Nguyên tác: The Final Diagnosis
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Chương 14
H
ầu hết mọi buổi tối, bác sĩ Joseph Pearson đều đi ngủ sớm. Tất nhiên tối nào đánh cờ với Eustace Swayne, ông phải lên giường muộn hơn nhiều và sáng hôm sau thì uể oải và bẳn gắt hơn mọi khi. Hậu quả ấy, do ván cờ tối hôm qua, đang đè nặng ông trong lúc này. Ông đang xem những tờ đơn đặt mua thiết bị phòng xét nghiệm, công việc mà ông vốn rất ghét và lúc này lại càng ghét cay ghét đắng. Ông khịt mũi, lấy ra một tờ đơn, nguệch thêm vài chữ, ngừng lại một chút và rút tờ đơn thứ hai. Lần này có cả khịt mũi và chau mày. Người nào quen sống với ông ắt biết ngay đó là những dấu hiệu nguy hiểm - Bác sĩ Pearson có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Giây phút bùng nổ xảy đến khi ông loay hoay với tờ đơn thứ ba. Đùng một cái, ông ném bút xuống bàn, gom tất cả giấy tờ thành một mớ hỗn độn trên tay rồi xồng xộc đi ra cửa. Bước vào phòng huyết thanh với bộ mặt hầm hầm, ông ngó quanh quất tìm Bannister.
Ông kỹ thuật trưởng đang ngồi trong một góc làm xét nghiệm cấy phân.
- Dẹp cái đó đi, ra đây ngay.- Pearson ném phịch đống giấy tờ xuống một chiếc bàn ở giữa phòng. Một số rơi xuống sàn. Alexander cúi xuống nhặt lên. Anh có linh cảm rằng cơn thịnh nộ sắp trút xuống đầu Bannister chứ không phải anh.
- Sao thế?- Bannister bước đến. Ông đã quá quen với những cơn bộc phát như thế này nên đôi lúc càng cảm thấy thản nhiên hơn.
- Tôi sẽ bảo cho mà biết. Mấy cái đơn đặt hàng đây này. - Pearson đã hơi dịu lại, cơn giận đang sủi bọt lăn tăn thay vì sôi lên sùng sục - Hình như có lúc ông tưởng rằng đây là bệnh viện Mayo hả?
- Vật tư cần phải mua, đúng không nào?
Phớt lờ câu hỏi, Pearson nói tiếp:
- Lắm lúc tôi phải tự hỏi liệu ông có ăn được các món ấy không. Vả lại tôi đã chẳng bảo ông ghi chép cho rõ những thứ hàng ngoại lệ kèm theo lý do mua sắm hay sao? - Chắc tôi quên. - Bannister đấu dịu.
- Được rồi, nhớ dần đi là vừa - Pearson nhặt tờ đơn ở trên cùng - Canxi ôxyt để làm gì? Ở đây có khi nào dùng đến nó đâu cơ chứ?
Khuôn mặt Bannister nhăn lại thành một nụ cười tinh quái:
- Chính ông đã bảo tôi mua đấy thôi. Để ông làm vườn phải không nào? Bannister nhắc đến một sự kiện mà cả hai người đều biết nhưng ít khi nói tới. Vốn là người trồng hoa hồng thuộc hàng xuất sắc của hội những người làm vườn trong hạt tỉnh, Joe Pearson đã lấy khá nhiều hóa chất của phòng xét nghiệm đem về bón đất vườn nhà.
Ông tỏ ra bối rối:
- Ờ, phải rồi... Ô kê, bỏ qua chuyện đó - ông bỏ tờ đơn xuống và cầm lấy tờ thứ hai: - Còn cái này? Khi không lại cần huyết thanh Coombs để làm gì? Ai đặt hàng này?
- Bác sĩ Coleman - Bannister trả lời ngay. Đây là điều ông hy vọng sẽ được bàn đến. Cũng như ông, John Alexander cảm thấy có điềm chẳng lành.
- Hồi nào?- Pearson hỏi gắt.
- Hôm qua. Bác sĩ Coleman có ký tên đây này - Bannister chỉ tay vào tờ đơn và ranh mãnh nói thêm - Vào ngay cái chỗ ông vẫn thường ký. Pearson nhìn xuống tờ đơn. Đến lúc này ông mới thấy có chữ ký ấy. Ông hỏi Bannister:
- Anh ta cần nó để làm gì, ông biết không?
Ông kỹ thuật trưởng thở phào nhẹ nhõm. Ông đã khởi động được bánh xe báo oán và lúc này có thể ngồi yên thưởng thức trò vui. Ông bảo John Alexander:
- Đấy, nói đi.
Hơi bối rối, John Alexander nói:
- Thưa bác sĩ, để làm xét nghiệm cảm ứng máu cho vợ tôi do bác sĩ Dornberger yêu cầu.
- Sao lại có huyết thanh Coombs?
- Thưa bác sĩ, để làm xét nghiệm Coombs gián tiếp.
- Nói thử tôi nghe xem nào, vợ anh có cái gì đặc biệt? - Giọng Peason mỉa mai - Cứ muối đẳng trương và protein đậm đặc thì có làm sao? Như tất cả mọi người khác có được không?
Alexander cố chịu đựng, lòng hoang mang.
Pearson nói:
- Tôi đang chờ câu trả lời.
- Thưa vâng - Alexander ngập ngừng rồi tuôn ra: - Tôi đề nghị với bác sĩ Coleman và ông ấy đã đồng ý. Kết quả sẽ đáng tin cậy hơn nếu sau hai lần xét nghiệm kia...
- Anh đề nghị với bác sĩ Coleman ư? Giọng hỏi báo trước chắc chắn chuyện gì sắp xảy ra. Cảm thấy thế, Alexander nói tiếp:
- Thưa vâng. Vì có những kháng thể không thể phát hiện được bằng muối đẳng trương và protein đậm đặc, chúng tôi thấy nếu như làm một thử nghiệm nữa thì...
- Câm đi,- Pearson quát lên lớn tiếng, gay gắt hung dữ, đồng thời bàn tay đập mạnh xuống đống giấy tờ ở trên bàn. Phòng xét nghiệm im bặt.
Hơi thở nặng nề mắt nhìn Alexander trừng trừng: ông cụ chờ đợi một lúc rồi nói sẳng:
- Anh quá là tùy tiện với dăm ba thứ vớ vẩn nhặt được trên ghế nhà trường. Điều ấy gây phiền phức lớn cho chúng tôi. Nỗi cay cú trở lại trong lòng đang lúc ông nói - cay cú đối với tất cả những người trẻ tuổi hơn đang chen vào hòng tước đi của ông cái uy quyền tuyệt đối và đương nhiên mà cho đến nay vẫn là của ông. Vào những lúc khác và gặp khi tâm hồn thanh thản hơn, có lẽ ông đã xử lý chuyện này nhẹ tay hơn. Còn lúc này, đã thế thì ông dứt khoát lôi gã kỹ thuật viên chơi leo này trở về đúng chỗ của mình.
- Nghe đây và làm cho đúng. Tôi đã bảo anh một lần rồi và không muốn sau này phải nhắc lại một lần nữa - Đó là những lời truyền phán của uy quyền, của trưởng khoa có bàn tay sắt muốn cậu nhân viên hiểu rõ rằng từ nay trở đi sẽ chỉ có hành động thay cho lời khuyến cáo. Ghé sát mặt Alexander, Pearson nói tiếp: -Tôi là người phụ trách khoa này. Anh hoặc bất cứ ai khác có gì thắc mắc cứ đến nói thẳng với tôi. Hiểu chưa?
- Thưa, tôi hiểu ạ - Lúc này Alexander chẳng mong muốn gì hơn là chuyện này kết thúc cho xong. Anh hiểu rằng đây là lần đề nghị cuối cùng. Nếu chịu khó suy nghĩ mà phải chịu hậu quả như thế thì từ nay trở đi anh sẽ chỉ cúi đầu làm hết bổn phận của mình và giữ kín những điều suy nghĩ ở trong lòng. Mặc ai lo thì lo, cứ để cho họ chịu trách nhiệm.
Nhưng Pearson vẫn chưa chịu kết thúc:
- Đừng có mà múa sau lưng tôi, chớ thấy bác sĩ Coleman là người mới mà lợi dụng.
Alexander cháy bùng lên:
- Tôi không hề lợi dụng.
- Tôi nói là có. Và cũng đã bảo anh câm miệng lại. - Ông cụ quát tháo giận dữ, các cơ mặt nhăn nhúm, đôi mắt bốc lửa.
Alexander bị đè bẹp chi biết đứng yên.
Pearson trừng mắt quan sát người thanh niên một lúc, và rồi, như bằng lòng vì thấy ý tỏ bày đã rõ, ông lại mở miệng:
- Còn điều này nữa - Lần này giọng nói của ông tuy chưa thân thiện nhưng đã bớt vẻ gay gắt - Xét nghiệm máu chỉ cần dùng muối đẳng trương và protein đậm đặc là đủ. Cần nhắc cho anh nhớ tôi là bác sĩ bệnh lý học. Tôi biết rõ những gì mình nói ra. Anh hiểu chứ?
Alexander thiểu não đáp:
- Thưa vâng.
- Được rồi. Cho anh biết tôi sắp làm gì - Pearson nói nhẹ đi nhiều, như thể tạm ngừng hẳn - Và anh cứ muốn thử nghiệm này phải thật ngon lành, tôi sẽ đích thân làm ngay tại đây. Mẫu máu đâu?
- Trong tủ lạnh - Bannister đáp.
- Đem ra đây.
Bước qua gian phòng, Bannister nghĩ thầm rằng màn kịch đã chuyển sang chỗ không như ý ông mong muốn. Đã đành thằng bé Alexander cần phải bị đòn cho bớt thói hung hăng, nhưng ông cụ đã hơi nặng tay. Bannister muốn cơn bão cuốn thẳng về phía tay bác sĩ trẻ ưa phá bĩnh kia. Rất có thể Pearson để dành việc đó vào kịp khác. Ông nhặt mẫu máu có dán nhãn "Alexander, Mrs E." rồi đóng cửa tủ lại.
Pearson cầm mẫu máu mà phần máu đông đã được tách bỏ. Bannister nhận thấy tờ đơn đặt hàng vừa gây nên sóng gió đã rơi xuống sàn. Ông ta cúi xuống nhặt nó lên và hỏi Pearson:
- Tôi phải làm gì với cái này? Nhà bệnh lý học già nua rót một chút huyết thanh của mẫu máu vào hai ống nghiệm sạch. Không nhìn lên, ông hỏi bằng giọng gắt gỏng:
- Gì thế? Đơn đặt hàng - huyết thanh Coombs. - Không cần nữa. Xé bỏ đi - Pearson đang chăm chú đọc tờ nhãn dán trên một cái lọ đựng các tế bào Rh - dương tính. Dung dịch này do nhà bào chế cung cấp dùng làm thuốc thử trong xét nghiệm máu Rh - âm tính.
Bannster lưỡng lự. Tuy ghét cay ghét đắng bác sĩ Coleman, ông vẫn nhớ đến nguyên tắc hoạt động y khoa.
- Ông phải cho bác sĩ Coleman biết - Bannister nói ngập ngừng - ông có muốn tôi báo lại với ông ấy không?
Đang loay hoay chưa mở được nút chai, Pearson sốt ruột đáp:
- Không. Cứ để mặc tôi lo chuyện ấy.
Bannister nhún vai. Mình đã nêu vấn đề ra rồi. Hễ có gì xảy ra thì ông cụ phải chịu trách nhiệm. Ông xé nát tờ đơn đặt hàng và thả những mảnh giấy vụn bay lẻ tẻ vào giỏ rác ở dưới chân.
o O o
Bác sĩ bệnh lý học tập sự Roger Mc Neil ngờ rằng dẫu có theo nghề thuốc bao nhiêu năm đi nữa có lẽ chẳng bao giờ anh chai lì được với công việc mổ xét nghiệm xác chết trẻ em. Anh vừa mổ xong một bé trai bốn tuổi và lúc này, trong phòng mổ xét nghiệm cái xác đỏ lòm nhỏ nhắn ấy đang nằm phơi mở thảm thương trước mắt anh. Cảnh tượng này luôn luôn khiến lòng anh se thắt. Anh biết, như mọi lần trước, đêm nay anh sẽ khó ngủ. Cảnh tượng này sẽ tái hiện hoài trong tâm trí anh, nhất là khi anh nhớ đến (làm sao không nhớ cho được) tính cách và nghĩa lý của cái chết đặc biệt này.
Ngẩng đầu lên, anh thấy Mike Seddons, bác sĩ phẫu thuật tập sự đang chăm chú nhìn mình.
- Tội nghiệp thằng bé - Seddons, nói, giọng anh xót xa: - Sao người ta có thể ngu ngốc như thế được nhỉ.
Mc Neil hỏi:
- Cảnh sát vẫn chờ ư?
Seddons gật đầu:
- Ừ, và mấy người khác nữa. Cậu gọi Pearson đi.
- Được rồi - Seddons bước vào gian phòng tiếp giáp phòng mổ có đặt máy điện thoại.
Mc Neil băn khoăn tự hỏi mình có hèn nhát hay không khi trốn tránh trách nhiệm này. Nhưng đây là một ca mà Pearson phải được báo cho biết, sau đó ông sẽ quyết định ai là người bước ra ngoài công bố kết quả xét nghiệm.
Seddons gác máy trở vào:
- Pearson đương ở phòng huyết thanh, rồi sẽ đến ngay.
Hai người im lặng chờ đợi. Có tiếng chân bước lệt sệt và rồi Pearson xuất hiện. Ông liếc nhìn cái xác khi Mc Neil tường thuật các chi tiết. Khoảng một, hai giờ trước, em nhỏ bị xe hơi đụng trước cửa nhà, được xe cứu thương chuyển đến bệnh viện nhưng đã chết trên đường đi. Được tin báo, bên pháp y đã yêu cầu cho mổ xét nghiệm tử thi. Mc Neil báo cáo với Pearson những điều họ đã tìm ra.
Ông cụ hỏi như chưa tin:
- Có thế thôi sao?
Mc Neil đáp:
- Nguyên nhân tử vong chỉ có thế. Không còn gì khác.
Pearson bước đến và dừng lại trước cái xác. Vốn hiểu rõ Mc Neil là người thế nào, ông biết anh đã không lầm lẫn.
Ông nói:
- Thế ra họ cứ đứng ì ở đó mà ngó à.
Seddons chen vào:
- Hầu như chẳng ai biết tình trạng ấy là thế nào.
Pearson khẽ gật đầu. Seddons tự hỏi không biết ông cụ đang nghĩ gì. Ông hỏi:
- Thằng bé mấy tuổi?
- Bốn - Mc Neil đáp - Kháu khỉnh lắm. Cả ba người cùng nhìn về phía cái xác nhỏ bé, bất động trên bàn mổ. Đôi mắt em nhắm nghiền, mái tóc vàng rối bù bị hất về phía sau để che chỗ mổ lấy bộ óc ra ngoài.
Pearson lắc đầu rồi quay lưng đi ra cửa, nhưng còn ngoái lại nói:
- Được rồi, tôi ra nói cho họ hay.
Ba người ở phòng đợi nhìn lên khi Pearson bước vào.
Một người mang sắc phục cảnh sát thành phố, bên cạnh là một người đàn ông cao lớn, mắt viền đỏ. Người thứ ba nhỏ loắt choắt, râu ria lởm chởm ngồi ủ rũ một mình một góc phòng. Pearson tự giới thiệu. Viên cảnh sát nói:
- Thưa bác sĩ, tôi là Stevens thuộc Khu Phố 5 - ông ta lấy sổ tay và bút chì. Pearson hỏi:
- Ông có mặt ở nơi xẩy ra tai nạn không?
- Tôi đến ngay sau đó - ông ta chỉ tay sang người đàn ông cao lớn - Đây là cha của đứa bé. Quý ông kia là người lái xe.
Người đàn ông nhỏ thó nhìn lên nói với Pearson:
- Đứa bé chạy vụt ra từ bên hông nhà. Tôi không phải là kẻ cầm lái ẩu. Tôi cũng có con nhỏ. Xe chạy chậm. Tôi phanh lại gần kịp.
- Tôi bảo ông là thằng láo khoét - Giọng người cha nghèn nghẹn vì giận dữ và đau khổ - ông giết mất con tôi. Ông sẽ phải ngồi tù mọt gông.
Pearson nhỏ nhẹ:
- Xin đợi cho một lát- Ai nấy yên lặng nhìn ông. Ông chỉ tay vào cuốn sổ ghi chép của người cảnh sát - sẽ có bản tường trình chi tiết gửi cho pháp y, nhưng tôi có thể cho các ông biết qua vài điểm chính - Ngừng lại một chút, ông nói tiếp:
-Giải phẫu xét nghiệm tử thi cho thấy chiếc xe không phải là nguyên nhân gây tử vong. Viên cảnh sát tỏ vẻ bối rối. Người cha nói:
- Tôi có mặt ở đó mà! Nói cho bác sĩ hay...
Pearson nhìn ông ta:
- Rất tiếc không có cách nào khác hơn để báo cho ông hay. Tôi đành phải nói thẳng vậy thôi. Con của ông bị hất xuống đường, chấn động nhẹ khiến nó ngủ đi. Tuy nhiên xương mũi cũng bị nứt, vết nứt rất nhỏ những rủi thay nó lại làm cho mũi chảy máu.- Pearson quay sang viên cảnh sát, đứa bé ngã nằm sấp mặt xuống đất, có phải thế không?
- Đúng vậy - viên cảnh sát trả lời - Chúng tôi cứ để em nằm yên cho đến khi xe cứu thương tới.
- Khoảng thời gian ấy là bao lâu?
- Chừng mười phút.
Pearson khẽ gật đầu. Chỉ năm phút đã là quá trễ.
Ông nói:
- Tôi e rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết. Máu xuất ra ở mũi chảy xuống cuống họng. Đứa bé không thở được và rồi hít máu vào hai lá phổi. Nó chết vì nghẹt thở.
Mặt người cha lộ vẻ kinh hãi, sững sờ. Ông nói:
- Có nghĩa là... ta chỉ cần lật ngửa cháu lên...
Pearson vung hai tay đầy vẻ diễn cảm:
- Như tôi đã nói, rất tiếc không có cách nào khác hơn để báo cho ông hay. Tôi chỉ còn biết nói ra sự thật: những chấn thương ở đầu không quan trọng.
Viên cảnh sát hỏi:
- Thế cái va chạm của chiếc xe...?
- Tất nhiên không thể nói chắc được, nhưng theo ý tôi, chiếc xe chỉ đụng khẽ vào đứa bé - Pearson phác tay về phía người đàn ông nhỏ thó lúc này đang đứng sát bên họ - Tôi thiết nghĩ ông đây đã khai thật là xe đương chạy chậm.
- Trời ơi.- Người cha rên lên, đau khổ, tuyệt vọng và úp mặt vào hai bàn tay mà khóc nức nở. Người đàn ông nhỏ thó - lúc này mắt sáng rỡ - bước đến khoác vai dìu ông ta đến ghế ngồi.
Mặt trắng nhợt, viên cảnh sát nói:
- Thưa bác sĩ, tôi ở đó ngay từ đầu. Lật ngửa cho cháu lên nào có khó gì... nhưng tiếc rằng tôi không biết.
- Thiết tưởng ông không phải áy náy về chuyện đó.
Như không nghe thấy Pearson nói gì và như chưa thoát ra khỏi cơn bàng hoàng, viên cảnh sát nói tiếp:
- Tôi có học một khóa cứu thương và được cấp giấy chứng nhận hẳn hoi. Người ta không ngớt dặn dò các học viên đừng xê dịch nạn nhân, làm gì thì làm đừng xê dịch nạn nhân.
- Tôi biết Pearson nắm nhẹ cánh tay viên cảnh sát và chậm rãi nói: - Rủi thay qui tắc ấy có một vài trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như khi nạn nhân bị chảy máu ở miệng.
o O o
Lưng chừng hành lang của tầng chính, trên đường đi ăn trưa David Coleman trong thấy Pearson ở phòng đợi bước ra. Thoáng nhìn anh tự hỏi có lẽ bác sĩ trưởng khoa đau ốm gì chăng. Ông có vẻ lơ đãng, không chú ý khung cảnh xung quanh. Chợt trông thấy Coleman, ông bước phía anh.
Coleman đứng lại. Ông cụ nói:
- À, phải rồi... bác sĩ Coleman... Tôi có chuyện này phải nói với anh.
Coleman cảm thấy có một lý do nào đó khiến bác sĩ Pearson khó sắp xếp các ý nghĩ. Bàn tay ông lơ đãng nắm lấy ve áo bơ-lu của Coleman. Anh nhận thấy bàn tay ông cụ lóng ngóng đầy vẻ bối rối.
- Chuyện gì thế - thưa bác sĩ Pearson?
- Có cái này liên quan đến phòng xét nghiệm - Pearson lắc đầu - Chao ơi, lại quên mất rồi... để lúc nào nhớ lại xem - ông như sắp quay đi thì chợt nghĩ ra điều gì đó - Tôi định nhờ anh trông coi phòng mổ xét nghiệm tử thi. Bắt đầu luôn vào sáng ngày mai. Để mắt chăm lo cho các công việc được đâu vào đấy cho tôi.
- Vâng. Tôi rất lấy làm sung sướng - David Coleman hiểu biết khá tường tận về các công việc của phòng mổ xét nghiệm tử thi. Đây chính là dịp để tường tận về các công việc của phòng mổ xét nghiệm tử thi. Đây chính là dịp để anh bắt tay vào thực tế. Nhân lúc nói chuyên, anh thấy nên đề cập luôn một vấn đề nữa:
- Xin phép được thưa chuyện với ông...về các phòng xét nghiệm.
- Phòng xét nghiệm ư?- Đầu óc ông cụ như vẫn để đâu đâu - Chắc ông còn nhớ, trong thư tôi đã đề nghị ông xem xét và phân công cho tôi một phần việc nào đó ở các phòng xét nghiệm. Bàn chuyện ở đây lúc này xem ra hơi kỳ cục, nhưng Coleman cảm thấy sẽ không có dịp nào tốt hơn được nữa.
- Vâng... vâng... tôi nhớ có nghe nói - Đôi mắt Pearson như đang dõi theo ba người đàn ông đang bước đi xa dần trên hành lang: một viên cảnh sát và một người tháp bé cùng dìu một người cao lớn hơn.
- Tôi mong được bắt đầu từ phòng huyết thanh - Coleman nói - Công việc tôi muốn làm ở đó là kiểm tra các tiến trình xét nghiệm. Kiểm tra để bảo đảm các tiêu chuẩn nghiệp vụ, vậy đó.
- Hả? Tôi chưa nghe ra.
Nói chuyện mà cứ nhắc đi nhắc lại mãi thật là phiền.
- Tôi muốn được kiểm tra các xét nghiệm ở phòng huyết thanh.
- À, được...được...tốt thôi - Pearson nói một cách lơ đãng. Coleman bỏ đi rồi ông vẫn còn đứng nhìn hút theo dãy hành lang dài.
o O o
Elisabeth Alexander thấy trong người khó ở. Lúc đang ăn trưa trong nhà ăn của bệnh viện Three Counties, cô nhận thấy cảm giác đã có nhiều ngày qua chợt tăng mạnh hơn vào sáng hôm nay. Cái thai trong bụng quẫy đạp nhiều. - Ngay cả lúc này đây cô cũng cảm thấy những cử động rất nhẹ của nó. Cô mới đến cửa hàng bách hóa chen chân với các phụ nữ khác, dành mua được mấy tấm vải rực rỡ để trang hoàng cho căn hộ có một góc dành cho em bé.
Lần đầu tiên cô vào bênh viện ăn trưa với John. Người nhà của các nhân viên cũng được sử dụng nhà ăn của bệnh viện. Đó là một đặc quyền bất thành văn mà John mới biết được cách đây vài ngày. Ban nãy hai người đã xếp hàng lãnh khẩu phần. Elisabeth chọn xúp, xa-lát, bánh mì, thịt cừu rán khoai tây bắp cải, sữa và bánh nhân phết bơ. John vui vẻ hỏi:
-Em xem còn cần món gì nữa không?
Elisabeth nhón một cọng rau cần tây; vừa nhai cô vừa nói:
- Em bé háu ăn lắm.
John mỉm cười. Mấy phút trước đây, trên đường đến nhà ăn, anh cảm thấy lòng trĩu nặng nỗi chán chường của kẻ bị đè bẹp, những lời mạt sát của bác sĩ Pearson còn vang vang bên tai. Nét hồn nhiên dễ lây của Elisabeth khiến anh quên hết mọi ưu phiền, ít ra trong những giây phút này.
Anh nghĩ thầm: dù sao từ nay trở đi sẽ không còn chuyện rắc rối ở phòng xét nghiệm nữa vì anh bắt đầu dè dặt rồi.
Dù sao bác sĩ Pearson cũng đã tự tay làm xét nghiệm - bằng muối đẳng trương và Protein đậm đặc, và tuyên bố cả hai xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. “Về mặt huyết học - ông nói -vợ anh không có gì phải lo”. Phải nhận rằng ông cụ đã tỏ ra rất tử tế hoặc ít ra có vẻ như thế ngay sau cơn giận dữ ghê người.
Còn phải nhớ điều này: Bác sĩ Pearson là nhà bệnh lý học, rất có thể ông nói đúng. Mình không phải là bác sĩ và có lẽ đã quá coi trọng một vài điều học được ở trường công nghệ y học. Nhà trường bao giờ cũng nhồi nhét cho học viên hàng mớ lý thuyết chẳng có ích lợi gì trong thực tế. Rõ ràng anh nghĩ, có nhiều môn học ở bậc phổ thông và cao đẳng chỉ dùng để thi tốt nghiệp chứ không giúp gì cho cuộc sống. Phải chăng trường hợp này cũng thế? Phải chăng mình đã quá coi trọng lý thuyết nhà trường cho rằng cần phải có thêm thử nghiệm thứ ba trong khi kinh nghiệm thực tế của bác sĩ Pearson biết rằng điều ấy không cần thiết?
Sáng nay trong lúc làm xét nghiệm, bác sĩ Pearson nói gì nhỉ? “Nếu ta cứ thay đổi phương pháp xét nghiệm mỗi khi có điều gì mới mẻ xuất hiện thì biết đến bao giờ mới hết đổi thay? Trong y khoa, những sáng kiến mới mẻ nảy ra hằng ngày. Nhưng trong bệnh viện ta chỉ áp dụng một khi chúng đã được chứng minh là có giá trị chắc chắn. Bệnh viện đụng chạm trực tiếp sinh mạng con người nên không thể đánh liều được.” John không hiểu nổi tại sao làm thêm một thử nghiệm máu lại là đánh liều với sinh mạng con người. Dù sao bác sĩ Pearson đã có một quan điểm dứt khoát về những sáng kiến mới. Qua sách vở, John biết có rất nhiều sáng kiến nhưng không phải tất cả đều có giá trị. Đã đành bác sĩ Coleman rất quả quyết sự cần thiết phải có một thử nghiệm thứ ba, nhưng ông ta còn trẻ tuổi hơn bác sĩ Pearson nhiều quá, chắc chắn không kinh nghiệm bằng...
- Súp của anh nguội rồi kìa.- Elisabeth cắt đứt dòng suy nghĩ của anh - Anh nghĩ ngợi gì thế?
- Có gì đâu cưng - anh quyết định gạt tất cả ra khỏi tâm trí. Elisabeth hay có thói quen moi móc ý nghĩ của anh. Tuần trước anh có ý hỏi em cân nặng bao nhiêu?
- Không có vấn đề - Elisabeth vui vẻ đáp - Nhưng bác sĩ Dornberger dặn em phải ăn nhiều - Cô vừa kết thúc tô súp và đang hăm hở tấn công món thịt cừu rán.
Ngước mặt lên, John Alexander thấy bác sĩ Coleman đang bước lại gần. Nhà bệnh lý học mới của bệnh viện đang đi về phía dãy bàn mà những người trong hội đồng thầy thuốc thường ngồi. Không nghĩ ngợi gì, Alexander đứng lên.
- Bác sĩ Coleman.
David Coleman quay sang:
- Sao?
- Tôi muốn giới thiệu bác sĩ với vợ tôi - Khi Coleman bước lại bàn, John nói với Elisabeth - đây là bác sĩ Coleman.
- Xin chào Mrs. Alexander - Coleman ngừng lại, tay vẫn bưng khay đồ ăn vừa nhận được tại quầy.
Hơi vụng về John Alexander nói:
- Nhớ không cưng? Bác sĩ người New Richmond mà anh nói chuyện với em đó.
- Vâng, tất nhiên là em nhớ - Elisabeth nói rồi mỉm cười với Coleman - chào bác sĩ Coleman. Em còn nhớ rõ bác sĩ lắm. Có phải thỉnh thoảng bác sĩ vẫn đến cửa hàng của ba em không?
- Đúng vậy - Colman nhớ lại rõ ràng: một cô bé chân dài, vui tính, sốt sắng leo trèo tìm tòi trên đống đồ đạc hỗn độn của gian hàng cổ lỗ sĩ. Xem ra cô không thay đổi nhiều cho lắm.
Anh nói:
- Tôi nhớ có lần đã được cô bán cho mấy sợi dây phơi quần áo.
Elisabeth hớn hở:
- Em còn nhớ lắm. Dây có tốt không?
Colemen ra dáng suy nghĩ:
- Cô hỏi thì tôi xin nói, hình như đứt mất rồi.
Elisabeth phá lên cười:
-Bác sĩ cứ đem lại chắc chắn mẹ em sẽ đổi cho ngay. Mẹ em vẫn trông coi cửa hàng, đồ đạc vẫn lộn xộn hơn bao giờ hết.
Tính vui vẻ của cô dễ lây lan. Coleman mỉm cười.
John Alexander kéo ghế.
- Mời bác sĩ cùng ngồi với chúng tôi...
Coleman thoáng ngần ngại, nhưng thấy rằng từ chối là bất lịch sự, anh nói:
- Vâng - Rồi đặt chiếc khay xuống bàn. Trên khay là bữa trưa của người Sparta gồm xa-lát, trái cây xắt nhỏ và một ly sữa. Ngồi xuống ghế và nhìn Elisabeth, anh nói:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì ngày xưa cô cắt tóc bím phải không?
- Phải - Cô trả lời ngay- Có thắt nơ hai bên nữa. Em bỏ kiểu tóc ấy rồi.
David Coleman cảm thấy mến cô gái này. Gặp lại cô hôm nay chẳng khác nào bất chợt lật lại một trang sách cũ.
Cô khiến anh nhớ lại những năm tháng xưa - Indiana quả là vùng đất lành. Anh còn nhớ những ngày về nhà nghỉ hè, được ngồi với cha trên chiếc xe Chevrolet cũ nát chạy rảo khắp nơi.
Anh mơ màng:
Đã lâu tôi chưa về thăm lại New Richmond. Cha tôi mất, cô biết đấy, còn mẹ tôi dọn sang West Coast. Chẳng có việc gì để tôi trở lại đó - Rồi nghĩ sang chuyện khác, anh nói với Elisabeth:
- Cho tôi biết đi, làm vợ một người thầy thuốc thế nào?
John Alexander vội chen vào:
- Không phải thầy thuốc, chẳn qua tôi chỉ là một anh kỹ thuật viên công nghệ y học - Ồ, tại sao mình lại buột miệng nói ra điều ấy nhỉ? Có lẽ đó là hành động phản xạ vì chuyện xảy ra hồi sáng. Ban nãy, khi Coleman ngồi vào bàn, John đã toan kể lại cho bác sĩ nghe biến cố trong phòng xét nghiệm, nhưng anh gạt bỏ ngay ý định ấy.
Chuyện trò thoải mái với bác sĩ Coleman đã gây cho anh lắm điều khốn khổ rồi.
- Đừng coi thường ngành công nghệ y học- Coleman nói - Quan trọng lắm đó.
Elisabeth nói:
- Anh ấy không coi thường đâu. Nhưng có lúc muốn làm bác sĩ cơ.
Coleman quay sang John:
- Phải thế chăng?
Alexander không muốn Elisabeth nêu điều ấy ra. Anh miễn cưỡng trả lời:
- Trước kia tôi có nghĩ như vậy.
Coleman dùng nỉa xăm xa-lát:
- Thế sao anh không vào trường thuốc?
- Vì những lý do thông thường, chủ yếu là tiền bạc. Đang lúc trắng tay, tôi muốn đi làm ngay.
Trong khi ăn Coleman nói:
- Đi học lúc này chưa phải là muộn. Anh bao nhiêu tuổi rồi?
Elisabeth trả lời thay:
- Hai tháng nữa là tròn hai mươi ba.
-Tất nhiên như thể cũng hơi già rồi đấy - Mọi người cùng cười. Coleman nói tiếp: - Nhưng vẫn còn kịp.
- Ồ, tôi biết - John Alexander nói chậm rãi và đầy vẻ tư lự như thể biết trước cái lý của mình sẽ không đủ sức thuyết phục: - Khổ nỗi chúng tôi đang cần có tiền để bắt đầu ổn định cuộc sống, lại thêm cháu bé sắp chào đời...
Coleman cầm ly sữa uống một hơi dài rồi nói:
- Nhiều người vẫn cố đi học được tuy có con nhỏ và cuộc sống khó khăn.
- Em cũng nói như vậy hoài - Elisabeth hăm hở chồm về phía trước: - Nay có người nói thay cho nữa thì thật là vui.
Coleman lau miệng rồi đặt khăn xuống bàn. Anh nhìn thẳng vào mặt Alexander. Hình như từ buổi đầu gặp gỡ hôm nào anh đã có ấn tượng đúng về anh chàng kỹ thuật trẻ tuổi này. Anh ta có vẻ thông minh và tận tâm. Chắc chắn đây là con người yêu thích công việc của mình. Điều này được tỏ rõ trong phòng xét nghiệm hôm nào.
Coleman nói:
- Anh biết tôi nghĩ thế nào không John? Tôi nghĩ rằng nếu anh đã có ý và có cơ hội mà không vào học trường thuốc thì rất có thể sẽ phải hối tiếc cả đời cho coi.
Alexander nhìn xuống, bàn tay lơ đãng xê dịch dao nỉa.
Elisabeth hỏi:
- Chuyên khoa Xét nghiệm bệnh học vẫn cần có nhiều bác sĩ phải không ạ?
- Đúng vậy - Coleman gật đầu nhấn mạnh - Có lẽ khoa bệnh học cần bác sĩ hơn bất cứ nơi nào khác.
- Tại sao thế?
- Vì cần có người nghiên cứu để duy trì bước tiến của y học, để lấp đầy những khoảng trổng ở phía sau.
- Bác sĩ nói sao, những khoảng trống ở phía sau ư?
David Coleman thoáng nhận thấy mình đang nói năng cởi mở hơn thường lệ và muốn nói ra những ý nghĩ vẫn chôn chặt trong lòng. Hai con người này có vẻ tươi mát. Có lẽ bởi vì họ là những người trẻ tuổi mà anh được gặp ngay sau những giờ phút căng thẳng với bác sĩ Pearson. Trả lời câu hỏi của Elisabeth, anh nói:
- Xét về một phương diện nào đó, y học giống như một cuộc chiến tranh. Thỉnh thoảng có một bước tiến ngoạn mục - thế là người ta - giới bác sĩ ấy mà - chạy ùa đến trận tuyến mới và bỏ lại sau lưng những khoảng trống tri thức cần phải được lấp đầy.
Elisabeth hỏi:
- Và đó là công việc của nhà bệnh lý học... lấp khoảng trống, phải không ạ?
- Đó là công việc của tất cả mọi ngành y học. Nhưng đôi khi trong khoa bệnh học có nhiều dịp hơn - Coleman suy nghĩ một chút rồi nói tiếp: - Còn điều này nữa: nghiên cứu y học cũng giống như xây tường. Người này chồng thêm một viên gạch, kẻ khác chồng thêm một viên nữa và bức tường lên cao dần. Cuối cùng một người nào đó bước đến đặt viên gạch cuối cùng lên chỗ cao nhất - Anh mỉm cười: - Số người làm nên chuyện ngoạn mục như Fleming hay Salk ([28]) không có nhiều. Thường thường khả năng tối đa của nhà bệnh lý học là đóng góp một phần rất nhỏ vào kho trí thức y học. Sự đóng góp ấy tùy thuộc vào những điều kiện có trong tầm tay và thời giờ cho phép, nhưng ít ra đã là nhà bệnh lý học thì phải có đóng góp. John Alexander vẫn chăm chú lắng nghe. Tới đây, anh hăm hở hỏi:
-Vào bệnh viện này bác sĩ sẽ tiếp tục nghiên cứu chứ?
- Tôi hy vọng như thế.
- Đề tài gì?
Coleman lưỡng lự. Từ trước tới nay anh chưa bao giở thổ lộ về điều này. Nhưng đã nói nhiều rồi, có thêm một điều nữa cũng chẳng sao.
- À, về Lipoma tức là u mỡ lành. Chúng ta biết rất ít về loại u này - Hứng khởi với đề tài nghiên cứu của mình, bất giác Coleman mất hết về lạnh lùng và kín đáo - Anh biết không, đã từng có những người ăn uống rất kiêng khem, thế mà trong người vẫn phát ra u mỡ, tôi mong rằng... Chợt anh dừng lại - Kìa Mrs. Alexander, sao thế?
Elisabeth đột nhiên thở hổn hển và đưa hai tay bưng lấy mặt. Cô lại bỏ tay ra rồi lắc đầu như để trấn tỉnh.
- Elisabeth? Có chuyện gì vậy?- Hốt hoảng, Alexander đứng bật dậy chạy sang cạnh bàn đối diện.
- Được...được rồi - Elisabeth ra hiệu cho anh trở về chỗ ngồi. Cô nhắm mắt lại một vài giây rồi mở ra - Một...một chút thôi...đau quặn, tôi chóng mặt. Giờ thì hết rồi.
Cô uống một chút nước. Phải hết thật rồi, nhưng trong khoảnh khắc vừa qua cơ hồ như có những mũi kim nhọn hoắt và nóng bỏng đâm thẳng vào chỗ bào thai cựa quậy trong bụng và rồi đầu óc cô bồng bềnh, nhà ăn xoay vòng quay cuồng trước mặt.
- Trước kia có xảy ra như thế này không?- Coleman hỏi.
- Không - Elisabeth lắc đầu.
- Em nhớ rõ chứ?- Giọng John đầy vẻ lo lắng.
Elisabeth đưa bàn tay ra đặt trên bàn tay chồng.
- Anh đừng lo. Em bé còn ít nhất bốn tháng nữa cơ mà.
Coleman nghiêm giọng:
- Dù sao tôi đề nghị bà nên gọi điện cho bác sĩ phụ sản và kể lại hết những gì đã xảy ra. Rất có thể ông ấy cần gặp bà đấy.
- Tôi sẽ gọi - Cô mỉm cười nồng ấm với anh - Xin hứa.
Lúc ấy, Elisabeth nói thật lòng. Nhưng khi ra khỏi bệnh viện, cô thấy có vẻ như là chuyện vớ vẩn nếu làm phiền bác sĩ Dornberger vì một cơn đau chợt đến và chợt đi như thế. Nếu sau này cơn đau ấy trở lại chắc chắn sẽ còn kịp báo cho bác sĩ biết - chứ lúc này thì không nên. Cô quyết định chờ đợi.