Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Tác giả: Muriel Barbery
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 68
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Một Con Mèo Tên Là Grévisse
habrot ấn chuông phòng tôi.
Chabrot là bác sĩ riêng của Pierre Arthens. Đó là một người đã có tuổi, đẹp trai và da luôn rám nắng. Ông ta vặn vẹo mình như một con giun đất trước mặt Thầy, và trong hai mươi năm, ông ta chưa hề chào tôi hay tỏ vẻ nhìn thấy tôi. Đặt câu hỏi vì sao cái không xuất hiện trong ý thức của những người khác có thể sẽ là một thí nghiệm hiện tượng luận thú vị. Việc hình ảnh của tôi có thể cũng lúc in trong não của Neptune và không để lại dấu vết trong não của Chabrot đúng là khá hấp dẫn.
Nhưng sáng nay, Chabrot có vẻ không được rám nắng. Hai má ông ấy chảy xệ xuống, bàn tay run rẩy, còn mũi thì... ướt. Vâng, ướt. Chabrot, bác sĩ của những người quyền thế lại bị chảy nước mũi. Hơn nữa, ông ấy còn gọi tên tôi.
- Bà Michel.
Có lẽ đây không phải là Chabrot, mà là một dạng người ngoài hành tinh biến hình có cơ quan tình báo hoạt động không tốt, bởi vì ông Chabrot thật không làm cho đầu mình rắc rối với những thông tin liên quan đến đám người thấp kém vô danh.
- Bà Michel, - người đóng giả Chabrot nhưng không đạt nói tiếp, - bà Michel.
Được, để rồi xem. Tôi tên là bà Michel.
- Một bất hạnh khủng khiếp đã xảy ra, - Mũi Chảy nói. Khỉ thật, thay vì sì mũi ra thì hắn ta lại hít vào.
Thế rồi hắn ta hút rõ mạnh, tống chỗ nước mũi chảy ra về nơi mà tự nó không bao giờ tới được, và hành động quá nhanh này buộc tôi phải chứng kiến yết hầu của hắn ta co rút lại để cho nước mũi đi qua. Trông thật ghê tởm, đúng hơn là ngỡ ngàng.
Tôi nhìn bên phải, bên trái hắn ta. Sảnh đang vắng vẻ, không một bóng người. Nếu người ngoài hành tinh này có những ý đồ thù địch, tôi không thể có bất cứ hy vọng gì.
Hắn ta nói tiếp, lại nhắc lại.
- Một bất hạnh khủng khiếp, vâng, một bất hạnh khủng khiếp. Ông Arthens đang hấp hối.
- Hấp hối, - tôi nói, - hấp hối thật sao?
- Đúng là đang hấp hối, bà Michel ạ, đúng là đang hấp hối. Ông ấy chỉ còn sống được bốn mươi tám giờ nữa thôi.
- Nhưng sáng hôm qua tôi còn nhìn thấy ông ấy, ông ấy còn khỏe như vâm! - tôi nói, giọng hốt hoảng.
- Thế đấy, bà ạ, thế đấy. Khi tim nhả ra, cũng như lưỡi dao của máy chém. Buổi sáng, bà còn nhảy như một con dê con, nhưng buổi tối, bà đã ở trong mộ.
- Ông ấy sẽ chết ở nhà, không đến bệnh viện hay sao?
- Ôôôôôi, bà Michel, - Chabrot nói và nhìn tôi với vẻ mặt giống như vẻ mặt của Neptune khi bị dắt dây, - ai mà muốn chết ở bệnh viện cơ chứ?
Lần đầu tiên sau hai mươi năm, tôi có thiện cảm mơ hồ với Chabrot. Tôi tự nhủ, rốt cuộc ông ta cũng là một con người, và cuối cùng thì tất cả chúng ta đều giống nhau.
- Bà Michel ạ, - Chabrot nói tiếp, còn tôi mệt mỏi vì phải nghe quá nhiều từ "bà Michel" sau hai mươi năm chẳng được gọi tên, - chắc chắn rất nhiều người sẽ muốn đến gặp Thầy trước... trước. Nhưng ông ấy không muốn tiếp ai cả. Ông ấy chỉ muốn gặp Paul. Bà có thể đuổi khéo những kẻ làm phiền được không?
Tôi mâu thuẫn sâu sắc. Theo thói quen, tôi ghi nhớ rằng người ta chỉ làm ra vẻ nhận ra sự có mặt của tôi để nhờ tôi làm việc gì đó. Nhưng dù sao, tôi nghĩ, đấy là việc của tôi. Tôi cũng ghi nhận rằng tôi thích cách nói của Chabrot - bà có thể đuổi khéo những kẻ làm phiền được không? - và tôi cảm động vì nó. Cách nói lịch sự kiểu cũ đó làm tôi thích thú. Tôi là nô lệ của ngữ pháp, - tôi thầm nghĩ, - lẽ ra tôi phải đặt tên cho con mèo của mình là Grévisse 1. Ông ta làm tôi khó chịu, nhưng cách nói của ông ta thật khéo làm sao. Rốt cuộc, ai mà muốn chết ở bệnh viện cơ chứ? Ông già đẹp lão đã hỏi như thế. Không ai cả. Không phải Pierre Arthens, không phải là Chabrot, không phải tôi, không phải Lucien. Khi đặt câu hỏi chung chung như thế, Chabrot đã coi tất cả chúng ta là con người.
- Tôi sẽ làm những gì có thể, - tôi đáp, - Nhưng tôi không thể đi theo họ đến tận cầu thang được.
- Không, - ông ta nói, - nhưng bà có thể ngăn cản họ. Bà cứ nói là nhà Thầy đã đóng cửa.
Và ông ta nhìn tôi với ánh mắt rất lạ.
Tôi phải chú ý, cực kỳ chú ý. Thời gian gần đây, tôi đã lơ là. Đã xảy ra vụ việc của thằng bé nhà Pallières, nếu nó thông minh bằng một nửa con bò, thì cái cách thức kỳ cục khi nói về Hệ tư tưởng Đức lẽ ra đã thổi vào tai nó nhiều thứ rắc rối. Thế nhưng vì một ông già cả tin da rám nắng vì tia cực tím sử dụng những cách diễn đạt cũ kỹ, nên tôi xúc động trước ông ta và quên hết tính nghiêm khắc.
Tôi nhấn chìm lại vào trong mắt mình tia sáng vừa mới lóe lên từ đó và lại thể hiện cái nhìn đờ đẫn của một bà gác cổng thực thụ, sẵn sàng làm hết sức mình nhưng lại không đi theo khách đến tận cầu thang.
Vẻ kỳ lạ của Chabrot biến mất.
Để xóa hết mọi dấu vết của những việc làm sai lầm, tôi tự cho phép mình nói sai một chút.
- Đấy là một dạng nhồi máu cơ tim phải không?
- Đúng, - Chabrot đáp, - đúng là nhồi máu cơ tim.
Im lặng.
- Cám ơn, - ông ta nói.
- Không có gì, - tôi đáp rồi đóng cửa lại.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 5
Cuộc sống
Của mọi người
Là nghĩa vụ quân sự
Tôi rất tự hào về suy nghĩ sâu này. Chính chị Colombe đã giúp tôi nghĩ ra. Vậy là ít nhất chị ấy cũng một lần có ích trong đời tôi. Tôi đã tưởng rằng mình không thể nói được điều này trước khi chết.
Ngay từ đầu, giữa chị Colombe và tôi đã là chiến tranh, bởi vì với chị ấy, cuộc đời là một trận chiến liên tục trong đó cần phải chiến thắng bằng cách hủy diệt kẻ khác. Chị ấy không thể cảm thấy an toàn khi chưa đè bẹp đối thủ và thu nhỏ lãnh thổ của hắn ta đến mức tối thiểu. Một thế giới trong đó có chỗ dành cho những người khác là một thế giới nguy hiểm theo các tiêu chí chiến binh tồi tệ của chị ấy. Đồng thời, chị ấy cũng cần họ chỉ để làm một nhiệm vụ chính nho nhỏ: cần phải có ai đó thừa nhận sức mạnh của mình. Do đó, chị ấy không chỉ dùng thời giờ của mình để cố đè bẹp tôi bằng mọi cách có thể, mà chị ấy còn muốn tôi nói với chị, trong lúc bị gươm kề cổ, rằng chị là người tốt nhất và tôi yêu chị. Điều đó đã khiến nhiều ngày tôi tức đến phát điên. Một chi tiết nhỏ nữa, vì một lý do bí ẩn, chị Colombe, người vốn không có một chút óc suy xét nào, đã hiểu rằng cái mà tôi sợ nhất trong cuộc sống là tiếng ồn. Tôi nghĩ rằng đó là một phát hiện vô tình của chị ấy. Chị ấy chẳng bao giờ tự dưng nghĩ rằng ai đó có thể cần đến sự yên tĩnh. Rằng sự yên tĩnh dùng để đi vào nội tâm, rằng yên tĩnh cần cho những người không chỉ quan tâm đến cuộc sống bên ngoài, tôi không nghĩ rằng chị ấy có thể hiểu được điều này, vì nội tâm của chị ấy cũng hỗn độn và ồn ào như ngoài phố xá. Nhưng dù sao đi nữa, chị ấy đã hiểu rằng tôi cần yên tĩnh, và không may phòng tôi lại nằm ngay cạnh phòng chị ấy. Thế là suốt cả ngày, chị ấy làm ồn. Chị ấy hét vào điện thoại, mở nhạc ầm ĩ (âm thanh đó thực sự giết chết tôi), chị ấy đóng sầm cửa, chị ấy lớn tiếng bình phẩm tất cả những việc mình làm, kể cả những việc lý thú như chải đầu hay tìm bút chì trong ngăn kéo. Tóm lại, vì chị ấy không thể xâm chiếm gì khác, vì đối với chị ấy, tôi là người không thể tiếp cận được, nên chị ấy xâm chiếm không gian âm thanh của tôi và phá hoại cuộc sống của tôi từ sáng đến tối. Các bạn hãy lưu ý rằng phải có một khái niệm về lãnh thổ vô cùng nghèo nàn mới làm như thế được; tôi chẳng quan tâm đến chỗ ở của mình, chỉ cần được đi lại mà không phải vương víu gì trong đầu. Nhưng chị Colombe không hài lòng nếu không biết được sự việc; chị ấy biến nó thành triết học; "Cô em gái đáng ghét của tôi là một con người bé nhỏ không thể chịu đựng nổi và bị suy nhược thần kinh. Nó ghét tất cả những người khác và thích sống trong một nghĩa địa, nơi mọi người đều đã chết - còn tôi, bản chất của tôi là cởi mở, vui vẻ và đầy sức sống." Nếu như đúng là tôi ghét mọi thứ, thì đó là khi người ta biến sự bất lực hay thù địch của mình thành tín điều. Với chị Colombe, tôi thật may mắn.
Nhưng từ vài tháng nay, chị Colombe không hài lòng với vai trò người chị đáng sợ nhất trên thế giới. Chị ấy còn không cần điều này: một bà chị là kẻ thanh trừng hay khiêu khích, và cả cuộc trình diễn một vài đau khổ nhỏ của chị ấy nữa. Từ vài tháng nay, chị Colombe bị hai điều ám ảnh: trật tự và sạch sẽ. Hậu quả thật dễ chịu: từ một bóng ma, tôi trở thành một con bé bẩn thỉu; chị ấy luôn miệng la mắng tôi vì tôi đánh rơi vụn bánh mì trong bếp, hay vì sáng nay trong nhà tắm có một sợi tóc. Điều đó có nghĩa là chị ấy không chỉ buộc tội mình tôi. Tất cả mọi người đều bị quấy rầy từ sáng đến tối vì nhà cửa lộn xộn và vì có vụn bánh mì rơi. Phòng của chị ấy vốn trước kia lộn xộn không thể chịu nổi, nay bỗng sạch như phòng khám: mọi thứ ngăn nắp, không một hạt bụi, các đồ vật đều có chỗ riêng và thật tội nghiệp cho bà Grémond nếu bà ấy không đặt lại chúng đúng y như thế khi dọn dẹp. Có thể nói là giống như bệnh viện. Trong giới hạn, dù cho chị Colombe có trở nên kỳ cục như thế cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Nhưng cái mà tôi không thể chịu được là chị ấy tiếp tục tỏ ra là một cô gái dễ thương. Có vấn đề gì đó, nhưng tất cả mọi người giả vờ không thấy, còn chị Colombe tiếp tục tự cho mình là người duy nhất trong hai chị em sống theo "chủ nghĩa khoái lạc". Tuy nhiên, tôi đảm bảo với các bạn rằng chẳng có tí gì khoái lạc cả khi ngày tắm ba lần và sáu gáo như một kẻ tâm thần chỉ vì các đèn ở đầu giường đã xê dịch ba xăngtimét.
Vấn đề của chị Colombe là gì? Tôi không biết gì cả. Có lẽ vì muốn đè bẹp tất cả mọi người, nên chị ấy biến mình thành người lính luôn ngăn nắp và sạch sẽ như trong quân đội. Người lính luôn ngăn nắp và sạch sẽ, điều này đã rõ. Cần phải như thế để chiến đấu chống lại sự lộn xộn của của trận chiến, sự bẩn thỉu của chiến tranh và tất cả những con người nhỏ bé mà nó bỏ lại phía sau. Nhưng tôi tự hỏi thực ra chị Colombe có phải là một trường hợp trầm trọng cho thấy rõ chuẩn mực hay không. Có phải tất cả chúng ta không coi cuộc sống như nghĩa vụ quân sự không? Bằng cách làm điều mà mình có thể làm trong khi chờ đợi ngày giải ngũ hay chờ trận đánh? Một số người cọ rửa phòng ở, một số người khác trốn tránh nhiệm vụ, chơi bài, buôn lậu, dùng các thủ đoạn. Các sĩ quan ra lệnh, lính tráng tuân theo, nhưng không một ai bị lừa gạt bởi vở kịch được giữ kín: một buổi sáng nào đó, ai cũng phải đi tới chỗ chết, sĩ quan cũng như lính trơn, kẻ đần độn cũng như kẻ láu cá từng buôn lậu thuốc lá hay giấy vệ sinh.
Qua đây, tôi đưa ra cho các bạn giả thiết về tâm thần học cơ bản: bên trong chị Colombe quá hỗn độn, vừa trống rỗng vừa rối loạn, đến mức chị ấy thử lập trật tự trong chính mình bằng cách sắp xếp và lau chùi nội tâm của mình. Thật buồn cười, đúng không? Đã từ lâu tôi hiểu rằng các nhà tâm thần học là những diễn viên hài, họ cho rằng ẩn dụ là một cái gì đó vô cùng thông thái. Thực ra, nó nằm trong khả năng của bất kỳ học trò lớp sáu nào. Nhưng cần phải nghe các chuyên gia tâm lý bạn của mẹ tôi chế nhạo khi nói về bất cứ trò chơi chữ nào, và cũng cần phải nghe những điều ngu ngốc mà mẹ tôi kể lại, vì mẹ tôi kể với tất cả mọi người về những buổi chữa trị với bác sĩ tâm lý của bà ấy, cứ như bà ấy đi chơi ở Disneyland: trò vui "cuộc sống gia đình của tôi", cung điện băng "cuộc sống của tôi với mẹ", trò chơi tàu điện mạo hiểm "cuộc sống của tôi khi không có mẹ", bảo tàng kinh dị "đời sống tình dục của tôi" (nói nhỏ để tôi không nghe thấy), và cuối cùng, đường hầm chết chóc "cuộc đời phụ nữ tiền mãn kinh của tôi".
Nhưng với tôi, điều tôi thường sợ ở chị Colombe là tôi có cảm tưởng như chị ấy không cảm nhận được gì cả. Tất cả những tình cảm mà chị ấy thể hiện đều là cố ý, giả tạo, đến nỗi tôi phải tự hỏi liệu thực ra chị ấy có cảm thấy gì không. Đôi khi, điều này làm tôi sợ. Có lẽ chị ấy đã hoàn toàn bệnh, có lẽ chị ấy tìm cách bằng bất cứ giá nào để cảm nhận điều gì đó chân thực, vậy nên có lẽ chị ấy sẽ có một hành động điên rồ. Từ đây, tôi nghĩ tới hàng tít lớn trên báo: "Cháy lớn trên phố Grenelle: một cô gái đốt căn hộ của gia đình mình. Khi được hỏi về lý do của hành động này, cô trả lời: tôi muốn thử một cảm xúc."
Vâng, đúng là tôi nói hơi quá. Và tôi không có đủ căn cứ để nói về chứng điên phóng hỏa. Nhưng trong lúc chờ đợi, khi nghe chị ấy kêu gào sáng nay vì mấy cái lông mèo dính trên áo khoác màu xanh lá cây của chị ấy, tôi tự nhủ: chị đáng thương ơi, trận chiến đã bị thua trước rồi. Chị sẽ khá hơn nếu biết được điều đó.
Chú thích
1.Maurice Grévisse (1895 - 1980): nhà ngữ pháp học người Bỉ, tác giả cuốn Le Bon Usage, cuốn sách ngữ pháp tiếng Pháp nổi tiếng
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch