Số lần đọc/download: 1419 / 23
Cập nhật: 2017-06-01 11:35:31 +0700
Chương 14 - Nguyễn Trường Tộ Với Triều Đình Quan Lại
O
ng Nguyễn Trường Tộ vốn là một Nhà Nho chân chính, tôn sùng Đức Khổng Tử, nên ông cũng chủ trương cái thuyết ‘’Trung ương tập quyền’’ của ngài. Trong các bài điều trần của ông, ông nhắc luôn đến câu ‘’địa vị vua là quý, địa vị quan là trọng’’.
Đối với nhà vua, bao giờ ông cũng tỏ vẻ tôn kính. Theo thuyết chính danh và thuyết thiên mệnh của Đức Khổng Tử, ông cho rằng vua thay trời mà trị dân, cho nên vua là bất khả xâm phạm, mà công việc của vua có lẽ là do Đấng Thượng Đế xui nên nữa: ‘’Đấng Quân Thượng đã vâng mệnh Trời để thi hành mọi việc, thì những việc nên làm nên bỏ, biết đâu là không do ý Tạo Vật xui khiến’’. (Điều trần về Lục lợi, tháng 5 năm Tự Đức thứ 17-1864).
Vua đã đứng trên cả nhân dân để cầm quyền thống trị, thì vua đối với dân cũng như cha mẹ đối với con, không những có quyền làm cha mẹ còn có bổn phận của cha mẹ nữa: ‘’Tôi thiết tưởng nhà nước đối với dân cũng như cha mẹ với đàn con...Một nước cũng y như một nhà, cha mẹ phải chú trọng vào đàn con, thì Triều Đình cũng phải chú trọng vào đàn dân, vì Triều Đình trị dân mà bỏ sót một tên dân, tức là bỏ sót một điều chính trị vậy’’. (Tế cấp bát điều, điều thứ bảy).
Sự liên lạc của Triều Đình và dân chúng rất là quan hệ, nhưng quan hệ hơn nữa là sự giao thiệp với dân của những người thừa hành mệnh lệnh Triều Đình tức là quan lại...
Vì thế, ông muốn xin Triều Đình cải cách quan lại. Theo ý ông: ‘’làm quan phải cần có người liêm cán siêng năng’’ phải cần bôn tẩu trong hạt để dò xét những nỗi u ẩn của dân gian, và nhất là phải cần giản dị, đi đến đâu không báo trước, để nhân dân khỏi đón rước thêm phiền. (Tế cấp bát điều, điều thứ hai).
Mà muốn có đủ tiền để tăng lương cho quan lại, thì cần giảm bớt số quan: ‘’Quan nhiều quá thì Triều Đình tốn nhiều lương bổng mà dân gian thì phiền về sự đón tiếp, yêu sách. Có nhiều ông quan hiếu sự, tìm ra nhiều chuyện để được tiếng siêng năng, sinh ra nhiều tệ đoan...Nay xin xem địa thế mà đem hai ba tỉnh hợp một, hai ba huyện hợp một, rồi đem lương bổng thừa ra, cấp thêm cho quan viên tại chức.
Ông lại đem quan chế Âu Tây ra đối chiếu, để tỏ quan niệm của Tây phương đối với các quan: ‘’Ở Âu Tây hễ quan văn làm việc ngày nào, tức là làm quan ngày ấy; các quan hoặc do dân tuyển cử, hoặc do các kỳ thi lựa ra, bất luận ở phẩm trật nào, đến lúc về hưu cũng phải trở lại làm dân’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ nhất).
Vậy thì quan và dân không có cách biệt nhau lắm. Bởi thế về mọi vấn đề, ông thường xin nhà nước hỏi ý kiến dân để cho Triều Đình quan lại và dân gian được liên lạc mật thiết với nhau: ‘’Xin Triều Đình đặt ra nhiều vấn đề giao về cho địa phương quan hỏi khắp dân gian bất luận dân lương hay dân giáo, hễ ai hiểu thấu chân lý thì cứ theo đề mục mà đối đáp, cứ mỗi tháng, các tỉnh phải đệ các lời giải đáp ấy về Kinh một lần; khi khảo duyệt, hễ thấy bản nào có những ý tưởng bổ ích cho thực dụng, thì xin nghị thưởng khuyến khích, rồi lại sức cho tác giả những bài đó cứ theo ý trong bài mà thi hành, nếu được như lời mà mưu được việc ích chung cho nhà nước, thì được Triều Đình phát bằng cấp cao, mà chế tạo để bán lấy tiền. Nếu quan địa phương tỏ ý khinh khi bọn người nào mà bỏ những bài của họ thì xin cho phép họ được về Kinh mà tố cáo’’. (Điều trần về việc học tập cho có nhân tài, 23 tháng 7 năm Tự Đức thứ 19-1866)
Giữa dân gian và nhà nước, cần phải có những lệ luật nhất định, để các quan biết hạn chế quyền hành của mình và để người dân biết đường cư xử, khỏi phạm phép vua: ‘’Những kỷ cương uy quyền, chính lệnh cho đến tam cương ngũ thường, công việc sáu Bộ, việc cai trị, việc giữ nước, việc thưởng phạt, thảy đều ở trong Bộ Luật...Ở Âu Tây, những việc ngũ hình đều ở trong tay viên quan giữ Bộ Hình cứ chiếu luận mà hành pháp; dầu đấng quốc vương cũng không được lấy ý riêng của mình làm tội một người nào mà không có quan Bộ Hình thuận ký’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ tư, khoản thứ tư)
Khi triều đình yêu thương săn sóc đến nhân dân, khi quan lại làm tròn nghĩa vụ của mình để gây hạnh phúc cho người trong hạt, khi dân gian biết kính trọng lề luật của nhà nước mà làm ăn lương thiện, theo gương sáng của các bề trên, thì quốc gia tất phải hưng thịnh và thái bình; làm gì còn có những kẻ bất đắc chí gây mối thù hằn, làm gì còn có những đám giặc cỏ gieo cảnh loạn ly thảm khốc trong dân gian! Đến khi trong nước có gặp bước khó khăn, thì vua quan, dân chúng cùng một lòng...Cho nên hạnh phúc của dân, vận mệnh của nước đều là do tài cai trị công bình và lòng vị tha của Triều Đình và quan lại.