Số lần đọc/download: 1376 / 28
Cập nhật: 2016-05-21 23:20:25 +0700
Công Tử Bạc Liêu
Q
uê nội tôi ở Bạc Liêu, cái vùng đất mầu mỡ nổi danh giàu có với nhân vật "công tử Bạc Liêu" khác thường thiên hạ. Thế nhưng khi tôi ra đời thì hầu như bên nội chẳng còn ai bám trụ với mồ mả ông bà nữa. Ba tôi Sài Gòn rặt, các anh chị em họ của ba đều được sinh ra ở chốn Sài thành. Ba tôi kể, hình như năm ba lên năm hay sáu gì đó thì ông cố nội dời nhà, tất cả đều ra đi. Lý do khiến mọi người bỏ quê lên Sài Gòn là vì "Thổ dậy".
- Ghê lắm! Thổ mỗi lần "dậy" là ai cũng chạy té đái. Nó đi đến đâu chém người như rạ tới đó. Không phân biệt già trẻ trai gái gì, thổ làm tuốt luốt. Mạnh ai có chân nấy chạy, bây giờ ba còn nhớ, vừa khiếp sợ vừa mắc cười...
Ba hay kể đến khúc này thì cười sặc sụa:
- Ông cậu Năm hồi đó đang bị bệnh phù chân voi. Ông cứ ôm chân khóc ri rỉ hoài. Ai dỗ cũng không nín. Tới hồi thổ dậy, chạy té tát. Ông cũng phải ôm chân sưng mà chạy cong đuôi như ai. Vậy mà rốt cuộc, nhờ như vậy, chân ông lại tự nhiên... hết.
Và cũng như mọi khi, kể tới đoạn này thì ba lại trầm ngâm:
- Mấy chục năm rồi, bây giờ ông Năm như vậy đó. Nhớ hồi nào cũng phách lối ra vẻ công tử Bạc Liêu như ai...
Ba tôi đang nói về người cậu ruột của mình, tức là ông của tôi. Ông thứ năm và cũng là con trai độc nhất của ông cố ngoại. Từ hai mươi năm nay, ông sống cô đơn một mình và nghèo khổ.
Quê nội Bạc Liêu tuy đối với tôi có xa lạ hơn quê ngoại Cần Thơ, nhưng nơi đó luôn thu hút sự chú ý của tôi. Tôi tưởng tượng ngày xưa, thuở ba tôi còn ở đó, căn nhà của ông cố nội chắc là rộng lớn lắm, đẹp đẽ lắm.
- Mỗi buổi tối, bà cố cắt nghĩa chuyện đời xưa cho ba với lại mấy đứa cháu khác, con của ông Tư và bà Ba nghe. Nghe xong là đã tới giờ đi ngủ, không đứa nào dám về phòng mình. Biết sao không? Tại nhà rộng quá, mà phải băng qua những chỗ tối, hồi đó đâu có đèn điện như bây giờ, rồi còn nghe mấy con côn trùng kêu, gió thổi vù vù. Ghê lắm!
- Vậy cái nhà đó bây giờ còn không ba?
- Ai mà biết! Tao mất gốc lâu rồi. Đi về dưới còn không biết đường đi. Hồi đó nhỏ chút xíu hà!
Và ba tôi còn kể, lúc đã lên Sài Gòn ông cố nội vẫn còn giàu lắm. Đi chợ mua trái cây chỉ mua bằng cần xé to, các ông bác, bà cô và ông nội của tôi được đi học trường Tây, thậm chí còn ra tuốt ngoài Hà Nội học lên đại học. Tôi không biết ông cố có phải điền chủ hay hội đồng ác ôn không, ba tôi cũng không nhớ làm cách nào ông cố lại giàu đến như vậy, nhưng ba khẳng định: "Ông nội tao hiền thấy mồ!".
Vùng quê nội theo lời ba tôi kể cứ thế mà bao trùm lấy tuổi thơ nhiều mơ mộng của tôi. Tôi đã mơ ước được một lần về Bạc Liêu chơi cho biết, nhưng chính ba tôi còn không nhớ đường về và không biết về để thăm ai thì tôi làm sao mà thực hiện ước mơ của mình được. Thế rồi một dịp may chợt đến. Ông Tư của tôi từ Mỹ về thăm Việt Nam chơi và có ý muốn thăm lại Bạc Liêu. Tôi chộp lấy thời cơ xin đi theo tháp tùng.
Ông Tư là anh của ông nội tôi. Ông là niềm tự hào cho cả đại gia đình bên nội.
Ông đã ra Hà Nội học lên đại học vào cái thời cả nước chỉ có mở đại học ở Thủ đô. Ông thành đạt, làm dược sư bào chế thuốc, có cả một viện dược phẩm với vài trăm công nhân. Sau giải phóng Sài Gòn, ông hiến cơ sở cho Nhà nước rồi theo các con sang Mỹ định cư. Nhắc đến ông Tư, là nhắc đến lòng thương người, bác ái của ông. Người ta nhớ đến ông, kính phục ông vì ông là người nhân đạo chứ không phải vì ông là người thành đạt. Tôi chưa bao giờ được gặp mặt ông, chỉ qua cách kể lại của mọi người, tôi cũng cảm thấy ông thật đáng kính. Mẹ tôi từng làm công nhân trong viện bào chế thuốc của ông kể lại:
- Công nhân ai cũng sợ ông chủ vì ông nghiêm nghị, ít nói. Nhưng hễ nhà ai nghèo nàn, cần lúc giúp đỡ thì ông đều cho tiền thêm.
Mẹ tôi còn nói vì ông Tư là người đàng hoàng nên các con của ông cũng được nuôi dạy tử tế, đều thành đạt cả. Ông đặt tên cho con cũng có ý: Hậu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Đức, Pháp, Lý...
Thế rồi cuối cùng, tôi cũng được diện kiến ông Tư đáng kính. Quả như tôi tưởng tượng trước, sắc diện của ông rất hồng hào, trông ông thật phúc hậu. Ông tiết lộ trái tim ông đã "y học hóa" rồi.
- Tim ông Tư của tụi bây bằng cao su, yếu hơn xưa rất nhiều. Tao còn khỏe mạnh như vậy cũng nhờ ở gần con cháu. Nhưng nay thì phải về thăm quê hương, về Bạc Liêu.
Ba mẹ tôi nói, bây giờ ông nhìn hiền hơn, gần gũi hơn, chứ lúc trước ông nghiêm lắm.
- Già rồi! - Ông cười - Lúc trước phải nghiêm cho con cháu sợ.
Với trái tim bằng cao su, ông Tư cùng con cháu đi khắp Việt Nam thăm lại đất nước. Ông lên máy bay ra Hà Nội, ở lại đó đúng một buổi rồi lộn về Huế. Cứ thế, ông chỉ được ngắm nhìn phong cảnh hai bên đường hơn là tham quan. Tôi đi theo ông, thất vọng vì cứ phải ngồi trên xe suốt ngày. Mấy đứa cháu trẻ trung mệt mỏi, say xe, uể oải. Còn ông vẫn tươi tỉnh, cười đùa, say sưa ngắm cảnh.
Đi đến đâu ông cũng than tội nghiệp cho mấy quán ăn vắng khách, tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ phải đi bán báo, bán vé số. Ông tình nguyện cho người ta bán mắc, còn vui vẻ nói:
- Kệ! Lâu lâu cho họ lời chút ít cho họ vui, chứ buôn bán như vầy đâu có được bao nhiêu.
Ông mua vé số thật nhiều rồi tặng lại cho lũ trẻ, căn dặn:
- Ông cho tụi bây để dành, chiều xổ số nếu trúng thì lấy tiền mua sách vở học tập. Phải hứa với tao là không được bán đi đó. Để dành nghe chưa?
Tụi nhỏ dạ rơn, hứa để dành vé số chờ chiều xổ. Nhưng có đứa thật thà:
- Ít khi trúng lắm. Uổng quá!
Tôi nói với ông:
- Ông Tư xài tiền giống "công tử Bạc Liêu" quá!
Ông cười lớn:
- Bậy con! Tao sao bằng. Hồi đó ông cố con, tức là ba của ông đó, giàu lắm. Vậy mà ông đâu có được xài tiền như "công tử Bạc Liêu". Phải đi học trọ, ăn nhờ ở đậu nhà người ta như ai.
Xe chạy về Rạch Giá, đã gần tới Bạc Liêu rồi, ông Tư nôn nóng, háo hức kể huyên thuyên chuyện này chuyện kia:
- Ủa! Chỗ này lúc trước tao nhớ là con sông mà. Bộ bị người ta lấp rồi hả?
- Mấy chục năm rồi, làm sao mà ông nhớ rõ vậy?
- Bộ thấy ông già sao? Cách nay hai năm, ông còn đăng ký học đại học ở bên đó đó!
- Thiệt hông ông?
- Thiệt chớ! Nhưng vì tim cao su, nên đành nghỉ nửa chừng.
Xe chạy ngang Lóng Dài, ông kể:
- Đây là quê bà nội con đó, hồi còn con gái bà nội ở đây. Nhà của bà nội mày cũng giàu dữ lắm nghe. Có điều ba của bả, tức là ông cố ngoại của con đó, hút á phiện. Hút riết không lo dạy ông Năm nên ông tha hồ ăn xài phung phí. A! Phải rồi! Chính ông Năm của con mới xứng danh "Công tử Bạc Liêu" đó!
Đột nhiên, ông Tư trầm ngâm, chép miệng:
- Bây giờ ông cậu Năm con đỡ bệnh chưa? Thiệt khổ! Lúc còn cha còn mẹ, sung sướng thì không lo tự rèn luyện, ăn xài phung phí nên rồi bây giờ mới ra như vậy.
Tôi cũng ngán ngẩm cho ông cậu Năm phải cô đơn, sáu mươi tuổi không vợ, không con, ăn uống khổ sở. Tôi không tưởng tượng nổi lúc còn trẻ ông ăn xài như thế nào mà được cho là "công tử Bạc Liêu" chứ gần hai mươi năm nay chỉ thấy ông rất đáng thương.
- Ngày xưa ổng phách lắm - Ông Tư kể tiếp - Sẵn nhà giàu có, đâu phải lo nghĩ gì, ba của ổng lại không lo bảo ban, cứ nằm trên giường hút á phiện. Lúc đó, ông Năm mày mặc cái áo chỉ một lần, còn thì để làm nùi giẻ. Coi hoang phí chưa?
Ông không nói nữa, thở dài lặng lẽ nhìn ra ngoài trời. Phải chi ông Năm cũng giống như ông Tư đây, phải chi ông cố ngoại cũng đừng mê hút xách, cũng biết lo cho con cái đi học thành tài như ông cố nội?
Thương cho "Công tử Bạc Liêu" về già của tôi!