Số lần đọc/download: 256 / 22
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 8
G
hê gớm quá! Ta nói: Một na nủ H'Mông trong một tê chơ H'Mông. Hắn nói: “Các người có thể tồn tại được nếu các người kịp thời dừng ngay những tội ác đó lại". Không! Ta không sợ hắn dọa. Ta sợ cái vẻ ung dung, kiêu hùng, trong hoàn cảnh thân cô thế cô của hắn!. Ta sợ ý nghĩ của hắn. Trời! Ta nói người H'Mông là người H'Mông. Hắn nói: đồng bào ở đây cũng là người Việt Nam".
Suốt hai ngày liền, La Văn Đờ cắn dứt mãi vì những ý nghĩ trên. Thỉnh thoảng đứng ra cửa sổ, nhìn xuống. Đờ lại thấy bóng hình Chính như vẫn còn đấy, trên bậc đá trước tòa dương cơ. Lại như thấy tay Chính vung cao hùng dũng, giọng Chính vang vang. Và những lời Chính nói tràn đầy khí lực lại hiện lên như những nét chạm, nét khắc hằn sâu trong óc Đờ. Lần đầu tiên trong đời, Đờ biết sợ.
Ngày thứ ba, Đờ gọi Châu Quán Lồ tới, thầm thì hồi lâu, rồi cùng Lồ dắt ngựa xuống đường.
Tránh cái bậc đá Chính đã đứng, Đờ ghé tai Lồ:
— Sảo quán đi đi! Nhớ vứt cái nóng nảy xuống suối, nói: ông Châu tôi xin mời ngài phái viên quay trở lại Pha Linh để ông Châu tôi xin ngài thứ lỗi, và hầu chuyện. Nói cho khéo.
Lồ gật đầu rồi quay lại, ngước nhìn lên hàng bậc đá dẫn lên tòa nhà. Chà! Vợ ba La Văn Đờ. Đứng ở bậc đá lưng chừng, ả đang giơ tay vẫy tiễn Lồ. Ả cũng đã tham dự chính sự. Nhận ra cặp mắt nhấp nháy như đánh tín hiệu của ả, thấy phấn chấn hẳn lên, Lồ liền nhảy phắt lên cái lưng trần của con ngựa.
Con ngựa đực màu lửa hí một hơi ngắn và nhún chân. Trên lưng nó, mũ Nhật chum chủm đội đầu, áo dạ sĩ quan Pháp, quần Nhật đáp đũng, đáp đầu gối, hai bên sườn hai khẩu súng sáu, Lồ rộn rực như có lửa bốc.
Gió náo nức tạt vào mặt ngựa, vào mặt Lồ. Qua cái lô cốt đầu phố, con ngựa xoải những bước dài vụt tới khu chợ châu. Người dạt ra hai bên như gianh bị bão lốc. Có tiếng la hoảng. Một đám đông lố nhố vừa hiện ra trước mặt Lồ.
Con ngựa đổi nước chạy, vung tay. Lồ hét:
— Cản đường đi làm việc quan. Có muốn tao cho ngựa xéo nát làm tầu sì không?
— Lồ sảo quán! Lồ sảo quán!
Nghe thấy tiếng gọi mình, Lồ ghì cương, quay cổ conngựa lại.
— Sảo quán cái l... mẹ mày!
— Châu Quan Si bắt được một đứa ăn ở hai lòng!
— Đứa nào? Đâu?
Vừa dừng ngựa, Lồ đã nhìn thấy trên mảnh đất mọi người vừa vây quanh giãn ra, Châu Quan Si ngồi đè lên ngực một người trai trẻ, và hai tay hai nắm đấm y đang liên tục thoi vào mặt người nọ. Thấy anh trai, Si bỏ người nọ, nhảy lên, hớn hở:
— Anh Lồ! Thằng Lềnh này nói: Pha Linh là hạt vừng. Tê chơ H'Mông là hạt cát. Nó nói như Việt Minh. Nó còn dọa đi theo thằng Tếnh, thằng Seng!
— Lui ra! — Lồ hích ngựa.
Con ngựa giật lui, tay Lồ cuộn cuộn cái dây da. Con mắt độc nhất của Lồ đỏ gắt như lửa. Người tên Lềnh, áo rách toạc ở bả vai trái vừa bò dậy đã ngã rập xuống đất.
"Chuých!". Cái roi da trong tay Lồ quay tròn tới tấp mổ xuống mặt người nọ.
Khoái trá, Si nhảy lên, giữ hàm thiếc con ngựa của Lồ.
— Anh Lồ đi dâu?
— Tao về nhà. Tao ra Mường Cang. Cho ngựa kéo xác thằng này...
Cái roi nổ một tiếng đanh gọn trong không khí. Con ngựa bỏ lại Pha Linh về phía sau. Lướt qua Lồ, núi gianh vàng, núi đất đỏ, núi đá trắng, rừng pơ — mu xanh thẫm bao la.
Con ngựa làm Lồ quên khuấy ngay những việc vừa xảy ra. Vả chăng Lồ vốn không quen với những ý nghĩ rắc rối rườm rà. Như con ngựa chỉ quen một việc là cất vó. Con ngựa vượt dốc. Con ngựa lượn bên bờ vực. Con ngựa băng qua suối. Con ngựa lơ lửng bay trong mây.
Người sao, vật vậy. Con ngựa có màu lông rực lửa cũng hung tợn, liều lĩnh như Lồ. Ngoài Lồ, nó cắn, nó đá tất. Kẻ nào rõ mặt hảo hán lừa leo được lên lưng nó thì nó đá hậu, dựng vó, rúc bụi, kỳ cho kẻ đó rơi xuống đất mới thôi. Cũng như Lồ, con ngựa cũng có tính mê gái. Thấy ngựa cái là nó giậm giật, đá vó, hất cẳng, rung bờm, hí hàng thôi hàng hồi và phóng tới.
Chiến mã này vốn là sở hữu của một sĩ quan Nhật. Lồ cướp được khi quân Nhật đầu hàng đồng minh rút về tỉnh. Lồ nhảy lên lưng nó thấy nó ưa ngay. Như tri âm gặp tri kỷ. Tuổi trẻ của Lồ gần nửa thời gian ngồi trên mình ngựa, nhưng chưa con nào chịu được cái sức cương cường của Lồ. Có con Lồ phi đứt ruột chết. Có con Lồ cưỡi một lần, lần sau cứ thấy mặt Lồ là sợ. Con ngựa này hợp với Lồ. Nó phi nhanh, sức lại bền. Chim bay không kịp nó. Bước nhảy của nó rất đều, không lỗi một nhịp. Nó lội bùn giỏi, mà chạy đường đá củ đậu cũng tài.
Trên lưng ngựa, người Lồ rập rình như trong một điệu vũ nhộn nhịp. Mồ hôi toả ra, ẩm cả lần áo lót vải. Lên cơn hứng khởi, bỏ cương, Lồ túm bờm con ngựa, gò lưng, nghiến răng, hích, giật. Cơn hứng khởi xuất thần của chủ, con ngựa hí như phụt lửa sầm sập lao xuống dốc. Thích quá, Lồ rên ầm ầm. Tính Lồ vốn vậy: nóng nảy, hung hăng, liều lĩnh và giản đơn. Lồ chẳng quen nghĩ ngợi sâu xa, vằn vèo. Lồ cũng như ngựa, dễ hăng, chóng bị kích động.
Đường xuống thấp dần. Đã thấy những vệt ruộng dài. Và vầng mặt trời đã lóe sáng gắt gay ở ngay trên đầu người và ngựa.
“Cho ngựa nghỉ một lát rồi ra Mường Cang cũng kịp” — Lồ nghĩ, vừa lúc thấy bên đường có một quán ăn nhỏ.
Cái quán lợp gianh vàng xuộm đứng trơ trọi ở ngã ba đường đi Mường Cang và Pa Kha. Nghe thấy tiếng ngựa hí, chủ quán, một ông già tóc hoa râm, răng hàm trên bịt vàng, mặc áo xám, khuy vải kiểu người Xã, chạy ra khấp khởi mời chào.
Tung cái dây cương qua đầu ngựa cho chủ quán đón, Lồ nhảy phịch xuống đất, cộc lốc:
— Cho ngựa ăn thóc!
Ông già chủ quán chừng như mới ở đâu dọn đến, ngần ngừ:
— Dạ, nhà hàng chỉ có đồ ăn cho quý khách...
Lồ sầm sập bước vào quán, ngồi phịch xuống cái ghế băng, hất hàm:
— Có những món gì?
— Thưa... chi nhục, níu nhục, xà xíu.
— Dọn hết cả lên đây!
Nghe lời truyền, bụng nghĩ có được một ông khách nặng túi, chủ quán liền vội vàng buộc ngựa, nhanh nhảu bước vào quầy. Liếc nhìn khách một lần nữa, thấy con mắt chột hõm sâu, đỏ khé, hàm răng nhọn của hắn, ông già hơi hoảng, nhưng nghĩ giọng điệu hách dịch thế hẳn là quan to, nhiều tiền, nên nhanh nhẹn chui vào bếp. Trong bếp lanh lảnh tiếng nói một người con gái. Tiếng mỡ sủi. Tiếng thịt rán lép bép. Tiếng cái bàn sản chạy sàn sạt. Và mùi hành tỏi bốc dậy, ngạt mũi, tứa nước bọt.
Chỉ một lát, cái bàn ghép bằng hai mảnh ván đã la liệt các đĩa bát, ngồn ngộn những thịt là thịt, đủ các món xà xíu, nướng, rán, quay, hầm, nấu theo kiểu Tàu.
Bưng lên bát nước lèo, đặt xuống bàn, người con gái mặc cái áo đỏ chấm trắng, mặt trái xoan, tóc tết hai bên, mập mạp, chắc lẳn, đi đến quầy hàng, cầm con dao băm ớt.
Lồ ngẩng lên, lướt qua cô gái, buông thõng một câu: “Cho ngựa ăn thóc?”. Rồi nhấc chén rượu và ngập vào những món ăn. Lồ uống rượu như ngựa uống nước. Lồ ăn như đã bị bỏ đói lâu ngày. Cho đến khi bụng không còn một chỗ nào có thể ních thêm một miếng thịt nào nữa, Lồ mới khệnh khạng bước ra cửa.
Đứng khựng ở bậc cửa, Lồ nhìn con ngựa vẫn chưa được ăn, chưa được uống, bỗng quay lại hét to:
— Sao không cho ngựa ăn thóc?
— Dạ, thưa quý khách...
Ông già chủ quán sợ hãi, chạy ra cửa, vừa lập bập thanh minh, đã ngã giụi vào vách liếp.
— Đòm! Đòm!
Hai phát súng sướt qua hai vành tai ông già, phá thủng hai cái lỗ trên tấm liếp sau. Người con gái khiếp đảm, từ quầy hàng bổ ra ôm chầm lấy cha, rú một tiếng kinh hãi.
Con mắt chột như bị xé rách, Lồ giật giọng:
— Chung cào nả. Mẹ chúng mày! Lồ tả quán nói nắng lànắng, mưa là mưa. Hiểu chưa? Mẹ chúng mày! Đồ Xã phang chân thối!
Đòm! Đòm! Giơ súng, Lồ nhằm cái quầy gỗ nổ liền mấy phát.
Run lẩy bẩy ông chủ quán nghển dậy, thểu thảo. Người con gái vội rời cha bò vào trong buồng, bê ra một sói thóc.
— Quý khách! Quý khách rủ lòng thương...
Lồ tra súng vào bao, mặt lầm lầm nhìn ông già đang chống tay ngồi dậy. Người con gái đã đặt sói thóc trước mõm con ngựa. Hai cái đuôi tóc tết thũng thẵng hai bên. Cái cổ trắng ngần. Tấm lưng mẩy mang căng lằn trong lần áo đỏ.
Lồ bước qua ông già, vào trong quán. Rượu đang cháy ngầm dưới làn da của Lồ. Con ngựa phi trong gan ruột Lồ. Nhấp nhoáng xa gần trước mắt Lồ bóng hình người vợ ba ông Đờ.
“Vợ ba ông Đờ tao cũng chơi!” Lồ chồm tới. Người con gái thét một tiếng, nhào ra cửa sau.
— Ối giời ơi! Bỏ tôi ra!
— Lồ tả quán nói gì được đó, nhớ chưa?
— Ối giời ơi! Các ông, các bà ơi!
— Im! Ông Đờ ta cũng đ... sợ. Im!
Nghe tiếng con gái giãy giụa, kêu thét trong buồng, ông già chủ quán đập đầu xuống đất, gào: "Trời ơi!”. Rồi tựa như được tiếp thêm sinh lực, bật dậy, ông rút con dao bầu, lăm lăm tiến vào. Hai con mắt ông đỏ tía, lác xệch cả hai bên.
Lồ phải bỏ chạy; người cha thương con gái, dám liều mạng cầm đao xông vào buồng. Lồ phải bỏ chạy; con mắt đỏ tía, tia mắt lạc xếch, căm uất của người cha làm Lồ nhớ tới hai cặp mắt đòi trả thù của anh em Seng- Tếnh. Seng và Tếnh đến trước mặt Lồ, khi Lồ đứng cạnh cái xác ông già bị ngựa kéo tơi tả, ném hai con dao xuống đất gằn: “Nhìn mắt chúng tao đây! Mày không tránh được chúng tao đâu!". Có gì đáng sợ hơn, quyết liệt, mê dại hơn là sự báo oán, phục thù!
Lúc nãy thì rượu bốc lên đầu, giờ thì rượu chảy xuống chân Lồ, qua chân ngựa. Con ngựa lồng và quên phắt cái nhiệm vụ đưa Lồ ra phố Mường Cang để gặp đặc phái viên Chính phủ.
Nó đưa Lồ về Lao Pao Chải.
Nhận ra vẻ quen thuộc của cảnh vật chốn quê, bao nhiêu căng thẳng trong đầu óc, trong đường gân, bắp thịt Lồ bỗng chùng dịu hẳn lại. Và hắn như chợt nhớ ra. Thì ra hắn cũng có một xóm quê, có vợ con, gia đình.
Lao Pao Chải nằm ở triền núi bên này của dãy Can Chư Sủ. Từ đây leo nửa ngày dốc tới đỉnh núi, gặp rừng chè của dòng họ Giàng. Đứng đó có thể nhìn thấy thung lũng Pa Kha, vùng đất của thổ ty Hoàng Văn Chao. Lao Pao Chải, hơn tám chục nóc nhà, ở thành hai xóm, xóm họ Ma và xóm họ Châu. Xóm họ Châu là một làng cổ. Nơi đầu làng còn có cái cổng với hai cái trụ đá vuông, gắn một cánh cửa gỗ có dây chằng tự động đóng mở. Qua cái cổng đá, Lồ cho ngựa đi từng bước lững thững. Giờ hắn mới thấy thấm mệt. Rượu đã rã, chân tay gân cốt rời rạc, hay cảnh làng bản quen thân khiến hắn cảm thấy đây là nơi có thể ung dung, thong thả, không cần phải căng gân, bóp óc đối phó với mọi sự bất ngờ? Đất quê như mẹ hiền. Mọi vật đều thân thiết. Những nóc nhà ngoảnh mặt lại cùng một phía, nhấp nhô cao thấp. Đàn ngựa thảnh thơi ăn cỏ, lất phất chùm đuôi tơ mềm mại. Vòm trời ngả tím màu hoa mua. Lác đác bóng con chim câu vẫy cánh bay qua. Cảnh chiều như lặp lại giống như hồi nào Lồ còn ở tuổi thiếu niên ở nhà đi thả ngựa với chúng bạn.
— Seo Lở! Seo Lở về lúc nào thế, Seo Lở?
Seo Lở! Ôi, ấu danh của Lồ thời thơ bé, tưởng đã khuất chìm sau bao tháng ngày xa cách, sao bỗng dưng lại vang lên bên tai Lồ.
Quanh Lồ vây bọc những tiếng reo gọi.
Quanh Lồ lấp lánh những gương mặt thân quen.
Con mắt chột và con mắt lành của Lồ ngây đờ. Lồ chính là Seo Lở ngày xưa đây. Seo Lở về nhất kỳ thi ngựa mỗi năm. Seo Lở mười sáu tuổi biết múa ba mươi sáu điệu khèn, biết từ bài khèn gọi người chết tới bài khèn rủa người, đáng mặt trứ kềnh *. Seo Lở chọi chim mi giỏi. Và bọn bạn bè đang quây quanh Lồ đây cũng vẫn là những chúng bạn ngày xưa. Kìa, những lồng chim mồi. Kìa, cây khèn vàng óng. Kìa, con quay to cộ. Kìa A Tính, A Tỏa, Seo Chống, Xuân Phủ...
Các bạn Lồ đang đứng dàn hàng ngang trên khoanh đất trắng phếch giữa nền cỏ. Những con quay bằng nắm tay ù ù quay như những cơn lốc nhỏ của tuổi thiếu niên. Những sợi dây lanh văng, rít trong gió, xoắn tít cái lông gà tơ buộc ở đầu dây. Những cánh tay vung. Những bộ mặt hăm hở. Những tiếng reo đắc thắng vang rền:
— Quay đây! Seo Lở chọi quay trúng lắm kia mà!
— Tôi không muốn chơi nữa rồi.
— Làm sảo quán rồi không muốn làm trẻ con nữa a?
— Không phải thế đâu!
— Seo Lở đi, bọn tôi mất con ngựa đầu đàn đấy?
— Vì công việc thôi!
— Giờ, chơi vui cùng chúng tôi đi, Seo Lở.
Giữa bãi cỏ, một bọn trai làng vừa đi bắt ngựa về bắt đầu chơi trò vật cột. Một đứa gọi:
— Seo Lở. Vào giữ cột đi!
Tần ngần, Lồ đứng dậy, tháo bao súng, ném phịch vào khóm mua. Lồ nhớ ra trò chơi này rồi. Phe giữ cột trụ ở giữa. Phe vật cột nhâu nhâu ở xung quanh. Lồ gạt bọn giữ cột, sáp vào, hai tay ôm vòng, áp cái cột vào lồng ngực. Cây cột là một khúc cây sa mu.
— Trèo lên! Trèo lên!
Phe vật cột nhào vào. Chúng chen, lấn, với, nhảy. Chúng đẩy, chúng lay. Cái cột vẫn đứng trơ trơ. Một đứa trèo lên vai bạn, bám vào đầu cột, thả chân đu, níu cái cột xuống. Mặc! Cái cột vẫn như cắm vào cái bệ đá chôn sâu dưới lòng đất. Lại chen lấn, xô đẩy, lay, níu. Tiếng reo, tiếng thở cộm cạm, nhòa nhòa. Lồ ngửa con mắt chột, hồn nhiên — “Các bạn chịu thua chưa?”. Hả hê, Lồ ngả lưng trên cỏ. Cỏ rậm rậm, buồn buồn mảng lưng, ngực Lồ thở phập phồng. Bọn trai làng nhìn ngực Lồ, mấy cái miệng cùng kêu to:
— Ngực Lồ có con rồng kìa!
— Bọn Tàu nó xăm cho đấy! Rửa không sạch được đâu.
— Seo Lở ơi! Seo Lở làm con chim họa mi đi!
Nằm sấp bụng quanh Lồ, lũ trai làng thúc giục Lồ hát. Trời vẫn mây, vẫn sương như buổi nào. Tiếng hát Lồ cất lên vẫn như buổi nào, nhịp nhàng ấm áp:
Hoa nở trên cây rừng
Kết quả trên cây thông
Xưa, cô gái Mỉ còn ở
Thường cùng trai Pằng Dao
Chung lưng trâu qua đèo, vượt khe...
— Không... Seo Lở hát bài khác kia!
— Ừ...
Năm nay không biết chân ta đi dép gì
Mà ta lạc bước đến tận nơi quê xa đất lạ...
— Không phải, bài khác kia!
— Ừ bài này vậy nhé.
Thời xưa chim nhạn đẻ trứng, chim én ấp
Ấp trên ngọn cây thông
Thời ấy con gái làm chồng, đàn ông làm vợ
Thời ấy chim nhạn đẻ trứng, chim én ủ
Ở trên ngọn cây nứa.
Thuở ấy con trai đi làm dâu, con gái ở nhà làm chồng...
— Hi hi... ha ha...
Tiếng cười nắc nẻ, giòn giã như vòng ngọc, vòng vàng reo vui quanh Lồ, quanh Seo Lở. Ôi, tuổi thiếu niên lấp lánh ánh bạc, ánh vàng của Lồ! Năm tuổi, ông nội đã cho Lồ học chữ nho. Sáu tuổi, dắt được con trâu to kềnh đi thả. Mười ba tuổi, qua tuổi ma bắt, nên người giỏi giang: khèn bè dài hơi, kèn lá réo rắt, đàn môi âm vang nhiều điệu, mó tay vào tất cả các công việc trong nhà: cắt cỏ, tắm ngựa, đi nương, chặt cây, săn bắn, việc gì cũng thạo. Mười lăm tuổi phi ngựa không yên cương, rượu một hơi cạn bát lớn. Ôi! Những năm tháng quay đều trong nhịp sống phóng dật, mê man trong hội đa cha có cuộc thi thổi khèn, cưỡi ngựa, leo núi; bồi hồi những đêm trăng đứng ở đầu hồi nhà cô gái đẹp, nảy khúc đàn môi gợi tình; hung hăng tay gậy tay thước kéo đàn kéo lũ đi đánh nhau với lũ trai làng bên, chỉ vì một câu nói khích và cứ thế, cứ thế cuộc sống như sợi dây được nối dài, cho đến lúc bạn bè kéo về cho một cô gái vừa ý nhất thì cuộc đời như có vẻ đã tròn đầy.
Nhưng, cuộc sống luôn có những khúc ngoặt bất ngờ. Cư ngụ ở hai xóm Lao Pao Chải là hai dòng họ. Cùng một ngành H'Mông Hoa, họ cùng một ngày chuyển cư đến đất này. Một ngày nọ, một gã đàn ông họ Châu, trong cơn say, đánh chết vợ mình là người họ Ma. Dòng họ Ma nổi cơn thịnh nộ. Thù riêng thành thù chung của dòng họ, mỗi lúc một thêm thâm sâu. Họ kéo sang xóm họ Châu đập phá, cướp bóc đòi đền mạng.
Một lần ngựa người họ Ma vào ruộng người họ Châu vặt mấy ngọn cây thuốc phiện. Thù xưa trỗi dậy cũng thói hùng cuồng của tuổi trẻ, Lồ dẫn đầu một đoàn trai trẻ sang xóm họ Ma. Cuộc cướp phá đã không được như ý định, Lồ bị người họ Ma bắt, đánh cho một trận thiếu sống thừa chết, hai ngày mới bò được về tới nhà. Đã không được an ủi, Lồ còn bị ông nội nọc ra phết cho năm mươi roi. Uất tức quá, Lồ văng tục chửi ông và đánh ông ngã. Chuyện qua đi. Ít lâu sau một hôm có con quạ ở đâu bay về đậu ở nóc nhà. Lồ đem súng ra bắn. Khẩu súng bất ngờ vỡ nòng. Một mảnh gang xuyên thủng mắt trái Lồ. “Trời hại mày rồi đấy, cái thằng Seo Lở mất dậy kia”. Đã không thương xót Lồ, ông nội lại còn khoái trá vì như được trả thù thằng cháu lếu láo dám đánh cả ông.
Chán nản, tức giận, Lồ bỏ nhà ra Pha Linh. Lúc này La Văn Đờ đang khai triển mưu đồ xây dựng tê chơ H'Mông. Lồ vào làm lính châu. Rồi Lồ thành y dũng hương đoàn, thành sảo quán. Lối sống phóng túng bản năng được nuôi dưỡng trong một gia tộc còn nặng nề thói áp chế gia trưởng gặp đời sống lính tráng, tổng hòa thành nếp sống bợm bãi, liều lĩnh và bạo tàn, không ngờ lại thích hợp với cuộc đời chiến trận triền miên của Lồ.
Lồ khác thằng Seo Lở ngày xưa nhiều quá rồi! Trên mặt hắn họa chăng chỉ còn thấp thoáng vẻ hồn nhiên khi hắn trở lại giữa bạn bè thân quen thôi.
— Seo Lở có hai súng cơ à?
— Ừ, một Tây cho, một Nhật cho.
— Đi đánh bọn họ Ma đi!
— Mai phải đi rồi. Dạo này bọn họ Ma còn dám làm con lợn rừng sang đào củ trộm không?
— Chúng tôi sắm được súng rồi!
— Ừ, giờ phải có súng!
— Ngoài trấn có chuyện gì lạ không?
— Cũng thường thường. Hôm rồi, có phái viên Chính phủ Trung ương về.
— Mình theo họ à?
— Tùy ông Đờ thôi.
— Bọn Mường Cang định đánh mình, hả?
— Bọn Nùng nhát hơn con gián. Một người H'Mông ta đánh ngã mười thằng Nùng.
— Bên Pa Kha tuyển lính đi đánh Quốc dân Đảng đấy!
— Thật à?
— Thật!
— Đánh ai cũng được. Nhưng pê mông phải chỉ huy.
— Thế hả? Hay quá! Sảo quán chỉ huy tất?
Lồ ngồi dậy, chống tay, ngả người. Bọn trai làng đã tản mát ra về. Gió chiều lướt qua ngực Lồ. Đêm nay có lẽ có trăng. Sương chưa buông, trời vẫn rạng rạng. Lồ bỗng ngẩn người.
Mặt trời mọc, mặt trời chiếu mặt trăng
Mặt trăng mọc, mặt trăng soi mặt trời...
Tiếng sáo H'Mông! Ôi, tiếng sáo dọc H'Mông trầm trầm, đầm ấm lúc trời chiều. Điệu sáo nhịp nhàng, buông bắt khập khễnh chơi vơi.
Lồ đứng dậy. Tiếng sáo vẫn bay bay. Lồ nhìn thấy rồi. Tựa lưng vào tảng đá gần cổng làng, một cô gái có cặp chân thon thả, lim dim hai con mắt như say ngủ trong tiếng sáo bay.
Mặt trời mọc, mặt trời chiếu mặt trăng
Mặt trăng mọc, mặt trăng soi mặt trời...
Lồ vòng ra sau tảng đá. Tiếng sáo vẫn mải mê bay lượn. Lồ nhận ra cô gái có tấm lưng tròn, và hai cánh tay cô nõn nà như măng mới bóc.
— Anh Seo Lở! — Nghe tiếng động cô gái quay lại,nhoẻn cười.
Lồ ngồi xuống cạnh cô gái. “Chà, mặt con bé đẹp xinh như cái trứng nhện. Xa làng ít lâu, mà bao đứa lớn lên thành gái xinh, gái đẹp rồi!” — Cơn rạo rực thầm kín nở bừng khe khẽ, hai chân Lồ run run.
— Em thổi sáo hay quá!
— Anh Seo Lở thổi đi!
— Không! Em làm con chim hót đi!
Đôi môi cô gái chúm chím ngậm đầu cây sáo. Tiếng sáo lướt bay êm ả. Tiếng sáo nghiêng ngả mênh mang. Người Lồ nóng dâng. Khắp người hắn rần rật.
— Đừng! Đừng, anh Seo Lở!
Cô gái quẫy. Cây sáo buột rơi. Tiếng cô gái ngàn ngạt. Choàng hai cánh tay lực lưỡng, Lồ bế xốc cô gái, chạy vào bụi lau gần đó. Theo chiều dốc, chiếc khăn trên đầu cô gái lăn những vòng tròn liên tiếp.
Tối mịt, Lồ mới về tới nhà.
Căn nhà dài bảy gian, chỉ có một ngọn đèn ba dây treo ở gian giữa. Những người đến làm thuê cho gia đình Lồ đã về cả. Nhà Lồ có nhiều nương thuốc, mười con trâu, hai mươi con bò và gần ba chục con dê. Mùa làm ăn năm nào cũng phải thuê người làm mới kịp thời vụ, mặc dầu gia đình Lồ đã không ít người làm.
Bố Lồ là binh thầu ở Lao Pao Chải, có hai vợ. Vợ thứ hai trẻ hơn chồng gần hai chục tuổi, bằng vợ hai của Lồ. Lồ là anh cả. Người vợ thứ nhất đã có với hắn hai đứa con trai. Vợ thứ hai hắn mới cưới năm ngoái do một phút mê đắm hơn là do nhu cầu tăng sức lao động cho gia đình.
Hộ thứ ba trong cái đại gia đình này là tiểu gia đình Châu Quán Si — em trai Lồ — hiện ở nhà chỉ có vợ cả với hai đứa con gái. Hộ thứ tư cùng sống trong nếp nhà này là gia đình chú Lồ, một lão thầy cúng, có đến tám nhân khẩu.
Mỗi hộ là một bếp, ngoài phần đất hai mẫu làm chung, còn thì làm riêng. Làm riêng, ăn riêng. Nhưng tất cả mấy chục con người già trẻ, lớn bé trong các gia đình nhỏ ấy đều nem nép phục tùng, chịu sự áp chế độc đoán của ông nội Lồ, lão Lồ Pláy, một lão già tám mươi sáu tuổi, vẫn khỏe như gấu ngựa, làm seo phải ở đất này từ hồi bố La Văn Đờ mới chỉ là lý trưởng Pha Linh.
Lồ đứng ở thềm, chưa vào nhà vì thấy một bóng người đàn bà đứng ở sân rũ rượi tóc, đang vật vã:
— Đù ơi * thân ruồi ngắn làm ba đoạn, đời người khổ cả ba đời thế này ư?
Lồ nhận ra người đàn bà đó là vợ cả Châu Quán Si. Chị ta lên cơn ghen tức với cô vợ hai Si mới lấy ở ngoài phố; hơn năm nay Si không thèm ngó ngàng gì đến chị và hai đứa con gái.
Lồ định xuống khuyên giải chị ta thì "vụt!", hắn vội né tránh, một thanh củi nặng từ trong nhà, văng ra như một ánh chớp. Người đàn bà rú lên một tiếng sợ hãi, ôm đầu chạy vụt đi.
— Cho mày ăn trứng đi! Tằng chếnh! Đàn bà là cái chõ đồ cơm chứ là cái gì mà mày có quyền gào như chó thế!
Nhận ra tiếng ông nội, Lồ bước vào nhà, khe khẽ chào. Lão già đứng ở cạnh cửa, cao lớn, che lấp cả ánh đèn, tay cầm cái gậy gỗ to, mặt hầm hầm. Chẳng có cái mặt nào to bự và vừa già vừa trẻ như thế. Tóc, lông mày thì bạc trắng. Mà má vẫn căng, cằm vẫn nhẵn. Râu ria cũng sợ lão, không dám chui ra khỏi làn da bì bì đến muỗi, ruồi vàng cũng chê. Tuy vậy đáng sợ nhất vẫn là hai con mắt. Lúc nó tròn như mắt hổ, quăng quắc như mắt thú nổi cơn thèm khát máu người. Lúc nó khim khíp, le lé sắc như hai lưỡi dao nhọn nham hiểm.
Thấy Lồ, lão già quay vào, lảu bảu:
— Mày về đấy hả? Phải giúp tao trị con quỷ cái ấy đi!
— Mặc nó thôi, ông à!
— Không được! Nó làm xấu mặt họ Châu ta.
Lồ nín thinh. Tính ông nội, hắn đã biết.
Ngồi ở bàn, uống hết hai bát nước, Lồ mới ngẩng lên. Lão già vẫn ngồi ở trước Lồ. Bữa cơm đã tới. Vợ hai Lồ, một thiếu phụ nhỏ nhắn, mặt trắng, tròn, lấm tấm tàn nhang, bưng ra một rá cơm, hai cái thìa hai bát thịt chim nấu với măng chua, đặt xuống bàn, liếc chồng, không nói câu nào, quay về bếp ngay.
— Nhà đi đâu hết rồi, ông?
Với tay lấy chai rượu dưới gầm bàn thờ, đặt xuống bàn, lão già tặc lưỡi:
— Đi canh nương thuốc phiện. Dạo này có bọn ăn cắp. Tao bảo bố mày rình bắn chết một thằng, cắt cổ nó treo ở trước thôn họ Ma.
— Họ Ma nó ăn cắp à?
— Ừ, uống đi!
Rượu đổ ồng ộc đầy bát. Lão già nhấc bát, ghé mồm. Ực! Cái bát cạn không còn một giọt. Cổ chai lại nghiêng, đùn bong bóng về phía đít chai. Lồ nâng bát. Hơi rượu ngất ngây. Chao! Rượu H'Mông! Rượu quê, thứ rượu bắp nấu đúng quy cách, nhấp tê môi, tê lưỡi, cháy bỏng cổ họng, đốt lửa trong bụng. A-nít, Mao đài thua rượu này hết! Mới tợp có một hụm mà mắt Lồ đã cay cay như dính khói.
— Uống đi!
Hất hàm vào Lồ, lão già nâng bát rượu. Lão đổ rượu vào miệng, vào cái thùng thì đúng hơn là lão uống. Càng nốc mặt lão càng tái, thứ da tái không nhợt mà tía sáng. Và như là trẻ lại vậy. Trẻ lại như cái thời lão hai mươi nhăm tuổi dẫn đầu bọn trai trẻ chuyển cư tới đất này.
“Dạo đó, ở đây có một thằng seo phải người Nùng. Nhà nó nuôi hai con chó to, dữ như con báo. Đất đâu của nó! Nhưng nó gọi tao lại, bảo: "Này, Pláy, mày phải đánh nhau tay không với hai con chó của tao. Được, mày ở lại; thua, mày dọn đi!”. Thua thì chó nó xé xác ra, chứ còn đi đâu được nữa! Tao về nghĩ. Ức lắm! Lang thang mãi rồi. Tê chơ * không có. Làm sao cho có tê chơ? Tao đi học võ một lão thày Tàu. Rồi tao đến nhà thằng seo phải: “Đem chó ra đây!”. Không một tấc gỗ. Hai con chó to dữ quá. Răng nó cắn ngập tay tao, đùi tao. Nghiến răng chịu đau. Cần nhất giữ cái cổ họng, hai con mắt. Phải sống để lấy tê chơ! Ta lừa, tóm được một con, đè ngửa nó ra. Vật lộn mãi, áo rách hết. Hai tay ấn, bóp đến bại cả ngón tay nó mới ằng ặc giãy chết. Con thứ hai thấy thế, cúp đuôi chạy. Tao máu me đầy người. Hơ hơ... Thằng seo phải mấy năm sau sợ tao, bỏ đi, để lại tất cả nương ruộng. Tao được tê chơ. Tao lên làm seo phải!”.
Lão kể chuyện ấy nhiều lần. Lần nào cũng không sai một chữ. Chỗ nào cười cũng thế. Cũng đầy khí sắc như thế. Và cuối cùng, thế nào cũng là:
— Hiểu chưa! Pê H'Mông tài giỏi. Nhưng pê H'Mông phải đánh, phải giết bọn chúng nó thì mới có đất mà sống được! Hiểu chưa! Chỉ cần đặt được một chân xuống là mọc như nấm! Nhớ chưa!
Khó có một lão già bảo thủ những quan niệm cổ lỗ về dân tộc một cách hẹp hòi và cố chấp như Lồ Pláy. La Văn Đờ cũng phải nể lão. Với lão, người H'Mông mãi phải là người H'Mông. Người H'Mông cương cường, không chịu theo ai, học ai một ly, một tấc. Làm seo phải mấy chục năm, lão là hung thần cả triền núi này. Người Nùng ở xã bên, nhà nào hắn cũng có nợ một tý máu. Lão không lưu tâm việc ấy. Nơi ngô mọc rậm là đất người H'Mông, cứ việc chiếm!
Trong cuộc sống thường ngày, Lồ Pláy cũng là thần bảo hộ những tập quán không thành văn của dòng họ. Tô pô ụa nào, tu giở tòa nào. Đàn bà nấu cơm, đàn ông ngồi ăn. Txi yuô tu i tu nheng, tu yuô txi i tu nhù đăng: Bố nợ con một con dâu, con nợ bố một con trâu. Trong gia đình lão là chúa, là phua thay, là hùm beo, là chó sói.
Nảo tsà — ăn năm mới năm nay, Lồ PLáy đã tám mươi sáu tuổi. Tám mươi sáu mà sáng nào cũng đủ năm điếu thuốc phiện liền hút hết khói, dạ dày tiêu hóa một ngày sáu bảy bữa, như cách đây năm sáu chục năm.
Giờ là sau bữa cơm, lão lại uống rượu, uống ở cạnh bếp lửa cùng Lồ.
— Hồi này ở trấn thế nào?
Lồ cắn môi, dè dặt:
— Cũng như mọi khi thôi.
— Người Phăng-ki có về không?
— Chắc là về. Nhưng còn lâu. Ông Đờ bảo tôi làm chỉ huy sai bảo tất cả lính.
— Làm châu đoàn?
— Không hiểu có gọi là thế không?
Dựng thẳng lưng, đập chát cái bát xuống bàn, lão Pláy đột ngọt trợn tròn hai con mắt hổ, reo to:
— Trời! Phải là thế rồi đấy, hỡi thằng Seo Lở ngu dại kia!
Lồ lúng túng:
— Ông Đờ bảo bây giờ: một tê chơ H'Mông, một na nủ H'Mông
— Sao?
— Một quan lớn H'Mông một đất nước H'Mông!
— Thế nào?
Lão Pláy bật đứng dậy. Hai con mắt rừng rực niềm hưng phấn, lão giậm chân hét:
— Trời hỡi, con dê thối kia! Mày... Mày... Sao mày không nói ngay lời La tả quán cho ông biết! Ông lại cho mày năm chục roi bây giờ... Hơ hơ... thằng Seo Lở ngu dại kia ơi! Giờ mày cũng thành tả quán rồi! Một na nủ H'Mông một tê chơ H'Mông. Hay quá! Seo Lở ơi! Cụ tổ nhà ta hài cốt táng núi Nam Lĩnh giờ mới kết phát đấy! Mày sinh năm con khỉ, cùng tuổi cụ tổ mày. Seo Lở ơi, chúc mừng cháu thăng quan! Xa nhà càng chóng khôn là thế! Hai thằng con mày rồi cũng cho nó đi lính đi? Seo Lở, mày phải biết ơn ông vì ông đã chửi, đã đánh mày.
Dừng lại, trút nửa bát rượu vào họng, mặt lại bừng bùng, lão Pláy rít sung sướng:
— Seo Lở ơi! Pê H'Mông giỏi. Pê H'Mông đã có Sùng Chử Đà, Vàng Chống Dế, Giàng Nà Lử, Pat Chai, Sùng Mí Chẳng... giờ có thêm La Văn Đờ, Châu Quán Lồ. Seo Lở. Mày phải ơn ông! Mẹ mày! Sao mày không nói cho ông biết chuyện này ngay từ đầu? Mày gan hả? Ông lại cho mấy cái tát bây giờ! Hơ hơ... Trời hại mày con mắt, nhưng cho mày nhiều thứ đấy, Seo Lở ơi!
Lồ cúi nhìn bát rượu nhăn nhăn trán khó hiểu: "Có gì mà ông sướng thế nhỉ? Mẹ nó chứ! Sảo quán hay na nủ thì cũng là thằng Lồ cưỡi ngựa đi theo lệnh ông Đờ!".
— Này, tao hỏi.
— Sao cơ ạ?
— Giờ mày phải có một bọn vệ sĩ!
— Ở trấn có...
"Bốp!" — Mặt Lồ bỗng đổ nghiêng, má trái hắn ê ê. Hắn vừa nhận một cái tát của lão già.
— Ngu! Phải chọn bọn họ Châu ở làng này! Anh em đông tiện bàn bạc! Tao sẽ chọn cho mày! Hơ hơ...
Ngửa cổ, lão Pláy cười. Cười vì ruột gan lão nở nang, mát mẻ quá. La tả quán nói thật là hay! Một na nủ H'Mông trong một tê chơ H'Mông. Hay! Thật hay! Thằng Seo Lở là quan lớn rồi. Nhưng mà... còn phải có phua thay nữa chứ!
Quái, sao trong người lão mấy hôm nay cứ nhộn nhạo làm sao, nao nuốt làm sao. Lưng như sắp mọc bướu. Tai căng rộng ra hay sao mà cứ nhưng nhức. Ngón tay cũng thế. Hay lão sẽ thành phua thay? Thành vua ư? Ấy dà, mộ ông cụ tổ táng tận núi Nam Lĩnh kia mà! Đất nước H'Mông có quan lớn rồi, phải có cả phua thay nữa mới phải chứ?
Tợp một hụm rượu, đặt bát, tai vẫn còn ù ù vì cái tát của lão già, mặt Lồ vẫn rười rượi:
— Làm na nủ tôi cũng lo đấy, ông ạ.
— Mày lo cái gì? Cứ phải thẳng tay! Như tao bóp cổ con chó của thằng seo phải người Nùng ấy!
— Làm việc với ông Đờ nhiều khi khó quá đi! Đang nắng lại mưa. Nay mặc áo này, mai mặc áo khác. Bảo làm y dũng hương đoàn với Nhật rồi lại bảo đánh Nhật! Hôm nay bảo tôi đi tìm ông phái viên Việt Minh!
— Bọn nheo làng * ấy à?
— Phải! Ông Đờ nói: bằng lòng cho lính đi phối hợp với họ đánh Quốc dân Đảng. Nhưng ngày mai có khi lại đổi ý.
— Hơ hơ hơ... — Lão Pláy bật cười. Nhưng lần này lão ghìm ngay tiếng cười như ghìm cương con ngựa đang phóng và mặt liền đổi sang sắc khí vừa giận dữ vừa tinh quái — Đồ dê thối ngu ngốc kia! Ông Đờ không dại đâu. Hòn dái mày còn to lắm. Khi tao vào đánh nhau với hai con chó dữ của thằng seo phải người Nùng, tao đã phải chịu cho nó cắn, rồi tao lừa miếng nó chứ, mày tưởng...
Lồ ngẩn mặt. Hắn cũng chưa thật rõ ý của ông nội. Nhưng thôi, khuya rồi.
— Này, Seo Lở! — Thấy Lồ lững thững đi vào buồng lão già gọi giật lại — Mày có đi bắt hộ tao con vợ thằng Si không? Mẹ nó chứ! Làm ma nhà họ Châu còn không muốn...
— Cháu mệt...
— Mày mệt thì tao đi! Mẹ nó! Có khi nó chạy sang xóm họ Ma rồi?
Lồ bước vào buồng. Ôm chầm cô vợ hai, mồm sặc hơi rượu, Lồ chúi mặt vào bộ ngực nở căng nóng hập của người đàn bà.
— Về từ chiều, sao không về nhà? Không thèm nhớ đến tôi à?
— Thèm chứ! Thèm cái nấm của em lắm chứ.
— Đi làm nương xa mệt lắm! Mai có ở nhà không?
— Mai phải đi việc quan. Này, cái váy vướng lắm.
— Chỉ thế là nhanh thôi. Kìa, không thế đâu!
Bỗng có tiếng gọi thì thầm ở bên ngoài vẳng vào, Lồ từ trong váy của người đàn bà chui ra, quay mặt ra phía cửa sổ:
— Gì thế?
— Seo Lở có bận gì không? Đi kéo hộ thằng A Giá con Seo Chinh!
— Được!
Lồ quay vào tìm cái áo lanh, tưởng hắn đi thì hắn ngoái ra cửa sổ nói: “Chờ tí nhé”, rồi quay lại, kéo cô vợ hai lên giường.
Đêm khuya nổi cơn mưa. Đá núi đổ ầm ầm. Lồ ngủ như hổ ngủ, không hay biết. Sáng sau, mặt trời rọi tia nắng qua cửa sổ vào buồng, Lồ mới tỉnh. Hắn vùng ngay dậy, đi ra nhà ngoài.
Gian giữa có một người đàn bà bị trói vào cây cột cái. Hai cổ chân xiết ba vòng dây. Hai tay quặt ra sau cũng ghì ba vòng dây. Vòng dây còn quấn quanh ngực, lên tới cổ. Người đàn bà ngoẹo đầu, tóc rối rũ, như đã chết rồi. Trẻ con trong nhà đi ra đi vào, qua chỗ người đàn bà bị trói, thản nhiên như đi qua một cái cột. Năm ngoái, Lồ về nhà cũng có một người đàn bà bị lão Pláy trói bó giò thế này. Người ấy nghe nói bị hủi, lão Pláy bắt về thiêu sống.
Lồ ra sân. Cái sân vàng ửng màu bột ngô. Nắng chếch từ đầu hồi. Ban ngày nhìn căn nhà mới thấy nó to và dài. Nó nằm theo hướng đông-tây, ngọn đòn tay trỏ hết về phía đông. Chuồng trâu, chuồng bò, chuồng ngựa, chuồng lợn, chuồng dê ở phía trái, san sát một vệt dài, cao ráo, chắc chắn. Bên phải là vườn đào, toàn loại đào tơ, gốc cành nhẵn nhụi. Một đường ống gồm các thân trúc lớn, thông mấu lồng nhau hai đầu âm dương, từ trên đỉnh núi sau nhà về, len lỏi qua vườn đào, rót nước xuống cái thùng gỗ thông vàng chươi chưởi. Ngoài khu vườn đào là nơi trồng đao giềng, mùa này trổ búp đỏ chon chót.
Trâu đã thả. Gà vịt tao tác, inh ỏi. Dê đang ra chuồng. Hơn ba chục con lồng ra là nhảy tâng tâng lên cái bờ rào đá cao vượt đầu người, chạy một vòng tròn bao quanh toàn bộ khu nhà mang phong vẻ một trang ấp phú hộ.
Lão Pláy mặc cái áo lanh thô không nhuộm, khuy là dây gai, đang ngồi lấy dầu tây bóp cái chân đau cho con ngựa hai tuổi. Chuồng bên cạnh, một con ngựa đực màu tía bồ quân đang thò cổ ra khỏi gióng, kêu brừ brừ, chân giậm giật. Lão già chửi con ngựa tía một câu, rồi ngoảnh ra sân:
— Seo Lở! Mày ra cho con ngựa tía hộ tao một trận đi? Mẹ nó! Hỗn quá! Tao cưỡi mà nó còn dám húc bụi, suýt nữa thì rơi xuống vực.
Lồ nghĩ: “Ông thì có chịu thua ai, từ con ngựa!" Rồi nhẩn nha đi lại cạnh cái chuồng:
— Con tía mới tậu, hả ông?
— Thằng bố mày đem con nâu đi đổi. Bảo đổi lấy ngựa cái. Uống rượu lại để rượu nó uống người, nhìn không ra, lại rước con đực bất kham này về. Tao giã cho bố mày một trận mà nó vẫn chưa chịu đem đi đổi con khác.
Lồ kéo con tía ra sân. Quả là một con ngựa dữ. Bờm nó dựng như bàn chải. Con mắt nó xanh lét ma quái. Nó chun mình lại, không chịu đi. Lồ kéo mạnh nó mới toại móng trượt theo, tới giữa sân nó đứng chúm trên bốn vó chụm khít, gằm mặt, nhe răng, khịt khịt mũi dọa người.
— Chuýt! — Lồ vung tay. Sợi dây da trâu săn quắt tung lên, loằng ngoằng, bổ xuống, trúng mặt con ngựa.
Bị đòn bất ngờ, con ngựa giật mình, lui lại, rống hực hực. Nó kéo Lồ lùi theo. Lồ lùi theo nó, nhưng cánh tay vẫn vung roi rất dẻo. Cái roi da như có mắt. Nó phất, nó bổ, phát nào trúng phát ấy. Mặt, mũi, mõm con ngựa liên tiếp ăn đòn.
— Chung tủa cảo nả! Mẹ mày! Con hổ tha! Bướng nữa hay thôi?
Một câu chửi. Một tiếng roi nổ. Nhịp nhàng, trúng đích. Chậm, đều, chắc lẳn. Bị đau, con ngựa phản ứng mạnh. Nó quay tròn, tránh đòn. Lồ như cái trụ đá chôn sâu ở giữa sân.
— Đánh! Đánh! Đánh nữa! Đánh cho tiệt nọc giống phản chủ. Lão Pláy đứng ở rìa sân, cứ mỗi chặp roi của Lồ lại gào theo vẻ vừa căm tức vừa khoái trá: Đánh! Đánh! Chết làm thịt, không tiếc!
"Chuých! Pách! Chuých!". Bị một roi trúng mũi, đau quá con ngựa tung hai vó trước lên trời. Nó giựt dây cương, định bổ xuống là xông tới Lồ, nhảy qua rào đá, tế ra ngoài. Nhưng khốn khổ cho nó, Lồ như cái cột đá bền vững ở ngoài cổng làng. Tay Lồ như thép nguội và cuộn thừng làm cương dai hơn da trâu. Con ngựa đành đứng khựng trên đất. Và sau mấy chặp roi nữa, nó liền khuỵu hai chân trước xuống, như kẻ có tội quỳ gối van xin sự khoan hồng.
Lồ vứt cái roi, bước lại cạnh con ngựa, nâng nó dậy, vỗ cổ vuốt lưng nó. Bấy giờ, trẻ con, người lớn tụ tập đầy sân từ lúc nãy xem Lồ dạy ngựa mới dào lên tiếng reo thán phục.
Dắt con ngựa màu lửa ra sân, Lồ chào lão Pláy rồi ra roi.
"Phải nhanh, không là không kịp gặp phái viên!". Lồ nghĩ, sốt ruột, con ngựa không đi qua cổng, theo ý chủ, nó nhảy qua bờ rào đá.
“Nhanh lên!" Miệng giục, gót chân Lồ thích liên tục vào háng con ngựa. Con ngựa đổi nước phi. Trận mưa đêm qua để lại nhiều vũng nước trên mặt đường. Vó ngựa tóe nước ràn rạt.
Đường qua rừng quế. Lá quế xanh đẫm hơi nước. Rừng quế vắng im. Lồ bỗng rùng mình. Hắn vừa ngửi thấy hơi súng hay sao?
— Đoàng! Đoàng!
Lồ rập mình xuống lưng ngựa. Cái mũ dạ Nhật xuống đất. Có hai bóng người thấp thoáng trong rừng. Lồ vừa bị bắn. Ai bắn? Bọn họ Ma căm ghét Lồ, muốn hại Lồ hay là hai anh em thằng Seng, thằng Tếnh rắp tâm trả thù cho cha chúng?
Con ngựa ríu chân. Người đầm đìa mồ hôi, Lồ vung tay tát con ngựa. Đau quá, nhục quá! Lồ suýt chết vì đòn thù! Căm uất và tủi hổ từ Lồ lập tức phải được chuyển qua thân ngựa. Trận mưa đêm qua làm sập núi, lở đường. Mặc! Con ngựa càng lúc càng như rơi vào cơn hoang mê trong nhịp phi cuồng loạn.
Đã xa làng rồi. Đường mỗi lúc một lạ. Thúc con ngựa lao xuống một con dốc đá, Lồ bỗng rùng mình nhận ra con ngựa bị kích động mạnh quá, chân cứ trượt liên hồi, gây cho hắn những cú hụt hẫng xốc xáo cả tim gan.
“Cẩn thận, không nguy hiểm!” Chợt nghĩ lúc con ngựa đã xuống tới lưng dốc, Lồ vội ghì giây cương. Nhưng, hình như là con ngựa và cả Lồ nữa, đã lỡ trớn. Lồ thấy mình như mất trọng lượng, đã bật ra khỏi lưng ngựa, đang lơ lửng ở giữa những đám mây lồng bồng đọng ở trên trời; tai nghe thấy tiếng đá lăn dốc lộc cộc, rào rào.
Phải một lúc sau Lồ mới hiểu. Con ngựa của hắn trượt chân đang sắp lao xuống vực và hắn sắp văng ra khỏi mình ngựa, rơi xuống cái vực sâu hoắm bên đường thì được một người cứu giúp. Người này từ phía trước nhảy tới, dùng cái sức phi thường của mình, níu cái dây cương và ôm chặt cái cổ con ngựa ở ngay bên bờ vực chênh vênh.
Lồ nhảy xuống đất, bàng hoàng, sụp dưới chân người nọ:
— Anh là ai mà anh đã cứu sống tôi? Ơn này...
Người trai nọ cười, cặp mắt xếch loáng sáng:
— Thấy anh sắp rơi xuống vực thì cứu thôi.
— Một hạt là ơn, một thồ là nghĩa. Anh cho tôi đền ơn. Trọn đời không quên. Tôi là na nủ Châu Quán Lồ, tôi có tiền, có bạc trắng, có nhiều thứ...
Người trai nọ thoáng giật mình, lui lại một bước "Con mắt chột! Mình nhận ra nó rồi!". Anh lắc đầu, lòng dạ bỗng bối rối thế nào.
Lồ kéo con ngựa lại gần người trai nọ. Hắn đứng sát bụi cây chi khẩu pấu gai góc ở bên đường, khoắn khỏa:
— Anh tên là gì, ở đâu?
— Tôi họ Giàng, ở Can Chư Sủ.
Lồ reo, thật thà:
— Thế thì gần tôi quá! Tôi ở Lao Pao Chải. Giờ tôi phải ra Mường Cang gặp ông phái viên Chính phủ Việt Minh. Tôi chưa mời anh về nhà tôi được. Nhưng anh nhận cho tôi được kết nghĩa chỉnh dá *, kết nghĩa anh em với anh!
Lồ nhấc cái bi đông rượu ra khỏi vai. Hắn nhìn người trai trẻ vóc dáng lực lưỡng, càng hớn hở:
— Ta cùng uống với nhau một hợp rượu nào. Hảo hớn phải có bạn chí cốt chứ, bạn!
Người trai nọ đưa bàn tay thô tháp, chai sạn đón bi đông rượu, nhưng ngẫm nghĩ thế nào lại lắc đầu, trả lại, không uống một hớp và kéo lại cái dây da đeo chéo qua bộ ngực rộng của mình.
Lồ hơi lùi lại. Hắn đã nhận thấy khẩu poọc hoọc bao gỗ vàng lấp ló sau lưng người trai nọ.
— Anh muốn tìm ông phái viên Chính phủ thì phải đến nhà cụ phó châu Lục Đình Hoàng. Không thấy thì đến nhà châu úy Vàng Đình Tráng. Nếu vẫn không thấy thì đến nhà lý trưởng Hản Sào Long. Cuối cùng không thấy nữa thì đến làng Nhuần, dưới sông Chẩy.
— Người trai nọ nhìn Lồ, nói rành rọt.
Lồ kinh ngạc:
— Sao anh biết ông phái viên kỹ thế?
Không đợi người nọ trả lời, Lồ đã "à" một tiếng khẽ khẽ, và bỗng nhiên trở nên dè dặt, khép nép lạ thường.