Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
iệt cộng có luật cấm nhân dân nghe những đài phát thanh tư bản. Luật này lâu lâu lại được vẩn vương đem ra đăng lại trên các nhật báo. Nhưng ngơ ngáo vào Sàigòn Việt cộng bị tràn ngập bởi các máy radio. Sàigòn quá nhiều radio Việt cộng kiểm soát không nổi. Việc nghe VOA, BBC trở thành một nhu cầu phải có của nhiều người dân Việt Nam Cộng Hòa thua trận. Những tháng năm đen tối ấy anh Cao Hữu Đính, ông bạn vong niên của tôi, trang bị một máy radio vừa dùng được điện vừa xài được pin. Anh đề phòng những lúc Thành Hồ mất điện anh vẫn nghe được tin và để buổi sáng anh mang radio theo anh vào phòng vệ sinh. Giáo sư Cao Hữu Đính, nguyên giáo sư Phật học Đại học Vạn Hạnh, nguyên Tổng Thư ký Hội Đồng Liên Tôn thời Phật Giáo chống Tổng thống Ngô Đình Diệm, anh đã mãn phần tại Thành Hồ năm 1993. Anh chị có bẩy người con. Tất cả các con của Cao lão gia đều thành đạt và hiện nay ở Canada, Hoa Kỳ và Pháp. Anh Đính chăm nghe radio, nhớ những tin liên can đến Việt Nam để nói lại cho chúng tôi nghe.
Hai ông Mít Ra-đi-ô ở hải ngoại được nhân dân Thành Hồ nhắc nhở đến, hai ông cùng tên Văn, ông Lê Văn Đài VOA, ông Đỗ Văn Đài BBC - Những năm 82, 83 buổi phát thanh Tạp Chí Đông Nam Á chín giờ tối thứ năm trong tuần của Đài BBC được Anh Con Trai Bà Cả đón nghe kỹ nhất. Tối nào có mục đi ăn nhậu viả hè anh đều chăm chăm đạp xế về nhà trước chín giờ tối để nghe Tạp Chí Đông Nam Á. Tối nào vui bạn hay có mồi ngon, rượu tốt không đành lòng nhẩy lên xế đạp trở về nhà để nghe BBC Đông Nam Á được anh tiếc hùi hụi. Một trong những nguyên nhân làm anh đón nghe đài BBC, VOA là để anh có điều kiện bàn tán với thiên hạ. Sáng hôm sau đến tiệm hớt tóc hay quán cà phê vỉa hè, nghe ai nói tối qua Bà Bán Cam loan tin này, tin nọ, anh có thẩm quyền phát biểu: "Hổng phải thế ông ơi. BiBiSi nói như vầy nè…". Nếu anh không nghe được buổi phát thanh ấy khi thiên hạ bình loan anh bán tín bán nghi.
Ông Văn ra-đi-ô thứ hai là ông Lê Văn. Ông này được bà con cô bác biết tên nhờ mục Âm Nhạc Việt Nam Hải Ngoại VOA. Những năm 1980 nhạc chiến đấu của Việt Dzũng, Nguyệt Ánh đang ở trong vòng hào quang sáng chói nhất. Giờ phát thanh nhạc Việt hải ngoại có nội dung đả kích Việt cộng đến nơi đến chốn. Bởi dzậy Việt cộng rất không ưa ông Lê Văn. Sau khi Hoa Kỳ bang giao với Việt cộng, VOA phái ông Lê Văn làm phát viên VOA ở Hà Nội, Việt cộng đã không chịu cho ông về nước. Trong khí đó thì Đỗ Văn BBC, một Công Tử Hà Đông rất ít khi chịu nhận mình là Công tử Hà Đông, cùng đi với bà Judy Stowe BBC, đã đàng hoàng trở về Hà Nội, Thành Hồ với tư cách đặc phái viên BBC từ những năm 88, 89..
Bà con kẹt giỏ nghe Đài VOA, kể cả những văn nghệ sĩ, chỉ biết Lê Văn là ông Lê Văn. Bỗng dưng tuần báo Tuổi Trẻ, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố HCM, đăng một bài đả kích đài VOA, gọi đích danh Lê Văn VOA là ký giả Đỗ Ngọc Yến.
Anh Con Trai Bà Cả từng có hân hạnh được quen biết ông Đỗ Ngọc Yến từ năm nhà ông còn ở gần Ngã Tư Hàng Xanh xa lộ. Ngày 25, 26 chi đó Tháng Tư năm 1975, anh còn gặp ông Đỗ Ngọc Yến ở Sàigòn. Ông và các ông Đỗ Quý Toàn, Lê Tất Điều, Vũ Ngự Chiêu, Phạm Hậu, Phạm Huấn, Thanh Nam v.v.. cùng nhiều ông khác dzọt đi thật lẹ. Từ khi tờ Tuổi Trẻ loan tin Lê Văn VOA là Đỗ Ngọc Yến bang chúng Cái bang Saìgòn đều cho là đúng. Chẳng còn ai théc méc gì.
Bị bắt, anh Con Trai Bà Cả Đọi cùng người anh em cùng vợ mí anh là Công Tử Hà Đông không thấy phiền hà gì với những buổi được gọi làm việc, tức là đi chịu thẩm vấn. Cai tù đến dùng sâu chìa khóa đập mạnh vào cửa xà lim - Hán Việt văn huê gọi là Biệt Giam - và gọi: "Hát… Hát… Tê… đi làm việc…". Phải viết là "được" đi thẩm vấn vì phòng tù xã hội chủ nghĩa, nếu là phòng biệt giam, tức sà-lim thì người tù nằm một mình quá buồn, muốn được ra ngoài cho thỏang khoát, muốn được nói chuyện dù là nói chuyện với kẻ thẩm vấn mình, nếu ở phòng tập thể thì phòng nhồi nhét quá đông người. Bẩn, nóng, ồn ào, hôi thối. Mùi người. Đụng chạm. Đó là những gì có mặt thường trực Vảnh Sít xuya Vảnh Cát ở tất cả những phòng tù Việt cộng nhốt nhân dân thân thương, nhốt những đồng bào của chúng không những chỉ ở Thành Hồ mà là ở khắp nước Việt Nam đau khổ. Được gọi đi thẩm vấn, ít nhất cũng được ra khỏi cái phòng giam bẩn thỉu ấy trong vòng hai tiếng đồng hồ, được ngồi tương đối thoải mái ở một chỗ tương đối vắng người, được công an Việt cộng mời hút thuốc lá Mai, Vàm Cỏ v.v…
Trong một buổi thẩm vấn thường lệ khoảng Tháng 8 năm 1984 anh công an Huỳnh Trung Thành mở cặp lấy ra quyển sổ bìa đen. Anh để một tấm các nửa trong nửa ngoài trong sổ, phần tên tuổi người trong tấm các được che đi, chỉ cho tôi thấy tấm ảnh căn cước cỡ cát-xít. Thành hỏi tôi:
- Anh biết ai đây không?
Tôi nhìn ảnh. Tôi gặp người trong ảnh này cuối tháng Tư 1975. Bi giờ là tháng Sáu 1984. Thấm thoát dzậy mà đã chín mùa lá rụng. Tôi tưởng như tôi mới gặp ông ấy có ngày hôm qua. Tuy không được giao du thân mật với ông nhưng tôi không làm sao quên được dung nhan của ông. Ông trán cao, tai lớn, mặt vuông cương nghị. Đặc biệt ông có cặp kính trắng cận thị hơi dầy nên trông rất trí thức. Chắc hơn bắp là mình nói đúng, mình cũng là tay kha khá ở Sàigòn vì mình quen biết nhiều người quan trọng, tôi trả lời:
- Nếu tôi không lầm thì đây là ảnh anh Đỗ Ngọc Yến…
Và để lấy điểm tôi tự khai báo thêm:
- Anh này hiện ở Mỹ. Nghe nói anh ta là Lê Văn đài Vê-Ô-A.
Huỳnh Trung Thành gật đầu:
- Anh nói đúng đấy.
Tấm các được lấy ra cho tôi xem. Chẳng cần nhìn tên tôi cũng biết đó là Đỗ Ngọc Yến. Đây là tấm phiếu lý lịch của anh khi anh khai lấy thẻ căn cước hay xin thứ giấy tờ gì đó ở trong hồ sơ Tổng Nha Cảnh sát của ta.
° ° °
Tôi có tật viết vòng vo và quý bạn đọc vừa thấy tôi biểu diễn một đường Lăng Ba Vi Bộ vi vút.Ý định của tôi khi ngồi vào bàn gõ máy chữ Olympia mang theo từ Ngã Ba Ông Tạ, Thành Hồ đến Virginia Rừng Phong A Linh Tôn là viết về Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều, và về một người đã thương xót, đã giúp đỡ an ủi khuyến khích, làm cho trái tim vợ chồng, bố con tôi, kể cả trái tim thằng cháu ngoại của tôi ấm lại.
Năm 1980 từ số 4 Phan Đăng Lưu trở về Ngã Ba Ông Tạ, gặp lại Dương Hùng Cường - anh đi cải tạo trở về khoảng năm 1979 - Cường bảo tôi:
- Trần Tam Tiệp, không quân, tức Đạo Cù, Con Ong, hiện là Tổng Thư ký Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, ở Paris, có gửi thuốc về cho anh em. Tôi đã cho Tiệp biết ông mới về, địa chỉ ông, kỳ quà tới thế nào ông cũng có đấy.
Tôi gặp Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn nói:
- Có cô Phương Hương ở Pháp gửi thuốc về chi viện văn nghệ sĩ. Tao có báo cho cô ấy biết tin mày. Địa chỉ của cô ấy đây. Mày nên viết cho cô ấy…
Thế là tôi được ghi tên vào hai sổ Con Cá Nó Sống Vì Nước Ngoài, sổ Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại kiêm Văn Bút Quốc Tế của Trần Tam Tiệp, Sổ Quan Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn của cô Phương Hương. Khi gửi thùng thuốc cho Lê Trọng Nguyễn, cô để tên người gửi là Lê Thị Phương Hương, trên thùng thuốc gửi cho tôi cô đề tên người gửi là Hoàng Thị Phương Hương. Gửi quà cho ai, cô lấy tên họ người ấy. Tôi chắc trên thùng thuốc cô gửi cho Mai Tuyết An, vợ Lý Đại Nguyên, cô để tên người gửi là Mai Phương Hương.
Trong những năm đen tối, tuyệt vọng ở Thành Hồ, tôi may mắn được khá nhiều người gửi đồ, gửi tiền về cứu trợ. Bà Dì tôi và các em tôi không kể, cô Phương Hương là một trong những người thương xót vợ chồng chúng tôi nhất. Tôi chắc với tất cả mọi người - những chúng sanh lặn ngụp trong bể khổ cõi Ta Bà - cô Phương Hương đều có tấm lòng vị tha như thế. Tôi được biết tên cô là Cao Ngọc Phượng, sinh quán Bến Tre, nữ bác sĩ. Cô là Phật tử thuần thành, đệ tử của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh. Tôi gửi một số bài viết của tôi sang cô. Hai bài của tôi được đăng trong tuyển tập "Tắm Mát Ngọn Sông Đào" do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành ở Paris năm 1982.
Tắm Mát Ngọn Sông Đào được lấy ra từ bài Sẩm Xoang của tôi:
Muốn tắm mát thì lên ngọn cái con sông đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Đôi tay anh vín đôi cành
Quả chín anh hái quả xanh anh vồ
Năm sáu năm nay anh ăn ở Thành Hồ
Cơm nhà quà vợ nửa rồ anh lại nửa điên
Sống quẩn quanh ngày tháng nó nặng chiền chiền
Ngày rơi ngày muộn, đêm phiền theo đêm
Nhưng mà em ơi… Anh ngẫm cái thân anh đến giờ này anh còn nệm ấm, giường êm.
Vợ thương, con thảo, anh còn rên cái nỗi gì
Bạn bè anh như lá đài bi
Đứa thì dãi nắng, đứa thì dầm sương
Thằng sông Vô Định phơi xương
Thằng thì con vợ nó phú lỉnh một đường sang sông
Thơ xanh anh chép giấy hồng
Lúc hèn thì đến Quận Công cũng hèn.
Nói gì rằng đỏ, rằng đen.
Được cô Phương Hương thương xót, cứu trợ và đối xử chân tình, tôi chăm chỉ viết thư cho cô, kể linh tinh đủ thứ chuyện trong nhà, ngoài xã hội. Ngoài việc cứu trợ bằng phẩm vật, nâng đỡ tinh thần bằng những lời thăm hỏi, cô còn giúp vợ chồng tôi nhiều nữa qua những việc cô làm mà cô không nói, như trình bày trường hợp của tôi với những tổ chức nhân đạo quốc tế để xin họ giúp đỡ, xin họ can thiệp cứu tôi, lên tiếng đòi trả tự do cho tôi.
Tháng Năm 1984. tôi bị bắt lần thứ hai. Năm mùa lá rụng ngồi tù nhìn nắng chiếu, mưa rơi ngoài song sắt phòng tù tôi mới được gần Alice vảnh cát xuya vảnh cát ở trại Cải tạo Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai, Alice kể:
- Cô Phương Hương tội lắm. Anh bị bắt rồi, thư đầu cô ấy gửi về cho con Giang. Cô ấy viết: "… Giang… con ôm chặt lấy Má cho cô…"
Năm 1989 Doãn Quốc Sĩ và tôi ở trại Z30A, cô Phương Hương nhờ một nữ đệ tử về thăm quê hương đem tiền cứu trợ đến tận nhà cho chúng tôi. Nữ phật tử này cũng theo các vị sư sãi chùa Già Lam lên trại Z30A thăm các vị Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, Đại Đức Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, Trí Siêu Lê Mạnh Thát và thăm gặp mặt cả hai anh em Biệt Kích Văn Nghệ ở tù ở trại này là anh Doãn Quốc Sĩ và tôi.
Năm 1990 lần thứ hai tôi từ nhà tù cộng sản trở về mái nhà xưa. Cuộc liên lạc bằng thư từ giữa cô Phương Hương với tôi không còn được thường xuyên như trước 1984. Cô cho biết cô đã xuống tóc, trở thành Ni Sư, pháp danh là Chân Không, cô thường đi Ấn Độ, Tích Lan đi khắp nơi học và thuyết pháp. Cô chuyên vào việc tu hành. Việc quyên góp và cứu trợ đồng bào trong nước trong tổ chức Phật tử tự nguyện của cô được cô trao cho người khác.
Tháng Chín năm 1995, Thiền sư Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ trong một chuyến đi hoằng pháp. Ni sư Chân Không ở trong đoàn tháp tùng. Cô Chân Không phone cho tôi khi cô theo Thầy đến Washington D.C. Cô mời tôi lên D.C. dự cuộc nói chuyện của Thầy. Người ta đến nghe phải mua giấy vào cửa, tôi đến nghe free.
Hai ngày sau, Thiền sư thuyết pháp ở Arlington. Vợ chồng tôi lại được gặp cô. Lần này vợ chồng chúng tôi được nói chuyện với cô lâu hơn. Cô đến phòng hội trước để chuẩn bị, sắp xếp cuộc thuyết pháp. Vợ chồng tôi đón cô trên đường cô đi vào hội trường. Gặp chúng tôi cô hỏi ngay:
- Kiều Giang hồi này sống ra sao? Con nó năm nay mấy tuổi rồi?
° ° °
Trích "Những tên Biệt kích cầm bút"
Chỉ vài ngày sau khi Đoàn Quốc nhận được giấy xuất cảnh thì hầu như những người quen biết cũ trong làng văn, làng báo trước đây cũng đều biết tin. Lâu nay, ít ai nhắc đến ông ta. Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì từ trước ông ta vẫn chuộng lối sống "ẩn dật" khá khác biệt với các đồng nghiệp.
Ngoài nghề viết văn, ông ta còn là nhà giáo, ảnh hưởng sâu đậm Nho giáo và của văn học Pháp, về sau này tốt nghiệp môn giáo dục học ở Đại học California. Ông ta còn nghiên cứu về Thiền và là bạn thân với các nhà sư tiếng tăm.
Tất cả những khuynh hướng văn học, triết học có vẻ trái khoáy với nhau tập hợp lại tạo thành tính cách riêng, mặt này bổ sung mặt kia, khiến cho các đồng nghiệp và độc giả của nhà văn Đoàn Quốc thấy ở ông một tổng hợp nhiều màu sắc và có sức thuyết phục!
Cái vẻ nho nhã bên ngoài khiến cho một số người coi đó là "tính truyền thống" của văn hóa Việt Nam. Điều khác là "nhà nho" Đoàn Quốc không có khăn đóng, áo dài mà khoác bộ cánh của văn chương lãng mạn Pháp và những đường nét kỷ hà của văn minh Mỹ ngang ngay sổ thẳng, chính xác và thực dụng. Vì vậy, trong văn chương và cả trong cuộc sống ai theo thị hiếu nào đều cũng có thể tìm thấy cái nhìn ưa thích nơi Đoàn Quốc. Vì chính màn khói ảo giác ấy đã đưa Đoàn Quốc lên vị trí đàn anh trong thứ trật tự "chiếu trên, chiếu dưới" trong làng văn Sàigòn trước đây.
Thế mà nay mai ông ta sắp đi cùng đám con lai Mỹ, cùng với các cụ già, cháu bé… được Nhà Nước cho phép xuất cảnh để "đoàn tụ gia đình". Sự thật là vậy. Theo đúng chính sách, ông ta ra đi theo diện người ngoài tuổi lao động, già yếu, được con cái bảo lãnh, chứ không hề với tư cách một nhà văn. Ấy thế mà lại có tin đồn, ông ta được "một tổ chức nhân quyền quốc tế" nào đó can thiệp để ra đi với tư cách là một nhà văn "không thích nghi với chế độ cộng sản"! Cái tin vịt ấy kể ra cũng có xuất xứ của nó. Một vài tờ báo lá cải của nhóm lưu vong phản động bắt đầu làm rùm beng, coi việc ra đi của Đoàn Quốc như là thành tích "đấu tranh" của chúng buộc "nhà cầm quyền cộng sản" phải nhượng bộ!
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút