Số lần đọc/download: 1723 / 10
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:30 +0700
Chương IX
M
ẹ Nhụ dắt con lẵng đến trước hàng lan can cụt. Nhụ xách hai túi lưới xuống lẵng, một túi đựng quần áo, hầu hết đã cũ, lại may bằng thứ vải dày và xấu, có phần cứng thêm vì ngấm nước mặn, túi kia lỏng chỏng vài ba cuốn sách giáo khoa, mấy tập truyện Kim Đồng. Nhụ tự lái lẵng ra tàu, vì nước rặc, tàu không vào sát hiên nhà được. Lúc ấy, nó tự thấy mình hình như đã trở thành một người lớn rồi, đã bắt đầu phải tự chèo chống lấy cho chính bản thân mình. "Tự cầm lấy chìa khoá nhà cho quen dần đi". Câu nói của ông nó đêm nào vọng lại như một lời khích lệ. Và điều đó làm nó thích thú.
Mẹ Nhụ đã quay vào để sửa soạn đồ lề chiều đi cắm đăng. Ông Nhụ vẫn ngồi trên phản, rót rượu ra nắp phích, nhắm với hai thứ quen thuộc và bao giờ cũng có sẵn ở trong chạn là cá kho và khoai lang luộc. Theo quan niệm từ xưa trong nhà này, khi con cháu ra khơi, người cao tuổi nhất không được đưa tiễn, thì chuyến đi mới được bình an vô sự trong gió to sóng cả. Bố Nhụ đã xuống tàu từ sớm, khi tàu còn ghệch mũi vào trước hiên nhà, cái dây chão to tướng và ẩm ướt, từ cọc bích tàu, vắt chằng chằng ngang gian giữa, buộc vào tận chân tấm phản của ông. Bố phải lo nhiều việc cho chuyến đi được khởi hành vào đúng giờ hoàng đạo.
Đé đã sang nhà Hoà. Nhụ thấy hai cái chân mốc thếch của nó thõng xuống ngoài cửa sổ, một tay bám song cửa, một tay chỉ trỏ lung tung. Cái Hoà thỉnh thoảng lại nhô mái tóc bấm hoa gáo lên, cười tít mắt. Thế là xa chúng mày rồi. Nhụ chợt nghĩ thế và thấy tim mình đập rộn lên.
Khi lẵng tới sát tàu, bố Nhụ chìa tay ra kéo Nhụ lên. Con lẵng bắt đầu trôi tự nhiên theo dòng chảy, rồi dạt vào bờ sông, cách nhà đến vài chục mét mới dừng lại, bởi đã hết tầm dây ni-lông, buộc nó với hàng lan can cụt.
Bố Nhụ ra hiệu cho tàu khởi hành. Chân vịt tàu bắt đầu đảo nước, đẩy lên trong luồng sóng xanh, những chùm bọt sủi sùng sục và trắng nhẹ, nổi lều bều một lúc rồi tan, tạo thành những tiếng nổ lép bép trên mặt nước. Con tàu từ từ lượn qua cột đèn biển. Dường như mẹ Nhụ nói to lên một câu gì đó, nhưng Nhụ không nghe thấy. Còn thằng Đé thì luống cuống chạy về. Nó đứng bên mẹ, thỉnh thoảng lại lấy tay quệt ngang mũi. Có lẽ là nó khóc...
Vượt khỏi đoạn uốn vòng cung của con đê ngăn nước mặn, con tàu của Nhụ chạy song song với dải sú vẹt, lá bị sóng đánh vật vờ. Nhụ nhìn về phía sau và nhận ra ngôi nhà thân yêu của mình, nhỏ, xinh, vuông vắn như một cái bao diêm dựng trên bờ kè bằng đá xám của sông Bạch Đằng. Từ hiên nhà, Nhụ chỉ cần vung hết một tầm dây cước là lưỡi câu đã rơi tõm vào cái bóng rợp xanh đen, hình thang, luôn luôn lay động của bệ đá chân cột đèn biển. Nhụ sực nhớ những ngày bão to, sóng sông Bạch Đằng chồm lên, phủ kín nóc nhà. Trong nhà nước dềnh đến ngang ngực, giường ghế, cái tủ nhỏ đựng chè, cốc chén cứ nổi phềnh phềnh. Vậy mà không hiểu sao, ông Nhụ rồi đến bố Nhụ, không bao giờ nghĩ đến việc chuyển nhà đi nơi khác.
Trước lúc xuống tàu, Nhụ đã dành tất cả thời gian còn lại, đi gánh nước ngọt, đổ đầy vào cái bể con và cái ang lớn ở sau nhà, để ông có đủ nước dùng trong một vài tuần. Tự nhiên, Nhụ lại nghĩ đến chị Chiêm, lại thương nhớ chị đến não cả ruột.
Nhụ cứ tỉ mẩn dọn hết cái này đến cái khác. Đầu tiên là quét mạng nhện trên vì kèo nhà, rồi dặm lại cái rá bị gãy mất mấy nan, khi vo, gạo cứ lọt xuống chậu. Rồi Nhụ lấy dao, cạo sạch lớp rêu xanh bám vào bậc đá lên xuống sông Bạch Đằng ở trước hiên nhà, đề phòng ông hay em, vô ý, có thể trượt ngã. Rồi tìm mấy hòn gạch bằng nhau, Nhụ kê lại cho ông cái phản, có lần ông bảo đầu phản không được cao, nằm hơi khó chịu. Đại khái toàn những việc lặt vặt như thế. Nhụ còn cảm giác rằng, mình là đứa con lớn trong nhà, rồi đây vắng mình, những việc linh tinh ấy, sẽ không có ai làm. Nhụ đã học được cái tính chịu thương chịu khó của người chị gái.
Bây giờ, tất cả đã khuất ở phía sau rồi. Con tàu đã vượt qua những cù lao đá có hình dáng kỳ lạ và huyền ảo nhất của vịnh Hạ Long. Nó chúi xuống chân một ngọn sóng, rồi như bất ngờ bị roi quất, nó bỗng nhảy bổ lên, lừng lững trên đỉnh nhọn và dẻo như cao su của ngọn sóng khác vừa nhao đến. Sóng đập vào quá nửa thân tàu, vọt tung lên những bọt nước trắng xốp ở phía sau. Nhụ thấy rơi vào gáy mình những hạt li ti mát và dính... Mỗi lần sóng dồi lên như vậy, Nhụ lại thấy trong bụng mình thoáng đặc, đầy ứ lên, rồi bỗng chốc lại thoáng rỗng, như không còn một chút gan ruột nào. Người Nhụ nao nao, lơ lửng...
Bây giờ, đang vào giữa mùa động biển. Những ngọn gió nam dọc, đang ở độ cường tráng, thổi phóng túng và hổn hển trên khoang tàu. Ngọn gió ướt át, nồng nặc vị muối và vị khơi xa...
Nhụ ngồi ở mũi tàu, hai tay đặt lên hai cái mỏ neo. Cái mỏ neo khá to, xù xì những gỉ sắt nâu xuộm như vẩy ở lưng con thằn lằn. Đầu nhọn của mỏ neo còn bết vết bùn đen bạc, đã bắt đầu khô trắng lớp bên ngoài, lổn nhổn những vỏ ốc vỡ và sỏi. "Đây là bùn đất của khoảng sông trước cửa nhà mình đây". Nhụ nghĩ và lấy tay cạo ra một lớp mỏng, vê thành một viên bi tròn. "Mình sẽ giữ làm kỷ niệm". Nhụ chợt nói lên như thế.
Nhụ cảm thấy rất là thích thú được ngồi một cách bình thản và lặng lẽ ở đầu mũi tàu và được đặt hai bàn tay nhỏ bé nhưng tin cậy của mình lên hai vành khuyên của hai cái mỏ neo ở hai bên. Có lẽ việc làm đơn giản ấy, tự nói với Nhụ rằng: Từ bây giờ, Nhụ đã là đứa con thực sự của biển cả.
Một cơn mưa bóng mây, đột ngột hình thành ở phía xa, bên mạn phải của con tàu. Vệt mưa màu tím hoa cà, mỏng và hẹp, mịn như sa tanh, buông chênh chếch trên mặt biển lởm chởm sóng răng cưa, trông tựa như một cái màn cánh gà, buông bên góc sân khấu. Gió từ cơn mưa thổi lại đã có vị ngọt lành, tinh khiết của hơi nước. Chớp trắng lóa, ráo hoảnh và rối bời, chạy lằng nhằng trong mảng mây đen sẫm đầu cơn mưa, như đám dây lưới bằng ni-lông ai vừa vứt tung ra. Và tiếng sấm dội lên, nghe thật sự là yếu ớt và lạc lõng. Chưa bao giờ Nhụ được trông thấy trọn vẹn trong tầm mắt của mình, một cơn mưa...
Cơn mưa tan dần. Biển bỗng tươi trẻ hẳn ra, đẹp đến rực rỡ. Trước mũi tàu, phía tận cùng trời nước, chân trời cong một nét ngang và mảnh, lòa lòa một con suối bạc đang sôi, trắng đến chói cả mắt. Và, kỳ lạ thay, ngay trong dòng suối cháy bỏng ấy, bỗng hiện lên, khi tỏ, khi mờ, một cái nấm con con, xanh bóng sắc nước. Không kìm được, Nhụ kêu to lên:
- Bố ơi, cây. Cây ở giữa biển. Cây kia kìa!
Bố Nhụ đang ngồi trên chiếc ghế đẩu, cạnh cửa sổ buồng lái, chân nọ bắt chéo lên chân kia. Trông gương mặt bác, người ta nhận ra biển ngay. Đôi mắt to và sắc, tỏa ra một cái nhìn vừa trầm tĩnh, vừa táo bạo. Nước da nâu sạm, hơi dày, mái tóc cắt ngắn, cứng đơ vì gội quá nhiều nước muối. Chẳng biết bác đang nghĩ gì. Hàng lông mày rậm, có mấy sợi to và dài quá cỡ, che mờ ảo một khoảng sáng của hai con mắt.
Đằng sau bác, người say sóng đã nằm ngổn ngang, chẳng còn ai nghĩ đến việc giữ gìn ý tứ. Chồng chất những bao gạo, bao bột mì, những bó rau muống xanh và những quả bí đao, vỏ đã lên phấn trắng. Thoảng một mùi hoi hoi, âm ẩm mằn mặn, những mùi vị lưu cữu của mọi con tàu đi đánh cá biển.
Nghe thấy tiếng Nhụ, bác thong thả đi qua cầu thang xuống sàn tàu, trong sự chao lắc dữ dội của sóng.
- Con vừa bảo gì? - Bác hỏi.
- Cây. Giữa biển mà có cây, bố ạ.
- Cây ở đâu? Làm gì có cây!
Phải chờ một lúc khá lâu, cái cây kỳ ảo đó mới bồng bềnh hiện lên trên đường cong tráng bạc của chân trời.
- Kia chứ đâu. Bố nhìn kìa! - Nhụ chỉ. - Đúng là cây mà!
Bố Nhụ mỉm cười. Nụ cười làm cho gương mặt bác thanh thản:
- Đảo đấy, con ạ. Hòn đảo phía chân trời của chúng ta đấy!
Nhụ bỗng à lên một tiếng nhẹ, lẫn với hơi thở.