Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả:
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Người Của Biển
Upload bìa: Trạch Văn Đùng
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
hững ngày cuối năm, nhà máy bước vào thời nước rút, công việc tưởng như lút đầu lút cổ.
Dịp này Thúy thường về muộn. Hôm nay cũng vậy. Mèo mướp đã quen nên dẫu phải chờ lâu, vẫn vui mừng nhảy ra đón, song Thúy không vồ vập như mọi bận. Cô đang buồn, cô vừa to tiếng với Lâm Khanh. Chẳng phải việc va chạm với trưởng phòng làm cô buồn, mà là thái độ ậm ừ nước đôi trong cách giải quyết công việc của Lâm Khanh khiến cô nghĩ ngợi. Tại sao một người giỏi chuyên môn, nhiệt tình hăng hái với công việc chung và gắn bó, yêu mến nhà máy như Lâm Khanh lại thiếu kiên quyết, cả nể vậy? Thúy biết chắc rằng cuối cùng thế nào anh cũng đề nghị cho ngừng việc hàn thép lá vào khung tàu, nhưng nghĩ lại chuyện, vẫn thấy bực. Và nỗi bực ấy cô trút cả lên đầu trưởng phòng của mình.
... Buổi chiều, khi xuống ụ đà, Thúy gặp chị Huệ. Khác với mọi lần, mỗi khi ra mép sông, Thúy thường thấy chị chúi mũi, chúi lái vào công việc. Thúy gọi, chị mới dừng tay, ngẩng lên. Vậy mà lần này lại có vẻ rỗi rãi.
- Sao mà ngẩn ngơ thế, chị Huệ? - Thúy lên tiếng - Lại nghĩ tới anh Cựu ở bến phà rồi!
- Ờ, mày đấy à, Thúy? May quá, chị cũng đang muốn tìm em.
- Tổ thợ hàn của chị hết việc rồi hay sao mà đứng ngó trời ngắm đất vậy?
- Việc thì biết thế nào là hết? Này, ngồi xuống đây chị muốn nói với em một việc.
Hai người ngồi xuống khung sắt đã han gỉ. Phía trước, con sông cạn nước, đỏ quánh. Ở đó có nhiều ánh đèn hàn loé sáng. Mùi bùn quyện với mùi sơn, mùi sắt thép đưa lên hắc nồng. Tiếng búa gõ vào thép choang choang.
- Em là cán bộ kỹ thuật, chị nghĩ em trình bày việc này tiện hơn. - Chị Huệ ngập ngừng, giọng quan trọng, chị nói vừa đủ để Thúy nghe.
- Cũng có việc công nhân nói lợi hơn chứ, chị.
- Đành rằng thế, nhưng đây là chuyện liên quan đến kỹ thuật.
- Chị cứ nói, em giúp được gì chăng?
Chị Huệ im lặng một chút như cân nhắc nên vào chuyện thế nào, rồi bảo:
- Chị thấy sườn khung tàu chưa được đảm bảo, vậy mà ông Hành trưởng phòng kế hoạch vẫn cứ cho ốp thép lá lên. Như vậy sợ rằng...
- Sao cơ, sườn tàu chưa đảm bảo? Chị biết? – Thúy xoay người nhìn thẳng vào mắt chị Huệ, hỏi nhanh.
- Em cứ bình tĩnh nghe đã nào!
- Chị nói đi?
- Sáng qua ca chị hàn khung tàu, đang dở việc thì mất điện, còn vài thanh chưa hàn kịp, đành bỏ dở. Chị đã báo cáo, đề nghị ca sau hàn tiếp. Ai ngờ sáng nay đã thấy ốp thép lá lên. Ca anh Thành nhận kế hoạch làm việc đó
- Trời! - Thúy thảng thốt; khuôn mặt cô biến sắc nhợt nhạt.
Không kịp chào chị Huệ, cô hấp tấp chạy lại phía ụ đà rồi trèo lên con tàu.
- Dừng lại! Dừng lại! - Thúy hét to khi tới tổ thợ hàn.
Mọi người ngạc nhiên ngước nhìn cô.
- Có gì vậy cô Thúy? - Người tổ trưởng hỏi.
- Sườn tàu chưa đảm bảo... Đừng hàn nữa! – Thúy vừa thở, vừa nói.
Tốp thợ hàn ngơ ngác nhìn nhau.
- Chưa bảo đảm à? Ai ra lệnh? - Vẫn tiếng người tổ trưởng.
- Ai ra lệnh... - Thúy hơi lúng túng - Tôi, tôi đề nghị các anh đừng lắp thép lá lên sườn tàu nữa. Tôi chịu trách nhiệm.
- Trách nhiệm! Công việc đóng tàu chứ phải đâu trò trẻ mà bạ ai cũng ra lệnh được - Người tổ trưởng càu nhàu rồi anh quay đi, hất tấm kính hàn xuống mặt, tiếp tục công việc.
Thúy chưng hửng. Sững lại một lúc rồi cô hớt hải ra khỏi ụ đà, đi nhanh về phía ngôi nhà hai tầng. Lúc này, khi đã trấn tĩnh lại, cô cũng thấy hành động của mình vừa rồi thật vô lý.
Thúy bước vào phòng kế hoạch. Không để mọi người kịp nhận ra, cô nói luôn:
- Báo cáo anh Hành, tôi xin được gặp anh mấy phút.
Hành ngồi sau bàn làm việc kê giữa phòng, ngẩng lên; đôi mắt mệt mỏi:
- Việc công hay việc tư đấy, cô em? - Giọng anh ta nhão nhợt.
- Sườn khung tàu còn sót mấy mối hàn, đề nghị anh cho ngừng việc lắp thép lá lại.
- Ngừng việc à? Thế nào, cô định hủy tiến độ của nhà máy đấy phỏng? Với cương vị gì vậy? Hành nói với ra, giọng đầy vẻ giễu cợt.
- Việc hạ thủy có thể chậm lại, nhưng chúng ta không được phép làm ẩu. Chắc anh cũng rõ rằng khi gặp gió bão, sự vững chắc của sườn tàu là điều cần thiết để bảo đảm an toàn... Chỉ cần một mối hàn bung ra, con tàu bị sóng đánh tơi từng mảng.
- Điều đó thì cô khỏi phải dạy tôi - Hành nói, giọng bực tức - Trước khi ngồi vào chiếc bàn này, một thời tôi từng làm thủy thủ và tôi hiểu thế nào là sức mạnh của biển cả..., còn công việc, tôi không quen làm tắt ngang. Hành như không để ý đến Thúy nữa, lại cắm mặt xuống mớ giấy bề bộn trên bàn.
Thúy ức muốn khóc. Cô lẳng lặng bước ra cửa, đến hành lang, còn nghe tiếng Hành nói với nhân viên:
- Người yêu là lính tàu, nên thông cảm với tình cảm bột phát ấy.
Thúy muốn quay vào nói một câu gì đó, song cô lại bước về phòng kỹ thuật.
Lâm Khanh không mấy ngạc nhiên khi nghe Thúy trình bày. Tuy vậy, anh cũng lên ngay phòng kế hoạch gặp Hành.
Biết chuyện, cả phòng kỹ thuật xôn xao. Người nào cũng tỏ sự bất bình. Sơn là người to tiếng phản đối nhất.
- Làm ăn đại khái, bừa bãi, phi kỹ thuật Nếu đúng như Thúy nói, tôi đề nghị truất chức ông Hành. Dù tốn bạc vạn cũng phải gỡ ra làm lại. Vô trách nhiệm! Vô trách nhiệm hết sức. Con người ấy muốn đưa con tàu ra làm mồi cho đại dương chăng? Trong tiến độ mà phi kỹ thuật là hạng bét, hạng bét! - Anh chàng vung tay và gào thét như một diễn giả đang kêu gọi mọi người vùng lên!
Hết giờ làm việc buổi chiều, Lâm Khanh quay lại. Chỉ còn Thúy ngồi chờ ở phòng.
- Thế nào anh, ông Hành phải đồng ý cho ngừng công việc chứ? - Thúy hỏi.
- Thúy có dám chắc rằng còn một vài mối hàn ở sườn tàu chưa xong không? - Lâm Khanh hỏi, vẻ mặt băn khoăn.
- Chính người làm công việc đó nói với em.
- Khó nhỉ!
- Có gì khó? Ta gỡ ra, kiểm tra và cho hàn tiếp.
- Không đơn giản như vậy đâu. Còn bao mối liên quan. Còn kế hoạch, còn sự hao hụt về kinh phí, và còn danh dự nhà máy.
- Em nghĩ chúng ta đang làm công việc bảo vệ danh dự nhà máy.
- Đành rằng thế. Liệu có động cơ cá nhân trong việc này không Thúy, anh Hành bảo rằng...
Không để Lâm Khanh nói hết, Thúy bật dậy, khuôn mặt nóng bừng và bao nhiêu bực tức cố nén từ chiều, bung ra:
- Hoặc anh không hiểu gì người công nhân, hoặc anh là kẻ vô trách nhiệm.
- Kìa Thúy!
- Vâng, nếu cốt hoàn thành kế hoạch để ông Hành và anh có dịp hoa chân múa tay ba hoa với cấp trên thì tôi đồng ý công việc tiếp tục. Song tôi sẽ làm một lá đơn mời hai anh ký vào: "Nhằm bảo đảm tiến độ, hạ thủy đúng kế hoạch, mặc dù còn một số trục trặc về kỹ thuật...".
- Thúy, anh không có ý định nói như thế!
- Vậy anh định sao? Chị Huệ vì trách nhiệm với nhà máy, vì số phận sau này của con tàu, vậy mà anh...
- Nhưng anh Hành bảo rằng... Phải tế nhị. Công việc không thể nóng vội được - Lâm Khanh phân bua - Nếu còn sót một vài mối hàn thì trách nhiệm trước hết thuộc về phòng kỹ thuật chúng ta. Khâu kiểm tra có chỗ hở.
- Thuộc về chúng ta thì chúng ta nhận kỷ luật với giám đốc.
- Anh không sợ điều ấy, nhưng làm việc gì cũng phải chắc chán. Em cứ về, anh sẽ kiểm tra và bàn với anh Hành.
- Anh nên nhớ rằng càng kéo dài thời gian, việc tốn kém càng lớn. Tối nay tôi sẽ quay lại nhà máy chờ giám đốc đi họp về. Tôi chưa bỏ cuộc đâu!
Nói xong, mặc cho Lâm Khanh trơ giữa phòng, Thúy đi ra cửa. Như một thói quen, cô bước nhanh về nhà.
Bữa cơm dọn ra chỉ có canh rau cải luộc và nước mắm. Thúy và mèo đều ăn uể oải, buồn tẻ.
- Chịu khó ăn đi, mai tao sẽ mua cá cho mày. Hứa là có.
Mèo mướp ngước mắt nhìn, rồi bước lại bên Thúy ngồi xuống.
Buổi tối Thúy chưa kịp đến nhà máy thì Lâm Khanh tới. Cả hai người đều cảm thấy ngường ngượng. Thúy ân hận vì đã nặng lời với anh. Lâm Khanh không có lỗi trong chuyến này. Anh chỉ là cái cớ để Thúy trút nỗi bực của mình. Lâm Khanh thì nghĩ rằng có lẽ Thúy cho mình là người buông xuôi, rụt rè và giải quyết công việc hời hợt không đến nơi đến chốn. Thực ra sau khi Thúy về, anh đã xuống ụ đà và biết chắc những điều Thúy nói là đúng, với cương vị trưởng phòng kỹ thuật, anh cho ngừng việc hàn thép lá ra ngoài sườn tàu, sau đó anh đi tới nhà Hành. Và anh đã gặp điều không vui khi tới đó. Trong bộ phi-gia-ma kẻ sọc màu sáng, Hành kéo anh ngồi vào xalông và mở tủ lấy rượu. Vợ Hành cũng hết sức đon đả. Chị ta trên ba mươi, nhưng còn duyên, đầy sinh lực, người mẩy, da mặt trắng, mắt sắc, miệng rộng, đi đứng nhún nhảy như dưới bàn chân gắn lò xo. Không khí gia đình không có một biểu hiện gì chứng tỏ rằng họ đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh. Khanh kín đáo liếc căn nhà và nghĩ: "Chẳng lẽ móng vuốt chiến tranh lại loại trừ ngôi nhà này? Ít ra chủ nhân cũng biết rằng sẽ tới lúc nào đó, rất có thể một quả bom hoặc một quả rốc két rơi trúng chứ?".
- Giầu nghèo, sống chết có số cả anh Khanh ạ - Như hiểu được ý của Khanh, vợ Hành xởi lởi - Chẳng giấu gì anh, em đi bói, người ta bảo số em trường thọ, nghĩa là chưa chết được. Với nữa người ta ai chẳng khỏi chết, cho nên sống được ngày nào, cứ sống đàng hoàng... Anh Khanh uống chút rượu cho nóng người!
Rồi chị quay sang chồng:
- Anh đi xuống bếp trông cơm, chẳng mấy khi anh Lâm Khanh tới chơi, để em tiếp.
- Cơm cháo là việc của đàn bà chứ nhỉ! - Hành lợt lạt cười đôi mắt nhìn vợ có ý thăm dò phản ứng.
- Nhưng ở nhà này, ai bảo anh là đàn ông, anh Hành? - Giọng người vợ ngọt lạnh, nhưng nghe trong đó có một vẻ gì đầy uy quyền.
- Là anh nói thế. Nấu cơm à? Ư thì nấu cơm... Việc gì Hành cũng làm được tất.
- Kẻo mà khê lại xúi!
Sợ phải ngồi lâu, Khanh nói luôn:.
- Tôi có chút việc cần bàn với anh.
- Có gì, cậu cứ nói với nhà mình, nhé!
Khanh ngạc nhiên:
- Việc nhà máy mà, anh! - Rồi Khanh nói nhanh như sợ mất thời cơ - Anh Hành ạ, tôi đã cho ngừng việc hàn những tấm thép lá.
- Sao? - Hành hốt hoảng xoay người lại, trừng trừng nhìn Lâm Khanh.
- Không thể khác được! Tôi chịu trách nhiệm trước giám đốc.
- Anh chịu trách nhiệm à? Còn tôi? - Khuôn mặt Hành bợt ra, rồi lại đỏ lên - Tốn kém hàng vạn bạc, ai cho phép các anh... Tôi đây mới là người chịu tráchnhiệm về kế hoạch của nhà máy, rõ chưa? - Hành nói to. Cách đây ít phút trông người này hiền khô, nhũn như con chi chi trước vợ mà lúc này khuôn mặt anh đỏ gay, đôi mắt ngước lên vẻ dữ tợn - Ai cho phép? Ai ra lệnh? Ai cho các anh cái quyền cản ngang tiến độ công việc của nhà máy. Ai cho?
- Lương tâm tôi, anh Hành ạ! - Giọng Khanh vẫn từ tốn.
- Anh sẽ chịu mọi hậu quả, mọi hậu quả, rõ chưa! Mà tôi sẽ không để các anh lũng đoạn nhà máy thế đâu.
Hành bực bội dằn mình xuống ghế.
Người vợ lừ mắt:
- Anh Hành! Anh phải nhớ anh Lâm Khanh là khách của tôi!
- Xin lỗi em. Nhưng, nhưng anh bực quá! Tất cả là tại cái con Thúy.
Người vợ hất cao mặt, hai hàm rằng sít vào nhau:
- Lại con Thúy nào nữa thế, hử?
- Tôi đến để báo với anh về công việc - Khanh cố nén xúc động - Bây giờ thì chào anh, chào chị.
- Kìa, anh Lâm Khanh - Vợ Hành bước tới ngăn Khanh lại - Em mời anh ở chơi với em kia mà!- Rồi quay sang chồng, chị ta vặc - Chỉ nóng!Tôi đã bảo đi xuống bếp!
Ra khỏi nhà Hành, Khanh thấy buồn. Anh rẽ sang phải lần theo đường Trần Phú đến ngôi nhà hai tầng quen thuộc. Và lúc này, ngồi cạnh Thúy, anh thấy ấm lòng
Thúy nhìn khuôn mặt đượm buồn của Khanh, thấy thương anh. Tai sao hồi chiều cô lại trút bực bội lên con gười ấy? Vô lý hết sức! Giá như khi ấy Khanh nổi cáu, quát lại Thúy, chắc rằng cô đỡ ân hận hơn. Lúc này cô muốn nói một câu gì đó như thể là sự xin lỗi để Khanh hiểu cô hơn, nhưng Thúy im lặng.
- Vợ anh Hành làm gì, Thúy nhỉ? - Khanh hỏi.
- Em cũng không rõ lắm. Nghe đâu trước đây có buôn bán ở chợ Sắt.
- Em còn cơm nguội không?
- Chờ em chạy ra phố kiếm chút thức ăn nhé.
Thúy thấy vui, cô chạy vội xuống cầu thang.
Khanh nhìn theo, xốn xang. Anh ngắm căn phòng bé nhỏ, đồ đạc đơn sơ nhưng xếp gọn gàng, ngăn nắp, thấy khát khao cuộc sống ấm cúng của gia đình. Cái tình cảm vốn có ở anh với Thúy, anh cố nén, lại bùng lên. Đã bao lần Khanh tự hỏi: tại sao anh yêu Thúy, nhưng không sao giải đáp được. Thêm nữa, anh nghĩ rằng khi đã giải thích được tôi yêu cô này vì, một là... hai là...., và ba là... thì đó đâu còn là tình yêu! Lúc ấy tình cảm đơn thuần là một phép cộng, một sự tính toán. Tình yêu có những bí ẩn chẳng thể lý giải... Không thể nhớ hết đã bao ngày anh thấp thỏm trước cửa phòng làm việc để chỉ được thoáng thấy bóng Thúy vào cổng nhà máy. Biết cô đi làm, anh an tâm. Và sau hết giờ, nhìn dáng Thúy thon thả, thắt đáy như lưng con kiến bống đi ra cổng, anh nao cả người. Anh đã quá quen rồi bước chân của Thúy, giọng nói của cô, giọng nói ấy với anh thân thuộc, gần gũi và cần thiết biết chẳng nào? Những hôm vì lý do gì đó, Thúy vắng mặt ở nhà máy, anh thấy nhớ, thấy chơ vơ, làm việc gì cũng phấp phỏng. Ngày nào không gặp Thúy, không nghe giọng nói của Thúy, dù Thúy không nói với riêng anh, anh thấy ngày ấy trống trải, cô đơn và thiếu thiếu một cái gì. Vậy mà cuộc đời thật trớ trêu, tất cả những tình cảm ấy, anh đành phải ghìm xuống. Anh biết Thúy chẳng bao giờ là của riêng anh: cô đã có người yêu. Khi yêu mà biết rằng mình không được yêu, người ta càng yêu hơn... Tình yêu có những quy luật thật lạ, trong nhà máy khối cô gái trẻ, đẹp để ý đến anh, mơ tưởng đến anh, thầm mong được anh để ý đến, nhưng như thể là bị trời hành, anh không thể yêu ai được. Anh dửng dưng trước mọi biểu hiện tình cảm của họ.
Khanh ngó quanh một lượt. Căn phòng ấm áp và thơm tho quá? Ở Hà Nội, Khanh cũng có ăn phòng như thế, một căn phòng trong ngôi nhà nhiều phòng gia đình dành cho anh; nhưng căn phòng ấy với anh lại lạnh lẽo và đầy hãi sợ. Đi khỏi đó, Khanh như trút được món nợ. Nơi ấy luôn luôn vẳng lại tiếng chửi rủa, tiếng nói bóng, nói gió của người mẹ kế lắm điều, một người không thiếu tiền mà thiếu tình. Những ngày là sinh viên, có mấy bữa anh về nhà. Nhớ bố anh chỉ đảo qua thăm một lát rồi đi. Nghĩ đến bố, anh vừa thương vừa giận... Mẹ anh chết khi anh mới mười ba tuổi. Thời còn sống, bà chắt bóp, tần tảo và có buôn bán ít nhiều nên tậu dược ngôi nhà khá khang trang giữa một phố sầm uất Gia đình sống khá giả. Sau khi mẹ qua đời, người bố sinh ra nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc. Những gì mẹ anh sắm được dần dần đội nón ra đi. Cuối cùng ngôi nhà cũng phải gán nợ. Người bô tiền để được đứng tên ngôi nhà ấy không ai khác, chính là người mẹ kế của anh. Từ đô gia đình suy sụp. Anh luôn luôn nghe nhữngtiếng dằn hắt: “Bố con ông lười, ăn bám tôi". "Tôi lấy ông, chẳng khác lấy nợ, như tự mua dây trói mình". "Tôi không sẵn tiền mà bám mãi thế!" vân vân... Bố anh dần dần chai lỳ trước cảnh đó. Anh thì không thể quen được. Song, may mắn thay, anh cũng thoát khỏi nơi ấy... Lắm lúc anh chua chát nghĩ giá có một quả bom rơi trúng ngôi nhà! Nhưng liền sau đấy, anh rợn người cho rằng mình độc ác và ích kỷ. Và những kỷ niệm về mẹ trong ngôi nhà dội tới khiến anh xót xa, đau nhói.
Có một căn phòng ấm cũng cảnh hạnh phúc gia đình vốn là khao khát đốivới anh từ lâu.
Khanh bước lại chiếc bàn của Thúy. Và anh bắt gặp đôi mắt trong trẻo của Lê thời mới nhập ngũ, trong tấm ảnh bán thân lồng sau kính. Tấm ảnh được treo ngay ngắn ở vị trí rất thích hợp và không hề có một vết bụi chứng tỏ chủ nhân ngày nào cũng sửa sang, ngắm ngó đến. Khanh nhìn người chiến sĩ hải quân trong ảnh thấy ghen tị với anh. Thực tình đã có lúc Khanh hoang mang nghĩ rằng phải chăng muốn có hạnh phúc là phải giằng lấy, phải cướp lấy; không có thứ hạnh phúc nào bỗng dưng rơi tọt vào tay. Nhưng vốn bản tính nhân hậu, rụt rè, nên anh âm thầm tự giày vò mình. Với nữa tình yêu chung thủy của Thúy đối với Lê là chỗ tựa vững chắc cho lòng tự trọng trong anh. Lòng tự trọng của người có văn hóa không bật đèn xanh để anh vượt quá giới hạn cho phép.
Khanh rời mắt khỏi tấm ảnh, cố nén tiếng thở mạnh. Anh bước lại phía chú mèo mướp. Trước đây, khi Khanh tới, mèo mướp thường cong mình lên, vểnh râu ra, miệng u ứ và đôi mắt mở to, thế thủ. Nhưng nay không thế nữa. Nó đã quen, biết anh là bạn của cô chủ. Thúy về. Vội vã nhóm lửa, hấp lại cơm, kho thịt. Khanh muốn giúp Thúy nhưng ngại. Anh vớ cuốn sách trên bàn, ngồi đọc.
Thúy tất tả với niềm vui sẽ đưa lại cho Khanh bữa ăn ngon miệng và trong ý thức có phần nào như để chuộc lại sự nóng nảy chiều nay. Khuôn mặt Thúy bên bếp lửa trắng hồng, đôi mi dài, cong... Khanh không dám nhìn lâu vào khuôn mặt ấy.
Bữa ăn đơn giản nhưng Thúy bằng lòng. Khanh ăn không khách sáo, luôn khen ngon. Mặc dù đã ăn rồi, Thúy vẫn ăn thêm cùng anh bát nữa.
- Ngày mai giám đốc đi họp về sẽ duyệt sáng kiến cải tiến cách lắp ghép khung tàu của em, Thúy ạ - Khanh nói khi hai người đã ăn xong - Sau đó em còn phải trình bày trước hội đồng kỹ thuật.
- Riêng anh, cái sáng kiến đó thế nào? - Thúy hỏi.
- Bình và Sơn khen lắm. Chắc giám đốc hài lòng. Em đã đưa lại cho phòng kỹ thuật niềm tự hào.
- Sơn giúp em rất nhiều trong việc này. Những tính toán đều do Sơn làm cả.
- Nghe nói đã yêu một cô thợ hàn ở tổ chị Huệ. Tình yêu đến với mọi người thật nhanh, thật dễ...
Thúy cười:
- Còn với anh thì sao?
Khanh lúng túng, hai vành tai đỏ ửng. Anh mở cuốn sách cầm ở tay:
- Thúy đọc, Vích-to Huy-gô à? ông ta là một nhà nhân văn lớn. Tấm lòng của ông đối với mọi người thật sâu sắc
"Ôi biết làm thế nào, chẳng lẽ như vậy là mình có lỗi!" bước lên cầu thang sau khi đã tiễn Khanh ra tới đường, Thúy nghĩ. Cô đi nhanh vào phòng, cài chặt cửa và tự dưng thấy trái tim mình thổn thức. Cô có cảm giác như chưa bao giờ mình nhớ Lê như lúc này. Lại gần bàn, Thúy thần mặt ngước nhìn tấm ảnh. Người lính thủy trong ảnh cũng nhìn cô, rất lâu. Ánh mắt anh như muốn bảo: Anh vẫn ở bên em mà! Thúy gỡ tấm ảnh, lấy tay vuốt nhẹ lên mặt kính. Cô ngắm chàng trai, rồi bất ngờ áp tấm ảnh lên ngực mình. Cô thả người xuống ghế, đôi mắt nhắm lại, hai má nóng bừng. Tim cô đập rộn lên. "Ôi, giá mà anh hiểu em yêu anh đến như thế nào!".
*
Sáng hôm sau Hành đến nhà máy sớm. Anh ta xốc thẳng tới ụ đà.
- Coi chừng ở đây có kẻ phá hoại sản xuất đấy nhé! - Tới tổ thợ hàn, anh ta rao bâng quơ, đe dọa.
- Tại sao lại bắt chúng tôi ngừng việc, anh Hành? - Người tổ trưởng tổ thợ hàn hỏi - Thi gan với bom đạn, tranh thủ từng giờ để sản xuất, bây giờ ngồi chơi à? Kế hoạch của các anh hay nhỉ?
- Không những chỉ ngồi chơi, mà sắp tới chúng ta còn phải tháo gỡ những tấm thép này ra chưa chừng - Hành cố tình nói với giọng khiêu khích.
- Gỡ ra? Các anh coi sức lao động của chúng tôi là cái gì? Là nước lã à? Tiền bạc của Nhà nước chứ không phải vỏ sò, vỏ hến.
Khuôn mặt Hành vẫn lạnh như không.
- Ấy, nhưng có kẻ ton hót rằng chúng ta làm sai quy cách thì sao? Mà đã sai là dứt khoát phải sửa.
- Kẻ nào? - Người đội trưởng sấn tới trước Hành, đôi mắt quắc lên giận dữ - Anh em công nhân chúng tôi không có trách nhiệm phỏng? Dễ chừng tôi không rõ con tàu này là của mình, làm những việc cho mình chắc? Kẻ nào dám nói bậy, hả?
- Đương nhiên người đó không phải tôi! - Hành cười nhợt nhạt, vẻ thỏa mãn hiện rõ trên khuôn mặt - Đó là một kẻ giấu mặt. Ở đây họ có ý đồ cá nhân, hoặc đó là kẻ cố tình phá hoại sản xuất.
Tốp thợ hàn xôn xao. Nỗi bất bình dấy lên trong hết thảy mọi người.
- Chúng ta thách ai tìm ra cái gọi là sai quy cách?
- Thế đấy! - Hành đứng lên một khung sắt, đôi mắt ranh mãnh lướt nhìn mọi người - Hôm qua có kẻ mách rằng khung tàu của chúng ta chưa bảo đảm...
- Nhưng đó là sự thật thì sao, thưa đồng chí trưởng phòng kế hoạch?
Có tiếng cất lên phía sau. Mọi người ngơ ngác quay lại. Chị Huệ bước tới phía Hành.
- Chính tôi đã nói điều ấy và tôi chịu mọi trách nhiệm với lời nói của mình - Chị nhìn mọi người - Thưa các đồng chí, việc khung tàu chưa bảo đảm kỹ thuật là có thật... Tôi là thợ hàn, tôi rõ điều đó. Và cũng như các đồng chí, trách nhiệm của người thợ không cho phép tôi bỏ qua việc ấy... Tôi chỉ ân hận là, đáng lý ra tôi phải nói điều đó sớm hơn. Dù sao cũng chưa phải quá muộn... Anh Hành muốn tìm người mà anh cho là kẻ phá hoại sản xuất thì tôi, chính kẻ đó là tôi!
Hành lúng túng, khuôn mặt tái nhợt. Hết sức bối rối nhưng cố làm vẻ bình tĩnh, anh ta xẵng giọng:
- Được! Chị phải chịu, phải chịu mọi hậu quả...
Trước mặt Hành, chị Huệ cứng cỏi, nhưng đến buổi chiều, gặp Thúy, chị gục đầu vào vai cô và khóc.
- Sao phải khóc hả chị? - Thúy an ủi - Chúng mình sống trung thực...
Người Của Biển Người Của Biển - Người Của Biển