Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2452 / 63
Cập nhật: 2016-06-20 20:53:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
17/2A Lê Văn Duyệt, Sài gòn là địa chỉ mới của tôi. Tôi đậu trên gác xép mái tôn lầu 2. Đây là nhà Dương Hải Trân. Thân phụ của nó, ông Dương Huy Môn, công chức. Bấy giờ, Trúc Sĩ Nguyễn Đình Thái đã rời khám Chí Hòa về đây tá túc. Trúc Sĩ, bạn thân của ông Dương Huy Môn. Tác giả Kẽm trống, vượt tuyến bằng đường Lào vào Nam. Ông ta đi diễn thuyết khắp nơi, viết bút ký Tôi vượt tuyến đăng trên nhật báo Cách mạng quốc gia. Rồi ông ta bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt về tội ông ta gây ra thời chế độ Bảo Đại. Nhờ bác sĩ Trần Kim Tuyến can thiệp, Trúc Sĩ không bị đưa ra tòa và được tha sau mấy tháng ăn cơm tù. Nằm ấp Chí Hòa, Trúc Sĩ thù hận Triều Đẩu vô cùng. Khi tôi tới 417/2A Lê Văn Duyệt, Trúc Sĩ đang chuẩn bị in tập thơ Sao rơi. Ông ta cũng đang viết trường thiên tiểu thuyết, Thét hận, mô tả cuộc kháng chiến của Trần Trung Lập, và cách mạng 19 tháng 8. Trúc Sĩ viết văn trên máy chữ, múa ngón tay rào rào. Tôi phục sát đất.
Vào thời kỳ này, văn nghệ Sài gòn ồn ào lắm. Văn Quang đang dẫn đầu về số độc giả ái mộ. Mai Thảo xuất bản thêm Tháng giêng cỏ non, Bầy thỏ ngày sinh nhật. Thanh Tâm Tuyền có thêm Dọc đường, Liên, Mặt trời tìm thấy. Doãn Quốc Sĩ thì Gìn vàng giữ ngọc, Dòng sông định mệnh, Trái cây đau khổ, Đoàn người hóa khỉ … Nguyễn Sĩ Tế thì Chờ sáng. Nguyễn Mạnh Côn thì Kỳ Hoa Tử, Truyện ba người lính nhẩy dù lâm nạn. Những khuôn mặt văn nghệ mới gây sôi nổi thị trường chữ nghĩa có Dương Nghiễm Mậu, Duy Lam, Viên Linh, Trần Thị Nhã Ca, Tuấn Huy, Lan Đình, Phạm Lê Phan, Tô Thùy Yên … “Đệ tử” Ninh Chữ của tôi cũng đã xuất bản một tập thơ. Thế Phong hung hăng phê bình văn nghệ. Lê Hà Vĩnh khai tử bút hiệu Hoài Nam, thi sĩ mà Hồ Đình Phương khen nức nở trên Văn nghệ tiền phong, khai sinh bút hiệu Trần Dạ Từ. Đặng Trí Hoàn thì khai tử bút hiệu Hoài Hương, khai sinh bút hiệu Hà Huyền Chi và đã thành thiếu úy nhẩy dù, mặc “com bi ne dông” đi bát Bonard với em gái Trưng Vương vung vít. Nó đã quên em Long phốp pháp. Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, thi sĩ miền Nam, được Nhất Linh khích lệ, sáng tác mạnh mẽ. Nguyễn Đình Toàn đã trình làng Chị em Hải. Vân vân. Văn nghệ di cư vẫn thao túng thị trường. Hai kiện tướng miền Nam, Bình Nguyên Lộc tung ra Đò dọc và Sơn Nam, Hương rừng Cà mau. Đã vắng Phú Đức đưa Quách si ma vào trận chiến. Trong lịch sử làm báo thế giới, duy nhất một nhà văn Phú Đức quyến rũ độc giả ròng rã mấy năm bằng Quách si ma, nhân vật kỳ bí của triền miên phơi ơ tông Châu về Hiệp phố. Nhật báo của ông là … Châu về hiệp phố. Độc giả tranh nhau mua báo của ông chỉ để theo bước chân đi của Quách si ma! Sức quyến rũ của ngòi bút Phú Đức thật đáng nể.
Ở với Trúc Sĩ có cái thú là được ông ta mời đi ăn phở, uống cà phê mỗi sáng và có cái khổ là bị nghe ông ta bình văn của ông ta. Trúc Sĩ dễ khóc, dễ cười, dễ nổi giận. Viết đến chỗ nào tả cảnh nhớ nhung là ông ta khóc rưng rức, khóc ngầu đỏ mắt, vì ông ta nhớ vợ cả, vợ bé, con cái ngoài Hà Nội. Trúc Sĩ có hai bài thơ không thấy in trong Sao rơi. Bài thứ nhất diễn tả cảnh đêm rời Hà nội với Ngọc Giao đến bờ sông vắng, Ngọc Giao quỳ lạy Trúc Sĩ tha lỗi, bởi Ngọc Giao phải trở lui, không đủ can đảm bỏ vợ con ra đi tìm tự do. Bài thứ hai ca ngợi sĩ khí của Nguyễn Gia Trí, tôi nhớ hai câu:
Anh Gia Trí, anh có quyền tự phụ
Bút nhà văn phải bọc lấy vàng son
Trúc Sĩ bị điếc nên ham nói lớn và không nghe rõ ai nói nhỏ phê bình mình. Bị nghe ông ta bình văn chán chê, tôi bắt ông ta nghe tôi bình thơ của tôi. Chả là, dạo nằm ở Mỹ Lương, nhớ các bà mẹ Trảng Lớn, tôi viết bài thơ:
BÀ MẸ TÂY NINH
Tôi về làng Trảng Lớn
thăm bà mẹ gặp ở Sài gòn
Dạo ấy hàng dừa bên bờ ao trái hãy còn non
và vú sữa chưa ngọt mùi vú sữa
Đến chẳng hẹn hò
Mẹ mừng vui hớn hở
Mi rưng rưng chơm chớp dạ xôn xang
Thoáng ngập ngừng nhìn mái lá tàn hoang
Chân dừng lại
mắt già gặp mắt trẻ
Quê miền Đông sao mà nghèo nàn thế
Rừng nối rừng đất liền đất xác xơ
Đám mạ xanh không biết có bao giờ
Bông lúa mẩy của Cà Mau, Đồng Tháp
Đường gập ghềnh
con ngựa gầy mệt nhọc
kéo lê xe thổ mộ vài người
Ở đây ít nói ít cười
Buồn như nắng hoàng hôn
chầm chậm nhỏ
xuống núi Bà
mờ mịt phía trời xa
Giàn mồng tơi gió lay sụp đổ
Tiếng ru nức nở
Nhịp võng sầu tênh
Ù ơ …
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi”
Nghìn xưa trăm trứng phân ly
Nghìn sau Rồng với Tiên chia hai bờ
Ù ơ …
Mẹ muôn thuở đẹp thơ
Sừng sững Bà Đen
huy hoàng Thánh Địa
Biển có khi nào lên nguồn không nhỉ
Mà máu đào xuôi ngược lại về tim
Máu về tim
máu đoàn viên
Anh em hận thù
anh em phiêu bạt
Mẹ xòe đôi tay tưởng chừng mất mát
Vẫn còn nguyên năm ngón
Mẹ ơi
Đan nhau, mẹ bỗng bùi ngùi
Đất nghèo, quê khổ đời đời héo hon
Mẹ già thèm bát canh ngon
Mải mê chém giết, bầy con tuyệt tình
Mẹ Tây Ninh
Ôi, bà mẹ Tây Ninh
Con mẹ đây, người thợ gặt oan khiên
Người thợ cấy mộng mơ
giữa nơi rừng hoang
đồng chua lầy lội
Con mẹ đây, tương lai chờ đợi
Trầy bả vai cho những bát canh già
Cuốc cầy đâu, để con vỡ đất nhà
Gieo mầm sống, mầm nhân sinh mãnh liệt
Hỡi những trăm năm trải dài oan nghiệt
Sẽ thăng hoa một hạnh phúc khôn cùng
Sẽ núi hôn đồi, biển gọi hồn sông
Sẽ lời dừa non ru ngoan vú sữa
Sẽ lục bát ngô, ca dao lúa
Trống rộn đêm xuân ngây ngất hội đình
Con nằm nghe nắng trách trời xanh
Nghe cuộc đời hồi sinh phơi phới
Cuộc đời bao la, nồng nàn hương mới
Đá biết tương tư, sỏi vỡ môi cười
Mẹ ơi, tha thiết lắm rồi
Mất gì, không mất tình người Việt Nam
Ấy ai khắc khoải dặm ngàn
Về vun dân đạo, bắc giàn yêu thương
Khi hoa nhân ái rợp đường
Người quê hương với quê hương mở nguồn
Mẹ thôi buồn
Con quên mưa gió
Cửa bốn phương bỏ ngỏ
Hỏi nhau chuyện tình yêu
Con lại về thăm Trảng Lớn
Thấy mẹ nằm ngủ thiu thiu
Ruộng nhà con gái xanh mơn mởn
Bầy cháu tung tăng chạy thả diều*
Nghe xong, không một ý kiến, Trúc Sĩ hỏi tôi:
- Mày có viết truyện ngắn không?
Tôi đáp:
- Có.
Tôi đưa truyện ngắn Hoa thiên lý cho Trúc Sĩ. Ông ta không thèm đọc, nhìn qua rồi trả lại tôi. Nhưng ông ta nói:
- Ngày mai tao dẫn mày lên tạp chí Chỉ Đạo.
° ° °
Tạp chí Chỉ Đạo của Bộ Quốc phòng do trung tá Trần Văn Châu, giám đốc Nha Chiến tranh tâm lý, đứng tên chủ nhiệm. Có thời, đại úy Ngô Quân* 1 làm chủ bút. Nhiều nhà văn cự phách cộng tác với tạp chí này: Trần Lê Nguyễn, kịch tác gia, tác giả kịch bản Bão thời đại. Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mạnh Côn, Dương Kiều, Nguyễn Đăng Thục … Điều khiển tòa soạn năm 1959 có trung úy Vũ Lữ Bằng, thiếu úy Nguyễn Văn Ngẫu và hạ sĩ Lan Đình, tác giả Đường xa chi mấy. Tòa soạn đặt ngay trong Bộ Quốc phòng, đường Gia Long, sát khít Bộ Kinh tế. Nhà văn Trúc Sĩ dẫn tôi lên đây, giới thiệu tôi với tòa soạn Chỉ Đạo. Lần đầu tiên tôi vào một tòa soạn, lại là tòa soạn của một tạp chí nổi danh. Cảm giác của tôi y hệt cảm giác hôm tôi đến xin dạy học ở trường Quang Trung. Tôi đưa bài thơ Bà mẹ Tây Ninh và truyện ngắn Hoa thiên lý cho thiếu úy Ngẫu, người làm thơ trào lộng. Người ta tiếp đón tôi niềm nở, lịch sự. Tôi ra về.
Tháng sau, bài thơ Bà mẹ Tây Ninh xuất hiện trên tạp chí Chỉ Đạo, nguyên một trang, với bút hiệu Duyên Anh, bút hiệu mà, dạo ở lăng Cha Cả tôi đã phịa cho Đỗ Trọng Thủy hài lòng. Tại sao Duyên Anh? Duyên Anh, tại sao? “Danh sĩ cỡ anh Tam, cũng chỉ ký bút hiệu Nhất Linh đâu có ký tên Nguyễn Tường Tam. Mày hậu sinh khả ố, không biết khiêm tốn là cái gì, vác tên cúng cơm của mày ra làm trò hề”. Ông Hòa ở
Ban Mê Thuột đã mắng mỏ tôi thế. Cho nên, tôi đã “âm mưu” một cái bút hiệu. Tôi nhớ Nguyễn Thịnh và tháng ngày trọ học của chúng tôi tại số nhà 13 phố Ngô Thời Nhiệm, Hà Nội. Tôi nhớ ca khúc Duyên Anh của bạn tôi và những mơ ước của nó. Một tối nào đó, mưa rây trên đầu hai đứa tôi, kéo cổ áo mưa trùm gáy, chúng tôi chậm bước trên hè phố Huế. Chợt chúng tôi nghe Quách Đàm hát Duyên Anh:
… Đây duyên anh đau thương, héo hắt mộng tàn
lênh đênh chiếc én lìa đàn
và đời quên hết ái ân
Đâu đường về cho riêng anh cay đắng
Bao hoa thắm trôi theo kiếp bẽ bàng
Thu hôn mê từng đợt lá vàng lặng trôi
Duyên anh nay lỡ làng, cung đàn rơi …
Hai đứa tôi dìu nhau vào đứng dưới mái hiên, nghe nhạc dạo, đợi Quách Đàm hát lần thứ hai.
- Quý vị vừa nghe Quách Đàm trình bầy nhạc phẩm Duyên Anh của Nguyễn Thịnh. Bây giờ, xin mời quý vị thính giả nghe tiếp nhạc phẩm Cánh bằng lướt gió của Dương Thiệu Tước do Minh Đỗ trình bầy.
Đêm ấy, Nguyễn Thịnh nghỉ chơi đàn ở Dancing Régina. Nó sung sướng. Tôi nhìn rõ hạnh phúc của bạn tôi. Nó bao tôi ăn chơi suốt đêm. Nhớ bạn xa xôi, tôi quyết định chọn bút hiệu của tôi là Duyên Anh. Tôi đã không lầm khi chọn tên ca khúc của bạn tôi làm bút hiệu ký tên trên tác phẩm văn chương của tôi.
Tháng 5-1976, Nguyễn Thịnh vào Sài gòn, tôi đã bị chế độ mới bắt nhốt. Nó vào tiếp quản Sài gòn Ấn quán của ông Trương Vĩnh Lễ. Nguyễn Thịnh là trưởng nghành xuất bản âm nhạc. Nó tìm Đặng Xuân Côn, nhờ Côn dẫn tới thăm vợ con tôi. Tháng 9-1976, Nguyễn Thịnh theo vợ con tôi vào đề lao Gia Định thăm tôi. Nó tặng tôi một ký lô cà phê nhưng tù nhân đã bị cấm uống cà phê từ tháng 7, quản giáo không cho tôi nhận. Nó nhìn tôi: “Long còn trẻ lắm”. Tôi nhìn nó: “Thịnh cũng vậy”. Tôi hỏi: “Đọc Ngày xưa còn bé chưa?”. Nó đáp: “Rồi, đọc hết sách của Long rồi”. Hai mươi năm xa cách, chúng tôi chỉ nói với nhau có thế. Nguyễn Thịnh đã là người của cộng sản hay là người cộng sản. Tôi đã là tù nhân của người cộng sản. Biên giới ý thức hệ đã không thể ngăn cản tình bạn của chúng tôi. Nguyễn Thịnh lái xe đưa vợ con tôi xuống Cà Mau, ra Vũng Tầu kiếm đường vượt biên. Nguyễn Thịnh giữ vàng, nữ trang giùm vợ con tôi và trả lại đầy đủ khi vợ tôi không thoát phải lặn lội trở về. Nguyễn Thịnh làm đơn bảo lãnh xin tha tôi và cam kết chịu trách nhiệm với đảng và nhà nước. Dĩ nhiên, đơn của Nguyễn Thịnh bị bác bỏ. Không có người cộng sản nào dại dột như Nguyễn Thịnh cả. Nó nhất định nhận lại người bạn phản động của nó. Trong khi, bạn quốc gia ở Sài gòn của tôi, ngoảnh mặt không dám nhìn vợ con tôi, chối bỏ mọi giao du thân thiết cũ, lừa gạt tiền bạc của vợ con tôi … Tôi không biết định nghĩa thế nào cho nó chính xác về người quốc gia nữa. Tạp chí Đoàn Kết của cộng sản xuất bản tại Paris, không một chữ công kích tôi, dù tôi chống họ quyết liệt. Chỉ thấy “báo chí” quốc gia ở Mỹ, ở Úc, ở Đức nhục mạ tôi bằng những ngôn từ hạ cấp, bằng những bịa đặt vô liêm sỉ. Tôi không biết định nghĩa thế nào cho nó chính xác về người cộng sản nữa. Cho nên, tôi mới viết rằng “Tôi sẽ xét lại thái độ chống đối người cộng sản của tôi một cách hợp tình, hợp lý”.
Bài thơ Bà mẹ Tây Ninh không có nhuận bút. Đền bù cho tác giả của nó, người ta trình bầy nó ở chương trình Tao Đàn của Đài phát thanh Sài gòn. Ngay số sau, Chỉ Đạo đăng truyện ngắn Hoa thiên lý. Vẫn không có nhuận bút. Tòa soạn bảo, với tác giả mới, truyện đầu tiên không có nhuận bút! Đền bù cho tác giả của nó, chương trình Trước Đèn của Mặc Thu đã đọc Hoa thiên lý trên Đài phát thanh Sài gòn. Đến truyện Em 2, người ta trả tôi 400 đồng nhuận bút. Văn chương của tôi có nhuận bút từ Em. Truyện Em “chinh phục” nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Anh ta gửi tặng tôi tác phẩm Ba người lính nhẩy dù lâm nạn với lời đề tặng: “Thân mến gửi Duyên Anh”, kèm theo cái danh thiếp ghi dòng chữ mời tôi tới nhà anh chơi. Lần đầu tien, tôi được một nhà văn danh tiếng tặng sách và mời tới nhà. Cảm tưởng của tôi là cảm động. Tôi tới ngay. Nhà anh Nguyễn Mạnh Côn ở Phú Nhuận, cư xá Chu Mạnh Trinh, số 215B/15 Chi Lăng. Tác giả Đem tâm tình viết lịch sử, “giải thưởng văn chương toàn quốc do chính tay tổng thống trao tăng” – anh Côn thích ghi rõ ràng thế -, tiếp tôi ngay tại bàn đèn thuốc phiện. Anh đưa gối, bảo tôi nằm xuống.
- Cậu viết giản dị, đằm thắm, tôi thích lắm.
- Cám ơn anh.
- Cứ thế mà viết thôi.
- Dạ.
Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Trước khi chia tay, anh Côn tặng thêm tôi Kỳ Hoa Tử và Đem tâm tình viết lịch sử bản giấy đặc biệt. Tôi biết, ngoài Nguyễn Mạnh Côn, anh ta còn ký các bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, đại úy Trường Kỳ và, sau này, viết “Bẩy ngày đêm tính quẩn chuyện đời” cho Văn nghệ tiền phong, anh ký thêm Đằng Vân Hầu, tức là đằng vân giá vũ, đi mây về gió của tiên ông hít tô phe.
Tôi “cứ thế mà viết”, nghĩa là, tôi đã tạm đủ võ công múa may truyện ngắn. Chỉ Đạo ưu ái tôi, mỗi số đăng một truyện ngắn của tôi. Anh Vũ Lữ Bằng, Nguyễn Văn Ngẫu và Lan Đình đều thích truyện của tôi. Lan Đình kết thân với tôi, giới thiệu tôi quen biết Tuấn Huy, Thủy Thủ, Phạm Lê Phan và nữ thi sĩ Cao Mỵ Châu. Lan Đình yêu Cao Mỵ Châu. Hai người gắn bó, hẹn hò rất thơ mộng. Rồi Thế Phong tặng Cao Mỵ Châu thi phẩm in rô nê ô Nếu anh có em làm vợ, Lan Đình mất người yêu, dù hắn ta đoạt giải thưởng văn chương của Tinh Việt văn đoàn bằng cuốn Đường xa chi mấy. Nhờ Lan Đình, tôi còn quen biết các thi sĩ Kim Tuấn, Bùi Thọ Ngạc, Trần Tuấn Kiệt.
Sau truyện ngắn Em, tôi cho đăng Chiếc vòng tay của một người trên Chỉ Đạo. Rồi Khúc rẽ cuộc đời mà toàn soạn cắt bỏ “cuộc đời”. Vùng hoạt động của tôi mới chỉ là tạp chí Chỉ Đạo, tạp chí không bầy bán, muốn mua không có, tạp chí của độc giả có trình độ thưởng ngoạn cao. Tôi được độc giả chú ý nhiều từ Khúc rẽ cuộc đời. Trong cuốn Call it experience, văn hào Erskine Caldwell truyền cho những người muốn trở thành nhà văn kinh nghiệm này: Bạn hãy gửi truyện ngắn của bạn cho một tạp chí văn chương giá trị. Chừng nào người ta đăng truyện của bạn, đó là lúc bạn biết bạn có thể viết văn được. Tôi đã, bất ngờ, rơi vào trường hợp này, rơi thật nhanh nhờ nhà văn Trúc Sĩ ném tôi đúng chỗ. May mắn hơn, tạp chí Chỉ Đạo đã đăng liên tục truyện ngắn của tôi. Nếu Trúc Sĩ ném tôi vào tạp chí khác, Sáng Tạo của Mai Thảo chẳng hạn, họ, có thể, sẽ đăng truyện của tôi, nhưng không đăng liên tục, chắc chắn tôi không được độc giả chú ý nhiều. Tôi phải biết ơn Trúc Sĩ và tạp chí Chỉ Đạo. Trúc Sĩ đẩy tôi đến Chỉ Đạo, Chỉ Đạo cho tôi cơ hội thực hiện ước mơ.
Tháng 11-1960, Nguyễn Mạnh Côn trở về làm chủ bút tạp chí Chỉ Đạo, anh ta bảo tôi viết một truyện ngắn đăng số Tết, cùng lúc nhật báo Tự Do muốn tôi viết cho họ một truyện ngắn đăng giai phẩm Xuân. Trên căn gác xép mái tôn nóng hực, tôi cởi trần, mặc quần xà lỏn viết Con sáo của em tôi. Truyện này, tôi định gửi cho Tự Do. Đưa anh Nguyễn Mạnh Côn đọc trước chơi. Đọc xong, anh ta giữ bản thảo của tôi:
- Truyện này của tớ.
- Để em viết truyện khác cho anh.
- Không, tớ mê truyện này. Tớ trả cậu 500 đồng 1 trang Chỉ Đạo. Mỗi số báo do tớ chủ trương phải có một truyện ngắn đặc biệt nhuận bút 500 đồng 1 trang. Truyện của cậu được xếp vào loại truyện đặc biệt.
Anh ta nhìn tôi, đùa bỡn:
- Cậu viết văn hay và buồn quá, tớ sợ cậu sẽ chết non đấy!
Vì cuộc đảo chánh 11-11-1960 của ông Nguyễn Chánh Thi thất bại, không có gì thay đổi ở Bộ Quốc phòng cả, tạp chí Chỉ Đạo tiếp tục đường lối cũ. Số báo Tết 1961, truyện ngắn Con sáo của em tôi xuất hiện với lời giới thiệu nồng nhiệt của tòa soạn: “… Duyên Anh viết chân thành, đằm thắm, thiết tha đến nỗi người đọc tưởng rằng truyện có thật …”. Và “… Con sáo của em tôi được xếp vào loại truyện ngắn đặc biệt mỗi trang 500 đồng nhuận bút”. Đằng Giao Trần Duy Cát 3 trang trí cái tựa đề nguyên một trang. Truyện của tôi đếm đủ 10 trang, tôi lấy 5000 đồng nhuận bút. Ngoài ra còn 1000 đồng nhuận bút truyện ngắn Người quê hương tôi ký bút hiệu Hoa Tâm Tư, cùng đăng số Tết của tạp chí Chỉ Đạo, thêm hai bài thơ nhỏ … lấy tiếng. Nhờ Con sáo của em tôi, độc giả thích lối hành văn giản dị, tươi sáng, gẫy gọn, nhẹ nhàng của tôi. Người trong nghề bắt đầu chú ý đến tôi.
Liền sau số Tết, Chỉ Đạo đăng truyện ngắn Đại dương trong lòng con ốc nhỏ mà anh Nguyễn Mạnh Côn thay đổi tựa đề là Một cuộc đời. Vẫn bút pháp đã xử dụng cho Con sáo của em tôi. Tôi quen Đằng Giao ở nhà anh Nguyễn Mạnh Côn khi Đằng Giao đem những bức minh họa truyện của tôi tới nộp cho anh Côn.
- Tớ bị chống cái vụ trả nhuận bút 500 đồng 1 trang cho truyện ngắn đặc biệt, chứ không, Một cuộc đời của cậu lại … đặc biệt.
- Mục truyện ngắn đặc biệt dẹp bỏ à?
- Dẹp.
- Em là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng?
- Đúng thế.
Anh Nguyễn Mạnh Côn nâng giá nhuận bút truyện ngắn từ 400 lên 1000 đồng.
- Truyện ngắn khó viết, trả nhiều mới xứng đáng công phu của tác giả. Anh Côn nói. Sau số này tớ nghỉ.
- Tại sao?
- Chỉ Đạo trả về Nha chiến tranh tâm lý, nó hết trực thuộc Bộ quốc phòng. Nó sẽ thay đổi cả nội dung lẫn hình thức.
Cũng từ đó, tôi không còn viết truyện ngắn cho tạp chí Chỉ Đạo nữa. Về sau, tạp chí này đồng hóa với Chiến sĩ cộng hòa và rồi tuyệt tích vì không đủ phương tiện mua bài của nhà văn dân sự. Vừa bỏ Chỉ Đạo, Nguyễn Mạnh Côn được Ngô Quân mời sang làm chủ bút nhật báo Sài gòn Mai mới có nghị định xuất bản. Anh Côn gọi tôi, nhờ tôi giữ mục “Truyện phim hàng ngày”. Thế là tôi rúc vào các rạp xi nê thường trực, xem phim cũ mèm để phóng tác một truyện thật ngắn, ngắn hơn cả “Mỗi ngày một truyện” của Chàng Phi ở Ngôn Luận. Tôi ký đủ bút hiệu, trừ Duyên Anh, dĩ nhiên. Mỗi bài 100 đồng. Anh Côn chủ biên ngót hai tuần, Sài gòn Mai ế dài. Anh ta không biết làm nhật báo, không phải là người của nhật báo. Ngô Quân mời anh Côn nghỉ việc. Tô Văn Bùi Bá Nhân thay thế làm thấp hẳn Sài gòn Mai xuống. Thời gian này, Lê Xuyên Lê Bình Tăng vừa rời đề lao Gia định. Anh ta bắt đầu sự nghiệp viết tiểu thuyết đồng quê của mình bằng Chú Tư Cầu. Tôi tiếp tục viết lách lẩm cẩm cho Sài gòn Mai. Thấy vô tích sự, tôi tự ý rút lui.
° ° °
Đặng Xuân Côn bỏ học thi tú tài phần thứ hai. Ông Châu Trí chỉ có thể đốt lá đa, nhịn đói bắt cái tú tài phần một. Nó đi lập công ty Catraco cho ông Hoàng Bá Vinh, khai thác cắt trắng Cam Ranh bán cho Nhật Bản, tiền bạc rủng rỉnh. Côn thuê một căn gác, rủ tôi về sống riêng rẽ hai thằng, cơm hàng cháo chợ. Nhân dịp ông Nguyễn Bích Liên 4 tu nghiệp bên Mỹ về, muốn làm lại tạp chí Gió Nam của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia do ông Lại Tư làm chủ nhiệm, Trúc Sĩ giới thiệu tôi với ông tri huyện Nguyễn Bích Liên. Tôi viết truyện ngắn cho Gió Nam, nhuận bút 600 đồng. Ra mắt ông chủ bút rất khó tính Nguyễn Bích Liên bằng truyện Nắng chiều quê nội, tiếp nối dòng văn chương Con sáo của em tôi và Đại dương trong lòng con ốc nhỏ, ông Liên hài lòng ngay.
Hỏi thăm cuộc mưu sinh của tôi, ông cho tôi viết mỗi số báo hai truyện. Một truyện ký Duyên Anh, truyện kia muốn ký bút hiệu gì tùy ý. Những truyện ngắn không ký bút hiệu Duyên Anh toàn là truyện tồi, thuộc loại bình thường hiện thân và là những truyện tôi ngại ngần chép lại. Tôi nhớ, chỉ có hai truyện ngắn đăng trên Gió Nam là được tôi cho in vào sách sau này. Đó là Cái diều, Nắng chiều quê nội. Hai truyện ký Duyên Anh chẳng ra cái gì là Làm người, Ru em nước mắt, giống hệt truyện ngắn Vai phụ tôi cho đăng trên Sinh Lực do ông Lê Văn Thăng chủ trương. Ông Nguyễn Bích Liên còn nhờ tôi viết những bài “chào mừng 26-10” hay “chào mừng song thất” ký tên … Gió Nam. Những bài này, ông Liên sửa chữa thê thảm, gạch đỏ, gạch xanh tùm lum như ông sửa chữa công văn, phúc trình vậy. Riết rồi, bài tôi viết hóa thành bài của ông. Nhưng ông vẫn trả 300 đồng mỗi bài mở đầu bằng câu đường xưa lối cũ “Hàng năm, cứ đến ngày … thì toàn dân lại …”. Có bài thuộc loại “chào mừng”, ông Nguyễn Bích Liên giữ có hai câu thơ hiếu hỉ của tôi:
Mưa Nhân vị, gió Cộng hòa
Cho cây tháng Bẩy đơm hoa tháng Mười
Và hai câu thơ hiếu hỉ của tôi, ông trả 500 đồng nhuận bút. Sở dĩ, ông Nguyễn Bích Liên sửa be bét loại bài “chào mừng” nhờ tôi viết, vì ông ta sợ bị “chụp mũ” xuyên tạc, xỏ xiên Ngô tổng thống. Do cái sự ông sửa tàn bạo và đọc văn “chào mừng” của ông mà về sau tôi viết thuê “chào mừng” rất nhanh, rất kêu và rất khuôn phép. Một hôm, ông Liên tâm sự vụn vặt:
- Ông có tài mà sống bấp bênh quá nhỉ?
- Tài còn xanh chát, thưa ông.
- Kể ra, ông viết truyện ngắn cũng hay chứ!
- Cám ơn ông.
- Ông muốn làm công chức không?
- Tôi không có bằng cấp gì cả.
- Không cần.
- Tôi làm tùy phái hay gác cổng ạ?
- Ông sẽ làm Biên tập viên cho Tổng nha Thanh niên. Về làm đơn, ghi rõ các báo ông cộng tác, đầy đủ tên truyện ngắn.
- Dạ.
Tôi làm đơn đưa cho ông Nguyễn Bích Liên và nằm chờ đợi. Đặng Xuân Côn bảo tôi nuôi hy vọng hão huyền. Biên tập viên nhà báo thì khỏi thi, chứ biên tập viên nhà nước, có tú tài vẫn thi dài người và trượt oanh oách, một chọi cả trăm. Cử nhân mới miễn thi. Nó khuyên tôi học thi tú tài ban C vì ban C thi viết còn có Việt văn, Sinh ngữ chính, Sinh ngữ phụ và sử địa. Các môn học khác vào “o ran” cũng dễ dàng xin xỏ. Tôi đã là … “nhà văn” mà nó dám khuyên tôi ghi tên học lớp Việt văn luyện thi tú tài của giáo sư Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền. Tôi chửi bới um sùm. Rồi cũng đi xem ông Lữ Hồ dạy dỗ ra sao. Vào trường Hưng Đạo, đứng ngoài “cua riêng” của giáo sư Lữ Hồ, thấy giáo sư vừa vẽ vừa đấu láo câu giờ. Giáo sư đấu láo thua tôi xa. Giọng giáo sư lè nhè, không hấp dẫn. Đã vậy còn trọ trẹ nữa.
Đường đường cũng từng là “giáo sư” Việt văn lớp đệ tứ tít tắp cù lao Mỹ Lương, nay cắp sách đi học cái nhà anh Lữ Hồ thì tủi quá. Tôi bèn chê … tú tài. Và bèn ổn định đời sống bằng cách nộp đơn xin làm cán bộ cải huấn của Tổng nha cải huấn ở đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh Tổng nha thanh niên thể dục và thể thao. Tôi sẽ là cai tù. Làm cai tù mà viết truyện nhà tù thì tuyệt cú mèo.
Văn thư của Tổng nha cải huấn mời tôi tới trình diện nhận việc làm cùng hôm ông ông Nguyễn Bích Liên dục tôi đi trình diện. Ông Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ đã chấp thuận. Tổng nha công vụ không dám từ chối. Thế là, nhờ ba cái truyện ngắn, tôi trở thành Biên tập viên Thanh niên, miễn tú tài, cử nhân, miễn thi tuyển.
- Ông tạm ngồi ở văn phòng ông Tổng giám đốc ít lâu, rồi ra làm báo. Tuyển dụng ông là để ông làm báo.
Ông Nguyễn Bích Liên nói thế. Ông đang giữ chức Giám đốc Trung tâm huấn luyện thanh niên. Chủ sự của tôi là Nguyễn Văn Quảng, phó đốc sự, tốt nghiệp Quốc gia hành chánh, từng du học bên Pháp vài năm. Ngay hôm đầu đời biên tập viên nhà nước, ông Chánh văn phòng Vũ Văn Diên đã ra chỉ thị cho tôi viết bài huấn thị của Ngô tổng thống ban cho thanh niên, nhân dịp Người sắp đi kinh lý đâu đó. Ông ta đưa cho tôi một lô huấn từ, huấn thị cũ bắt tôi nghiên cứu. Tôi vừa nghiên cứu vừa viết xong trong vòng nửa buổi. Chủ sự Quảng bảo tôi:
- Anh cất kỹ dưới đáy ngăn kéo.
- Không nộp ngay à?
- Nộp ngay, anh sẽ bị sai viết cái khác. Tuần lễ sau hãy nộp.
- Tôi có thắc mắc.
- Anh cứ hỏi.
- Cái này viết thật hay viết thử tài?
- Thật. Thanh niên lo các diễn văn, huấn thị, huấn từ rồi gửi vô Phủ tổng thống. Ở đó, người ta duyệt, sửa.
- Có khi nào không duyệt, sửa?
- Nếu viết hay.
Lúc này, phong trào Thanh niên cộng hòa đang lên cùng với Ấp chiến lược. Ô tô ma tích cơ măng, tôi là đoàn viên Thanh niên cộng hòa và đoàn viên của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia. Ông Ngô Đình Nhu là thủ lãnh Thanh niên cộng hòa. Bà Ngô Đình Nhu là thủ lãnh phụ nữ bán quân sự. Tôi phải sắm bộ quần áo xanh, mũ nồi xanh, thắt lưng xanh khóa trắng có ngọn lửa bập bùng bí bung. Ngọn lửa bí bung bập bùng! Hay thật là bập bùng bí bung của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi ở Tổng nha nửa tháng thì ông Nguyễn Bích Liên lấy ra ngoài làm báo. Kỷ niệm và bài học của tôi những ngày ngắn ngủi ở Tổng nha thanh niên là tôi gặp nhà văn Lê Văn Trương. Tác giả Trường đời, Tôi là mẹ, Anh em thằng Việt … đến Tổng nha thanh niên đòi gặp ông Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ. Người ta sợ quá, tiếp nhà văn Lê Văn Trương tại văn phòng ông giám đốc Nha tâm lý chiến. Tôi được gọi qua dự kiến. Thần tượng Lê Văn Trương của tôi ngồi trên ghế. Nắng chiều hắt qua cửa sổ chiếu thẳng khuôn mặt xanh xao của cha đẻ Thằng còm phục thù. Ông cầm theo bản thảo tác phẩm Anna Hồi chưa xuất bản. Không một ly nước mời danh sĩ. Ông giám đốc Tâm lý chiến vào chuyện:
- Thưa nhà văn, ông đến thăm có việc gì?
- Các ông đã nghe Vũ Đình Liên nhắn nhủ thanh niên miền Nam trên Đài phát thanh Hà nội chưa? Nhà văn hỏi lại.
- Thưa chưa ạ! Vũ Đình Liên là ai ạ? Ông giám đốc hỏi.
- Chết chửa, Vũ Đình Liên không biết là chết đấy. Ông không đọc thơ của nó à? Bài Ông đồ cũng chưa đọc à?
- Tôi học trường Pháp.
- Thế thì tôi cho ông biết, tôi đã viết bài chửi thằng Vũ Đình Liên, nhân danh thanh niên miền Nam. Tôi yêu cầu các ông cho phát thanh trên Đài Sài gòn. Tôi muốn đọc cho ông Cao Xuân Vĩ nghe, yêu cầu ông ta bắt Đài phải để chính tôi đọc trả lời thằng Vũ Đình Liên.
- Xin nhà văn đọc cho tôi nghe là được ạ!
Nhà văn Lê Văn Trương rút trong túi ra xấp giấy gấp tư. Ông gỡ ra, vuốt phẳng phiu, trịnh trọng cầm đọc. Thần tượng của tôi say mê chửi Vũ Đình Liên. Giọng ông sang sảng đầy lửa. Rồi nguội dần khi mồ hôi trán ông râm ran. Ông giám đốc của tôi vừa nghe vừa mỉm cười. Bỗng ông rút tấm giấy 100, bước gần nhà văn Lê Văn Trương, đưa tận tay nhà Văn. Thần tượng của tôi không từ chối.
- Thưa nhà văn, tôi sẽ trình lên ông Tổng
- Tôi để lại bài của tôi cho các ông.
- Xin nhà văn tạm cầm về.
- Còn tác phẩm Anna Hồi của tôi, các ông có xuất bản không?
- Nhà văn cứ cầm về đã.
Thần tượng của tôi buồn bã rời Tổng nha thanh niên thể dục và thể thao. Tôi biết thần tượng sẽ đến nơi nào để đốt trăm bạc của nhà nước. Chế độ Ngô Đình Diệm và những kẻ thừa sai đã đối xử với kẻ sĩ như thế đó. Qua hình ảnh nhà văn Lê Văn Trương, tôi ghê tởm thuốc phiện. Ngọn đèn dầu leo lét có thể đốt cháy cái kiêu sang của người hùng Lê Văn Trương. Tôi học được một điều: Nghệ sĩ cần phải về vào lúc đúng ngọ, không nên về trong hoàng hôn. Nhà văn thì phải hiểu lúc nào mình tự quên mình để khỏi bị cuộc đời quên mình và chỉ còn đánh giá mình bằng bê tha, bệ rạc chữ nghĩa kiếm rượu, kiếm cơm. Tôi thương nhà văn Lê Văn Trương đến ứa gan, sôi máu thù hận những con sán xơ mít cho thuê tiểu thuyết làm giầu. Bọn cho thuê tiểu thuyết, đám ký sinh trùng sống trên lưng nhà văn mà con cái nó ăn học bằng tiền bất lương, có đứa hôm nay cầm bút “nhìn vách ăn năn” bằng cách xỏ xiên nhà văn trong những mục “Sổ tay văn nghệ”. Chẳng biết tôi có thiền nổi để khỏi vạch mặt chỉ tên nó?
° ° °
Tòa soạn bán tuần báo Chiến Đấu, tiếng nói của Thanh niên cộng hòa, đặt tại nhà in Chính Lâm của ông Kiều Văn Lân, quản lý nhật báo Tự Do, đối diện bệnh viện Bảo An, đằng sau rạp chiếu bóng Khải Hoàn. Không ngờ có ngày tôi gặp nhà báo cự phách Tam Lang ở đây và được làm chung với tác giả Tôi kéo xe ở một tờ báo. Bố tôi hẳn sẽ vui lòng thấy con mình gần gũi thần tượng của ông. Và tôi thì khỏi nói. Tôi cảm động đến nghẹn lời khi Tam Lang bắt tay tôi. Tôi ấp úng:
- Thưa cụ … Cháu rất hân hạnh …
Tam Lang cười, đôn hậu:
- Tôi cũng vậy, ông Duyên Anh. Tôi đã đọc truyện ngắn của ông.
- Thưa cụ, bố cháu đọc cụ từ Loa của cụ Bùi Xuân Học đến Giang Sơn của ông Hoàng Cơ Bình. Rất tiếc bố cháu không được đọc cụ ở Tự Do.
- Ông cụ đâu?
- Bố cháu không vào Sài gòn. Nhưng cháu đã đọc cụ giùm bố cháu.
- Cám ơn ông.
- Thưa cụ, cháu ngưỡng mộ lối viết phóng sự và phiếm luận của cụ.
- Ông thích bài phiếm luận nào trên Tự Do?
- Thưa cụ, bài cụ luân về Tam Lang đá báo và Tam Lang đá banh, Tam Lam chọc thủng lưới và Tam Lang chọc thiên hạ …
- Ông có khiếu đấy.
- Cháu mong sẽ được cụ dạy dỗ.
- Viết truyện như ông là tốt, viết phiếm luận chỉ tổ mua thù, chuốc oán.
- Cháu lại thích.
- Tại sao?
- Vì cuộc đời đầy rẫy bất công cay đắng, gian dối, bịp bợm.
- Tôi làm cái báo này, kể như hết thời rồi. Ông muốn tiến thân thì phải tìm báo khác mà viết. Báo này là báo nhà nước, báo của gian dối, bịp bợm. Ông còn trẻ, hãy tạm ẩn thân ở đây rồi tính sau.
- Vâng ạ!
- Tôi không viết phiếm luận nữa.
- Cụ viết gì ạ?
- Tôi nghiên cứu chèo cổ. Ở báo này, tôi đóng vai đầu bếp. Nếu ông thích viết phiếm luận, cứ đưa tôi đọc rồi tôi chỉ dẫn cho.
- Cám ơn cụ.
Tam Lang còn viết chèo mà tôi quên khuấy. Trước 1954, ông đã viết vở Ông đồ Nhị Khê và đã cho trình diễn ở Nhà hát lớn Hà nội, rất thành công. Sau cuộc “đảo chính” ở nhật báo Tự Do, Mặc Đỗ đi làm Quan Điểm, Mặc Thu làm Người Việt tự do, Đinh Hùng làm Đài phát thanh, Như Phong ở lại với Phạm Việt Tuyền, Tam Lang không làm báo nữa. Bây giờ, ông được mời làm Biên tập viên Tổng nha thanh niên và được yêu cầu trông coi bán tuần báo Chiến Đấu. Chủ bút của tờ báo này là ông Nguyễn Bích Liên. Chủ bút … ngầm. Ông không nêu tên trên “măng sét”. Tham vọng của ông Nguyễn Bích Liên thật nhiều, nhưng ông bị nhiều kỳ đà cản mũi. Do đó, nội dung của Chiến Đấu, rốt cuộc, rặt tin tức, sinh hoạt của thanh niên cộng hòa và những bài tường thuật về các cuộc kinh lý của Ngô tổng thống, Ngô cố vấn và Ngô cố vấn phu nhân. Ông Nguyễn Bích Liên bắt tôi viết loạt bài nghiên cứu về các tổ chức thanh niên công sô môn, thanh niên phát xít, thanh niên Do Thái, thanh niên cứu quốc, thanh niên tiền phong. Tôi phải chạy long tóc gáy đi tìm tài liệu. May mắn, tôi vớ được bộ Trung Bắc chủ nhật của chủ nhiệm Nguyễn Doãn Vượng nghiên cứu sẵn cho tôi các tổ chức thanh niên cộng sản, thanh niên phát xít. Tôi chỉ việc đọc và chép lại cho gọn gàng. Tôi nhờ người sưu tầm tài liệu tổ chức thanh niên Do Thái. Còn các tổ chức thanh niên cứu quốc, thanh niên tiền phong miền Bắc, tôi biết rõ. Nhờ ông Nguyễn Bích Liên, kiến thức thanh niên của tôi được vỡ ra.
Chuẩn bị hai tuần, Chiến Đấu không bầy bán ra mắt số 1 đúng dịp hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử oanh kích Dinh Độc Lập. Trang nhất của Chiến Đấu đầy tin và bài kiến nghị bầy tỏ lòng trung thành của toàn dân đối với Ngô tổng thống và lên án mọi âm mưu đảo chính phá hoại sự nghiệp cứu nước của Ngô tổng thống. Trang tư kín mít lời kêu gọi tái thiết Dinh Độc Lập của các đoàn thể, phong trào nhà nước! Hai trang trong thì lấp bằng phóng sự xây dựng Ấp chiến lược của Việt tấn xã và sinh hoạt thanh niên cộng hòa, thanh niên chiến đấu, phụ nữ bán quân sự. Phần giải trí có truyện dài Lời thề trên đất giặc của Phạm Cao Củng, kiếm hiệp tiểu thuyết Thất kiếm thập tam hiệp của Tầu, đã in thành sách, do tôi viết lại … có nhuận bút! Báo phát hành luôn luôn trễ, vì ông Nguyễn Bích Liên sửa tin, sửa bài be bét, xếp chữ rồi, vỗ “mo rát” rồi, ông vẫn sửa chữa, thêm bớt lung tung khiến thợ xếp chữ điên đầu, cằn nhằn quá xá. Ông Liên ký tên trên bản vỗ, mới được đúc và ấn loát.
Làm báo với ông Nguyễn Bích Liên thật vất vả. Ông ta ngờ vực cả tin và bài của Việt tấn xã. Ông mời Chu Tử viết phiếm luận, Chu Tử viết hai bài, bị sửa chữa, Chu Tử không thèm viết nữa. Hiếu Chân cũng chê luôn. Chiến Đấu xuất bản được 10 số, Bộ Chiêu hồi ra đời. Tổng nha Thanh niên và Tổng nha Thông tin trực thuộc bộ này. Ông Nguyễn Bích Liên sang làm Phó Tổng giám đốc Thông tin. Thêm ông Phó nữa là Đặng Đức Khôi. Tổng giám đốc vẫn là ông Phan Văn Tạo. Báo Chiến Đấu do quản lý Lê Thành Cường, kỹ sư canh nông Pháp, chịu trách nhiệm. Tài trợ cho Chiến Đấu là công ty kinh tài của ông Cao Xuân Dương ở góc Hàm Nghi – Công Lý. Quản lý Lê Thành Cường tin tưởng Tam Lang, không thèm nhòm ngó bài vở, nhắm mắt ký đại.
Xẩy ra vụ thiếu tiền nhà in Chính Lâm mấy số báo, nhà in không in nữa. Chiến Đấu rời tòa soạn về đường Ngô Đức Kế, chung tòa soạn nhật báo Cách mạng quốc gia và cơ sở ấn loát của ông Đỗ La Lam.
Tam Lang đã nhận xét đúng. “Báo này là báo nhà nước, báo của gian dối, bịp bợm”.
--------------------------------
1 Bài thơ này đăng trên tạp chí Chỉ Đạo 1959, sửa lại vài đoạn 1969.
2 Tòa soạn Chỉ Đạo tự ý đặt tựa đề là Đứa em tôi. Cũng như Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, họ đổi lại thành Thế hệ tiên phuông. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã để tựa cũ, khi ông cho xuất bản thành sách, vì ông chủ trương văn nghệ phi chính trị. Cái tựa Thế hệ tiên phuông, ông cho rằng có vẻ chính trị.
3 Chủ nhiệm nhật báo Sài gòn Mai sau này.
4 Hiện đang chủ trương báo Gió Nam ở San Jose, CA.
Nhìn Lại Những Bến Bờ Nhìn Lại Những Bến Bờ - Duyên Anh Nhìn Lại Những Bến Bờ