"It is possible to live happily in the here and the now. So many conditions of happiness are available - more than enough for you to be happy right now. You don't have to run into the future in order to get more.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhượng Tống
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2245 / 53
Cập nhật: 2016-05-21 23:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ấy giờ là một buổi sáng trong vụ nghỉ hè.
Tôi đương ngồi ăn cơm với chú, thím tôi cùng các em thì có người nhà đến tìm. Người ấy chào cả nhà rồi nói với tôi:
- Bẩm cậu, mời cậu về ngay; ông ở nhà ngặt lắm!
Tôi giật nảy mình, buông đũa bát đứng dậy rồi thu xếp ra về. Dọc đường, bao nhiêu lần tôi hỏi người đày tớ về bệnh trạng thầy tôi. Tuy hắn đã đáp rồi mà chốc chốc tôi lại hỏi lại. Khi tôi về đến nhà thì trời đã chiều. Những tiếng tràng, tiếng đục của bọn thợ mộc đóng quan tài như đập thẳng vào tim, óc tôi cho tan ra từng mảnh vụn! Vào trong nhà, tôi thấy thầy tôi đương ngồi ở trong giường, tựa mình vào mấy cái chăn gấp vuông lại và để chồng lên nhau. Tuy đầu thầy tôi đã cạo trọc và người gầy yếu hơn trước nhiều song cửa vẫn mở, màn vẫn vắt một bên, quang cảnh trong nhà coi không ra quang cảnh chỗ nằm của người Việt Nam sắp chết.
Tôi vào chào thầy tôi, rồi ngồi vào chiếc ghế đặt ở trước giường mà hỏi thăm về bệnh trạng. Thầy tôi cười, cất giọng mỏi mệt đáp:
- Bệnh thầy thì hỏng rồi, con ạ! Đã hai hôm nay đại, tiểu tiện bí cả. Chốc chốc lại lên cơn đau bụng. Con trông đây: chân, tay lại hơi phù. Ăn uống cái gì vào là thổ ra ngay. Các thầy lang bó tay chịu cả. Kìa! sao lại khóc? Thầy đã chết đâu mà khóc? Mà khóc có ích gì đâu, con!...
Tuy sợ thầy tôi thật, song tôi lau nước mắt đi nó lại tràn ra. Kỳ thực thì sự trông thấy một người thân đương vào tay thần Chết lôi đi, mà mình chịu bó tay ngồi nhìn, vốn là một cảnh không mấy người nín được khóc, dù biết khóc là vô ích. Hai chị tôi ngồi ở cạnh thầy tôi, thấy tôi khóc cũng khóc nức nở. Thầy tôi gắt:
- Ô hay! Những quân này lạ chứ! Chúng mày định làm tội bố chúng mày đến lúc chết à? Trông thấy chúng mày khóc, tao khó chịu vô cùng! Tao chịu tội với chúng mày đã chán rồi! Bây giờ sắp chết, cũng để cho tao thư thả một chút chứ!
Nói đến đấy, thầy tôi đã mệt, thở lên hồng hộc. Chúng tôi không dám khóc nữa. Vội vàng đỡ thầy tôi nằm xuống. Thầy tôi bảo tôi ngồi vào trong giường và xua các chị tôi ra ngoài. Rồi thầy tôi cầm. tay tôi, đặt vào ngực, nhìn tôi một cách âu yếm. Đó là lần thứ nhất thầy tôi tỏ lòng yêu tôi bằng hai mắt. Tôi không thấy sợ thầy tôi nữa. Đối với thầy tôi lúc ấy, tôi thấy trong lòng chỉ chứa chan những mối yêu, thương. Yên lặng một lúc, thầy tôi mới thở dài mà sẽ bảo tôi:
- Bây giờ là lúc thầy cần phải nói với con. Bây giờ không nói, sợ rồi ra muốn nói cũng không kịp nữa: Chân, tay thầy thấy đã buồn bã cả...
Tôi dạ. Thầy tôi lại nói:
- Thầy là một người suốt đời bất đắc chí! Lúc thiếu niên, nào thầy có thiết chi phú, quý ở đời này! Trung gian chỉ vì cớ đông chúng con mà phải đem thân luồn, cúi người ta! "Vị ngũ đẩu mễ chiết yêu!" 1 (Vì năm đấu gạo mà phải khom lưng), cái nhục ấy không bao giờ thầy quên được! Cho đến bây giờ tuổi già, mình yếu, trông lại hoài bão lúc bình sinh, nghìn phần thầy không làm được phần nào cả! Thầy thật không có mặt mũi nào trông thấy người thiên hạ! Cho nên, con xem đấy, có lúc nào là thầy được vui đâu! Sống như thầy thật có như nhời cổ nhân: "Mạc nhược tốc tử chi vi dũ!" (chẳng gì bằng chóng chết là hơn cả). Bây giờ chết đi, thầy còn tiếc gì đời nữa! Chỉ thương hại cho mấy đứa em con còn bé, dại cả. Nhưng biết làm sao được! Thôi thì thương thầy, con thương lấy chúng nó. Liệu đấy mà nuôi, dạy cho chúng nó nên người... Thôi, ra gọi chúng nó vào đây! Thầy chỉ dặn con có thế.
Tôi bàng hoàng chạy ra, gọi ba đứa em nhỏ tôi vào. Thầy tôi bảo chúng nó ngồi cả chung quanh, rồi chỉ tôi mà dặn:
- Thầy chết đi, anh nó bảo thế nào, chúng con phải nghe thế nhé!
Chúng nó vừa cất tiếng vâng, vừa sụt sịt khóc. Thầy tôi cười nhạt, cầm lấy tay chúng nó:
- Nín đi thầy bảo! Thầy nói thế chứ thầy đã chết đầy 2!
Rồi thầy tôi lại như nói một mình:
- Ai ngờ tôi lại chết uổng vào tay vợ, con tôi!
Tôi ngồi ngây mà nhìn thầy tôi và mấy đứa em nước mắt dài, nước mắt ngắn trong ánh sáng lờ mờ của cảnh hoàng hôn. Hai chị tôi đem đèn vào, đổ nước sâm cho thầy tôi, nhưng thầy tôi gạt ra không uống. Mẹ tôi vào gọi tôi và mấy đứa em ra ăn cơm. Ăn xong, tôi lại vào bên giường bệnh. Mẹ tôi thì tiếp các người đến hỏi thăm ở bên ngoài. Thầy tôi bảo các chị tôi có chuyện cổ tích gì tức cười kể lại thầy tôi nghe. Các chị tôi dạ, song không tìm được chuyện gì kể. Thầy tôi liền bảo tôi:
- Thôi! Thằng Ngọc đi lấy tập thơ Phương Đình 3 đọc tao nghe cũng được.
Tôi đọc một lúc thì nghe tiếng thầy tôi ngáy. Tôi thôi không đọc nữa, vì tôi chắc thầy tôi ngủ. Nhưng khi nhìn xuống thì thấy mắt thầy tôi vẫn mở, và đưa đi, đưa lại luôn luôn. Tôi sợ hãi, hỏi người anh trưởng họ tôi, lúc ấy ngồi bên tôi:
- Anh ơi! Anh trông mắt chú sao lại thế này?
Anh ta nhìn rồi đáp:
- Chú mê mất rồi! Thử gọi xem!
- Nhưng chú đương ngáy. Tôi sợ gọi chú mất giấc ngủ.
- Cứ thử gọi xem! Ngủ sao lại mở mắt? Có dễ chú thở ra đấy, không phải ngáy đâu!
Tôi luống cuống, ghé bên thầy tôi mà gọi. Nhưng gọi thế nào thầy tôi cũng không đáp nữa!...
Sau khi đưa đám thầy tôi, tôi theo học lên Hà Nội. Sự biến cố trong nhà, sự xa Hữu và Lan, làm cho tâm hồn tôi có một đôi phần thay đổi. Nhiều khi tôi muốn đoạn tuyệt với cả hai người để được chuyên tâm về việc học. Tôi cho rằng cái cuộc tình duyên rắc rối ấy, tôi theo đuổi bao nhiêu, chỉ chuốc thêm phiền não bấy nhiêu, chứ chung quy tất không có kết quả gì! Tuy vậy, tôi không đủ can đảm để làm theo ý muốn của tôi. Tôi như một anh nghiện kiết nào, vẫn biết thuốc phiện làm cho mình càng ngày càng thêm cùng quẫn, song không sao mà bỏ được. Sự bỏ thuốc phiện làm cho anh ta chịu ngay cái khổ nhỡn tiền - cái khổ "thuốc phiện vật"! Sự đoạn tuyệt với ái tình đối với tôi cũng vậy: sống không yên, cô ả nhàn sầu cũng có sức "vật" tôi khổ hơn là mắc tay cô ả phù dung! Chao ôi! Vì hèn nhát, trong đời còn biết bao nhiêu kẻ hy sinh tương lai cho hiện tại như tôi với anh nghiện ấy? Cũng bởi thế mà khi đến Hà Nội là tôi viết thư ngay cho Lan và Hữu. Nhưng sau khi gửi thư đi, tôi mong mãi mà không được thư trả lời. Thế rồi khi lòng mong đã đến cực độ, tôi thấy sự mong làm khổ tôi quá! Tôi liền phát phẫn mà không mong! Tôi cho là họ không bao giờ trả lời tôi nữa! Tôi tự nhủ bằng một câu chua chát: "Thôi mong làm chi nữa! Mày chẳng qua là một món nghiên cứu để chúng nó dùng trong khi vỡ lòng học sự yêu trai! Bây giờ mày là đứa học trò xác, mà chúng nó thì là những cô tiểu thư nghìn vàng! Đứa nào còn nghĩ đến mày nữa!" Sự suy nghĩ ấy giúp cho tôi quả quyết thi hành cái ý muốn mà trước kia tôi không làm nổi. Đêm khuya tôi ngồi dậy, cầm ngọn đèn trong đêm ra ngoài sân gác. Rồi tôi lục hết cả các món mà hai người cho tôi làm kỷ niệm, nào ảnh, nào tóc, nào mùi soa, nào gối, tôi đem đốt cho kỳ hết. Tôi ngồi ngây ra mà nhìn cho ngọn lửa vô tình cháy dần những món tôi yêu, thương về trước đó, rồi tôi đem nước mắt nóng mà tưới cho nắm tro tàn. Trái tim tôi lúc ấy, như cũng đã tàn ra tro! Tung đám tro đó cho bay tan sang nóc nhà láng giềng, tôi tự yên ủi tôi: "Thôi thế cũng xong! Thà rằng bây giờ họ phụ mình, còn hơn sau này có lúc mình phụ họ!" Từ đó tôi chuyên tâm về việc học. Tuy vậy, mỗi khi nhớ đến việc cũ, tôi lại thở dài như một nhà đạo đức hủ 4: Tôi thở dài cho thế thái, nhân tình!
Ai ngờ ngay trong năm ấy, lại còn một việc làm cho tôi phải thở dài cho thế thái nhân tình một cách chua cay hơn thế!
Nhà tôi vốn là một nhà thế gia, nghĩa là một nhà nghèo. [...] 5
Giàu là những nhà đi buôn, những nhà làm ruộng. Phần di sản của ông tôi để lại cho thầy tôi có một sào đất với ba sào ruộng. Khi thầy tôi còn làm việc, ruộng, mẹ tôi cũng dành dụm tậu được thêm ba mẫu. Đó là cả cơ nghiệp nhà tôi ở trong làng. Cái cơ nghiệp ấy, sau khi thầy tôi mất đã hao hụt đi nhiều. Không muốn ai nói động đến vong linh thầy tôi, mẹ tôi đã phải làm mấy bữa cỗ trả "nợ miệng" các nhân đinh trong làng và các quan viên trong hàng tổng, hàng huyện: Thầy tôi xuất thân là một ông Cử. Thế là đi đứt mấy mẫu ruộng mới tậu. Tuy vậy, nhà tôi còn một cái cơ nghiệp ở ngoài làng nữa là năm mẫu ruộng mà ông ngoại tôi chia cho mẹ tôi. Việc quản lý mấy mẫu ruộng ấy, nhà tôi vẫn giao cho cậu cả tôi. Mẹ tôi cứ chắc trông vào đó, việc chi tiêu trong nhà sẽ không đến nỗi thiếu thốn. Khi tôi đi Hà Nội, vốn mong thi vào được trường Bảo hộ và xin được học bổng. Nhưng thi trượt, tôi phải học tư ngoài. Sợ nhờ việc học của tôi, mẹ tôi phải vay tiền cho tôi chi độ 6. Mẹ tôi định sẽ bán số lúa thuế ruộng mà bấy lâu vẫn gửi cậu tôi cho vay để trả món nợ. Không ngờ lúc mẹ tôi đến tính với cậu tôi, thì số lúa kia hóa ra "hữu danh vô thực". Bao nhiêu lúa trong huân, mợ tôi đều nhận là của mợ tôi cả. Còn số lúa mẹ tôi gửi, thì mợ tôi nói: "Lúa má nào? Tôi biết đâu đấy! Mặc kệ anh em nhà cô với nhau!" Mẹ tôi đành cãi nhau với cậu, mợ tôi một trận rồi sướt mướt khóc trở về. Về, mẹ tôi thu xếp bán mấy mẫu ruộng ấy. Nhưng cậu tôi là lý trưởng đương thứ 7. Mẹ tôi xếp bán cho ai, cậu tôi cũng nhất định không đóng đồng triện vào văn tự! Nhân cớ ông ngoại tôi hồi xưa chia ruộng cho mẹ tôi là chia miệng chứ không có di chúc, cậu tôi đã lấy quyền gia trưởng, lập ý muốn nuốt không mấy mẫu ruộng về phần mẹ tôi. Nhưng bề ngoài thì cậu tôi lại tỏ ra một ông anh cả rất nhân từ. Cậu tôi bảo mẹ tôi: "Cô dại lắm! Bán đi lúc nào là hết lúc ấy! Rồi mẹ con lấy gì mà nuôi nhau được? Tôi không thể biết đấy mà không giữ. Tôi nhất định không cho cô bán! Tôi giữ là giữ cho cô và các cháu chứ cho ai!"
Đó là câu chuyện "thế thái, nhân tình" mà mẹ tôi cho tôi biết vào hồi cuối năm ấy, khi tôi nghỉ Tết, vừa "mới bước chân về đến nhà". Mẹ tôi cho tôi biết tấm lòng vàng - hay tấm lòng "tham vàng" - của cậu, mợ tôi rồi bảo tôi:
- Theo ý bác con thì nhà ta nên đi kiện!
Tôi ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Thưa mẹ, kể cậu, mợ con mà ăn ở như thế là tuyệt đường nhân nghĩa rồi, đi kiện cũng là phải. Nhưng con chỉ sợ mấy mẫu ruộng ấy không ở tay cậu con thì vào túi quan Huyện chứ không đến phần nhà ta.
- Thế thì làm thế nào bây giờ? Lấy gì trả nợ người ta? Lấy gì cho con đi học? Lấy gì nuôi các em nay, mai cũng có đứa phải đi học trường tỉnh? Mẹ ở nhà nuôi con lợn, con gà, làm cái vải cái giấy cố công tần tảo, nuôi chúng nó đủ ngày hai bữa, kiếm cho nó đủ bút, giấy đi học trường làng, thế cũng đã là khó lắm rồi!
Mẹ tôi vừa nói, vừa nước mắt chảy xuống ròng ròng.
Tôi nhìn mẹ tôi, trong lòng cay đắng muôn vàn. Ai là kẻ làm con, đã cầm lòng đậu trước những giọt lệ thương tâm của mẹ? Tôi ngồi lặng đi một lúc lâu, rồi khảng khái mà nói:
- Thưa mẹ, con xin mẹ đừng nghĩ gì nữa! Con đã có cách! Con sẽ bỏ học. Con sẽ đi kiếm việc làm. Có việc làm là có tiền trả nợ, có tiền nuôi được các em...
- Nhưng thế thì khổ thân con quá! Năm nay con mới có mười bảy tuổi đầu!
- Con cũng biết mẹ thương con lắm, nhưng làm thế nào được!
Nói thế rồi, tôi cũng khóc. Tôi khóc cho cái đời trí thức của tôi!
Một lúc sau, mẹ tôi lục đưa cho tôi hai bức thư: Tôi nhìn ngoài phong bì thì là thư của Hữu viết cho tôi vào hồi tháng Chín tháng Mười năm ấy. Tôi mở ra đọc. Bức thứ nhất Hữu cho tôi biết chú tôi sắp sửa dời nhà lên Phú Thọ, vì mới mở đồn điền ở đấy. Bức thứ hai, Hữu cho tôi biết địa chỉ mới. Bức thứ nhất có kèm thư của Lan gửi về nhà chú tôi cho tôi, báo tin ông thân sinh bị mệt nặng. Xem xong, tôi hối hận về sự tôi đã ngờ oan họ. Vì thư họ gửi cho tôi, chính vào độ tôi gửi thư cho họ. Nhưng thư họ đến nơi, còn thư tôi thì lạc. Thư cho Hữu lạc vì cớ chú tôi đổi chỗ ở. Còn thư cho Lan lạc, chắc cũng vì một cớ giống như thế. Họ không được thư tôi, tự nhiên không biết địa chỉ mới của tôi ở Hà Nội để viết thư cho tôi nữa. Thần ngẫu nhiên đã cắt dịp 8 cầu ân ái, chứ chẳng phải là họ đã quên tôi. Thế nhưng tôi lại nghĩ: Dù bấy giờ họ chưa quên, nhưng bây giờ chắc họ quên rồi. Mà họ chẳng quên tôi nữa, tôi cũng nên quên họ. Tôi nên quên họ cũng như tôi nên quên tôi vậy. Vì rằng thân tôi đã không phải là của tôi nữa. Nó đã là của nhà tôi, của hai đứa em tôi. Tôi đã trót hứa với thầy, mẹ tôi như thế mất rồi!
Thế là tôi thất học từ năm mười tám tuổi! Cái đó là một vết thương tâm mà tôi mang đến suốt đời. Cho nên bây giờ khi tôi gặp những người trẻ tuổi mà hoàn cảnh bắt buộc phải thôi học, thì thực lòng tôi thương họ vô cùng. Kỳ thực thì là tôi tự thương tôi: Trong họ có một phần "tôi" năm tôi mười tám tuổi. Tôi chỉ thương có cái phần ấy...
@Chú thích
1 Câu nói nổi tiếng của Đào Tiềm thời Đông Tấn ở Trung Quốc. "Ngã khởi năng vị ngũ đẩu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa", nghĩa là "Ta lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru".
2 Có lẽ là "chết đâu".
3 Tức Phạm Đình Hổ.
4 Tức là cổ hủ.
5 Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ một đoạn.
6 Chi tiêu độ nhật.
7 Đương nhiệm, tại vị.
8 Tức là nhịp.
Lan Hữu Lan Hữu - Nhượng Tống Lan Hữu