Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ọ đến sân ga Hàng Cỏ vào một ngày tháng một âm lịch năm Giáp Ngọ. Lúc ấy mặt trời đã ngả, sương như những đường nét trong bức tranh lụa mờ trắng ròng xuống làm cho cảnh chiều thêm bâng khuâng, tâm trạng và cũng đầy trắc ẩn. Dần bảo Thăng:
- Theo địa chỉ và cái sơ đồ, ta cứ dừng ở thị xã Đông Hà. Chú có còn nhớ khúc sông chỗ cột sóng?...
- Nhớ, nhưng chỉ là kí ức. Từ năm bẩy hai đến giờ, hơn hai mươi năm biết bao nhiêu đổi thay! Thôi cứ đi, đến Đông Hà rồi lần tính sau. Việc mình làm chắc sẽ có nhiều người tận tình giúp đỡ.
Họ lặng lẽ lên tàu, lòng bồi hồi thắc thỏm. Phải nhọc nhằn vất vả lắm họ mới đến được xóm Núi Khuất. Quả đúng, cái địa danh tự sinh ra cái tên này. Lên khỏi con đò chỗ eo con sông Máu (Một nhánh nhỏ của sông gặp suối) nhìn thấy một con đường nhỏ luồn sâu vào núi. Thăng tần ngần nhìn, ngọn nước chảy đến đây, chạm phải chân dãy núi xoài xuống hủng cái eo này, ngọn nước quẩn thành cái vụng chảy tròn, chắc là xác Hữu lềnh phềnh ở đây! Bà má vớt được. Thăng đoán vậy và cúi mặt giục cả nhà đi. Họ lủi vào thảm rừng xanh, đến lúc bóng chiều ảm xuống mặt rừng thì nhìn thấy những vạt nương kéo viền chạy bám vào chân núi. Trong núi thấy có nhũng nụn khói vương như những sợi dây bám vào vách núi leo mãi lên trời. Họ cắm đầu đi về phía ấy. Đến đầu một khe nước thì nom thấy ngôi nhà ẩn dưới một tán cây bằng lăng đại thụ, thân cây bạc phếch gió nắng. Trong nhà có ánh lửa, cánh cửa nhà mở thông bốn phía. Dần rón rén bước lên. Chủ nhà đang lùi lụt bếp núc, thấy có khách bà lật đật chạy ra, giọng hiếu hỉ:
- Mời anh, mời chị, mời cháu vô nhà.
Bà lôi cái chiếu mây rải lên tấm phản, đặt nồi nước rễ cây rừng cạnh góc và múc đầy mấy bát nước. Dần bưng bát nước chưa kịp mời, giọng bà lại ngọt dịu:
- Nước dây chà rừng, mát lắm, uống đi. Thế khách đến gặp ta cần thuốc chữa bịnh gì?
- Dạ- Giọng Dần tự nhiên nghẹn nút- Dạ thưa... dạ thưa, mẹ... mẹ con... chị em cháu không lấy thuốc gì đâu ạ. Cháu đi theo địa chỉ bức thư...
Nói rồi Dần lôi cái bì thư trong túi đặt trước mặt bà. Bà kéo vạt áo dụi ngang mắt rồi dòm sát vào cái bì thư. Tự nhiên hai tay bà run lên bần bật và bà giang rộng vòng tay ôm choàng lấy Dần:
- Ta có nằm mơ không? Có đúng chị là người thằng Hữu nó trăn trối với ta không? Giời đất ạ!...
- Má, má... con nhận được bức thư của má, cả nhà cứ hồi hộp mãi. Con đi xem một quẻ, thầy bảo cứ đi. Mấy ngày đêm lếch thếch, đúng là nước mắt dẫn đường con thật. Má ơi! Đây là chú Thăng, chính trị viên đại đội cùng thời với Hữu nhà con đấy, chúng con gặp lại và nhận ra nhau, kết nghĩa thành chị em sau cuộc chiến. Còn đây! Má ơi, đứa con sinh ra từ huyền thoại của con và Hữu đấy.
Dần gục vào lòng má, tiếng nức nở đầy lên ngôi nhà. Dân xóm Núi Khuất ùa đến, má mếu máo bảo:
- Ông giời mang vàng bạc thả xuống nhà tôi, vợ con của cái thằng Việt cộng tôi giấu năm xưa đấy!
Bà thở dài và lẳng lặng đứng dậy kéo tấm màn che, bức tượng Hữu hiện ra lồng lộng dưới căn nhà, bên cạnh là bộ đồ lính đã bạc thếch mắc trên cái móc áo quấn bằng cây rừng đóng vào lưng cái cột gần đấy. Chuyện rớt rớt theo nước mắt của bà má đầm đìa khắp căn nhà: "Thời ấy thân thể má bị sợi dây của hai phía cuộc chiến trói bưộc. Vợ chồng má đều làm thầy thuốc, loạn lạc ổng lên ngàn theo giải phóng, má cùng ba thằng con ở lại trong thành. Ba thằng lớn lên đều đi lính cho ông Thiệu và chúng đều thành sĩ quan. Chồng má ở trên rừng biết tin, lần về tìm chúng để trị tội! Không rày trên đường về bị chúng phục bắt được và đúc vào rọ, buộc đá vứt xuống sông!... Con sông Máu này là mộ ổng đấy!... Mấy thằng con của má cũng lần lượt tử trận. Má bỏ thành lang thang về các vùng quê, cứ dọc bờ con sông Máu má đi, gặp mấy người dân chài lưới ở chỗ bến sông lối vào đây, thấy phong cảnh tĩnh lặng và lòng người dân chài thoải mái má ở lại với họ, con cháu họ ốm đau má chăm chữa thế là thành cốt hữu. Ai rày năm ấy (1972 thì phải), đánh nhau to lắm. Xác người từ thượng sông Máu trôi lềnh bềnh, về đến khúc này vẩn tròn quanh vụng nước, cả xóm chài không đừng được đành lầm lụi vớt xác đem chôn. Má cũng lẫn trong đám người cố mang sức lực làm lấy việc nghĩa. Chiều hôm ấy, chiếc ghe của má cùng ông Hai Sóng vừa lách vào vụng nước thì nhìn thấy trong đám bè cây cỏ hở ra cái cẳng người. ễng Hai Sóng lựa mũi ghe sát vào thì thấy cái xác người vẫn ôm chặt cái cành cây, đầu gác lên bè rác. Cả hai người đổ mắt nhìn thì thấy chỗ miệng cái xác thỉnh thoảng vẫn ngáp thở như con cá sắp lìa nước. Má và ông Hai Sóng nhẹ nhàng vớt cái xác lên, thấy áo quần màu giải phóng, ông Hai Sóng tròn mắt nhìn má. Má bảo:
- Mau đưa họ vào bờ.
- Hắn là giải phóng...
- Giải phóng hay Quốc gia mặc kệ, là thầy thuốc thấy người bệnh nạn mà không cứu chữa, nay mai về trời mắt không nhắm được...
Biết tánh má nói gì làm nấy, ông Hai Sóng vít mái chèo. Chiếc ghe lao vút rồi từ từ ghé vào bờ. Má và ông Hai Sóng khiêng nó về, may má còn chút thuốc hồi sức... Nó tỉnh lại nhưng một bên chân bị thương đã bị hoại tử, má phải lặn lội đưa nó ra thành nhờ mấy người bạn xử lí. May mọi việc đều êm, chỉ tiếc nó thành người tàn tật, chỉ còn một chân và trên người dọc ngang thương tích. Má con chăm nhau, nó khỏe lại dần, y nhời ông Hai Sóng bảo lúc vớt nó từ bãi rác lên ghe. Mấy tay hương xã chính quyền ông Thiệu đến, tra hỏi đủ điều ngược xuôi. Má tút con dao cắm phập giữa nhà và lôi ảnh mấy thằng con tử trận ra. Mấy tay hương xã tròn mắt. Má chỉ vào mặt chúng bảo:
- Các con tui đều chết, tui nhặt được người nạn, quốc gia hay Việt cộng tui không cần biết. Tui cứu nó, ai đụng vào tui sẽ cùng con dao kia liều một thể...
Thấy má sắt đá, mấy tay lỉnh. Thời gian sau thì đến ngày 30 tháng 4. Má thở dài.
- Ngày giải phóng- Dần nói chen vào như để lấp tiếng thở dài của má.
- Ngày 30 tháng 4, sau niềm vui ngập tràn là nỗi thắc thỏm lo âu đè lên đầu má. Ấy là việc đi cải huấn, cải tạo. Lúc này chánh quyền cách mạng lại đụng đến má. Thằng Hữu và dân xóm Núi Khuất này đứng ra bảo lãnh nhưng ba thằng con sĩ quan tử trận cho quốc gia là sự thật! Má từng là bác sĩ phục vụ trong quân đội thời ông Thiệu cũng là thật. Má phải chấp nhận sự thật ấy chứ không thể nói như trước " Quốc gia hay Việt cộng... ". Dù thực tế đời má éo le thế nào không ai biết. Má là một bác sĩ ngọai khoa giỏi, nên quân đội của chính quyền Ngụy trưng dụng má một thời. Cái thời đó các con không thể biết hết đâu, ngay cả thầy giáo ẻo lả như thư sinh cũng bị bắt đi lính. Người nào cần thiết cho cuộc chiến này đều bị quẳng vào. Một thời gian sau, để thoát khỏi cảnh ngộ đó, má đã quyết tâm đổi hướngg xin đi học Đông y. Má không muốn phục vụ cuộc chiến nữa. Má muốn chữa bệnh cho dân thường với những phương thuốc cổ truyền của người Việt ta, dù thật sự mà nói, má rất tiếc đôi tay khéo léo tài hoa của mình. Nhưng đôi tay ấy dù tài hoa đến đâu mà sinh ra trong thời chiến thì cũng là đôi tay giết người hoặc giúp sức cho những kẻ giết người. Nghĩ vậy nên lòng má thanh thản đôi chút. Nhưng trầy trật lắm má mới thoát ra được. Thế mà không ngờ, khi hòa bình trở lại, mọi người bắt má phải nhớ lại cái thời má muốn quên đi. Hoàn cảnh má cũng làm mấy ông chánh quyền giải phóng toát mồ hôi. Cân lên đặt xuống mãi, cuối cùng thằng Hữu đứng ra, nó cũng sắt đá, một mực: "Tôi là giải phóng, má là dân thường. Là thầy thuốc má phải chịu chung nỗi khổ của cuộc chiến này, cuộc chiến má mất ba người con mặc dù nó ở phía bên kia, nhưng nó là nạn nhân của cuộc chiến tranh, cả má nữa!... Dân tộc không ai muốn có cuộc chiến này nhưng khi nó xảy ra, con người ở trong hoàn cảnh ấy tránh sao được việc người ở phía bên này, người ở phía bên kia! Suy cho cùng cũng chả ai có tội gì, chỉ kẻ gây ra chiến tranh là có tội! Bây giờ hết chiến tranh rồi có lẽ ta cũng không nên khoét sâu cái rãnh thù hận ấy làm gì. Chúng ta phải góp sức cùng nhau khâu vá lấp đầy cái rãnh thù hận ấy thì những người đi làm việc lớn, đã ngã xuống trong cuộc chiến của chúng ta mới có ý nghĩa!... Má là người tốt, không tốt sao má lại giấu giếm nuôi một thằng giải phóng thương tật như tôi ở trong nhà. Chỉ cần hành động ấy thôi cũng đủ chứng tỏ tấm lòng yêu nước thương dân của má. Má phải học lại quan điểm lập trường cách mạng ư, khi mà tôi thấy má còn thấm nhuần tư tưởng thương nước thương giống nòi hơn khối người. Huống chi má đã già yếu rồi, chịu đựng nổi những ngày lao động học tập trong trại cải huấn sao? Các anh phải có tình người một chút chứ! Các anh cần nhìn xa nom rộng một chút chứ!... "
Không biết có phải từ nhời nhẽ của nó nhưng chánh quyền cách mạng không đưa má đi trại cải huấn nữa. Má con ở với nhau, mỗi ngày mỗi sâu nặng tình mẫu tử. Có đận má bảo nó về ngoài nớ. Nó thở dài và bảo: " Con là đứa trẻ mồ côi, ngoài ấy không còn anh em ruột thịt nữa, chỉ có Dần. Dần là vợ con nhưng cưới nhau ở chiến trường. Dần cũng là bác sĩ, chúng con học cùng nhau dưới cái chai đèn đom đóm. Rồi chiến tranh xảy ra, mỗi người đi một ngả, nhưng chả biết duyên trời kiếp đất thế nào lại gặp nhau ở cái trạm phẫu. Ngày ấy con bị thương, hai đứa gặp nhau mới có cái đám cưới trong hang đá. Sau đó con vào sâu trong tuyến, chiến tranh vẫn ác liệt biết cô ấy có còn! Vả có còn, con cũng không về nữa, về càng làm tội cô ấy thêm. Bõy giờ chắc ở ngoài ấy địa phương cũng làm lễ truy điệu con rồi! Thôi! Cứ để cô ấy tin rằng con đã chết. Cô ấy thà đau khổ một lần rồi bắt đầu một cuộc đời mới, có gia đình, có mái ấm yên vui, thời gian sẽ làm nguôi ngoai. Chứ bây giờ mà con lê lếch về với tấm thân tàn phế thế này, chỉ làm khổ cho cô ấy. Cô ấy đã khổ với con từ tấm bé nhiều rồi, bảo bọc con nhiều rồi ". Thế là nó ở lại đây, má con dâu bể nuôi nhau, khổ lắm! Nó là đứa chịu thương, chịu khó, què quặt, bệnh tật đầy mình nhưng chả lúc nào ngơi tay với ruộng nương, đêm về lại hí hoáy ghi ghi, chép chép. Ghi chép chán lại ra thềm ngồi nhìn đom đóm bay, lạ có đêm má thấy nó ngồi trắng đến sáng, má thương, tưởng nó muốn lấy vợ. Ngoài xóm Chài lại có con bé Nia hay lui đến đây, có lần má đánh bạo: Hay con lấy cái Nia để má...
Nó cười toáng lên:
- Má chả thấu con rồi, con chỉ mến nó vì nó thật giống...
- Giống...
Má hiểu ra và từ đấy má không nói chuyện vợ con với nó nữa. Tình cảm hai má con mỗi ngày một ấm áp như ngọn lửa dưới ngôi nhà này. Dường như nó cũng rất bằng lòng cuộc sống khi có má và ngược lại. Má tính sau này... Nhưng kiếp người ai ngờ được những bất trắc. Một buổi chiều má ra xóm chài bắt mạch cho đứa cháu của ông Hai Sóng, nó bị sốt nóng. Ngả mặt trời má về, thấy nó nằm úp mặt trước bếp tro. Má nhẹ nắm vào tay nó, thấy mạch còn đập. Ngỡ nó bị trúng gió khi nhóm bếp cúi thổi lửa bị choáng, má dùng bài thuốc cổ truyền nhưng vô hiệu. Nó cứ phát phiền, tay chân múa mang liên miên rồi màu da cứ tái vàng!... Là bác sĩ má biết nó bị nhiễm chất da cam. Má đành khoanh tay ôm mặt khóc. Những ngày cuối cùng của nó đau thương lắm, cứ nhớ đến ruột gan má lại như đứt ra từng khúc. Không đẻ nó ra nhưng má thương nó nhiều nhất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng nó còn cố vòng tay vái sống má ba vái và đưa cho má mảnh giấy này. Cái địa chỉ của con đấy.
Vừa nói má vừa ôm mặt khóc tu tu. Dần và mọi người cùng khóc theo. Giọng má vẫn đầm trong nước mắt:
- Mất nó, ngôi nhà trống vắng, má thơ thẩn một mình. Rồi như có thánh phật xui bảo, má hì hụi nhào đất nặn bức tượng kia, má nặn từ xúc cảm của má, mọi người bảo giống hệt. Má cũng thấy thế. Má đặt nó đứng gần cái lư nước giữa án thờ. Cái lư má lấy nước ở ngay khúc sông bọn Mỹ ném ổng xuống!... Còn ba thằng con đẻ má đặt ba cái bát nhang ngay dưới lư nước và bức tương thằng Hữu! Thôi dù sao cũng là con ổng sinh, má đẻ ra!... Má nghĩ nếu không có cuộc chiến thì chúng nó cũng là anh em với nhau thôi chứ có chuyện gì!... Ông giời đã dẫn đường cho các con lặn lội vào được đến đây, coi như má còn cả!...
Nghe má nói cả nhà Dần cùng òa lên khóc. Má kéo vạt áo lau ngang mặt, giọng rầu rầu:
- Bây giờ các con theo má ra mộ nó.
Má lặng lẽ bày hoa trái lên án thờ, thắp nhang vái ba lễ rồi đi đầu dẫn đám con cháu đến chỗ Hữu nằm. Một nấm đất tựa vào quả núi to xoài chân ra tận bờ suối, bên kia là ruộng đồng chạy tít xa tới tận bờ sông. Má bảo:
- Nó nằm đây được ba năm mười chín ngày rồi. Những loài hoa cỏ quanh mồ là mỗi lần má đến với nó má trồng đấy...
Dần ôm nấm đất kêu trời, mây gió cùng những ngày thơ ấu trên cánh đồng nhập nhòe đom đóm và cái chai đèn cùng núi non Trường Sơn chất ngất, ầm ầm bom đạn kéo về! Dần cứ ôm chặt nấm đất, nước mắt chảy tràn. Má an ủi:
- Thôi con ạ! Phận người biết làm nào được! Còn má con mình, còn thằng cháu Nghị đây, má nghĩ vẫn còn tất cả!... Ta về thôi, khóc nhiều nước mắt lại động đến chỗ yên tĩnh vong hồn nó!....
Nghe má, Dần đứng dậy. Cả nhà cùng lặng lẽ vái ba lễ trước vuông đất. Lúc này bầu trời như cháy lên những vì sao nhấp nháy, con suối nước đổ ào ào, ngoài cánh đồng nhập nhòe những con đom đóm bay lên. Chỗ Hữu yên nằm phong cảnh tựa hồ giống miền quê Hữu sinh ra! Phận người sinh ra ở đâu giời lại đưa về nơi ấy! Dần nghĩ vậy và chắc cả má, cả Thăng và cu Nghị cũng nghĩ vậy!... Họ lặng lẽ từ biệt vuông đất, trong lòng mỗi người đều có một tính toán sẽ chọn một ngày lành tháng tốt để đưa Hữu về quê cha đất tổ. Riêng Dần lại nghe vọng giọng nói thầm thì của Hữu: "Khi nào mẹ con đón anh về quê phải tìm mọi cách đưa má về ngoài ấy, mẹ con phải phụng dưỡng má như người sinh đẻ ra mình. Cuộc đời má chỉ còn có chúng ta thôi. Nếu mẹ con đã có cái bệnh xá tư nhân má sẽ giúp được nhiều việc hay, má là bác sĩ đông y được đào tạo rất cơ bản lại có thực tế kinh nghiệm nhiều, má từng chữa lành vết thương cho Hữu ở trong những hoàn cảnh rất ngặt nghèo! Bố bầm Hữu mất cả rồi, bây giờ chỉ có má. Trời cho mình thằng cu Nghị, nó rất cần có má!... "
***
Vào những ngày thiều quang chín chục đã sắp sửa sáu mươi tròn của năm cuối thập kỷ đầu thế kỷ 21, lúc mặt trời đã lập lờ ngụp sau đỉnh núi Ái, sương phấn phủ mờ mặt sông Lô, một chiếc xe tắc xi màu trắng từ từ dừng lại chỗ dốc Đình gần lối vào bệnh viện của bác sĩ Dần. Cửa xe mở, một bà cụ trạc ngoài bảy mươi mươi tuổi vận bộ đồ Vân Kiều, mái đầu bạc trắng bước ra. Bà tần ngần nhìn phong cảnh núi sông và rẽ vào cái cổng có biển đề: Bệnh viện Dân thường. Bác sĩ: Trịnh Nhân Dân.
Bà vừa đặt chân vào thềm cổng, cả bệnh viện tấp nập ra đón. Nước mắt và nụ cười tràn ra. Dần ôm bà thổn thức và hai má con dìu nhau vào nhà. Mọi người quây quần quanh. Má bàng hoàng nhìn mọi người, nhìn lên án thờ. Giọng má nghẹn ngào:
- Ta đang ở cõi trần hay cõi mơ? Hữu ơi! Má cảm ơn con đã mang về cho má niềm hạnh phúc khi tuổi già! Nếu không vớt được con từ cái bè rác nơi bến sông ấy thì bây giờ má vẫn bơ vơ! Ngày hôm nay trời phật đã đưa má về đây! Nhìn thấy cơ nghiệp của con cháu má như gặp chuyện cô Tấm từ trong quả thị! Mà đúng thế, bác sĩ Dần người con vẫn kể cho má nghe những tháng ngày ở Núi Khuất là có thật. Bây giờ nó còn kỳ lạ hơn cô Tấm. Nó đang hiển hiện giữa đời thường như là đức cứu thế của những người dân thường lam lũ. Nó và mọi người đang quây tụ quanh má đây! Hữu ơi! Giá mà con còn sống!...
Má rút khăn lau mắt và ngước nhìn lên án thờ. Nước mắt lại nhòa nhoẹt khi má nhìn thấy trên án thờ, ở vị trí gần bát nhang của bố bầm Hữu có thêm cái lư nước thờ chồng má. Phía dưới là bức tượng Hữu, bên cạnh là ba cái bát nhang mang từ Núi Khuất về!... Thế là Dần đã đưa cả những người thân của má về ngôi nhà này. Tấm lòng Dần và bà con ngoài này thật mênh mông. Má lại rút khăn lau mắt và lặng lẽ thắp nhang lên án thờ. Má vái ba lễ và thắp tiếp ba nén nhang vào ba cái bát nhang của ba thằng con tội lỗi mà cũng tội nghiệp một thời của má. Nước mắt má nhòa trong hương khói. Dần lại gần vái ba lễ rồi gục vào lòng má thổn thức:
- Má ơi! Xin má đừng khóc nữa, con thấu nỗi xót đau, giận hờn trong lòng má! Nhưng biết làm nào được, ta đều là thân phận mà thân phận ấy lại sinh đẻ ra ở một đất nước bao nhiêu ngàn năm binh lửa! Còn bao nỗi đau đớn vùi trong đất! Má đừng trách oán các chú ấy làm gì, cái thời ấy, ở vòm trời ấy tránh sao đựơc sự li tán, chiến tuyến của mỗi cuộc chiến tranh con người ở phía nào thì phải sống, chết cho phía ấy! Chiến tranh không có thêm con đường thứ ba. Điều quan trọng là ta phải nhận rõ mặt kẻ gây ra chiến tranh, gây ra sự li tán. Đó chính là giặc Mỹ. Bây giờ các chú ấy cũng chết rồi! Tội lỗi cũng đã chôn sâu trong đất! Đất sẽ xóa đi cái hố ranh giới ngăn cách để đưa con người ta đến chỗ yêu thương vĩnh hằng má ạ! Nghĩ vậy con đã đặt bát hương của các chú ấy trong án thờ bởi má từng là má của Hữu, của chúng con, lẽ đó các chú ấy phải là anh em với chúng con trong ngôi nhà này!...
- Má cảm ơn con! Cảm ơn bà con cô bác ngoài này đã mang lại cho má một chân trời mới!
Má lại rút khăn lau mắt và quỳ dưới án thờ vái ba lễ. Mọi người cùng vái theo rồi đứng lặng. Riêng Thăng, anh vẫn ngồi phủ phục. Những ngày bom đạn trên chiến hào sống cùng với Hữu lại như những thước phim tài liệu hiện ra. Đúng Hữu mới là người đáng sống! Linh hồn Hữu đã làm sáng đẹp những ngày sau chiến tranh. Hữu không bao giờ chết. Chính nguồn sống nồng nàn từ cuộc đời có thật đã nuôi lên dòng máu đỏ thắm trong trái tim Hữu và nó đã ngấm tràn cơ thể và tâm hồn Dần nên nó bất diệt. Nó đã tạo dựng được cơ nghiệp ngày hôm nay! Cái cơ nghiệp tuy còn nhỏ nhưng nó đã mở ra những chân trời ấm áp! Chân trời của con người với một khát vọng đơn giản: "Yêu thương đùm bọc lẫn nhau xây dựng một cuộc sống thanh bình". Con người ta sinh ra làm kiếp người có lẽ điều mong muốn này là chính đáng nhất. Nghĩ nôm na vậy Thăng càng thấy những giáo huấn Thăng từng lên lớp trước đông người và bắt buộc số đông người phải vỗ tay nhiệt liệt là giả tạo, thậm chí còn nhẫn tâm nữa!... Ấy thế mà lúc từ biệt vị trí đó về làm dân thường Thăng còn day dứt mãi! Thăng vẫn muốn còn được phục vụ. Bây giờ dưới ngôi nhà của Dần, Thăng mới vỡ ra mình còn chưa thật ngộ được hết! Mình thật không đáng sống. Tự nhiên Thăng khóc nấc lên. Thăng sực nhớ lúc xin quyển sổ của Hữu, Thăng còn bảo: " Để mình giữ, sau này nếu không làm chính trị viên nữa mình sẽ dựa vào đây để viết văn!... " Hữu tin và trao quyển sổ cho Thăng không một chút do dự! Ngay cả việc này Thăng cũng thấy mình giả dối. Cũng may mà cuốn sổ ấy vẫn còn đây. Thăng thở phào và tự lôi vạt áo lau mắt. Thấy tâm trạng bố không yên, cái Trầm thỏ thẻ:
- Ngày bác Dần chữa khỏi bệnh cho con, bố về cứ chong đèn ngồi trước quyển sổ này. Bố còn bảo sẽ viết thành tiểu thuyết, nhưng không thấy bố viết. Con đọc quyển sổ và có đoạn thuộc lòng. Duyên phận thế nào con và anh Nghị gặp nhau và trở thành thân thiết. Đi chơi với anh Nghị con kể và còn đọc những đoạn mình thuộc cho anh nghe, ai ngờ lúc vỡ ra chuyện quyển sổ ấy, những điều ghi trong ấy lại chính là của bố anh Nghị. Chuyện ấy làm trái tim chúng con rung động và anh Nghị đi thi học thêm trường Nguyễn Du cũng xuất phát từ những nguyên do này. Anh ấy đang thai nghén những điều có từ quyển sổ để viết thành tiểu thuyết mà các nhân vật là những người trong đại gia đình ta đấy!
Dần tròn mắt nhìn bé Trầm và nhìn Nghị rồi chép miệng:
- Các con đùa hay nói thật? Những điều này mà thật thì đúng là định mệnh rồi! Nhưng má ơi! Con và gia đình Thăng đã nhận kết nghĩa anh em với nhau...
- Các cháu nó nói thế, để định dần vậy, nhưng má tính cũng không sao. Việc anh em nhận nhau là thiêng liêng nhưng trong trường hợp này cũng không có gì luân loạn cả...
- Má dạy vậy, con thấy nhẹ lòng, việc hai đứa quen biết rồi mến nhau cũng rất hồn nhiên, có khi ông giời dắt về đấy. Mình cũng đừng cứng nhắc mà ngăn cản chúng, tội lắm!... Thăng bộc bạch.
- Bố Trầm bây giờ thoáng, chắc nhìn thấy cơ nghiệp của chị Dần lại muốn con mình được kế thừa... - Vợ Thăng khiêu khích.
- Đừng nghĩ về tôi xấu thế! - Thăng phân bua...
- Vâng, tôi đồng thuận với chú Thăng, việc này là do ông trời, ta cứ để hồi sau xem hai đứa tâu lên bà má thể thế nào. Lúc ấy ta để má phán quyết rồi giơ tay theo. Bây giờ cả hai đứa còn phải tập trung vào việc học tập đã. Trời mà cho thật, trong ngôi nhà này có bác sĩ, có nhà văn thật, nhà trồng trọt thì hạnh phúc biết bao. Phải không má?
Bà má gật đầu, mọi người cươì rộn. Nghị và Trầm nhìn nhau mặt đỏ lên. Dần nhìn hai đứa giọng nghẹn ngào, âu yếm:
- Bây giờ các con và cả nhà ta cùng đưa má ra khu mộ. Từ rày hai đứa phải gọi má là nội nghe.
- Vâng ạ!
Nghị và Trầm khoanh tay trước nội và chúng níu tay nội theo Dần ra khu mộ.
Chiều cũng đã hết nắng, sương trắng tràn phủ khắp núi sông đồng ruộng làng Thông. Khu mộ đặt theo hàng lối dưới chân đồi Vại, gối đầu vào đồi nhìn ra phía sông Lô. Dần thắp nhang giới thiệu với má từng chỗ yên nghỉ của tổ tiên ông bà, bố bầm Hữu, ông Bành cụ Vuông, bà Khăn rồi đến Hữu. Mọi người cùng thắp nhang và chắp tay đứng lặng. Tự nhiên thằng Nghị quỳ phục trước mộ Hữu, giọng nó linh thiêng: " Bố ơi! Bà má cưu mang bố trong những ngày binh lửa, nhờ bà, mẹ Dần đã đưa bố về với quê cha đất tổ. Bây giờ mẹ Dần đón bà về nhà ta rồi bà đang đứng trước bố đây. Con đã gọi bà là nội! Chắc là bố vui lắm phải không ạ! Nhưng bố ơi! Còn ông (chồng của nội) và ba chú, con đẻ của nội vẫn chưa về khu mộ nhà ta được, Nếu mẹ Dần muốn nội ở ngoài này giúp mẹ làm giám đốc bệnh viện nhà mình, con e nội không yên!... " Nghị vẫn quì phục trước mộ và trong mắt Nghị tự nhiên lại ánh lên những tia sáng từ cái chai đèn, bên tai Nghị văng vẳng tiếng người nói: " Con của bố thật tỏ tường. Làm việc ấy không những nội yên lòng và ở chỗ chín suối này bố cũng thanh thản vì cuộc chiến đã kết thúc rồi. Ngày xưa bố và các chú ấy từng nhằm súng vào đầu nhau, chiến tranh mà con. Thời các con phải có nhiệm vụ xóa đi cái hố ngăn cách này để chấm dứt và không bao giờ xẩy ra cảnh nồi da nấu thịt. Xấu tốt các chú ấy cũng là con của nội, nội biết cả, trong lòng nội vẫn nguyên vẹn yêu thương và giận hờn, con phải có trách nhiệm xoa dịu nội... "
" Con phải có trách nhiệm xoa dịu nội!" Cách gì nhỉ? Nghị tự đặt câu hỏi và trong đầu Nghị bắt đầu hình thành những chương hồi của cuốn tiểu thuyết nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Từ những chai đèn đom đóm, từ quyển sổ nhật kí của bố hay từ việc đi tìm hài cốt những thân nhân của nội đang còn vùi trong đất, chìm dưới lòng sông? Trong đầu Nghị giằng xé những ýtoan tính. Nghị níu lấy tay nội, lại thấy trước mặt những tia sáng lấp lánh từ cái chai đèn hiện ra. Và tiếng người lại vang lên ròn rọt: "Con nên bắt đầu từ việc vô Nam tìm hài cốt những người thân của nội! Quá trình đi tìm hài cốt những người thân của nội, con sẽ hiểu được thấu đáo hai mặt của cuộc chiến tranh và như vậy cuốn tiểu thuyết của con mới hoàn hảo và đời sau đọc đến nó người ta mới hiểu bố, hiểu mẹ, hiểu chú Thăng, hiểu nội và ba người con của nội từng ở chiến tuyến đối lập với cha anh. Có như vậy mới giúp dân tộc đồng lòng dựng xây đời sống thanh bình, no ấm lâu bền và cái bệnh viện của mẹ, cánh đồng đêm đêm nhập nhòe đom đóm trước cửa nhà ta kia từng sinh ra ngô lúa nuôi sống bao cuộc đời mới thực sự mãi mãi của bà con làng Thông ta. Nội sẽ yên lòng để sống lâu thêm nhiều tuổi!... "
Giọng người cứ vẳng lên rồi tan trong sương chiều đồng nội. Những con đom đóm bắt đầu từ những bụi bờ nhòe lên chập chờn bay giữa đồng làng muôn thủa. Ánh sáng của con đom đóm chỉ nhập nhòe trong đêm nhưng nó từng làm sáng tâm hồn bố Hữu và là chấm sáng cho Nghị nhìn để đi đến sáng mai này! Nghĩ vậy Nghị khẽ gục vào vai nội và giục mọi người về nhà.
Đồng Làng Đom Đóm Đồng Làng Đom Đóm - Trịnh Thanh Phong Đồng Làng Đom Đóm