Tôi tin những muộn phiền và thất bại đến với mình là nền tảng giúp tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở một mức cao hơn.

Anthony Robbins

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lalibela, 1975
iền Trung Ethiopia là một cao nguyên rộng lớn bị vô số hẻm núi và thung lũng cắt ngang. Vào mùa mưa, các con sông nước xiết hung hãn chảy qua dưới đáy những khe sâu này. Trong các tháng hè, một số sông cạn đi và biến mất, lộ ra đáy sông khô nứt nẻ, nơi gió cuốn lên những đám bụi bùn đen đã bị mặt trời hong khô. Trên cao nguyên, chỗ này chỗ kia mọc lên những ngọn núi cao tới ba nghìn mét, song chúng chẳng gợi nhớ chút gì đến những ngọn núi granit tuyết phủ của dãy Alpơ, Andes hay Cacpat. Đó là những ngọn núi đá màu nâu hoặc màu đồng đã bị xói mòn, trên đỉnh bằng phẳng đến mức có thể dùng làm sân bay tự nhiên. Khi máy bay bay bên trên, người ta nhìn thấy những túp lều vách đất tồi tàn, không có điện và nước. Câu hỏi được đặt ra ngay: người dân ở đó sống ra sao? Sống bằng gì? Họ ăn gì? Vì sao họ ở đó? Ở những nơi như thế, vào buổi trưa, mặt đất hẳn phải nóng như than hồng, đốt cháy bàn chân, biến tất cả thành tro. Ai đày họ đến nơi chót vót và rùng rợn như thế? Tại sao? Vì lỗi lầm gì? Tôi chưa bao giờ có dịp leo lên những nơi ở hiu quạnh ấy tìm lời giải đáp. Cũng không có ai ở đây, trên cao nguyên này, có thể nói cho tôi điều gì đó về họ. Những người khốn khổ trên cao chót vót ấy vất vưởng đâu đó bên lề nhân loại, họ sinh ra chẳng ai để ý và biến mất – hẳn là rất nhanh – như những sinh vật vô danh không ai biết tới. Nhưng ngay cả số phận của những người sống dưới chân núi cũng chẳng nhẹ nhàng và tốt đẹp gì hơn.
- Đi Wollo ấy – Teferi nói – đi Haragwe đi. Ở đây anh không xem được gì đâu. Còn ở đó anh sẽ thấy tất cả.
Chúng tôi ngồi trên hàng hiên nhà anh ở Addis Ababa. Trước mặt chúng tôi là khu vườn có tường cao bao quanh. Hoa giấy sum suê, hồng rực, hoa liên kiều vàng chói mọc quanh bồn phun nước đang rì rào nhè nhẹ. Những nơi Teferi vừa nhắc đến nằm cách đây chừng vài trăm cây số. Đó là các tỉnh nơi người dân chết đói hàng loạt. Ở đây, trên hàng hiên này (mùi thịt nướng từ nhà bếp đang bay ra), người ta hoàn toàn không thể tưởng tượng ra được cảnh ấy. Mà phải hiểu “chết hàng loạt” là thế nào đây? Con người luôn chết một mình, khoảnh khắc chết luôn là khoảnh khắc cô đơn nhất trong cuộc đời anh ta. “Chết hàng loạt” nghĩa là một người nào đấy đang chết cô đơn, song cùng lúc đó, có một người đang chết, cũng cô đơn. Và một người khác nữa, cô đơn ngang như thế. Chỉ do hoàn cảnh ngẫu nhiên – thường là không như mong muốn của họ - mỗi người khi cô đơn trải nghiệm khoảnh khắc chết duy nhất của riêng mình lại ở gần nhiều người khác cũng đang chết trong thời điểm ấy.
Khi đó là thập niên bảy mươi. Châu Phi vừa bước vào hai thập niên đen tối nhất của mình. Nội chiến, nổi dậy, đảo chính, tàn sát và cùng với chúng là nạn đói mà hàng triệu người dân sống ở vùng Sahel (Tây Phi) và Đông Phi (nhất là ở Sudan, Chad, Ethiopia và Somalia) bắt đầu phải chịu – đó là một vài biểu hiện của cơn khủng hoảng. Thời đại của những năm năm mươi và sáu mươi với bao lời hứa hẹn và hy vọng đã kết thúc. Trong thời gian ấy, phần lớn các nước trong châu lục đã tự giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân và bắt đầu cuộc sống của một quốc gia độc lập. Thời đó, trên thế giới, trong các môn khoa học chính trị và kinh tế thống trị quan điểm rằng tự do sẽ tự động mang đến phồn vinh, tự do sẽ ngay lập tức biến những vùng nghèo khổ xưa kia thành xứ sở đầy sữa và mật ong tuôn chảy. Các nhà thông thái vĩ đại nhất thời đó đã khăng khăng như vậy và dường như chẳng có lý do gì để nghi ngờ họ, nhất là khi những lời tiên tri lại nghe có vẻ hấp dẫn đến thế.
Nhưng mọi chuyện lại xảy ra khác hẳn. Trong các quốc gia mới của châu Phi, cuộc chiến giành quyền lực nổ ra, ở đó người ta sử dụng tất cả mọi thứ: các mâu thuẫn bộ lạc và sắc tộc, sức mạnh quân đội, tham nhũng, giết người. Đồng thời, các quốc gia này tỏ ra yếu kém, không có năng lực thực hiện những chức năng căn bản của mình. Và tất cả những điều này xảy ra trong điều kiện khi trên thế giới đang diễn ra chiến tranh lạnh. Phương Đông và phương Tây cũng đem cả cuộc chiến này đến các vùng châu Phi. Một trong các đặc tính của nó là sự phớt lờ hoàn toàn các khó khăn và lợi ích của các nước yếu, lệ thuộc, coi các vấn đề và bi kịch của các nước này chỉ đơn thuần là chức năng của các lợi ích cường quốc, không cho chúng bất cứ một ý nghĩa và sức nặng độc lập nào. Điều này kết hợp với sự ngạo mạn dĩ Âu vi trung truyền thống đối với các nền văn hóa và các cộng đồng phi da trắng. Cũng bởi thế, mỗi lần tôi từ châu Phi trở về, người ta không hỏi tôi: “Người Tanzania ở Tanzania ra sao?”, mà họ hỏi: “Người Nga ở Tanzania thế nào?”. Thay vì hỏi về người Liberia ở Liberia, họ hỏi: “Thế người Mỹ ở Liberia ra sao?” (Tuy vậy, điều này dù sao vẫn còn tốt hơn trường hợp nhà du hành người Đức H.C. Buch, người đã than phiền với tôi rằng sau chuyến thám hiểm gian khổ đến những cộng đồng xa xôi nhất của châu Đại Dương ông chỉ luôn nghe thấy một câu hỏi: “Thế anh ăn gì ở đó?” Không gì có thể làm người châu Phi tổn thương hơn là cách đối xử với họ như đồ vật ấy. Họ nhìn điều đó như sự sỉ nhục, hạ thấp, như một cái tát.
Teferi là chủ một hãng vận chuyển. Anh có vài cái xe tải, những chiếc xe Bedford đã tã và long sòng sọc được dùng để chở bông, cà phê và da. Những chiếc xe này đi đến cả Wollo lẫn Haragwe nên anh đồng ý cho tôi đi cùng với các tài xế của anh. Đây là cơ hội duy nhất của tôi, vì không có xe buýt hay máy bay đến đó.
Đi lại trên các con đường của Ethiopia rất vất vả và thường nhiều rủi ro. Vào mùa khô, xe trượt trên sỏi trên các thềm hẹp khoét vào sườn núi dốc, đường chạy sát bên bờ vực sâu vài trăm mét. Vào mùa mưa, các con đường núi hoàn toàn không đi được. Những con đường dưới mặt đất biến thành đầm lầy lầy lội, nơi người ta có thể bị mắc kẹt vài ngày.
Mùa hè trên cao nguyên, sau vài giờ đồng hồ đi xe, người anh đen nhẻm vì bụi. Vì trời nóng và người đổ mồ hôi, sau một ngày đi đường anh bị bọc một lớp áo giáp bụi bẩn dày. Đó là thứ bụi được tạo thành từ các phần tử cực nhỏ, li ti, một loại sương mù nóng đặc, thấm vào quần áo và chui vào tất cả các ngóc ngách của cơ thể. Rất lâu sau không thể rửa sạch được. Khổ nhất là đôi mất. Mắt của tài xế những chiếc xe tải này lúc nào cũng đỏ, sưng vù, họ hay kêu đau đầu và thường bị mù sớm.
Chỉ có thể đi vào ban ngày. Từ tối đến rạng sáng các băng đảng cơ động mà ở đây người ta gọi là “kíp” rình rập hoành hành trên đường, trấn lột hết. Kíp là một nhóm cướp trẻ tuổi hoạt động cho đến tận lúc có kẻ bị bắt. Trước kia, chúng treo cổ những người bị chúng bắt ngay bên đường. Về sau khá hơn ở chỗ chúng xử lý họ bớt công khai hơn. Đây chính xác là cuộc chiến giữa sự sống và cái chết, bởi nếu kíp ném các nạn nhân của mình ra một bãi hoang không có nước và người ở, những người khốn khổ đơn giản là sẽ chết khát. Do đó, tất cả các cửa ra của thành phố đều có trạm gác. Người cảnh sát trực xem đồng hồ hoặc nhìn mặt trời và tính xem anh có kịp đi đến thành phố tiếp theo (hay đến trạm cảnh sát tiếp theo) trước khi trời tối hay không. Nếu cho rằng không kịp, anh ta sẽ bắt anh quay lại.
Vậy là tôi theo chiếc xe tải Teferi cứ đi từ Addis Ababa lên miền Bắc, đến tỉnh Wollo, vùng Desè và Lalibela để bốc chở da. Việc tính xem đoạn đường này dài bao nhiêu cây số có ý nghĩa gì chăng? Ở đây, người ta tính khoảng cách bằng số giờ và ngày cần thiết để đi từ điểm xuất phát A đến đích B. Ví dụ, từ Desè đến Lalibela là 120 cây số, nhưng tôi mất tám giờ đồng hồ để đi quãng đường này (đó là nếu tôi có được một chiếc xe địa hình tốt, điều rất đáng hồ nghi).
Trong trường hợp của tôi, sẽ phải đi một, hai hay thậm chí nhiều ngày hơn để tới đích. Ở đây không có điều gì là chắc chắn. Các xe tải địa phương – thường là đống sắt vụ gỉ sét, ọp ẹp – trên các tuyến đường không có đường này, trong cái nóng và bụi này, liên tục bị hỏng, mà muốn lấy phụ tùng dự trữ thì phải quay về tận Addis Ababa. Vì thế con đường luôn luôn là chưa biết: anh lên đường thì anh cứ đi, nhưng khi nào và liệu anh có đến nơi hay không hoặc khi nào và liệu anh có phải quay về hay không thì vẫn luôn là một dấu hỏi lớn phía trước.
Nơi chúng tôi đến từ lâu đã bị hạn hán, các đàn gia súc chết vì thiếu cỏ và nước. Dân du mục bán rất rẻ da lột từ xác bò. Họ dùng tiền ấy để cầm cự thêm một thời gian nữa, rồi sau đó, nếu không đến được các trại cứu viện quốc tế, họ sẽ biến mất không một dấu vết trên các dẻo đất nung bỏ hoang này.
Vào lúc rạng sáng, chúng tôi bỏ lại sau lưng thành phố được những cánh rừng bạch đàn bàng bạc xanh bao bọc, các trạm xăng và trạm cảnh sát bên đường, vậy là chúng tôi đã ở trên cao nguyên ngập trong nắng, trên con đường được rải nhựa hơn một trăm cây số đầu tiên. Sahlu lái xe. Theo lời Teferi nói với tôi, anh là một lái xe bình tĩnh, đáng tin cậy. Sahlu ít lời và nghiêm nghị. Muốn hâm nóng bầu không khí, tôi huých vào vai anh, rồi khi anh quay lại, tôi mỉm cười. Sahlu nhìn tôi rồi cũng mỉm cười, rất chân thành và hơi rụt rè, phân vân không rõ việc cười với nhau như thế có tạo ra giữa chúng tôi một cơ sở quan hệ quá mức hay không.
Càng xa thành phố, các vùng quê càng hoang vắng và tiêu điều hơn. Nơi này lũ trẻ xua vài con bò gầy nhom, nơi kia mấy người phụ nữ gập người gùi trên lưng những bó cành khô. Những túp lều mà chúng tôi lướt qua trông như bỏ hoang, chẳng thấy ai trong đó, không có người, không có hoạt động. Phong cảnh bất động, luôn luôn y hệt, như thể được vẽ ra một lần cho mãi mãi.
Thình lình trên đường xuất hiện hai người đàn ông. Tay họ cầm súng máy. Họ trẻ, khỏe. Tôi thấy Sahlu tái mặt. Gương mặt anh cứng đờ, đôi mắt sợ hãi. Anh dừng xe. Những người kia nhảy lên thùng xe không nói một lời và gõ lên trần buồng lái ra hiệu đi tiếp. Tôi ngồi co ro, cố gắng không tỏ ra mình đang sợ chết khiếp. Tôi nhìn sang Sahlu – anh cầm vô lăng cứng ngắc, sợ hãi, mặt tối sầm. Chúng tôi đi chừng một giờ đồng hồ. Không có chuyện gì xảy ra. Trời nắng, nóng, trong buồng lái thì mù mịt vì bụi. Đột nhiên hai người kia bắt đầu nện ầm ầm lên trần. Sahlu ngoan ngoãn dừng xe. Họ không nói không rằng nhảy ra khỏi xe và đi bộ đâu đó phía sau, thậm chí chúng tôi cũng không trông thấy, rồi biến mất vào cánh đồng.
Buổi chiều, chúng tôi đến thị trấn Debre Sina. Sahlu dừng bên vệ đường. Ngay lập tức, một đám người vây lấy chúng tôi. Họ xơ xác, gầy nhom, đi chân đất. Nhiều thanh niên, nhiều trẻ con. Một cảnh sát nhanh chóng chen vào chỗ chúng tôi, anh mặc cảnh phục màu đen rách nát, áo vest cài một cúc. Anh biết chút tiếng Anh và nói ngay: “Take everything with you. Everything! They are all thieves here!” Rồi anh bắt đầu chỉ lần lượt những người đứng quanh chúng tôi: “This is thief! This is thief!” Tôi nhìn theo ngón tay người cảnh sát đang di chuyển theo chiều kim đồng hồ, mỗi lúc lại dừng trên một khuôn mặt khác. “This is thief!” – viên cảnh sát tiếp tục, và khi tới một cậu bé cao, đẹp trai, tay anh run lên: “This is very big thief, sir!” Anh kêu lên cảnh báo.
Những người kia nhìn tôi tò mò. Họ cười. Trên gương mặt họ không có sự giận dữ, không có sự giễu cợt, chỉ có một vẻ như ngượng nghịu và thậm chí là nhín nhường. “I have to live with them, sir” – viên cảnh sát than thở. Và dường như để tìm một chút bù đắp dù là nhỏ nhoi nhất cho số phận hẩm hiu của mình, anh kéo tay tôi và nói: “Can you help me, sir?” Để biện hộ hơn nữa cho lời đề nghị của mình, anh thêm: “We are all poor here, sir”. Anh chỉ vào mình, vào những tên kẻ trộm của mình, vào các căn nhà vách đất xiêu vẹo của Debre Sina, vào con đường tiều tụy, vào thế giới.
Chúng tôi đi vào sâu trong thị trấn, đến chợ. Trên quảng trường có các quầy hàng lúa mạch, kê, đậu, các quầy thịt cừu, bên cạnh chúng là những quầy hành khô, cà chua và hồ tiêu đỏ. Chỗ khác có bánh mì và pho mát dê, đường và cà phê. Cá mòi đóng hộp. Bánh quy và bánh xốp. Đủ hết. Nhưng trong chợ, thông thường là nơi chen chúc, nhộn nhịp và ồn ào, thì ở đây lại im ắng. Các bà chủ quầy đứng bất động và nhàn rỗi, chỉ thỉnh thoảng uể oải đuổi ruồi. Đâu đâu cũng có ruồi. Từng đám ruồi đen đặc, tức tối, điên cuồng, giận dữ, xông ngay vào anh. Khi chạy trốn chúng, anh gặp một thế giới khác ở những con phố lân cận: trống rỗng và đang hấp hối. Trên mặt đất, trong bụi bẩn, những người gầy nhom đang nằm. Đó là cư dân các làng xung quanh. Hạn hán đã cướp đi nguồn nước của họ, mặt trời đã đốt cháy mùa màng của họ. Họ đến thị trấn này trong niềm mong mỏi tuyệt vọng sẽ xin được ngụm nước và tìm được chút gì để ăn. Ốm yếu và kiệt lực, họ chết đói – cách chết yên tĩnh và dễ dàng nhất. Mắt họ nhắm hờ, chẳng còn sự sống, chẳng biểu lộ cảm xúc gì. Tôi không rõ họ có thấy gì không, họ có nhìn vào đâu không. Ngay cạnh chỗ tôi đứng, có hai người phụ nữ đang nằm, cơ thể tàn tạ của họ run lên vì sốt rét. Cơn run của những cơ thể ấy là chuyển động duy nhất trên con phố nhỏ này.
Tôi kéo tay anh tài xế. “Ta đi thôi” – tôi nói. Chúng tôi quay về ngang qua khu chợ có những bao bột mì, những tảng thịt và những chai nước khoáng. Bởi nạn đói lớn không phải do thiếu lương thực, mà là hậu quả của những tương quan vô nhân tính. Lương thực trong nước có đủ, nhưng khi hạn hán tới, giá tăng cao và nông dân nghèo không biết lấy gì mà mua. Tất nhiên, chính phủ có thể can thiệp, thế giới cũng có thể giúp đỡ. Tuy nhiên, vì lý do thể diện, chính quyền không muốn công nhận trong nước đang có nạn đói và đã từ chối cứu trợ. Vào thời gian này ở Ethiopia có một triệu người chết, nhưng điều đó bị che giấu, trước tiên bởi hoàng đế Haile Selassie, sau đó là thiếu tá Mengistu Haile Mariam – người cướp đi ngai vàng và sinh mạng của ông ta. Họ bị cuộc chiến giành quyền lực chia rẽ, và bị sự dối trá liên kết lại.
Đường đi nhiều núi và vắng vẻ. Không có ô tô, không có các đàn gia súc. Những bộ xương bò trên mặt đất xám bị đốt cháy thành tro. Trong bóng cây keo, những người phụ nữ với các bình gốm lớn đang chờ - biết đâu xe chở nước sẽ đi vào thành phố và bác tài sẽ rủ lòng thương, dừng lại rồi mở vòi ra một lát?
Sẩm tối, chúng tôi đến Desè. Sau đó là một ngày đường đi Lalibela. Suốt dọc đường toàn những hẻm núi bị thiêu đốt như trong lò luyện kim, trống trơn, không một bóng người hay cây cỏ. Nhưng chỉ cần dừng lại một chút thôi là hàng đàn ruồi đã bu lấy anh. Như thể chúng đợi sẵn anh ở đó! Tiếng vo ve của chúng thật điếc tai, đắc thắng và hả hê: “Các người đã đến! Chúng ta tóm được rồi!” Từ đâu ra từng ấy ruồi? Từ đâu ra mà có bất kỳ sự sống nào ở đây?
Cuối cùng cũng đến Lalibela. Đó là một trong tám kỳ quan thế giới. Còn nếu chưa, nó sẽ phải là kỳ quan thứ tám. Tuy vậy, người ta rất khó thấy được nó. Vào mùa mưa, hoàn toàn không có đường đến đây. Trong mùa khô cũng khó đến được. Có thể đi bằng máy bay, nếu chúng bay.
Từ trên đường, không nhìn thấy gì hết. Khi đến gần hơn, người ta thấy một cái làng bình thường. Các cậu bé từ trong làng chạy ra trước mặt anh. Cậu nào cũng năn nỉ để được anh chọn làm hướng dẫn viên, bởi đó là cơ hội duy nhất để kiếm chút tiền. Cậu hướng dẫn viên của tôi tên là Tadesse Mirele, còn đang là học sinh. Nhưng trường học đã đóng cửa, mọi thứ đều đóng cửa vì đang có nạn đói. Trong làng, người chết liên tục. Tadesse nói mấy ngày rồi cậu chưa ăn gì, nhưng có nước, nên cậu uống nước. Có thể cậu đã kiếm được ở đâu đó nắm thóc hay mẩu bánh? Phải, cậu bé thú nhận, được một nắm thóc. “Nhưng”, cậu buồn rầu nói “chẳng còn gì khác nữa”. Rồi cậu xin ngay: “Sir!” “Tôi đây, Tadesse”. “Be my helper, please! I need a helper!” Cậu bé nhìn tôi và khi ấy, tôi nhận ra cậu chỉ còn một con mắt. Một con mắt trên gương mặt trẻ thơ phờ phạc, hoảng sợ.
Đột nhiên Tadesse nắm lấy tay tôi. Tôi tưởng cậu muốn xin gì, nhưng là cậu giữ cho tôi khỏi rơi xuống vực. Từ nơi tôi đứng có thể nhìn rõ ở dưới. Và đây là những gì tôi thấy: phía dưới tôi, cả một ngôi nhà thờ được tạc vào núi đá. Nhà thờ này là khối kiến trúc ba tầng được khoét sâu vào lòng một ngọn núi lớn. Tiếp xa hơn, cũng trong ngọn núi này, từ bên ngoài không nhìn thấy được, thêm một nhà thờ khác được tạc vào, rồi một nhà thờ khác nữa. Mười một nhà thờ đồ sộ. Kỳ quan kiến trúc này được đức vua của vương quốc Amhara – thánh Lalibela xây dựng vào thế kỷ XII (người Amhara là những người theo Chính thống giáo Đông phương). Ngài đã cho xây trong lòng núi để ngăn quân Hồi giáo xâm lăng xứ này không thể trông thấy từ xa. Ngay cả nếu có thấy, chúng cũng không thể phá hủy hay xê dịch, vì những ngôi nhà thờ ấy là một phần không tách rời của núi. Ở đây có nhà thờ Đức mẹ Maria Đồng trinh, nhà thờ Đấng cứu thế, nhà thờ Thánh giá, nhà thờ Thánh George, Thánh Mark và Thánh Gabriel, tất cả được thông với nhau bằng các đường hầm dưới lòng đất.
- Look, sir! – Tadesse nói, chỉ xuống cái sân trước nhà thờ Đấng cứu thế. Thế nhưng tự tôi cũng đã nhìn thấy cảnh tượng ấy. Cách mười mấy mét bên dưới chỗ chúng tôi đứng, một đám người ăn xin què quặt đang bu ken lại trên mảnh sân nhỏ và trên các bậc cấp nhà thờ. Mặc dù không thích diễn tả bằng từ “bu ken”, tôi không biết thay thế nó bằng bất cứ từ nào khác, bởi nó lột tả đúng nhất bức tranh này. Những người dưới kia chen chúc và lèn chặt nhau bằng các chi tàn tật, bằng chân, tay và nạng của mình, đến mức tạo thành một khối sinh vật chuyển động lúc nhúc, từ đó hàng chục cánh tay giơ lên như những cái tua, còn ở nơi không có tay, sinh vật này ngửa miệng lên cao chờ có cái gì được ném vào. Khi chúng tôi đi từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, khối sinh vật xương xẩu, đang rên rỉ và chết dần chết mòn ở bên dưới ấy trườn theo chúng tôi, chốc chốc từ trong nó lại rơi ra một bộ phận đã bất động, bị phần còn lại vứt bỏ.
Đã từ lâu, ở đây không còn những người hành hương thường ném của bố thí cho họ như trước kia. Nhưng đồng thời, những người tàn tật ấy cũng không cách gì lên khỏi các vực đá này.
- Have you seen, sir? – Tadesse hỏi khi chúng tôi đã trở về làng. Và cậu nói với giọng như thể cho rằng đó là điều duy nhất mà tôi cần phải nhìn thấy.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun