With compassion you can die for other people, like the mother who can die for her child. You have the courage to say it because you are not afraid of losing anything, because you know that understanding and love is the foundation of happiness. But if you have fear of losing your status, your position, you will not have the courage to do it.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ôm nay, Nhiên bắt đầu ngày phép. Nhiên được nghỉ mười hai hôm. Không biết Bảng sẽ thế nào. Có thể anh em thông cảm. Nếu Bảng cũng được phép năm hai đứa sẽ về chỗ sơ tán ở làng Nha với cháu Nam.
Đám cưới thời chiến giản dị tới mức không có gì. Nhưng cũng chẳng thể quá sơ sài. Đời người có một lần ngày hôm ấy. Nhiên bảo Bảng thế. Bảng nói: “Em cứ việc lo cho hết cỡ đảm đang. Anh chỉ biết hoan hô thôi”. Nhiên mỉm cười, tự hào mọi việc trong ngày vui của hai đứa, một tay mình lo liệu.
Nhiên lên Ngọc Hà mua hoa. Nhiên không dám nói với bà là Nhiên lên trại Hàng Hoa. Nếu nói, bà sẽ kêu: chốc lại máy bay máy bò mà cháu cứ chơi nhởn như trẻ con, coi giời bằng vung thế không được. Nhiên cũng như mọi thanh niên Hà Nội, có việc đi cứ đi, không để ý đi đâu, mặc bà dặn dò: này này để tai nghe nó đi xa về gần thế nào mà tránh, “tránh voi chẳng xấu mặt nào, con ạ”. Bà nghĩ như ở nhà thì máy bay Mỹ không làm gì được! Nếu biết Nhiên đi mua hoa, chắc bà sẽ chửi um lên. Có một đứa bạn ở xưởng, nhà trên ấy, đã hẹn lấy cho hoa tươi tại vườn. Lại còn để lại cho con gà nhà nuôi.
Hoa rộ hôm Nô-en rồi tiếp mấy hôm hanh hao, bây giờ hiếm. Ở hàng hoa cửa đền Bà Kiệu và đôi khi chợ Hàng Bè cũng có, nhưng chỉ lèo tèo mấy cái lay ơn phớt hồng. Nhiên thích lay ơn trắng. Nhưng Nhiên sợ bà mắng. Nhiên đã phải mắng từ thuở bé mà thuộc chưa hết mấy cái bà hay kiêng. Bà kỵ nhiều thứ. Gõ chéo hai đũa cả, “như đánh xinh ở đám ma”; vét nồi cồn cột là điềm đói kém; đàn bà con gái không được ngồi xổm; nói trống không là hỗn; kêu trời là điểm gở; màu trắng như để trở; quần đàn bà không phơi giữa sân... và một lô ý tứ nữa.
Nhiên đi sớm. Bảng không đi cùng được. Hết sáng nay mới xong phiên trực chiến. Nhiên đi Ngọc Hà một mình.
Một ngày trong thành phố đương bị liên miên đánh phá, chỉ tấp nập một thoáng buổi sớm. Người ta đi sớm tránh máy bay. Các cụ già nói ta đã thành thói quen đi sớm tránh máy bay từ thời đánh Tây.
Nhiên chờ tàu điện Bờ Hồ lên Thụy.
Cái tàu điện chẳng biết thế nào là thành phố đương bị ném bom. Tàu điện rời nhà máy ra đường từ bốn giờ sáng. Rồi ngày ngày ngang dọc lên xuống keng keng các tuyến đường Hà Đông, Kim Liên, Yên Phụ, chợ Mơ, Bưởi đến tám giờ tối, chuyến tàu vét kéo hàng lô toa dồn về nhà máy ở Thụy Khuê. Lại bốn giờ sáng hôm sau, tàu và toa đi Hà Đông xa nhất ra đường đầu tiên.
Người ngồi trên tàu điện cũng như không biết thành phố đương bị những cơn báo động rình rập. Vì cái tàu ầm ĩ và công việc đều đặn của nó. Người đi làm, người sơ tán, tàu còn đèn, sáng sớm lố nhố ngồi đứng vịn tay lên xà ngang lườn tàu. Cô hàng xôi ngô gánh lên cửa giữa toa, mấy bà cắp thúng bánh cuốn Thanh Trì, chẳng phải chen lấn ai, mà cứ te tái, hớt hải.
Một chị ở Bưởi xuống phố lấy nước vo về. Mặt thùng nổi cuộng rau muống, sóng sánh. Người trên toa kêu ầm, chị bực mình, lại xuống gánh bộ. Đi một quãng, tàu mới ầm ầm theo kịp và đến dừng chỗ tránh. Cửa toa lúc này vắng, chị lại quảy đôi thùng lên.
Có một anh xẩm ngồi tàu từ dưới Mơ. Cái nhị ý ọ, ngắc ngư trong tiếng tàu điện rít ào ào.
Tiếng hát cất véo von:
... Anh bước chân vào, đầu che quạt vả
Con nhà ông cả, lấy vợ cách sông
Chín chiếc thuyền rồng...
Mấy người kêu:
– Sốt ruột quá, cái anh này?
Người ta cứ gắt một cách vui vẻ, nhưng rồi ai cũng bỏ ra đồng năm xu, tờ bạc một hào vào lòng cái mũ cát két xanh của anh xẩm vừa ngửa ra.
Anh cười nhăn nhó:
– Cho nó vui cái lúc bom đạn này ạ. Bây giờ tôi xin hiến đôi bên hàng tàu một bài vui.
Đêm qua mở cửa trông trời
Thấy cái thằng giặc Mỹ nó ngồi cái pháo đài bay
Hai quả bom nó cầm hai bên tay
Tàu bay ta mới lên hỏi mày dọa ai
Chữ rằng phúc bất trùng lai
Còn vẩn vơ đây nữa có ngày mày om xương
Lạy ông, con xin ông cho con được đánh cái bài chuồn, con chuồn chuồn.
Mấy bà cười ré lên. Rồi lại nói, nửa thật, nửa đùa:
– Thôi ông ơi, để còn nghe báo động.
Câu ấy cũng không phải vu vơ. Hình như lúc tàu qua cái loa chỗ vườn hoa Hàng Đậu, có loáng thoáng nghe... Đồng bào chú ý!... Đồng bào... Nhưng chưa có còi, điện thành phố chưa cắt, tàu vẫn chạy.
Ra khỏi khúc đường quanh, cái tàu và đường ray cùng rít u u, người lái tàu nắm cái tay cầm vòng đồng quay gần hết khấc, mở số bảy cuối cỡ. Tàu càng rầm rập hăng. Đến quãng Quan Thánh thì mở bảy. Bởi vì đã trông thấy nhà máy điện một dải xám mờ đằng kia, phải xa cho nhanh.
Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ ngày đêm tuôn bụi than bậu đầy trên những cành cây cơm nguội xung quanh. Hai bên phố ngoài đường gần phân xưởng chính bị đánh ròng rã đã mấy năm nay. Chùa Am đổ đã thành một đống rêu. Ông hàng chè tươi nước ngon vẫn ngồi trong hiên chùa, thế là chết bom đã được giỗ đầu. Công nhân máy điện mất nơi uống nước quen.
Nhưng nhà máy vẫn đứng.
Suốt ngày sang đêm, xe tải và xe trâu từ Phà Đen lên đổ than vào sân, máy cuộn than lên máng qua dây chuyền sàng vào lò.
Các chị sàng than, khăn vuông đen, giày vải. Dây chuyền sàng chạy dọc một dãy cột sắt. Báo động cách ba mươi ki-lô-mét, các chị ôm cột tụt xuống tầng dưới. Còn lại ba chị ngồi sàng, bảo đảm than vào lò đều. Những chiếc cột sắt xuống hầm trú ẩn lên nước bóng trắng như gương, đã mấy năm.
Tháng tám vừa rồi, một quả bom la de điều khiển đánh bay hết mái tôn tầng bốn, xuyên xuống nồi “súp de”. Nhưng hai quả bom năm trăm cân lọt vào giữa lớp bùn rơm lùng nhùng. Nồi súp de vẫn chẳng sao. Sau trận ấy, những cái nồi “súp de” nhãn hiệu Đéc-lin-côn Thụy Sĩ 1918 được bọc thêm lần áo giáp rơm nhồi đất thó trong ụ đất bùn, lại bùn nữa, lại rơm nữa.
Đánh mãi nồi “súp de” nhà máy điện Yên Phụ, đánh đến nát trơ trụi hai bên phố lên tận Quan Thánh. Lại đánh, lại đánh, đến trận bom hôm qua, nghiêng một cột ống khói. Hai công nhân hy sinh giữa phân xưởng. Nhưng nồi “súp-de” vẫn nằm yên trong những lớp bùn hồ và lớp rơm bên trong cái tường đá trồi ra tận đường mà ai đi qua ngoài cũng trông rõ. Điện thành phố sáng đều đều.
Tàu điện đã vào giữa phố Quan Thánh. Dưới những cành bàng khẳng khiu, hai bên trường phổ thông Yên Thành, trường cấp 3 Nguyễn Trãi, đã thành những đống rêu. Đứng đây, trông thẳng tới nhà máy điện như cái pháo đài đen sạm nổi giữa trận địa ngổn ngang. Các phố còn sống sót đã được quét một lớp vôi xám như khói, để nhập nhoạng lẫn với nhà máy.
Những người trên tàu kêu lên:
– Nhà máy điện xả khói!
Thế là còi tới nơi. Nhà máy nhận tin báo động cùng một lúc với các trận địa pháo. Những ống đen xả khói cho cả nhà máy kịp ẩn trong làn mây đen đặc.
Cái tàu điện vẫn chạy, cố chạy. Lững thững trong quãng đối mặt với cái nồi “súp–de” kia, đợi ăn bom à. Mà thằng nào lao vào đến đây cũng lảo đảo vì các cỡ pháo, lại bị khói đùn lóa mắt, chỉ còn cách buông bom lung tung. Máy bay Mỹ đã làm thế từ đời Giôn–xơn, tan hoang cả vùng phố xá Châu Long, Hàng Than, Hàng Bún, Quan Thánh, Cửa Bắc...
Còi báo động hú lên. Tàu mất điện, ngừng phắt. Những người làm tàu vẫn quen cẩn thận như mọi lần, ông bán vé kéo mỏ vẹt thả ra ngoài đường dây trên nóc tàu. Người lái tàu vặn lùi đến khấc số không, khóa cẩn thận rồi mới xách cái tay lái bằng đồng vàng chóe, bước xuống đường, nói to: “Có báo động, bà con mau mau ra hầm trú ẩn”. Người hai hàng tàu đã tản hết vào các gốc bàng, ngồi bên hố cá nhân, các hầm nổi. Chỉ có anh xẩm vẫn tần ngần đứng đấy. Anh chẳng nghĩ gì khác. Anh chỉ đợi hết báo động, lại kéo nhị, lại hát. Quanh năm thành phố bị bom, cái tàu điện nơi anh kiếm được tiền, vẫn hàng ngày lên xuống cho tới tối khuya anh lại trở về chợ Mơ.
Nhiều người đến nấp tận chỗ đường cụt mép hồ Trúc Bạch, bên rặng chuối tiêu lùn xanh sạm mùa lạnh. Đến lúc nhận ra, thấy ở doi đất nhô giữa hồ, bộ đội pháo thủ quay nòng súng, tiếng lách cách đổi khớp nghe rõ mồn một. Nhớ đã có lần dân phòng trong Ngũ Xã bơi ra hồ bắt giặc lái, thế là mọi người lại chạy lùi vào phố.
Những tiếng nổ đâu xa, rồi im.
Còi trả yên.
Người lại đông đủ. Tàu điện lại giật chuông vui vui. Ai đi tàu điện quen đã biết chỗ giậm chân gõ chuông gọi khách lên. Người lái tàu, tay xách cái lái đồng, thong thả lắp tay lái, quay vòng mở sẵn phanh. Tàu đã có điện, từ từ trôi rồi rít ồn ào qua chỗ lượn. Mặt người lái đăm đăm, chốc nữa tàu lại về qua đây, lại trông thấy nhà máy điện và cả khu phố xám xung quanh và ngày ngày vẫn qua cảnh báo động, cảnh bom và báo yên, cái tàu lượn ngang thành phố.
Đến chỗ tàu tránh đầu làng Thụy, Nhiên xuống, đi tắt lên đầu vườn Bách Thảo, vào Trại Hàng Hoa.
Nhiên đã đến nhà bạn.
– Tao chỉ thích hoa lay ơn tím.
– Bây giờ các vườn đang hãm hoa để bán Tết. Nhiều thì khó, vài chục bông cũng dễ thôi.
– Làm gì mà vài chục bông, vài bông!
– Là cứ nói thế.
– Thế hoa của tao đâu?
– Đợi lên mới hái cho tươi. Mày mang về đôi gà này. Mẹ tao bảo gà đám cưới không được mua một con.
– May quá. Bà tao cũng hay kiêng.
Hai cô đã ra tới khu vườn có những luống hoa lay ơn, trên ngọn lá nhọn xanh thẫm như trải tấm lụa tím.
– Được không?
– Hay quá.
– Cô dâu chú rể cầm một bó làm một bô ảnh.
– Không có ảnh. Có gì đâu!
– Thế à.
– Bạn của tao có mỗi mày.
– Tết ra, đến lượt chúng tao tổ chức. Lúc ấy mà thằng Mỹ còn ném bom thì tao cũng chỉ mời một mình mày thôi.
– Bảng có hai bạn, Bảng bảo thế. Không khéo cứ nguyên mũ sắt đến cũng nên. Còn thì bà tao lên, với bố Bảng, một hai ông bảo vệ, dân phòng. Đến chơi thôi, không có tuyên bố tuyên con, lý do lý trấu đâu. Nấu nồi cháo gà ăn cho vui. Làm quãng tám giờ mai cầu giời lúc ấy không có báo động.
– Cho được ngày lành tháng tốt.
– Kiêng này, lành tốt này, mày lên ở với bà tao thì hợp.
– Nói đùa chứ, giản dị thế phải. Đến năm nào đánh Mỹ xong, con cái chúng mình phải làm lại tiệc cưới thật to cho bố mẹ.
Hai cô cười rúc rích.
Nhiên ở Ngọc Hà về, tay ôm bó hoa và xách bu gà.
Tàu điện, giữa trưa, toa và tàu đều vắng. Tiếng máy càng rầm rĩ, bánh rít ken két, ốc và ván tàu nảy lách cách. Không thấy anh xẩm ban sáng. Anh đã xuống chợ nào. Những câu hát vui lúc bom đạn của anh hẳn đương réo rắt với tiếng nhị ngẩn ngơ dưới rặng tre buổi chợ sơ tán.
Nhiên về nhà Bảng. Nhiên đẩy cửa bước vào. Bác Tặng ngừng tay dọn đống bìa dưới gầm giường nhìn ra.
– Con đã lên đấy à? Hoa đâu đẹp thế?
– Bạn con ở Ngọc Hà cho.
– Lên tận Trại Hàng Hoa cơ à?
Nhiên đem bu gà vào sân bếp. Nào khác thường ngày mà sao Nhiên cảm động đến vậy. Nhiên nhìn quanh gian nhà, rồi nói:
– Bố trang trí điểm mười đấy.
Bác Tặng cười:
– Phải tao đâu! Có anh họa sĩ vẫn giúp khối phố làm hộ. Người ta tay nghề, chỉ vẩy bút mấy cái, trông nên hình ngay.
Gian buồng bé nhỏ đã gọn hẳn. Những chồng bìa, xoong hồ và cả cái túi xách treo trên tường đã được cất đi. Căn phòng trở nên vuông vắn. Phía ngoài, bày bốn ghế và thêm chiếc bàn nhỏ, bác Tặng mượn ngoài trụ sở. Trên tường, lấp lánh hai chữ B và N lồng nhau. Những ngôi sao xanh đỏ mọc rải rác quanh dòng chữ đỏ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” chạy dài như hoa nở trên đầu hai chữ “hạnh phúc” vuông to bằng cái quạt nan.
Nhiên tủm tỉm, má đỏ ửng.
Bác Tặng hỏi:
– Lúc nãy có biết nó ném đâu không?
– Bấy giờ con vừa đến Quan Thánh.
– Gần nhà máy điện à?
– Nhưng nghe súng xa lắm.
– Thế mà ở đây cứ tưởng nó lại choảng quãng Đuôi Cá, Văn Điển. Ờ, tại cái gió, gió bấc đưa tiếng bom lại gần.
Rồi bác Tặng khoan khoái cười, trỏ tay vào hai chữ “Hạnh phúc”.
– Vẫn anh họa sĩ đấy. Anh ấy vẽ tranh dân phòng, sơ đồ phòng không đều giỏi. Con thấy chữ cắt khéo không?
– Bằng phòng cưới rồi ạ.
– Bố thấy vẫn thiếu. Bó hoa con đem về để lên bàn khách ngoài thế mới hoàn toàn.
– Vâng ạ.
– Bàn thờ và ảnh mẹ với chị các con, bố đưa tạm vào trong. Trong ấy đã có hoa cúng. Con thắp hương cúng chị, cúng mẹ bây giờ.
Nhiên đem hoa ra bàn. Màu tím thẫm mát tỏa trên cái bình bằng đuôi đạn đại bác 75 màu đồng sạm như cái ống bút cổ, Bảng đem ở trận địa về.
Nhiên xem đồng hồ rồi nói:
– Bây giờ con xin phép bố.
– Về dưới nhà à?
Nhiên vào sân bếp, cẩn thận đẩy cái bu gà xích phía trong.
– Con nhớ đón bà lên.
– Con cũng phải lên sớm, còn đi chợ.
Bác Tặng đã dọn dẹp xong, lại ngồi nghĩ ngợi về đám cưới con và miên man mọi công việc. Bác ra công tác đường phố đã hai khóa, hơn sáu năm. Cơm nhà vác ngà voi... người ta nói đùa, người ta ngần ngại, chung quy cũng một câu như vậy. Bác Tặng chẳng để ý ngà voi, sừng trâu, công tác người cán bộ ở cơ sở cũng lẫn lộn với mọi việc ăn làm hàng ngày, có sao đâu.
Việc cưới Bảng, bác Tặng đã nghĩ kỹ. Mới thì mới hẳn, không dở dương. Mình trưởng ban phòng không, vi phạm lệnh phòng không sao được.
Lại một ngày bận rộn. Càng tất bật hơn trong những cơn báo động... Đồng bào chú ý... rồi còi, cái còi trên mỏm trụ đầu cầu Long Biên như một triệu con ve kêu râm ran. Tiếng bom, nghe cả phía Sơn Tây, phía Phủ Lý. Nhưng từ sáng chưa có thằng nào vào thành phố. Mấy hôm nay, nó ném rộng ra các tỉnh. Báo nói Hải Phòng bị B.52 rải ba đêm liền rồi.
Nhiên lên đến bờ sông.
Chợ Bắc Qua dưới đầu cầu đã tản đi các ngã ba, nhưng cái chợ cỏ cạnh Cột Đồng Hồ rải rác quanh đấy. Cỏ vệ đê chết rạc chỉ còn cỏ quanh các đầm nước trên Nghi Tàm, trong bãi vườn hoa Thống Nhất. Mùa này hiếm, giá hai gông cỏ tới hai đồng rưỡi.
Những con bò của tổ vận tải thô sơ dưới các bãi Đầu Cầu Nghĩa Dũng, Cơ Xá, An Dương chạy bom được giắt lên đứng bên gốc cây cơm nguội dọc đường bờ sông. Gió rét thổi vi vút qua cái sừng bò cúi xuống. Con bò đứng, mình phủ mấy cái khố tải dài kín đến móng.
Những xe tải bò kéo được khối việc. Xe than vào nhà máy điện cả ngày phụ sức cho ô tô than Phà Đen lên. Xe cát lò thủy tinh. Gạch và bã rượu nhà máy về các hợp tác xã ngoại thành. Từng chuyến sữa “Ba Vì”, sữa “Ba quả núi”, những chảo gang, lưỡi cuốc ra các cửa hàng huyện. Đôi khi, tải thùng bia hơi đi các quầy. Những việc không có tên, và những cái xe bò kĩu kịt, nhẫn nại, móng sắt hàng ngày va đều đặn xuống mặt đường.
Nhiên nhìn xuống bờ sông, chưa biết nên đi lối nào ra bãi giữa. Có hai lối xuống, người bãi giữa vẫn đi cả hai. Từ năm Giôn-xơn thả gãy khúc cầu bên kia, nước sông Hồng chảy qua một quãng cầu trống hốc, máy bay thôi nhòm ngó. Người ta hay đi cất lẻn ra giữa cầu rồi xuống bậc đến bãi. Nhưng đi đường này, nếu có báo động đành lơ lửng, cũng hãi. Nhiều người thích đi đường nước, ung dung hơn. Cuối bãi có thuyền nan sang ngang, khi đưa pháo thủ ra trận địa, khi có quà cáp các đoàn thể trên phố ra úy lạo và các chiến sĩ sang phố mua thức ăn, người ở bãi đi nhờ.
Thỉnh thoảng, Nhiên vẫn đi đò này của bộ đội. Cái nan như cái lá tre giữa dòng nước lớn. Máy bay không thể mắt nào soi nổi. Vả lại, con sông đến đây chia dòng, Mỹ chỉ bom bắn quãng cầu chỗ nước sâu nhất phía Gia Lâm.
Nan ghé ngay bãi cát lên đầu xóm.
Nhiên đã nghe bà kể chuyện nhà ở bãi Giữa từ đời trước. Có lẽ từ khi bãi Giữa nổi hình đất cát pha lâu dần thành đất thịt, bắt đầu có người tụ đến thành xóm. Bà nói khi bà mới về làm dâu đất bãi, nước sông Hồng còn mấp mé vào đến chân đê. Trước bến Nứa, thuyền bè cắm san sát. Thế rồi dòng sông chuyển dần sang bên Gia Lâm, bãi Giữa bên lở bên bồi cũng dịch theo con sông đổi dòng. Khi ấy, trên bãi mới chỉ có mấy người nghèo như bọt củi dều bơ vơ đến. Ở đây gieo hạt ngô, chưa chắc được ăn nửa vụ vì còn phải lo chạy nước. Bao nhiêu năm mới nên bây giờ, bãi Giữa nổi cao thành một vùng dài rộng, lũy tre và những hàng cây cau, trong vườn có xoan, có cây mít đã hạ để xẻ gỗ làm tấm phản được.
Nhà ta ở bãi Giữa từ những ngày ấy. Ngay nách phố mà vài hôm không sang phố không nhớ mình đương ở giữa phường phố. Bờ tre xanh rì rủ xuống đầu bến. Vườn chuối thấp thoáng ra tận xa, quanh những luống rau, lối vào các ngõ xóm quanh co dưới hàng xoan. Mùa hè, bờ rào càng nóng nắng thêm vì những quả ớt đỏ chói. Dưới hiên, giàn hoa lý, hai bên hai cái giại tre, mái nhà lợp lá mía - lá mía bền như tranh, như gồi, như nứa, mà lá mía vườn nhà, không tốn đồng nào. Những đêm nước lên, nghe sóng lũ ngoài sông oàm oạp như muốn tràn qua. Những trận mưa đầu mùa hạ tới, ễnh ương kêu uôm oạp vang từ chặp tối.
Từ khi lớn lên, Nhiên chỉ thấy có một mình ở với bà. Bà nói quê nhà trước kia ở đồng chiêm, nhưng bây giờ dưới ấy cũng không còn ai thân thích.
Ở nhà, hai bà cháu quanh quẩn làm vườn. Cả năm chỉ biết đường sang đến chợ Bắc Qua. Thành phố bắt đầu thay đổi, bãi Giữa thành một khối phố. Nhiều nhà xưa kia sống bằng con tôm con cá, bây giờ xếp đơm đó, cần câu, sang phố đi làm. Có người vào công nhân máy nước. Người đi học lớp lái xe tải. Trẻ con lên phố học, không lêu lổng bắt chuồn chuồn, bẫy cuốc nữa. Xóm bãi Giữa bao đời vùi trong gió cát, từ khi có người đi làm, trẻ con đi học, nhà cửa khang trang khác trước.
Nhiên học hết cấp hai, rồi xin việc làm bên nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đồng chí trưởng phòng tổ chức xem bản lý lịch của Nhiên rồi hỏi:
– Bố cô là liệt sĩ à?
– Vâng ạ.
– Cô đem các giấy chứng nhận bằng khen, huy huân chương...
– Nhà em không có những thứ ấy ạ.
– Tại sao?
– Em không biết. Chỉ nghe bà em nói bố em hy sinh ở trường Ke trên bờ sông, bây giờ là trường Trần Nhật Duật, từ năm 1946.
Nhà máy cho Nhiên đi học sáu tháng. Nhiên thành công nhân hàn. Nhiên đi làm mà vẫn chịu khó việc nhà. Năm nào, bà cũng nuôi hai lứa lợn và đặt thùng xin nước vo các nhà bên phố bờ sông. Những năm trước, còn khỏe chân, bà sang gánh được. Bây giờ, sáng chủ nhật, Nhiên đi các nhà lấy gánh nước vo về.
Sông Hồng miên man đến đầu bãi Giữa tõe ra hai dòng sóng đỏ mờ lướt dưới vườn xoan khẳng khiu, những bờ tre mùa lạnh xác xơ. Thỉnh thoảng, một chiếc ca nô nhỏ, nổ máy ùng ục từ phía Chèm xuống, dắt theo hàng chục bè gỗ lập lờ chìm dưới mặt nước để tránh máy bay.
Nhiên ghé chiếc nan của một bộ đội vừa kéo ra trong luống khoai đã dỡ nham nhở, chiếc nan lấm vùi những cát.
Nhiên nói:
– Anh ngồi thong thả, em chèo cho.
– Tôi phải sang vội, cô ạ.
– Em chèo đò ngang từ thuở bé mà.
– Nhưng mà cô còn phải cầm bó hoa đẹp thế.
Nhiên mỉm cười, hơi ngượng. Anh bộ đội cầm bơi chèo, xả mạnh mấy nhát nước, cái nan đã lách nhanh ra khỏi bờ.
– Có “đồng bào chú ý” đấy.
– Mặc nó. Cô mua hoa lay ơn tím ở đâu đẹp thế. Bắc Qua không có chợ mà.
– Bạn em trên Ngọc Hà hái tận vườn.
– Ngày cưới mà được hoa này thì hạnh phúc lên gấp mười rồi.
– Anh chỉ khỏe đùa, cưới ai đâu!
– Tôi chúc cô.
– Anh nhầm rồi.
Còi báo động bên phố và trên cầu hú lên, tiếng vang xuống mặt nước đục, sóng lan ra xa đến lẫn vào bờ bãi gió cát.
– Bạn em cho hoa về cắm chơi mà.
Tiếng cười vang mặt nước.
– Nói dối bộ đội nhé. Rất tiếc chúng tôi không sang được bên phố mừng cô dâu chú rể tối mai.
Nhiên ngẩn ngơ:
– Thật đấy ạ?
– Chúng tôi vẫn vào chơi trong nhà mà. Mỗi tối, xóm còn bao nhiêu người ở nhà, chúng tôi đến giúp ban phòng không.
Nhiên “a” một tiếng rồi mỉm cười, nói nhỏ:
– Mời các anh sang chơi với chúng em. Ngay phố trên kia thôi.
– Thời chiến, cứ nhanh nhẹn lên, được rồi. Chúc cô dâu chú rể thế là đủ. Bao giờ bình yên, anh em qua nhà chơi, có con ẵm rồi, lại chúc nữa.
Người chiến sĩ lại cười. Cái nan đã vào bờ. Anh ấy bỏ bê chèo vào lòng nan rồi nhảy lên bờ.
Chỉ kịp quay lại bảo:
– Cô Nhiên kéo hộ cái nan giấu lên bụi tre nhé.
Rồi chạy thẳng về trận địa pháo đằng đầu bãi. Nhưng mới xa được mấy bước, thành phố đã nổi còi trả yên. Đồng chí ấy quay lại, giơ mũ, vẫy tay, nói to nhịp câu như hô khẩu hiệu:
– Chúc hạnh phúc. Hôm nào thong thả... chúng tôi... sang chơi.
Sông Hồng mùa nước cạn, lờ đờ như ngủ sang mùa hạ mới thức dậy. Gió cuốn bụi cát lên không trông thấy hai bên bờ. Những nhịp cầu Long Biên cũng chập chờn lùi xa.
Nhiên theo đường cát vào ngõ. Người ở bãi sinh sống bằng cái lá, luống rau, giàn bí, giàn mướp, mỗi gang đất cũng nảy ra tiền. Hai bên lối đi, mồng tơi, rau ngót, tía tô, lá đơn trắng, hương nhu - cây lưỡi hổ và cây lá báng xõa xanh óng.
Bà đương ngồi trong thềm, buộc những bó ngải cứu khô. Vườn trồng cả cây đơn độc, đơn tím, cây phèn đen và lá sả gội đầu, hoa hồng bạch chữa ho trẻ em, các bà hàng lá quen sang mua. Góc ngoài, một cây ngâu xòe tròn mâm xôi, đến lứa hoa chín, bà bán hoa cúng ở chợ Hàng Bè lại đến hái.
Vườn chẳng lúc nào cạn việc, chẳng lúc nào bà rời khỏi luống đất. Bà cứ nấn ná. Đây cũng làng xóm, cũng nhà quê, việc gì phải sơ tán đâu. Nhưng thật bà cũng lo. Bà đã bỏ mất lứa lợn cuối năm rồi, nhưng bây giờ đi để vườn hoang ư. Không lại bao giờ bà nghĩ thế.
Nhiên cầm bó hoa vào qua cái cổng tán tre, gọi to như trẻ con:
– Bà!
Bà ngẩng đầu:
– Mày về đấy à? Ăn cơm chưa?
Ăn cơm chưa. Bao giờ bà cũng hỏi thế, mỗi khi Nhiên đi đâu về. Cái no cái đói suốt đời phải lo, quen nghĩ vậy rồi.
Nhiên nói, không vào câu bà hỏi:
– Các anh bộ đội tài quá, bà ạ.
– Mày bảo thế nào?
– Các anh ấy biết sắp cưới cháu.
– Ngày nào các anh chẳng vào xóm chơi, làm gì chả biết!
Nhiên nói:
– Bà ạ, bố con nói mời bà lên.
– Còn buộc nắm ngải cứu cho bà hàng lá phiên này sang lấy. Nhưng tao không ở lâu trên ấy được.
– Sao thế ạ?
– Cái con này! Mày lạ gì đất đồng bãi, vắng hơi người một buổi, cỏ mọc như nghể, ốc sên leo lên đến giữa cột nhà, rồi gà qué phá vườn, rồi...
– Bà lúc nào cũng vườn!
– Con đẻ bố mày? Không có vườn thì ai nuôi mày bằng chừng ấy.
Bà mắng, Nhiên chỉ nhoẻn miệng cười. Nhiên ra với lấy ống tre đầu nhà, đổ nước rồi cắm mấy bông lay ơn tím, đặt lên bệ thờ giữa nhà mà Nhiên đã thấy thẻ hương bên cạnh một chồng bát mới, bà lấy trong cũi bát ra.
Vừa cắm hoa, vừa chuyện:
– Lúc cháu đi tàu lên Ngọc Hà có anh xẩm hát thật buồn cười. Cái gì mà... Chín chiếc thuyền rồng...
Nhiên ngồi tựa cột hiên mơ màng nhìn ra sông. Bóng làn nước đỏ thấp thoáng qua chân tre bờ giậu. Con sông từ rừng núi đâu đâu về, vào đồng bằng, qua nhiều thành phố rồi, vẫn giữ vẻ mơ màng ấy.
Vùng trời mênh mông liền mặt nước, Nhiên bỗng thấy sáng loang loáng. Nhiên giật mình, đứng dậy. Không phải. Nó làm mình tưởng máy bay Mỹ. Nhưng đấy là những đàn giang đương bay thong thả thành một hàng cong như cái cầu vồng trắng bắc phấp phới ngang trời.
Từ thuở bé, Nhiên đã biết lệ, năm nào cũng vậy, đến mùa lạnh, những đàn giang, đàn sếu lại bay theo dòng ra cửa sông. Trên không trung, chim đàn thỉnh thoảng kêu, tiếng khắc khoải xa gần như để giữ nhịp nhớ tiếng, khỏi lạc. Những đàn chim đi tránh rét, đàn này lấp xa lại đàn khác tới, như những nhịp cầu hoa rắc nối nhau, tưởng hết rồi lại thấy. Có khi trẻ con ngồi cả buổi xem chim bắc cầu vồng bay qua trên sông.
Nhiên mỉm cười, nhiều đám cưới bây giờ ở thành phố hay đua đòi. Cô dâu mặc áo voan, choàng voan, vành hoa giả trên tóc, lại lấm tấm đốm hoa giấy, tay bít tất trắng. Mình là công nhân, không rởm thế... Những đàn giang nhịp nhàng bay qua suốt buổi trưa im lặng. Con giang con sếu về cả đàn, trời muốn sắp trở rét nữa.
Loa “đồng bào chú ý, đồng bào chú ý”. Chưa dứt câu, những tiếng nổ xé ngang vùng trời quất xuống, như chao chìm cái bãi Giữa.
Nhiên kêu thất thanh:
– Mẹ ơi!
Tất cả vùi trong mù mịt.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố