Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11814 / 469
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Truyện Xóm Tiều Phu (3)
uộc đối thoại xảy ra ngay giữa sân. Ông Quảng đã không hề hạ giọng mà lại còn nói toáng lên cho hả cơn giận dữ. Có người cho rằng ông cố tình nói oang oang để láng giềng nghe thủng; để từ nay ai có mồm thì cắp có nắp thì đậy, đừng ngứa lưỡi dây vào việc của ông. Người ta cũng lại nghĩ rằng ông đánh gục đứa con trai như thế là để nó phải nhục nhã mà ghi khắc tận gan tận ruột là trong ngôi nhà này, chưa kẻ nào được phép vượt qua mặt ông. Và để nó quên đi giấc mơ thừa tự. Bởi đã từ lâu, ngôi nhà thênh thang này là giấc mơ ban đêm lẫn ban ngày của đứa con trai trưởng. Sau khi vợ xón ra hai ả Tố Nga, Quý đã quyết đẻ bằng được đứa con trai dù phải chịu kỉ luật đảng hai năm, và chức chủ tịch cũng phải treo hai năm mới bổ nhiệm. Nhà ngang, nhà dọc, nương vườn, những đàn ong, những của chìm của nổi mà người trong nhà cũng như ngoài ngõ luôn luôn dòm ngó là cạm bẫy mà chắc chắn ông Quảng đã biết từ lâu. Người ta cho rằng cũng đã từ lâu ông đắn đo mọi sự và một ngày nào đó, ông sẽ ngả xuống mặt bàn tất thảy những quân bài, những phép tính đã đủ thời gian cộng trừ nhân chia trong óc. Cuộc hôn nhân này là dịp để những con tính ấy được bộc lộ ra.
Thế nên, xóm giềng nín thở theo dõi cuộc đối thoại.
Ngay tối hôm đó, mọi người kéo tuốt tuột từ thôn Thượng xuống thôn Trung, tụ tập ở nhà cô Vui. Người ta kể lại không thiếu một dấu phẩy, dấu chấm cuộc đối thoại giữa hai cha con. Sau cuộc đối thoại ấy, Quý đứng chôn chân giữa sân hồi lâu. Ông Quảng và cô Ngân tiếp tục giũ những chồng bao tải làm bụi bay mù. Không ai nói thêm nửa lời. Trong sự im lặng đó, ông chủ tịch xã rút lui âm thầm:
- Một cuộc rút lui không kèn không trống.
Ai đó lên tiếng bình phẩm.
- Mất keo này, bày keo khác. Thằng Quý không chịu thua đâu.
Người khác phản hồi.
- Còn keo với cú gì nữa? Tôi không bênh ông Quảng vì uống rượu ăn cơm nhà ông ấy, nhưng tôi biết mười điều ông ấy nói đúng cả mười. Kể từ ngày dựng vợ gả chồng cho cậu Quý, có bao giờ họ được gắp một miếng nem miếng chạo của nó đem cho?
- Vì nó ỷ là ông ấy hái ra tiền. Con không ỷ vào bố thì ỷ vào ai?
- Làm người chớ nên ỷ vào người khác, dù là con cái hay bố mẹ. Còn đã ỷ lại vào người khác tức là chấp nhận phận ăn bám, thì chớ lên mặt dạy dỗ ai, chớ nên đòi hỏi cái gì ngoài phận sự của mình.
- Nói nghe dễ, nhưng con gái nó mười chín, bây giờ ông Quảng lại
rước một đứa mười tám về làm mẹ ghẻ thì nó chịu sao nổi?
Con cái Mơ đã mười chín rồi à? Nghe mà giật cả mình!
- Ông ngủ mê hay sao? Cậu Quý năm nay bốn mươi mốt rồi còn ít ỏi gì? Ông bà Quảng lấy nhau khi bà ấy mười tám, năm sau đẻ liền con trai.
- Kể ra thì cũng bất tiện. Vợ thằng Quý hoá ra đẻ được cô Ngân.
- Cơm ai người nấy ăn, giường ai người nấy ngủ. Cuộc sống thời bây giờ đổi khác.
- Đổi đến mấy thì những người có liên quan máu mủ vẫn phải ngồi cùng một mâm, nằm dưới một mái ngói. Do đó, khi có sự bất tiện, không tránh được việc nảy sinh mâu thuẫn.
- Theo ông thế nào là bất tiện?
- Bất tiện là sự nghịch mắt, trái với lẽ thường ở đời. Các ông thử hình dung vợ thằng Quý đứng cạnh cô Ngân. Một bên đúng mẹ nái xề, cần cổ trơ xương, vú chảy tới rốn. Bên kia ngồn ngộn như mâm cỗ đầy, ức phẳng như ức chim câu, bắp tay lẳn như bắp ngô, da trắng như trứng gà bóc. Thế mà bắt con mẹ nái xề kia phải gọi mẹ Ngân ơi...thì quá nực cười!...
- Tôi nghĩ rằng con mắt ông xục xạo dòm ngó một cách thái quá. Người ta gọi những kẻ như ông là loại dê xồm.
- Được là dê xồm càng tốt, tôi không từ chối lời ban khen của ông. Nhưng trở lại chuyện nhà ông Quảng, tôi cho rằng thằng cha Quý ghen với bố. Đời thuở nhà ai bố cắn miếng thịt ngọt sớt, con lại phải gặm xương ống, xương đùi? Chính cái nghịch cảnh ấy thiêu đốt tâm can ông chủ tịch.
- Chuyện tầm phào! Cái ngọn lửa thiêu đốt tâm can đứa con trai trưởng chính là gia tài mà nó đinh ninh là kẻ thừa tự. Các ông các bà có thấy từ sau khi đẻ thằng Phú ông chủ tịch nở mặt nở mày từng giờ từng khắc hay không. Cái cú liều chịu kỉ luật đảng hoá ra lại là canh bạc thắng lớn. Bố là Quý con đặt tên là Phú giấc mơ sang giàu không chệch đi đâu được. Bố là con trai trưởng, con là cháu nội đích tôn, bề nào khi ông Quảng khuất núi của nả cũng rơi vào túi nhà nó. Dù bây giờ theo luật trên giấy trắng mực đen thì con cái bình đẳng, bình quyền nhưng thói thường người ta vẫn cứ theo cái luật thời xưa. Nay có một bà mẹ ghẻ mười tám, giấc mơ tiêu thành khói. Chắc chắn là những đứa con khác sẽ ra đời. Cô Ngân có thể đẻ mười hai đứa con trai to như cối đá lỗ. Còn ông Quảng, tuy đã sáu mươi nhưng sức vóc ấy cũng phải cho ra lò dăm sáu đứa rồi mới chịu quy tiên...Hoá ra công liều đẻ đứa con trai của chủ tịch Quý bỗng thành công cốc.
- Ông nói ngang bỏ mẹ! Cô Ngân có đẻ mười thằng con trai nữa thì anh Quý vẫn là con trưởng. Con trai anh ta vẫn cứ là cháu đích tôn.
- A, mọi người bé cái nhầm. Từ thời xửa thời xưa, luật phép cũng đã quay đảo. Đã có luật thì cũng có cái chống luật. Ngay đến ngai vua cũng còn có chuyện truất thái tử lập thế tử huống chi gia sản của thần dân? Luật nào cũng nảy sinh trong bộ óc của con người. Óc liền với tim. Tim đập theo chiều nào, óc quay theo chiều ấy.
- Ờ...ờ...Có lý!
- Tôi chẳng tin! Nói gì thì nói, ai cũng phải nhìn làng nhìn nước mà hành xử. Phép vua thua lệ làng. Từ ngàn năm xưa tổ tiên đã dạy.
- Đời nào cũng có kẻ vừa nhìn làng nhìn nước vừa ngoảnh mặt nhìn ra thiên hạ. Bình thường họ xử theo mọi người, nhưng khi cần thiết họ có thể đạp lên những lời đàm tiếu. Các ông các bà không nhận ra rằng ông Quảng chính là thứ người như vậy hay sao?
- Ờ ờ, ông nói chí phải...
- Bây giờ, còn ai nghi ngờ nữa không? Ai nghi ngờ giơ tay lên cho tiện đếm.
- Hôm nay đâu phải là ngày họp bầu tổ trưởng sản xuất hay kế toán hợp tác mà đòi giơ tay biểu quyết?
- Tôi hỏi lại, có ai nghi ngờ những điều tôi phỏng đoán hay không?
Không ai nghi ngờ, nhưng người ta vẫn ấm ức vì một lẽ gì đó chưa nói ra được. Một thứ cảm tưởng vô cùng khó diễn đạt. Có biết bao ý nghĩ, có biết bao cảm giác lẩn khuất một cách xảo quyệt khiến họ không thể hiểu tường tận, lại càng không đủ khả năng cắt nghĩa. Chỉ một cách là đợi chờ. Câu trả lời sẽ là của thời gian!
Sáng hôm sau, một thiếu niên từ thôn Hạ lên gặp ông Quảng, nói rằng cậu Quỳnh nhờ nó đến lấy quần áo, sách vở, rằng từ nay Quỳnh sẽ sống dưới thôn Hạ với bà ngoại và hai cậu ruột. Láng giềng nghe thấy cô Ngân gọi chồng ra tiếp khách. Câu trả lời của ông Quảng khá sỗ sàng:
- Tôi không biết cậu là con cái nhà ai, lâu nay tôi kiếm ăn dưới tỉnh nên không có dịp qua lại các thôn khác. Vì thế, tôi không thể giao tài sản cho người lạ mặt...Cậu về nói với thằng Quỳnh rằng quần áo, bút sách, đồ đạc riêng tư của nó đều mua bằng tiền trong túi tôi. Nếu nó muốn có những thứ đó thì phải đem đầu đến gặp tôi chứ không nhờ được ai khác.
Đương nhiên là anh chàng thiếu niên kia phải rút lui, không kèn và không trống, theo như lời mô tả của hàng xóm. Buổi chiều hôm ấy, hai người em trai bà Quảng đến gõ cửa nhà anh rể. Có lẽ trong thâm tâm họ run sợ trước ông nên phải hè nhau cùng đi một lượt, hy vọng cái câu ca:
« Hai thằng đánh một chẳng chột cũng què! »
bao giờ cũng chính xác. Lúc đó là giờ bữa cơm chiều nên xóm giềng mượn cách xin muối, xin mỡ đến hóng chuyện nhà ông. Chủ nhân không những niềm nở cho đủ thứ mà còn pha trà mới và chèo kéo khách:
- Nhân tiện có hai cậu em vợ tôi tới chơi, các ông ở lại ăn cơm cho vui.
Lẽ ra chúng tôi đã làm vài chục mâm mời làng mời nước nhưng theo phong tục, phải đợi qua ngày giỗ đầu của mẹ thằng Quý. Cũng chỉ còn già một tháng thôi.
- Ôi, chúng tôi không dám phiền nhiễu thế.
- Chẳng phải các ông phiền nhiễu mà là chính tôi muốn có dịp cùng nâng chén lên hạ chén xuống với nhau. Tiếng là láng giềng liền vườn liền ngõ nhưng quanh năm tôi đi vắng, chỉ mùa đông mới có dịp tụ tập với người cùng xóm trong thôn.
- Vâng, thôi thì ông đã có nhời!...
Người ta chỉ đợi đến lúc ấy để kết thúc màn xã giao muôn thuở, muôn thuở sáo mép và giả dối nhưng không ai dám bỏ đi. Chủ nhân gọi với xuống bếp:
- Dưới nhà vặt thêm cặp gà nữa nhé.
- Dạ, em nghe thấy rồi!
Cô Ngân tức khắc trả lời. Dưới bếp, ngoài cô còn có bà Tư móm, đang tay nem tay chạo xào nấu đồ ăn. Bà là cháu gọi ông Quảng là cậu ruột, năm nay năm mươi chín nhưng vẫn còn trinh. Mẹ bà chết vì thương hàn khi bà tròn mười tuổi. Cha bà nuôi con được hai năm sau cũng chết do lũ cuốn. Mười hai tuổi bà đã nhất quyết ở riêng, không sợ cô đơn, không sợ ma quỷ, không lấy chồng. Làng nước khiếp hãi vì một đứa con gái mới ngần ấy tuổi đã nhất quyết giữ tiền đường để thờ cha cúng mẹ. Người ta bảo bà có số tu tại gia. Dòng họ nội nhà bà cũng đã từng có nhiều người đàn bà sống độc thân theo kiểu ấy, người thì làm chủ miếu, người mở phủ nhảy đồng, người là hộ lý trong những nhà thương làm phúc cho đến chết. Không nghe ai nói về chuyện tình duyên thời son trẻ của bà. Quả thực, bà không phải người có duyên có sắc. Thân hình nhỏ bé, rắn rỏi, gương mặt bình thường nhưng cằm lẹm và miệng hơi móm. Chính mẹ bà gọi yêu là con móm, sau đó thành tên. Bà Tư móm không đẹp nhưng cũng chẳng xấu gái. Môi bà đỏ và mắt sáng như nước, long lanh. Ối kẻ trong làng kém bà dăm bẩy điểm mà vẫn có chồng có con đàng hoàng. Còn bà phải chấp thuận cả một đời hiu quạnh. Phải chăng kiếp trước bà là kẻ đa đoan, lắm chồng nhiều vợ nên kiếp này bà phải trả quả? Hay vong linh các tiền nhân bắt bà phải là gái già để giữ bàn thờ cho dòng tộc, tổ tiên? Không ai tìm được lời giải đáp cuối cùng nhưng trong thâm tâm, họ nể trọng bà. Về phần ông Quảng, ông thương bà một cách đặc biệt. Tuy không nói ra miệng nhưng tất thảy những gì bà Tư có trong tay, từ đồ đạc, vườn tược, bò ngựa cho đến quần áo, kim xuyến đều do ông Quảng tu tạo. Hai người vừa là cậu cháu vừa là bạn thời ấu nhi, rồi sau đó lại cũng là bạn đồng môn. Người ta kể rằng lần đầu xuống tỉnh làm ăn, ông Quảng chỉ mua cho vợ chiếc nhẫn một đồng cân nhưng lại mua cho cháu đôi bông tai hai đồng cân rưỡi. Bà Quảng không dám thở hơi ghen. Biết rõ trong tim ông, cô cháu thiếu nhan sắc kia mới chính là người được tin cẩn và xót xa nhất trên cõi trần, bởi họ bị giằng trói trong một mối liên kết ngoại lệ vừa là tình cốt nhục thâm sâu vừa là sự tương đồng bằng hữu.
Buổi tối đầu tiên ông Quảng dẫn cô Ngân về làng, trong khi tất thảy họ hàng làng nước còn đang tắc họng vì không biết ăn nói xưng hô ra sao, bà Tư móm đã đon đả mời:
- Xin các ông các bà dùng trà xơi bánh. Hôm nay là tiệc ngọt cho mợ Ngân tôi ra mắt láng giềng!...
Rồi bà cao giọng gọi cô Ngân:
- Mợ Ngân hãy dừng tay ra chào hàng xóm. Cứ bỏ đấy cho cháu. Rồi mọi việc khắc xong.
Rõ ràng, thái độ của bà là một sự định danh chính thức, một thứ khẳng định chính thức mà không ai có quyền bắt bẻ. Họ đành tặc lưỡi bảo nhau:
- Ờ, trẻ thì trẻ nhưng theo thứ bậc họ hàng, nó được ngồi chiếu trên.
- Con mẹ Tư móm trung thành với cậu nó thật!
Rút cuộc chẳng còn cách nào hơn là phải chấp nhận người đàn bà lạ hoắc, mới mười tám tuổi ranh kia là cô, là dì, là mợ, là bà trẻ, thậm chí là cụ trẻ theo thứ bậc họ hàng tuy trong bụng chứa đầy ấm ức.
Bữa cơm chiều nay, không hiểu do trời xui hay đất khiến mà bà Tư móm lại đến giúp cô Ngân nấu nướng. Trên nhà chưa cạn ấm trà, bà đã bưng lên một mâm cỗ đầy ngồn ngộn:
- Mời các vị vào chiếu. Mợ cháu tôi dở nồi chè đỗ xanh, ngồi ăn dưới bếp cho tiện.
- Ấy chết, bà xử thế chúng tôi nuốt làm sao nổi...Thời nay dân chủ, bình đẳng bình quyền, đàn bà đàn ông phải ngồi cùng mâm cho vui.
- Cảm ơn các ông, không phải khách khí làm vậy. Hai mợ cháu tôi ở dưới bếp cũng đủ rượu, đủ thịt, đủ món xào món nấu như các ông đây, không thiệt miếng nào.
Nói xong bà te tái xuống bếp, để các thực khách được tự do.
Rồi bữa ăn bắt đầu. Cả sáu người đều im lặng bởi rượu ngon, đồ ăn còn ngon hơn nữa. Quả tình những câu chuyện khó nói không thể nào hoà nhập với một bữa ăn ngon. Chúng phải chờ đến khi tiệc sắp tàn. Khi xương lợn, xương gà, xương cá đã đầy lè quanh mâm, khi rượu ngon đã thấm vào huyết quản khiến con người trở nên hăng hái, hoặc mầu nhiệm hơn nữa, là nhập vào những cơn bốc đồng, lưỡi của họ mới trở nên mềm dẻo, ngôn từ, lý lẽ mới từ các hang hốc trong sọ chui ra. Dường như là hai người em rể của ông Quảng đã chờ rượu ngấm để bắt đầu cuộc sinh sự, cái việc họ cho là trách nhiệm tối cao trước vong linh bà chị vừa chết chưa trọn một năm:
- Cảm ơn bác đã cho chúng em được cơm no rượu say...
Ông thứ nhất bắt đầu:
- Bây giờ, việc ẩm thực đã xong, chúng em xin được cất nhời.
Ông thứ hai hắng giọng nói tiếp.
Chủ nhân cười:
- Các cậu cứ tự nhiên, cổ nhân đã dạy: rượu vào lời ra! Người xưa đã nói vậy, không ít thì nhiều, phải có lý.
- Cháu Quỳnh đang ở nhà bà ngoại, tâm tư đau buồn, bối rối. Không nói bác cũng hiểu nó ra đi vì sao...
- Cậu nhầm, tôi không hiểu. Những thằng trẻ ranh bỏ nhà trốn học có cả trăm lý do, làm sao tôi có thời gian mà lần mò những chuyện trong túi chúng nó.
- Bác là người ăn cơm thiên hạ đã mòn bát mòn đũa mấy chục năm nay. Còn chúng em chỉ là bọn thôn dân quẩn quanh nơi góc vườn, xó núi. Không dám, mà có dám cũng không đủ tài đấu lý với bác. Nhưng quả thực tình cảnh cháu Quỳnh hiện nay làm tất cả gia tộc phải điên đầu.
- Tất cả gia tộc phải điên đầu? Cậu nói thực hay bỡn? Mà gia tộc nhà cậu hay gia tộc bên tôi? Điều đó phải rõ ràng.
- Gia tộc bên ngoại. Trước tiên là bà ngoại. Rồi đến chúng em đây. Người ta vẫn nói:chết cha còn chú, xẩy mẹ bú dì.
- Tôi hiểu rồi!
Ông Quảng cắt lời rồi cất tiếng cười ha hả. Tiếng cười của ông vang khắp năm gian nhà, vọng cả xuống bếp khiến bà Tư móm lẫn cô Ngân phải thò cổ ra nghe:
- Vì xẩy mẹ bú dì mà mẹ thằng Quý, thằng Quỳnh lại không có em gái nên bây giờ các cậu phải đóng thay vai trò đó...Tốt quá, xưa nay tôi chưa từng thấy thứ tình cảm mặn nồng ấy được bộc lộ...Giờ các cậu đã có tâm, xin các cậu cứ việc lo cho cháu...Như thế là các cậu thương tôi, cất đỡ gánh nặng trên vai tôi. Vậy là cháu của các cậu có phúc, bên nội lẫn bên ngoài đều là chỗ tựa. Con người ta mà được cả hai bề, tả phù hữu bật thì số sẽ đỏ như xôi gấc, mạng chắc tựa thành trì. Các cậu càng lo cho cháu được đầy đủ gia đình bên ngoại càng nức tiếng thơm... Tôi nuôi nó ngần ấy năm, xét ra cũng không còn phải ân hận. Giờ, mười sáu tuổi, nó muốn ăn cơm hưởng lộc nhà ngoại cũng là lẽ thường tình. Ai sống trên đời cũng phải có cả cha lẫn mẹ, chẳng bên nào trọng, chẳng bên nào khinh.
Nói đoạn ông quay lại ba vị khách láng giềng:
- Tiện dịp có láng giềng chứng kiến, tôi nhường toàn quyền huynh trưởng cho hai cậu. Kể từ nay, việc học hành, cơm áo, rồi việc dựng vợ gả chồng cho cháu trong tương lai, bà ngoại và hai cậu sẽ đảm đương. Như thế, hẳn thằng Quỳnh sẽ ưng thuận. Mà mẹ nó dưới suối vàng cũng mát ruột mát gan.
Hai ông em rể chưa đối đáp được lời nào, ông đã gọi với xuống bếp:
- Chúng tôi xong bữa rồi, dưới nhà có chè có cháo thì mang lên.
- Có ngay đây cậu.
Bà Tư móm trả lời. Chưa đầy phút sau, mâm chè được bưng lên. Sáu người tiếp tục ăn tráng miệng. Ba ông khách vừa ăn vừa ngóng đòn đánh trả của hai người em vợ với nỗi tò mò xen lẫn cơn tuyệt vọng. Còn hai ông kia cúi mặt húp chè, không dám ngẩng lên. Hẳn món chè không còn ngọt mà đắng ngắt trong họng. Rồi khi món chè chưa kết thúc, ông Quảng đã gọi vợ mới gói bánh kẹo đem về biếu mẹ vợ cũ, vẻ tươi cười thản nhiên đến mức hai người em vợ chỉ có cách cầm gói quà mà chạy cun cút ra khỏi ngõ, không thể bật nổi một câu chào.
Còn lại ba ông láng giềng với chủ nhân, vừa uống nước xỉa răng vừa chuyện vãn. Ở chốn thâm sơn, buổi tối bao giờ cũng tĩnh lặng hơn dưới đồng bằng. Ông Quảng mở chiếc đài Sương mao cho các vị láng giềng nghe ca nhạc. Chừng nửa giờ sau, các bà các cô đã nhộn nhạo tiến vào sân, người vẩy đèn pin, người cầm đuốc:
- Ông Quảng bật cái đài to lên cho chúng tôi nghe nhờ với...
- Nào, bánh kẹo thành phố hết hay còn? Chúng tôi đến kiếm miếng cho ngọt giọng chuyện gẫu đêm nay.
- Bà chủ mới đâu, thắp ngọn đèn lên cho thôn xóm được vui.
Đèn măng-xông lại được treo giữa sân, sáng tưng bừng khắp trên nhà lẫn dưới bếp. Bà Tư móm bưng nồi chè đỗ xanh to như nồi cháo lá đa ngày rằm tháng bẩy ra đãi khách, theo kiểu những bếp ăn tập thể: Một thúng bát lẫn thìa sạch bong đặt ngay trên bàn, ai nấy tự động múc ăn. Khi nồi chè cạn, cô Ngân lại tiếp tục mở những thùng bánh và những hộp kẹo mới. Chốn thôn dã, việc ăn uống vẫn là thủ tục không thể thiếu, dẫu người ta thường dáo dác một cách khinh bỉ:
« Miếng ăn quá khẩu thành tàn... ».
o O o
Những ngày sau đó nối tiếp trôi qua giống như những lớp lang của một tấn tuồng mà người diễn lẫn người xem đều đóng vai dửng dưng một cách vờ vĩnh. Các diễn viên, chắc chắn là những kẻ thương tổn tâm can. Chủ tịch Quý không cam chịu, như mọi người dự đoán. Anh ta đương quyền. Muốn hay không, quyền lực cũng là thứ sức mạnh nhìn thấy rõ ràng tuy không sờ mó được. Với danh nghĩa chủ tịch, anh ta có thể huy động dễ dàng những kẻ dưới trướng như công an trưởng, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên.. Thêm nữa, có một thứ quyền lực vô danh vô diện vô hình nhưng ai cũng cảm được, ngửi được, ấy là thứ sức mạnh của thói đời....Quý tin vào sức mạnh ấy cũng ngang ngửa như anh tin vào con triện của chính quyền xã, thứ bửu bối mà anh ta đang giữ khư khư trong tay.
Trước hết, Quý phải hiệp đồng với đứa em út, bởi cuộc chiến đấu nào cũng cần lực lượng. Lực lượng càng hùng hậu, thắng lợi càng gần tầm tay. Trong cuộc đấu này, đồng minh đáng tin cậy nhất chính là anh em ruột. « Anh em như thể chân tay, vợ chồng như áo cổi thay qua lần... ». Xưa nay, Quý và Quỳnh ít quyến luyến nhau, phần vì sự cách biệt tuổi tác, phần Quý vẫn ngầm cảm thấy cha mẹ yêu đứa em út hơn anh ta và anh ta sẽ có nguy cơ không được thừa hưởng phần lớn gia tài nếu gã em trai nửa ngơ dại, nửa lẳng tình này thành đạt. Theo thói thường, đứa con út có quyền thế trưởng nếu bố mẹ đồng lòng ưng thuận, một khi con trưởng có những khiếm khuyết về năng lực, tư cách hoặc từ thuở lọt lòng đã mang sẵn những sa sút về trí não. Ông chủ tịch không cảm thấy bị đe doạ vì mình thiểu năng, nhưng chính sự khôn ngoan lọc lõi của ông có thể lại là con dao hai lưỡi, có khả năng quay ngược lại mà « sát chủ ». Bây giờ, sự xuất hiện của cái « con đĩ áo xanh tự nơi nảo nơi nao mò đến» chính là cơ hội để anh ta thử lòng đứa em, thu phục nó và biến nó trở thành cánh tay đắc lực của mình, điều anh ta đã làm với hầu hết những đối thủ trong Xóm Tiều Phu kể từ ngày được bổ nhiệm làm chủ tịch xã.
Về phần Quỳnh, mọi sự hoàn toàn trái ngược. Cậu em trai được chiều chuộng, đang còn ở tuổi trăng gió mải ăn mải chơi nên chưa nghĩ đến sự đời. Đôi khi, thiên hạ có thẽ thọt hỏi:
- Mai đây, nhà cao cửa rộng sẽ về tay ai?
Quỳnh chỉ cười đáp:
- Hôm qua, hôm nay, và ngày mai đều thuộc về cha tôi hết.
Nếu người ta có gặng:
- Chẳng nhẽ ông bà Quảng chưa hề có ý định làm di chúc hay sao?
Cậu ta liền đỏ mặt, gân cổ đáp:
- Bố mẹ tôi còn vật đổ trâu, cớ gì phải làm di chúc?
Sau đó, không ai có thể cậy mồm anh chàng được nữa. Công bằng mà nói, Quỳnh tốt bụng, chỉ có điều ham chơi và ngại việc. Từ thuở lọt lòng đến khi mẹ chết, Quỳnh chẳng nghĩ ngợi gì. Mọi sự đã có người chở che, lo lắng. Ngay đến cái chết giữa đường của bà mẹ, trong khi cậu ta bỏ nhà đi chơi ngủ lại xã bên, giá như người khác, ắt phải tự vò xé tâm can, nỗi ân hận ám ảnh đến mất ăn mất ngủ. Đằng này, anh chàng chẳng mảy may hoảng hốt. Khi bị họ hàng quở trách, cậu ta rầu rĩ mất vài giờ rồi sau đó đến bữa ăn lại đánh thẳng da bụng, chùng da lưng. Rồi tối đến, lại chổng cu lên mà ngủ. Y hệt đứa bé lên ba. Họ hàng nói mãi cũng chán miệng, phàn nàn với ông Quảng, ông chỉ cười cười:
- Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tôi biết làm sao? Nhà này chỉ có hai đứa sinh đôi là lo ăn, lo làm lại biết tính trước tính sau. Nhưng chúng nó đã đầu quân cùng một buổi...
Rồi ông buông tiếng thở dài, và mắt ông dâng lên nỗi buồn mà mọi gia đình có con tại ngũ đều thấu hiểu.
« Thời ly loạn, nước mắt rơi như suối.
Cỏ mọc trong vườn, sông vắng chuyến đò sang. »
Đôi người phụ hoạ với ông:
- Cảnh nhà tôi cũng thế, đứa khôn bỏ ra mặt trận hết...Còn lại ở nhà không thằng đụn rạ thì cũng đấm đơ.
- Cứ gì chúng ta! Mọi nơi đều thế cả. Nước non là nước non chung. Chiến tranh đã tới, không cánh cửa nhà ai không bị gió đập.
Người ta cho ông Quảng là người bố vị tha, dễ tính. Người ta cũng cho rằng cậu út Quỳnh có lớn mà không có khôn; tuy chẳng đến nỗi đấm đơ nhưng chắc chắn không phải là gã trai đàng hoàng, biết ăn ở một cách chỉn chu, biết phận sự của mình đối với gia đình cũng như xã tắc. Riêng chỉ có việc cắp sách đến trường cậu ta cũng đã làm khổ bà mẹ bao nhiêu lần....
Vậy mà không hiểu vì sao cái gã đoảng vị, vô tâm, dấm dớ ấy lại bỏ nhà ra đi ngay hôm đầu, khi xuất hiện người mẹ kế trẻ. Có lẽ, đó là nỗi băn khoăn lớn nhất của xóm giềng, và trước hết, của ông chủ tịch xã. Anh ta lặn lội xuống thôn Hạ tìm hiểu căn duyên. Không cần lâu la, hai ngày sau người làng đã biết rằng cậu út Quỳnh phải lòng bà mẹ kế. Ngay phút đầu tiên khi cô Ngân đặt chân vào nhà, chàng trai đã chết lặng đi vì vẻ đẹp xiêu đình đổ quán của cô gái áo xanh kia; và trong trí tưởng tượng nó nghĩ rằng cô là người vợ mà trời đất dẫn đến cho chính nó, bởi « gái hơn hai trai hơn một », cô Ngân với nó vừa xoẳn cái công thức vàng cho hôn nhân, cái công thức đã được thử thách qua hàng ngàn năm...Chắc chắn cơn mộng tưởng được xây cất trong chớp nhoáng rồi tức khắc đổ vỡ. Tất cả tấn bi kịch trong lòng chàng trai xảy ra vẻn vẹn trong vòng nửa ngày trời. Từ buổi sáng chiếc xe ngựa của ông Quảng đưa cô dâu mới về làng cho tới lúc nhập nhoạng mặt người, khi nó lẳng lặng bỏ nhà xuống thôn Hạ...
Chuyện con trai mê vợ kế của bố xưa nay không hiếm, trong những trường hợp như thế người ta vẫn thường kết án người đàn bà lẳng lơ đĩ thoã « quân vô luân vô loài, chài cả bố lẫn con ». Sỉ nhục người đàn bà là sự dễ làm nhất, nó khiến đám đông hả dạ, dẫu rằng trong đám đông ấy phần lớn lại chính là đàn bà. Tuy nhiên, đối mặt với tấn kịch của cậu út Quỳnh, dân làng ngần ngại không dám chửi « con đĩ thị thành vô loài vô luân muốn ngủ một lần với cả thằng con lẫn ông bố! ».Trước hết, bởi cô Ngân vừa về làng được nửa ngày, dù có đĩ cũng chưa đủ thời gian hành nghề quyến rũ. Điều thứ hai, và điều này quan trọng hơn: ông Quảng đứng sừng sững bên cạnh cô Ngân. Có nói hay không người ta cũng ngầm hiểu: Lão già lọc lõi ấy không ngán ai bao giờ.
Bởi thế nên khi ông chủ tịch tung câu chuyện cậu út Quỳnh mê cô Ngân khắp xóm cùng thôn, nó cũng chỉ kích động được những nhóm người đang cần xin con dấu cho một bản sao lý lịch, hoặc giấy chứng nhận khai sinh, kết hôn, khai tử. Mà ngay những người này, cũng chỉ dám nịnh nọt cho qua chuyện còn sau đó tìm cách lảng mặt Quý:
- Đừng chọc mồm vào chuyện nhà người ta!...Lôi thôi đá củ đậu nó ghè vỡ sọ.
Dân Xóm Tiều Phu bảo nhau lấy chỉ khâu thật chặt hai mép lại. Nhưng trên đời, mọi sự « tự bảo nhau » hay là « tự nhủ » chỉ là phương thức trốn tránh hay thoái thác sự thực mà thôi. Giống như những đứa trẻ càng sợ ma thì càng thích nghe kể chuyện ma, người ta càng làm ra vẻ vô tư thì trong bụng càng sôi sục tò mò lẫn đố kị. Có cố nhịn chăng nữa, cũng chỉ được hai mươi bốn giờ...Sau đấy, người ta lại kháo nhau rành rẽ đã mấy lần ông chủ tịch đến tìm cậu em, họ nói với nhau những gì, sau rốt ông anh cả chửi cậu em út là:
« Đồ cù lần, đồ đụn rạ, cơm chẳng muốn ăn, bỗng dưng bưng bát cứt mà và... ».
Người ta cho rằng cậu út vốn tính hiền lành, nhả nhớt, vừa sợ cha, vừa xấu hổ vì mê mẹ kế như điếu đổ nên anh xui khôn xui dại gì cũng cứ một mực lắc đầu:
« Em chịu thôi, làm như thế trời bắt tội chết! ».
Như vậy mưu kế liên minh của Quý thất bại trăm phần trăm. Kể từ nay, cuộc chiến sống mái này chỉ còn lại mình anh ta giữ một bên trận tuyến.
Lúc ấy, đã là những ngày cuối cùng của năm cũ, nhà nhà đều chuẩn bị đón tất niên. Năm nay, ắt hẳn Tết phải to vì năm ngoái trời quá rét nên hầu như chẳng còn ra vẻ Tết. Ai cũng chờ đợi sự bù trả của trời đất để có được một dịp vui vẻ, hội hè. Bãi đất đầu thôn Thượng đã dọn sạch, đào sẵn lỗ cắm cọc chuẩn bị cho cuộc thi cờ. Bên cạnh đó người ta cũng sẵn sàng cho các trò chọi gà, thả chim. Năm nay, dưới huyện đăng cai cuộc thi chọi trâu nên dân Xóm Núi cũng cử người xuống dự. Dẫu đang bầm gan tím ruột, chủ tịch Quý cũng phải lo đi mời đội chèo về diễn đêm tất niên, bởi món ăn tinh thần là một trong những điểm quan trọng người ta vẫn nhìn vào mà đánh giá năng lực các quan chức xã. Mờ sáng ngày hai mươi tám, chủ tịch rủ cô Vui cùng xuống huyện, lo việc tổ chức đêm liên hoan. Ở dưới đó, anh ta sai cô bí thư chi đoàn:
« Cô đi dò cho ra tung tích con Ngân, còn những việc khác, một tay tôi lo được. ».
Thế là theo công thức: nhất cử lưỡng tiện, cuộc xuống núi này hoá ra để vừa lo việc nước việc làng, vừa giải quyết mối thù nghịch riêng tư, quả là con tính hoàn hảo.
Phần cô bí thư chi đoàn, vừa chấp hành mệnh lệnh cấp trên, lệnh của chủ tịch lẫn phó bí thư chi bộ xã, lại vừa có dịp thoả thích nỗi tò mò mà ở địa vị một cô gái không chồng, cô phải che đậy cho thật kĩ, một thứ che đậy công phu như người ta nút cho chặt một hũ mắm đã trở mùi. Trong tâm trạng háo hức như vậy, cô không ngại ngần trổ hết tài thao lược vốn sẵn có ở một người luôn luôn đóng vai gia chủ. Nếu nói: Mạnh vì gạo bạo vì tiền, thì cô là con người có quyền mạnh bạo hơn hẳn nhiều người đàn bà khác. Thế nên, sau khi chia tay ông chủ tịch, cô chạy tuột xuống công trường tỉnh, nơi ông Quảng là một trong ba ông xếp uy tín nhất của đám thợ nề, thợ mộc; cũng lại là nơi ông đã gặp cô Ngân. Vui tin chắc rằng mọi đầu dây mối nhợ là ở đấy.
Cô không lầm, chỉ trong nửa ngày cô đã thâu tóm được toàn bộ tình sử của cặp vợ chồng tuổi tác khập khiễng kia. Qua buổi trưa, cô dúi tiền vào túi một tay lái xe công trường:
- Đồng chí cho nhờ một chuyến Hà Tây. Tôi cần giải quyết việc khẩn cấp của gia đình.
Lái xe khật khưỡng đáp:
- Trên nguyên tắc, chúng tôi không có quyền cho người ngoài công trường leo lên xe...
Nhưng nói xong, anh ta cũng khật khưỡng thọc hai tay vào túi, mồm chẩu ra huýt sáo. Trong chiếc túi áo bảo hộ lao động thùng thình, chắc chắn anh ta đã nắn kĩ chiếc phong bì cô Vui tuồn vào, định giá nó một cách chính xác. Khi câu nhạc chấm dứt, anh ta liền hất hàm bảo phụ xe:
- Ra phía sau đi thằng nhóc.
Thằng nhóc phụ xe vọt ra phía thùng xe tức khắc, ở đó nó ngồi kẹt giữa những chồng bao xi-măng và những bè gỗ cốp-pha mà nói dại, nếu xảy ra va lắc đột ngột hay đụng xe khác, chắc chắn nó sẽ bị đè bẹp như con gián dưới những chồng cốp-pha khổng lồ kia.
Khi cậu phụ lái yên tâm hạ tấm vải bạt xuống rồi, lái xe quay lại tặc lưỡi bảo cô Vui:
- Thôi được, nếu đồng chí đã có việc khẩn cấp trong gia đình... Lên xe đi...
Cô Vui leo lên ca-bin, chĩnh chện ngồi cạnh anh chàng lái xe, một gã trai đen thủi đen thui nhưng còm nhom như con nhái. Với vẻ hùng dũng như thế, cô đã đi tới tận làng Khoai, xã Hưng Mỹ, tỉnh Hà Tây, để: Tìm cho được cái tổ con chuồn chuồn....
Tối hôm đó, chủ tịch Quý về xã nhưng cô Vui còn phải ngủ trọ nơi đất khách để hoàn thành cái sứ mạng mà ông chủ tịch đã giao phó. Sẩm chiều hai mươi chín mới thấy cô trở về, mặt tươi như hoa, vai vác một túi đầy hàng Tết. Chủ tịch Quý đứng đón cô ngay lối vào thôn Trung:
- Thế nào?
- Chuyện đâu có đó. Cứ bình tĩnh.
- Hôm nay cô lên mặt gớm nhỉ.
- Không lên mặt, nhưng tiền tàu xe lẫn quán trọ đã hết cả tạ thóc rồi đấy, ông anh ạ.
- Tôi khắc đền.
- Cả đời, con Vui này chưa từng nhận tiền đền của ai.
Cô bí thư chi đoàn xã đáp với giọng chắc nịch của người lúc nào cũng nặng hầu bao. Quý định vác giúp cô Vui bó hàng tết vào nhà nhưng sực nhớ ra rằng điều đó là lố bịch, không khéo ai nhìn thấy người ta lại cười cho thối mũi, anh ta liền lẽo đẽo đi theo cô gái. Chắc hẳn đọc rõ vẻ bồn chồn trên mặt Quý, Vui liền cao giọng quát:
- Anh về đi. Chuyện để đến mai đến kia chưa thối. Giờ đã sắp ba mươi tết rồi, em còn phải lo thu dọn cửa nhà, chuẩn bị bàn thờ ngày mai cúng giỗ. Vả lại, còn phải đun nước tắm gội nữa chứ. Hai ngày đi đường, ăn nhờ ở đậu, bẩn thỉu ngứa ngáy như điên, bụi đen kịt lỗ mũi, sờ lên tóc nhám như mùn cưa.
- Ờ ờ...thôi thì tôi về vậy. Mai cô đi xem chèo chứ?
- Đương nhiên. Cả năm có một lần, ai dại mà bỏ?
Đỉnh Cao Chói Lọi Đỉnh Cao Chói Lọi - Dương Thu Hương Đỉnh Cao Chói Lọi