Letting go means to come to the realization that some people are a part of your history, but not a part of your destiny.

Steve Maraboli

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
V
Từ khi Thoát-hoan kéo quân về đóng đông nghịt vùng Vạn Kiếp, không đêm nào chúng không bị quân Đại Việt quấy rối. Quấy rối làm cho giặc ăn không ngon, ngủ không yên. Quân ta chỉ quấy rối về đêm, ban ngày lại rút ra xa. Giặc có đánh nống ra cũng chỉ dám đi độ non nửa ngày đường rồi quay lại. Nhiều khi tới ba bốn ngày liền vẫn không có đụng độ gì với quân ta. Nhưng bất chợt có ngày giặc đi tới quá trưa, đang định quay về đồn trại thì bị quân ta quây đánh diệt gần hết. Vài ngày sau địch lại nống ra, nhưng chỉ dám đi xa non chục dặm và với số quân đông tới cả vạn tên. Những ngày như thế chúng lại chẳng vấp váp gì, càng làm cho lũ tướng giặc tức đến phát điên. Chúng thường chửi tục: “Quân Giao Chỉ là một lũ quân ma”.
Thấy tình thế khó có thể ở lâu được nữa, Thoát-hoan bèn triệu các tướng về bàn thảo. Ta còn nhớ các gương mặt tướng lĩnh trước khi xuất phát ở Ngạc Châu đều hớn hở vui tươi như đi trẩy hội, thế mà lúc này vào chầu chủ tướng, tướng nào cũng mang bộ mặt nặng như chì và khó có thể nhìn thấy một nụ cười hoặc nghe thấy một tiếng hỏi chào nhau vui vẻ.
Tề tựu đông đủ, Thoát-hoan hỏi:
- Các ông nói rõ tình trạng trong quân ta nghe.
Thấy chủ tướng có vẻ cau có, các tướng cảm thấy ngại nói ra sự thật, họ nhìn nhau vẻ như đùn đẩy khiến Thoát-hoan cáu gắt:
- Cứ nói thẳng đi. Lương thực còn được bao nhiêu ngày nữa. Quân đã phải ăn đói chưa. Có ốm đau nhiều không mà nhiều mả mới chôn người thế. Nếu các ông cứ quanh co không chịu nói thật để trong quân xảy ra các việc bất thường, ta sẽ trị tội nặng gấp đôi.
Áo-lỗ-xích nhìn các tướng với vẻ cảm thông và ông lên tiếng:
- Bẩm Trấn Nam vương, Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ nhận mệnh trước thiên tử chở hơn bốn mươi vạn thạch lương, nhưng tới lúc này quân vẫn chưa nhận được một hạt lương nào từ y. Chắc là quân đã chết đói từ lâu, nếu các tướng không sai quân hằng ngày đi cướp lương, đi tìm kiếm đào bới lương thực mà người An Nam chôn giấu. Bây giờ việc ấy cực khó, có thể nói mỗi đấu gạo phải đổi một mạng lính, nhiều khi cái giá còn đắt hơn thế nữa. Quân thì ốm đau, mệt mỏi, sợ hãi và bất cứ chỗ nào cái chết cũng rình rập. Đi đào bới lương: chết. Đi cắt cỏ ngựa: chết. Đi hái rau: chết. Đi tìm cây thuốc: chết. Đủ thứ chết nên lính đâm nhát sợ. Sợ nhất là lũ người bắn lén bằng tên độc. Người Giao Chỉ chế được loại thuốc kịch độc tẩm vào mũi tên. Ai bị giặc bắn trúng tên độc, dù chỉ xước da, người cũng sưng phù bằng con bò, tím tái toàn thân rồi giãy đành đạch hoặc sùi bọt mép trắng xóa rồi chết thẳng cẳng. Lại nữa, gần đây Hưng Đạo thả các tù binh bị bắt là quân tải lương hoặc quân thủy về các trại, khiến chúng phao đồn cũng làm tinh thần binh lính thêm rệu rã. Mỗi khi điều động quân đi càn quét hoặc tìm lương thảo, chúng rất sợ ra khỏi trại. Khi ra khỏi trại đám quân Giang Nam thường rủ nhau bỏ trốn. Tôi thay mặt các tướng nói lên sự thật, mong Trấn Nam vương thử xem xét ta có nên ở lại cái xứ này nữa không.
Dù là một bậc tướng lão luyện chiến trường được Hốt-tất-liệt tin yêu trao trọng trách làm phó tướng cho Thoát-hoan, dẫn một đội quân viễn chinh đông năm, sáu chục vạn mà để tình trạng như thế này, Áo-lỗ-xích thấy mình cũng có phần trách nhiệm. Nhưng nếu không sớm thoát ra khỏi tình trạng này để phải trắng tay thì tội của ta lớn lắm. Vi vậy Áo-lỗ-xích thấy cần phải cho vị chủ tướng biết rõ thảm trạng đang đến với quân mình.
Nghe viên phó tướng nói xong, mặt Thoát-hoan đỏ lựng rồi tái đi. Các tướng đều cảm nhận cơn thịnh nộ sắp nổ ra. Nhưng không, không có điều gì xảy ra cả khiến các tướng vô cùng ngạc nhiên.
Với vẻ mệt mỏi, đưa mắt nhìn khắp lượt các tướng, dường như ngầm có sự chia sẻ nỗi bất hạnh với mọi người, Thoát-hoan nói:
- Quân ta đang gặp khó. Vậy ý các tướng thế nào, liệu có nên ở lại cái xứ chết tiệt này không. Và ta hỏi thực, quân đã phải ăn đói chưa, đã bỏ trốn sang hàng giặc chưa.
Nhân đó hữu thừa A-ba-tri liền nói:
- Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn. Nếu ở qua xuân sang hè, thời tiết giao mùa, thủy thổ không hợp, quân sẽ ốm nhiều do bệnh thời khí phát sinh. Một khi các bệnh tả lị đã phát thì người ốm và chết hàng loạt tựa như cuộc chiến năm Ất Dậu, đúng lúc thời tiết nóng nực lại nước lũ tràn về quân ốm, ngựa đói thì quân Giao Chỉ mở nhiều trận đánh lớn khiến quân ta trở tay không kịp. Nay chủ tướng đã có ý không muốn ở lại nữa, tại sao ta không về từ lúc quân còn khỏe.
Hữu thừa Trịnh Bằng Phi cũng nói thêm:
- Thật ra đây là vùng đất, nếu chưa chiếm được thì chưa yên tâm, mà chiếm được cũng chẳng để làm gì. Các quan chắc chẳng ai muốn đi thú ở cái miền xa xôi lam chướng mà dân cũng không thuần, họ có thể nổi dậy chống lại quan quân bất cứ lúc nào. Tôi cũng thấy nếu Trấn Nam vương đã không có bụng ở, sao ta không tính việc cho quân về sớm. Lương sắp cạn, quân thì mỏi mệt mùa nóng nực lại sắp tới rồi, nên cho toàn quân về sớm kẻo khi giặc phản công không lấy gì chống đỡ để tai tiếng cho triều đình, về lương thực, tuy vậy quân vẫn chưa bị bớt bữa, nhưng có bị bớt bát. Trong quân thường có hiện tượng quây lại với nhau thành từng nhóm bàn tán và tỏ ra lo lắng, sợ sệt. Nếu giặc vây riết, quân bị đói thì cơ sự thật khó lường.
Đúng là Trịnh Bằng Phi biết đến gan ruột chủ tướng. Điều Trịnh Bằng Phi nói cũng chính là điều các tướng muốn nói, nhưng ai cũng ngại không dám nói ra. Và trong bụng thì ai cũng nghĩ đến cái họa năm Ất Dậu tái diễn. Nhất là những tướng vừa thoát ra khỏi cuộc chiến ấy như Lưu Thế Anh ngồi kia. Vạn hộ Lưu Thế Anh đóng giữ căn cứ A Lỗ thủy bộ liên hoàn. Khi không thì quân kỵ, quân thủy, quân bộ giương giương tự đắc, thế mà bỗng chốc Hưng Đạo giáng cho một đòn tan nát. Hơn hai vạn quân chỉ còn mấy chục đứa hộ vệ Lưu Thế Anh chạy về Thăng Long áo quần rách rưới tả tơi ra mắt Trấn Nam vương. Nghe tin A Lỗ thất thủ, Thoát-hoan đã rụng rời cả tay chân, tới lúc nhìn chủ tớ Lưu Thế Anh phủ phục trước mặt xin tha tội, Thoát-hoan khinh bỉ đuổi ra ngoài. Thoát-hoan phải gánh nhiều trận thua đau nên không nhớ xuể, nhưng Lưu Thế Anh thì chẳng thể nào quên cái nhục của đời làm tướng. Vì vậy, y ngồi thu người lại như muốn che giấu tấm thân phì nộn và cái mặt béo tròn da bóng nhẫy, chỉ cần châm nhẹ cái đầu gai bưởi vào, mỡ sẽ chảy ra ròng ròng. Cứ nghĩ đến cái cảnh người, ngựa ngoi ngóp trong nước lũ, dạt vào mấy mô đất cao tranh chỗ trú chân với đám chuột đồng thì Lưu Thế Anh không còn bụng dạ nào mà bàn bạc nữa. Và cũng chẳng còn tư cách gì mà bàn bạc. Vì thế y cứ cúi gằm mặt xuống, nhưng tai thì dỏng lên nghe không bỏ sót một từ nào.
Nhân đó Trương Ngọc cũng bàn thêm:
- Đọc Tống sử tôi thấy năm Hy Ninh thứ 10 (1077) Giám sát ngự sử là Thái Phụng Hỷ dâng biểu lên vua Tống Thần tông về việc đánh Giao Chỉ trong đó có đoạn viết: “Phù chướng hải cùng sơn, độc vụ chi uyên tẩu, phi diên trụy, độc khí thượng, ôn phong tác lệ; kỳ gian đãi chi nhân cảnh, tuy tận đắc chi, cố hà ích ư thiên hạ?”[80]
Xem thế đủ biết hơn hai trăm năm trước, khi đánh Giao Chỉ người Tống cũng đã cân nhắc và bàn bạc tới cạn nhẽ. Lại xem đất đai, khí hậu Giao Chỉ hiện nay với hơn hai trăm năm trước cũng không có gì khác biệt. Suy cho cùng nếu Trấn Nam vương đã có bụng không muốn ở thì cũng nên về sớm, tránh được lúc thời khắc xuân hạ giao mùa thường nảy sinh dịch bệnh.
Các tướng đều lần lượt nói theo cái bụng không muốn ở lại An Nam của Thoát-hoan. Tất cả đều nói tránh đi cái tình thế sắp thua, nếu ở lại sẽ bị chết đói, bị tiêu diệt hoàn toàn, và họ đều vin vào cái cớ thời tiết, khí hậu không hợp để bàn việc lui quân cho đỡ sái, đỡ nhục. Ai cũng biết cái lý nó nằm ở chỗ khác chứ không phải thời tiết khí hậu. Ấy thế mà họ vẫn cứ phải bấu víu kể cả bấu víu vào lịch sử và cố tình lẩn tránh một sự thật hiển nhiên.
Cái triều đình bù nhìn do Hốt-tất-liệt sai lập và tấn phong từ vua chúa tới một lũ bầy tôi theo chân Thoát-hoan về nước, nay đều thất vọng, đều quần tam tụ ngũ cao đàm khoát luận về những chuyện vu vơ, vờ quên thân phận của một bầy chim mồi, chó săn. Và trong các cuộc bàn bạc nơi màn trướng, họa hoằn lắm Thoát-hoan mới cho Trần Ích Tắc, cái người mà chúng hy vọng đặt lên ngôi quốc vương, nếu chúng chinh phục được nước Nam, ngồi dự nghe chứ không được dự bàn.
Lần này cũng vậy, Thoát-hoan cho gọi Trần Ích Tắc vào trong trướng để được nghe bàn. Thấy bọn tướng giặc thốt ra những lời chua chát, Trần Ích Tắc đau lòng nhận thấy quân thiên triều sắp bị An Nam đánh bại đến nơi. Và trong thẳm sâu tâm tưởng của kẻ phản bội Tổ quốc nhen lên một điều gì tựa như là sự hối hận. Trần Ích Tắc vội xua đuổi cái thứ tình cảm yếu mềm, chấp nhận thân phận tôi tớ, quyết giữ lòng trung với ngoại bang, trọn đời thờ vua nước giặc, đồng tâm hiệp lực với giặc bán rẻ giống nòi để được vinh thân phì gia, mặc cho trăm họ nguyền rủa khinh bỉ, sử xanh chê trách.
Thoát-hoan thoáng nhìn thấy vẻ mặt Trần Ích Tắc đầy âu lo, song y vẫn dửng dưng. Đoạn quay về phía các tướng, y tuyên một cái lệnh mọi người đang chờ đợi:
- Chiều theo ý các ông, ta bằng lòng đưa quân về, chứ cái xứ man di này dẫu có chiếm được cũng chẳng để làm gì. Bỗng nhiên y nổi nóng: - Ta căm ghét vua tôi nó. Ta muốn giết hết dân nó. Nhưng trước khi về nước hãy thiêu tất cả mọi thứ trong cái vùng Vạn Kiếp này ra tro, ra than.
Hai mắt Thoát-hoan đỏ ngầu như hai cục lửa, mặt đằng đằng sát khí. Thoát-hoan trỏ vào Giải Chấn hạ lệnh:
- Ngươi đem quân đi đốt tất cả những gì có thể cháy trong vùng này.
Các tướng xúm vào can:
- Bẩm Trấn Nam vương, nếu ta đốt thành, có khác nào tự báo cho giặc rằng ta sắp rút quân. Điều đó thật sự nguy hiểm.
- Nói rằng đem quân về nước, nhưng có phải ngày một ngày hai đã đi khỏi được đâu. Nếu đốt, trước hết quân ta không có chỗ đồn trú.
Viên thần nỗ tổng quản Giả Nhược Ngu được Thoát-hoan yêu mến luôn giữ ở bên mình cũng nói:
- Đành rằng quân nên về, không nên giữ. Nhưng muốn cho toàn vẹn phải giữ cho kín nhẹm. Nếu ngày mai lui quân thì hôm nay vẫn phải làm cái việc của một đội quân đang tính chuyện ăn ở lâu dài khiến giặc không thể ngờ.
Suy nghĩ giây lâu, Thoát-hoan nói:
- Thể theo ý nguyện của các ông, ta chấp nhận lui quân. Nhưng ta nghe nói Hưng Đạo đã đưa tới ba chục vạn quân lên phía bắc nhằm ngăn chặn quân ta rút về Bắc. Lại nghe nói, chúng đào nhiều hầm xỉa ngựa ở hai bên sườn núi, và nhiều hố bẫy ngựa dọc đường thiên lý. Vậy các ông bàn kế sao cho việc trở về được toàn vẹn.
Hết thảy các tướng đều thấy việc rút quân càng sớm càng tốt. Nhưng rút sao cho được an toàn lại là việc khó. Bởi An Nam đã đem mấy chục vạn quân luồn phía sau lưng quân Nguyên để chặn đánh trên đường rút chạy. Hơn nữa tinh thần quân mình lúc này sa sút mà khí thế trong quân họ lại đang lên.
Chưa thấy một tướng nào khai khẩu, Thoát-hoan đảo mắt nhìn khắp lượt.
A-ba-tri một viên tướng vào hàng thượng thặng xin nói:
- Người Giao Chỉ giảo quyệt, lúc quân ta mới vào chúng giả thua, giả yếu bỏ hết thảy các địa bàn xung yếu cho ta chiếm, để rồi chúng lừa đoạt hết cả đoàn thuyền tải lương tới mấy chục vạn thạch của quân ta, đẩy ta vào tình thế không lương. Quân không lương là quân chết. Mặc dù ta đã chiếm được thế thượng phong như địa bàn vùng Vạn Kiếp, nhưng ta lại không biết quân chúng ở đâu mà giao chiến. Giặc khéo che bịt khiến mọi sự mọi việc đều trở nên mù mờ. Bởi vậy việc lui binh mà muốn bảo toàn được, phải giữ cho kín nhẹm phải lừa được giặc, phải lui trong thế tiến, phải dũng mãnh, áp đảo khi giao tranh mới đẩy lùi được giặc. Hơn nữa các tướng dẫn quân đi đường nào, nay lại về đúng đường đó. Ấy là ta đánh vào cái chỗ không ngờ của giặc.
Nạp-thốc-lạt Đình (Nasir-ud-Đin) nói:
- Quân ta vì mất hết lương thực nên không ở lâu trên đất giặc được. Nhưng lực lượng của ta vẫn hùng hậu có thể áp đảo được giặc. Cớ chi phải lo sợ nhiều quá. Lo sợ nhiều quá tức là đề cao sức giặc, giảm sức ta, làm nhụt nhuệ khí tướng sĩ. Phép cầm quân gặp giặc thì đánh, qua sông thì bắc cầu, không có đường thì băng rừng vượt suối mà đi. Ba cái thứ quân Giao Chỉ giỏi nghề đánh lén, nếu ta biết đề phòng tiền hậu, tả hữu liên kết với nhau thành một khối, giặc dẫu có thế mạnh gấp đôi cũng phải bó tay, Trấn Nam vương cứ kê cao gối mà ngủ, lúc nào muốn về thì về, lo gì ba cái thằng Giao Chỉ.
Tích-lệ-cơ vương, một vị thân vương vào hàng thúc phụ của Thoát-hoan theo quân đi chinh chiến, ông không giữ một đạo quân nào, bản thân ông cũng là một tướng tài thao lược, hiện ông đang bị thất sủng với Hốt-tất-liệt nên muốn đi khỏi Đại đô cho đỡ vướng mắt người anh họ đa nghi. Nghe các tướng bàn thảo, ông biết quân mình đang rơi vào thế bất lợi, nếu không khôn khéo, khó có thể giữ được toàn quân mà về. Nghĩ vậy, ông nói:
- Quân An Nam thực chất chưa khởi sự, tức là họ chưa thật sự giao chiến với quân ta đã khiến ta lâm vào tình cảnh thất lợi, như thế đủ biết Hưng Đạo là bậc tướng như thế nào. Rõ ràng là họ tránh giao chiến với ta, như thế không có nghĩa là họ yếu mà là họ dụng kế đấy. Nay ta bàn việc lui quân sao cho toàn vẹn, vậy nên chớ coi thường họ. Hội quân về, theo ta cứ nên chọn cả hai đường thủy bộ. Đường nào cũng phải phòng bị thật chu đáo, vì đường nào cũng có hiểm nguy rình rập. Tuy nhiên, đường thủy ra khỏi đất họ nhanh hơn, vả lại trong số tướng soái các ông nhiều người đem theo thê thiếp, ta nghĩ đi thuyền tiện hơn là đi bộ. Vả lại đám đàn bà đâu quen việc cưỡi ngựa đi xa hàng ngàn dặm.
Nghe Tích-lệ-cơ vương nói rút quân bằng đường thủy khiến Ô-mã-nhi giật mình. Y nhớ cuộc chiến năm Ất Dậu, trước cửa quan Hàm Tử, y suýt mất đầu cùng với Toa-đô. Lại mấy trận mới đây ở khu vực Tháp Sơn - Đại Bàng bị quân Trần phục kích khiến đầu đuôi không ứng cứu được nhau để hàng trăm chiến thuyền sa vào tay giặc. Thực tình Ô-mã-nhi rất ngại việc trở về bằng đường thủy, mặc dù trong tay y còn một đội thủy binh khá đông cùng với hơn sáu trăm chiến thuyền. Nghĩ vậy, Ô-mã-nhi liền nói:
- Thuyền lương vào trước sau đều bị hãm cả. Bờ biển của họ nhiều chỗ hiểm trở, núi khuất núi quanh co, nhỡ gặp quân phục thật khó quay trở, chi bằng đốt bỏ hết thuyền bè, lấy đường bộ mà về.
Nghe Ô-mã-nhi nói, Thoát-hoan giận dữ:
- Ông là một dũng tướng được thiên tử tin yêu trao giữ chức Giao Chỉ hải thuyền đô nguyên súy, chỉ huy sáu, bảy trăm chiến thuyền với hơn mười vạn quân, thế mà định trắng tay ra về sao? Chẳng nhẽ ông là vị tướng đầu tiên làm ta thất vọng!
Trong vài ngày tới ta sẽ cho quân đánh thông từ Vạn Kiếp đến Bạch Đằng. Sau đó sẽ cử quân kỵ, quân bộ hộ tống cho quân thủy rút trước. Các tướng dẫn quân nào đi thì dẫn quân ấy về, riêng cánh quân vào Giao Chỉ từ Vân Nam qua nẻo Quy Hóa giang thời nay không về theo đường đó nữa, mà về theo đường Lạng Châu rồi vào đất Tư Minh.
Trịnh Bằng Phi và A-ba-tri lãnh quân bộ, quân kỵ hộ tống cho quân thủy của Ô-mã-nhi khi nào quân thủy ra khỏi cửa An Bang thì hai quân mã, bộ trở lại Vạn Kiếp rồi cùng rút với đại quân.
Sau đó hằng ngày giặc vẫn đánh nống ra khỏi đồn trại mươi mười lăm dặm. Thường thì quân ta tránh không đụng độ, chỉ để cho hương binh phục đánh những toán quân giặc đi nhỏ lẻ. Tuy vậy, cũng có ngày giặc ra khỏi trại năm, sáu dặm đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt buộc chúng phải quay trở lại.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương sau khi đã sai tướng đi chặn các nẻo đường giặc sẽ rút về, cũng như chặn đánh nếu có quân sang tiếp viện, ông tự bày trận bắt giặc trên sông Bạch Đằng. Và hạ lệnh, nếu du binh của giặc qua lại trên sông Bạch Đằng hoặc các nhánh sông Giá, sông Chanh vẫn đánh cầm chừng rồi rút quân chứ không đánh lớn, không bộc lộ lực lượng để giặc yên tâm rằng quân ta vẫn quyết tâm đánh trả, dũng cảm đánh trả nhưng không đủ lực lượng ngăn cản đại quân của giặc một khi chúng rút chạy qua vùng cửa sông Bạch Đằng rồi thoát ra cửa An Bang hoặc cửa Đại Bàng.
Hưng Đạo một mặt gấp rút cho quân vào rừng đốn các loại gỗ lim, gỗ táu có thân thẳng và cao, lấy hết chiều dài của cây, đầu trên vạc nhọn rồi đem về để tại mấy nơi mà ông đã quy định. Lại dặn tất cả đều phải kín như bưng. Gỗ chỉ vận chuyển ban đêm và tuyệt nhiên không cho ai lai vãng tới những khoảnh rừng có khai thác gỗ và những bãi đã dồn gỗ về.
Quốc công đã xem xét kỹ càng các nơi sẽ đóng cọc bẫy thuyền giặc, việc còn lại là xem con nước triều lên xuống rồi mới tính được dộ dài cần thiết của cọc. Tính con nước thì không khó. Cái khó là phải biết rõ tại nơi này khi nước lên tức lúc triều cường đỉnh cao nhất của nó đạt bao nhiêu sải và khi nước rặc, mức thấp nhất của nó còn mấy sải. Biết rõ việc này không ai rành hơn những người dân chài sinh sống trong vùng. Và cả những người dân sinh sống quanh mép nước cũng đều rõ cả. Thuở ấy dân ta sống chủ yếu dựa vào nghề nông, dân ven sông biển, dân vùng trũng ngay cả đứa bé bảy tám tuổi đều biết tính ngày con nước.
Hưng Đạo đã cho mời những người sống ven hai bờ sông như sông Chanh, sông Giá, sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng và dân các làng xã như Trúc Động, Lưu Kiếm, Trung Bản, Yên Giang, Tràng Kênh… để hỏi han về con nước triều trong các tháng mùa xuân như giêng, hai, ba trong các năm về trước. Nhân tiện Quốc công cũng hỏi han đến các đội hương binh.
Thân vương Trần Quốc Bảo là người được triều đình sai coi sóc và tổ chức các đội dân binh trong các trang ấp xung quanh vùng Bạch Đằng giang thuộc lộ An Bang, phải liên thủ lại với nhau và cứ gom mười đội lại thành một đô.
Đô tướng của các đô quân này do thân vương Trần Quốc Bảo xin trên cử người về. Hoặc tìm trong địa phương nếu có người am hiểu việc quân và đã từng ở trong quân, đã kinh qua chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc năm Ất Dậu vừa qua thì mời giữ chức này.
Tuy đã giao việc cho Trần Quốc Bảo và căn dặn kỹ lưỡng, nhưng trước khi lâm trận, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương lại cho triệu Trần Quốc Bảo đến để ngài kiểm xét lại một lần nữa.
Quốc Bảo vừa tới, Hưng Đạo đã hỏi:
- Tình thế gấp lắm rồi, tướng quân nói chính xác cho ta nghe, hiện trong tay tướng quân có bao nhiêu đô dân binh, thực chất có thể phối hợp với quân triều đình được là bao nhiêu.
Cũng không cần mở sổ, Trần Quốc Bảo liền nói:
- Bẩm Quốc công, quanh vùng Bạch Đằng về hai phía tả hữu ngạn có các trang ấp và các hương cả thảy có tám đô dân binh, cộng hơn một vạn tráng đinh. Ngoài ra còn các đội Bạch đầu ông, Sơn đồng đô, Đoàn đội trạo nhi là các lực lượng gồm các tuổi từ thiếu lão đến trung lão và các thiếu niên trong độ tuổi từ mười bốn đến mười sáu dùng vào các việc tiếp tế, hậu cần.
Tám đô dân binh có thể phối hợp chiến đấu với quân triều đình là: Yên Giang, Trung Bản, Phong Cốc, Trúc Động, Phục Lễ, Phả Lễ, Đoan Lễ, Do Lễ. Trúc Động nằm ở ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc nơi mà năm Ất Dậu Quốc công đã qua đây và có ban cho dân xã một thanh kiếm, chắc Quốc công còn nhớ. Bẩm, tinh thần đánh giặc của dân chúng trong vùng lên cao chưa từng thấy. Nhất là mấy trận gần đây thủy binh ta đốt thuyền giặc ở vùng giữa Tháp Sơn - Đại Bàng và vùng cửa An Bang thì tinh thần nô nức đánh giặc từ nam phụ lão ấu cứ sôi lên sùng sục đòi phải được góp sức với quân triều đình đuổi giặc.
Nghe Trần Quốc Bảo tâu báo về lực lượng dân binh và tinh thần nao nức đánh giặc của dân chúng trong vùng lên cao, Hưng Đạo tỏ vẻ hài lòng, yên ủi vỗ về tướng quân rồi Quốc công dặn:
- Từ nay cho tới khi đuổi xong giặc, tám đô quân này phải tập trung tuần tra, canh gác đề phòng giặc đổ quân lên bộ cướp lương thực, tàn sát dân chúng. Nếu giặc chưa tới càng phải đề phòng, không được lơ là coi thường giặc. Tướng quân nên nhắc nhở các đô tướng và các dân binh phải sẵn sàng chờ được sai khiến, ngày đuổi giặc ra khỏi bờ cõi sắp đến rồi.
Trần Quốc Bảo cúi đầu nhận mệnh, ông vừa bước ra khỏi quân doanh thì gặp Phạm Ngũ Lão đi vào. Hai người chào hỏi nhau rất thân tình rồi vội vã chia tay.
Thấy Phạm Ngũ Lão trở về, Quốc công vui hẳn lên, nhưng ông chợt nhớ Ngũ Lão đã xin đi trấn ải Chi Lăng, chặn đường về của giặc, nên hỏi:
- Con về có việc gì vậy?
Phạm Ngũ Lão bèn dâng lên một phong thư. Nhận ra nét chữ của Chiêu Minh vương Quang Khải, Hưng Đạo vội mở đọc:
Kính huynh,
Đệ xét thấy tướng Phạm Ngũ Lão cần phải được ở bên cạnh để huynh sai khiến, đệ sẽ điều tướng khác thay Ngũ Lão trấn ải Chi Lăng, chặn đường tháo chạy của giặc. Và nữa số quân đưa lên mạn bắc như thế tạm đủ. Ta có thể giết nhiều quân nó chứ không thể giết hết. Vả lại đuổi thú cùng đường có lúc phải nới tay, phải hé cửa cho nó chạy thì tinh thần hoảng loạn vẫn luôn đeo bám nó.
Đệ đã dẫn cả quân bản bộ và quân thánh dực về vùng Hiệp Sơn[81], Trà Hương, đón cả thượng hoàng cùng quan gia về đó rồi. Tùy tình hình có thể trợ chiến mặt bắc hoặc mặt đông. Tinh thần giết giặc trong dân chúng vùng này đang dâng cao. Các đội hương binh được tổ chức khá chặt chẽ, hiện nay họ đã tập trung thành từng đô như thường binh, hằng ngày sát cánh với quân triều đình bố phòng tại các nơi hiểm yếu nhằm cản giặc từ xa.
Tuy nhiên, nếu tình hình có gì biến đổi, đệ sẵn sàng tuân sự điều động của Quốc công tiết chế.
Mong huynh bảo trọng để chỉ huy việc trừ khử giặc Nguyên được viên mãn.
Chiêu Minh kính bái.
Đọc xong thư, Hưng Đạo mừng lắm, quay nói với Phạm Ngũ Lão:
- Quả là thượng tướng Chiêu Minh vương rất hiểu ta. Thực tình ta cũng muốn con chiến đấu bên ta.
Phạm Ngũ Lão vội quỳ xuống đáp lễ:
- Cảm tạ đại vương có lòng dạy dỗ, con xin tận tâm báo quốc. Xin đại vương dạy cho con phải làm gì ạ.
Hưng Đạo nhìn Phạm Ngũ Lão với vẻ trìu mến, vương mỉm cười đáp:
- Đánh giặc! Việc của con, việc của ta cũng là việc của toàn quân, toàn dân lúc này là tiêu diệt kẻ xâm lược. Vậy Ngũ Lão có kế gì nói thử ta nghe.
- Bẩm, trước khi giặc vào, đại vương đã đi xem xét địa hình vùng này rất kỹ. Nay đại vương lại đích thân bày trận tại vùng này để bắt giặc. Nhưng nếu giặc đốt bỏ hết chiến thuyền cùng kéo nhau chạy bộ thì sao ạ?
Hưng Đạo cười lớn:
- Ta chắc cũng có nhiều tướng nghĩ như con. Ngay cả tướng giặc cũng nhiều kẻ nghĩ như vậy. Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp là những kẻ sợ phải rút quân bằng đường thủy nhất. Vì sao à? Vì năm Ất Dậu hai tên này cũng suýt bị bắt hoặc bị giết, lại mấy trận gần đây hai tướng này bị quân ta chặt cụt đuôi hoặc đánh tạt sườn mà phải bó tay. Bọn chúng bên ngoài vẫn tỏ ra hung hăng coi thường quân Đại Việt, thực ra trong lòng đã ngầm sợ. Thế nhưng chúng vẫn phải cho quân thủy rút theo đường thủy. Vì rằng tập trung chạy theo đường bộ số lượng sẽ quá đông, nếu quân ta truy đuổi thì không có đường chạy. Vả lại đốt bỏ sáu, bảy trăm chiến thuyền cũng tức là hủy hoại một khối phương tiện quá lớn không một tướng nào dám làm như vậy. Do đó giặc vẫn phải đưa quân thủy của chúng về bằng đường thủy thôi con ạ.
- Theo chỗ con biết, hiện nay giặc còn khoảng hơn sáu trăm chiến thuyền với khoảng non chín vạn quân thủy. Như vậy, chúng đã bị giết khoảng trên dưới ba vạn quân thủy với hơn ba trăm chiến thuyền. Hồi chúng sang có hơn bảy trăm chiến thuyền, nhưng chúng vừa cướp của dân ta vừa đóng thêm cũng bù đắp gần đủ số chiến thuyền đã mất, nhưng số quân chết trận thì không thể nào bù đắp được. Vậy một khối lượng thuyền bè và quân lính của chúng đông như thế, liệu ta có đánh xuể không. Đại vương, con muốn biết điều đó.
- Ta còn đồ chừng sẽ có một số quân bộ cũng rút theo đường thủy, nên số quân của nó ít ra cũng từ mười hai đến mười lăm vạn. Một lực lượng đáng kể cho ta đánh bắt. Ta nói để con hay, đây là cơ hội ngàn vàng đấy, ta đã mất bao công sức dụ giặc vào tròng kể từ khi giặc chưa đặt bước chân tới biên thùy nước ta. Nay lương của nó ta đã diệt không chuyển nổi một hạt, khiến Thoát-hoan phải toan tính việc trắng tay tháo chạy. Ta cũng tính kỹ rồi, nếu đánh quân bộ của nó, quân ta dù mưu trí và thiện xảo thì cũng phải đổi một lấy bốn, năm. Nhưng nếu đánh quân thủy, ta muốn đổi một lấy từ mười đến mười lăm kia. Hơn nữa đánh bộ rất khó bắt hoặc diệt tướng nó. Trái lại đánh thủy thì việc diệt hoặc bắt các tướng giặc lại đơn giản hơn nhiều. Và toàn bộ các phương tiện chiến tranh của nó từ thuyền bè, khí giới cùng quân tướng nó cùng một lúc bị tiêu diệt sạch sành sanh. Cơ hội này mà bỏ lỡ để cho giặc chạy thoát cũng tựa như một sự tiếp tay cho giặc để nó sớm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, khiến giặc cứ cột dân ta vào cái vòng luẩn quẩn của chiến tranh. Và như thế là có tội với dân, với nước - đó là cái tội ngu dốt làm cho dân bại nước suy.
Quốc công ngừng lời giây lâu rồi khuyên Phạm Ngũ Lão:
- Con xuống trại nghỉ để sớm mai cùng ta đi khảo sát nơi bày trận.
Đêm khuya tịch mịch chỉ nghe tiếng sóng biển xa xa vẳng lại như người nói chuyện thầm thì, và từ đâu đó nơi những lùm cây rậm rạp trong rừng già phía sau lán trại, thỉnh thoảng lại có tiếng cú rúc nghe rờn rợn khiến mấy người lính canh phải căng tai, căng mắt soi tìm vào bóng tối nhằm đem lại sự an toàn cho chủ tướng.
Vào ngả lưng được một lát, dường như chưa kịp ấm chỗ, Hưng Đạo vương lại bật dậy, sai thư nhi thắp đèn và bê cho ông chiếc tráp nhỏ ra nơi làm việc.
Quốc công lấy từ trong tráp ra tấm bản đồ vẽ trên nền vải gấp gọn lại chỉ to bằng cuốn sách, ngài trải rộng ra rồi ngồi ngắm. Ngón tay chỉ vào dòng sông Bình Than khởi từ Vạn Kiếp. Ngài nói thầm: - Ô-mã-nhi sẽ dẫn đoàn hải binh xuôi từ đây qua sông Kinh Thầy về tới Trúc Động nơi ngã ba giữa sông Kinh Thầy, sông Giá và sông Đá Bạc. Ngón tay trỏ của Quốc công lần theo nẻo sông Giá đổ vào sông Bạch Đằng và từ đây đổ thẳng ra cửa biển Đại Bàng. Ngắm nhìn dòng sông nhỏ đổ vào sông lớn rồi ra biển, một lúc lâu sau vương lại đưa ngón tay trỏ lần theo dòng sông Đá Bạc chảy sướt qua dãy núi Tràng Kênh đổ vào sông Chanh, sông Kênh, sông Rút rồi đổ thẳng ra biển, đó là các chi lưu của sông Bạch Đằng.
Vương di ngón tay qua dòng sông Bạch Đằng rồi dừng lại nơi có mấy chấm khuyên đỏ. - Đây là Ghềnh Cốc - dãy đá ngầm giăng ngang sông, khi nước rặc thuyền không qua lại được, nếu thuộc luồng lạch lách vào khe này thuyền có thể qua từng chiếc, nhưng nếu có một chiếc bị đắm ở lạch này thì coi như tắc nghẽn.
Vương đưa mắt nhìn bao quát cả mấy con sông và tự hỏi: - Vậy chớ năm Mậu Tuất (938) Ngô tiên chúa (Ngô Quyền) đóng cọc vạc nhọn, đầu bịt sắt ở chỗ nào để phá quân Nam Hán, bắt giết tên thái tử Lưu Hoằng Tháo.
Lưu truyền Ngô tiên chúa đóng cọc ở sông Bạch Đằng, nhưng sông rộng hút tầm mắt mà nước thì sâu thăm thẳm. Khi nước cường chỗ sâu nhất tới hơn ba mươi sải nước, khi nước rặc chỗ nông nhất cũng tới hơn một chục sải. Vậy đóng cọc giăng ngang sông Bạch Đằng để chặn thuyền giặc là điều không thể. Nếu như ngài đóng cọc ở chỗ khác, đó là những chỗ nào mà tịnh không còn dấu tích. Ngẫm nghĩ một lúc Vương lại tự trả lời. - Đúng thôi, tới nay đã ba trăm năm chục năm, mọi sự đã đổi thay biến cải. Vả lại nếu có tìm thấy dấu tích thì có thể chỗ đó xưa kia đắc dụng chứ nay không còn đắc dụng nữa thì sao. Và nếu không suy xét thời có khác chi kẻ khắc dấu vào mạn thuyền để tìm thanh kiếm quý[82].
Đầu óc ngổn ngang, vương tắt đèn ngồi tĩnh tọa trong đêm và suy nghĩ.
Chừng hơn một canh giờ sau, hốt nhiên đầu óc của vương trở nên sáng láng, và vương quyết: Giặc phải đánh theo cách ta lựa chọn. Giặc phải đi vào con đường ta bắt chúng phải đi. Và vương thắp đèn lấy bút khuyên son vào những chỗ vương sẽ bày thế trận cọc để lùa giặc vào đó mà tận diệt chúng. Việc cấp kỳ từ ngày mai là phải cho quân đi đo lường độ sâu nông của từng khu vực, tính con nước triều và phải biết chính xác đỉnh nước khi cường và mức tụt thấp nhất khi nước rặc.
Sớm hôm sau Trần Quốc Bảo đã dẫn tới trại của Quốc công một số người dân địa phương thông thạo về mọi mặt như đường sá, sông nước như anh em nhà Trần Hộ, Trần Độ ở Phả Lễ, Phục Lễ, Lý Hùng ở Đoan Lễ, Vũ Chí Thắng, Hoàng Thảo cùng một số người dân ở Yên Giang, Điền Công, Trung Bản, Phong Cốc… Cùng đi theo Quốc công còn có các tướng Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Trương Hán Siêu… Tất cả đều đi ngựa, đường đi thật là vất vả. Rừng ăn tận tới mép nước. Các bãi ven sông thì sú vẹt cũng mọc thành rừng, ngồi trên mình ngựa cũng chỉ nom thấp thoáng mặt nước sông. Ngựa men theo các mép rừng dò dẫm từng bước, may còn trong tiết xuân chưa có mưa chứ vào mùa mưa thì phải dùng thuyền đi trên sông hoặc phải lội bộ xuyên rừng.
Đoàn người ngựa vừa thoát ra khỏi mép rừng bắt gặp một cánh đồng lúa chừng vài ba chục mẫu, xa xa thấp thoáng mấy nếp nhà ẩn hiện sau những lũy tre lại có cả những thân cau thẳng đứng. Chợt ngoảnh sang phía tay hữu thấy nổi lên một chiếc gò cao ngang với ngọn cây, Quốc công mừng rỡ liền quất ngựa chạy như bay lên tới đỉnh gò. Ngựa vừa dừng thì tóc của Quốc công cũng xõa tung trùm kín lưng, và dải khăn vành dây quấn trên đầu bị cành cây móc rơi từ lúc nào ngài cũng không để ý. Cưỡi trên lưng ngựa nơi đỉnh gò[83] Hưng Đạo nhìn rất rõ mấy chỗ mà khi đêm ông thức dậy khuyên son vào bản đồ. - Kia là sông Chanh, sông Kênh, xa kia là sông Rút, phía kia là dãy núi đá Tràng Kênh cây rừng chen chúc. Và kia nữa là sông Bạch Đằng mênh mông nước, nhìn mãi chẳng thấy bờ.
Cả một vùng thu vào tầm mắt khiến Hưng Đạo rất hài lòng, trong đầu ông hiện rõ nơi nào đặt quân phục, nơi nào đặt trận địa cọc tức là các bãi cọc để dụ thuyền giặc vào. Và khắp một vùng núi non hang động từ đây ra tới Vân Đồn, nơi nào rải quân phục không cho một tên giặc chạy thoát ra biển, ông đều đã bàn bạc kỹ với Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư.
Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp, Trịnh Bằng Phi được thoát chết năm Ất Dậu, nay chúng vừa gây tội ác trời không dung đất không tha, ấy là việc y dám khai đào mồ mả của tổ tiên nhà ta ở đất Thái Đường. Nhất định lần này ta bắt chúng phải đền tội ác, chứ không thể thả lỏng cho nó trốn chạy.
Thấy quan quân về làng, dân trong hương ấp đồ xôi, giết gà rồi cử các cụ bô lão đem ra nơi gò đống dâng biếu. Hưng Đạo vui vẻ cho quân thâu nhận rồi sai lấy lá làm mâm dọn ra để mọi người cùng ngồi ăn, tiện thể ông muốn hỏi chuyện bà con về địa bàn sông nước vùng này.
Nắm lấy bàn tay gầy guộc run rẩy của một cụ già râu tóc bạc phơ, Hưng Đạo hỏi:
- Chẳng hay niên kỷ cụ là bao?
Cụ già vuốt râu cười móm mém nói giọng thều thào:
- Quý ơn quan ông có nhời hỏi thăm, nhờ ơn trời Phật lão đã qua tuần lục thập được hai năm rồi. Chẳng hay quan ông đã hưởng được bao nhiêu tuổi trời cho…
Hưng Đạo mỉm cười đáp:
- Đa tạ lão ông có nhời thăm hỏi, tôi còn kém lão ông ba tuổi ạ.
- Quý hóa! Quý hóa, năm mươi chín tuổi mà sức lực vẫn còn cường tráng được thế này ư? Hiếm lắm! Hiếm lắm đấy. Phúc đức, phúc đức quá. Chắc quan ông là tướng nhà trời. Cầu chúc cho quan ông cứ hễ ra quân là thủ thắng.
Mọi người vừa ăn uống xong thì có người quẩy từ trong làng ra một gánh nước vối. Vừa uống nước Hưng Đạo vừa hỏi dân làng về đời sống có được no đủ, từ ngày giặc vào chúng đã lên bộ cướp bóc gì chưa.
Bà con đều nói:
- Ơn vua, sau cuộc chiến năm Ất Dậu tha liền tô thuế hai năm, dân đang sắp hồi sức thì giặc lại ập đến. Tuy vậy nhà nhà vẫn có bát ăn, chưa phải tắt bữa. Giặc có qua lại đây nhiều lần, nhưng chỉ ngoài mạn sông mạn biển chứ chúng chưa tràn lên bờ.
Cụ già lên tiếng:
- Có mấy lần đánh nhau ở ngoài biển lớn lắm, trong này chỉ thấy ngọn lửa và khói bốc lên thôi. Nghe nói đấy là quân của đức ông Trần Hưng Đạo đốt thuyền giặc giữa biển, quân nó chết nhiều lắm. Vậy chớ quan ông có biết việc này không?
- Có! Thưa cụ tôi có được biết các trận quân ta đánh giặc ngoài biển, nhưng không được nhìn thấy ngọn lửa đốt thuyền giặc như các cụ. Vậy chớ dân ta có chuẩn bị đánh giặc khi nó lên bờ không, - Hưng Đạo hỏi.
- Sao lại không ạ. - Dân làng tranh nhau trả lời. - Các đội hương binh của chúng cháu đã ngày đêm túc trực từ mấy tháng nay rồi. Nếu quân giặc kéo đến, chúng phải để xác lại đây.
Vừa ăn trầu uống nước Hưng Đạo vừa dò hỏi về thủy chế, về độ nông sâu của các con sông quanh vùng, các ngòi lạch, cồn bãi, bà con trả lời rất khớp những gì mà ông đã đi khảo sát cách đây không lâu, nó cũng khớp với con số mà Thân vương Trần Quốc Bảo và đội khảo sát của ông lấy từ những người kỳ cựu trong vùng đi lặn hụp từng khúc sông hoặc buộc đá thả dây đo lại những nơi có độ sâu mà sức người không thể lặn xuống được. Thấy các con số đều khớp, Hưng Đạo thật sự yên tâm.
Việc còn lại với Quốc công lúc này là xem độ chênh của nước vào ngày triều cường mà ông dự định kéo quân giặc vào để còn tính độ dài ngắn của cọc.
Mọi việc xem đã vãn, Hưng Đạo tỏ lòng biết ơn và nói lời chia tay với bà con trong hương ấp.
Một lão bà lấy ra bọc trầu têm sẵn dúi vào tay Hưng Đạo, nói lời mộc mạc:
- Ông cụ cầm lấy bọc trầu này thỉnh thoảng nhai một khẩu cho nó ấm, đi đường xa nhạt miệng lắm.
Quốc công cầm lấy bọc trầu trong lòng xiết bao cảm động.
Chia tay dân làng, thầy trò Quốc công đi về phía bến Rừng.
Khác với các cánh rừng khác có nhiều chủng cây chen chúc kể cả cây gai và cây bụi, khu bến Rừng là rừng lim thuần chủng bạt ngàn, những thân cây thẳng tắp tàn lá giao nhau che kín mặt đất, nhiều cây lim cổ thụ thân to tới ba bốn người ôm không xuể, nhưng cũng nhiều cây lim nhỏ xen kẽ, vòng cây chỉ khoảng ba bốn chét tay. Rừng lim thuần chủng này các loài cây khác khó chen vào được, bởi lá lim tiết ra nhiều chất độc, cây khác không sống nổi. Trái lại trong các rừng hỗn giao vẫn có lim mọc xen kẽ.
Thoáng trông thấy ngôi quán nhỏ lợp tranh nép dưới bóng đại ngàn gần bến đò và nhận thấy có người đi ra đi vào, Hưng Đạo bảo mọi người ở lại. Ông cho Yết Kiêu, Hán Siêu và Nguyễn Khoái đi theo. Tới quán chỉ thấy lão bà ngồi giã trầu trước cái chõng tre cũ úp dăm chiếc bát uống nước men nâu độc sắc, bên cạnh có chiếc giành lót rơm ủ ấm trà lá to như chiếc nồi hông, nắp đậy làm bằng những mảnh vải vụn khâu chắp vá trong nhồi bông gạo, nom cũng có vẻ sạch sẽ. Trên chõng còn có nải chuối úp, vỏ đã thâm, chứng tỏ quán hàng bà lão ít khách lại qua. Bệ ngồi đắp bằng đất trên trải một tấm đan bằng lá móc, mỗi khi có người ngồi phát ra tiếng kêu sột soạt. Vào trong quán ấm hẳn lên vì bức tường phía sau đắp sát gót kèo chắn hướng bắc. Chiếc nùn rơm ngún khói đặt gần chân chõng, và chiếc điếu cày dựng cạnh đó cùng với một ống đóm tre ngâm cho khách hút thuốc.
Thấy có người vào quán, lão bà dừng tay giã trầu vội đon đả mời khách.
Nhìn ngôi quán nằm sát lối xuống đò mà từ mấy tháng nay chắc không có khách sang sông bởi thuyền giặc có thể bất chợt qua lại, mọi người đã sinh nghi, liền hỏi:
- Lão bà bán nước ở đây có đông khách không?
Trương Hán Siêu đặt câu hỏi có ý dò thăm. Chưa vội đáp lời, bà lão đưa mắt nhìn khắp lượt từng người và dừng lại nơi Trần Hưng Đạo khá lâu. Lặng lẽ lật ngửa từng chiếc bát, rồi bà thong thả mở nắp ấm lấy gáo múc đổ đầy cả bốn bát. Nước chè xanh ngăn ngắt, khói bốc trắng mờ mờ. Tự tay bà lão nâng bát nước đưa mời Trần Hưng Đạo:
- Quý hóa được ông cụ tốt tướng ghé quán nghèo, kính ông xơi nước. Và bà quay mời những người còn lại: - Mời các cậu xơi nước.
- Cám ơn lão bà cho uống nước. Hưng Đạo đỡ bát nước từ tay bà cụ, nói lời cảm ơn và ông uống một cách ngon lành.
Bà lão nhìn qua đầu mấy vị khách về phía sông Rừng rồi thản nhiên giã tiếp cối trầu, cối trầu đã nhuyễn, bà vun gọn, thay vì vuôn vào miệng bà hất hàm về phía Trương Hán Siêu nói:
- Vừa nãy cậu hỏi tôi chưa kịp đáp lời, bởi nom cậu có tư chất của một bậc nho giả, sợ nói hàm hồ cậu lại chê lão bà quê mùa, dốt nát. Cậu hỏi tôi bán nước có đông khách không, tôi không hiểu hàm ý cậu định nói gì. Thực tình tôi không phải là kẻ bán nước. Mà cũng không có người mua nước đâu, từ cổ xưa tới nay là như vậy, chỉ có quân cướp nước thôi cậu ạ. Còn như bán nước thật sự, phải là những ai kia quyền thế như Chương Hiến hầu Trần Kiện, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc… đều là các bậc quan cao chức trọng gần với ngôi nước chứ đám tiện dân chúng tôi thì có gì để bán, bán cho ai. Dạ, tôi vốn quê kệch dốt nát sao biết được các việc lớn đó, nhưng ở chỗ hàng quán lại tiện bến đò người qua lại họ nói năng bàn tán với nhau, không muốn nghe nó vẫn cứ lọt vào tai. Lâu dần do khách khai thị nên cũng biết đôi điều phải quấy, và cái gì hợp lòng người thì nó đọng lại ở trong đầu, có xua đuổi nó cũng không chịu đi. Khổ thế đấy!
Vừa nói xong bà lão vuôn cối trầu vào miệng bỏm bẻm nhai, mắt lại dõi nhìn ra phía bờ sông. Nom cái dáng bà ung dung tự tại như thể bà chẳng quan tâm đến sự đời, và ngay cả mấy vị khách ngồi đây bà cũng chỉ coi thoảng như mọi khách qua đường.
Nghe khẩu khí của một bà lão ngồi quán nước ai cũng lấy làm lạ, Quốc công đưa mắt về phía Hán Siêu.
Biết ý, Trương Hán Siêu vội đứng lên chắp tay vái bà lão và nói:
- Tiểu sinh ăn nói hàm hồ thất lễ, xin lão bà đại xá.
Nói xong Trương Hán Siêu, Nguyễn Khoái đi ra phía bến đò Rừng chỉ còn lại Hưng Đạo và Yết Kiêu ngồi lại quán.
Hưng Đạo mở gói trầu do dân Trung Bản đưa tiễn lúc lên ngựa, ông chọn một chục miếng ngon nhất đặt vào đĩa mời lão bà. Và ông cũng nhón một khẩu trong bọc để nhai. Yết Kiêu mang chiếc điếu cày ra ngoài quán rít kêu ré lên như tiếng kèn.
Hưng Đạo vừa nhai trầu vừa hỏi bà lão một cách bâng quơ:
- Phải chăng lão bà ngồi đây dõi theo quân giặc qua lại sông Rừng.
Bà lão nhìn Hưng Đạo thay vì trả lời.
Quốc công ngắm những thân cây sú, vẹt mọc từ bãi leo tới sát bờ, bỗng nhiên ông thấy những ngấn nước khác nhau, ông thầm nghĩ: - Đây chính là điều ta đang tìm kiếm. Bỗng ông đứng phắt dậy và đi hẳn ra mép bãi nhìn ngấn nước trên thân các cây sú vẹt. Ông lội hẳn xuống bãi đo khoảng cách từ mức thấp nhất đến mức cao nhất. Xong ông lại gọi Yết Kiêu ra xem.
Trong khi thầy trò Hưng Đạo quan sát mực nước lên xuống ghi dấu trên thân cây, thì bà lão hàng nước lại quan sát các hành vi của chính thầy trò ông. Và trong đầu óc bà lão nảy ra biết bao câu hỏi về những người này. Rõ ràng là họ đang kiếm tìm một cái gì đó. Hình như họ muốn tìm biết về mức nước triều lên xuống. Đúng rồi, họ đang đo khoảng cách giữa hai ngấn nước. Để làm gì vậy. Nhất định những người này không phải người của giặc rồi. Cứ trông cái dáng ung dung quắc thước của ông cụ đủ biết ông là bậc chính nhân.
Hưng Đạo phóng tầm mắt bao quát cả khu vực bãi sú đến tít tận bờ sông Rừng và ra tới tận biển. Loáng đã thấy ông xăm xăm lội ra khoảng bãi trống.
Thấy vậy lão bà vội bước ra khỏi quán gọi to:
- Cụ già ơi! Chớ lội ra đó, bãi thụt đấy!
Chừng như nghe rõ tiếng gọi, Hưng Đạo và Yết Kiêu đều quay lại tìm nước khỏa chân rồi bước lên bờ. Lúc này Trương Hán Siêu và Nguyễn Khoái từ ngoài bờ sông cũng đi về quán. Đoạn đường từ bờ sông về quán khoảng dăm trăm bước chân, thường khi nước cường đò chở khách cứ theo con lạch vào đậu sát mép sàn quán, khi nước cạn thì khách phải ra tận bờ sông để xuống đò.
Đoạn này sông Rừng phình ra thật lớn, nhìn sang bên kia bờ sông phải đuối tầm mắt. Khi sóng to, mưa lớn và cả khí trời mù sương nhà đò phải gác chèo chứ không dám sang sông. Lỡ một chuyến đò Rừng, là lỡ cả một ngày công việc.
Vì vậy dân gian đã đặt thành ca vè để răn mọi người phải thận trọng khi qua đò Rừng:
Con ơi nhớ lấy lời cha
Mưa nguồn chớp giật chớ qua sông Rừng.
Khách vừa trở lại quán, lão bà đã đon đả:
- Cái quãng ông lão vừa lội, đi quá độ một trăm bước chân nữa có hố bùn sâu lắm, lỡ bước vào đó không có người cứu là không lên được đâu. Sâu lắm. Sâu đến đâu thì không biết, nhưng cánh dân chài họ đã cắm cả một con sào ngập lút mà vẫn chưa tới đáy.
Yết Kiêu vội hỏi:
- Thưa cụ, nguy hiểm thế sao bà con không cắm một vài cái cọc báo cho mọi người biết.
Lão bà cười trơ cả hàm lợi móm đáp:
- Trước vẫn có đấy quý khách ạ. Cả một hàng cọc vây quanh, nhưng người ta mới gỡ bỏ cách đây vài tháng.
- Sao lại gỡ đi, lỡ người không biết đi vào có chết không?
- Dân vùng tôi đây ai mà chẳng biết. Các cụ trong hương ấp sai dân binh ra gỡ cọc đi để làm hố bẫy giặc đấy.
- Vậy đã có tên giặc nào sa hố chưa thưa cụ, - Nguyễn Khoái hỏi.
- Chưa! Chưa có tên nào sa hố, vì thuyền chúng chỉ qua đây để ngược Vạn Kiếp, ngược Thăng Long chứ nó chưa đổ quân lên bờ.
Nghe lão bà nói, ai cũng biết ý chí quật cường chống quân giặc dữ của dân chúng trong vùng này thật kỳ lạ.
Bà lão lại đổ nước ra bát mời mọi người, và cắt chuối đặt cạnh mỗi bát nước một quả. Những quả chuối tiêu đốm trứng cuốc bị gió táp vỏ đã hơi thâm.
Hưng Đạo vừa uống nước vừa ăn chuối thật tự nhiên, lại giục mọi người cùng ăn. Thái độ cởi mở của khách khiến bà lão thêm niềm nở. Bà hỏi:
- Tôi mạo muội nếu không phải xin quý khách bỏ qua. Mặt trời đã đổ xuống đầu núi, quý khách không lên đường chắc sẽ bị tối, trang ấp lại ở xa, vả lại dân cũng di tán, nhà cửa đều theo kế “thanh dã” chẳng có gì ăn được. Chỉ có hương binh ở lại sống chết với giặc thôi. Nhược bằng quý khách có việc phải nán lại, thì quán nghèo tôi xin được thết lưng cơm muối, tôi lòng thành xin quý khách chớ ngại.
Thấy bà lão không chút nghi ngờ lại có lòng mến khách, thầy trò Hưng Đạo đều cảm động. Quốc công nói:
- Chẳng dám giấu lão bà, quả chúng tôi cũng muốn nán lại xem con nước triều lên. Hình như nó đang lên thì phải. Tôi muốn hỏi lão bà sống tại vùng này đã bao lâu và lão có thuộc con nước triều tại khu vực này lắm không.
Bà lão lại cười phô hàm lợi móm và với vẻ mở lòng, bà nói:
- Nếu ông cụ và các cậu hỏi han để lập mưu đánh giặc thì già này không giấu giếm điều gì mà mình biết, nhưng nếu quý khách có lòng kia khác thì dù có hành hạ đến chết cũng không lấy được nửa lời từ mụ già này đâu.
Hưng Đạo cười rung cả mấy chòm râu, mắt ông sáng lên và đặt hết lòng tin vào bà lão, ông nói:
- Nói thật với lão bà, thầy trò tôi đang lập mưu bắt giặc, bởi đây là nẻo đường chính mà quân thủy của giặc hay qua lại. Tôi chỉ muốn lão bà cho biết điều tôi vừa hỏi.
- Phải, tôi cũng biết các ông là người của mình, chứ nếu là giặc hoặc người của giặc chẳng bao giờ nó có một nhời tử tế đâu. Ông cụ hỏi, tôi cũng nói thật, tôi sinh ra ở vùng này, cả tuổi trẻ đến tuổi già tôi đều sống quanh quẩn ở đây. Tính con nước thì có khó gì đâu. Dân vùng tôi đây chỉ có làm ruộng và đánh bắt cua cá, hết thảy đều phải dựa vào con nước triều mà tính toán làm ăn. Cho nên trẻ con sáu, bảy tuổi đã biết tính con nước rồi. Còn như nhìn mặt nước đầy vơi, nhìn vành trăng tròn trăng khuyết để biết lúc nào thì xuống bãi đào sái sùng, lúc nào thì đi bắt cua, lúc nào thì giong thuyền đi câu dân tôi không ai không biết. Nhưng ông cụ cho già này hỏi thật, liệu mấy người mình có làm gì nổi nó không, kẻo lại chọc giận nó khùng lên thì nó giết hết dân mình đấy.
- Bà lão sợ giặc lắm sao? - Hưng Đạo mỉm cười hỏi.
- Ông cụ ơi, tôi bằng này tuổi rồi không ham sống đâu. Vì rằng tôi lo là lo cho mọi người thôi, bởi tôi thấy thuyền quân nó qua đây đông như lá tre, tôi ngồi đếm từ nửa chiều đến tối mịt mà vẫn cứ thấy nó ùn ùn lao đi như gió lốc. “Đông như quân Nguyên”, đúng như mọi người nói. Đấy, tôi chỉ muốn hỏi ông cụ: - Liệu mình có đánh được nó không?
Nguyễn Khoái nhìn bà cụ vừa có vẻ kính trọng vừa có vẻ thương hại, viên tướng trẻ dẫn giải:
- Cụ chẳng thấy mấy năm trước giặc vào nước ta có kém gì năm nay đâu, thế mà mới từ tháng chạp năm trước, tháng sáu năm sau ta đã quét sạch không còn một mống nào trên đất ta nữa. Chắc cụ nhớ cuộc chiến năm Ất Dậu chứ.
- Nhớ! Tôi nhớ cậu ạ. Nhưng năm ấy nghe đâu có đức ông Trần Hưng Đạo mưu lược lắm, rắn tay lắm mới đuổi được giặc chứ. Sao tôi không biết, nhà vua với đức ông Hưng Đạo qua vùng Trúc Động ở bên kia sông, lúc đi còn ban cho hương ấp thanh kiếm để đánh giặc. Không biết năm nay đức ông có còn đủ sức hay người đã già rồi mà tới nay vẫn chưa đuổi được giặc ra khỏi nước.
Nghe lão bà nói, mọi người có vẻ sửng sốt. Hưng Đạo nhẹ nhàng nói:
- Lão bà ơi, đánh giặc là công sức của cả nước chứ, sao lão bà lại quy cho một người?
- Ông cụ ơi, ông cụ nói không sai, nhưng nhà cháu cứ nghĩ đức ông Hưng Đạo là tướng của nhà giời phái xuống giúp nước mình mới đuổi được loài quỷ dữ ấy, chứ nhà cháu thấy nó hung hăng ác độc hơn cả loài hổ đói, mà quân nó đông lúc nhúc như lũ dòi bọ kia, người thường sao thắng được nó.
Mải nói chuyện, nước đã lên ngập con lạch. Xem sức nước lên nhanh đến bất ngờ, Hưng Đạo liền hỏi:
- Lão bà có biết vào tháng hai tháng ba này ngày nào triều cường cao nhất không.
- Ông cụ ơi hôm nay là mười tư tháng hai, chính là ngày triều cường đấy. Nước bắt đầu lên từ giờ mùi qua giờ hợi là tới đỉnh triều, sang giờ tí là nước bắt đầu xuống. Đỉnh triều cao tới hơn hai sải, xuống thấp nhất chỉ còn độ ba gang tay thôi. Đấy, ông cụ cứ nom cái ngấn nước cao nhất và thấp nhất là mức nước thường ngày đấy.
- Thế còn tháng ba thì sao, lão bà có nhớ tháng ba thì ngày nào nước triều lên cao nhất không ạ, và cả khi nó xuống thấp nhất có chênh nhau nhiều không.
Hưng Đạo khéo gợi chuyện, bà lão hàng nước cứ kể vanh vách:
- Ông cụ à, tôi nghiệm có một điều rất lạ là nước chở mã rằm tháng bảy thường lên cao nhất trong năm. Nhưng sự cao thấp trong các năm lại không đều nhau. Chỉ riêng con nước triều vào thượng tuần tháng ba, tức vào ngày mồng tám tháng ba hằng năm là năm nào cũng như năm nào và đều ở đỉnh cao nhất trong cả ba tháng xuân.
- Thế hả cụ, - Hưng Đạo hỏi chen vào - Khoảng nào nó lên nhanh nhất và nó xuống mạnh vào lúc nào cụ có nhớ không? Đỉnh triều cường độ mấy sải nước?… Hưng Đạo cứ hỏi dồn dập những điều ông cần biết.
Lão bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa lắng nghe điều ông cụ hỏi.
Nhả miếng bã trầu cầm tay, miệng nhổ phì phì mấy miếng vụn cau vụn vỏ bám quanh lợi, bà cụ đưa hai ngón tay lên tém nước quết trầu ở hai khóe miệng rồi thủng thẳng đáp:
- Ông cụ à, khoảng nửa đêm mùng bảy tháng ba là nước lên mạnh, tới gần sáng ngày mùng tám tháng ba đỉnh triều lên tới hơn ba sải tay, lúc ấy nước mới bắt đầu rút. Nhưng nước rút mạnh nhất vào khoảng từ giờ thìn đến giờ ngọ. Khi ấy mực nước thấp nhất chỉ còn non một sải thôi, vậy là độ chênh tới hơn hai sải nước đấy ông cụ ạ. Tới chiều nước lại bắt đầu lên, nhưng qua ngày mồng chín thì đỉnh triều thấp hơn ngày mồng tám đến cả sải tay.
Nghe bà lão nói những con số về độ sâu nông của các con sông trong vùng, và mức nước triều lên xuống Hưng Đạo thấy yên tâm về các kết quả do chính ông và đoàn tùy tùng mới khảo sát năm ngoái, nó cũng khớp với những gì mà bà con dân chài trong vùng cho biết. Nhưng điều làm cho vị Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự này kinh ngạc nhất là bà lão hàng nước lại cho biết chính xác con nước vào thượng tuần tháng ba đang nằm trong hoạch định bắt giặc của ông mà ông đang vất vả dò tìm. Đúng là ông chưa thiết lập được bộ phận theo dõi thủy chế ổn định ở khu vực này để khi cần có thể sử dụng. May thay lão bà lại lưu ý tới mức thuộc nằm lòng, về sự ổn định hằng năm của con nước và cả mực nước triều vào thượng tuần tháng ba hằng năm. Liệu có phải bà là sứ giả của vua Thủy tề cử lên giúp Đại Việt ta đánh giặc, cố gắng lắm Hưng Đạo mới không bộc lộ niềm sung sướng, vì ngài mới tìm ra được yếu quyết từ nơi bà lão hàng nước. Ông bình tĩnh đưa câu chuyện sang các việc làm ăn bình thường và thầy trò lại chuẩn bị lên đường.
Không lưu giữ được khách ăn bữa cơm muối, lão bà chỉ mời với theo khách một câu:
- Ông cụ và các cậu có gặp ông tướng nhà trời đã đuổi giặc năm Ất Dậu, cho bà lão hàng nước nơi bến Rừng này kính chúc ngài năm nay lại vùi chôn quân giặc, giữ yên cho nước. Hết giặc, ông cụ và các cậu trở lại đây, nhất định tôi sẽ đãi bữa cơm cá khoai ngon lành!
Đêm về Hưng Đạo sai các tướng ngày mai phải cho quân đi cưa và đẽo cọc. Độ dài thân cọc của từng bãi ông đều ghi rõ kích thước. Cả việc cắm sâu bao nhiêu cho chắc, theo độ thưa mau, hàng ngang hàng dọc như thế nào ông đều vẽ ra chi tiết. Ngay cả mũi cọc đẽo nhọn thế nào, hướng về phía nào, độ nghiêng thân cọc là bao nhiêu đều được hướng dẫn. Và hạn công việc phải hoàn tất trong vòng mười ngày. Cái thuận lợi là ông đã cho khai thác gỗ và đưa về giấu trong bãi từ mấy chục ngày nay rồi. Ông cũng ra lệnh phải ngăn các nẻo đường và cấm các phương tiện qua lại khu vực mấy con sông có sử dụng làm nơi lập trận. Ông cũng cho quân ngăn giặc từ xa không cho chúng tảo thanh ít nhất ba chục dặm quanh vùng ông đang thiết lập trận địa.
Vậy là toàn quân và toàn dân từ biên ải phía bắc tới tận Vân Đồn, đang yên ắng chờ diệt quân giặc tháo chạy.
Huyết Chiến Bạch Đằng Huyết Chiến Bạch Đằng - Hoàng Quốc Hải Huyết Chiến Bạch Đằng