Số lần đọc/download: 4033 / 187
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Chương 14
K
hông tính những tên quản giáo hạch hỏi lý lịch, tôi đã qua tay 5 chấp pháp và gã này là 6. Thân phận Kiều tiếp khách chơi hoa không khổ bằng thân phận nhà văn tiếp khách chấp pháp.
Xưa sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dầy dạn phong sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.
Có phải Nguyễn Du đã tiên tri thân phận những Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Phan Nhật Nam, thân phận những nhà văn, nhà thơ trong ngục tù cộng sản? Ôi, biết bao câu Kiều nó vận vào cái "đoạn đường ai có qua cầu mới hay" của chúng tôi.
Bây giờ bình đã vỡ rồi
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong
Nợ đời, soạn giả tuồng cải lương Mộc Linh đã diễn tả 5 câu vọng cổ ở khu A. 5 câu thôi, anh bị ho ói máu nên phải dang dở. Trong 5 câu ấy có đoạn:
...."Than ôi, trời đất bao là mà sao ta không có chỗ đứng, lại phải xui chi tới cảnh đoạn trường...Nợ chẳng vay ai mà nay phải trả cho đời". (Văn chương là cái nợ. Nghệ thuật là cái nợ. Nợ văn chương trả ở nhà tù! Và nhà nghệ sĩ biến thành nàng Kiều, dạt trôi đề-lao, khám lớn, trại tập trung. Cuộc sống vốn hiếm Từ Hải, hiếm cả đến Thúc Sinh. Chỉ rặt lũ chấp pháp cộng sản chở chất thù vặt. Chúng dập vùi tới cả phẩm cách con người. Chủ nghĩa nào ưu việt? Đâu là đỉnh cao trí tuệ? Nơi mô là cái nôi của loài người? Bạn ơi, nhân loại ơi, cái nôi của loài người, đỉnh cao trí tuệ, chủ nghĩa ưu việt tập trung ở nhà tù giam nhốt, đầy đoạ các nhà văn, nhà thơ. Nhà văn, nhà thơ là những kẻ chung thân bất mãn với hiện tại. Trần Dần viết:
Chẳng thể rúc kèn cũ rích
Vác loa mồm kêu:
"Hiện tại rất thiên đường
không
thiên đường chúng ta
là nối đuôi nhau
vô tận thiên đường
đi mãi
chẳng bao giờ thoả
Không có hiện tại nào là thiên đường cả. Và cả khi hiện tại đã là thiên đường, vẫn cần thiết có thiên đường khác rực rỡ hơn. Bổn phận của nhà văn là không ngừng phản kháng hiện hữu. Để thiên đường không đứng lại. Để thiên đường không chết. Để thiên đường tiến lên một thiên đường khác tuyệt vời gấp bội. Sự phản kháng hiện hữu của nhà văn đã bị xã hội cộng sản chụp mũ chống cộng sản. Nhà văn chống mọi bất công, mọi độc tài, mọi áp bức, mọi bóc lột, mọi sự xúc phạm quyền sống của con người. Nhà văn đòi hỏi tự do, dân chủ, công bình, hạnh phúc tuyệt đối cho con người. Bản chất của nhà văn là phản động. Nó phản động trong bất cứ xã hội nào, dưới bất cứ chủ nghĩa nào, ở bất cứ nơi nào nhân quyền bị tước đoạt, nhân phẩm bị chà đạp. Sự phản kháng của nhà văn là ước mơ của loài người. Nó làm thăng hoa cuộc sống. Nó gây cảm hứng leo lên ngọn đỉnh chân thiện mỹ. Chỉ những kẻ ngu xuẩn, bịp bợm và bệnh hoạn nghĩ rằng hiện tại què quặt của mình đã là thiên đường vĩnh cửu mới dùng quyền lực khỏa lấp sự phản kháng của nhà văn. Chỉ có cộng sản mới hèn mọn chụp mũ nhà văn, kết tội nhà văn và giam nhốt nhà văn. Phải vinh tôn những nhà văn phản động và phải bỏ tù bọn bồi bút nịnh bợ "rúc kèn cũ rích, vác loa mồm kêu: hiện tại rất thiên đường". Đó mới là ưu việt, đỉnh cao trí tuệ. Tại sao? Vì bằng phản kháng hiện tại, nhà văn đã thắp ước mơ như ngọn đèn dẫn đến tương lai, dẫn đến những tương lai vô tận, những thiên đường đích thực của loài người. Vì bằng bồi bút nịnh bợ, bằng yên phận hòn bi, nhà văn đã rúc đầu xuống vực thẳm tội ác. Hà Nội định nghĩa bồi bút:"Bồi bút là kẻ viết sách báo làm tôi tớ cho thực dân đế quốc" – Văn Tân, Từ điển Việt Nam, 1976 – Cộng sản Việt Nam ở Paris đề nghị một định nghĩa:"Bồi bút là kẻ viết sách báo làm tôi tớ cho bọn cường quyền" – Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn kết 4-1987. Bọn cường quyền hiện hữu ở Việt Nam là cái gì? Cộng Sản! Có lẽ, nên định nghĩa: “Bồi bút là kẻ viết sách báo làm tôi tớ cho thực dân, đế quốc và cộng sản”. Nhưng định nghĩa chính xác nhất là: Bồi bút là đám viết sách báo đứng về phía bọn thống trị. Với nhà văn chân chính, thống trị là đối tượng phản kháng hàng đầu. Nơi nào không có đối lập chính trị, thống trị man rợ, ghê tởm, cần thiết trừ khử. Việt Nam đang là nơi ấy. Và người ta dễ dàng tìm ra sự bồi bút ở hai câu định nghĩa của bồi bút. Họ không dám đụng đến cộng sản và giai cấp thống trị mới ở xã hội cộng sản. Xã hội cộng sản chấp nhận bồi bút, nuôi dưỡng bồi bút và bỏ tù cả nhà văn phản kháng lẫn thi sĩ chỉ viết thơ tình.
Tên công an chấp pháp số 6 dẫn tôi sang khu B, chỗ tôi đã mạn đàm với tên chấp pháp rỗ hoa. Tôi không muốn chế diễu họ. Rẻ tiền lắm. Nhưng bạn cần hiểu rằng, chẳng có tên công an chấp pháp nào giới thiệu tên thật hay bí danh với bạn cả.. Trừ Ba Trung là thằng nằm vùng vây co. Nên tôi đành phải lấy “đặc điểm” của họ mà đặt biệt danh để dễ so sánh. Công an chấp pháp số 6, dân miền Bắc, mặt mũi sáng sủa, người vừa phải. Hắn ta có nụ cười dễ gây cảm tình. Câu mở đầu của hắn:
- Anh có vẻ thất vọng về chúng tôi, phải không, anh Duyên Anh?
Tôi thản nhiên:
- Tôi không thất vọng, cũng chẳng hy vọng gì các anh.
Hắn cười.
- Tại sao?
Tôi đáp:
- Tôi đã hiểu tôi không còn quyền thất vọng và hy vọng.
Hắn khẽ lắc đầu:
- Đừng cay đắng, anh Duyên Anh.
Hắn mời tôi hút thuốc Điện Biên. Nhả nạm khói, hắn nhìn tôi bằng cặp mắt chan chứa cảm thông:
- Với tôi, anh muốn ngồi kiểu nào, tùy ý.
Tôi khựng lại. Chúng nó đã trao đổi với nhau về tôi. Thằng số 5 đấm tôi. Thằng số 6 xoa bóp.
- Anh bớt ghẻ chưa?
- Chưa, anh ạ!
- Nó sẽ phá tung một lượt. Rồi khỏi hẳn. Chị ấy tiếp tế bình thường chứ?
- Cám ơn anh.
- Trường hợp của anh thật oan nghiệt. Anh chống Mỹ, chống Ngụy rồi sợ Mỹ Ngụy trả thù, anh phải chống cộng sản.
Tôi không muốn cãi. Tôi đã chống cộng sản bằng Hoa thiên lý trước khi chống chính sách Mỹ ở Việt Nam và bọn thống trị bù nhìn.
- Tại sao anh chống lung tung thế? Chống tứ phía, phía nào anh sống?
- Tôi vẫn sống.
- Thực tế một chút, anh Duyên Anh. Giá anh đừng chống cộng, anh đã được biểu dương rồi.
Tôi đã nghe Ba Trung, đã nghe tên chấp pháp xứ Nghệ nói cái luận điệu này. Vẫn luận điệu gai góc mà buồn tẻ ấy, chấp pháp số 6 nhai lại. La raison du plus fort est toujours la meilleure. Thi hào La Fontaine đã để lại cho loài người một câu thơ trở thành chân lý vĩnh cửu. Khi trái đất còn quyền lực, còn ngục tù; còn lệnh bắt, còn cai ngục và còn tù nhân, chân lý đó không thay đổi. Ông Hồ Chí Minh là người cảm thầm “lý lẽ của kẻ mạnh nhất”. Ổng ta hiểu “vĩ nhân có thể chết bởi cái gai”, ông ta hiểu “anh hùng có thể chết ở cái lỗ chân trâu”. Và ông ta có triết lý sống đời tù bình thường: Để chúng dắt đi tựa trâu bò. Hạnh phúc cho ông Hồ Chí Minh là ông đã không được sống đời tù cộng sản. Nếu đã nằm nhà tù cộng sản, ông không trở thành “cha già dân tộc”, không trở thành “vĩ nhân”. Cộng sản đã là vĩ nhân, đã là anh hùng. Họ độc quyền anh hùng vĩ nhân. Bạn khó lòng thành vĩ nhân, anh hùng tù ngục cộng sản. Ở nhà tù cộng sản, nhất là nhà tù dành cho tù nhân của tư tưởng, của lương tâm, bạn sẽ bị đối xử tồi tệ hơn trâu bò. Bởi vì, ngoan ngoãn “tựa trâu bò” rồi sẽ thành lãnh tụ vĩ đại. Kinh nghiệm ở tù của Hồ Chí Minh là ánh sáng quang vinh chiếu rọi khắp nhà tù cộng sản. Phải bắt tù nhân lửng lơ giữa người và thú vật. Phải diệt nhân tính của tù nhân. Và, như thế, sự đọa đày mà tù nhân cam chịu không hun đúc nó nên anh hùng. Nó sẽ chỉ loay hoay quanh nỗi đói, nỗi khổ, nỗi nhớ nhà. Nó sẽ chỉ loay hoay quanh niềm sợ hãi, niềm mong đợi ngày được tha. Trong những loay hoay bi thảm của nó, thẩy cho nó chút ân huệ toan tính, bơm cho nó chút hy vọng gian dối, nó sẽ níu lấy ân huệ và hy vọng đê tiện đó, bảo vệ ân huệ và hy vọng đó một cách rất đê tiện. Từ cái ân huệ toan tính, cái hy vọng gian dối ban cho một tù nhân tạo thành những ngờ vực, những thù hận, những đề phòng giữa các tù nhân. Cai ngục mỉm cười, rao giảng phúc âm: “Các anh không thương các anh thì ai thương các anh”. Tù nhân ghét bỏ tù nhân hơn cả cai ngục ghét bỏ tù nhân. Riết rồi, tù nhân “thương yêu” cai ngục! Bản chất và hiện tượng. Hai tuyệt chiêu nằm trong bí kíp cộng sản đã, chẳng những cấy sinh tử phù vào tế bào tù nhân, mà còn cấy vào cả tim phổi quần chúng. Hiện tượng lúc nào cũng bị nghiêm khắc phê bình. Hiện tượng thủ tiêu tập thể 1 triệu 500 ngàn dân lành bị sửa sai. Tổng bí thư Trường Chinh tạm sang nắm ghế Chủ tịch Quốc hội, vẫn là ủy viên Bộ chính trị. Để bản chất đúng và tốt và chân lý. Hiện tượng và bản chất hư hư thật thật. Đảng nhân đạo, khoan dung. Đảng là bản chắt. Cán bộ vô nhân đạo, khắc nghiệt. Cán bộ là hiện tượng. Chấp pháp số 5 là hiện tượng. Chấp pháp số 6 là bản chất. Hiện tượng dọa nạt. Bản chất vuốt ve. Cả hai kết hợp lừa bịp loài người. Bản chất hay hiện tượng thì cũng cứ là cộng sản và do họ nói và đều là lý lẽ của kẻ mạnh. Dẫu có gai góc buồn tẻ một nhịp điệu nhai lại, chớ dại dột bịt tai. Càng không nên nổi giận. “Tư tưởng thể hiện hành động”. Móng vuốt chịu khó dấu đi. Chìa ra là bị chặt đứt liền. Mà chìa móng vuốt với ai?
Tù nhân ở các nhà tù cộng sản có hai lần bầy tỏ thái độ anh hùng. Lần thứ nhất: Làm việc với công an chấp pháp. Bạn sẽ ngồi trong căn phòng chỉ có bạn với chấp pháp. Đừng ngại, không có máy ghi âm bí mật đâu. Chấp pháp sẽ hạch hỏi bạn, sẽ mắng mỏ bạn, sẽ chửi bới bạn, sẽ đập bàn la lối. Bạn nổi máu anh hùng, bạn dậy lòng bất khuất, bạn ăn thua đủ chấp pháp. Nó tống bạn vào cachot, còng bạn đủ kiểu. Nó cho bạn ăn uống theo tiêu chuẩn kỷ luật. Nó cấm vợ con bạn thư từ, tiếp tế. Bạn sẽ chết thảm ở cachot. Lịch sử không hề biết nên sẽ chẳng bao giờ viết. Bạn chết rồi thì chỉ còn một người biết. Là chấp pháp. Nó không ngu gọi bạn là anh hùng. Biên bản... chết của bạn sẽ ghi: Chết bệnh. Nếu bạn không chết, bạn trở về phòng, bạn cũng không dám khoe thành tích. Bạn tù thương bạn lắm. Ngàv thăm nuôi, bạn mỏi mắt đợi quà. Bạn đã bị cúp dài hạn. Anh em ngưỡng mộ vị anh hùng, một dúm mì, một trái chuối, một miếng thịt. Một lần thôi nhé! Chỉ một lần. Nếu bạn xuống máu anh hèn, bạn lạy lục chấp pháp, khóc lóc thảm thê, vẫn chỉ bạn và chấp pháp biết. Chẳng ai chứng kiến cả. Không có chứng nhân ở phòng chấp pháp. Anh hùng và anh hèn đồng hạng. Lần thứ hai: Bạn ra tù, bạn vượt biên hay đi chính thức qua Mỹ qua Ảu, bạn sẽ viết hồi ký. Lúc ấy bạn phong bạn làm anh hùng, bất khuất. Những thằng hèn trong hồi ký của bạn là những thằng đã không cho bạn cục đường, muỗng nước mắm hay trái chuối, dúm mì. Những thằng hèn trong hồi ký của bạn còn là những thằng bạn ghét dù bạn chưa hề sống chung với nó ở tù. Bạn sẽ “nghe kể, nghe đồn” vô tội vạ. Yên ổn nói cái ta anh hùng và cái người anh hèn. Vì rằng, chỉ có ta với chấp pháp biết rõ cái ta. ít khi ta dám lôi cái ta hèn hạ ra phỉ báng. Ta lôi cái người hèn hạ ra phỉ báng để khoả lấp cái ta hèn hạ thì rất nhiều khi. Sự ấu trĩ, dần dà, bị khám phá. Và cái ta vô lại hiện nguvên hình.
Tôi biết có thằng vô liêm sỉ, một bồi bút trơ trẽn là Thanh Vân, tác giả cuốn sách vỏ tôm, nhan đề Sống như anh, diễn tả cuộc đời “anh hùng” Nguyễn Văn Trỗi. 1 Bồi bút Thanh Vân ngu xuẩn và hạ cấp đến độ cho Trỗi chửi nhau tay đôi với thẩm vấn viên của Cảnh Sát Đặc Biệt. Và vợ y, "chị Quyên trung hậu đảm đang" cũng vào Tổng Nha sa sả nguyền rủa "tay sai Mỹ Ngụy"! Chúng ta có thể viết lại Sống như anh, diễn tả trung thực, rất trung thực đoạn anh hèn Văn Trỗi ở phòng thẩm vấn. Anh Trỗi đã chết. Người thẩm vấn anh, có thể, đã chết hay đang nằm tù. Chứng nhân tuyệt tích, cần diệt nhân chứng. Hoá cho nên, anh hùng và anh hèn trên sách vở và trong cả lịch sử đều tùỵ thuộc lòng yêu mến và sự thù hận, tùy thuộc mục đích tuyên truyền chính trị và tham vọng đè hèn. Và luôn luôn cần xét lại cả lịch sử, nhất là lịch sử viết bởi những anh thiếu tư cách.
Đến anh hùng Nguyễn văn Bé mới tức cười. Anh bị bắt ở một trận đánh tại Định Tường, xin hồi chánh, phục vụ Cảnh sát quốc gia. Hà Nội suy tôn Nguyễn Văn Bé là anh hùng, truy điệu liệt sĩ Bé rỉ rả trên Đài Tíếng Nói Việt Nam. Anh Bé nghe đài. Anh Bé hoảng sợ. Anh Bé yêu cầu Cảnh sát quốc gia đổi họ thay tên và tạo lý lịch mới!
Ôi, anh hùng và anh hèn của thời đại khốn kiếp hôm nay, nghĩ mà buồn nôn. Càng buồn nôn hơn khi thấy anh nhanh chân tình nguyện đóng tiền trình diện học tập cải tạo luận anh hùng, anh hèn bị công an ập vào tư gia, còng tay, bịt mắt dẫn đi. Nếu bỏ anh hùng để chỉ luận anh hèn thì anh chưa đến lượt mình (sĩ quan giải ngũ mà) đã nhanh chân nộp tiền xin trình diện học tập cải tạo tư tưởng với triết lý sống đơn giản “nhanh chân có lời” thì anh này hèn rõ rệt. Nhưng anh này âm mưu xóa dấu vết hèn hạ của mình bằng cách luận tội người khác hèn hạ. Rốt cuộc, sự hèn hạ của anh ta cứ ám ảnh anh ta. Và cái cường độ của sự phô diễn anh hùng tự phong, rốt cuộc, là một tự khai thành khẩn “ăn vụng thịt nhà bếp, ăn cắp cơm cháy, ăn tranh phần cám heo” và ngồi nhà “vẽ chân dung Hồ chủ tịch" để trốn tránh lao động! Bạn đã từng biết anh này là ai không? Tôi sẽ định không nêu tên anh ta vì sợ anh ta nổi tiếng. Như vậy, tôi mang tội đố kỵ tài năng. Vậy để anh ta nổi tiếng. Thế thì anh ta là Tạ Tỵ đấy. Anh ta đã “nghe đồn” mà bảo tôi làm “ăng-ten" trong tù. Tôi không nghe ai đồn cả. Tôi viết đúng lời tự thú công khai của anh ta. 2 Và anh Tạ Tỵ đã công khai tự nhận rằng, ở trại cải tạo, anh ta đã “ăn vụng” và “ăn cắp.” Có lẽ, anh ta sẽ nổi tiếng, sẽ đi vào lịch sử văn học, không phải do tài năng hội họa, văn chương, thi ca. Mà do “ăn cắp” và “ăn vụng.”
Tôi không là anh hùng, không bao giờ là anh hùng. Cũng chẳng dám ôm mộng anh hùng. Làm anh hùng khổ lắm. Thường thì anh hùng chết rất đẹp và rất thảm. Và chết xong, anh hùng bị khai thác triệt để. Đó là anh hùng đích thực. Anh hùng giả vờ khổ hơn.
Anh hùng là anh hùng rơm
Cho một mồi lửa hết cơn anh hùng
Tôi chưa là anh hèn. Nhưng để bị bắt bỏ tù, ghẻ kềnh ghẻ càng, xin ngồi nghiêng chấp pháp từ chối, bắt ngồi nghiêm chỉnh, bị tống vào cachot không dám cãi, mạn đàm không ương ngạnh, lý luận... là hèn. Thì tôi đã hèn. Tiền nhân đã thông cảm tuyệt đối với những kẻ sa cơ thất thế.
Anh hùng như thể khúc lươn
Khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài.
Biết dấu nanh vuốt lúc nào, biết chìa nanh vuốt lúc nào, đó là cái trí của anh hùng. Cựu ước kinh ghi chép: “Có một thời lên tiếng và một thời im lặng”. Khi không thể lên tiếng nói dõng dạc, nên im lặng hơn là nói lảm nhảm. Tân ước, Jésus dạy: “Đừng chống cự kẻ ác”. Phải, đừng chống cự kẻ ác khi mình nằm trong tay nó..
Tôi rất thích những câu ca dao miền Nam này:
Phượng hoàng gẫy cánh hẩm hiu
Sa cơ thất thể phải theo đàn gà
Bao giờ mưa thuận gió hoà
Thay lông trổ mã lại ra phượng hoàng.
Tiền nhân đã an ủi “chim quyên xuống đất ăn trùn”. Người đời xưa thương người đời sau là vậy. Theo tôi, người ta nên luận về lẽ sống chết hơn là luận anh hùng trong thời đại không hề có anh hùng. Hồ Chí Minh là anh hùng của Việt Nam cộng sản, lại là gian hùng của Việt Nam quốc gia. Ngô Đình Diệm là anh hùng của Việt Nam Thiên Chúa giáo, lại là anh hèn của Việt Nam Phật giáo, anh tay sai đế quốc của Việt Nam cộng sản. Trần Văn Bá là anh hùng của ông Lê Quốc Túy, lại là anh thường của ông Hoàng Cơ Minh. Vân vân... Ở tù cộng sản, khôn chết sớm, dại chết muộn, biết thì sống ngất ngư. Sống dễ hay chết dễ? Chết khó hay sống khó? Đông Chu Liệt Quốc có đoạn luận về lẽ sống chết như vầy:
Trình Anh và Công Tôn Cửu Chử cùng là gia nhân nhà họ Triệu. Khi Đỗ Ngạn Giả nắm quyền, xui vua Tấn diệt trung thần. Gia đình họ Triệu (Triệu Thuẫn phò Trùng Nhĩ phục quốc) bị giết hết. Một nàng dâu họ Triệu là công chúa, mang bầu chạy về cung trốn cuộc tàn sát. Công chúa hạ sinh một hài nhi đặt tên là Triệu Vũ. Đỗ Ngạn Giả hay tin, nhưng còn nể vua, chưa dám xông vào cung. Trình Anh và Công Tôn Cửu Chử bàn nhau cứu giòng máu cuối cùng của họ Triệu, vị thầy thuốc tín cẩn được mời vào thăm bệnh cho công chúa rồi bỏ hài nhí vào giỏ xách ra.
Công Tôn Cửu Chử hỏi Trình Anh:
- Sống để nuôi con chủ chờ ngày trả hận khó hay chết để tỏ lòng trung thành với chủ khó?
Trình Anh đáp:
- Sống khó.
Công Tôn Cửu Chử nói:
- Vậy nhà ngươi sống, còn ta chết.
Bèn lập mưu sống và chết. Đúng lúc công chúa hạ sinh cậu bé Triệu Vũ, vợ Công Tôn Cửu Chủ cũng hạ sinh một nhóc tì. Trình Anh làm “ăng ten” đi báo Đỗ Ngạn Giả rằng Công Tôn Cửu Chử dấu hài nhi họ Triệu. Đỗ Ngạn Giả vây nhà Công Tôn Cửu Chử. Công Tôn chỉ mặt Trình Anh nguyền rủa tội lừa thầy, phản bạn, “ăng ten”. Đỗ Ngạn Giả đâm chết Công Tôn Cửu Chử, quật nát hài nhi, giết cả nhà Công Tôn Cửu Chử. Nhở đó, Trình Anh mới đem Triệu Vũ xa kinh thành, nuôi dưỡng, chỉ dạy. Sau này, Triệu Vũ diệt Đỗ Ngạn Giả, khôi phục họ Triệu.
Lẽ sống chết ở đây. Tôi không nuôi tham vọng trả thù ai. Tham vọng của tôi là viết một cuốn sách có ý nghĩa cho đời mình và trả lời câu nói miệt thị của cộng sản “thế giới đâu đã đọc sách của các anh”. Và tôi cần sống. Giá nào tôi cũng phải sống. Cách nào tôi cũng phải sống. Và tôi vẫn sống.
Tôi dập điếu thuốc:
- Ở tù khó mơ mộng lắm, anh ạ!
Chấp pháp số 6 gật gù:
- Tại anh không thích mơ mộng thứ anh mơ mộng. Anh mơ mộng viển vông nên anh thiếu thực tế.
Hắn gợi ý:
- Bồn Lừa là nhân vật lý tưởng của giai cấp. Bố nó là công nhân. Nó thông minh trùm lấp bọn con cái tư sản. Nó tài năng xuất chúng. Bồn Lừa, cuốn truyện tốt. Đổì mầu cờ. Không, viết rõ rệt cờ tổ quốc là cờ tổ quốc của chúng ta, thêm giai cấp tính cho Bồn lừa, cuốn sách hoàn toàn. Chúng ta cần nhân vật tuổi thơ vô sản thần tượng..
Hắn nhìn tôi:
- Liệu anh còn viết nổi những cuốn như Bồn Lừa?
Không thèm nghe tôi trả lời, hắn ngó đồng hồ, đứng dậy:
- Tôi sẽ làm việc với anh sau.
Thế đó, chấp pháp số 6 làm việc với tôi thật ngắn ngủi. Hắn đưa tôi về 1 C-1 và không tống tôi vào cachot.
--------------------------------
1 Xin đọc thêm Thời của đàn bà. cùng tác giả. Nam Á Paris xuất bản.
2 Tạp chí Ngày Nay, xuất bản ở Wichita, Hoa Kỳ, số 46, thảng 5-1985.