Số lần đọc/download: 3225 / 33
Cập nhật: 2016-01-29 21:07:58 +0700
Chương 15
T
rên cái cổng chợ quận bằng gạch có xây nổi một ngôi sao xanh năm cánh và con số 1958. Bọn tề nhiều lần phân trần rằng người thợ định đắp hình ba cây tre và mớ gốc lởm chởm của "quốc huy Việt Nam cộng hòa", nhưng bị hỏng mãi phải đắp ngôi sao thay vào đấy, và sơn xanh biển cho khác với "cộng sản". Nhiều gia đình ở chợ quận đã mua sẵn một hộp sơn màu vàng giấu trong góc tủ.
Trước chợ, đám đông dồn ứ lại đang cãi to tiếng.
Đồng bào các xã giải phóng xuống mua bán bị bọn cảnh sát quận chặn xét biên lai thuế. Ai nộp đủ "thuế cử tri" và "xâu cộng đồng kiến thiết" mới được vào chợ. Bà con đều nói tất cả giấy tờ đã nộp cho Mặt trận. Địch đuổi về, họ không nhúc nhích, cũng không thèm năn nỉ, cứ dồn tới và đốp chát mỗi lúc một mạnh.
Trung sĩ Huỳnh chỉ thấy mặt những người đứng trên cùng vì hắn lùn. Hắn đưa ống tay áo quệt mồ hôi đẫm bụi chảy xuống mắt, nhăn nhó:
- Lệnh trên buộc vậy đó hể. Tụi tôi đâu có bày đặt ra làm khó dễ cho các người. Cái sự xâu thuế thời buổi nào chẳng có...
Bà con nối nhau đập lại sa sả:
- Thu thuế bấy lâu có loa kêu, thôn trưởng báo, trụ sở trụ siếc đàng hoàng, chớ thời buổi nạo lại đứng đầu đường xó chợ, nắm áo đòi thuế vậy ông?
- Các người rào làng cắm chông, ai lên thu thuế được!
- Các ông ăn của dân rồi bỏ chạy mất xứ, bây giờ ủy ban ra lệnh rào làng thì dân phải theo. Hồi nào các ông biểu dân "ăn cây nào rào cây nấy"? Ông như tụi tôi cũng vót đủ số chông đem nộp chớ dám cãi à.
- Chị nào nói xóc chông đó?
- Xóc chông khó gỡ lắm ông ơi!
- Tôi dặn rồi, cứ nhét lưng ít chục bạc xuống đây nộp là yên, các chị cứ làm lơ...
- a các ông bắn đại bác cháy lu bù, cái tã con nít chẳng còn, bán chè mua mắm cũng bị đá lên hất xuống, tụi tôi kiếm tiền đâu ra mà nộp. Không tin ông móc túi bà con đây coi kiếm được trăm bạc không? Hay ông lên chợ Đồng Trầu, cái gì vơ được thì vơ lấy trừ thuế.
Huỳnh tím mặt. Người ta lại moi cái tích quét chợ và móc túi của hắn ra rồi.
Hồi ấy hắn biết chỉ nên cãi nhau với từng người chứ đừng dại trêu vào đám đông đàn bà. Họ nổi khùng lên, lại dựa hơi nhau đã chửi hắn nhiều trận ngập đầu, một lần quật cho hắn cả mớ đòn gánh vào lưng làm hắn phải nằm sấp mấy ngày. Đến nay hắn còn nhớ kinh nghiệm ấy, hắn cố nhịn, nhưng chỉ nhịn được bấy nhiêu. Hắn điên rồi. Hắn không kịp túm lấy cái chị vừa nhiếc cạnh khóe hắn, chị đã lẩn mất. Hắn phải đá phải đập một cái gì đó cho hả.
Huỳnh nhìn lướt qua những gánh chuối, trầu, chợt trông thấy một gánh chè xanh. A, đúng chè núi, chè của dân Thượng. Thứ này ban kinh tế của Mặt trận giao cho đồng bào bán để mua các thứ tiếp tế cho quân lính họ. Hắn biết rõ, vì chính vợ hắn hay gánh muối, vải, pin lên chợ Đồng Trầu bán cho mậu dịch và mua chè núi về bán chợ quận. Lâu nay hắn và bọn cảnh sát cũng lặng im để giữ mối lợi. Bây giờ hắn phải đánh một đòn trúng tim đen, không người ta tưởng hắn ngốc. Hắn hét như tướng phường tuồng:
- Cha chả, bừa nay dám buôn chè kinh tế xuống tới đây, gớm thiệt! Gớm thiệt!
- Chè kinh tế mặt mũi nó ra sao ông?
- Đừng cầm tôi như con nít hể. Chè núi, lá cứng răng nhọn rõ ràng đây nè. Các người tưởng tháo lạt giang thay dây chuối, mở bó nhỏ ráp bó to là tôịu thua à?
- Bà trung sĩ hay làm kiểu đó hả ông?
Hắn ngớ ra, quên cả hét:
- Bà nào làm? Tôi ở xứ chợ Đồng Trầu, còn lạ gì chuyện buôn Thượng...
- Nội bà con đây có ai lạ ông đâu. Chỉ có chè vườn mà ông đặt tên chè kinh tế mới lạ chớ?
Đấy, người ta đấm vào cái nhọt của hắn. Hắn gầm lên, cố tạo cho mình bộ mặt đáng sợ nhất:
- Bán chè mua muối cho Việt cộng mà còn lớn tiếng hỗn hào! Hỗn hể! Cãi hể!
Hắn đá phốc hai thúng chè xanh. "Nắm đầu hết cho tao! Bắt hết!". Bọn cảnh sát tần ngần ngó nhau, trong khi bảy tám chục bà con kêu rầm:
- Cướp chợ rồi đó!
- "Ba du lưu" chớ ba chục cái du lưu cũng chẳng ăn ai!
- Nắm túi áo không được, đòi nắm đầu...
- Tự xưng là tiểu sĩ đại sĩ mà đi giành giựt với đàn bà đi chợ, không biết dị 1! Ê, xấu hổ!
Câu nói lanh lảnh này là của Út Sâm đứng chén trong chỗ
Một nhóm lính mũ sắt tay không đi chơi chợ, thấy ồn ào cũng lấn vào xem. Tên cảnh sát ngập ngừng lôi gánh chè. Gánh ấy của chị Đa. Chị không bạo nói, nhưng khi chén cơm của con chị bị cướp thì chị hết biết sợ. Chị níu cái quang dây thép, giằng lại. Một tên khác nắm tay chị định bắt. Chị ngồi thụp xuống, khóc thật tình:
- Anh em lính ngó coi, chồng tôi đi quân dịch tái đăng, ở nhà má con tôi cực nhục vầy đây! Anh ơi, con anh khóc đói, vợ anh người ta bắt, anh biết không anh ơi!
Má Bảy kéo Sâm lại không cho chen vào. Má định nói mấy câu phải trái với trung sĩ Huỳnh.. Vừa lúc ấy một người lính cao lớn, mặt loang lổ lang ben, đã túm cổ áo tên cảnh sát và gí quả đấm sát mặt hắn:
- Nhả ra con! Muốn ông nội cho lỗ mũi ăn trầu hả?
Ba người lính khác đã gỡ mũ sắt, tháo thắt lưng, hai tay vung hai thứ sắp choảng. Tốp cảnh sát lùi ra sau cổng, kêu thất thanh:
- Báo cáo trung sĩ, mời trung sĩ tới giải quyết!
Trung sĩ Huỳnh đã lủi đâu mất. Bọn cảnh sát chạy về bót gác cầu cứu, thấy Huỳnh ngồi thần mặt trên ghế đang lẩm bẩm cái gì. Huỳnh xua tay ngán ngẩm:
- Dẹp, dẹp, bắt với bớ! Chỗ đâu mà nhốt, cơm đâu mà nuôi! Tụi bay có miệng thì ngậm hể, đừng báo cáo lên trên lại sanh chuyến rầy rà.
Sau khi bị đồng bào chửi, Huỳnh đang chờ đợi cơn đay nghiến của vợ hắn tối nay. Đã nói hắn sinhăm Sửu mà.
o O o
Nhóm đi chợ của má Bảy có ba người. Mỗi người một việc. Út Sâm nhận phần điều tra một lần nữa quân số vũ khí của địch mới về quận lỵ. Hai Ngọ đi liên lạc với cơ sở thị trấn, bàn phối hợp đấu tranh chính trị. Còn má Bảy sẽ gặp trung sĩ Huỳnh để trao lá thư anh Dõng và nói chuyện với hắn. Bê gọi đùa nhóm của má là "đội giáp công ba mũi".
Anh Chín Chuyền, trong khi hỏi má Bảy về việc ruộng nương chợ búa, đã chú ý đến thái độ của Huỳnh. Anh cười tức bụng khi Sâm bắt chước điệu bộ Huỳnh ra oai soát chợ. "Tao là cố nông đúng bảy mươi hai phần dầu 2, cục cưng của cộng sản đây nè, mà tao chống cộng kịch liệt, oai không?". Hắn nói vậy, nhưng không giấu được vẻ kính nể đối với những người đánh Mỹ. Hắn trầm trồ với vợ: "Mai kia thay bực đổi ngôi, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông, họ lại cai trị mình cho coi". Bà con bực mình và tức cười vì hắn, nhưng ít căm hắn. Trong đêm đồng khởi, hắn về quận họp nên không bị ta bắt. Hắn mất một dịp tốt để hiểu Cách mạng. Bọn quận giao cho hắn một tốp cảnh sát để "bao vây kinh tế Việt cộng", nghĩa là soát gánh các bà đi chợ quận, hắt mắm đổ muối. Hắn chỉ làm lấy lệ. Vợ hắn hay lên buôn chợ Đồng Trầu, hắn không muốn gây thù kết oán. Có hôm hắn lục đôi bầu của má Bảy thấy có ba tá pin. Hắn đậy nắp lại ngay, nói nhỏ: "Mua ít ít chớ, để giữ đường đi lối lại nghe bà".
Anh Chín gợi ý cho Dõng viết thư kéo Huỳnh theo ta. Dõng ngần ngại khao thư cho má Bảy đi gặp Huỳnh. Vợ Huỳnh cầm thư cũng được, nhưng mụ nhát đến cái mức đi khỏi ga Đồng Mè là len lén xé vụn lá thư ném vào bụi, sợ bị kẻ xấu báo công an quận bắt mụ.
Dõng hỏi má:
- Lỡ hắn trở mặt bắt má thì sao?
- Bắt vô tù tôi làm binh vận, đâu có ở không.
Trong cuộc giằng co vừa rồi, má thấy hắn không dám để đồng bào vào chợ, cũng không dám làm dữ. Hắn chỉ đâm khùng khi người ta nhắc đến nguồn gốc của hắn. Má Bảy đã từng khuyên các bà các chị đừng đá móc kiếu đó nữa. Họ cười cười, nhận, nhưng khi nóng mặt thì nhiếc hắn được bao nhiêu hay bấy nhiêu, bà con chẳng chịu lựa lời. Cái thế trên đe dưới búa của hắn lúc này kể cũng khốn đốn thật.
Khi tất cả bà con vùng giải phóng đã hiên ngang đi vào chợ, Út Sâm còn rỉ tai má, cãi lấy được:
- Má vận động nó thì má nói ngọt. Con không kéo nó, con phải đấu cho nó thất kinh. Má chánh trị, con quân sự, vậy mới đủ hai chân chớ.
- Chó cùng dứt giậu con ơi... À, thằng lính mặt lang ben khi nãy tao thấy quen lắm. Mày biết nó không?
- Để con nhớ... Thôi chết, anh Bính, Bính mặt lang, bạn học của anh Tư mình đó má, rủ anh Tư đi tìm anh Dõng, bị xóc chông...
- Nhỏ nhỏ chút chớ!
- Da đen thui coi khác quá. Con đi kiếnh đây má.
Sâm dúi mủng trầu vào tay má, xách cái giỏ nilông đi quanh chợ. Tư Sỏi đã kể lại lời hẹn giữa Bính và Sỏi khi chia tay nhau, mỗi người một đường đi tìm Cách mạng.
Mại đang mua chỉ may trong tiệm. Hay lắm. Mại có ông cậu mở tiệm tạp hóa gần trại lính, nơi trung đoàn bộ quân ngụy đóng. Sâm định cứ đến đấy, không gặp Bính cũng đếm được xe pháo của địch.
Mại thấy Sâm hôm nay khó tính ghê gớm. Bao nhiêu gương lược bán ở chợ đều tồi cả, Sâm muốn đến tiệm ông cậu để chọn. Chiều bạn, Mại dắt xe đạp ra đường cái. Xe quân sự chạy nhiều, xốc bụi mù trời mà Sâm cứ đạp vèo vèo, khiến Mại ngồi sau sợ rúm người.
Cách cổng trại vài trăm thước, Sâm đạp chậm lại, đếm nhẩm. Xe G.M.C. mười bánh, mở hai lỗ hổng hai bên đầu máy như mang cá. Xe bọc sắt vuông bóng như cái hộp bích qui. Rồi pháo, những khẩu pháo trùm vải bạt chỉ thò khúc càng và hai bánh. Nghe nói có xe lội nước bọc sắt chạy bằng xích, nhưng Sâm xem mãi không thấy. Sâm đạp quá cửa tiệm ông cậu khá xa. Mại rụt rè nhắc hai lần, Sâm vẫn lờ đi để đếm cho hết. Ba trăm mười tám xe vận tải, bốn xe bọc sắt, tám cây pháo lớn có lẽ là 155 ly. Chà chà, tụi nó tính ăn gỏi mình đây.
Sâm chợt thèm được bốc một nắm đất thả vào họng pháo hay cầm kim chích vào cái bánh xe kia. Cơn thèm ấy dội lên mạnh quá, Sâm phải ngoảnh mặt nhìn nơi khác và hãm phanh.
- Chao, mình mau quên gớm, qua khỏi tiệm hồi nào không hay. Ta trở lại hè.
Sâm chọn gương rất lâu, xem kỹ trong gương những bộ mặt lính ra vào cổng ti. Khi đã gần thất vọng, Sâm thấy Bính lừ lừ đi tới, đút nửa bàn tay vào cái túi quân mở chéo rất chật. Sâm bước vội ra cửa:
- Kìa anh Bính!
- Cô Út! Ai như cô Mại trong nhà phải không?
Mới đi quân dịch mấy tháng mà Bính đổi khác nhiều quá. Nắng gió đánh trên mặt Bính một lớp xi bóng màu nâu xám, khiến mắt và răng lồi ra trắng dã. Bộ áo quần chật bó, cái mũ sắt "dưa hấu", đôi bốt đa xô da đen cao cổ mùi khét của nhiều lớp mồ hôi ngấm vải dày, tất cả đều làm cho Bính có cái vẻ lộc ngộc dơ dáy của lính ngụy. Vợ chồng ông cậu coi bộ thằng binh nhì này nghèo kiết nên bỏ đi làm việc khác. Mại ra sau rửa mặt. Khi chỉ còn Sâm ngồi trước mặt, Bính rầu rầu hỏi ngay:
- Anh Sỏi có nhắc tới tôi không cô Út?
Sâm đắn đo:
- Có ảnh hay nói lời hẹn gì đó giữa hai anh với nhau, tôi chẳng hiểu.
- Tôi nhớ. Cô dẫn tôi về được không?
Sâm cau mày nghĩ, rồi lắc đầu. Đi không lọt. Sâm còn phải nắm tình hình... Sâm nói nhanh:
- Anh Tư bây giờ làm xã đội phó. Ẳnh muốn biết quân số võ khí của tụi càn về đóng ở quận. Anh coi thử.
- Tôi để ý rồi.
Mại đã vào, giục Sâm về. Bính hỏi xin một tờ giấy, m cây bút bi, nói sẽ viết mấy chữ gửi cho mẹ. Bính ngồi vào góc bàn sát vách, úp cái mũ sắt chặn ngoài, viết khá dài. Khi đưa thư cho Sâm, Bính nói nửa đùa nửa thật:
- Cô Út coi trước rồi hãy đưa. Giấu cho kỹ, thơ lính chưa có dấu kiểm duyệt, tụi quân cảnh khám thấy xé mất.
Lần này Mại giành đèo Sâm để tránh tai nạn. Sâm ngồi sau, mở lá thư xem mấy dòng đầu. Nó là một báo cáo tỉ mỉ về địch. Sâm mừng rơn, cuốn nhỏ lá thư nhét vào lòng cái quai giỏ làm bằng ống nhựa rỗng. Một chiếc xe gíp từ mé sau chạy tới, chậm dần. Sâm ngồi quay lưng ra phía lòng đường, không để ý đến nó.
- Ối!
Mại bóp phanh loạng choạng. Chiếc xe rồ máy phóng nhanh, cuốn theo tiếng cười sặc sụa. Một cánh tay trắng đầy lông còn giơ ngang vẫy vẫy. Sâm nhảy xuống, hỏi dồn. Mặt Mại tái xanh dần dần đỏ tía. Áo nilông hồng của Mại bị xé toạc một mảng to giữa ngực. Mại cuống quít ôm ngực, chửi:
- Mấy thằng Mỹ trời đánh! Đồ chết băm chết vằm!
Đây là lần đầu tiên Sâm nghe Mại chửi địch.
o O o
Má Bảy giao gánh chè xanh và mủng trầu cho chị Đa nhờ bán hộ. Chị nhận ng
- Bác bỏ đó. Tôi bán của bác hết rồi mới bán của tôi.
Người vợ lính nhút nhát và trung hậu ấy ngày càng gắn với má Bảy.
Khi được tạm cấp thêm hai sào ruộng và nửa con trâu, chị Đa ngơ ngác, hỏi mãi xem có phải nộp tô cho ủy ban không. Hồi đánh Pháp chị ở vùng bị chiếm, không hiểu gì về ta, nên chị chỉ dám mong Mặt trận cho chị sống để nuôi con. Bây giờ chị mới thật tin là không có lưỡi gươm nào treo trên cổ. Cuộc Cách mạng này là của chị thật rồi. Chị mừng quýnh, đâm ra nói nhiều. Có hôm chị nói toang toang giữa chợ quận rằng ai dắt được chồng chị về, chị xin sống tết chết giỗ, trước mắt sẽ tạ ngay ngàn bạc.
Má Bảy và chị được chia chung một con trâu. Thấy nhà má thiếu người chăn, chị nhận cho thằng Túc giữ luôn không tính công. Chị được dịp đền ơn má, không chỉ cái ơn giúp đỡ khi tối lửa tắt đèn, mà còn là ơn chịu đòn chịu tù bấy lâu để đem mảnh ruộng con trâu ấy về cho chị. Chị sống mãi dưới chế độ của giặc, người đời lừa phỉnh hiếp đáp chị đã nhiều, kẻ làm ơn cho chị không có mấy, nên chị nhớ chi li những cái ơn cần trả.
Một bà quen ở Kỳ Hải lên buôn sà vào hỏi nhỏ chị Đa:
- Kinh tế đặt giá mới, mỗi trăm chè hạ năm đồng hả?
- Đâu có, hạ ba đồng.
- Cũng được, tôi đếm hết. Các chị dựa thế Cách mạng, ăn nói có gang có thép thiệt sướng lỗ tai. Dưới tôi đang bắt mỗi cử tri nộp tục tre với hai tháng công xây ấp chiến lược, dân đắng họng la trời.
Chị Đa chưa hiểu "ấp chiến lược" là thứ gì, nhưng cũng buông gọn lỏn:
- Thì khởi đi!
- Cứ nói dễ òm. Các chị không có cán bộ về thử coi khởi được hay chưa. Bao giờ được như chỗ chị cho dễ thở chút!
Họ bắt đầu đếm chè.
Má Bảy xách hai cái vỏ chai đi mua dầu lạc, nước mắm. Má dạo một vòng, tìm ra trung sĩ Huỳnh đang cợt nhả với con gái bà Cẩm bán hàng xén. Chắc hắn đã quên ráo những chuyện vừa rồi. Tính hắn xưa nay không hay cả nghĩ.
Thấy má vào mua dầu, Huỳnh lúng túng đứng dậy, vét túi trả tiền gói thuốc lá Báttô. Hắn đã thấy má Bảy đứng cạnh chị Đa khi hắn đá gánh chè. Biết Tư Sỏi con má lên chức gì đó ngang với hắn phía Giải phóng, hắn đâm nể má hơn trước, và bây giờ hắn hơi ngượng.
Má chào hắn và bắt chuyện trước:
- Tết nhứt đến nơi rồi, anh về ăn heo giẫy mả với bà con chòm xóm cho vui chớ. Hay biểu chị về thắp hương đi anh. Để nguội lạnh coi tội lắm.
Huỳnh cười gượng:
- Mả với mồ... Mụ tôi bây giờ lo đắp mả tôi là vừa.
ói dại!
- Thiệt chớ. Cáo trạng cả xấp rồi hể.
- Bậy. Anh ăn ở với đồng bào có gì đâu.
Huỳnh nhìn má, nghi ngờ. Hắn vẫn giữ thế thủ. Má đủng đỉnh:
- Lâu ngày tôi xuống thăm anh, với lại cũng có chút chuyện.
Huỳnh bắt đầu hiểu. Hắn mời má vào nhà trong vắng người. Má nói câu vào đề đã bàn trước với Dõng:
- Trước kia anh hay dặn tôi, hễ cán bộ Giải phóng tới nhà thì phải báo cáo với anh. Hôm qua ông Dõng, ông Bê, bà Năm Tân tới nhà tôi, ở chơi cũng lâu. Tôi báo cáo anh biết.
Huỳnh hơi biến sắc, hỏi vội:
- Họ... họ nói gì vậy bác?
- Nhiều lắm. Cả chuyện anh nữa.
Má vỗ một miếng trầu vào miệng, nhai chầm chậm.
Thấy Huỳnh sốt ruột muốn nghe, cứ hút mãi điếu thuốc quên chưa châm, má mới tiếp:
- Các ông bà đó hỏi anh bây giờ ra sao. Tôi nói anh không phải kẻ xấu bụng, lánh hơi nóng nảy vậy chớ biết thương đồng bào, chưa bắt bớ hành hạ
- Thiệt vậy đó bác.
- Ông Dõng khen phải. Ổng nói Mặt trận hiểu anh lắm chớ không vơ đũa cả nắm đâu. Anh cũng chỗ dân nghèo như bà con, vì đồng lương mới phải đăng lính. Nếu anh là ác ôn như lão Phổ thì anh xanh cỏ lâu rồi. Cần thí mười mạng để xử tử anh Mặt trận cũng thí, để trừ hại cho dân...
Huỳnh đưa tay lau mồ hôi trán. Má cười thầm, vẫn nói:
- Có điều anh không phải ác ôn, bắt được anh Mặt trận cũng thả cho về với vợ con thôi. Ông Dõng còn nói hễ anh theo Cách mạng thì ổng với anh ăn một mâm nằm một chiếu với nhau. Ổng kể hồi nhỏ ổng với anh chơi thân lắm, nuôi chung một con dế chọi to bằng ngón tay cái...
- Cha chả, ổng nhớ dai thiệt hể.
Huỳnh hớn hở ra mặt. Ra ông Dõng coi hắn như bạn ư? Con người gan góc tài ba mà thằng Phổ gờm nhất, ông thầy dạy chữ được cả xã kính nể, nay làm tới ông quận ông tỉnh gì phía Cách mạng rồi, lại nhớ cả con dế nuôi chung với hắn ư?
Má rút lá thư của Dõng, trao cho Huỳnh. Dõng dặn má nói là ủy ban ra lệnh đưa thư, má phải đưa. Nhưng bây giờ má thấy không cần rào đón nữa. Ngay từ phút đầu, Huỳnh đã nhận mình là đứa thất thế.
Huỳnh xoay ngược xuôi lá thư, lẩm nhẩm giả bộ đọc, rồi nhét vào túi:
- Để về nhà coi tiếp. Ổng viết thiệt là hay chữ. Khi nãy bác cũng tới chỗ cổng chợ phải không
- Phải.
Huỳnh ngồi thừ ra hút thuốc. Rồi hắn thở dài:
- Tánh tôi hay nóng mũi chớ đâu phải hiểm độc làm hại đồng bào. Mua cả cây vải kaki, cả chục ký thuốc tây, tôi để cho đi hết hể. Bà con không nghĩ cho chỗ đó, cứ nhè
tôi mà chửi như tát nước...
- Nói thiệt tình, đồng bào không ghét gì anh mà ghét cái người đứng chặn chợ đòi thuế đó. Đã ghét thì còn giữ mồm giữ miệng sao được.
Huỳnh nín lặng một lát, rồi lắc đầu:
- Cũng có vậy, nhưng mà tại sao họ cứ moi móc hoài cái chuyện... chuyện tôi quét chợ móc túi hồi ba mươi đời? Chửi tôi là ác ôn... à không, là pạc-ti-dăng 3, là... là này nọ...
Huỳnh cố chọn một câu chửi nào tránh được cả ác ôn lẫn ba du lưu, nhưng không tìm ra.
- Tôi lỡ sanh làm con nhà nghèo, hồi túng quá cũng có táy máy đôi chút, việc gì đay nghiến tôi vậy? Tôi cũng dân làm ăn tay chai vai mòn, ăn bữa trưa lo bữa tối, đâu đến nỗi ba du lưu như người ta nói hể?
Lần này má Bảy thấy hắn nói cũng gần đúng như anh Chín và Dõng đã nhận xét.
Hắn rơi xuống bậc thang cuối cùng trong xã hội cũ, và xót xa muốn ngoi lên. Sau ạng tháng Tám, hắn chưa kịp mở mày mở mặt - hắn vốn chậm hiểu, lâu chuyển - thì đã lọt vào quân ngụy, hắn cố leo vài nấc thang danh vọng để đỡ bị khinh rẻ, hoặc nếu bị đè đầu thì cũng có cái an ủi được cưỡi cổ một vài kẻ khác. Cái thang vừa bị chặt gãy. Hắn đang bối rối, khiếp sợ. Hắn cần nghe tiếng nói của ta. Bên trong hắn, cái gốc gác dân nghèo vẫn còn khá mạnh. Nếu hắn biết rằng Cách mạng sẵn sàng tạo cho hắn một kế làm ăn vững vàng, xếp cho hắn một chỗ đứng ngang hàng với mọi người, xóa cho hắn cái quá khứ mà hắn lấy làm tủi hổ, hắn sẽ quay súng trở về với ta.
Huỳnh vẫn kể lể:
- Cóc chết ba năm quay đầu về núi. Tổ tiên ông bà tôi nằm trên Đồng Trầu, cái thân tôi lưu lạc chưa biết sống chết ngày nào, năm hết Tết đến tôi nghĩ mà buồn thối ruột. Bác không biết chớ, tiếng là cảnh sát phó mà các ổng coi tôi như con chó xuỵt đâu chạy đó hể. Hồi xưa tôi làm rẽ ruộng nhà ông Phổ, ông Hạnh, phải gà rượu cầu cạnh miết, bây giờ các ổng coi tôi như đứa ở, khinh tôi dốt, may có cái lon trung sĩ không thì người ta bạt tai đá đít ngày năm bảy lần... Lương lậu được bao lăm đâu bác. Vợ tôi buôn gánh bán bưng thêm vô mà không đủ nuôi con. Sức tôi chống bè củi sông Nhỡn kiếm một tháng năm bảy ngàn như chơi, thả sức ăn nhậu còn đủ nuôi vợ ở nhà giữ con, mà lại không lo sống nay chết mai.
- Sao anh không về trên ta, nhận ruộng làm ăn?
Huỳnh nhìn má trân trân:
- Bác nói giỡn...
- Chị Huỳnh lên buôn bán trên đó không nghe gì sao?
- Mụ tôi cũng nghe sơ sơ. Hômặp ông chủ tịch, mụ sợ quá cứ vâng dạ liên hồi, ổng nói gì quên ráo.
- Mặt trận chia cho anh tới sáu sào ruộng ở đồng Cây Gáo, tám sào đất bãi, nửa con trâu. Bây giờ đang gửi bà con giữ giùm. Ruộng anh lúa bằng cái nơm, đất anh khoai ba lớp củ, trâu anh bốn khoáy đóng chuồng, mà anh ngồi đây than nghèo tôi nghe lạ thiệt chớ.
- Phỉnh tôi chi vậy bác...
Lối nói của Huỳnh là của một người đã bắt đầu tin, nhưng còn muốn nghe thêm cho chắc. Má Bảy giả vờ tức khí:
- Tin hay không mặc kệ anh. Ủy ban để phần cho anh tôi có dính dự được củ khoai hột lúa nào đâu mà bày đặt. Hay là ngay bây giờ anh biểu chị đi với tôi lên Đồng Trầu, tôi chỉ cho coi từng đám.
- Để thủng thẳng cái đã...
- Ờ, cái đó tùy anh. Anh không nhận cũng lu bù người làm, ruộng Cây Gáo ăn nước đập chẳng ai chịu bỏ hoang đâu. Chỉ sợ thời buổi giặc giã này, mũi tên hòn đạn nó không có mắt, tôi mới tiếc giùm cho anh vậy thôi.
- À, bác coi thử... mụ tôi lên... ngày kia được không bác?
Bị má duỗi ra, Huỳnh lại vồ vập. Hắn đã tin hẳn rằng Cách mạng không thù hằn, có chia gì đó cho hắn, nhưng được như lời má Bảy hay không thì còn phải xem tận mắt, đặt tận tay.
Má Bảy bỏ trọn buổi chợ hôm ấy ngồi nói chuyện tình nghĩa với Huỳnh. Hắn hỏi nhiều điều mà má Bảy tưởng hắn đã biết từ lâu, hoặc vợ hắn đã nói lại với hắn. Về sau má vỡ lẽ ra: vợ hắn rất nặng tai. Mụ giấu cái tật này hệt như Huỳnh giấu mù chữ. Anh em du kích không cho mụ đi quá chợ Đồng Trầu nên má chưa lần nào gặp mụ.
Cuối cùng, Huỳnh nhờ má báo lại với ông Dõng mấy tin quan trọng. Ba ngày nữa trận càn lớn sẽ nổ, tất cả trung đoàn 17 đánh vào Kỳ Bường. Sau khi chiếm lại xã, địch sẽ đưa ra hội đồng mới: lão Hạnh bị buộc làm đại diện, Huỳnh làm cảnh sát trưởng, thằng Rân làm ủy viên thanh niên. Rân là gián điệp lợi hại của ty công an tỉnh, và ủy viên thanh niên là chức mới đặt ra cho những tên cầm đầu mạng lưới "công an chìm" trong xã.
Má đã hiểu vì sao Huỳnh chưa nói gì đến việc bỏ cái lon trung sĩ để theo Cách mạng. Hắn còn đợi xem ai thắng ai thua trong trận càn này.
o O o
Ở nhà anh Trưng tối hôm ấy, trong khi "đội giáp công ba mũi" báo cáo với anh Dõng và mấy cán bộ khác, chiếc máy bay C.47 quần mãi dọc sông Nhỡn và đường ôtô như một chùm sao giả. Các đèn hiệu xanh đỏ vàng lừ lừ bay qua, nhả xa dưới bụng và chếch về mé sau từng cục lửa trắng lóa. Kỳ Bường biến thành một trong những thị trấn nằm duỗi dọc đường Một với chuỗi đèn điện treo trồi sụt không đều dọc hai phố chữ thập. Địch dò tìm Quân giải phóng qua sông và đi đường lớn.
Dưới những con mắt lơ lửng dòm xuống, một ngàn rưởi đồng bào Kỳ Bường đang đào thêm hầm hố, rào làng, cắm chông, gỡ nốt những thanh ray trên đường sắt và chặt nát đường Một. Trong các cuộc mít tinh ngắn ở thôn, đồng bào đã giơ tay thề một lần nữa sẽ giữ vững Kỳ Bường. Và cái không khí đáng lẽ nặng trĩu lo âu trước một trận đánh không cân sức, đã biến thành khí thế hăm hở của một cuộc tiến công mới.
Út Sâm tranh báo cáo trước. Xong phần mình, Sâm lẳng lặng ra hè, biến luôn. Mọi người đang nghe má Bảy nói, không để ý. Chừng nửa giờ sau Sâm bước vào, tung ra giữa phản ba bốn cái dù đèn bằng nilông trắng, nói hối hả:
- Phần các anh các chị. Em đi lấy nữa, nó thả cả trăm đèn. Nhuộm xanh, phát cho du kích ngụy trang...
Sâm xắn quần đến bẹn, vấy bùn quá đầu gối, hai bàn tay có vết gai cào. Sâm vớ cái đèn pin của chị Năm: "Em mượn", đâm đầu chạy. Anh Trưng đang ngồi góc phản, hai tay bó gối, vội chồm theo hét:
- Sâm, Sâm, trở lại! Mày xóc chông què chân đó Út?
Thì ra trong khi Sâm đi chợ, ở nhà bà con đã đào thêm gần một ngàn hố chông trên các gò các bãi, cắm chông và lấp miệng xong cả.
Sâm trở lại nhưng sợ bị mắng không dám vào nhà. Sâm đứng ngoài tối gọi nhỏ, giọng khổ sở:
- Ngọ, trả giùm tao cái đèn.
Cả nhà phì cười. Chị Năm phải ra lôi Sâm vào, bắt báo cáo thêm về Bính mặt lang. Tìm ra cậu trai làng này thật may. Má Bảy được giao nắm luôn Huỳnh và Bính.
Má hỏi chị Năm:
- Hai đứa nhỏ đâu chị?
- Gửi mỗi nhà một đứa, yên rồi bác à.
Má lấy trong gánh ra một gói thuốc rê chia cho anh em, đưa chị một túi kẹo xanh đỏ:
- Phần hai cháu. Chợ búa không mua được gì!
Chị Năm cầm túi kẹo, cười không tự nhiên, rồi đi vội ra vườn. Chị đứng dựa gốc chuối, ngửa đầu, cắn môi để khỏi bật khóc, nhưng nước mắt bỗng tuôn rất mạnh qua mí mắt nhắm, tràn xuống má.
Dung, đứa con gái lên tám của chị, ốm nặng đã ba hôm nay. Chị đem con xuống gửi nhà bà thím ở một xóm lẻ cuối thôn Đồng Mè, để một anh y tá tư xem bệnh và tiêm thuốc cho nó với giá năm đồng tiền công một mũi kim, không kể tiền thuốc mà anh tính rất đắt. Mấy người của xã cử lên tỉnh học lớp y tá còn lâu mới về. Nhà không còn gì đáng tiền, chị phải rút cái nhẫn vàng một chỉ của chồng để lại, đưa cho bà thím nhờ bán trả tiền thuốc. Ba hôm nay, chị không rảnh giờ nào để đi thăm con, cũng không gặp ai để hỏi tin con sống chết ra sao. Nghe ai gọi "má ơi!" là chị giật mình, thấy con nằm thở khò khè trước mặt, máy cặp môi tím gọi chị.
Bên cạnh Bê chưa vợ, Dõng vợ con bị bắt di dân, chị cảm thấy có lỗi vì đã dành một phần lo lắng cho con. Giữa lúc chuẩn bị chống càn rất căng thẳng này, chị càng cố giấu đứa con ốm, giấu cái giật mình, cười luôn miệng để đồng bào thấy cán bộ vững vàng trước giờ chiến đấu, mãi đến bây giờ mới khóc vội một chút cho đỡ nhớ con.
Khi chị vào, hàng mi dài nặng trĩu trên mắt chị còn dính chập vào nhau từng hai ba sợi một. Má Bảy và cô gái đã ra về. Chỉ ngồi ghé vào một góc phản xa đèn, nói bằng giọng ngạt mũi:
- Coi như mọi việc trôi chảy. Đêm nay ta đi bố phòng với bà con, kiếm cái điểm gương mẫu. Tôi lãnh đám phá đường sắt.
Chị thấp thỏm. Một trắc trở ở phút cuối cùng có thể ngăn không cho chị xuống gần con để tạt vào một tí.
Bê đứng dậy:
- Chỉ còn một việc: xã đội cần chia võ khí cho nữ du kích kịp đánh giặc.
Chị Năm cau mày, trở về ngay với công tác:
- Đồng chí Trưng bằng lòng rồi mà... Chị em nao nức lập công lắm. Đội nào cũng năn nỉ xin cho đủ mỗi cô một súng. Liệu giải quyết được bao nhiêu?
Xã đội trưởng Trưng ngồi bó gối, nín lặng.
Bàn thì thông, ra về anh lại do dự. Anh vẫn không muốn giao súng cho con gái. Xã đội phó Sỏi dựa vào anh, cản Sâm không cho đi chiến đấu. Nhưng anh đắn đo vì những lẽ khác với Sỏi: anh sợ các cô làm hỏng việc, không đánh được giặc mà lại quẩn chân anh em, bị giặc bắt chịu đòn không nổi sẽ khai lung tung, và nguy nhất là để mất súng.
Hồi đánh Pháp, Trưng ở bộ đội chủ lực trong bốn năm, sau ốm nặng phải giải ngũ, mới nhận một chân thôn đội phó thì đã ngừng bắn. Anh chỉ kịp thấy một tổ nữ du kích bị địch giết sạch và lấy mất súng, trong trận chống càn cuối cùng của cuộc kháng chiến trước. Ra khỏi nhà tù Mỹ - Diệnh lấy vợ, có con. Vợ anh quanh năm ốm vặt, nhút nhát đến nỗi ban đêm không dám đi đái một mình, phải ẵm con theo cho đỡ sợ.
Con người hay chịu ảnh hưởng của những ấn tượng không tiện nói ra. Chúng dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ như gỉ sắt, biến thành một ám ảnh khó xóa. Muốn tẩy chúng đi phải có những ấn tượng mới. Nhưng anh Trưng đã đánh trên ba chục trận lớn nhỏ mà chưa thấy con gái giết được giặc bao giờ, để khỏa lấp cái hình ảnh đau đớn của ba cô gái trần truồng mất đầu. Anh không đoán được những cô em mà anh rất mến sẽ đánh chác thế nào cho ra hồn. Thà để các cô ấy động viên, băng bó, đem cơm nước cho anh em còn lợi gấp mấy. Thà người cầm súng ít mà tinh...
Trưng ngước nhìn Dõng, chờ đợi. Dõng biết cái nhìn ấy có nghĩa gì. "Tôi ngần ngại vì lo việc chung, đâu phải vì lợi lộc riêng tôi. Nhưng đồng chí bí thư trẻ quá chưa qua kháng chiến, phó bí thư là phụ nữ ắt bênh chị em. Ở đây anh là người đủ uy tín để quyết định...". Hiểu như vậy nên Dõng ngậm miệng. Anh muốn Trưng tôn trọng những đồng chí lãnh đạo mà chi bộ mới bầu lại.
Bê bật ngón tay đánh "tách" như hạ một dấu chấm hết:
- Đồng chí Trưng đắn đo cũng có lý. Nhưng thận trọng mà phải tin chị em. Không phát súng thì chị em không lấy gì đánh, đâm chán. Phát nhiều, chị em dễ ỷ lại cấp trên, còn coi thường các thứ chông bẫy...
Dõng gật đầu. Một lần nữa anh thấy Bê là một bí thư chi bộ hạng vững. Bê nhìn Trưng:
- Tôi đề nghị giao cho mỗi đội nữ du kích vài cây súng, thêm bốn năm lựu đạn và một ít mìn. Coi như cái vốn đầu tiên khi ra ở riêng. Cố đánh l súng của địch, binh vận mà lấy đạn, vót chông đặt bẫy thiệt nhiều. Sau này hễ đội nào đánh khá ta thưởng. Đồng chí coi thử được chưa?
Trưng thấy giải quyết vậy là hay. Nhưng để cho thật chắc, anh nèo lại một sự xác nhận cuối cùng:
- Tin thì tôi vẫn tin, có điều... các đồng chí thấy về mặt tinh thần, đạo đức...
Chị Năm không tiện nêu mình làm gương nên nói khéo:
- Ai chớ bộ ba Sâm, Ngọ, Trấu, bảo đảm tụi nó dám chặn đánh một đại đội. Các thôn kia cũng nhiều tay cứng. Tôi bây giờ chịu thua xa đám trẻ rồi đó. Không mất súng đâu anh ơi, cứ phát đi!
Trưng biết tiếng chị Năm đánh giặc giỏi. Anh chịu hẳn:
- Đồng ý thôi. Để rồi tôi giao anh em cũ kèm thêm các cô
Dõng phì cười khi nghe tiếng "thôi" sau đuôi:
- Ông muốn cứu nước một mình à? Không chịu chia phần vinh quang cho nửa thế giới à? Mời ông đi họp nữ du kích với tôi mà nghe kiện cáo. Phong kiến, độc đoán, gia trưởng, bao biện... gì nữa chị Năm?
Chị Năm che miệng khúc khích:
- Đưa ít súng đạn là êm hết, anh anh em em ngọt xớt cho coi.
Bốn người sửa soạn ra chỗ bố phòng. Dõng móc túi đưa chị Năm một lọ thuốc và một mảnh giấy:
- Anh Chín gửi cho cháu thêm một bình ôrêômixin đây chị. Cho uống đúng như trong giấy của thầy thuốc.
Chị Năm sửng sốt:
- Sao anh Chín biết...
Dõng thắt súng ngắn vào lưng, mở đèn pin ra trở đầu viên pin:
- Biết chớ. Hồi chiếu phim, ảnh gặp chị y sĩ của tỉnh về đặt mua thuốc, nhờ chị xuống thăm cháu Dung. Sưng phổi nặng lắm.
Bê chen vào:
- Hồi chiều tôi ghé vô, nó ngồi chơi được rồi, cười toe toét.
- Con nít mà, mau bệnh mau lành... Nè Bê, nhớ soát lại các hầm bem nghe. Coi bộ sụt lở nhiều đó. Các ông tướng, hễ nhảy lên mặt đất được là bỏ hầm cho rắn ở.
Dõng bước ra sau lưng Bê, mặt đăm chiêu.
Mấy chữ anh Chín gửi về lúc chiều đã cho anh thấy những khó khăn mới. Cuộc đấu tranh chính trị của toàn tỉnh còn năm ngày nữa mới châm ngòi được. Các xã vùng dưới phải mất chừng nửa tháng để chuẩn bị đồng khởi. Bộ đội tỉnh đang đánh ở cánh Bắc, rút vào đây cũng mất hơn tuần. Bước đầu sáu xã bị càn sẽ tự mình chống giặc chưa được các nơi giúp sức. Với tất cả cái táo bạo của một cán bộ đi tới đâu xốc xới phong trào lên tới đấy, Dõng vẫn nhận rằng trận chống càn sắp đến sẽ gay go hết Kỳ Bường đánh lại một trung đoàn địch. Hai dân một giặc. Cái tỉ số ấy anh chưa hề gặp...
Đèn dù từ chiếc C.47 rắc xuống đã thưa hơn, nhưng không phút nào ngớt. Một ngàn rưởi bà con vẫn cuốc, cào, gánh, đóng, buộc, sùng sục rần rật như đêm nào nổi dậy, chỉ bớt đi tiếng trống mõ và tiếng hô khẩu hiệu. Sáng mai máy bay L.19 của địch sẽ chụp những ảnh khác hôm nay.
Chú thích
1.Ngượng.
2.Xà phòng loại tốt có 72% chất dầu.
3.Lính ngụy theo Pháp.