Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Dịch giả: Tuấn Việt
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 257 / 41
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15 - Chiếc Khuy Măng-Xét Thứ Tư
ại tiền sảnh của Bloxham, chúng tôi sém nữa va phải Henry Negus, em của Richard Negus. Một tay ông xách chiếc cặp nhỏ, tay kia xách một chiếc vali rất lớn. Ông đặt chiếc vali xuống để nói chuyện với chúng tôi.
“Nặng ghê quá,” ông hổn hển nói. “Xin cho phép tôi hỏi, vụ án tiến triển đến đâu rồi?”
Theo biểu hiện và giọng nói của ông ta, tôi suy ra ông không hề biết án mạng thứ tư đã xảy ra. Tôi nín thinh, chỉ để ý xem Poirot sẽ làm gì.
“Chúng tôi tin tưởng sẽ thành công,” Poirot cố tình nói mơ hồ. “Ông qua đêm tại đây sao, thưa ông?”
“Đêm ư? Ồ, cái vali. Không, tôi ngụ tại khách sạn Langham. Ở đây tôi sẽ không chịu được, dù ông Lazzari đã có nhã ý mời. Tôi đến đây chỉ để thu hồi di vật của Richard.” Henry Negus nghiêng đầu xuống chiếc vali nhưng mắt thì vẫn lảng đi như thể ông không muốn nhìn nó.
Tôi nhìn tấm thẻ cứng cột ở quai nắm vali: Ông R. Negus.
“Thôi nhé, tôi cũng đang vội,” Negus nói. “Mong các ông tiếp tục thông báo cho tôi.”
“Chúng tôi sẽ báo cho ông,” tôi nói. “Xin tạm biệt, ông Negus. Tôi rất tiếc về anh trai của ông.”
“Cảm ơn ông, ông Catchpool. Ông Poirot.” Negus có vẻ bối rối, thậm chí có vẻ giận dữ.
Tôi nghĩ tôi hiểu lý do: đối mặt với tai họa, ông quyết tỏ ra hiệu quả và không mong ai nhắc đến chuyện buồn của ông vào lúc ông đang cố tập trung vào những vấn đề thực tiễn. Khi ông ta bước ra đường, tôi thấy Luca Lazzari bước vội đến chỗ chúng tôi, tay vuốt tóc. Một lớp mồ hôi phủ trên khuôn mặt ông. “A, ông Poirot, ông Catchpool! Cuối cùng các cũng tới! Các ông đã nghe tin thảm khốc chưa? Những ngày bất hạnh của khách sạn Bloxham! Ôi, những ngày bất hạnh!”
Không biết có phải tôi tưởng tượng hay quả thật ông ta đã sửa bộ ria cho giống với bộ ria của Poirot. Đó là sự bắt chước nhè nhẹ, nếu như ông ta quả có bắt chước. Tôi lấy làm lạ, không hiểu sao án mạng thứ tư lại gây ra cho ông ta nhiều buồn đau đến thế. Lúc chỉ có ba khách bị giết ở Bloxham, ông ta vẫn giữ được sự hoạt bát. Một ý nghĩ chợt thoáng qua tôi: hay lần này nạn nhân là một nhân viên khách sạn chứ không phải là khách. Tôi bèn hỏi người bị giết là ai.
“Tôi không biết cô ta là ai và cô ta hiện ở đâu,” ông Lazzari nói. “Xin mời vào, hãy theo tôi. Các ông sẽ tận mắt thấy.”
“Ông không biết cô ta ở đâu sao?” Poirot hỏi khi theo chân viên quản lý khách sạn đến thang máy. “Ý ông là sao? Cô ta không ở đây, trong khách sạn này sao?”
“A, nhưng ở đâu trong khách sạn chứ? Cô ta có thể ở bất cứ nơi đâu!” Lazzari rên rỉ.
Rafal Bobak cúi đầu chào khi tiến về phía chúng tôi, đẩy một xe đẩy lớn chất đầy những gói trông như khăn trải giường cần đưa đi giặt. “Ông Poirot,” ông ta dừng lại nói khi thấy chúng tôi. “Tôi đã lục đi lục lại mãi trong đầu xem có nhớ gì thêm về những lời trong phòng 317 vào đêm án mạng.”
“Oui?” Poirot có vẻ khấp khởi.
“Tôi không nhớ được gì khác, thưa ông. Tôi rất tiếc.”
“Không sao đâu. Cảm ơn ông đã cố nhớ, ông Bobak.”
“Kìa,” Lazzari nói, “thang máy đến rồi, mà tôi lại sợ bước vào đó! Trong khách sạn của chính tôi! Tôi không còn biết mình sẽ phát hiện gì và không phát hiện gì nữa. Tôi sợ khi rẽ vào mỗi góc, khi mở mỗi cánh cửa… tôi sợ những bóng người trên hành lang, tiếng cót két của ván sàn…”
Khi chúng tôi theo thang máy đi lên, Poirot cố moi vài thông tin từ người quản lý quẫn trí, nhưng không thành. Ông Lazzari có vẻ mất khả năng nói liền lạc một lúc quá sáu từ: “Cô Jennie Hobbs đặt phòng… Sao ạ? Vâng, tóc vàng… Nhưng rồi cô ta đi đâu?… Vâng, nón màu nâu… Cô ta đã biến mất!… Cô ta để lại hành lý… Chính tôi đã gặp cô ta, vâng… Tôi đến phòng quá muộn!… Sao ạ? Vâng? Áo khoác. Màu nâu nhạt…”
Đến tầng thứ tư, chúng tôi theo chân Lazzari khi ông bước vội dọc hành lang.
“Harriet Sippel ở tầng một, ông nhớ không?” Tôi nói với Poirot. “Richard Negus ở tầng hai và Ida Gransbury ở tầng ba. Tôi tự hỏi chẳng biết điều này có ý nghĩa gì không.”
Lúc chúng tôi bắt kịp Lazzari thì ông đã mở khóa cửa phòng 402. “Thưa các ông, các ông sắp thấy một khung cảnh xấu xí, dị thường nhất trong khách sạn Bloxham xinh đẹp. Xin các ông hãy chuẩn bị tinh thần.” Nói xong lời cảnh báo này, ông xô mạnh cánh cửa, đến mức nó đập vào bờ tường trong phòng.
“Nhưng… thi thể đâu?” tôi hỏi. Nó không có trong phòng, không được sắp đặt như các thi thể kia. Tôi cảm thấy nhẹ cả người.
“Chẳng ai biết cả, Catchpool ạ.” Giọng Poirot điềm đạm nhưng ẩn chứa sự giận dữ. Hay có lẽ là sự sợ hãi chăng?
Giữa một chiếc ghế và một chiếc bàn phụ – chính xác như vị trí các tử thi trong các phòng 121, 238 và 317 – có một vũng máu trên sàn và một vệt bẩn dài ở một bên như vật gì đó đã bị kéo lê băng qua đó một phần. Thi thể của Jennie Hobbs chăng? Một cánh tay có lẽ, theo như dấu của vệt bẩn. Có những đường thang ngắn cắt ngang vũng máu đỏ, có thể là dấu ngón tay. Tôi quay đi, cảm thấy buồn nôn trước cảnh tượng đó.
“Ông Poirot, coi kìa.”
Trong góc phòng có một chiếc nón màu nâu sậm lật ngửa. Có gì đó bên trong nón, một vật nhỏ bằng kim loại. Có thể nào đó là…?
“Nón của Jennie,” Poirot nói, giọng run run. “Điều mà tôi sợ nhất đã xảy ra, Catchpool ạ. Và bên trong chiếc nón…” Ông bước tới, rất chậm. “Phải, đúng như tôi nghĩ: một chiếc khuy măng-xét, cũng với dòng chữ tắt PIJ.”
Bộ ria mép của ông bắt đầu ngọ nguậy khá mạnh và tôi chỉ có thể hình dung ông đang che giấu những nhăn nhó: Poirot, mi là một tên ngốc – một tên ngốc đáng khinh. Sao mi lại để cho điều đó diễn ra!
“Ông Poirot, không ai trách được ông về…” tôi mở lời.
“Non! Đừng an ủi tôi! Anh bao giờ cũng quay mặt trước đau thương, nhưng tôi thì khác anh, Catchpool ạ! Tôi không thể chấp nhận một sự hèn nhát như thế. Tôi hối tiếc thứ mà tôi hối tiếc, không cần anh phải ngăn tôi lại đâu. Cần phải thế!”
Tôi đứng im như pho tượng. Poirot muốn tôi im, và ông đã thành công rồi đó.
“Catchpool,” ông gọi giật tên tôi như thể ông nghĩ sự tập trung của tôi đang bỏ đi lang thang, rời xa khỏi các vấn đề thực tại. “Hãy quan sát các vết máu. Thi thể bị kéo lê qua vũng máu nên mới để lại… vệt này. Anh thấy chưa?” ông hỏi.
“Thi… vâng, tôi cũng nghĩ vậy.”
“Hãy nhìn hướng chuyển động: không về phía cửa sổ mà là rời khỏi nó.”
“Điều đó có nghĩa gì?” tôi hỏi.
“Do thi thể của Jennie không có đây, hẳn nó đã được đưa ra khỏi phòng. Vệt máu không hướng về cửa sổ mà lại hướng về hành lang, do đó…” Poirot nhìn tôi vẻ chờ đợi.
“Do đó thì sao nhỉ?” tôi dọ dẫm hỏi, và bất chợt sáng tỏ, “Ồ, tôi hiểu ý ông rồi: các dấu vết được tạo ra khi hung thủ lôi thi thể của Jennie Hobbs qua vũng máu, kéo về phía cửa.”
“Non. Nhìn bề rộng của khung cửa đi, Catchpool. Nhìn đi: nó rất rộng. Điều đó nói lên gì với anh?”
“Cũng không nhiều gì lắm,” tôi nghĩ tốt nhất là cứ nên thật thà. “Khi đưa xác nạn nhân ra khỏi phòng hung thủ chắc cũng đâu quan tâm cửa phòng rộng hay hẹp.”
Poirot lắc đầu ngán ngẩm, miệng lẩm bẩm rủa thầm. Ông quay sang Lazzari. “Signor, vui lòng kể cho tôi mọi điều mà ông biết, từ lúc bắt đầu.”
“Dĩ nhiên. Chắc chắn rồi.” Lazzari hắng giọng để chuẩn bị. “Một phụ nữ tên Jennie Hobbs đã thuê phòng này. Cô ta chạy vào khách sạn cứ như thể một tai họa nào đó vừa trút xuống cô. Cô ta quăng tiền lên bàn, đòi thuê ngay một phòng, cứ như đang bị quỷ săn lùng vậy. Tôi đích thân đưa cô ta lên phòng rồi quay sang cân nhắc: phải làm gì đây? Có cần thông báo cho cảnh sát rằng người phụ nữ tên Jennie đó đã đến khách sạn? Ông đã yêu cầu tôi để ý cái tên này, thưa ông Poirot, nhưng ở London có rất nhiều phụ nữ mang tên Jennie và, rủi thay, hầu hết đều không liên can gì đến vụ án. Tôi làm sao biết được…?”
“Signor, vui lòng nói vào vấn đề,” Poirot ngắt lời ông. “Ông đã làm gì?”
“Tôi chờ khoảng hai mươi phút rồi lên lại đây, gõ cửa. Không có ai trả lời! Vì vậy tôi trở xuống để lấy chìa khóa.”
Trong khi Lazzari nói, tôi bước đến cửa sổ, nhìn ra ngoài. Mọi thứ đều dễ chịu hơn so với cảnh tượng máu me, chiếc nón và chiếc khuy măng-xét xúi quẩy có khắc chữ.
Giống như phòng 238 của Richard Negus, phòng 402 hướng khu vườn của khách sạn. Tôi nhìn ra những hàng chanh xoắn, nhưng rồi chẳng mấy chốc phải quay đi vì, với tôi, cả chúng cũng trông rất xúi quẩy: một hàng cây vô tri giác, lẫn vào nhau như thể chúng đã từ lâu nắm tay nhau.
Tôi vừa định quay sang Poirot và Lazzari thì chợt thấy hai người ở trong vườn, bên dưới cửa sổ. Họ đứng cạnh một chiếc xe cút kít màu nâu. Tôi chỉ thấy được đỉnh đầu họ. Một người là nam, người kia là nữ, và họ đang ôm ghì nhau. Người nữ có vẻ như trượt chân, khuỵu xuống, chiếc đầu chao sang bên. Người yêu của cô ghì chặt cô hơn nữa. Tôi lui lại, nhưng không kịp: người nam ngước lên và trông thấy tôi. Đó là Thomas Brignell, chàng nhân viên lễ tân. Khuôn mặt anh ta lập tức đỏ dừ. Tôi lùi thêm bước nữa để khuất hoàn toàn với khu vườn. Brignell tội nghiệp, tôi nghĩ. Cứ nhớ cảnh anh ngập ngừng khi đứng dậy phát biểu trước đám đông, thì biết ngay anh bối rối ra sao khi bị bắt gặp đang tình tự.
Luca Lazzari tiếp tục lời thuật của ông: “Khi trở lại với chìa khóa vạn năng, tôi gõ cửa lần nữa để đảm bảo mình không xâm phạm sự riêng tư của cô gái trẻ đó, nhưng vẫn không thấy cô ta mở cửa! Do đó tôi dùng khóa mở ra… và phát hiện khung cảnh này!”
“Jennie Hobbs có yêu cầu cụ thể phòng ở tầng bốn không?” tôi hỏi.
“Không, cô ta không đòi mà tự tôi hướng dẫn lên vì người lễ tân đáng tin cậy của tôi, ông John Goode, lúc đó đang bận chuyện khác. Cô Hobbs nói: ‘Cho tôi bất kỳ phòng nào, nhưng nhanh lên. Nhanh lên, tôi van ông đấy’.”
“Có giấy tờ gì để lại ở bàn lễ tân, thông báo về án mạng thứ tư không?” Poirot hỏi.
“Không. Lần này không thấy có thông báo,” Lazzari đáp.
“Có thức ăn thức uống gì được giao lên phòng hay được yêu cầu không?”
“Không. Không có.”
“Ông đã hỏi tất cả nhân viên khách sạn để kiểm tra rồi chứ?”
“Từng người một ạ. Thưa ông Poirot, chúng tôi đã tìm kiếm khắp nơi…”
“Signor, mới rồi ông mô tả Jennie Hobbs là cô gái trẻ. Ông đoán cô ta bao nhiêu tuổi vậy?”
“Ồ… xin ông thứ lỗi cho. Không, cô ta không trẻ. Nhưng cô ta cũng không già.”
“Cô ta có khoảng ba mươi tuổi không?” Poirot hỏi.
“Tôi tin cô ta cũng phải đến bốn mươi, nhưng tuổi của phụ nữ là thứ rất khó đoán.”
Poirot gật đầu. “Nón nâu và áo khoác nâu nhạt. Tóc vàng. Hốt hoảng và khổ sở, và cũng trạc tuổi bốn mươi. Cái cô Jennie Hobbs mà ông mô tả có vẻ giống Jennie Hobbs mà tôi gặp ở quán cà phê Pleasant tối thứ năm vừa qua. Nhưng liệu ta có thể chắc chắn đó chính là cô ấy? Hai cái nhìn của hai người khác nhau…” Đột nhiên, ông rơi vào im lặng, dù miệng ông vẫn tiếp tục ngọ nguậy.
“Ông Poirot?” tôi gọi.
Ông chỉ để mắt – đôi mắt xanh xanh sáng quắc – đến Luca Lazzari. “Signor, tôi cần nói chuyện lại với người phục vụ có óc quan sát tốt nhất của ông, ông Rafal Bobak. Và cả Thomas Brignell, John Goode nữa. Thật ra tôi cần nói chuyện càng sớm càng tốt với từng nhân viên một của ông, để hỏi xem họ từng thấy Harriet Sippel, Richard Negus và Ida Gransbury bao nhiêu lần, sống hoặc chết.”
Chắc hẳn ông đã nhận ra điều gì đó quan trọng. Khi đi đến kết luận đó, tôi bỗng há hốc miệng vì cả tôi cũng vừa có bước nhảy vọt về nhận thức. “Ông Poirot,” tôi thì thào.
“Có chuyện gì vậy, bạn tôi? Anh vừa lắp được vài mảnh trong trò chơi ghép hình của chúng ta sao? Poirot thì giờ đây ông ấy hiểu ra vài điều mà lúc trước chưa rõ, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi, còn nhiều mảnh không khớp.”
“Tôi vừa…” tôi đằng hắng. Vì lý do nào đó, với tôi việc ăn nói trở nên khá khó khăn. “Tôi vừa nhìn thấy một phụ nữ trong vườn khách sạn.” Lúc đó tôi không tiện nói rằng cô ta đang ở trong vòng tay của Thomas Brignell, hay mô tả cái vẻ kỳ lạ khi cô ta khuỵu xuống, cái cách đầu cô ta chao đi. Đơn giản là quá… lạ lùng. Nỗi ngờ vực xẹt qua tâm trí tôi khiến tôi quá bối rối để nói ra thành lời. Nhưng, may thay, tôi đã bật ra được một chi tiết quan trọng. “Cô ta mặc áo khoác màu nâu nhạt,” tôi nói với Poirot.
Kỳ Án Dòng Chữ Tắt Kỳ Án Dòng Chữ Tắt - Agatha Christie Kỳ Án Dòng Chữ Tắt