Những người vĩ đại không những phải biết chớp lấy cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội.

C.C. Colton

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 54
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 - Những Đợt Giá Rét Cuối Cùng - Xe Chở Đồ - Mùa Xuân Trở Về - Service Và Con Nandu - Chuẩn Bị Chuyến Khảo Sát Phía Bắc Đảo - Hang Thỏ - Sông Nghỉ - Hệ Động Vật Và Thực Vật - Điểm Cực Bắc Hồ Gia Đình - Sa Mạc
ùa đẹp trời báo hiệu đang tới. Các trại viên sắp được thực hiện mấy dự định đã hình thành trong mùa đông rỗi rãi dài dằng dặc.
Về phía tây hiển nhiên là chẳng có đất nào ở cạnh đảo. Liệu các phía nam, bắc, và đông có như vậy không hay là đảo này thuộc về một quần đảo hoặc một nhóm đảo của Thái Bình Dương? Nếu căn cứ vào bản đồ của François Baudoin thì không. Tuy nhiên, cũng có thể có những đảo ở vùng biển này mà nạn nhân người Pháp không thấy vì không có kính viễn vọng, đứng trên đỉnh đồi Auckland, bằng mắt thường chỉ nhìn xa được mấy dặm thôi. Biết đâu, với trang bị nhìn xa tốt hơn, các bạn trẻ lại phát hiện được cái mà người sống sót của tàu Duguay Trouin không thấy được.
Theo địa thế, quãng giữa Chairman, tính từ động Người Pháp sang bờ đông đảo rộng không quá mười hai dặm. Phía đối diện với vũng Sloughi, bờ biển cũng khoét sâu vào, cho nên khảo sát hướng ấy là hợp lí. Nhưng trước hết cần phải thăm dò vùng đất nằm giữa đồi Auckland với hồ Gia Đình và với rừng Hố Bẫy để xem có những nguồn lợi gì, những cây cối to nhỏ gì có thể sử dụng được. Một cuộc khảo sát được quyết định tiến hành vào những ngày đầu tháng 11 vì mục đích đó.
Theo thiên văn học thì mùa xuân sắp bắt đầu, tuy nhiên đảo Chairman nằm ở vĩ độ cao, vẫn chưa thấy ảnh hưởng gì. Tháng 9 và nửa đầu tháng 10 nổi lên mấy đợt thời tiết cực xấu. Có những cơn rét rất đậm tuy không kéo dài vì hướng gió thay đổi thất thường. Trong tiết xuân phân, nhiễu động trong khí quyển có những biểu hiện mãnh liệt lạ thường, tương tự như trận bão đã cuốn con tàu Sloughi trên Thái Bình Dương. Dưới những đòn tấn công liên tiếp của bão tố, dường như cả dãy đồi Auckland cũng rung chuyển. Những trận cuồng phong từ phương nam quét qua truông phía Nam không bị cản trở, mang tới cái lạnh giá của Nam cực. Ngăn không để gió lọt vào động Người Pháp là một việc cực nhọc. Có đến hai mươi lần, cánh cửa kho bị đẩy bung, gió lùa qua hành lang vào tận sảnh, khiến cả trại còn khổ hơn cả khi trời rét đậm tới -30°C. Không những phải chống gió mà còn phải chống cả mưa, mưa đá. Buồn hơn nữa, chẳng có con vật nào để săn bắt, chắc là chúng trốn vào nơi nào kín gió hơn. Cả cá cũng thế, hẳn tiếng sóng nước vỗ bờ ầm ầm đã làm chúng hoảng sợ.
Tuy nhiên cư dân động Người Pháp cũng chẳng ngồi không. Lớp băng cứng đã tan, không thể dùng bàn làm phương tiện chuyên chở được nữa. Baxter tìm cách đóng một cái xe để chở những vật nặng. Cậu nảy ra ý nghĩ dùng hai bánh xe có kích thước bằng nhau của tời trục neo. Vì không có chuyên môn nên cậu phải mò mẫm khá nhiều. Hai bánh xe có răng cưa. Ban đầu cậu định cưa đi, nhưng không được. Sau cậu lấy gỗ cứng chèn thật chặt vào các kẽ răng rồi bọc một lớp vỏ kim loại bên ngoài. Rồi cậu lắp hai bánh xe vào một trục sắt, trên trục sắt là một thùng xe chắc chắn đóng bằng gỗ ván. Một thứ xe quá thô sơ. Ấy thế mà nó có ích, có ích nhiều là đằng khác. Chẳng cần nói là không có lừa, la hay ngựa nên nhiệm vụ kéo cái gọi là xe này được giao cho các cậu khỏe nhất. Chà! Giá mà bắt được mấy con thú bốn chân rồi luyện chúng để dùng vào việc ấy thì đỡ khó nhọc biết bao! Tại sao trên đảo Chairman, ngoài mấy con thú ăn thịt đã thấy xương cốt, hoặc dấu vết thì chỉ thấy chim chóc là nhiều, còn thú nhai lại thì chưa thấy con nào? Thêm nữa, cứ như con đà điểu của Service, thì có thể hi vọng thuần dưỡng được chúng thành thú nhà không?
Thật vậy, bản chất hoang dã của con nandu không bớt chút nào. Nó không cho ai tới gần mà không mổ hoặc đá, tìm cách bứt đứt dây buộc, nếu thoát ra được thì hẳn nó sẽ phóng đi mất dạng trong rừng Hố Bẫy.
Nhưng Service không nản chí, cậu gọi con nandu là Brausewind, giống như tên con đà điểu của Jack trong truyện Robinson Thụy Sĩ. Dù rất đỗi tự hào trong việc thuần dưỡng con vật bất kham, nhưng mọi biện pháp dịu dàng hay cứng rắn của Service đều chẳng ăn thua gì. Một hôm, liên hệ với truyện của Wyss mà cậu đọc đi đọc lại không chán, cậu bảo:
- Ấy thế mà Jack vẫn rèn con đà điểu thành một vật để cưỡi được đấy!
- Đúng, - Gordon trả lời, - nhưng sự khác biệt giữa cậu với thần tượng của cậu cũng ngang sự khác biệt giữa con nandu của cậu với con đà điểu của cậu ấy!
- Khác thế nào, Gordon?
- Đơn giản thôi, đó là sự khác biệt giữa trí tưởng tượng và thực tế.
- Không sao, - Service đáp, - tớ sẽ thành công với con đà điểu của tớ… không thì nó phải nói tại sao.
- Vậy thì cậu hãy nhớ lời tớ, - Gordon cười đáp, - tớ thấy nó trả lời cậu còn khả dĩ hơn là thấy nó nghe lệnh cậu!
Mặc cho các bạn bông đùa, Service quyết định sẽ cưỡi con đà điểu khi thời tiết cho phép. Do đó, vẫn bắt chước người hùng tưởng tượng của mình, cậu chế tạo một bộ cương bằng vải buồm với một cái mũ chụp có hai má che mắt đóng mở được - chẳng phải Jack đã điều khiển đà điểu bằng cách đóng, mở mắt trái hay mắt phải của con vật đó sao? Cậu ta thành công thì mình làm theo tại sao không được? Service còn làm một cái vòng bằng sợi gai dầu và cố gắng tròng vào cổ con vật mặc dầu nó chẳng cần cái đồ trang sức ấy. Còn cái mũ thì cậu không sao chụp vào đầu nó được.
Những ngày được sử dụng để bố trí, sắp đặt cho nội thất động Người Pháp được tiện nghi hơn khi thời tiết không cho phép ra khỏi động đã trôi qua không hề lãng phí. Tiết xuân phân sắp hết. Mặt trời lại bừng sáng, bầu trời trong hơn. Đã là giữa tháng 10. Hơi ấm từ đất làm cây cối xanh tươi trở lại. Đã có thể ra khỏi động Người Pháp cả ngày. Đồ mặc ấm, quần dạ thô, áo len hay va-rơi len được đập kĩ, sửa chữa, gập và xếp cẩn thận vào các hòm do Gordon dán nhãn. Các cậu bé thoải mái trong quần áo mỏng vui mừng đón mùa thời tiết tốt quay lại và chưa từ bỏ hi vọng khám phá điều gì đó làm thay đổi hoàn cảnh của mình. Biết đâu mùa hè này lại chẳng có tàu thuyền qua lại đây, thấy đảo Chairman cùng lá cờ trên đỉnh đồi Auckland và ghé vào?
Sang nửa cuối tháng 10, nhiều cuộc khảo sát trong phạm vi bán kính hai dặm quanh động Người Pháp được tiến hành. Các chàng thợ săn cũng không bỏ lỡ cơ hội. Nhờ đó mà bữa ăn hằng ngày được cải thiện ngay, tuy theo chỉ thị của Gordon vẫn phải tiết kiệm nghiêm ngặt thuốc súng và đạn chì. Wilcox đặt dò thòng lọng bắt được mấy đôi tinamou, ô tác và cả một đôi thỏ mara, giống những con agouti sống trong các khu rừng ẩm ướt Nam Mỹ. Phải ra thăm bẫy hằng ngày, nếu không rất dễ bị chó rừng hay mèo rừng phỗng tay trên. Thật tức điên cả người! Mình thì nai lưng ra làm mà thành quả thì chúng hưởng. Vì thế gặp dịp trừng trị chúng là các cậu không bỏ qua. Họ cũng đã bắt được mấy con vật tệ hại ấy trong các hố bẫy cũ được sửa lại và các hố mới được đào thêm ở bìa rừng. Còn thú dữ lớn thì chỉ trông thấy dấu vết chứ chưa phải đương đầu, tuy các cậu vẫn luôn phòng bị. Doniphan cũng bắn được mấy con pécari và guaçuli là giống lợn nhỏ và giống hươu nhỏ thịt rất ngon. Còn lũ nandu thì chẳng ai tiếc rẻ vì không thể lại gần chúng, cứ nhìn Service cố công thuần hóa con vật mà vẫn công toi là đủ biết.
Về việc ấy thì mọi người đã được dịp chứng kiến rõ ràng vào sáng ngày 26 khi chàng trai bướng bỉnh nhất quyết cưỡi con đà điểu, sau khi đã vất vả đóng cương. Tất cả mọi người đều kéo ra Bãi Tập để chứng kiến cuộc thử nghiệm quan trọng này. Các chú bé nhìn anh lớn với cảm giác thèm muốn và lo ngại lẫn lộn. Tới phút quyết định, các chú lưỡng lự không dám yêu cầu Service cho mình cùng cưỡi. Còn các cậu lớn thì nhún vai, thậm chí Gordon còn muốn khuyên bạn đừng thử nữa, vì nguy hiểm. Nhưng Service khăng khăng giữ ý kiến nên mọi người đành để cậu thực hiện.
Con vật lúc này đã bị hai má ở mũ chụp bịt mắt, được Garnett và Briant giữ chặt. Sau mấy lần đầu không thành công, cuối cùng Service cũng ngồi được lên mình đà điểu, rồi bằng một giọng không được tự tin cho lắm, cậu quát:
- Buông ra!
Con nandu không nhìn thấy gì, thoạt đầu đứng yên tại chỗ. Chàng trai tay giữ cương, chân quặp chặt mình con vật. Nhưng khi sợi dây buộc hai má bịt mắt, đồng thời là cương được kéo ra thì nó nhảy vọt lên, chạy thẳng về phía rừng. Service không làm chủ được con vật bất kham đang phóng như tên bắn. Cậu không sao bịt lại được hai mắt con vật để bắt nó dừng lại. Nó lắc mạnh đầu, thế là cái mũ chụp tuột xuống cổ nơi người cưỡi đang cố bám chặt bằng hai tay. Một cái lắc mình mạnh mẽ nữa, chàng kị mã non nớt bị hất tung lên, rơi xuống đất, đúng lúc nó tới bìa rừng Hố Bẫy. Khi các bạn chạy tới thì con đà điểu đã mất tăm rồi!
May sao, Service rơi xuống một đám cỏ rậm nên không hề gì. Cậu xấu hổ hét:
- Đồ ngu ngốc!… Đồ ngu ngốc!… Tao mà bắt lại được…
- Cậu chẳng bắt lại được nó đâu! - Doniphan thích chí cười giễu.
- Chắc tại anh bạn Jack chí cốt cưỡi ngựa giỏi hơn cậu. - Webb nói.
- Đó là vì con đà điểu của tớ chưa thuần hóa đến nơi đến chốn. - Service trả lời.
- Và sẽ không bao giờ thuần hóa được. - Gordon nói. - Thôi đừng buồn nữa, cậu không thể trông mong gì ở con vật ấy đâu. Cậu đừng quên rằng trong truyện của Wyss, có điều nên theo và có điều nên bỏ qua.
Thế là cuộc phiêu lưu này kết thúc và các chú bé cũng hết tiếc rẻ vì không được cưỡi con đà điểu.
Những ngày đầu tháng 11, thời tiết có vẻ thuận lợi cho một chuyến khảo sát dài hơn nhằm tìm hiểu phần đất từ bờ tây đến đầu phía bắc hồ Gia Đình. Trời trong, nhiệt độ dễ chịu, ngủ ngoài trời vài đêm cũng chẳng sao. Việc chuẩn bị được tiến hành phù hợp với những điều kiện ấy. Các chàng thợ săn đảm nhiệm chuyến khảo sát này với sự tham gia của Gordon vì đảo trưởng thấy nên như vậy. Các bạn ở lại động Người Pháp do Briant và Garnett trông nom. Sau này, khi thời tiết còn tốt, Briant sẽ tiến hành một cuộc khảo sát khác nhằm tìm hiểu phần cuối hồ bằng cách đi xuồng ven bờ hoặc băng qua mặt hồ vì theo bản đồ của François Baudoin, đoạn ngang với động Người Pháp hồ chỉ rộng độ năm dặm.
Bàn luận thống nhất thế rồi, sáng ngày 5 tháng 11, Gordon, Doniphan, Baxter, Wilcox, Webb, Cross và Service tạm biệt các bạn lên đường.
Ở động Người Pháp, nếp sống quen thuộc không có gì thay đổi. Ngoài giờ làm việc, Iverson, Jenkins, Dole và Costar lại câu cá ở ven hồ và lạch như thường lệ, các em coi đó là trò giải trí ưa thích. Nhưng đoàn khảo sát không có Moko thì liệu có được ăn uống tử tế không? Xin nhớ là trong đoàn có Service, và cậu ta vẫn hay giúp đỡ Moko nấu ăn. Chuyến đi này là dịp để cậu trổ tài và biết đâu cũng là dịp để cậu tìm ra con đà điểu của mình. Gordon, Doniphan, Wilcox mang súng trường, ngoài ra cả đoàn ai cũng có một khẩu súng ngắn giắt ở thắt lưng. Trang bị vũ khí của đoàn còn có thêm những con dao săn và hai chiếc rìu nữa. Trong chừng mực có thể, họ chỉ nổ súng khi bị tấn công hoặc không có cách nào khác ít tốn kém hơn để săn bắt thú. Vì mục đích ấy, Baxter mang theo lazo và bola mà cậu đã sửa chữa và ít lâu nay đã tập sử dụng. Là một chàng trai ít nói nhưng thật khéo tay, cậu đã nhanh chóng thao tác thành thạo các dụng cụ ấy, tuy thật ra là cho tới lúc ấy, cậu mới tập với các vật tĩnh mà chưa từng thử với những con vật sống đang vùn vụt chạy trốn nên chưa biết có thành công hay không. Để rồi xem, khi có dịp.
Theo bản đồ của François Baudoin mà đoàn đem theo một bản sao - để tham khảo hoặc để chỉnh lí tùy từng trường hợp - thì hồ Gia Đình có hai chi lưu. Cho nên Gordon đem theo chiếc xuồng cao su để vượt suối nếu không lội qua được, cái xuồng này rất dễ dàng mang xách vì gập lại được như chiếc va li và chỉ nặng khoảng mươi livre. Cũng theo bản đồ thì bờ tây hồ, tính theo đường cong, dài khoảng mười tám dặm. Cuộc khảo sát vừa đi vừa về nếu không gặp trở ngại cần ít nhất ba ngày.
Gordon và các bạn, có Phann đi trước, cất bước trên nền đất cát ven hồ, bên trái là khu rừng Hố Bẫy. Đi được hơn hai dặm là hết phạm vi khảo sát từ khi tới động Người Pháp cho tới lúc ấy. Tại đây có loại cỏ gọi là “cortadère” mọc thành từng bụi lút đầu người cao nhất trong đoàn. Hành trình bị chậm lại một chút nhưng không đáng tiếc vì Phann đã dừng lại trước khoảng nửa tá hang lỗ trên mặt đất. Hẳn là chú ta đã đánh hơi có con vật nào đó có thể bắt được dễ dàng. Vì thế khi Doniphan sắp tì súng vào vai thì Gordon ngăn lại:
- Tiết kiệm thuốc súng, đề nghị tiết kiệm thuốc súng!
- Chẳng phải bữa sáng của chúng ta ở trong đó sao? - Chàng thợ săn trả lời.
- Và cả bữa chiều nữa! - Service nói thêm và cúi xuống nhòm vào hang.
- Ta có thể bắt con gì đó ở trong hang mà chẳng tốn một viên chì nào! - Wilcox trả lời.
- Bằng cách nào? - Webb hỏi.
- Hun khói như hun hang cáo, hang chồn ấy.
Mặt đất đầy cỏ khô. Wilcox vơ nhanh một nắm đốt ở cửa hang. Chỉ sau khoảng một phút, cả một tá những con vật gặm nhấm gần như chết ngạt thò ra khỏi hang chạy trốn nhưng vô ích. Đó là những con thỏ tucutuco. Service và Webb bắt được mấy đôi. Phann cũng chộp ngay mấy con.
- Món này mà quay lên thì ngon phải biết. - Gordon nói.
- Để tớ, - Service reo, hăm hở làm nhiệm vụ bếp trưởng - ngay bây giờ nhé!
- Đợi tới chặng nghỉ đầu tiên đã. - Gordon đáp.
Phải mất nửa giờ mới ra khỏi cánh rừng thu nhỏ của thứ cỏ cao cortadère. Bờ hồ hiện ra, nhấp nhô những lằn dài cát mịn bốc lên mỗi khi có ngọn gió thoảng qua. Tới đây thì đã cách mặt sau của đồi Auckland hai dặm về phía tây, do vách đá chạy xéo từ động Người Pháp đến vũng Sloughi. Toàn bộ phần đảo này nằm dưới tán cây rừng um tùm, rậm rạp. Khoảng 11 giờ sáng, sau khi vượt sáu dặm tính từ lúc khởi hành thì các cậu tới cửa suối Xếp Đá, con suối mà nhóm của Briant phát hiện khi tới hồ lần đầu, đúng như đã vẽ trên bản đồ.
Cả đoàn dừng chân dưới tán một cây tùng đẹp tuyệt. Bếp được nhóm lên giữa hai hòn đá to. Một lúc sau, hai con thỏ do Service làm lông, moi xong ruột đã được quay trên ngọn lửa lép bép. Chẳng cần tả làm gì cái cảnh chó Phann chầu hẫu trước bếp, tận hưởng mùi thịt nướng thơm tho, còn chàng bếp trưởng thì chăm chú quay để thịt chín đều.
Bữa ăn thật ngon miệng. Không ai phàn nàn về kết quả lần đầu thử tài nấu ăn của Service. Hai con tucutuco là đủ no, không phải đụng tới thực phẩm mang theo trong túi dết, ngoại trừ bánh quy được dùng thay bánh mì. Mà ngay khoản lương thực này cũng tiết kiệm được vì thịt nhiều, mà thứ thịt này rất ngon, đượm mùi hương cỏ thơm lâu nay đã nuôi sống những thú gặm nhấm này.
Ăn xong, họ lội qua suối, không phải dùng xuồng, đỡ mất thời gian. Bờ hồ dần dần lầy lội, họ buộc phải đi về ven rừng, tuy có lúc theo địa thế lại đi về hướng đông, vẫn thấy những loài cây ấy, tươi tốt, sum suê, nào sồi trắng, sồi xanh, bạch dương, tùng… Vô số chim chóc đẹp tuyệt bay chuyền trên cành cây, những con gõ kiến mình đen mào đỏ, những con chim đớp ruồi mào trắng, những con hồng tước, hàng ngàn con sẻ leo chí chóe trong vòm lá. Còn sẻ khướu, sơn ca, sáo thì thi nhau hót. Xa xa, lượn lờ trên không là đại bàng, kền kền đen, diều vằn, những loài chim ăn thịt thường thấy ở vùng biển Nam Mỹ. Nhớ đến chuyện Robinson Crusoe, hẳn Service lấy làm tiếc không thấy có vẹt trong họ hàng nhà chim ở đảo này. Tuy không thuần dưỡng được đà điểu, nhưng biết đâu cậu chẳng dạy được một con chim lắm lời nhưng ít ngang ngược ấy. Vậy mà chẳng thấy con nào.
Tóm lại là rất sẵn chim, thú để săn bắt, những con mara, pichi, đặc biệt là tinamou. Gordon không nỡ ngăn Doniphan hưởng cái thú săn bắn, và cậu ta bắn được một con pécari nhơ nhỡ cho bữa ăn sáng mai nếu chiều nay chưa dùng tới.
Cũng không cần vào sâu trong rừng cho vất vả. Cuốc bộ mười hai dặm trong một ngày là quá đủ rồi. Trước hết cần đặt tên cho con sông này, và vì tới đây thì dừng lại nên nó được gọi là sông Nghỉ. Các cậu chọn cắm trại dưới mấy cái cây đầu tiên bên bờ sông. Tinamou để dành đến mai. Những con tucutuco được dùng làm chủ lực cho bữa chiều và cả lần này nữa, Service cũng hoàn thành khá tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhu cầu ngủ cao hơn nhu cầu ăn, miệng thì mở ra ăn mà mắt thì cứ díp lại vì buồn ngủ. Thế là bên cạnh một đống lửa lớn được nhóm lên, mỗi người cuộn tròn trong chăn của mình mà lăn ra ngủ. Wilcox và Doniphan thay phiên nhau giữ cho lửa cháy để thú dữ không dám bén mảng tới gần.
Tóm lại, đêm trôi qua bình yên và sáng sớm mọi người lại sẵn sàng tiếp tục lên đường. Tuy nhiên, đặt tên cho con sông chưa đủ mà còn phải vượt qua nó nữa. Ở đây không thể lội được mà phải dùng đến xuồng cao su. Vì nó bé tí, mỗi lần chỉ chở được một người nên phải đi về tới bảy lần, mất một tiếng đồng hồ mới xong. Nhưng điều đó không quan trọng lắm, nhờ xuồng mà thức ăn và đạn dược không ướt. Còn Phann thì nó chẳng sợ nước, cứ lao xuống sông bơi một loáng là tới bờ bên kia.
Đất đã hết lầy lội, Gordon liền đi chếch ra bờ hồ và đến 10 giờ thì tới. Sau khi ăn sáng bằng thịt pécari nướng, đoàn lại đi lên hướng bắc. Chưa có gì chứng tỏ là đã đến điểm chót hồ. Nhìn về hướng đông, chân trời vẫn là đường cong giữa trời và nước. Gần trưa, Doniphan nhìn qua kính viễn vọng nói:
- Đã thấy bờ bên kia!
Mọi người nhìn theo hướng mấy ngọn cây nhô lên trên mặt nước.
- Ta đừng dừng lại, hãy cố sang bên ấy trước khi trời tối! - Gordon nói.
Một vùng bình nguyên cằn cỗi nhấp nhô những đụn cát dài, lác đác những bụi cói và lau sậy trải ra đến ngút tầm mắt về hướng bắc. Trái ngược với cảnh xanh tươi ở trung tâm của đảo, nơi này chỉ là trảng cát rộng, hoang vắng, rất đúng với cái tên được Gordon đặt cho là Sa Mạc.
Đến 3 giờ chiều, vòng cong của bờ bên kia hiện ra rõ mồn một, cách gần hai dặm phía đông bắc. Nếu không kể mấy con chim biển như cốc, hải âu, chim lặn chân viền bay qua để về tổ thì hình như mọi sinh vật đều xa lánh nơi này. Nếu du thuyền Sloughi cập bờ vào đây, thấy quang cảnh khô cằn này, hẳn các nạn nhân trẻ sẽ cho rằng thế là tuyệt đường sinh sống! Ở hoang mạc này làm sao mà tìm được chỗ ở tiện nghi như động Người Pháp! Khi con tàu không ở được nữa thì biết trú ẩn vào đâu!
Bây giờ có nên tiếp tục đi theo hướng cũ để khảo sát cái vùng dường như không ở được này nữa không? Nên chăng tiến hành một cuộc khảo sát thứ hai bên bờ phải của hồ với những khu rừng có thể cung cấp nhiều nguồn lợi thì tốt hơn? Đúng, chắc chắn tốt hơn. Mặt khác, nếu đảo Chairman ở gần châu Mỹ thì lục địa này phải ở vùng biển phía đông của đảo.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Doniphan, cả đoàn quyết định cứ đi đến đầu hồ, chắc cũng không xa nữa vì càng đi càng thấy vòng cong đôi bờ khép dần lại rõ. Chập tối thì họ dừng chân ở cuối một cái vũng nhỏ ăn sâu vào bờ phía bắc hồ Gia Đình. Tại đây không có một cái cây, một bụi cỏ hoặc rong rêu khô để đốt lửa nên phải ăn lương thực mang theo, và cũng chẳng có chỗ để trú ẩn nên đành quấn chăn nằm ngủ ngay trên thảm cát. Không có gì phá vỡ sự yên tĩnh của đêm đầu tiên trên Sa Mạc.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo