Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Marcel Bigeard
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Hà Nội Trong Tòa Chủng Viện Cũ Rồi Tú Lệ
rung tá Ducounau phải ngay lập tức nắm quyền chỉ huy quân dù ở Bắc Kỳ. Ông đứng đợi chúng tôi trên sân ga. Một vị chỉ huy thật xứng đáng. Ông có đủ các điều kiện của một người lãnh đạo chuyên dắt dẫn rèn luyện con người, đã tham dự tất cả các chiến dịch, tốt nghiệp Học viện Chiến tranh. Nhỏ nhắn, cơ bắp nở nang, không biết mệt mỏi, đây quả là một khối thuốc nổ. Chúng tôi đã biết ngay là ông sẽ còn giữ những cương vị cao hơn nữa. Đáng tiếc, sự nghiệp của ông sẽ dừng lại mười lăm năm sau, tiếp theo một tai nạn ngớ ngẩn của máy bay trực thăng, lúc đó ông là tướng bốn sao, gần như đạt tới đỉnh điểm của binh nghiệp.
Chúng tôi yêu mến ông, khâm phục ông. Tôi tự hào được phục vụ dưới quyền chỉ huy của một ông chủ như vậy. Tiểu đoàn trú quân trong tòa chủng viện cũ của Hà Nội, một tòa nhà lớn hai tầng, cộng thêm một toà lầu nhỏ được dành cho cơ quan tham mưu của tôi. Tôi phải tới trình diện với tướng Linarès, chỉ huy trưởng xứ Bắc Kỳ. Gilles, người đã sang Đông Dương trước tôi, là chỉ huy phó về tác chiến của tướng Linarès và đã nói với ông rất tốt về đơn vị của tôi mà ông đã theo dõi một phần, thời kỳ được thành lập ở vùng Bretagne.
Linarès, người chỉ huy bẩm sinh, được sinh ra để sống dưới nền Đế chế, cao hơn tôi hẳn cái đầu, với chiếc áo khoác rộng mầu xanh của ông:
- Anh Bigeard, tôi hi vọng là anh biết chỉ huy một tiểu đoàn. Không ít các đồng nghiệp của anh tỏ ra dũng cảm, nhưng như vậy chưa đủ...
- Tôi nghĩ là tôi làm được, thưa tướng quân!
- Tốt, cứ đợi đấy xem sao.
Tôi nói lại với Gilles:
- Linarès không có vẻ dễ chịu lắm!
- Cậu yên tâm đi, Bigeard, đó là một con người tốt bụng dưới cái vẻ bề ngoài thô kệch.
Đại uý Tourret, tốt nghiệp trường Saint Cyr, gầy gò nhưng có một ý chí mãnh liệt vừa được cử làm cấp phó cho tôi cùng với trung úy Magnillat, một ngoại hình nổi bật với bộ ria Clark Gable1, người sẽ chỉ huy một đại đội của tôi, do có thâm niên giữ cấp bậc.
Trái ngược với nhiệm kỳ trước, lúc đó dưới sự chỉ huy của thiếu tá Ayrolles chúng tôi phòng giữ một đoạn ngã tư, tiểu đoàn của tôi được lập tức phái tới vùng đồng bằng, khu vực Vĩnh Yên và Phúc Yên. Chúng tôi được giao cho các chỉ huy trưởng tiểu khu khác nhau sử dụng. Trong vòng hai tháng, chúng tôi quay tròn không mệt mỏi để giải toả các đồn bốt, mở các trận phục kích.
Sáu mươi ngày để thích nghi một cách thận trọng và thực tế với một cuộc chiến vốn không còn là mới mẻ đối với phần đông chúng tôi, mà là mỗi người muốn quên đi một phần để nắm lại tốt hơn nhịp điệu và các phương thức tác chiến. Tôi chọn lấy những mạo hiểm có tính toán, không còn hung hăng ngây thơ như trong những nhiệm kỳ trước đây tôi dứt khoát biết kiên trì, tránh khỏi tổn thất ở mức tối đa, không để xẩy ra bất cứ chuyện gì bất ngờ. Có được những bản tổng kết đẹp với một vài tổn thất không tránh khỏi. Các chỉ huy trưởng tiểu khu sử dụng đơn vị tôi đã viết thư cho Ducournau để cảm ơn ông vì đã cử tới cho họ một tiểu đoàn vừa có kỷ luật vừa hoạt động có hiệu quả... Nào đi, mọi việc diễn ra tốt đẹp, giờ đây các bạn trẻ của chúng tôi đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ khó khăn nhất vốn sẽ không thiếu gì trong thời gian sắp tới. Tôi có niềm tin tưởng hoàn toàn đối với êkíp của tôi.
Trở về toà chủng viện từ một tuần này, sung sướng lại có một chiếc giường ngủ, một bữa ăn nghiêm chỉnh. Nhưng, việc huấn luyện thì không bao giờ ngừng: hành quân xung kích mười lăm kilômét đối với tiểu đoàn tất cả các buổi sáng, những cuộc tập báo động, xạ kích.... Trong một lần nhẩy mới đây, trên một khu vực phòng thủ mặt đất là đá ong, tôi ngã nghiêng vào khẩu súng ngắn của mình và bên háng phải bị một vết bầm tím dài. Tôi bị đau vì vết bầm tím đó nhưng không để lộ ra ngoài.
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, ngày 15 tháng mười 1952 vào lúc 21 giờ, sau một ngày làm việc vất vả và vết bầm tím rộng đó làm cho tôi không ngủ được, Tourret vội vã bước vào phòng tôi: “Thưa thiếu tá, báo động. Hình như ngày mai chúng ta phải nhẩy xuống một điểm nào đó trên vùng thượng du”.
Chưa đến lượt chúng tôi phải báo động và mọi người, sau sáu mươi ngày chui trong rừng rú, được nghỉ phép đến nửa đêm. Náo động trong tòa chủng viện cũ. Những chiếc xe Jeep nổ máy cùng với các hạ sĩ quan để tới các rạp chiếu phim hò hét mong thu gom hết số người đi phép.
Nửa đêm, mọi người đã có mặt. Cần phải trang bị vũ khí phương tiện, chuẩn bị máy bay, bản đồ tác chiến, lương thực đạn dược. Mệnh lệnh ban bố xong, tôi lẻn vào sở chỉ huy của Ducournau:
- Có chuyện gì vậy, thưa đại tá?
- Quân Việt với lực lượng mạnh đến từ hướng đông, di chuyển về Nghĩa Lộ trên vùng thượng du với ý định làm nổ tung vị trí này. Vì có mối đe dọa đó cộng với việc anh hiểu rõ vùng đất này cho nên tiểu đoàn của anh sáng mai sẽ được thả xuống vị trí Tú Lệ cách Nghĩa Lộ bốn mươi kilômét về hướng Tây Bắc, nhiệm vụ của các anh sẽ là:
+ Giữ lấy Tú Lệ.
+ Liên lạc với đồn Gia Hội, cách Tú Lệ mười lăm kilômét về phía đông.
+ Sẵn sàng can thiệp một mình hoặc sau khi được tăng cường, hoặc theo hướng từ Gia Hội, hoặc hành động trên các tuyến giao thông của đối phương ở vùng giữa sông Hồng và Nghĩa Lộ.
+ Ngay sau khi nhẩy xuống Tú Lệ, các anh được chuyển giao nằm dưới quyền chỉ huy của đại tá Lajoix, chỉ huy trưởng khu tự trị Tây Bắc, sở chỉ huy ở Sơn La.
Trở về tòa chủng viện, tôi giải thích nhiệm vụ cho êkíp của tôi Thật là khổ cực! Tôi hình dung ra điều gì đón đợi chúng tôi trong cái xứ sở hỗn độn này. Rõ ràng là cái vùng thượng du “chó chết” này không buông tha tôi. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, tôi đã tới gần được con sông Hồng. Nhiệm kỳ thứ hai, tôi đã phục vụ dưới quyền chỉ huy của đại tá Lajoix tốt bụng, người giờ đây lại trở lại trú chân ở Sơn La, nơi tôi đã từng sống biết bao sung sướng hoà trộn chiến tranh và tình yêu.
Ngày mười sáu tháng mười 1952. 5 giờ 30. Hội ý ngắn về trận nhẩy dù với các phi công. Mọi việc được xác định hoàn hảo. Bình minh, trên sân bay Bạch Mai, bẩy trăm quân dù của tôi chờ đợi để lên máy bay. Các chỉ huy đại đội kiểm tra xem mọi việc có tốt không. Tinh thần, tư tưởng rất tốt. Nhiệm vụ nhẩy dù đầu tiên của tiểu đoàn... Ngay lập tức là ở vùng thượng du. Chúng tôi cần ba mươi chiếc Dakota để chở hết số quân của đơn vị, nhưng chỉ có mười lăm chiếc còn rỗi rãi. Phải hai đợt để thả chúng tôi xuống Tú Lệ, cách đây hai trăm kilômét. 7 giờ, 8 giờ, 9 giờ. Thời tiết bắt đầu rất nóng nực. Thời tiết xấu trên vùng thượng du. Buồn ngủ bởi lẽ suốt đêm qua chúng tôi không chợp mắt lấy một phút.
Thời gian chờ đợi thật dài. Các chuyên gia vây quanh tôi. Tôi tin tưởng nhưng cái giác quan thứ sáu vẫn khiến tôi dự cảm về một trận đánh khó khăn.
10 giờ 15. Cuối cùng chúng tôi cũng lên đường. Chúng tôi trèo lên máy bay chen chúc đến ngạt thở, thu mình lại bên những chiếc dù và các phương tiện, vũ khí, mồ hôi đầm đìa khắp người. Hy vọng lên trên không sẽ dễ chịu hơn.
10 giờ 45. Cất cánh và thế là xuất phát. Hướng tới số phận nào đây? Đầu óc tôi ong ong, lại vẫn là cái vùng thượng du này. Tình hình sẽ ra sao đây? Tôi thử chợp mắt mặc dầu bên háng phải vẫn còn đau. Thật ngớ ngẩn khi bị đau như thế này lúc xuất phát!
12 giờ. Đứng bên khung cửa trong chiếc máy bay thứ nhất. Phía dưới tôi là cái xứ sở bi hùng này, những dãy núi được phủ kín một thảm thực vật rất dầy. Một vài thung lũng nằm giữa hai bên vách núi dựng đứng. Cái xứ sở ở đó tôi đã nhọc nhàn nhiều năm dài! Nhẩy!... Thân mình lắc lư trong khoảng không, ở đầu chiếc dù. Đồn Tú Lệ gần lại nhanh chóng và khoảng cách hai trăm mét giữa tôi và mặt đất hình như ngắn ngủi. Cẩn thận, cần phải tránh không để rơi xuống về bên háng phải. Tôi xoay dù quay tròn sang bên trái. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Tôi ngắm nhìn đội quân dù của tôi từ trên trời rơi xuống. Hai người rơi vùn vụt như hai tảng đá. Họ sắp nát vụn khi tiếp đất. Hấp! Cách ba mươi mét thì các cánh dù mở tung... Lạy trời! Đợt thứ hai sẽ được thả lúc 17 giờ cùng với toàn bộ khối lượng lương thực, thực phẩm, vũ khí và nhất là món hàng ribard (dây thép gai đan mắt cáo, cuộn thành từng cuốn hình trục, dễ dàng mở ra và rải thẳng một cách nhanh chóng dễ dàng).
Trên một ngọn núi ở độ cao 718 mét so với mặt biển, đồn Tú Lệ khống chế ở trên cao một trăm năm mươi mét khu lòng chảo và ngôi làng bao gồm chừng ba chục nhà sàn mái lợp lá. Năm chục dân binh người Thái do vài hạ sĩ quan chỉ huy trấn giữ khu đồn này. Vị trí đồn Tú Lệ dễ bị đánh chiếm do bởi tổ chức sơ sài và nhất là do thực tế nó bị khống chế: về phía bắc bởi một đỉnh núi trọc ở cốt 876 mét, còn ở phía đông bởi cốt 820.
Kể từ năm 1949, thời kỳ tôi chỉ huy tiểu đoàn Thái số 3, mật danh trong máy vô tuyến của tôi là Bruno. Tôi thích cái mật danh này, qua máy vô tuyến nó dễ nghe, nó mang lại cho tôi may mắn... Tôi vẫn giữ mật danh ấy cho đến hết binh nghiệp. Trong quá trình chiến đấu, bao giờ tôi cũng đòi hỏi có việc kết nối liên lạc vô tuyến từ người chỉ huy này đến người chỉ huy khác và giữa tất cả các đơn vị trên cùng một bước sóng, điều đó cho phép chỉ huy bằng miệng nhưng được chuyển qua sóng vô tuyến.
Tôi đặt sở chỉ huy ở ngay khu đồn, được tăng cường các vũ khí hạng nặng của tôi cùng với đại đội của Wilde mật danh là Francis - Trapps, còn có tên là “tảng đá”, mật danh là Hervé, có nhiệm vụ tổ chức điểm chốt của trận địa, giữ vững cốt 876. Leroy mật danh Polo cũng có nhiệm vụ như vậy ở cốt 820. Magnillat, mật danh Bernard, là lực lượng dự bị trên sườn phía nam khu lòng chảo. Như vậy là tôi bố trí một trận địa hình tam giác, mỗi cạnh dài một kilômét, đảm bảo các khả năng liên kết phòng thủ.
Suốt cả đêm làm việc cật lực. Đất đá bay tung lên, các vị trí đào hầm hào, dây thép gai bắt đầu bao bọc xung quanh. Thà đổ mồ hôi còn hơn là đổ máu. Chúng tôi quên cả mệt mỏi. Đây là êkíp của công việc, không để có chuyện gì xẩy ra ngoài dự kiến. Tôi không thích bị bất ngờ và cảm thấy đã thoải mái hơn mặc dầu cái vết đau bên háng vẫn còn.
Ngày 17 chúng tôi tiếp tục công việc, cung cấp cho các loại vũ khí cơ số đạn dự trữ, phân phát lương thực, thực phẩm, chuyển về hậu cứ một vài người bị tai nạn lúc nhẩy dù bằng máy bay Morane, báo cáo qua vô tuyến với ông chủ trực tiếp của tôi, đại tá Lajoix ở Sơn La, bảy mươi kilômét đường chim bay, bắt liên lạc qua vô tuyến với Gia Hội. Hai ngày sau khi tới nơi, tôi đã sẵn sàng và có thể hành động theo kế hoạch đã xác định.
Đêm 17 rạng ngày 18. Cuối cùng chúng tôi cũng đã có thể được ngủ đôi chút. Tiếc thay, bầu trời rực sáng lên ở hướng đông, phía bên kia quả núi. Tiếng ì ầm của các khẩu đại bác chỉ vẳng đến rất nhỏ, nhưng ánh lửa lúc viên đạn ra khỏi nòng và tiếng nổ vỡ của các trái phá ném ra những tia sáng đột ngột. Đó là Nghĩa Lộ, cách xa hai mươi lăm kilômét, đang nổi lửa tất cả các loại vũ khí. Miễn sao họ giữ vững.
18 tháng mười. Mặt trời lên. Lại thêm một đêm thức trắng để tìm hiểu xem chuyện gì xẩy ra. Nghĩa Lộ, Sơn La và Hà Nội không đáp lời các cuộc gọi vô tuyến của chúng tôi. Tôi liên lạc vô tuyến với Gia Hội, ở đó không biết gì. Cuối cùng vào lúc 10 giờ, một thông báo từ Hà Nội: Nghĩa Lộ đã thất thủ, đồn quân bị tiêu diệt. Tourret, tiểu đoàn phó trung thành của tôi, cùng một ý nghĩ không lâu nữa bọn họ sẽ ngồi trên lưng chúng ta.
17 giờ. Gia Hội đã báo với chúng tôi là quân Việt vây hãm các điểm cao khống chế khu đồn của họ.
18 giờ. Lajoix gửi cho tôi một bức điện nói rõ là tôi nắm quyền chỉ huy tất cả các đồn bốt trong khu vực. Đây là mệnh lệnh cuối cùng của vị đại tá tốt bụng trên thực tế chỉ còn là người trung gian liên lạc giữa tôi và Hà Nội.
21 giờ. Hà Nội. “Sở chỉ huy Linarès” ra lệnh cho Gia Hội rút lui về chỗ tôi. Thật là lộn xộn! Cái nhiệm vụ đẹp đẽ được Ducournau xác định trước đây bốn mươi tám tiếng đồng hồ đâu rồi? Một đêm thứ ba tối như mực, nặng nề đổ xuống khu lòng chảo Tú Lệ... Chúng tôi sẽ ngủ sau này.
19 tháng mười. 7 giờ. Tôi cử Magnillat dẫn đại đội tiến về hướng Gia Hội chi viện cho đơn vị ở đó đang rút về phía chúng tôi và một đội xung kích của Wilde chiếm giữ đoạn đèo Khau Phạ ở sau lưng tôi, một cửa ngõ buộc phải đi qua trong trường hợp rút lui.
10 giờ Magillat ở cách khu đồn sáu kilômét. Bernard gọi Bruno: Nhìn thấy một đoàn quân. Bruno gọi Bernard: Chắc là bè bạn. Hết sức chú ý. Bernard gọi Bruno: Đó là quân Việt. Có đến mấy trăm tên. Bruno gọi Bernard: Cho đơn vị ẩn nấp! Dốc hết hoả lực. Rút về, cố gắng giữ liên lạc và tránh tổn thất ở mức tối đa bởi vì việc chuyển thương rất phức tạp. Bernard gọi Bruno: Rõ. Tôi điện gấp xin máy bay yểm trợ từ Hà Nội. Tiếc thay, thời tiết xấu.
15 giờ. Bernard tiến hành một trận đánh kiềm chế thông minh và linh hoạt cứ như là thao diễn. Bruno gọi Bernard: Đứng chân cho vững. Đào công sự ở cách đồn hai kilômét, tôi sẽ yểm trợ cho các anh bằng súng cối 81. Bernard gọi Bruno: Rõ.
Tất cả những cuộc trò chuyện này đều được Polo, Hervé và Fancis theo dõi bởi lẽ các đài vô tuyến đều cùng một bước sóng. Như vậy mỗi người đều nắm được diễn tiến của tình hình. 17 giờ. Quân Việt bất chấp hoả lực súng cối của chúng tôi, từ các điểm cao tràn qua trận địa của Bernard và tiến về hướng chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy họ di chuyển rất hợp lý. Đêm xuống. Một đêm chờ đợi. Liệu chúng tôi có ra được khỏi đây hay không?
21 giờ. Lệnh qua điện vô luyến của Linarès: Rút khỏi Tú Lệ và lui về hướng sông Đà xuyên qua rừng rậm... Thật chẳng ra sao! Một trăm hai mươi kilômél trên cái xứ sở như thế này với những đoạn đèo ở độ cao một nghìn hai hoặc một nghìn rưỡi mét trên dải đường mòn ngoằn ngoèo. Tôi xác định kế hoạch với Tourret, còn gọi là Pierrot, lúc này rất bực bội do bị áp lực nhưng rất tự tin.
Tình thế gay go: đêm tối như mực, đối phương bao vây chúng tôi. đơn vị phân tán trên ba ngọn núi. Cần phải mất hơn hai tiếng đồng hồ để xuống khỏi các chỗ đó. Như vậy sẽ là chơi ván bài của quân Việt, đi tới chỗ bị tiêu diệt. Còn nữa, tôi cần phải biết được số hai trăm năm mươi người của Gia Hội ra sao. Lẽ ra họ đã phải về tới chỗ tôi rồi và tôi không thể bỏ mặc họ. 21 giờ 30. Tôi trả lời Hà Nội: không có câu hỏi. Tự đánh giá tình hình. Sẽ sút đi trong ban ngày khi đã biết được số phận của đơn vị Gia Hội.
23 giờ. Có nhiều ánh đuốc ở hướng đông. Cuối cùng đó là đơn vị của Gia Hội mà tôi liên lạc được qua máy vô tuyến. Họ đã lợi dụng những đường mòn tưởng chừng không đi qua được nhưng đám dân binh của họ nắm vững, đó là lí do họ về chậm. Đoạn đầu đội quân bắt đầu về tới đồn.
Tôi ra lệnh bố trí họ ở dưới chân ngọn núi, tổ chức một điểm tựa khép kín, đào hầm hào và rải dây thép gai xung quanh, số dây thép chưa dùng tới còn để ở trong làng. Một tiếng đồng hồ sau, họ là hai trăm năm mươi người hoạt động ở phía dưới.
Quân Việt không thấy bắn. Họ muốn có một trận thắng lớn, đè bẹp chúng tôi cùng một lúc ở trong khu đồn. Nhưng chắc chắn họ không biết rằng tôi chiếm giữ cốt 876 và 820, ở đó quân dù của tôi ngụy trang kín đáo. Chắc chắn là họ sẽ tấn công trước lúc trời sáng nhưng ở đâu và bằng cách nào? Sở chỉ huy của tôi ở dưới một cái hố, nắp bên trên làm bằng vài đoạn thân gỗ tròn, một chiếc đèn ắc-quy, các máy liên lạc vô tuyến.
Bruno gọi Hervé, Francis, Polo, Bernard: Chúng sắp nhảy sổ vào chúng ta. Tất cả đám trai tráng của các anh bị căng thẳng, mặc dù mệt mỏi. Không được nao núng. Phải giữ vững. Tất cả đáp lời tôi: OK, Bruno. Không có vấn đề gì. Chúng tôi sẵn sàng.
2 giờ sáng. Mọi thứ nổ tung, bừng sáng. Hoả lực súng cối, lựu đạn vũ khí bắn thẳng. Trận đánh lọt thỏm giữa rừng rậm trong đêm tối như mực. Khung cảnh mới hùng tráng làm sao! Tôi hoàn toàn tỉnh táo, mọi mệt nhọc đã tan biến.
Quân Việt tấn công dữ dội trận địa của tôi. Họ xung phong nhiều đợt. Quân sĩ của tôi nấp kín trong hầm hào, được bảo vệ bởi mìn, dây thép gai, lưới mắt cáo, nổ súng ở khoảng cách bốn mươi mét.
Những cuộc liên lạc qua vô tuyến của chúng tôi giống như một đường hình sin sống động phản ánh rõ trận chiến đấu. Bruno gọi Polo, Hervé: Yểm hộ tôi thật sát, tới mức tối đa, hướng hoả lực của các anh vào gần hơn nữa. Polo, Hervé gọi Bruno: Rõ, Bruno. Sẽ tóm được chúng... Trong hai tiếng đồng hồ dài dằng dặc trận đánh diễn ra dữ dội để rồi sau đó giảm bớt cường độ.
Quân Việt dậm chân, hò hét. Họ vô cùng ngạc nhiên, tưởng đâu tất cả chúng tôi đều ở ngay trong đồn... Họ làm cho tôi có cảm tưởng là họ rút. 4 giờ sáng. Thế là... Đã yên tĩnh đôi chút. Tôi hút vài tẩu thuốc lá. Bây giờ chuyện gì sắp xẩy ra đây? 5 giờ. Quân Việt đã cảm thấy điều cần phải làm: đẩy lùi Hervé trên điểm cao 852 để khống chế toàn bộ trận địa.
Quân Việt hò hét lao lên trên đỉnh núi nhưng Hervé đã dự kiến mọi chuyện và đối với anh bạn này, cần phải bước qua xác của anh ta nếu muốn tiến lên. Cũng nấp kín trong hầm hào, anh ta nhằm trúng những lính Việt, vốn không thấy tấm trái mắt cáo tệ hại, họ sa lầy trong tấm lưới ấy. Trời sáng dần.
Tú Lệ đã giữ vững với những thiệt hại tối thiểu. Một số tử vong và khoảng vài chục bị thương. Thật dễ thở khi là người chiến thắng. Nhưng thử hỏi, được bao lâu đây?
Chúng tôi quan sát thấy đoàn quân Việt, có lẽ tới một nghìn người, rút lui về hướng đông, trên con đường mòn đi tới Gia Hội. Lúc ban đêm tôi đã yêu cầu máy bay yểm trợ. Những chiếc B.26 đã có mặt và thích thú oanh tạc, nhưng rất nhanh, thời tiết trở nên xấu đi. Các ngọn núi biến mất trong màn sương mù.
Lúc 9 giờ và chỉ trong chốc lát, một chiếc B.26 đã xuyên được qua màn sương mù. Linarès, vị tướng tốt bụng này, nói trong máy liên lạc. Tôi báo cáo với ông tình thế hiện tại. Ông nói: “Hoan hô. Nhưng bám chắc đấy!” Tôi trả lời ông: “Trước hết tôi cần phải chuyển thương binh của tôi về phía sau, xin ngài cố gắng cử cho tôi năm chiếc Morane đã yêu cầu”
Chú thích
1. Clark Gable: Nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng thời đó đóng vai chính trong phim Cuốn theo chiều gió - N.D
Lời Thú Nhận Muộn Mằn Lời Thú Nhận Muộn Mằn - Marcel Bigeard Lời Thú Nhận Muộn Mằn