. Cứ cách vài đêm dân làng lại nghe vang lên những loạt súng ở dọc ven sông, lại cộng thêm nhiều người nữa bị bọn dân vệ và bọn cán bộ bình định bắn chết bên bờ nước. Xác trôi theo dòng, xác mắc lại ở bờ lau. Diều quạ rợp trời.
* * *
Tư đợi mãi. Con đò rời bờ bên kia đang quay trở về bên này, nhưng rất chậm. Ông Sáu nhà đò hẳn là đã già quá rồi. Ráng chiều hồng thẫm cùng với sương đêm rớt xuống bãi bờ vắng ngắt. Chẳng biết nổi là mình mong đợi điều gì song Tư vẫn cứ thừ ra đứng đấy lặng chờ. Cảm giác về một sự trùng hợp mơ hồ len vào lòng anh một nỗi gì na ná như là niềm hy vọng.
Hồi ấy ông Sáu là người duy nhất được Ngà ngỏ cho biết việc mẹ con cô đang chứa chấp Việt Cộng. Ông là người họ hàng gần, ở bậc bác của Ngà, còn cô con gái út của ông lại là liên lạc của đội du kích. Cô bị bọn bình định bắt và giết hại trong chính cái thời kỳ khủng bố rùng rợn ấy. Dòng sông đưa cô dạt vào bến đò này, thi thể nổi lên áp vào mạn đò của người cha. Năm đó cô mới mười lăm tuổi. Thay con và giúp Ngà, ông Sáu tìm cách bắt lại được liên lạc với tổ chức. Nhờ vậy mà các đồng chí còn lại của Tư đã có thể bố trí đưa được anh thoát ra khỏi làng. Về sau, khi Tư bí mật quay trở về hoạt động thì cũng chính là ông Sáu đã đang đêm mưa lũ chống đò đưa anh trót lọt vượt qua sự tuần phòng gắt gao của địch. Ông là một trong những cơ sở bền vững nhất của anh. Sau ngày anh bị bắt, các đồng chí của anh vẫn móc nối với ông, vẫn tin ông, mặc dù ông là ông bác của Ngà. Vậy mà kể từ sau giải phóng đến giờ, ông Sáu lẳng lặng tránh anh. Anh cũng vậy, cố tình tránh ông, chẳng bao giờ tìm gặp ông, chẳng khi nào anh qua sông ở bến đò này. Mà vì sao chứ?
Tư câm lặng rên lên một tiếng trong lòng. Anh ngồi xuống bờ cỏ, đưa tay bưng mặt. Cái gói nhỏ suốt nãy giờ anh nắm xiết trong lòng bàn tay rơi ra. Vật mà Ngà nhờ dì anh trao lại cho anh là một chiếc đồng hồ đeo tay. Đã bao năm rồi, cũ kỹ đến thế, nhưng nước mạ được chùi lau hàng ngày vẫn óng vàng. Đồng hồ Liên Xô, loại lên giây cót, một nhà báo miền Bắc thăm làng giải phóng đã tặng Tư. Thuận tay trái nên Tư đeo nó ở cổ tay phải. Tất nhiên thấy thì nhớ ra, chứ cái đồng hồ này cũng như những dòng chữ và những hình xăm đã từng trổ trên bắp tay, làm sao có thể còn lại được trong trí nhớ anh. Cả cánh tay nữa, cơ thể anh đã không hề vương vấn nó, cảm giác của sự mất đi một cánh tay đã bị xóa hẳn từ lâu. Hồi ấy, vào một lúc nào đó hơi hồi tỉnh lại, nén chịu cơn đau ghê khiếp đang nghiền xé, anh gượng nói được ra lời xin Ngà là hãy làm sao hóa kiếp cho anh cái cánh tay đã bấy nát. Ngà sợ, khóc nức lên, run rẩy nói rằng chẳng biết làm thế nào bây giờ, để chậm sẽ hoại thư, mà cắt bỏ thì làm sao đây, chỉ có em với má, nhưng cưa tay người ta là phải thầy thuốc chứ em làm sao nhắm mắt gan liều được, và sao mà đành lòng được anh ơi. Tỉnh lại lần sau đó, anh không nhận thấy ngay là mình không còn tay phải. Khi nhận ra, anh không thấy bàng hoàng, không nghĩ ngợi buồn bã gì lắm cho mình, chỉ thấy thương Ngà. Càng về sau càng nghĩ lại càng thấy thương cảm. Một cô gái như vậy…
Con chiêu hồi. Con đàn bà chó săn. Hồi mới giải phóng, ở làng này không ít người rủa thế, không thẳng vào mặt, chỉ rủa sau lưng, nhưng sát mang tai. Con điếm trăm lẻ thằng vầy! Thằng cha phế binh lê lết ăn mày ở cây cầu sắt đầu làng mà được bát rượu vào họng là gào lên. Những gã cựu dân vệ vừa hạ súng đầu hàng tuy không dám buông lời tục tĩu như thằng cha cái bang nọ, nhưng thấy Ngà là bọn họ nháy nhau, khả ố ra hiệu cho nhau và cười nửa miệng, đầy ý nghĩa. Đến cả những tay chính hiệu hồi chánh cũng khinh Ngà ra mặt, như thể sự phản bội của cô đáng khinh hơn của họ. Tất nhiên đến bây giờ thì khác rồi, chuyện xưa đã xưa quá rồi, mọi ân oán quá khứ đã nhòa mờ, thời gian và cuộc sống đã giúp người ta quên đi cho nhau tất cả nên người ta cũng đã quên đi cho Ngà. Thậm chí, bây giờ, đối với Ngà, tình cảm của người làng, nhất là của những người đàn bà, ngả sang chiều thương cảm, xót xa thay và ngậm ngùi thay. Sao phải cam lòng sống vậy, cô đơn, nghèo túng và cứ ngày một phai tàn, sao không dứt lòng mà đi đi, còn trông đợi gì, còn nuối tiếc gì cho thêm tủi mình ra.
Rốt cuộc thì chỉ có Tư là đã không thể nào quên nổi. Thời gian gần đây, trong những đêm dài, nơi góc cùng khuất nẻo nhất của giấc chiêm bao, anh thường xuyên thấy lại hình dáng của Ngà. Khuôn mặt trái xoan hiện ra trong bóng tối, vừa mờ nhạt, vừa rõ nét. Mái tóc dày tỏa xuống vai. Tư đưa tay. Anh vuốt nhẹ mái tóc ấy, gỡ ra. Cánh tay trần và đôi vai trắng ngà mềm dịu của người đàn bà vô hình đã mất hút còn run rẩy dưới tay anh. Những năm anh bị đày đọa trong tù, Ngà cũng thường đến với anh như thế, nhưng về sau không bao giờ nữa, đằng đẵng.
Tư không thể nào quên được cái đêm mưa như thác đổ, lần đầu tiên đột nhập về làng, lách qua vườn cây, ẩn sau bụi chuối, dùng tiếng tắc kè phát ám hiệu. Như là đã liên miên hết đêm này qua đêm khác thức đợi anh về, Ngà hé nhanh cửa, đội mưa lao vụt ra, nhào tới anh không chút đôi hồi, ướt lướt thướt và nồng cháy ôm lấy anh. Lúc ấy Tư hoàn toàn cuồng rối, tim anh đập loạn lên. Đã nghĩ rằng phải gỡ mình ra, thậm chí phải bỏ mà đi, nhưng anh đã không thể. Lẽ ra… Bởi vì, khi ấy, vừa theo Ngà bước vào nhà, Tư đã phải giật mình dừng sững lại. Trên bàn thờ, trong ánh nến, bên tấm hình bà mẹ mới mất là ông bố áo lương khăn xếp ngực gắn mề đay và ông anh vận sắc phục rằn ri trung úy nhảy dù. Tư cảm thấy dội, như bị thúc vào ngực. Một điềm gở, đúng hơn, một dự cảm hiểm nghèo nhói lên.
Lẽ ra là Tư, với bao nhiêu là kinh nghiệm xương máu, đã phải lập tức nghe theo dự cảm ấy, phải dứt khoát tự ngăn mình và ngăn Ngà lại ngay từ lúc đó, không để cho cô theo mình nhập vào xoáy lốc của cái thời khốc liệt một sống hai chết quá sức con người chịu đựng ấy. Vả chăng, nào phải chỉ là dự cảm. Ôm lấy anh, thân mình cô mềm lả đi, nóng bỏng yêu thương, song, chỉ chợt thoáng một cái gì đó như tiếng chân, một phẩy gió làm lay ngọn nến là hết hồn, cô cứng người lại, mặt tái xanh, rồi cô run lẩy bẩy, yếu ớt, khiếp hãi, mãi lâu sau không hồi được. Nhưng mà Tư, như người ta thường nói, đã hữu khuynh…
Lúc này, biển lửa hoàng hôn chưa lụi hẳn, ngày vẫn còn một chút ánh hồi quang, nhưng Tư không nhìn thấy rằng con đò đã nhẹ nhàng cập bến, không nghe tiếng chân ông Sáu từ đò lên đang bước tới. Từ đò lên, chỉ một mình ông.
- Có qua không thì để qua chuyến rốt nè? - Không đợi trả lời, ông nói tiếp, giọng rè đục, rầu rĩ - Mà giờ nầy còn qua gì chớ, đâu còn kịp nữa. Đò chiều đò đêm để những hồn ma bờ nầy qua chơi những hồn ma bờ đối, chớ người ta thì ai mà qua nữa. Hồi giờ lục lộ kê lại cây cầu, qua sông không muốn ướt giò, ai còn cậy tới con đò già. Sông sầu sông thảm càng sầu càng thảm…
Hồi đó, tiếng nổ của khối bộc phá Tư cài làm tung hê cây cầu sắt tỉnh lộ ở đầu làng khiến ông Sáu hả lòng. Mừng thắng lợi với Tư, ông nói đùa rằng nhờ ơn cú nổ long trời ấy mà từ nay thiên hạ qua sông ắt phải lụy đò.
- Chào bác, bác Sáu. Là tôi, Tư đây mà…
- Phải. Khi hồi, bờ đối ngó về thấy có người chờ, tôi biết là anh chớ chẳng ai.
Thở nặng nhọc, ông Sáu ngồi xuống bên Tư. Nước vỗ ì oạp dưới chân họ. Mặt sông gợn sóng đượm vẻ âu sầu. Một con diều hâu về muộn lao vun vút qua sông. Ông Sáu nói:
- Nó mới qua chuyến rồi. Tôi chở nó qua. Đồ đoàn của nó nhẹ không à, một cái bao cái bị. Tôi xách dùm lên lộ cho nó, tôi ách lại cho nó cái xe đò. Nó đi thiệt rồi… Tôi biểu đừng đi, đi đâu nữa trời, mà nó chỉ cười. Nó biểu tôi già cả hết sức hết hơi rồi, thôi đừng chống đò nữa. Nó biểu nó đã sang giấy ở Ủy ban để lại hết cho tôi nhà cửa ruộng vườn của nó. Nó nói vậy đó, anh coi. Tôi đâu cần chớ. Họ Phạm làng nầy con cháu đâu thiếu, nhưng tôi chỉ có nó thôi. Tôi chỉ thương có nó. Giờ nó đi mất rồi.
Tư thấy lạnh run lên trong lòng. Bên kia sông, phía trên những rặng cây đen xẫm, rìa trời sáng mờ mờ. Trăng thượng tuần đang lên. Không khí tràn đầy sương mù.
- Ngay cái hồi nó phản anh, đau thấu xương, nhục muốn chết, đến tận bao năm sau vẫn cúi gằm, không dám ngước mặt nhìn đời, mà tôi vẫn thương nó… Đành là nó đã chỉ hầm của anh cho tụi nó bắt được anh, nên biểu anh vị tha làm sao được, nhưng nghĩ mà thấy tội nghiệp nó quá chừng, anh Tư à. Tụi nó cực hình hành hạ người ta dã man tàn độc cỡ nào anh biết rồi đó. Mà nó thì thân gái, sa vào giữa cả bầy lũ tụi nó ác ôn, đầu trâu mặt ngựa… Đưa bàn tay còn lại lên bưng mặt, Tư khóc không ra tiếng. Ông Sáu mím chặt môi, đặt tay lên vai Tư. Im lặng hồi lâu.
- Hồi đó, - ông Sáu nói tiếp - Anh mạnh tay làm tới, tụi nó hoảng kinh náo loạn. Tụi nó dư biết rằng anh, Tư Cụt - Tay Chiêu, có cơ sở trong làng mà xăm sục cùng khắp không lùng ra. Bởi tài trời tụi nó cũng không dè là anh ẩn trong nhà con Ngà, ngay trước cửa đồn tụi nó. Ai ngờ được chớ. Nhà nó thiết cốt quốc gia, tử thù Việt Cộng, cha và anh đều chết bởi đằng mình. Anh có con nhỏ, an toàn gì hơn. Vậy nhưng… Chuyện nầy chắc là anh không biết. Ai kể mà biết. Không lẽ ba thằng gốc gác dân vệ ở tiệm Bảy Lé nó kể với anh… Hồi đó bà già anh bị té gãy xương, nằm liệt. Mà anh khi đó bị tụi nó lùng riết phải ngày đêm dưới hầm nên chắc không hay tin bà già. Có hay cũng bó tay chớ làm được gì. Bà con lối xóm ai gan cùng mình mới dám qua lại, chớ cả bầy dân vệ nó dồn lực rình rập nhà anh dữ quá mà. Vậy mà con Ngà nó qua, cơm cháo thuốc thang cho bà già. Tôi đâu biết mà ngăn, tôi đâu dè con nhỏ khờ quá vậy. Ai qua còn được, chớ con Ngà mà qua với bà già anh, là tụi nó hiểu liền câu chuyện. Hai Rồng, thằng bình định ác ôn, thằng con bà dì anh đó, nó hô tụi lính bắt ngay con Ngà lại. Tụi nó đánh đập khảo tra hành hạ con nhỏ ngay trong nhà anh đó, anh Tư!
Ông già lái đò rên rỉ, nói rít lên, khàn đặc, rồi im bặt. Một con cú mèo từ lùm cây sâu thẳm đằng xa cất tiếng kêu. Rồi có một tiếng gì đó nữa vọng lên ở bờ bên kia, thoáng nghe tưởng tiếng hò đò, nhưng tắt ngay, như là bị rã cánh rơi xuống, lịm vào mặt nước.
Vừng trăng mỏng tang trôi lướt qua các đám mây. Gió từng đợt thổi mạnh xua tan hơi ẩm. Không khí khô ráo, trong sạch, phảng phất hương thơm đồng lúa. Trong những buổi tối như thế này, tâm hồn con người ta, bất kỳ ai, đều trở nên hồn hậu, ấm áp, và man mác những niềm vui đáng cảm động.
Lịch sử của ngôi làng chọn một mùa khô đẹp trời với những buổi tối êm đềm như thế làm mốc kết thúc thời hậu chiến. Lòng người thiết tha mong được sớm bắt đầu thời đại mới, với niềm hy vọng là từ đây sẽ mãi mãi không cùng chuỗi dài miên man ngày lành tháng tốt.