Số lần đọc/download: 997 / 3
Cập nhật: 2017-08-25 13:40:43 +0700
Ðường Đi
L
ỗ Tấn từng nói, trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường đấy thôi.
Kì thực vậy, lối đi là thứ nằm ngoài quy luật vật chất có trước ý thức, tồn tại khách quan rồi con người mới cảm nhận, tư duy, ý thức về nó. Rõ ràng, lối đi là một sản phẩm nhân tạo.
Lối đi nào đến con tim? Phải chăng là chân tình.
Lối đi nào đến ước mơ? Phải chăng là đam mê, là nỗ lực.
Lối đi nào đến nhớ nhung? Phải chăng là yêu thương hết mực.
Lối đi nào qua gian khó? Phải chăng là quyết tâm, lòng kiên trì và nhẫn nại.
Chuyện là lối đi ta tạo ra. Vậy sao vẫn hoài nghe hai tiếng bế tắc? Ðường là do ta tạo ra kia mà.
Bế tắc là khi ta mệt mỏi, và hi vọng dường lụi tắt, là im lìm và xanh xao, là tuyệt vọng và u uất, chỉ muốn tìm buông xuôi.
Kì thực, không tránh khỏi những lúc cảm giác tiêu cực vậy đâu. Giống như phượng hoàng trong truyền thuyết: chết đi để rồi hồi sinh trong rực rỡ, từ đống tro tàn của chính mình vươn lên.
Hãy cứ buồn, cứ khóc, xem đấy là phút lặng, phút ẩn mình, để tìm kiếm chút soi sáng, cho con đường khác tươi mới hơn.
“Con đường trời mưa êm chiếc dù che màu tím
Môi tìm làn môi ngon nhưng còn thẹn thùng
Con đường về ban trưa tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình ôi chuyện tình thư sinh!”
(Phạm Duy)
Cái gì cũng vậy, quá mức sẽ dẫn đến phản tác dụng. Có một câu hát trong bài Diễm xưa của Trịnh mà mãi về sau này, những năm tháng hai mươi, tôi mới thấm thía và ngẫm ra.
“Ðường dài hun hút cho mắt thêm sâu…”.
Ðường dài và mắt sâu. Ðường dài vì người đã đi về miền xa xăm, tít tắp. Mắt sâu vì mắt vẫn hoài đợi chờ, ngóng trông. Nếu đoạn đường phải đi quá dài, tôi sẽ… tìm con đường khác mau đến đích hơn. Ðúng, không mong con đường êm ái thảm hoa, nhưng nhất quyết không phí hoài thời gian và công sức của bản thân.