"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 61
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ột tiếng gà gáy. Trời đất! Gà ở đâu mà gáy vậy? Một âm thanh làm tôi điếng người. Có một làng quê ở đâu đây hay sao? Trời đã trưa trờ rồi mà nó lại mới báo bình minh. Lâu nay mình không nghe tiếng gà gáy tiếng chó sủa, không biết tới mái nhà, không biết sự êm ấm. Toàn hóc búa, thô lỗ, hấp tấp, giành giật, chen lấn, bòn mót, liều mạng. Cuộc sống mọi rợ hoàn toàn nảy lên giữa đám người tự khoe văn minh.
Tôi bỗng buột miệng hỏi:
- Anh biết thằng Quang không anh Bảy?
- Con bà Mười “Thép” ủy viên Trun ươn?
- Nó chết rồi.
- Ừ, thằng Phẩm nói cho mày biết chớ ai!
Im lặng một chốc, Hoàng lại nói:
- Nó chưa tới số chết mà tại nó muốn chết!
- Tội nghiệp!
Hoàng lặng thinh, một chốc:
- Tụi quí tộc đỏ hư hỏng hết. Tao biết chúng nó rành hơn mày. Tao gặp tụi nó ở ngoại quốc cơ. Không có đứa nào học hành nên thân hết. Toàn chơi bời phá phách, Đại sứ quán của mình lo trị tụi này mệt hơn cả làm việc nước. Chúng nó phá nát kỷ cương của sinh viên du học. Con ông cháu cha thời nào cũng vậy. Hễ cha làm thầy thì con bán sách. Có thằng lấy con gái người ta có bầu. Con gái ở bên đó dễ “gà” lắm, không có phải như con gái Hà Nội đâu. Gái Hà Nội mình nắm tay được cũng còn là khó huống nữa là cái sự kia. Còn đám đó thì dễ thôi. Đá lông nheo vài phát là ăn thua rồi. Nhưng bọn sinh viên thường, bậc trung có dấm dớ cũng phải kỹ lưỡng, mày hiểu không? Nếu không kỹ để “lộ ra da” thì chết! – Hoàng bị khui trúng tủ, xổ như liên thanh – Đại sứ quán kêu lên kiểm thảo rồi cho “về xứ trồng khoai lang” ngay. Còn tụi quý tộc thì không nhằm gì. “Lập thành tích vĩ đại” ở Bungari xong thì được thuyên chuyển qua Đông Đức, lại “lập thành tích vẻ vang” thì lại đưa qua Liên Xô chạy tang!
- Thế là lai giống Tiên Rồng thành quốc tế chớ sao?
- Cái thằng Quang này là thằng đạo đức, đàng hoàng một cây. Tao chưa thấy thằng nào như nó.
- Dân Nam Kỳ mà không lang bang à?
- Bậy hoài mậy! Bộ hễ dân Nam Kỳ thì lang bang hay sao? Như tao nè, đạo đức số dzách! Hí … hí … hí … Để yên, tao kể chuyện thằng quý tộc cho mày nghe. Nó sang Liên Xô ba tháng học môn chính trị xã hội gì đó. Nó chán! Nó đòi về. Bà Mười cho nó sang Tiệp. Ba tháng nữa, lại đòi về.
- Không “lập thành tích” gì ráo à?
- Không! Nó về vì nó chán! Nó bảo học năm năm về cũng chả làm được cái gì hay ho ngoài cái bằng cấp phó tiến sĩ giấy. Nó về nước hẳn chứ không đi nước nào nữa cả. Bà Mười chỉ có nó là con trai. Bà chăm chút nó dữ lắm. Em nó là con Thư mày biết không?
- Nghe nói!
- Coi cũng được lắm! Nhưng nó lại mê thằng kép cải lương Nam Bộ. Thằng này đóng
vai Lữ Bố! Mày biết nó mà. Già khú rồi. Mặt nhăn như da ổi. Hổng biết nó mê thằng nọ chỗ nào? Con nhỏ mê man tàng tịch, bà già rấy la không nổi!
- Mê cái chỗ đó chớ chỗ nào?
- Thằng nọ vợ con đùm đề rồi chớ phải chân trơn hay sao mà nhảy vô? Hai đứa hẹn nhau ở hội sân khấu đường Ngô Văn Sở. Nó mang tới đủ thứ đồ bổ. Tao gặp và được thằng Lữ Bố mời một lần. Mẹ! Ăn rồi chạy rong khắp ba mươi lăm phố phường như chó điên, đụng ai cũng muốn ngoạm.
- Thứ bổ gì mà dữ vậy cha?
- Đồ bổ của Kim Nhựt Thành tẩm gân mày biết không?
- Sâm à?
- Củ nào của nấy bằng củ củ … cải..ải vậy mày ơi! Mình cả đời không nếm được một lát còn nó đem hầm bồ câu cho thằng Lữ Bố ăn.. để nó múa lang ba cây kích sắt!
- Ở đâu mà nó có nhiều vậy?
- Cái thằng! Nó lấy phiếu của bà Mười vô Tôn Đản cái gì mà hổng có chớ! Muốn hốt bao nhiêu mà hổng được? Còn nhiều thứ khác còn ác hơn nữa mày ơi!
- Thứ gì mà ác hơn nữa?
- Bòi, dái, cừu Mông Cổ!
- Trời đất! Có các thứ đó nữa sao?
- Đại lãnh chúa mới có phiếu mua các thứ này mày ơi! Nó đã vô hộp đặc biệt hết rồi dán nhãn đỏ chữ mạ vàng. Ăn chưa hết đã lật màn làm tại mâm mà! Cho nên tới lui chẳng bao lâu, con nhỏ mang cái bụng thè lè, cần cổ cao nhòng lên. Bà Mười rầy nó, nó vác mùng vác chiếu lại ở luôn với thằng Bố…
- Vợ nó đâu?
- Dân Nam kỳ làm gì có tiêu chuẩn mang vợ ngoại trừ mấy thằng xếp.
- Rồi ở luôn à?
- Bả tới bắt về. Nó tự vận bằng dầu nóng. Đem vô nhà thương… giấu kín lắm, nhưng ai mà chẳng biết. Có một mình mày không hay gì hết thôi.
Tôi cười:
- Cha nhầm rồi! Con nhỏ không phải mê thằng Lữ Bố. Nói vậy tội chết. Nó khoái thằng họa sĩ vẽ phông màn cải lương vì thằng này có vẽ cho nó một bức chân dung. Vẽ xong anh chàng đề ngay dưới bức ảnh một câu: “Người đẹp tôi tôn thờ suốt kiếp.” Do câu đó mà nàng cảm… gió mạnh! Còn một chi tiết nữa ông kể cũng sai. Nàng không đem chăn màn tới ở chung với thằng Bố. Cơ quan đâu có chỗ chứa. Hai đứa đi mướn nhà riêng hè hè… Còn khúc sau thì đúng y vậy.
Hoàng tiếp:
- Thằng Quang đi nước ngoài về nhà đụng ngay cái màn cải lương đó. Đã chán nước ngoài về “nước trong” lại càng thêm ngấy. Bà Mười cũng rầu nhưng bà nghĩ tới tuổi già trên sáu mươi rồi không có cháu bồng. Bà bèn chạy hỏi vợ cho nó. Bà tìm ra chỗ đồng chí cựu trào. Bà mừng gặp được con giòng cháu “giống.” Bà làm đám cưới tức thì…
Hoàng đang kể hăng say thì có tiếng la oai oái. Hai đứa nhìn về phía có tiếng kêu, thì ra máy bay tới. Người ta kêu dập lửa và lấy quần áo dẹp vô trong lều.
Tôi và Hoàng ngồi im trên võng nhìn mặt nhau, chờ xem loại máy bay nào. Thình lình trên không có tiếng phát ra vang vang:
- Allô, allô nghe đây! Tôi là Trung tá Nguyễn Văn Hàm, Tham mưu trưởng Trung đoàn X3 bị bắt ở trên đường mòn cách đây ba trạm về phía Nam. Đơn vị của tôi bị phục kích bất ngờ nên chống cự không được. Trên năm mươi binh sĩ trong Trung đoàn bị thiệt mạng và trên hai mươi binh sĩ bị bắt sống. Tôi mang theo ba thứ tiền Việt Miên Lào để mua thực phẩm cho đơn vị. Tôi biết hiện giờ anh em còn trốn tránh trong rừng vậy nên tôi đã ném trả lại số tiền đó để anh em chi dùng. Hiện giờ tôi có đầy đủ thức ăn thức uống… Allô, allô! Anh em thân mến! Có khi nào anh em tự hỏi mình chịu đói chịu khát để ai hưởng không? Có bao giờ anh em trông thấy một đứa con đứa cháu nào của mấy ông to bà lớn đi trên con đường này không? Chúng nó đi giải phóng Miền Nam bên Liên Xô, Tiệp, Đông Đức. Thậm chí có đứa sang tận Cu Ba để giải phóng Miền Nam…
Hoàng nói ngang:
- Tụi này đểu thật! Nó chơi mình mười cú không sai một.
- Hôm trước một cú, đã xính vính, nay bồi thêm cú nữa!
- Mặc mẹ nó, đừng có nghe nữa uổng lỗ tai.
Chiếc máy bay vòng vòng phát hết bài bản rồi rải giấy và biến đi.
Hoàng quơ lượm và nói:
- Thứ này mình đang cần đây. Nhóm lửa là nhất!
Tuy nói vậy Hoàng vẫn đọc.
Tôi giục Hoàng:
- Mình đi ăn cơm rồi giải quyết vụ con chó xem sao!
Cơm đã nấu hồi hừng sáng, để tới bây giờ cứng quánh như đá nhưng ráng nuốt.
Hai đứa dặn Thiệp ở nhà coi chừng đồ đạc cho kỹ rồi dắt nhau đi đến lều có con chó mà chủ nhà đã hứa đổi cho hôm trước.
Dọc đường, Hoàng nhặt được thêm vô số “thứ nhóm lửa tốt.” Hoàng chắc lưỡi:
- Mình bị “đẽo” hết nhát này tới nhát khác.
- Đi đâu coi bộ cũng không khỏi. Nó ở trên đầu mình nó bổ xuống mà.
Đến chỗ ông chủ nhà đổi chó, chúng tôi chìa ra một cái đồng hồ và một cái blouson da. (Chiếc áo này Hoàng mua từ nước ngoài, định đem về làm quà cho con trai). Chủ nhà là một người đàn ông tóc hoa râm. Ông có cả một cái lều gần giống cái nhà lợp bằng lá rừng chớ không phải căn lều ni-lông như tụi tôi, – một loại nhà đá nhà đạp nhưng khéo léo và tươm tất hơn cái nhà của anh giao liên Phẩm. Bên cạnh ông ta cũng lại một cái nhà khác to hơn nhưng xập xệ hơn trong đó ẩn nấp hai vợ chồng và một đứa bé. Chồng đang chẻ củi. Vợ ôm con hát trên võng.
Ông chủ chó nói ngay:
- Tui thì tui muốn đổi nhưng anh tê lại can. Anh với tui ở chung một thôn. Chạy lên đây có hai anh em. Lúc chạy chị ấy có thai. Mới sanh được hơn một tháng. Anh ta nói để con chó lại cho vui cửa vui nhà. Ở trong rừng có tiếng chó sủa nó ấm áp, cũng như thêm đứa con nít vậy. Hôm qua tôi tính sai…
Nghĩ rằng ông ta chê cái đồng hồ và chiếc áo chưa cân với con chó – của đáng tội, nó chỉ bằng bắp chân thôi – tôi móc túi, định đưa thêm bửu bối, nhưng ông ta khoát tay:
- Không đâu, mấy tui cũng không đổi! Tôi chạy lên đây, vợ con bỏ hết, ôm được nó theo làm bạn. Tưởng là vô dụng nhưng khi lên đến đây rồi, thấy nó hữu ích lắm. Nhìn cây rừng tối ngày, thấy nó cũng vui và đỡ nhớ nhà. Có chút gì ăn cũng chừa cho nó. Đi đâu nó cũng chạy theo chân. Bây giờ vì miếng ăn mình lại bán nó ư. Ra mình ác quá!
Nếu ông ta đòi cò kè bớt một thêm hai thì hai tên công tử bột này sẵn sàng phình bụng, mấy cũng đổi, miễn có chút thịt bồi dưỡng, nhưng đây là vì lý do triết lý luân lý của một con người ly hương, nên hai đứa tôi đành rút lui ý kiến. Hoàng hỏi:
- Đồng chí hoạt động ở xã à?
- Tất cả các lều chung quanh đây đều là xã ủy cả. Cái xã chúng tôi địa dư ác lắm. Trước mặt thì biển, sau lưng là núi. Nó bịt hai đầu, nó ruồng khúc giữa là có môn bay lên trời thôi chứ không còn lối nào thoát cả.
- Vậy làm sao đồng chí hoạt động được?
- Có hoạt động gì đâu. Sống được đây đã là thắng lợi rồi. Bi bắt hết ráo, sót mình tôi. Lớp nào còn sống thì dần dần ra đầu thú rồi xin giấy chứng nhận để làm ăn, mỗi ngày trình diện ấp một lần, ba ngày trình diện xã một lần. Nó nêm mình khít rim như nêm cối không cục cựa được.
- Các anh về Nam hả? – Ông ta hỏi lại tôi.
- Vâng
- Không biết ở trong đó có dễ thở hay không?
Đứng nói chuyện tình hình một lúc, tôi hỏi:
- Đồng chí biết chung quanh đây có ai đổi món gì không?
- Có cái đồng chí kia có con gà trống, đâu các đồng chí đến hỏi xem.
Tôi nhìn con chó Vàng ốm nhom nằm bên gốc cột. Mõm nó đen, bốn chưn cũng đen: Hình như nó hiểu lời chủ nó phân trần với chúng tôi. Ở khóe mắt nó tôi thấy dường như có một ít nước mắt. Tôi thấy tội nghiệp con vật. Chiến tranh làm cho người cả vật đều khổ. Tôi bật ra câu hỏi bất ngờ:
- Mà làm sao đồng chí lại bế nó theo được?
Ông chủ lều nghẹo đầu sang bên và nói:
- Cái số nó khổ ông ạ! Tôi đi trong đêm mù mịt, đâu có thấy gì. Qua một xóm nọ, giao liên bảo ngồi nghỉ ở mép đường chờ cho đám nhân dân tự vệ đi qua rồi sẽ tiếp tục. Đang ngồi dẫu tai nghe tiếng động thì lại nghe có tiếng rên rỉ và vật gì nhồn nhột bên chân. Tôi quờ thì đụng nhầm nó. Tôi chẳng suy nghĩ gì cả. Tôi cởi khăn choàng ở cổ bọc nó luôn, quảy bên nách và bảo thầm: Tao sống mày sống. Tao chết mày giữ mả cho tao. – Ông trỏ con vật – Ba tháng rồi mà mới bây lớn đó. Có cái gì ăn mà lớn được!
Hai đứa men tới chỗ chủ gà. Con gà bi xiềng chân vào gốc cột. Mào đỏ chóe, lông xước xù xì. Chúng tôi ngỏ ý đổi đồ nhưng người chủ, một ông già đầu.bạc trắng đáp:
- Để nó gáy cho ấm làng.
- Sao cụ lên đây vậy?
- Chúng nó treo giá đầu tôi một trăm đấu thóc, không đi để nó bắt à?
- Cụ làm gì mà nó treo giải thưởng vậy.
- Tôi chỉ huy ám sát tụi thôn trưởng ác ôn nhưng thất bại. Mình giết người thì người giết lại. Tôi chẳng hận gì cả. Chi có cái buồn. Buồn chết người đi được. Các anh về Nam hả.
- Vâng.
- Tôi là dân Ba Tơ của Nguyễn Chánh đây các anh ạ. Ông ấy bỏ chúng tôi thế này cũng hơi khó coi. Ổng ra ngoái đóng lon Trung tướng phải không?
- Đúng! Nhưng ổng đau nặng và chết rồi!
- Thế à? Chúng tôi ở trong này mắt mù, tai điếc, có biết gì đâu!
- Sao cụ già yếu rồi lại không đi tập kết?
- Ông Chánh ổng bảo phải ở lại giữ cơ sở. Cố chịu hai năm là tương lai rực rỡ. Mười năm còn chịu được. Hai năm nữa là bao. Ở thì ở! Đến nay là mấy “hai năm” rồi? Tôi không còn nhớ nữa. Hừ! Cách mạng đang thắng lợi ngon như gỏi, bỗng nhiên chúng tôi ra thế này, thật chẳng hiểu sao. – Lão già nổi nóng ngang – Các anh có ở trong này thì mới biết nỗi khổ của thằng cán bộ. Sau khi tàu tập kết lui rồi, chúng nó tố Cộng ngay. Đêm nào cũng tố. Không một ngoe nào lọt lưới. Anh nào không bị bắt thì ra đầu thú. Không đầu thú không bị bắt thì mau mau lên rừng. Ở dưới đó sớm muộn gì cũng bị nó thôi. Chúng tôi có tổ chức một chuyến ra Bắc bằng đường biển để báo cáo tình hình nước sôi lửa bỏng ở trong này. Liều chết mà đi. Nhưng không biết có ra tới không?
- Chắc đã tới rồi cụ ạ! Vì thế cho nên mới có con đường này. Hoàng nói.
- Người có về thật nhưng khó xuống dưới đó lắm!
Không muốn vướng vào những thắc mắc thâm căn của ông chiến sĩ Ba Tơ, tôi trỏ chú gà:
- Cụ nuôi nó lâu chưa vậy cụ?
- Nó là gà rừng. Tôi đi kiếm củi bắt được cái trứng khảy mỏ. Tôi đem về để gần bếp cho ấm. Nở ra nó đấy. Ba tháng rồi chi to bằng ấy thôi. Tuy bé người nhưng tốt giọng và siêng gáy lắm. Ban đêm nó gáy là cả làng này được nghe.
Tôi hôi:
- Bà con ở đây đông lắm sao cụ?
- Chừng hơn trăm. Ngày nào cũng có người lên. Ở dưới mình mất hết. Mất người, mất đất. Có nhiều anh về nhà, vợ đuổi kìa mà. Nói thế các anh biết là tình hình nguy ngập đến mức nào. Các anh cố đi bươn về trong đó, nếu muộn, không cứu chữa được đâu. Cụ Hồ ngày xưa đang hóa ra Cụ Ngô rồi đó! Có ca dao chạy trong dân rồi cơ mà! – Ông già chớp chớp mắt như để nhớ ra câu ca dao – À, nó như thế này:
Một mai mưa rã tan “hồ”
Lúa lên ngô tốt ăn “ngô ” no lòng..
Tôi bấm Hoàng.
- Chào cụ ạ!
- Chúc các anh chân cứng đá mềm nghe. Chớ già này thì hết mong thấy mặt bà con làng xóm rồi.
Đi kiếm ăn chẳng ngờ gặp toàn chuyện rủn chí. Chẳng có hi vọng đổi được món gì, hai đứa đành trở về lều. Về lều lại gặp cái cục bi quan nằm chình inh trên võng. Thiệp hỏi ngay:
- Các anh có nghe tên gì loa trên máy bay không?
- Có! Rồi sao?
- Nhiều người lên máy bay kiểu đó quá nhỉ!
- Bị nó bắt, nó bảo làm gì mà không làm!
Hoàng săm soi mẻ cao khỉ. Đó là hi vọng cuối cùng. Tôi bảo:
- Mai ta đi thôi, anh Bảy!
- Ừ đi quách. Tới đâu tới. Ở đây mỗi ngày mình nghe như lún xuống với ba cái ông khu Eo này. Tập kết cả vợ con nội ngoại láng giềng xa láng giềng gần mà cũng than. Vô đây, đụng mấy ổng, lại nghe mấy ổng than.
- Thôi, nghỉ cho khỏe đi rồi mai ta cùng nhau “xông pha lên đàng” quách!
- Nè cái ông chủ trại cưa Kim Hữu chắc vô tới trỏng rồi hả?
- Tới lâu rồi! Ổng vô để sửa soạn làm Bộ trưởng mà!
(Chủ trại cưa Kim Hữu là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Số là khi chúng tôi vô trường đi B thì gặp ông ở đây. Ông cũng vác gạch tập quân sự ì ạch như bọn tôi. Riêng tôi thì ngủ chung một phòng bốn người với ông. Ông có tật ngáy như sấm. Không đứa nào ngủ được. Lần lượt chúng tôi chuồn đi hết, bỏ ông chiếm lãnh một mình. Do tiếng ngáy hùng hồn của ông mà chúng tôi đặt cho ông là cái trại cưa. Còn Kim Hữu là cái tên lậu của họ Lưu. Vô đây thằng nào cũng thay tên đổi họ.
Ông chủ trại cưa Kim Hữu được ở trên chỉ định làm trưởng đoàn để dìu dắt ngót bốn mươi văn nghệ sĩ vào tận R giao cho Hội Văn nghệ Giải phóng. Nhưng vào giờ phút cuối cùng, ngay trong đêm xuất phát, ông nhạc sĩ lại “đau bụng”, ở trên bèn chỉ định một anh khác thay thế ông chủ trại cưa. Chúng tôi thừa biết đó là một màn hài hước không ăn khách. Ông chủ trại cưa đi máy bay vô Phnom Pênh và ra rừng bằng xe mô tô của Khiêu Samphan).
- Ngày mai lên đường? Demain on partira hả!- Hoàng cười – Đừng có cái kiểu demain on mangera sans payer (mai ăn khỏi trả tiền) nghe!
- Tùy anh thôi! Anh đừng có bàn ra nữa! Tôi nghe ớn ớn rồi.
- Lại sốt hả?
- Không phải? Nghe mấy ông quân sự bàn về tình hình ở đây, tôi ớn lắm! Máy bay nó liếc hằng ngày như vậy là nó ra hiệu cho rồi đấy. Sớm muộn gì nó cúng tái sụn cái làng này thôi.
- Tụi nó đểu thật nhỉ! Nó mở cửa cho đi, tưởng thoát, ai dè lại vô rọ.
- Nó đánh một phát là diệt hết gốc rễ xã thôi.
- Thằng Núi thằng Ngữ không biết đã đi chưa hay còn nằm đó?
- Tội nghiệp thằng Phẩm quá nhỉ. Nó làm bạn với con khỉ con mồ côi.
- Mình ác quá! Bắn chết con khỉ mẹ…
- Người mình bây giờ làm bạn toàn với gà, chó, khỉ. Nay mai rồi họ cũng ăn thịt chúng nó thôi. Đói quá còn kể gì tình nghĩa. Đến như tình đồng chí thiêng liêng thế mà còn choảng nhau bạt mạng nữa là.
- Cái thằng! Mày đâm ra triết lý rởm quá mậy!
- Thiệt chớ rởm. Đánh nhau bằng sư đoàn có cả xe tăng để giành mấy tấc đất hoang mà là rởm à?
- Chậc. Đó là phe ta thử sức mạnh cho đế quốc biết mặt mà ghê răng chơi thôi!
- Tôi nghi thằng Núi không đi nổi quá anh ạ! Tội nghiệp con bé ở Hà Nam!
- Mày lo tội nghiệp cho cái con Phương của mày kia đi!
Hoàng nói chơi mà động thật. Câu nói đã đâm vào tim của tôi lẫn Thiệp.
Nhưng tôi gượng nói lấp cho qua:
- Thôi, cậu ở lại nhé Thiệp. Cậu còn hi vọng hơn mình nhiều! Người sống đống vàng cậu ạ! Tớ chỉ mong được như cậu mà không được!
Thiệp lặng thinh. Hoàng lui cui trút mớ xương tổ tiên gói bằng ni-lông bỏ vô ba-lô.
Đúng là khạc không ra, nuốt không vào. Bỏ thì uổng mà ăn thì không ăn được.
Hai hôm sau sẽ có chuyến đi. Chúng tôi phải chuẩn bị từ bây giờ. Số gạo mười sáu kí lô mà chúng tôi vừa lãnh đã ăn hết độ một phần tư. Còn lại trên dưới mười kí. Mười kí lô trên đường Trường Sơn nằm trên lưng một tên ốm đói, chán nản như tôi, như Hoàng Việt không phải là chuyện đùa.
Người ta cho biết số gạo lãnh kỳ này là để chi dụng trong một thời hạn vô định, nghĩa là không biết chừng nào sẽ được lãnh nữa, vì từ đây vào trong thì bom đạn xảy ra thường trực, ngoài ra còn biệt kích. Người đi đường phải luôn luôn ở trong tư thế chiến đấu chứ không có thể lè phè lắc lư như từ trước nữa. Bằng chứng là viên tham mưu trưởng trung đoàn gì đó bị bắt và lên máy bay tuyên truyền giở giọng xuống đất. Tôi sực nhớ mấy câu chót của ông ta mà chợt thấy đúng quá! “Các con ông lớn đi giải phóng Miền Nam ở bên Tiệp Khắc Liên Xô! Chỉ có chúng ta đi giải phóng Miền Nam bằng con đường tử đạo này.”
Cách mạng này thành công nhờ sức dân, nhưng dân ăn cám, ăn khoai, ăn củ chuối thấy mẹ còn các lãnh tụ thì tha hồ vì dân, ông thì vợ bé, ông thì chôm vợ người, ô-tô nhà lầu, lính gác khít như răng, ông nào ông nấy mặt đỏ như gấc ngồi xe volga nặng sát nhíp.
Tôi buột miệng nói:
- Thằng Quang con bà Mười là thằng kỳ cục, hả anh Bảy!
- Nó có cái lý của nó!
- Ở ngoài Hà Nội cưới vợ rồi kiếm bậy chân giám đốc dễ như chơi mà không chịu để lăn thân vô đây làm giống máu gì cho chết sốt rét?
Hoàng Việt ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Mày nghĩ theo chủ quan của mày còn nó có hoàn cảnh của nó.
Hoàng Việt kể tiếp câu chuyện về Quang:
- Bà Mười tìm được con gái của một ông đồng chí cựu trào. Bèn nhờ ông Hùng làm mối. Ông Hùng làm mối là chắc như bắp rồi! Hai nhà cách mạng kỳ cựu làm suôi gia với nhau môn đăng hộ đối biết bao nhiêu, nhưng cái thằng công tử Quang lại vô phúc. Khi cưới xong con vợ thì mới biết là cô nàng đã mang bầu với đồng chí ta… Nó không nói gì hết cứ bỏ nhà đi.
- Bầu của ai vậy?
- Cả Hà Nội biết mà mày lại không à?
- Hà Nội có một ngàn lẻ một trái bầu hoang chớ phải một hay sao ông?
- Bầu với ai không bầu lại bầu với thằng lái xe của ông già tía nó.
- Thấy bà chưa! Vậy mà tôi đâu có biết. Tôi có đến chơi nhà đó hoài mà! Ổng cũng là tay bán trời không mời thiên lôi nên con ổng noi gương ổng chớ sao!
- Mày có “thêm chưn thêm tay” gì không?
- Không! Tôi thề có thánh thần làm chứng. Tôi đến là tôi nhắm vô con em thôi. Con em có vẻ nhu mì dễ thương hơn. Con chị cũng đẹp nhưng là cái đẹp hỗn, beauté brutale, tôi có muốn cô ta thật, nhưng tôi hơi sợ. Còn.cưới cô ta làm vợ thì tôi không bao giờ có ý nghĩ đó. Tại bà Mười bả không biết coi tướng nên bả mới nhảy vô chỗ đó.
Hoàng Việt gạt phắt:
- Tướng tá cái khi meo. Tại bố nó ăn hết lộc con. Bố nó già rồi mà còn “hoạt” mạnh lắm. Ổng quơ luôn một loạt mấy bà góa của các cựu đồng chí nhà mình. Mấy trái dừa khô để lâu ngày mọc mọng mày biết không? Cho nên gặp ổng xới đất trồng là rung rinh ngay.
- Đời cha ăn mặn đời con khát nước! Quả có đúng!
Hoàng Việt tiếp:
- Thằng Quang lên Ban Thống Nhất xin về Nam. Lần này thì không có ai cản được nó nữa. Nó đi giải phóng Miền Nam mà. Lấy lý do gì cản nó?
- Tội nghiệp, cái thằng chết mà trong ba-lô đầy sâm và B12.
- Gặp sốt ác tính có thuốc tiên cũng không chữa nổi!
- Tội nghiệp bà Mười. Vllla rộng mênh mông mà không có con cháu gì ở chung hết, trong lúc bọn mình thì lại không có cái ga-ra chui rúc.
Buổi sáng, giao liên lại làm thủ tục trước khi dắt khách đi. Hắn nói:
- Mấy tay trung cấp không biết đã lọt chưa? Các đồng chí để ý dùm. Ở trên đốc thúc tìm cho ra. Nhưng bố tôi cũng không tìm được. Cứ nói đại khái như vậy thì lấy gì làm bằng chứng để xác nhận từng người khách chớ!
Tôi từ giã Thiệp với những cảm xúc nghẹn ngào. Tôi bắt tay Thiệp:
- Thôi cậu ở lại nhé. Phải bình tĩnh giải quyết vấn đề. Chúng ta không có khả năng gì trước một thực tế như vậy. Chỉ cầu mong sự may mắn xảy ra cho chúng ta thôi!
- Tôi thiệt tội nghiệp cô Phương. Nếu tôi biết anh còn ở đây tôi sẽ lấy lại một vật gì cho anh giữ làm kỷ niệm. – Thiệp rơm rớm nước mắt nói.
- Kỷ niệm cũng không thay đổi được gì. Mang thêm kỷ niệm càng thêm nặng bước đi.
- Tôi ở lại đây vì không thể đi, chứ ở lại làm gì chính tôi cũng không hiểu,
- Thiếu gì những chuyện mình làm mà mình không hiểu gì hết. Phải không?
- Anh nghĩ rằng nó có thể đem vợ tôi về Sài Gòn không?
Câu hỏi của Thiệp làm tôi chới với. Có thể lắm chứ. Nó đi bằng máy bay mà. Nhưng dù ở Sài Gòn hay ở đây, nàng vẫn xa cách chàng. Một ngàn cây số hay chỉ một bức tường con thì sự xa cách vẫn là xa cách. Tôi hỏi lại:
- Nhưng nếu nó đưa cô ấy vào Sài Gòn thì cậu sẽ làm gì nào?
- Tôi sẽ đi với anh vào trong đó!
- Thì cũng thế thôi!
Thiệp lặng thinh.
Hoàng Việt xuất hiện như một cứu tinh:
- Tôi biết sự đau khổ tận cùng làm cậu quẩn trí. Bây giờ tôi đề nghị cậu dùng biện pháp của tôi là tốt nhất.
- Biện pháp gì anh?
- Cậu coi như cậu đi công tác xa để vợ ở nhà. Đúng! Cũng như tôi vậy. Tôi đi kháng chiến hồi 46, không có hẹn gì với vợ tôi cả. Tôi nói chừng nào hết kháng chiến thì về. Thế là đi. Mới ban đầu vô chiến khu Đ. Vợ tôi còn ra vào tiếp tế nọ kia. Vài năm sau tình hình găng quá, chạy xuống Tháp Mười, bả vẫn còn mò xuống đem cà phê, sữa, tẩm bổ cho tôi và ở chơi vài ngày rồi về. Nhưng Tháp Mười bi càn nát bét, tôi chạy xuống miền Tây, cũng còn móc ngoéo được vài chuyến. Thế nhưng sau khi tập kết thì dứt đường tương chao. Bưu thiếp cũng không gởi được. Đến chừng tôi đi Bungari thì mới gởi được thư từ qua đường Paris. Gần hai mươi năm trời. Bây giờ tôi mới thấy le lói cái hi vọng gặp lại bả. – Hoàng Việt nói trôi chảy nhưng tôi biết đó là một kiểu đau chân há miệng thôi chứ Thiệp không thể xài được cái biện pháp của ông ấy. Vì hoàn cảnh của Hoàng Việt và của Thiệp khác hẳn nhau. Sống trong lòng giặc và bi giặc bắt không thể coi là một hoàn cảnh.
- Tất cả lên đường! – Giao liên ra lệnh.
Tôi bắt tay Thiệp không muốn buông ra hay chính Thiệp không muốn buông tay tôi ra. Hai niềm đau cộng lại thành ra một biển đau thương. Hai đứa nước mắt ròng ròng, nhưng không thể đứng lâu hơn, tôi đành phải chia tay với Thiệp. Nếu dùng dằng tôi có thể ở lại và Hoàng Việt sẽ tán thành không chút đắn đo.
Đường bắt đầu dốc và dốc cao. Hoàng Việt la ngay:
- Mẹ nó, giết mình quách cho xong!
Đoàn bây giờ vỏn vẹn chỉ còn có hai đứa đi chung với nhau ở đây. Thằng Núi và thằng Ngữ còn ở trạm ngoài không biết sống chết thế nào.
Trời lại bắt đầu đổ mưa. Đường gồ ghề với những mô đá lẫn trong bùn, vừa đi vừa trợt. Mọi người đều lấy vải ni-lông ra trùm từ đầu trở xuống không cho ba-lô ướt, vì nếu ướt thì nó sẽ trở thành một quả núi đè trên lưng không thế nào đi nổi. Lưng người nào người ấy gồ lên như những con lạc đà một bướu.
Người đi đằng trước tôi chuyền lệnh:
- Đi khít nhau kẻo lạc đường.
Tôi quay lại để nói cho Hoàng Việt thì không thấy anh nữa. Nhìn xuống phía dưới cũng không thấy anh mà toàn là những người lạ. Nhưng tôi không thể dừng lại được vì nếu dừng lại sẽ đứt đuôi và không biết đường đi. Tôi đành phải lội bươn tới cho kịp người đi trước. Đã một lần tôi bị đứt đuôi ở tại một ngã ba. Đoàn người phía sau tôi đi tới nhưng tôi không biết phải rẽ sang ngả nào. Nhiều người sừng sộ suýt đánh tôi. Tôi nổi doá để cho họ đi trước và tôi bọc hậu cuối cùng. Như thế dù tôi có đứt, thì cũng chỉ lạc mình tôi, không phương hại gì đến ai.
Trời mưa càng lúc càng to, nước tuôn xối xả đến mức độ hai người chỉ cách nhau mươi thước là không còn trông thấy nhau nữa. Nước từ trên trời đổ xuống như dội, vuốt mặt không kịp, nước từ trên đỉnh dốc tuôn theo đường mòn xuống ào ào như một dòng suốì nhỏ chực cuốn phăng những bàn chân run rẩy đang dấn bước lên. Tôi đang mò mẫm tìm một nơi chắc chắn để đặt bàn chân thì bỗng một bàn tay nắm ống chân tôi lôi xuống.Tôi trượt ngã và rơi lên đầu người ở phía dưới cuốn theo một loạt người nữa. Tất cả đều lăn long lóc trên sườn núi như những quả bóng cho đến khi mỗi người có chỗ bám lại mới thôi. Tôi quờ quạng bò lên, đứng dậy và vừa vuốt mặt vừa quát:
- Đồng chí nào chơi kỳ cục vậy.
Một người hỏi:
- Chơi gì mà kỳ cục.
Tôi nói:
- Tôi đang leo thì đồng chí nào lôi chân tôi.
- Ai lôi đâu? Té trên đầu người ta còn nói.
Tôi cố tìm xem thủ phạm là ai nhưng vì ai cũng trùm ni-lông và ni-lông do chính phủ phát nên chỉ một màu xám. Do đó không biết thủ phạm là ai.
Cuối cùng lại lóp ngóp bò lên đi tiếp. Tôi đi mà cứ bị ám ảnh bởi một bàn tay ở phía dưới nắm chân mình. Tôi biết họ không có bụng xấu nhưng vì họ suýt ngã nên chụp ẩu ống chân tôi để gượng lại như níu một gốc cây, nhưng gốc cây lại tróc luôn theo người gượng.
Người giao liên cho cho cả đoàn lên đến đỉnh dốc rồi bảo:
- Các đoàn kiểm điểm lại người của mình, nghỉ một chút rồi đi xuống.
Chẳng có ông đoàn trưởng nào kiểm điểm cả. Mà cũng chẳng còn ai là đoàn trưởng nữa. Mạnh ai nấy đi. Có khi đoàn trưởng lại nằm ờ trạm ngoài kia. Và chẳng có ai lên thay đoàn trưởng. Cuộc hành quân vô cùng hỗn tạp. Đặc biệt các đoàn dân chánh thì cứ như là loạn đến nơi. Thằng nào khỏe thằng ấy sống. Tôi chờ mãi không thấy Hoàng Việt tới, bèn nói với giao liên:
- Đoàn tôi có hai người. Tôi và một đồng chí nữa. Bây giờ lạc mất một người.
- Đoàn gì kỳ cục vậy.
- Hai đứa tôi bi tụt hậu, còn đại bộ phận thì đã đi trước.
- Rồi sao? – Anh giao liên gắt.
- Bây giờ chỉ có mình tôi. Còn đồng chí kia đâu mất.
Anh giao liên nói một câu xanh dờn:
- Tôi không có trách nhiệm gì hết!
- Đồng chí nói vậy sao được?
Anh giao liên nổi cáu ngay:
- Tôi đã bảo rồi. Ai đi nổi thì đi, không đi nổi thì nằm lại. Ở đây không có trạm giữa đường, không có cứu thương y tá gì hết. Nếu bị lạc thì tự tìm đường đi về trạm chớ nếu tôi bỏ đại bộ phận ở đây để trở lại tìm một người thì không dân chủ. Thiểu số phải phục tùng đa số.
Dân chủ!? Tôi không còn biết nói gì. Cãi với họ thì càng mệt mà chẳng có ra ngô ra khoai gì. Nên khi anh ta bắt đầu dẫn đoàn đi thì tôi đứng lại đi ở cuối hàng, vừa đi vừa ngóng lại phía sau xem ông bạn vàng có tới không.
Trời tạnh mưa. Mặt trời hiện lên như một ân huệ vĩ đại. Những con người khoác áo mưa lột tung cả ra như lột vỏ.
Lên hết dốc, bắt đầu xuống dốc. Lên cũng mệt mà xuống cũng mệt. Lại có phần nguy hiểm hơn.
Tôi nhìn sườn núi đổ hun hút mà tê tái cả tâm can. Đi đứng gì kỳ cục quá vậy. Càng đi càng buồn nản vô cùng.
Như một trò chơi thí mạng con người.
Đường trơn, chuyện đó đã đành, nhưng đá lởm chởm và hố sâu vực thẳm, không phải suông sẻ. Tôi đã từng trông thấy hai anh bộ đội khiêng pháo ban đêm đổ dốc. Vì không có đèn nên anh đi đầu bước hụt chân xuống hố lới theo anh đi sau. Cả hai lăn xuống hố với khẩu pháo đè. Tiếng kêu từ dưới hố vọng lên nghe rợn tóc gáy. Mọi người dửng dưng đi qua, nhưng luôn luôn bị câu hỏi sau đây ám ảnh tôi: “Làm sao lôi hai anh ấy lên?” Có quân đội nào hành quân kỳ cục vậy không?
Lần này tuy trời chưa tối nhưng đường trơn. Cái ba-lô ướt trên lưng đè xuống mà ven đường không có tay vịn để giảm sức lao của khối nặng toàn thân. Có lúc phải chạy ào xuống đến lúc ngã thì đó là lúc dừng lại, ngoài ra, mỗi một người là một chiếc xe không “phanh” thả dốc một cách mạo hiểm.
Đi được một vài chặng thì nảy ra kinh nghiệm. Người ta ngồi xuống và lết. Như vậy không bi ngã, nghĩa là tránh được mọi thứ tai nạn. Ở những chặng có bùn sền sệt thì người ta đi patin, tuột một hơi đến chỗ nào không tuột được nữa thì đứng dậy đi từng bước.
Tội nghiệp mấy người đàn bà con gái không thể đi được, mà chơi kiểu phiêu lưu patin thì không dám. Nhiều cô nhiều bà đứng khóc ròng.
Nhiều chặng không có bùn nhưng dốc rất ác. Đi thì nhất định phải ngã và mất rất nhiều thì giờ. Nhiều người chơi trò mạo hiểm. Nhìn thấy cái cây ở dưới kia cách chừng ba bốn tầm đất, ngắm cho kỹ, chuẩn bị dép cho chắc, rồi lao đầu một hơi xuống ôm chặt lấy gốc cây để đứng lại. Nếu ai bám được gốc cây thì sẽ đứng lại, còn nếu ôm hụt hoặc vuột ta sẽ lao luôn hoặc ngã lăn toành, toé máu là cái chắc.
Cái cách này đã được nhiều người còn sức khoẻ khá áp dụng và thành công chớp nhoáng nhưng cũng đã xảy ra lắm tai nạn. Có kẻ gãy rằng, có người tét trán. Nhiều ruột tuợng gạo vỡ tung, gạo bay, đổ xuống bùn như gieo.
Số đông chỉ dòm như coi hát xiệc rồi áp dụng phương pháp của Lê-nin: “Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn nữa.” Tuy có mất thì giờ nhưng không mất máu. Chưa đánh giặc mà máu đã đổ, kể ra không hợp lý lắm!
Ở một chặng trò xiếc này được biểu diễn một cách ngoạn mục. Số là ở phía dưới có một cái cây nhỏ bằng cổ chân. Cả chục người lần lượt lao xuống và ôm vào đó một cách mỹ mãn. Đến một anh hơi to béo lao xuống và ôm vào cây thì cây trốc gốc. Cả người và cây đổ sầm. Cũng may anh chàng chỉ rác toạc áo và xước ba sườn. Từ đó về sau, mỗi lần trượt dốc kiểu đó, người ta bảo chàng béo:
- Ê, cậu xung phong trước đi, nếu cây còn đứng vững thì những thằng ròm ôm mới bảo đảm.
Khi đến chân dốc thì trời đã về chiều hẳn. Tưởng mình vừa đầu thai kiếp khác. Quần áo người nào người nấy rách cả, mặt mũi quần áo bê bết bùn như vừa bắt hôi đìa. Chưa bao giờ bờ suối vui nhộn như hôm nay: Tắm tập thể! Cả trăm con người ta ùa xuống suối một lúc. Vừa tắm vừa giặt, giặt quần áo, giặt ba-lô. Tất cả đang khô ráo bỗng trở thành lấm và ướt. Cả một khúc suối dợn sóng ba đào, nước suối đục lên như nước trong ao có một bầy vịt quậy mò cá, nhưng sự ồn ào thì lại làm cho người ta có cảm tưởng chợ đang họp phiên lớn.
Riêng phái nữ thì rất đáng tội nghiệp. Họ luôn luôn bị động. Biết thân không thể sống chung với bầy “sói đói”, những con thỏ con tìm một quãng cách xa ở phía trên nguồn, nhưng bọn đàn ông lại ré lên phản đối:
- Xui lắm, xui lắm!
- Tắm dưới nguồn rụng tóc hết!
- Tắm dưới nguồn mất đầu thai luôn đó tụi bây!
Thế là đám đực rựa ào ào vác đồ đạc chạy lên phía trên nguồn để khỏi bị mất đầu thai. Nhưng cũng có số đông chống lại một cách vui vẻ:
- Ở dưới này mới đi đầu thai mau hơn.
- Nước này mới bổ chớ ạ! Mấy thằng đầu bạc gội thử coi, sáng mai tóc xanh lại. Khỏi cần uống Hà thủ ô của Cuốc Roanh Rượt Phẩm!
Tiếng cươì, tiếng chế diễu râm ran cả lòng suối. Một tiếng nói oang oang dội lên:
- Đàn ông thì phải ở trên,chứ ở dưới rồi làm sao mần ăn?
- Ở dưới thì phải ngoi lên.. hà hà…!
- Các ông cứ ngoi lên thử coi nào? – Một người trong phái yếu đáp lời sông núi – Tắm dưới các ông tụi tui cũng rụng tóc, cũng mất đầu thai vậy! Bộ mấy ông là tiên hả?
- Tiên không tiên thì tục chớ gì các bà ơi!
- Mà các bà muốn tiên hay tục? Nè, tôi cho hay, tiên chỉ biết đánh phép, biết bay thôi chớ chẳng có được cái tích sự gì đâu! Đừng có ham!
- Bây giờ mà có được một ông tiên ở đây thì tôi ưng ngay.
- Để làm cái gì ba cái thứ đó?
- Để tôi bắt cõng tôi và vác ba-lô tôi bay cho mau vô tới trỏng.
- Tui cõng được không? – Một ông đứng gần đó ra miệng – Tui cõng có lợi hơn tiên. Há há há!
- Thôi chị ơi, đừng có đấu khẩu với mấy ông đó.
- Bộ sợ hả?
- Sợ gì mà sợ?
- Không sợ thì đấu thử một trận coi! Hà hà….
Một bà sồn sồn nguýt và nói to:
- Đuổi ruồi còn không nổi kia, đòi đấu.
- Đuổi ruồi không nổi chứ đấu thì hăng lắm! Không tin thì cứ làm giao kèo. Hễ tôi thua thì tôi cõng đằng ấy và vác luôn ba-lô vô tới Bà-Rịa, còn nếu đằng ấy thua thì tính lẽ nào?
- Thôi mấy cha ơi, đừng có nói xầy, về tới trong Nam gặp bả rồi tha hồ đấu. Tôi sợ e chừng đó lại than xin xỏ đầu hàng chớ!
Mấy nàng trẻ cúi gầm giặt giũ nhưng tai thì dường như lắng nghe. Đói khát, nhưng ai cũng thích những chuyện trần tục đó cả. Nhờ vậy mà buổi tắm tập thể có vẻ lạc quan yêu đời và rất “biện chứng nói bá láp”.
Mấy chàng trai thì vừa tắm vừa liếc những cặp đùi trắng lộ ra dưới nước, những bộ ngực vun lên sau làn áo ướt, những làn cong được phô diễn rất đầy đủ và những “ưu” điểm những “khuyết” điểm cũng được trông thấy lồ lộ hơn. Để che mắt sói đói, những cô những bà quây phòng thay quần áo bằng những tấm ni-lông. Vì không có trụ cột nên bốn người căng bốn tấm ni-lông đứng bốn phía cho một bà chui vào. Khi bà xong xuôi thì trở ra làm nhiệm vụ dừng vách cho mỹ nhân khác vào thay xiêm y.
Cứ thế cho đến hết một nhóm. Sáng kiến này được áp dụng cho phía nữ một cách mỹ mãn.
Bọn nam giới ngó lom lom nhưng mắt đâu có xuyên được ni-lông. Mặc dù vậy vẫn cứ ngó cho đỡ ghiền. Ngó và tưởng tượng. Mười năm ở Miền Bắc chẳng hoạt động gì được nên rất khao khát của trời. Mong thấy mặt “cụ Đề” được chút tí thôi thì cũng bằng uống một củ sâm Triều Tiên.
Bỗng có tiếng cười ré lên.
Mỗi người mỗi giọng, mỗi kiểu, mỗi tình cảm.
Số là một cô đang cầm ni-lông căng ra bỗng vuột tay. Tấm ni-lông bị rơi xuống một góc. Bà hoàng hậu ở trong cung bị phô bày trọi lỏi từ đầu đến chân không thiếu chỗ nào. Bà hoảng hốt la ré lên. Mấy cô kia yếu bóng vía nghe tiếng la thì tưởng là rắn rết hay có chuyện gì nguy hiểm bèn nhảy cà tưng, cô thì buông ni-lông, cô thì chạy vọt qua tránh né. Bà hoàng hậu đứng giữa bốn bức tường sụp đổ bị cả chục cặp mắt xoi mói từ bốn phía. Bà hoàng chạy loạn như đạp lửa và giật một tấm ni-lông quấn quanh mình.
Đáng lẽ thẹn thùng trước cái tai nạn hiếm có đó, bà hoàng lại vui vẻ và cười như nắc nẻ, đấm vào lưng mấy cô bạn thùm thụp:
- Bây hại tao! Bây hại tao!
- Cho người ta coi chút, mất màu sao mà sợ.
- Ừ tới phiên bây, tao tốc màn lên cho thiên hạ xem
- Tốc màn lên thì phải bán vé. Hay cho coi khôngl’- Một người đàn ông lên tiếng.
Cả bọn cười rộ lên. Một người đàn bà gắt:.
- Các ông lúc nào cũng như cọp đói rình mồi ấy. Chờ người ta sơ hở một chút là chọc ghẹo.
- Chọc thì chọc thẳng vô chớ ai có ghẹo mần chi cho mất công!
Từ đó tới mãn cuộc, bọn đàn ông không có gặp cơ hội may mắn nào để xem “u khuyết” của đối phương nữa.
Tắm xong, tôi mang tất cả đồ lề lên tìm chỗ mắc tăng giăng võng. Vì không có Hoàng Việt nên tôi không hợp tác xã với ai được. Nếu để ba-lô xí phần giành chỗ như người ta giành chỗ ở chợ trời, thì đi tắm lên, cái ba-lô sẽ không còn ở chỗ đó nữa. Chủ nghĩa Mác Lê không có chương mục nào dạy thuỗn đồ đạc của đồng chí nhưng vì thiếu thốn quá nên tay chân sanh ra quơ quào.
Khi tôi lên bờ tìm chỗ mắc võng thì rừng đã kín đặc. Những đoàn vô trước, đến đây thì ùn lại không đi vô được nữa. Đang bực mình thì người ở ngoài lại đùn vào. Họ đang bực lại càng thêm bực. Sự ứ đọng này có lẽ do trận phục kích mà hậu quả là ông tham mưu trung đoàn ngồi trên máy bay loa ong ỏng xuống đất hôm nọ.
Loay hoay một hồi rồi tôi cũng tìm được một chỗ. Tuy không như ý lắm nhưng phải chấp nhận, cũng như mười năm qua ở Miền Bắc không có một người Nam Bộ nào như ý về bất cứ vấn đề gì, nhưng họ vẫn phải chấp nhận để sống chờ ngày về nước.
Vấn đề lớn nhất của mọi người trong chuyến này là gạo ướt. Ở trạm vừa rồi, những người đi Ông Cụ như chúng tôi được lãnh mười sáu kí lô. Chúng tôi ăn xài đổi chác cũng hết một số kha khá. Còn lại thì cộ theo mình. Bây giờ ướt hết vì mưa. Không biết làm sao ăn cho hết cả chục kí gạo còn lại kia. Nhưng nếu để cách đêm thì nó sẽ thối ra không ăn được nữa. Đang thừa mứa bỗng nhiên thiếu thốn. Tôi bèn trải ni-lông và trút cả chỗ gạo ra, banh mỏng để cho nó mau khô.
Vô lý thật. Mới ở chặng rồi, nghe ông Mặt Sắt khiển trách ông Tư lệnh Khu 4 không bảo vệ nổi hai tàu gạo để phản lực Mỹ đánh chìm. Cho không cũng chẳng ma nào dám lặn mò. Ở đây chẳng ai cần lặn mò nhưng vẫn có thừa gạo mà không biết làm sao tiêu thụ. Dưới sự lãnh đạo anh minh của bác đảng, xảy ra toàn những sự vô lý.
Mắc võng qua loa xong tôi bèn bày ra nấu cơm. Tôi thấy cô đơn chết người đi được. Chưa bao giờ tôi phải sống một mình, chung quanh không có bè bạn, như thế này. Nói chuyện với một người bạn là một nhu cầu không thể thiếu, nhất là trên đường này. Mỗi buổi chiều hạ trại, chúng tôi đều đấu mép, pha trò, chọc ghẹo nhau vang trời. Như thế cũng đỡ mệt.
Chiều nay người bạn cuối cùng của đoàn cũng đã rời tôi. Tôi nhóm lửa mà bụng cứ nhớ Hoàng Việt. Không biết ông bạn nhạc sĩ bây giờ ở đâu. Đang đi patin hay làm trò xiếc ôm gốc cây trên dốc xuống?
Không còn một thứ gì còn khô trong ba-lô. Sau khi soạn tất cả đồ đạc ra tôi phát rầu. Bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm, mặc dù đã gói hai ba lớp cất trong ba-lô cũng ướt, nói chi đến những vật cất trong bóp bỏ ở túi quần. Lết rách cả đáy quần thì hình ảnh nào còn được. Sau bao nhiêu trận mưa và lần lấy thủy làm bộ, các tấm hình đã chớm tróc. Đến phen này thì gỡ đến đâu rách đến đó. Tất cả chỉ còn là những tấm giấy trắng loang lỗ bông hoa trắng trắng đen đen không còn rõ ai là ai nữa.
Trong một cái gói khác, tôi moi ra đôi giày trẻ con nhỏ xíu như hai đóa hoa huệ.
Bất giác tôi kêu thầm một tiếng, không biết tiếng gì, nhưng là tiếng đau đớn nhất. Vết thương quá sâu bây giờ mới bắt đầu chảy máu, máu từ tim tôi tóe ra.
- Phương!
Quần áo ướt, võng chăn ướt, gạo ướt, bây giờ đến lượt tâm hồn ướt và nát ra từng mảnh vụn như chiếc bánh tráng bị nghiến dưới sức bóp của một bàn tay thô bạo. Một cái thằng Tôi như thế đó!
- Phương!
Đây là đôi giày trẻ thơ, nàng đã trao cho tôi và thầm thì: “Em muốn có với anh một đứa con! Giày của con mình đấy!”
Tôi cất từ bấy đến nay không lần nào giở ra xem lại, kể cả những lần đồ đạc ướt hết tôi cũng chỉ phơi rồi ngó phớt qua chứ không cầm lên săm soi như những món đồ thân yêu khác trong ba-lô. Ấy vậy mà đôi giày ấy lại là kỷ vật thân yêu quí giá nhất của tôi. Tôi không dám nhìn nó là vì mỗi lần trông thấy nó tôi đau buốt tâm can, là vì tôi thấy hi vọng của chúng tôi như tan vỡ hoàn toàn kể từ khi nàng gục đầu vào cội cây ở ngả rẽ xuống Bác Kế mà khóc như rung chuyển cả đất trời.
Bây giờ thì cái hi vọng ấy mới thật tan vỡ hoàn toàn: Phương đã nằm dưới bao lớp đất. Một người con gái xinh đẹp mơn mởn đào tơ duyên dáng và tài hoa như vậy bỗng nhiên vùi xác giữa rừng không cho cái gì cả, chỉ vì một sự ngông cuồng của những thằng điên. Bao nhiêu mộng tưởng, bao nhiêu lời âu yếm trong tim nàng chưa thốt ra cho tôi đều đã chôn chật dưới kia rồi.
- Phương!
Bên cạnh đôi giày, còn có một xấp thư của nàng gởi lén cho tôi lúc ở nhà trường. Chúng đã bị nhúng nước bao nhiêu lần, chữ đã nhòe, giấy đã rách, tôi vẫn giữ nguyên, dù không có gì để nhóm bếp. Tôi đã đốt cả bản thảo của tôi – bản thảo của tôi có đốt thì tôi viết cái khác – còn chữ của nàng đốt đi ai viết lại được, cho nên tôi cứ giữ hoài, những dòng chữ đã mất hẳn trên mặt giấy nhưng còn in mãi trong đầu tôi, trong tim tôi. “Anh ơi! Em cảm thấy như đời em thuộc về anh hoàn toàn. Anh đi đâu thì em đi đấy. Nhưng không hiểu tại sao người ta chia rẽ chúng ta. Đất nước ta bị quân thù chia cắt còn chúng ta yêu nhau, sao ai nỡ tách làm đôi …! Người ta ký lệnh cho anh đi một nơi, em một ngả…”
- Phương!
Em chẳng bao giờ còn nói được tiếng nào nữa. Em chẳng bao giờ còn viết được chữ nào nữa mà sao tai anh vẫn cứ như nghe em nói, mắt anh vẫn cứ như đọc chữ em viết.
Nước mắt ràn rụa. Tôi không còn thiết đến gà-mèn cơm đang sôi sùng sục trên bếp nữa. Tôi leo lên võng nằm.
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng