There are very few people who are not ashamed of having been in love when they no longer love each other.

Francois

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Văn Lợi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6552 / 67
Cập nhật: 2016-03-29 17:18:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
hần vì mệt nhọc, phần trong lòng đã thanh thản hơn, nên đêm đó vừa nằm xuống là tôi ngủ say như chết, chỉ tỉnh giấc khi có cơn mưa ập đến. Nhìn đồng hồ thấy đã gần sáng. Tôi nằm mơ màng, tai lắng nghe tiếng mưa rơi rào rào trên mái nhà. Ngoài kia gió rít gào qua đồi cỏ, cây rừng nghiêng ngả từng đợt. Gió đổi chiều rồi! Mùa đông đang tới! "Mình có nên trở về trong mùa này?” Ý nghĩ đó làm tôi tỉnh ngủ hẳn. Một mình đi giữa rừng sâu núi thẳm trong ướt át và lạnh giá, nếu có sống sót nổi không? Khó đấy? Khả năng sống và chết là ngang nhau. Tôi nhớ lại những cánh rừng rậm bịt bùng, những sườn núi dốc đứng, cái vực thẳm sâu hun hút, vách núi dựng ngược nơi biên giới. Giá còn đủ bốn người, chúng tôi có thể đi ngay giữa những ngày mưa tầm tã nhất. Hoặc nếu là anh Đằng hay anh Hùng, các anh ấy sẽ đi được, chứ tôi thì...
Nhưng hơn mười chín tháng rồi ở nhà không nhận được tin tức gì của chúng tôi, hẳn anh Hai Nguyên và mọi người sốt ruột lắm. Chắc ai cũng nghĩ là TK1 đã hy sinh tất cả. Và đã có những toán TK khác lên đường, tôi tin như vậy. Đến lúc này chưa có ai xuất hiện ở đây, có phải họ ngã xuống dọc đường? Biết đâu chỉ vì tôi về chậm một ngày mà có một toán TK phải hy sinh? Cứ nghĩ thế là tôi lại sốt ruột, muốn trở về ngay. Hơn nữa, tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống thui thủi một mình giữa rừng sâu ngày càng trở nên nặng nề.
Suốt mấy ngày liền, không lúc nào tôi rứt khỏi những suy tính ấy. Về bây giờ hay đợi hết mùa đông? Chà! Không ngờ chỉ mỗi việc quay về mà rắc rối đến thế! Hay tại mình trở nên nhu nhược? Hay do mình sợ chết? Tôi ngồi trên hòn đá bên vũng suối, trầm ngâm suy nghĩ. Từ dưới đáy nước có một người nhìn lên. Đấy là cái bóng của tôi, nhưng lúc này trông thật xa lạ. Trên khuôn mặt cháy nắng, đôi mắt trũng sâu đang nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn nói: "Mày phải tự quyết định lấy, chẳng ai làm thay cho mày việc ấy đâu? Phải có cách suy nghĩ tỉnh táo hơn, chứ dằn vặt mãi sẽ thành luẩn quẩn..."
Đúng vậy! Tự lượng sức, tôi thấy không thể đem tính mạng ra để đánh một canh bạc năm ăn năm thua. Cái chết của tôi lúc này đồng nghĩa với sự hy sinh vô ích của cả tổ. Cần ở lại hết mùa đông này. Xuân đến, rừng khô ráo và ấm áp, tôi sẽ lên đường. Biết rằng rất buồn nhưng tôi quen rồi, có thể chịu đựng được. Cái khó nhất là muối đã gần cạn, phải hết sức dè sẻn may ra cầm cự được tới ngày về. Không sao! Chỉ ba tháng chứ mấy! Và tôi cảm thấy yên tâm hơn khi nhận ra quyết định ở lại cũng là sự can đảm.
Mùa đông năm đó mưa nhiều và tiết trời lạnh hơn, một phần vì sức tôi đã yếu đi. Tôi biết vậy nên tự đề ra cho mình chế độ luyện tập khắt khe. Buổi sáng thức dậy từ sáu giờ rưỡi, nếu trời không mưa, tôi xách súng chạy lên đỉnh đồi cỏ gần nhà rồi quay về, nhảy xuống suối tắm. Còn nếu trời mưa to hoặc quá lạnh thì tôi tập tạ trong nhà bằng một tảng đá.
Tôi còn xuống suối chọn mấy tảng đá có bề mặt bằng phẳng vác lên kê thành một bộ "bàn ghế” trên vạt cỏ trước nhà. Thực ra vác đá là để luyện tập, chứ mình tôi cần gì bàn ghế. Hơn nữa, tới mùa nắng là tôi đã đi rồi. Coi như để lại một kỷ niệm cho lũ khỉ vậy. Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn rất thích những tảng đá đẹp. Dưới chân thác nước có nhiều hòn đá được dòng nước và mưa gió gọt giũa lâu ngày tạo thành hình dáng đẹp lạ lùng. Tôi chọn những hòn đẹp nhất vác lên đặt rải rác bên mấy gốc cây cạnh nhà. Công việc nặng nhọc nhưng ngoài ý nghĩa tập luyện, nó còn tạo cho tôi niềm vui nho nhỏ trong những ngày dài đằng đẵng. (Nói "ngày dài” là kể cả ban đêm, chứ mùa này thời gian ban ngày ngắn lắm, chừng bốn giờ chiều trong rừng đã tối).
Một vấn đề nan giải là cái ăn. Ăn thịt chim, thú, cá mãi cũng ngán. Các thứ khác thì quanh quẩn cũng măng le, hoa chuối. Củ mài vùng này hiếm, còn các loại lá có thể ăn thay rau tôi biết không nhiều. Cả nấm cũng vậy. Ngoài mộc nhĩ ra, tôi không biết thứ nấm nào. Có thể ăn được, cũng không dám thử. Mấy lần tôi đi kiếm mật ong, nhưng lúc này các tổ ong ít mật. Có lẽ vì thế mà lũ ong đâm ra cáu kỉnh. Phải mất ba, bốn ngày lội rừng, tôi mới lấy được một ít mật sau khi bị ong đốt sưng cả mặt. Mà mật mùa này không được ngon, nó nhạt và hơi chua. Thì ra ngay cả khi ở trong rừng một mình, con người ta không chỉ có nhu cầu ăn no mà còn muốn ăn ngon nữa. Tôi đành khắc phục bằng cách không ăn mãi một món. Nếu hôm nay ăn thịt chim thì ngày mai tôi câu cá, ngày kia đi săn cheo... Thú lớn ở đây không thiếu nhưng tôi ít khi bắn, vì ăn không hết nó phí đi. Có hôm tôi bắn được một con kỳ đà khá lớn. Thịt kỳ đà mềm và trắng như thịt gà, nhưng không có gia vị, chỉ làm mỗi món nướng, nên tôi không chắc là nó có ngon hay không. Đã thế lại thiếu muối, ăn cứ nhàn nhạt khó chịu. Bây giờ ba ngày tôi mới ăn muối một lần, mà cũng chỉ nhấm tí chút cho có vị mặn, chứ đâu dám ăn nhiều.
Những lúc tạnh ráo, tôi thường leo lên đài quan sát trên cây chò dùng ống nhòm nhìn khắp bốn hướng, suy nghĩ về con đường trở về. Đứng ở đây, có thể nhìn rõ cả vùng núi non nhấp nhô thấp dần ở phía đông. Đi theo hướng đó sẽ gặp được vùng đồng bào dân tộc, nhưng trông hiểm trở thế kia, liệu có đi nổi không? Hơn nữa rất dễ lạc vào vùng địch kiểm soát. Còn ở phía tây, có nhiều dãy núi cao chắn tầm nhìn. Vượt qua những dãy núi đó, đi mãi rồi sẽ gặp tuyến đường tây Trường Sơn. Nghĩ vậy thôi chứ tôi không dám một mình đi theo hướng ấy, nhất là khi không biết tí gì về địa hình và cũng chẳng rõ quãng đường xa gần thế nào.
Như vậy chỉ còn cách là quay lại theo con đường chúng tôi đã tới đây. Đến lúc này tôi vẫn hình dung được cảnh vật của từng chặng đường đi trong từng ngày. Nhưng đó là nhớ như nhớ những kỷ niệm, chứ không thể nói nhớ được đường. Ở trong rừng rậm, ngay cả lối mòn ta vừa qua khi đi ngược lại cũng khó nhận ra, huống hồ đi cắt rừng. Muốn trở lại phải nhằm hướng mặt trời lặn. Tính theo đường chim bay thì đâu có xa, chỉ hơn trăm cây số là đến khe Trầm. Nhưng khi tời đây chúng tôi phải đi trên hai chục ngày với quãng đường thực tế dài hơn nhiều. Ấy là đi cả tổ, có những người giàu kinh nghiệm và tháo vát, chứ bây giờ chỉ mình tôi. Và nếu đến được khe Trầm, tôi còn phải đi cho tới khi gặp một đơn vị bộ đội nào đó. Chắc phải ra tận đường Chín. Biết bao gian nan trên chặng đường về. Nhưng thôi! Lúc lên đường hẵng hay, giờ không thể lo trước được mọi điều. Tôi nhớ có lần anh Hùng nói: "Khi đã coi rừng như nhà mình, thì việc đi trong rừng, sống trong rừng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều."
Thỏi vàng đầu tiên lấy về, ngay đêm đó tôi chôn nó xuống cạnh gốc cây trước nhà. Lâu lâu, nhằm lúc nhà khỉ đi vắng, tôi lại moi lên ngắm nghía. Tất nhiên lũ khỉ chẳng coi vàng ra gì, nhưng chúng là chúa tò mò và hay bắt chước. Còn báo Aga thì khỏi lo. Nó ngồi bên tôi, thờ ơ nhìn thỏi vàng như nhìn cục đá. Sau này nhớ lại, tôi không hiểu lúc đó mình cứ đào lên chôn xuống như thế để làm gì! Có lẽ do rảnh rỗi mà làm vậy, chứ không như anh nhà giàu ngắm của. Với tôi thỏi vàng trước mặt chẳng có gì hấp dẫn nếu so với một nhúm hạt muối trắng lóng lánh hoặc bát cơm bốc khói thơm thơm mùi gạo mới.
Dù hết sức chậm chạp, nhưng rồi những ngày đông năm ấy cũng dần qua đi. Khí trời ấm lên, bầu trời bớt vẻ ảm đạm. Và đến khi nhìn thấy những nụ mầm nhỏ xíu nứt ra trên mấy nhành cây khẳng khiu thì tôi thực sự háo hức chuẩn bị cho ngày về. Tiếng là chuẩn bị chứ chẳng có gì nhiều. Súng đạn, ba lô, võng, áo mưa..., rồi bật lửa, dao, ống nhòm... đều có sẵn. Riêng áo quần tôi đã rách hết, đành phải mặc mấy bộ rằn ri. Còn hai bộ áo quần của anh Đằng và anh Hùng lâu nay vẫn gói kỹ, tôi định khi về gần đến vùng ta mới đem ra mặc. Tôi không có giấy tờ gì, lại mang trên người áo quần ngụy, vũ khí Mỹ, nếu may mắn không chết bởi một viên đạn vội vàng nào đó thì cũng gặp nhiều rắc rối. Mặc bộ quần áo "Giải phóng” chính hiệu trên người, dù sao cũng tạo được ấn tượng nhất định và dễ ăn nói hơn.
Việc cần làm là sấy một ít thịt khô mang theo. Nếu có được bi đông mật ong càng tốt, nhưng mùa này khó kiếm ra mật.
Mấy ngày đó lúc nào tôi cũng ở trong trạng thái tất bật hối hả, vì vậy đã xảy ra một việc làm cản trở tất cả. Trong một lần đi lên cầu thang, do vội vã nên tôi trượt chân ngã xuống đất. Chẳng bị thương tích gì, chỉ thấy đau ở cổ chân trái. Lát sau thì nó sưng vù lên, không còn bước được nữa. Tôi ôm chân mà tức ứa nước mắt. Chuyện không đáng xây ra, có gì đâu mà phải vội cơ chứ? Đã vậy, lại càng bực hơn khi nấy con khỉ cứ nhìn tôi lom khom, làm như cả đời chưa nhìn thấy người què bao giờ! Tôi đành chặt cành cây làm nạng chống để đi lại quanh quẩn. Mong sao chỉ bị bong gân chứ đừng mẻ tí xương nào.
Tôi hái bừa nhiều thứ lá, mỗi thứ nhai đắp lên vài ngày rồi bỏ đi thay thứ khác. Ngoài ra, chỉ còn biết chờ đợi và tự an ủi là muộn mươi ngày có khi lại hay. Biết đâu trong thời gian ấy có một toán TK đến đây. Giờ khô ráo rồi, nếu họ không gặp trở ngại gì thì chỉ hai mươi ngày là tới chứ mấy!
Để đỡ buồn, tôi thường ra vũng suối ngồi câu cá. Cá dễ phơi và để được lâu hơn thịt. Tôi cũng chống nạng cà nhắc ra mé đồi tìm bắn gà rừng. Mùa này chúng thường ra đồi cỏ kiếm ăn lúc mặt trời mới lên hoặc khi chiều sắp tắt nắng. Tôi chỉ việc bắn, còn đã có Aga đi nhặt hộ. Nó làm việc này thạo lắm. Mới ngày nào còn bé xíu, mà bây giờ nó đã trở thành một chàng báo duyên dáng và lực lưỡng.
Phải một tháng sau cái chân mới lành. Giờ thì tôi đi lại cẩn thận hơn, không dám vội vã như lần trước. Mà cùng chỉ còn mỗi việc đi kiếm ít mật nữa là có thể yên tâm lên đường. Lúc này chắc trong các tổ ong đã có mật, lũ ong tất bật cả tháng nay rồi còn gì.
Tôi nhảy trên những tảng đá để băng qua suồl tới nơi giấu vàng. Cần phải kiểm tra lại lần nữa trước lúc ra đi. Mọi việc đều tốt. Cây dây leo đã phủ xanh trên hòn đá lấp miệng hang. Xung quanh không có dấu vết gì đáng nghi ngại. Tôi lội xuống suối quay trở về, không dám nhảy trên đá nữa vì thấy chân trái còn hơi đau.
Nước suối lạnh buốt làm tôi nổi gai ốc và rùng mình liên tiếp. Sao thế nhỉ? Ngay cả những ngày đông giá lạnh, tôi vẫn tắm suối bình thường cơ mà? Nhưng tôi cũng không suy nghĩ lâu, chuyện vặt vãnh! Lúc này đang vội. Định chỉ đi lấy mật buổi sáng, còn sau đó về bên mộ ngồi với hai anh để mai đi sớm, vậy mà bây giờ đã hai giờ chiều rồi. Sáng nay tôi phải lội rừng "hỏi thăm" năm tổ ong, mới kiếm được hơn bi đông mật.
Tôi ghé nhà lấy ít trầm để đi ra mộ, nhưng khi ngồi nghỉ một lát bên bàn đá, thấy trong người mệt rã rời. Mấy lần định đứng dậy đi mà không cất bước nổi. Chắc tại sáng nay đi nhiều. Nhưng mấy năm nay ngày nào tôi cũng bươn bả như vậy, có sao đâu? Không khéo ốm thì nguy.
Bước lên nhà, tôi nằm vật xuống sàn và thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thấy trời đã tối, bèn gắng gượng ngồi lên nhen đống lửa. Người tôi hâm hấp sốt, từng khớp xương như rời ra. Sao oái oăm thế nhỉ? Chẳng lẽ lại ốm vào lúc này? Tôi nướng thịt ăn bữa tối, nhưng không nuốt nổi. Miệng đắng nghét, cổ họng đau buốt và hơi thở nóng ran trong mũi.
Tối đó tôi nằm sốt li bì. Sáng dậy vẫn thế, đầu choáng váng, bước đi chệnh choạng như người say. Tuy vậy, tôi cũng gắng ra suối lấy nước rồi quay vào chuyển ít củi dưới gầm sàn lên nhà. Bây giờ chẳng những không lên đường được mà sợ còn phải nằm liệt một chỗ. Tôi âm thầm khóc, chua xót cho số phận của mình. Gần hai năm nay, ngoài một đêm sốt lúc mới đến đây và cái chân bong gân vừa qua, tôi đâu có đau ốm gì? Dầm mưa dãi nắng hết ngày này qua ngày khác, cùng lắm chỉ nhức đầu sổ mũi vài bữa hoặc mấy cái mụn ghẻ. Vậy mà... Những ý nghĩ cay đắng chìm dần trong cơn sốt và trở thành ác mộng, nhưng tôi hầu như không còn biết gì nữa...
Không biết tôi đã mê man mấy giờ? Mấy ngày? Tôi nhấc cánh tay lên nhìn đồng hồ, nhưng một màn sương che mờ tất cả. Cổ họng như có lửa đốt, lưỡi phồng rộp lên. Nước... nước đâu?... Tôi nhoài người sờ tìm bi đông nước. Tiếng mạch đập thình thình trong tai, nhưng quầng lửa nhoang nhoáng trước mặt. Chiếc bi đông nặng quá... Mãi tôi cũng dốc được ít nước vào miệng, nhưng chỉ còn một ngụm nhỏ. Ngụm nước ít ỏi chẳng làm nguội được sức nóng ngùn ngụt trong người. Tôi ngã vật xuống, hàng trăm mũi kim đâm nhoi nhói trong đầu làm tôi lịm đi...
Tôi sốt như thế suốt mấy ngày liền. Hết cơn sốt này đến cơn sốt khác dìm tôi vào vực sâu mê man. Từ trong tiềm thức, một ý nghĩ mờ nhạt nhắc tôi rằng hãy tỉnh dậy, hãy làm một cái gì đó, nếu không muốn chìm mãi vào cõi hư vô... Nhiều lần tôi gắng sức ngồi lên để bứt khỏi cơn mê, nhưng không được. Giờ tôi cố lần nữa... Hình như tôi đã ngồi được, mặc dầu đầu óc quay cuồng, người lắc lư như muốn rụng xuống. Tôi tìm nước, nhưng chẳng còn giọt nào. Ngoài cửa có thấy bóng người. Có ai đến! Ai vậy? “A! Anh Đằng, anh Hùng, cả anh Sơn nữa! Các anh đến lúc nào vậy? Đến đón em đi phải không? Sao không ai nói gì? Em biết rồi! Chúng ta chẳng đã hẹn nhau bao giờ hòa bình sẽ lại vào rừng, lên chỗ rừng xoáy là gì?... Mà bây giờ hòa bình chưa các anh? Sao các anh lại cười? Tại em nói nhiều phai không? Lâu nay em đâu có được nói. Đợi tí, để em lấy ba lô và súng. Súng này là súng Mỹ đấy? Khẩu AK của em hết đạn rồi... Các anh còn nước không, cho em uống với..." Có ai đó chìa bi đông ra, tôi giơ tay đỡ, nhưng sao với mãi không tới. Mắt tôi căng lên nhìn theo bi đông nước. Màn sương mờ đục tan dần, tôi nhận ra mình vừa mê sảng. Đúng là tôi đã ngồi dậy, tay đang nắm chặt khẩu súng, nhưng vừa rồi chỉ là giấc mơ.
Hình như trước cửa có bóng người thật. Sao lại thế nhỉ? Mình vẫn còn mê à? Tôi nhắm nghiền hai mắt. Một lúc sau mới mở ra nhìn. Những bóng đen rõ dần lên. Không phải người, mà mấy con khỉ. Nhà khỉ kéo lên thăm tôi. Trời ơi! Chúng mày thì giúp được gì?... À không! Nhớ ra rồi! Tôi quờ quạng tìm chiếc bi đông. Lũ khỉ trố mắt nhìn. Khỉ già đâu rồi? Mày đi lấy giúp tao ít nước. Trước đây mày vẫn lấy nước vào bi đông cơ mà! Tôi chìa cái bi đông trước mặt nó, tay run rẩy. Mày cố hiểu đi. Tao cần nước! Tao khát lắm! Khỉ già vẫn nhìn tôi chăm chăm, nó không hiểu. Tôi thất vọng thả rồi chiếc bi đông, gục xuống thiếp đi.
Có ai lay tôi nhiều lần. Lại mê nữa rồi! Làm gì có ai ở đây. Một vật gì nặng trĩu đè trên ngực làm tôi khó thở. Cái gì vậy? A, bi đông nước! Có nước rồi. Tôi cuống quít nhổm dậy, mở nắp bi đông dốc nước vào miệng. Mát quá! Ngọt quá! Nước chảy vào tới đâu mát lạnh tới đó. Những giọt nước tràn ròng ròng xuống ngực. Giờ thì tôi đã nhìn rõ lũ khỉ. Cả năm con đứng quanh giương mắt nhìn tôi, nửa tò mò nửa thương hại. Cả báo Aga cũng có mặt. Nó không vào nhà mà đứng ngoài cửa nhìn vào. Cám ơn chúng mày nhé!
Uống hết nước, tôi lại chìa bi đông ra. Lần này khỉ già hiểu ngay. Nó túm lấy dây bi đông chạy đi, những con khác nhảy nhót đuổi theo. Không biết nó làm thế nào mà xách được bi đông nước lên cầu thang?
Đợi nhà khỉ ra hết, báo Aga mới bước vào. Hơi thở của nó nóng ran trên mặt tôi. Tôi vuốt nhẹ bộ lông mềm mại của nó, cảm thấy yên lòng hơn. Dầu sao, quanh mình còn có những con thú trung thành. Tôi nhìn đồng hồ: ba giờ chiều. Và con số trong ô lịch cho biết tôi nằm mê man đã bốn ngày. Đống lửa tắt ngấm từ lâu. Dù rất mệt nhưng tôi cũng gắng nhen lại lửa. May hôm trước có đem củi lên.
Tối đó tôi uống một ít mật ong hòa với nước. Uống mật mà thấy đắng nghét. Người còn hâm hấp sốt, nhưng đầu óc có tỉnh táo hơn. Đáng ra mình đi được bốn ngày rồi... Thôi, tốt nhất lúc này đừng nghĩ tới chuyện đó. Càng nghĩ càng thêm nản. Trong cái rủi có cái may, nếu sốt bất ngờ giữa đường thì cầm chắc là chết. Phải sốt rét không nhỉ? Không phải! Tôi đã bị sốt rét một lần nên biết. Còn nếu sốt ác tính thì đừng hòng qua khỏi. Chắc là thương hàn. Mà bệnh gì cũng thế thôi, không có viên thuốc nào, làm sao bây giờ? Tôi cố moi trong trí nhớ xem có biết thứ gì có thể làm thuốc. Giá còn anh Hùng... Trong rừng đủ thứ cây thuốc mà tôi đành chịu. Hơn nữa có biết cũng không còn sức đi lấy. A, quế! Đúng rồi, mình còn vỏ que. Mừng rơn như tìm thấy vàng lần nửa, tôi bò dậy mở ba lô. Số vỏ quế lấy hôm nào tôi dùng để ngậm trong những ngày mưa rét đi đào đãi ngoài rừng, nay vẫn còn hai cuộn. Nghe nói người ta lấy vỏ những cây quế già mài ra hòa với nước cho người bệnh uống. Còn bệnh gì thì không nhớ. Nhưng bệnh gì mà chả được? Tôi đâu còn cách nào khác? Ít nhất nó cũng đem đến chút hy vọng trong lúc này.
Tôi bẻ một mẩu quế cho vào miệng. Cứng quá không nhai nổi. Răng đau nhức, máu tứa từ chân răng thấm mằn mặn đầu lưỡi. Tôi đành ngậm trong miệng cho nó mềm dần. Những ngày sau đó tôi vẫn còn sốt, tuy không sốt cao như mấy hôm đầu. Và tôi yếu lắm. Chỉ trở người hoặc cử động nhẹ là đầu nhức như búa bổ. Tôi không đứng lên nổi. Có muốn ngồi dậy cũng rất khó khăn, chân tay run lẩy bẩy và người cứ lả di.
Bầy khỉ ngày nào cũng kéo bi đông đi lấy nước. Nếu không có chúng, chẳng biết tôi sẽ ra sao. Một hôm tôi gắng ngồi dậy hầm miếng thịt khô để lấy nước húp, nhưng vừa nuốt vào đến bụng là đã nôn thốc nôn tháo. Tôi tiếc đứt ruột vì mới tráng cái bao đựng muối đổ vào gô nước thịt. Thế là hết chút chất mặn cuối cùng. Những ngày kế tôi chỉ uống được mật ong pha loãng. Vỏ quế vẫn là thứ thuốc duy nhất, tôi ngâm nó trong nước cho dễ nhai. Mấy việc đó tôi làm một cách máy móc, hầu như chỉ dựa vào bản năng.
Chừng một tuần sau thì những cơn sốt dứt, đầu cũng bớt nhức và tôi không còn mê sảng nữa. Nhưng sức tôi ngày càng yếu đi, hầu như suốt ngày chỉ nằm một chỗ. Đưa bi đông nước lên miệng là một công việc nặng nhọc, còn muốn nhen lại đống lừa tôi phải cố hết sức mới làm được. Tuy vậy, những lúc lũ khỉ đến tôi đều biết. Trông chúng bây giờ có vẻ chín chắn hơn, cả hai nhóc khỉ cũng không lí lắc nghịch ngợm như thường ngày. Có lẽ chúng hiểu đứng trước một người bệnh "thập tủ nhất sinh" cần phải có thái độ như thế nào. Cũng có thể chúng đã lớn, không "trẻ con" như trước. Mỗi lần ngước mắt nhìn ra, tôi vẫn thấy lờ mờ báo Aga nằn chắn ngang trước cửa. Nó chỉ đứng dậy khi lũ khỉ đi qua. Chả lẽ nó không đi săn mồi sao?
Không biết lại mấy ngày nữa trôi qua, tôi vẫn nằn thiêm thiếp và gần như bất động. Tôi không còn ý thức được thời gian, mà điều đó lúc này có ý nghĩa gì đâu! Tôi biết mình sắp chết, chỉ chưa biết lúc nào. Có thể ngày mai, ngày kia, hay lát nữa. Sự sống trong người giờ như ngọn đèn leo lắt. Tôi nghĩ đến cái chết một cách dửng dưng, chẳng có chút xúc cảm nào. Chẳng vui mà cũng không buồn, không chờ đợi cũng không tránh né, không sợ hãi và chẳng hề day dứt. Tôi thờ ơ với mọi sự. Thì ra cái chết không ghê gớm như người ta tưởng.
Hình như những lúc thiếp đi tôi không còn gặp ác mộng. Còn khi tỉnh dậy, những ý nghĩ trôi qua trong đầu một cách lười nhác và vô định, tuy tôi vẫn hiểu mình đang nghĩ gì. Nếu sau khi chết con người còn có cuộc sống khác ở thế giới bên kia, thế nào tôi cũng tìm gặp cho bằng được anh Đằng, anh Hùng, anh Sơn. Khi đó tôi sẽ mãi mãi đi cùng các anh, chẳng có gì chia lìa chúng tôi được nữa. Nhưng biết đâu cuộc sống bên ấy cũng phức tạp như ở thế giới này. Chắc phải đến nơi mới biết. Tôi sắp đi rồi, sẽ biết ngay thôi mà...
Tôi hình dung một hôm nào đó tim tôi ngừng đập, hơi thở ngưng lại, tôi nằm chết trên căn nhà nhỏ này mà chẳng ai hay biết ngoài con báo và lũ khỉ. Lúc ấy thân xác tôi sẽ sình lên, trương phềnh ra. Rồi dòi bọ sẽ đục khoét những gì trước đó vẫn được coi là máu thịt. Ngày tháng trôi qua... Căn nhà này sẽ mục nát và sập xuống. Nếu có ai tới đây, chỉ còn thấy những đốt xương trắng, vài mảnh vải rách mủn cùng khẩu súng hoen ri. Như vậy... như vậy sẽ... không còn gì hết. Cả kho vàng cũng chẳng ai tìm được. Và công sức cùng sự hy sinh của bốn chúng tôi coi như đổ xuống sông xuống biển. Đối với tôi lúc này những thỏi vàng chẳng có giá trị gì, nhưng đất nước đang cần vàng. Trước lúc ra đi anh Hai Nguyên nói gì nhỉ? À, "cả nước đang dốc hết sức người sức của..." Mỗi người lính chúng tôi trước khi cầm khẩu súng đều được dặn: "Mỗi viền đạn súng trường bằng bốn cân gạo...". Cần bao nhiêu gạo để đủ đạn cho người lính đánh giặc? Mà chừng này vàng đổi được bao nhiêu súng đạn? Nhiều! Nhiều lắm? Đỡ được vô khối gạo. Nhưng bây giờ tôi không còn làm gì được nữa rồi. Chẳng ai biết để tìm ra cái hang đá nhỏ bị lấp kín nằm giữa những tảng đá và dây leo. Trời ơi! Sao mình nghĩ lộn xộn như vậy nhỉ? Lại mê sảng rồi, làm sao báo cho anh Hai Nguyên biết nơi giấu vàng.
Những ý nghĩ rối bời nửa mê nửa tỉnh làm tôi mệt lả, và tôi lại lịm đi.
Một hôm lúc tỉnh dậy, tôi thấy lũ khỉ đứng vây quanh. Tôi nhìn chúng mỉm cười yếu ớt. ấy là tôi muốn làm như vậy chứ nụ cười có biểu lộ trên nét mặt hay không thì không biết. Nhưng ánh mắt lũ khỉ có cái gì khang khác. Hay chúng biết tôi sắp chết, sắp từ biệt chúng?
Hình như chúng có ý gì đó. Khỉ già kêu mấy tiếng khẹc khẹc, những con khác phụ họa theo nhốn nháo. Chúng không nhìn mặt tôi mà nhìn xuống bên cạnh. Tôi quờ tay và sờ thấy mấy vật cưng cứng tròn tròn. À, quả dại ngoài rừng! Lũ khỉ hái về cho tôi. Tôi rơm rớm nước mắt. Ai nói con vật chỉ có bản năng? Cám ơn nhé! Nhưng tao không ăn được đâu! Tao chẳng còn muốn ăn nữa! Tội nghiệp, lúc tao chết chắc chúng mày buồn lắm! Nhưng dù sao chúng mày còn có gia đình, chứ báo Aga chỉ có một mình... Không biết mấy hôm nay con báo có chịu ăn uống gì không?...
Tôi thả rơi mấy quả dại, định ngủ tiếp. Nhưng nhìn lũ khỉ thấy tội quá? Chúng xôn xao quanh tôi như van lơn nài nỉ. Không nên phụ lòng tốt của chúng. Tôi cầm một quả đưa lên miệng cắn, cảm thấy vị chua lan trong miệng khiến tuyến nước bọt nhói lên, và lát sau tôi thấy muốn ăn. Tôi ăn hết quả đó, rồi quả nữa. Không rõ thứ quả gì, chỉ biết chúng có vỏ dày mềm vừa chua vừa chát, trong ruột có một lớp cùi trắng tựa như cùi vải nhưng mỏng và nhạt hơn. Còn lại là cái hạt to tướng mà nếu có muốn ăn cũng không ăn được vì nó quá cứng. Mấy ngày sau, lũ khỉ vẫn mang thứ quả ấy về cho tôi, lúc ba quả, lúc bốn quả.
Cho đến một hôm khi mặt trời lên, ánh nắng tràn vào cửa. Tôi cảm nhận được hơi ấm cùng sắc vàng tươi của nhưng tia nắng và cảm thấy xót xa nếu phải chết giữa lúc này. Ngoài kia rừng đang giữa mùa xuân và trời đẹp biết bao! Tôi như ngửi thấy mùi hoa dại ngan ngát, nghe được những âm thanh náo nức sôi nổi của vạn vật đang tràn trề sức sống. Tôi thèm một ngọn gió vuốt ve mái tóc, thèm được nhảy xuống suối để làn nước trong lành thấm mát da thịt. Tình yêu cuộc sống đã trở lại.
Nhưng để sống được, phải tập từ đầu mọi thứ. Tôi tựa người vào vách, chống tay cố ngồi dậy. Đầu nhức buốt, mắt hoa lên, cả căn nhà, cả khung cửa ngập tràn ánh nắng cũng dập dềnh như sóng. Cuối cùng tôi cũng dựng được nửa người phía trên vào vách nhà và nhắm mắt ngồi thở dốc. Một lúc sau thấy đỡ chóng mặt, tôi lết đến bên bếp xếp mấy thanh củi nhen lại đống lửa. Lúc này mới thấy ruột gan cồn cào và réo lên ùng ục. Tôi biết mình xuống sức một phần do không ăn được gì, gần tháng trời chỉ uống mật ong pha loãng. Giờ phải tập ăn lại. Tôi nướng một con cá khô rồi vừa nằm vừa nhai. Chưa thấy ngon nhưng không bị nôn, hẳn cơ thể đã chấp nhận.
Cứ như thế, hàng ngày tôi tập vận động và tự bắt mình phải ăn. Đến hôm tụt xuống được cầu thang tới ngồi bên chiếc bàn đá, nhìn ánh nắng chói chang nơi bãi cỏ trước nhà và nghe tiếng cây lá đung đưa rì rào trên đầu, tôi mới thực sự tin ràng mình còn sống được.
Tôi chống gậy lần ra vũng suối, ngồi bệt xuống bờ cát. Hôm nay đã là ngày thứ bốn mươi lăm kể từ hôm bị sốt, nếu như chiếc đồng hồ vẫn chạy đúng. Một mùa xuân đã trôi qua. Đáng ra giờ này mình về đến nơi rồi mới phải. Chưa biết bao giờ mới đủ sức trở về. Điều đó lúc này càng hết sức xa vời.
Nhìn xuống vũng suối, tôi thấy bóng mình còn xa lạ hơn lần trước: hai con mắt thô lố trên khuôn mặt chỉ còn da bọc xương, mái tóc rối bù dài quá vai, râu ria tua tủa, bộ quần áo rằn ri nhàu nát thùng thình trên người. Mọi cơ bắp như biến mất sau những ngày nằm liệt giường. Tôi trở thành "người rừng” mất rồi? Thôi, còn sống được là tốt! May nhờ có lũ khỉ. Hình như trong thứ quả chúng mang về có vị thuốc. Tôi không dám chắc điều đó mà cũng không tiện hỏi. Lũ khỉ tốt bụng không có thói quen giấu diềm những bài thuốc gia truyền như con người, chẳng qua chúng không nói được. Thế mới biết ở đâu cũng vậy, nếu sống tốt ta sẽ được đền đáp. "Ở hiền gặp lành" mà! Chẳng có tiên có bụt như trong chuyện cổ tích, nhưng con báo Aga bảo vệ tôi, lũ khỉ cứu sống tôi. Ngay cả con người, không phải ai và lúc nào cũng làrn được như vậy. Và sẽ chẳng có điều kỳ diệu nào cả, nếu ngay từ đầu tôi không thực lòng đối xử tốt với chúng.
Việc trở về tính sau, giờ phải nghĩ tới chuyện tập luyện và sắp xếp lại nơi ăn ở. Dù gì đi nữa, cũng phải sống cho ra con người. Tôi đem dao găm mài trên đá cho thật sắc để cạo râu. Tóc thì đành chịu. Trước đây tôi đã cắt thử: một tay túng từng lọn tóc, tay kia dùng dao cứa. Kết quả trông nó nhăn nhở đến phát khiếp. Cạo trọc dễ hơn nhưng tôi không muốn, nên đành lấy dây buộc túm lại sau gáy cho đỡ nóng. Lại còn cả đống quần áo, võng màn, mấy ngày ốm tôi vơ tất cả đắp lên người vì không nhen được lửa. Nay phải mang ra giặt giũ cho bay hết mọi hơi hám bệnh tật...
Tôi tập tễnh chống gậy đi nhặt quả bồ kết.
Đội Đặc Nhiệm Tk1 Đội Đặc Nhiệm Tk1 - Phan Văn Lợi Đội Đặc Nhiệm Tk1