Số lần đọc/download: 1210 / 3
Cập nhật: 2017-09-01 22:17:03 +0700
Chương 15: Hey You Mr Q, Em Quá Đáng Yêu
Đằng ấy đang làm cái gì thế?
Thấy Giáo sư Trần đang ngồi lướt web, lão Ngô tò mò hỏi.
Từ sau khi Giáo sư Trần nói hết những gì cần nói, thì những ngày tháng của hai lão dễ chịu hơn rất nhiều. Hai bạn già sống những ngày tháng vui vẻ bất tận. Lão Ngô cũng chuyển đến ở nhà Giáo sư Trần, để cùng sống cuộc sống “không được làm đôi uyên ương trên trời, cũng làm lợn một chuồng”.
Không có gì, đang xem email ấy mà.
Giáo sư quay lại mỉm cười nhìn lão, rồi lại tiếp tục kiểm tra hộp thư.
Con người ai cũng có một tật là hễ ai đó nói “không có gì” thì sẽ cảm thấy “có gì đó”, nên sẽ càng muốn tìm hiểu, nếu không tìm hiểu thì cứ như ngứa mà không được gãi, khó chịu và tò mò.
Lão Ngô đã hơn sáu mươi tuổi rồi mà vẫn không bỏ được cái tính này, nghe thấy Giáo sư nói như vậy lại càng hiếu kì. Lão chạy đến săm soi màn hình máy tính bằng đôi mắt kèm nhèm. Nhưng mới nhìn vào lão đã nhăn mặt:
Ở đâu gửi đến vậy? Sao mà toàn là tiếng Anh?
Giáo sư Trần trả lời:
À, ở Bắc Kinh, nói là ở Bắc Kinh có một cái triển lãm nghệ thuật, muốn mời tớ làm khách mời đặc biệt.
Lão làu bàu:
Đúng là dở hơi, chẳng giống người Trung Quốc tý nào. Sao lại viết cho đằng ấy bằng tiếng Anh. Hai người Trung Quốc mà lại gửi thư tiếng Anh cho nhau đúng là nực cười.
Về điều này thì lão Ngô không hiểu được. Trong thời cách mạng văn hóa, cả nhà Giáo sư chạy đến Mỹ, đổi cả họ (Giáo sư Trần vốn dĩ là họ Trình) mai danh ẩn tích. Thế nên không mấy ai biết là ông từng sống ở Trung Quốc một thời gian dài, nên xem ông như một Hoa kiều thế hệ ABC một câu tiếng Hán cũng không rành. Với lại ở Mỹ khi tham gia hội nghị hay giao tiếp, Giáo sư Trần đều dùng tiếng Anh, chỉ nói tiếng Hoa với những bạn bè thân thiết lúc riêng tư. Do đó Ban tổ chức triển lãm nghệ thuật không biết ông nói được tiếng Hoa, nên cũng không thể trách họ được.
Theo lời Giáo sư Trần thì vài ngày nữa ở Bắc Kinh sẽ tổ chức một triển lãm nghệ thuật đẳng cấp quốc tế rất lớn, quy tụ rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật độc đáo trên thế giới, mà một nhà nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới như ông thì đương nhiên là sẽ được mời.
Nhưng bây giờ ông chỉ muốn ở bên lão Ngô, vì tuổi tác đã cao, dù gì cũng đã nửa người nằm dưới đất rồi còn gì, chẳng biết lúc nào sẽ nhắm mắt, ra đi. Bây giờ mà không tranh thủ thời gian gần gũi thì có khác nào lũ trẻ không hiểu chuyện tình cảm nên mới nói những câu tùy tiện đại loại như “ngày tháng còn dài mà” không nào? Thời gian cứ qua đi một ngày là ít đi một ngày, còn tình cảm thì cứ qua đi một ngày lại nhiều thêm một ít. Thế nên mọi thứ đều quan trọng, mọi thứ đều không thể bỏ quá.
Giáo sư cũng nghĩ mình già cả, chậm chạp, nên cũng chẳng cần bay đến Bắc Kinh để tham gia mấy cái hoạt động náo nhiệt như vậy làm gì. Nhưng ông vẫn tò mò không biết triển lãm nghệ thuật lần này có xuất hiện nhân tài không, có xuất hiện những tác phẩm đáng được quan tâm hay không. Ông vò đầu nghĩ tới nghĩ lui xem có nên đi hay không.
Ông nhìn xuống thì thấy cuối thư mời có viết: “Nếu ngài đi cùng người thân, vui lòng liên hệ với chúng tôi...”, mắt ông lóe lên, gọi lão Ngô:
Đằng ấy có muốn đi Bắc Kinh không?
Bắc Kinh? Thủ đô thì ai mà chẳng muốn đi. Có điều tớ vẫn chưa đi bao giờ. Nếu mà tớ được đi thì tớ phải đến Thiên An Môn xem nghi lễ kéo cờ mới được!
Mặt lão đầy hào hứng.
Giáo sư mỉm cười gật đầu. Bây giờ đang kỳ nghỉ đông, nếu mà đi thì có thể dẫn lão Ngô đi tham quan danh lam thắng cảnh, thưởng thức đặc sản của Bắc Kinh, mùa xuân lại còn có lễ hội nữa chứ... Mà tính lão Ngô thì nhất định sẽ thích mấy nơi nhộn nhịp như vậy.
Nghĩ vậy ông nhanh tay trả lời Ban tổ chức rằng sẽ đi cùng người thân. Họ cũng nhanh chóng trả lời rằng rất hoan nghênh Giáo sư cùng phu nhân. Họ sẽ chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ phí đi lại và những chi phí hợp lý của hai người trong thời gian ở tại Bắc Kinh.
Giáo sư đọc thư xong liền vui vẻ nói lão Ngô chuẩn bị đi Bắc Kinh chơi. Lão Ngô cười như pháo nổ, nhanh chóng thu xếp đầy đủ hành lý cho cả hai người, chỉ đợi có vé là lên máy bay.
Hai ngày sau Giáo sư đã nhận được vé máy bay giao đến tận nhà. Lão Ngô mừng đến nỗi hai mắt sáng như bóng đèn khiến ông thấy rất mãn nguyện.
Lão Ngô chưa đi máy bay bao giờ, bước vào sân bay là cứ nắm chặt tay Giáo sư vì sợ bị lạc. Lần đầu tiên nhìn thấy vẻ yếu ớt, dựa dẫm của lão, Giáo sư vui ra mặt.
Nhận thẻ lên máy bay, Giáo sư Trần dẫn lão qua cửa kiểm soát, Giáo sư thì qua cửa nhanh chóng, còn đến lượt lão Ngô thì chuông cảnh báo vang lên, làm lão Ngô sợ đến mức tim muốn nhảy ra ngoài.
Phiền quý khách đứng sang bên kia để nhân viên của chúng tôi tiến hành kiểm tra.
Nhân viên kiểm soát lịch sự yêu cầu lão đứng lại để kiểm tra, rồi dùng một thanh dò kim loại dò khắp người lão.
Vừa chạm vào người lão thanh dò đã kêu te te.
Lão Ngô tội nghiệp cởi rút ra một cái điện thoại từ cái túi áo ông già của lão (vì lão nhất định không mặc đồ véc, nên Giáo sư đành phải chuẩn bị cho lão một bộ quần áo ông già tươm tất).
Người ta tiếp tục dò, dò đến thắt lưng thì lại có tiếng te te.
Lão Ngô mím môi, tháo thắt lưng đầu kim loại kèm theo một chùm chìa khóa.
......
............
..................
Cuối cùng người ta tìm thấy bốn, năm thứ đồ bằng kim loại từ trên người lão, Giáo sư Trần tái mặt:
Đằng ấy làm sao vậy, chẳng phải đã nói là mấy thứ đó phải để trong vali hay sao?
Lão Ngô phụng phịu:
Tớ sợ mất...
Cái vẻ phụng phịu của lão sao mà cute (dễ thương) đến thế.
Giáo sư chống cằm, trong lòng thầm than sao lão Ngô chẳng biết phân biệt thời gian, địa điểm mà cứ đáng yêu như thế... (nhưng thực tế chỉ có Giáo sư là nghĩ như vậy thôi.)