Số lần đọc/download: 3336 / 158
Cập nhật: 2015-08-14 04:32:05 +0700
Chương 15
Đ
ầu 1960 tôi theo Cụ ra Móng Cái. Bọn tôi - Đinh Đăng Định, nhiếp ảnh viên theo sát Cụ, hai anh bảo vệ và tôi - đi lối Mông Dương, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối.
Cụ đi máy bay lên thẳng do phi công Liên Xô lái - vừa lái vừa vực phi công ta. Vừa trên máy bay xuống, Cụ ra thẳng nơi mít tinh. Sau mít tinh, kéo chúng tôi lượn phố. Thăm xưởng gốm, trường học, lớp vỡ lòng lít nhít. Viết lên bảng đen chữ nhân Trung Quốc rồi hỏi bằng tiếng Tàu bản địa, tức tiếng Ngái (hay Khách Gia gốc gác tỉnh An Huy mà ta gọi lan sang tất cả người Tàu là chú Khách:
- Trây sấn mà chề? Đây là chữ gì…?
Đi một đoạn ngắn dọc sông Ka Long, sắp đến cầu Bắc Luân, Cụ chỉ vào một ngôi nhà phía bên kia đường nói với tôi đi bên cạnh:
- Ở nhà này ngày xưa có một chị bí thư chi bộ.
Tôi ngợ ngay. Có quan hệ tình cảm gì với Bác? Thầm mong là có. Đồng thời nghĩ: Thế ra Cụ đã từng ở Móng Cái? Năm nào? Chị bí thư kia phải là của chi bộ Đảng cộng sản Trung Quốc? Vì đến 1930 mới lập Đảng cộng sản Việt Nam. Cụ qua đây bao giờ? Dạo đến Macao thống nhất Đảng? Bao nhiêu thắc mắc nhưng không dám hỏi. Một chi tiết nữa: không như ở nơi khác, tại sao đến đây Cụ đi chơi phố nhiều thế? Xem vẻ Cụ có đặc biệt với Móng Cái hơn? Khéo đã ở đây thật?
Ông Cụ rẽ lên cầu Bắc Luân. Đến giữa cầu có một vạch sơn đỏ cắt giữa cầu. Hoàng Chính, bí thư Quảng Ninh nói:
- Thưa Bác, đến đây hết địa phận nước ta. Sang bên đó phải có giấy ạ.
- Bác không cần giấy, miệng nói chân xăm xăm bước sang đất Trung Quốc. Bọn tôi năm sáu người theo sau.
Lúc đó không dám vượt biên sang Trung Quốc, sau này Hoàng Chính lại bị tù vì "thân Trung Quốc".
Cụ bảo hai công an Trung Quốc ở đầu cầu bên kia gọi huyện uỷ Đông Hưng ra gặp Hú puổ puồ (Hồ bá bá rồi ngồi phệt xuống vệ đường lượn thoai thoải ở chân cầu. Loáng sau, một xe đầy phè huyện uỷ Đông Hưng phóng như bay ra. Ông Cụ bảo tôi:
- Bác hỏi kinh nghiệm nông nghiệp, họ nói sao, chú ghi lại cho Bác.
Trưa, Vũ Kỳ, Nguyễn Chánh, Nhữ Thế Bảo, bác sĩ riêng của Bác, Đinh Đăng Định nhiếp ảnh gia và tôi sang Đông Hưng, cái thị trấn mọi nhà im ỉm đóng. Dân đi lao động ở đồng ruộng hết. Vào vườn hoa có mỗi con gấu đói lờ đờ ngủ gật. Nguyễn Chánh kể một hôm qua một cây cầu gỗ bập bênh, Bác bị đầu ván cầu quật phải chân bong mất móng ngón cái.
Bác hỏi bảo vệ đi cùng ai có thuốc lào cho một nắm, nhất định không thuốc đỏ thuốc đen gì. Miệng nói cái móng này nó chết từ 1924, nay mới chịu rời Bác đây. Ngày ấy Cụ xếp hàng cả ngày chờ vào viếng Lê-nin mà không ủng không bít tất len, chân lạnh quá xưng tấy lên và chết mất một cái móng…
Một ai đó nghe xong hỏi, hơi bất bình:
- Sao? Đệ tam đâu? Bác là nhân vật quan trọng của Quốc tế mà lại thế?
Không ai, cả tôi, biết lãnh tụ ta mới đến Nga xin vào học trường dạy làm cách mạng…
Xẩm tối hôm sau Cụ về Hà Nội. Chúng tôi ra sân bay tiễn.
Trong bóng tối lờ mờ xứ địa đầu, chiếc máy bay lên thẳng bé như một chiếc lồng chim quý mà các kính cửa lấp loá như nước trong cóng sứ. Sắp lên máy bay, Cụ dừng lại hỏi tôi:
- Có muốn về với cô ấy không? Tối thứ bảy mà. Muốn về Bác cho bám càng này… Nào!
Cười thú vị quặp can vào nách lên máy bay, hai tai lồng bồng trắng hai cục bông to tướng…
Ít lâu sau đi Lạng Sơn.
Chúng tôi lên chiều hôm trước. Tinh mơ sau, ra sân bay đón thì được cấp báo thời tiết xấu, Bác lên đường bộ. Chúng tôi bèn quay ngay ra Đường 1. Một trung đoàn lập tức được rải ra từ Bắc Giang lên thị xã Lạng Sơn.
Khoảng tám giờ sáng, Cụ đến tỉnh uỷ. Vừa đặt chân lên hiên văn phòng, Cụ hỏi luôn "có được điện báo không? Đồng bào đâu?"
- Dạ, đồng bào ở sân vận động, - Bí thư tỉnh nói.
- Sao không cho đồng bào tạm giải tán? (Giọng bắt đầu gắt, mặt nhăn lại. Đồng bào còn phải ăn phải nghỉ chứ?
- Dạ thưa Bác đã chuẩn bị đủ cả.
- Nhưng còn ỉa đái? (Giọng sẵng bẳn hẳn lên. Thôi đi…
Bụi đỏ trên trán lăn nhanh xuống má, vào chòm râu như những sinh vật, những dã tràng đỏ sợ hãi lẩn trốn, tôi thầm nghĩ. Tay Cụ vơ lấy chiếc khăn mặt ướt Vũ Kỳ vừa nhúng vào thau nước vẫn chờ cạnh đó lau vội một vòng lên mặt rồi vội vã đi ra sân vận động.
Trên lễ đài ván gỗ rất rộng mới dựng, đúng ba người: Cụ, Chu Văn Tấn và tôi lui lại đằng sau. Cụ đằng trước đầy kín bà con ở toàn tỉnh vượt núi non sông suối về. Tôi chợt thấy từ ngày 7-3-1946 đến nay, mười bốn năm trời, về khoảng cách không gian, tôi chỉ gần Cụ hơn có một bước hợp pháp so với cậu thiếu niên lần đầu tiên ở sau Cụ là tôi. Hôm ấy Hải Rỗ Bát Đàn và tôi leo hông Nhà hát lớn vào đứng ngay sau lưng Cụ đang ở ban công giải thích Hiệp định 6 tháng 3 với nhân dân Hà Nội mít tinh kín quảng trường bên dưới. Quân Pháp sẽ vào Hà Nội. Nhiều người thắc mắc, thậm chí phản đối Cụ ký. Thép Mới sau này bảo tôi, Trần Huy Liệu lúc ấy nói với Cụ rằng sợ ăn cứt như Câu Tiễn cũng không được độc lập… Cụ giơ một tay lên hạ mạnh xuống như chém không khí nói: "Hồ Chí Minh chết thì chết chứ không bán nước!". Cánh tay kia cầm chiếc can và chiếc mũ cát kaki buông thõng bên người nom tự nhiên côi cút lạ lùng. Tôi cảm thấy có nước mắt nghẹn ngào trong tiếng nói trọ trẹ thoáng run run của Ông Cụ.
Bây giờ trên lễ đài này, tôi hết cảm giác ấy. Dân nay là con, cha già là Bác. Và tôi cảm động, cho đó là xoay vần tất nhiên theo tiến bộ của cách mạng. Giữa chừng mít tinh, trời thình lình đổ mưa sầm sập rất to. Chu Văn Tấn xòe ô ra che cho Cụ. Cụ gạt đi. Tấn lại dấn ô vào. Cụ hơi gắt: "Còn đồng bào". Tấn giậm mạnh chân, cao giọng lại:
- Bác khác!
Nhưng phải giải tán.
Xuống khỏi lễ đài ra cửa sân vận động thì mưa tạnh. Xe lăn bánh liền phải dừng lại: dân nhao nhao xúm đến đen đặc quanh xe. Mấy anh bảo vệ và tôi leo lên nắp mũi xe, tựa vào kính chắn gió, lấy tay lấy chân khoả gạt người ra rẽ lối. Tôi ngoái lại sau: Cụ chống can hơi chúi đầu về trước, con mắt lo lắng, bồn chồn. Cụ sợ đồng bào xéo lên nhau chết như dạo ở Thái Bình? Hay Cụ sợ một quả lựu đạn phát nổ? Nhìn Cụ tôi bất giác nghĩ tới khả năng ấy. Và chợt gặp lại vẻ côi cút ở cánh tay Cụ buông thõng cầm mũ và can, cái ngày mới độc lập chừng sáu tháng, dân còn được coi như bố mẹ đang xét nét đứa con lưu vong lâu quá mới trở về. Lần này là côi cút trong mắt Cụ.
Nay viết đến đây, tôi bỗng thấy Chu Văn Tấn quá tiên tri. "Bác khác!". Đúng, Bác bị Đảng coi là chống Trung Quốc còn Chu Văn Tấn thì bị đảng nghi là thân Bắc Kinh.
Chuyến đi Mỹ Đức, Ứng Hoà - Hà Đông hoàn toàn "đột kích". Xe vừa ra khỏi Cổng Đỏ rẽ lên Hoàng Hoa Thám, Vũ Kỳ cười bảo:
- Hôm nay cánh bảo vệ rông đi tìm Bác phải biết đây.
Cụ đi bộ rất nhanh. Phải rảo cẳng mới kịp Cụ. Đảo hết khoanh đồng này sang khoanh đồng kia. Đang cữ làm cỏ, tát nước. Những tràn ruộng đang phơi ải. Cụ tát nước với một tổ đổi công. Mới chỉ mon men làm thử vài điểm hợp tác xã. Đằng xa xanh thẳm một nền truyền kỳ dãy núi Chùa Hương.
- Mỹ Đức, Ứng Hoà là gì? - Cụ hỏi bà con rồi nói luôn. - Là sống tốt, đoàn kết tốt, lao động tốt.
Xe quay đầu về. Dân tíu tít chạy theo đen ngòm chân đê, sườn đê, mặt đê, các tràn ruộng…
Chợt tôi khựng người. Trên một thửa ruộng ải, Trần Châu tay sổ, tay nhặt dép tụt đang ngửng lên cười. Cười với một cái gì rạng rỡ ở cao hơn nữa, ở xa hơn nữa. Tôi né vào sau Vũ Kỳ và Vũ Đường, Chủ tịch Hà Đông đang mải trêu Cục trưởng bảo vệ Kháng "hai phòng" ngồi cạnh lái xe.
Cái trật tự, tôi (Trần Đĩnh là em trên xe với lãnh tụ, còn anh (Trần Châu dưới đất với dân thế này tôi thấy khó coi quá. Sau đó, Châu bảo mình đang ở huyện, anh em huyện uỷ chạy ra mình cũng ra thì thấy Đĩnh, mình cười là muốn cho Đĩnh biết mình đã trông thấy. À, ra thế, tôi nhẹ hẳn người. Cứ thấy anh ngước lên một cái gì rất cao mà cười.
Lần đi thăm gang thép Thái Nguyên, tôi mới đối mặt Lim, người tôi luôn nghe thấy dính đến tính mạng bố của Hồng Linh. Lúc này Lim là đảng uỷ viên phụ trách bảo vệ ở khu gang thép. Trong các cuộc đón tiếp Cụ, tôi thường vào một góc kín ngồi. Nguyễn Khai, Chánh văn phòng trung ương, trung ương uỷ viên lặng lẽ đến đặt một vại bia trước mặt tôi.
Thấy thế, Lim đến mời tôi ra ngồi chỗ quan khách. Bảy năm trước Lim bắn "phát ân huệ" cụ Cử Cáp cũng ở Thái Nguyên, đôi bốt lục phục ở chân như một lệ bộ khiến người đi nó được phép nổ súng vào ai cũng được. Hôm nay bất giác tôi tránh nhìn mặt ông. Thì nhìn phải bàn tay: cái vật thể cuối cùng mà chắc bố Linh trông thấy trong giây phút cuối cùng!
Tôi vụt ngỡ như cách bao nhiêu năm mắt hai bố con đã gặp nhau ở cùng một điểm: bàn tay, nó đang long trọng mời yên vị một người và đã lạnh lùng xoá mạng một người.
Tôi lảng ra hè. Cả một vùng rộng bao la trước mặt, phu phen đào bới, gồng gánh, cuốc xúc và những cỗ xe ủi chạy nhớn nhác… Một tổ kiến bận rộn gậm nhấm cho thành khu gang thép. Chợt nhớ ai nói Trần Dần, Lê Đạt đang lao động cải tạo trên này… Thì cũng chợt thấy chẳng nên tin cái người dạo nào trên xe lửa liên vận nói "anh Lim lấy búa bổ vào đầu bố Hồng Linh". Tin thì làm gì? Và làm được cái gì? Phân vân kèm một cảm giác khó chịu. Nhưng nay cần nói thêm là các thứ lúc ấy rút lại cũng chỉ cốt để bảo vệ uy tín đảng!
Sau bữa cơm trưa, thấy Cụ quần áo cánh nâu đi vòng ra sau dẫy nhà tranh đến rặng chuối thay hàng rào, tôi đi theo.
Cụ thuốc lá ngậm miệng, tay vén ống quần lên đái. Thấy tôi gần như ở ngay bên, cụ quay ngoắt lại hỏi, điếu thuốc khẽ lật bật ở môi:
- Người ta đái cũng theo à?
- Không ạ, cháu…
- Thế đứng sát vào người ta nhòm gì?
Câu tra hỏi đùa bơn đã đóng một dấu ấn phơi phới vào quan hệ bác cháu. Lúc Cụ quay người lại để đùa với tôi, tôi theo bản năng đã có một động tác không thể tránh khỏi: liếc nhanh vào chỗ kia của Cụ. Và chỉ thấy vùng ấy hơi tôi tối - nâu nâu hay hồng hồng? Ô, cũng như mọi người?
Chiều ấy, khoảng bốn giờ về tới Chủ tịch phủ, tha thẩn ở sân chờ lấy xe đạp gửi các chú lính gác, tôi bất thần nhớ tới Xuân, cô "con gái nuôi của Bác". Hỏi mấy người đứng tuổi nom có vẻ quen từ trên rừng. A, cô Xuân ấy hả? - Lấy chồng rồi. Chồng lái xe. Nhưng chết rồi! - Ố, sao trẻ thế mà chết? - Về quê Cao Bằng bị ô tô đè… - Khổ, sao lại thế! Tôi bàng hoàng kêu lên. Lúc ấy chưa biết các tình tiết đồn quanh cái chết tang thương này.
Đôi mắt bừng bừng nhìn tôi hôm nào khi Xuân đứng cạnh Cụ, đôi mắt như dứ bảo tôi "em giới thiệu anh với Bác nhé?" bỗng hiện lên lại rành rành, nguyên vẹn ánh long lanh vì sung sướng, vì được khoe, vì được chòng ghẹo. Và bàn tay mềm tôi nắm dắt lên bờ suối cao trơn. Khác là đằng sau con mắt ấy hiện nay là toà nhà Phủ Chủ tịch chứ không phải gian nhà ăn tre nứa trống tuềnh toàng…
Cái chết của cô gái ba mươi tuổi hồng nhan bạc mệnh khiến tôi thấy chả cần viết tắt tên là X. như trên kia nữa.
Tôi lấy chiếc xe Diamant Đông Đức mua bằng tất cả tiền nhuận bút tiểu sử Hồ Chí Minh. Các chú lính đem xe ra nghịch làm tuột hết bộ tăng tốc độ. Tôi phải dắt bộ đến tận vườn hoa Hàng Đậu mới có một cửa hàng chữa xe đạp. Hà Nội bắt đầu xua dẹp tiểu thương, tiểu thủ công, mầm mống của chủ nghĩa tư bản.
Phải nói chiều ấy tự nhiên buồn khó tả. Những ngẫu hợp kỳ quặc. Tối đó lúc đi qua cột đồng hồ Bờ Hồ, tôi đã chậm chân lại nghe tiếp âm Đài phát thanh Bắc Kinh.
Lúc bấy giờ ta cho hai ông anh trong phe tiếp âm, Bờ Hồ có thể nói là tổng phát hành của hai đài. Dân có thú giải trí duy nhất rẻ và mát là ra ngồi nghe hai ông anh tự khen tài giỏi rồi bắt đầu chửi nhau…
Tối nay cái giọng mũi rất khê, rất trịch thượng ta đây của Đài Bắc Kinh chợt đập khác thường vào tai tôi. Nó đang đọc xã luận kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lê-nin: Chủ nghĩa Lê-nin muôn năm của Trần Bá Đạt, phát pháo đầu tiên công khai chửi Khruschev và Liên Xô phản bội người thày, người cha của cách mạng vô sản thế giới.
Trước động đất lớn, giống vật thường biết trước và bồn chồn lo lắng. Tôi lại bực mình. Không biết chừng cùng với bài viết lẫy lừng này, Trần Bá
Đạt còn xếp cả Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, gần hết Bộ chính trị và các nguyên soái vào sọt "xét lại" để trừ khử. Và ngay lúc ấy cũng đã xếp loại cả xét lại ở Việt Nam. Bản thân họ Trần thì không biết mười lăm năm sau ông ra toà nghe án chết. Bài học điên đảo này hình như ít người thấy và coi trọng.
Ít hôm sau, đọc báo Pháp, thấy viết: đầu năm 1960, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lê-nin, Trung Quốc mở màn phê phán toàn diện Liên Xô. Nhưng Trung Quốc rất cô lập, ở châu Âu chỉ có Anbani ủng hộ, ở châu Á chẳng có ai, Mao Trạch Đông đang nghĩ kéo Việt Nam. "Có mà kéo được khối". Tôi lẩm bẩm nói một mình và nghĩ đến cái lá chắn vững vàng là Cụ Hồ.
Báo Le Monde Pháp vẽ một tranh châm biếm cảnh Xô-Trung chửi nhau trên thế giới: Marx râu xồm phất cờ kêu gọi "Vô sản toàn thế giới buông rời nhau ra!", bên dưới vô sản chạy tung tóe đi bốn phương như kiến vỡ tổ.
Bức tranh quá hay, nó khiến tôi phải tự hỏi: "Sao họ tinh quái biết moi chỗ vô sản khinh ghét nhau thế này ra thể hiện mà Đảng thì không biết? Nên tối đến, Đảng vẫn mở cho dân ngồi Bờ Hồ nghe đài hai ông anh túm lấy nhau chửi bới hết ruột hết gan vô sản!"
Rồi đọc Karl Popper bác bỏ chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-xít trong một hội thảo từ 1937 thì nhận ra chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx chính là thứ thuốc mê gây ảo tưởng chủ quan, lạc quan tếu, viển vông nhất vì người ta ngỡ có nó thì người ta nắm được quy luật đi lên của xã hội. Ôi thôi! đã nắm được gáy tiến hoá rồi thì chả cái gì làm niềm tin lung lay được nữa. Một dạng thuốc lú sao?
Từ cuối tháng 5 đầu tháng 7, tôi phải đọc biên bản một số đại hội đảng bộ các tỉnh, rút lấy các vấn đề chính rồi tập hợp lại báo cáo với Lê Duẩn đang chuẩn bị gấp Đại hội toàn quốc lần thứ ba (5 đến 10-9-1960
Tôi còn giữ thư Võ Chí Hữu, thư ký của Lê Duẩn gửi ngày 18-7, nói chúng tôi hoàn thành nhanh báo cáo tình hình các đại hội tỉnh thảo luận báo cáo chính trị để cuối tuần anh Duẩn nghiên cứu.
Chiều chiều lên số 8 Hoàng Diệu làm việc cùng Hoàng Tùng, Trần Quang Huy và mấy thư ký của Duẩn. Chúng tôi ngồi đâu đấy thì Đặng Tất lại ôm hộp chè Trung Quốc như ôm một ông phỗng sứ Phúc Lộc gì đó ra rao to:
- Chè Long Tỉnh Bác Mao tặng đây!
Rồi tiếng mành trúc khẽ reo. Lê Duẩn pi-gia-ma lụa mỡ gà đi ra…
Thật sự là ngồi cả đống lại nghe Lê Duẩn nói. Ông không bận tâm tới ý người khác. Các tỉnh họp bàn gì, kiến nghị gì ông không cần biết. Chúng tôi là những mặt người giống như các vách hang đá cho ông thử nghiệm độ vang của lời ông.
Tôi đã phản ứng dại. Thấy ông nói hơi nhiều và hơi rối trong diễn đạt, tôi bèn nêu ra ý kiến của một số đại biểu ở đại hội Nghệ-Tĩnh phản đối luận điểm của Lê Duẩn cho rằng ở Việt Nam, khác với Marx, quan hệ sản xuất tiến bộ hơn sức sản xuất.
Lê Duẩn cáu tức thì. Hai con mắt càng xáp lại gần nhau, tiếng nói càng ríu lại:
- Tôi đã nói nhiều lần rồi mà sao cứ cố hiểu sai ý tôi mà nói mãi…? Marx…, Marx… Ở đây có ý gì?
Hai mắt tự nhiên chằm chằm, xoay xoáy lại.
Sau đó tôi học Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, nghĩa là chỉ nên nghe thôi. Cúi đầu xuống. Tránh nhìn cả vào mắt người diễn giải. Chính người ấy cũng không thích ai nhìn thẳng vào lại mắt mình, tôi nhận thấy. Hai vị đang chờ đại hội để có thể vào Trung ương. Tôi không có lợi ích nào nên không dễ nín lặng.
Lê Duẩn nhiều ý lạ. Một hôm ông nói "ở ta không có tinh thần lãnh tụ. Phương Tây hễ lãnh tụ tới đâu là quần chúng quây lấy, có khi công kênh lên nhưng ở ta không thế. Tôi đến Văn phòng Trung ương, mọi người lại tránh xa, như ngại đến gần thì mang tiếng cầu cạnh. Không được. Lãnh tụ và quần chúng phải có quan hệ máu thịt quấn quít…"
Tôi lập tức nhớ tới những lần dân chạy theo đen ngòm đằng sau Cụ Hồ. Rồi thầm cãi trong đầu: đâu bằng được dân ta với Cụ Hồ? Nhưng sao Duẩn lại không nhìn dân với Bác Hồ mà lại đi lấy mình ở tư cách lãnh tụ để soi xét cán bộ gần hay xa. Còn anh em Văn phòng Trung ương tránh Duẩn là vì họ còn nặng tình với Trường Chinh… Và sao Duẩn lại chỉ tính trường hợp của mình ông, người Nam bộ ra ngoài Bắc này đã mấy ai biết ông?
Một chiều, Duẩn phàn nàn rằng ông đã bảo Thành uỷ Hà Nội làm bàn ghế, giường tủ bán chịu cho công nhân viên, trừ lương hàng tháng hay trả dần nhưng họ không nghe. Duẩn nói:
- Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại là lạm phát mà sợ?
Tai nghe, đầu tôi cho vẽ lên ba cái dấu hỏi to thù lù…
Có lẽ từ đấy trên báo, chữ lạm phát của ta được thay bằng cụm từ "thu không đủ chi". Rồi "thất nghiệp" thay bằng "sức lao động không được huy động đúng mức", khuyết điểm thì thay bằng "chưa theo kịp yêu cầu", sai lầm thì thay bằng "chưa nắm bắt đúng quy luật…". Giữ trọn được hình ảnh sáng ngời của đảng thì từ ngữ đất nước bị nhập nhằng đi mất một số.
Về chuyên chính vô sản, Duẩn ngắn gọn vô cùng:
- Người ta lầm là Marx đề ra đấu tranh giai cấp. Không, nhiều người đã nói cái này trước Marx rồi. Vậy phát kiến vĩ đại của Marx là gì? Là đầu tiên nêu ra chuyên chính vô sản. Thế nào là chuyên chính vô sản?
Rồi Duẩn cười cười đưa cạnh bàn tay lên ngang cổ nói:
- Là như Jacobins thời Đại Cách Mạng Pháp. Giết, thủ tiêu, bạo lực…. - Hai bàn tay xoè ngửa ra hai bên - Đấy, có thế thôi!
Đơn giản, sòng phẳng, dứt khoát.
Một tháng làm việc này không để lại trong tôi một ấn tượng, một nhận thức tích cực nào về Lê Duẩn. Tôi hay vẩn vơ nghĩ trở lại tại sao Lê Duẩn lại chỉ thị báo Nhân Dân khi tuyên truyền các Tổng bí thư của đảng thì cần nhớ đề cao Nguyễn Văn Cừ, người Tổng bí thư xuất sắc nhất, hơn cả Trần Phú. Tự nhiên hình thành qua cách nói của Duẩn một thứ hạng Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú. Còn Trường Chinh ở đâu thì Duẩn không nói. Tôi lờ mờ nghĩ nếu Cừ xuất sắc nhất thì hoá ra Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại lại hay hơn Cách mạng Tháng Tám của Trường Chinh ư? Suốt thời gian làm việc với Duẩn tôi không thấy ông nhắc đến "Bác Hồ". Khi Duẩn kêu ca đảng viên ta thiếu tinh thần yêu mến lãnh tụ, ít vồ vạp lãnh tụ, Duẩn không biết Cụ Hồ được tung hô thế nào mà chỉ thấy ông ta bị lạnh nhạt mà thôi sao?
Còn tôi không ưa Duẩn lắm vì tôi còn yêu Trường Chinh. Với tôi, anh có thể làm Tổng bí thư suốt đời. Tôi biết hồi 1948, Trường Chinh đã có thư nhận xét xứ uỷ Nam Kỳ và Lê Đức Thọ mang vào nhưng tôi không biết bản nhận xét đã làm cho Lê Duẩn khóc rất nhiều. Chính Mai Lộc cho tôi hay. Lê Duẩn lúc ấy đóng tại nhà vợ thứ nhất của Mai Lộc do đó Mai Lộc không lạ. Khóc ở nhà cơ sở như thế chắc là hận người nhận xét lắm. Thật ra, xét thuần theo lý tính, tôi cứ thấy ý Duẩn sường sượng.
Tháng 9, Thép Mới dự đại hội trù bị hay đại hội chính thức nhưng bí mật - mọi điều quan trọng mà chủ yếu là bầu Trung ương đều đã làm xong trong đó - tôi dự đại hội công khai mà dân gọi là "cờ đèn kèn trống".
Thép Mới báo tôi mất ba tournois - vòng tập bầu mới bầu xong Trung ương. Sau mỗi vòng các cốp, nhất là Sáu Thọ lại chia nhau đến các tổ giải thích, vận động và… doạ với ép cho theo dự kiến của các cốp. Mãi vòng ba Hải Dương mới chịu cho Hoàng Tùng dự khuyết…
Hai đại biểu Moukhitdinov của Liên Xô và Lý Phú Xuân của Trung Quốc tranh thủ diễn đàn Đại hội đảng Việt Nam để đả kích lẫn nhau. Cụ Hồ quần áo cánh lụa nâu lại cầm tay hai vị Moukhitdinov và Lý Phú Xuân lắc dung dăng hát "Kết đoàn chúng ta là thép gang". Hai vị lầm lì có vẻ không thích lối dàn xếp kiểu nhà trẻ.
Đại hội đặt nhiệm vụ trung tâm là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nên với cách mạng miền Nam là "chiếu cố". Ba năm sau, Mao phất cờ "Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ" thì lật nhào hết.
Một sáng Cụ gọi đám nhà báo phục vụ đại hội ra chụp ảnh. Đã đứng đâu vào đấy, Cụ chợt đi vòng ra đằng sau, tóm tay Văn Doãn, Tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân kéo lên: "Đã lùn lại đi nấp". Bức ảnh này mọi người ha hả cười là nhờ cái pha Văn Doãn bị Cụ lôi ra ánh sáng.
Ba năm sau, học ở Liên Xô, Văn Doãn không về nước nữa. Anh là cây lý luận chuyên viết cho Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh. Bài viết
"Chống chủ nghĩa cá nhân" ký tên Nguyễn Chí Thanh là do Doãn hay Doãn Bụt (lành như Bụt viết. Ở Đại hội 3, tình cờ giường anh và tôi lại châu đầu vào nhau. Rồi Brezhnev lên, anh nhảy lầu tự tử. Một kiểu Phan Thanh Giản không thể nhìn thấy Pháp chiếm thành.
Vừa học ở Liên Xô về, Hồng Hà đến hội trường leo trèo, bày biện khánh tiết, bảo tôi:
- Trần Đĩnh cơm đại hội, mình cơm nhà vác ngà voi.
Trên rừng tôi chơi với Thép Mới, không chơi với Hồng Hà. Hà yêu Khruschev "máu thịt" hơn tôi, tôi ghét Mao "máu thịt" hơn anh. Rồi từ bước cơm nhà leo trèo treo cờ, căng khẩu hiệu ban đầu, Hà dự liền mấy đại hội. Sau lên tới Ban bí thư.