Nguyên tác: The Green Mile
Số lần đọc/download: 4242 / 189
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:08 +0700
Chương 15
Đ
êm ấy trước khi về, tôi dàn xếp nhờ Brutal thay tôi ngày hôm sau, nếu tôi vào trễ một chút, và sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi lên đường đi Tefton, ở Hạt Trapingus.
o O o
- Em không thích anh quá lo nghĩ về anh chàng Coffey. - Vợ tôi lên tiếng, trao bữa ăn trưa nàng đã nấu cho tôi - Janice không bao giờ tin tưởng các quầy bán hamburger bên lề đường, nàng thường nói bệnh đau bụng đang chờ chực trong tất cả mọi người. - Không giống anh, Paul.
- Anh không lo nghĩ về gã. - Tôi nói. - Anh tò mò, thế thôi.
- Theo kinh nghiệm của em, chuyện này sinh ra chuyện kia. - Janice chanh chua đáp lại, rồi tặng tôi một nụ hôn, nồng nàn lên môi. - Ít nhất trông anh cũng tốt hơn, em sẽ nói thế. Lúc còn ở đó, anh làm em lo quá. Hệ thống nước chữa lành rồi chứ? - Nàng nói về bệnh của tôi có vẻ hài hước.
- Hoàn toàn lành bệnh. - Tôi trả lời rồi đi khỏi, hát vang những ca khúc như “Come, Josephine, in My Flying Machine” và “We’re in the Money” để có bầu bạn cùng đi.
Tôi đến văn phòng báo Intelligencer của Tefton trước, và người ta bảo tôi rằng Burt Hammersmith, anh chàng tôi đang tìm, rất có thể đang ở Tòa án hạt. Tại Tòa, người ta bảo tôi rằng Hammersmith đã ở đấy nhưng một vụ vỡ ống nước đã làm gián đoạn vụ xét xử chính, ngẫu nhiên lại là một vụ hãm hiếp. Người ta đoán có lẽ anh ta đã về nhà. Tôi được chỉ dẫn ra một con đường lầy lội có quá nhiều vết lún và hẹp đến nỗi không dám lái chiếc Ford của mình vào và ở đấy tôi tìm được anh chàng của tôi. Hammersmith đã viết hầu hết những câu chuyện về vụ xử án Coffey, và chính từ anh ta tôi tìm hiểu được phần lớn chi tiết về cuộc săn người ngắn ngủi đã lưới được Coffey. Những chi tiết mà tờ Intelligencer xem là quá khủng khiếp để loan tin là điều tôi muốn nói, tất nhiên.
Bà Hammersmith là một cô gái trẻ có khuôn mặt xinh đẹp, mệt mỏi và đôi bàn tay đỏ bừng vì xà bông có nhiều chất kiềm. Cô ta không hỏi lí do tôi đến, chỉ đưa tôi đi qua một ngôi nhà nhỏ thơm lừng mùi nướng và bước lên hàng hiên sau nhà, nơi chồng cô ta đang ngồi, trong tay cầm một chai soda và một ấn bản tạp chí Liberty chưa mở để trên lòng. Đấy là một cái sân sau nhỏ, có dốc, tại chân dốc là hai đứa bé đang cãi cọ và cười đùa về một chiếc đu. Thậm chí có thể là song sinh, điều đã soi một thứ ánh sáng đáng quan tâm lên vai trò người cha, vốn ở ngoài phạm vi như hồi nào, trong vụ xử án Coffey. Gần trong tầm tay, nhô lên như một hòn đảo giữa vạt đất trống, xơ xác đầy phân, là chiếc cũi chó. Không thấy bóng dáng Fido, hôm ấy là một ngày nóng bức trái mùa nữa, tôi đoán có lẽ con chó nằm trong cũi, đang ngủ gà ngủ gật.
- Burt, anh có khách. - Bà Hammersmith lên tiếng.
- Hay lắm. - Anh ta nói. Anh ta liếc nhìn tôi, liếc nhìn vợ, rồi nhìn mấy đứa con, là nơi con tim anh ta hiển nhiên trải lòng. Anh ta gầy - gầy thảm hại, như thể vừa bắt đầu hồi phục sau một cơn bệnh trầm trọng - và tóc đã bắt đầu hói. Vợ anh ta dè dặt chạm vào vai chồng bằng một bàn tay đỏ bừng, sưng tấy vì gặt giũ. Anh ta không nhìn cũng không đưa tay ra chạm vào nó và sau một lúc, cô ta rút tay về. Tôi chợt lóe lên ý nghĩ, thoảng qua thôi, rằng họ trông giống anh trai và em gái hơn là chồng và vợ - anh ta có bộ óc, cô ta có dáng vẻ, nhưng không ai thoát được vẻ giống nhau cơ bản, một nét di truyền không bao giờ tránh được. Sau đó, trên đường về nhà, tôi nhận ra họ chẳng giống nhau chút nào; điều khiến họ có vẻ như vậy là hậu quả của sự căng thẳng và nỗi buồn dai dẳng. Thật kì lạ sao mà nỗi đau ghi dấu nét mặt chúng ta, và làm cho chúng ta giống như người cùng gia đình.
Cô ta nói:
- Ông muốn uống một li nước lạnh không, ông...?
- Edgecombe. - Tôi đáp. - Paul Edgecombe. Cảm ơn bà. Một li nước lạnh tuyệt lắm, thưa bà.
Cô ta trở vào trong nhà. Tôi đưa tay cho Hammersmith, anh ta bắt tay ngắn gọn. Nắm tay ẻo lả và lạnh. Anh ta không hề rời mắt khỏi đám nhóc ở cuối sân.
- Ông Hammersmith, tôi là Khu Trưởng Khu E ở trại giam tiểu bang Cold Mountain. Đấy là...
- Tôi biết nó là gì. - Anh ta đáp, nhìn tôi với một chút quan tâm hơn. - Vậy là đội trưởng đội lính gác Dặm Đường Xanh đang đứng trên hiên nhà tôi, vĩ đại như cuộc sống. Điều gì đã đưa ông đi năm mươi dặm để nói chuyện với phóng viên chuyên nghiệp duy nhất của tờ báo địa phương?
- John Coffey. - Tôi nói.
Tôi nghĩ mình chờ đợi một thứ phản ứng mạnh (những đứa trẻ vốn có thể là cặp song sinh đang luẩn quẩn trong tâm trí tôi... và có lẽ cả chiếc cũi chó nữa, gia đình nhà Detterick có nuôi chó), nhưng Hammersmith chỉ nhướng lông mày lên và nhấp li của anh ta.
- Coffey bây giờ là vấn đề của ông, phải không? - Hammersmith hỏi.
- Anh ta không gây phiền hà gì nhiều. - Tôi trả lời. - Anh ta không thích bóng tối và khóc rất nhiều, nhưng cả hai đều không gây ra nhiều vấn đề cho công việc của chúng tôi. Chúng tôi gặp chuyện tệ hơn.
- Khóc rất nhiều, phải không? - Hammersmith hỏi. - Phải, gã có rất nhiều thứ để khóc, tôi nói thế. Tính đến điều gã đã gây ra. Ông muốn biết chuyện gì?
- Bất cứ điều gì ông có thể nói tôi nghe. Tôi đã đọc những câu chuyện trên báo của ông, vì thế tôi nghĩ những gì tôi muốn là bất cứ điều gì không có trên báo.
Anh ta ném cho tôi một cái nhìn sắc bén, khô khan.
- Thí dụ mấy bé gái trông như thế nào? Chính xác gã đã làm gì chúng? Đấy là thứ mà ông quan tâm phải không, ông Edgecombe?
- Không. - Tôi nói, giữ giọng nhẹ nhàng. - Tôi không quan tâm đến mấy cô bé nhà Detterick, thưa ông. Những cô bé đáng thương đã chết. Nhưng Coffey không chết - chưa chết - và tôi tò mò về anh ta.
- Được rồi. - Anh ta đáp. - Kéo ghế lại đây và ngồi xuống, ông Edgecombe. Ông tha lỗi nếu nãy giờ nghe tôi nói hơi gay gắt, nhưng tôi phải đụng độ nhiều con kền kền trong lãnh vực công việc. Tiên sư nó, tôi vẫn thường xuyên bị cáo buộc là một con trong bọn chúng, chính tôi đấy. Tôi chỉ muốn biết chắc về ông.
- Thế còn ông?
- Đủ đảm bảo, tôi đoán thế. - Anh ta trả lời, nghe gần như hờ hững. Câu chuyện anh ta kể tôi nghe kha khá giống câu chuyện tôi đã viết ở đoạn trước - làm sao Bà Detterick phát hiện hiên nhà bỏ trống, với tấm phên tuột ra khỏi bản lề trên, những tấm chăn vứt vào một góc, và máu trên các bậc thềm, làm sao con trai và chồng bà ấy đã đuổi theo tên bắt cóc những cô bé, làm sao đội dân quân đã bắt kịp họ trước và John Coffey sau đó không lâu. Coffey ngồi trên bờ sông và rền rĩ như thế nào, với hai xác chết cuộn tròn trong đôi bàn tay khổng lồ của gã như những con búp bê to. Người phóng viên, gầy trơ xương trong chiếc áo sơ mi trắng hở cổ và quần dài xám, nói bằng một giọng thấp, vô cảm... nhưng ánh mắt anh ta không hề rời khỏi hai đứa con của mình trong lúc chúng cãi nhau, cười đùa và thay phiên nhau đánh đu ở dưới kia, trong bóng tối của chân đoạn đường dốc. Đâu đó vào giữa câu chuyện, bà Hammersmith trở lại với một chai bia tự cất, lạnh và ngon. Cô ta đứng nghe một lúc, rồi gián đoạn câu chuyện đủ lâu để gọi bọn nhóc và bảo chúng đi thẳng lên, cô ta đã có bánh sẵn sàng ra khỏi lò nướng. “Chúng con sẽ lên, thưa Mẹ!” một giọng bé gái kêu lên, và người phụ nữ lại trở vào trong.
Khi Hammersmith kể xong, anh ta nói:
- Vậy tại sao ông muốn biết? Tôi chưa bao giờ được một lính gác trại giam đến thăm, đây là lần đầu.
- Tôi đã nói ông là...
- Tò mò, phải. Con người vốn tò mò, tôi biết, thậm chí cảm ơn Chúa về điều đó, nếu không có nó, tôi sẽ mất việc làm và có thể thật sự phải đi kiếm sống. Nhưng năm mươi dặm là một quãng đường quá dài chỉ để thỏa mãn sự tò mò đơn thuần, đặc biệt khi hai mươi dặm cuối cùng là đường xấu. Vậy tại sao ông không nói sự thật tôi nghe, ông Edgecombe? Tôi đã thỏa mãn trí tò mò của ông, bây giờ ông thỏa mãn trí tò mò của tôi.
Vâng, tôi có thể nói, tôi bị nhiễm trùng đường tiểu, John Coffey đặt tay lên người tôi và chữa lành bệnh. Kẻ hãm hiếp và giết chết hai bé gái đã làm thế. Vì tôi thắc mắc về anh ta, tất nhiên - bất cứ ai cũng sẽ thắc mắc. Thậm chí tôi thắc mắc biết đâu Homer Cribus và cảnh sát viên RobMcGee chẳng đã còng tay lầm người. Mặc cho tất cả những chứng cớ chống lại anh ta, tôi thắc mắc điều đó. Bởi vì một con người có quyền lực mạnh như thế trong tay, bạn sẽ không nghĩ anh ta là loại người chuyên cưỡng hiếp và sát hại trẻ em.
Không, nói thế sẽ không ổn.
- Có hai điều tôi thắc mắc, - tôi nói. - Đầu tiên là có khi nào anh ta làm như thế trước đây không.
Hammersmith quay lại tôi, mắt anh ta bất ngờ sắc bén và sáng lên vì chú ý, và tôi thấy anh ta đã là một gã khôn ngoan. Thậm chí có thể là một gã thông minh, theo cách thầm lặng.
- Tại sao? - Anh ta hỏi. - Ông biết gì, Edgecombe? Gã đã nói gì?
- Không có gì. Nhưng một con người nhúng tay làm chuyện như thế thường là đã phạm tội trước đó. Chúng có khẩu vị về điều đó.
- Phải. - Anh ta đáp. - Chúng có. Chắc chắn chúng có.
- Và tôi chợt nghĩ sẽ đủ dễ dàng để lần theo dấu vết và tìm hiểu. Một con người to lớn như gã, lại là da đen bị đuổi, thì việc truy tìm dấu vết không thể khó khăn.
- Ông nghĩ như vậy, nhưng sai lầm. - Anh ta nói. - Dẫu sao, trong trường hợp Coffey thì sai. Tôi biết.
- Ông đã thử?
- Tôi đã thử và trắng tay. Có một vài gã công nhân đường sắt nghĩ đã thấy gã trong các sân nhà ở Knoxville hai người trước khi các bé gái nhà Detterick bị giết. Không có gì ngạc nhiên; gã ở bên kia sông cách đường sắt xe hỏa Great Southern khi họ tóm được gã, và có lẽ gã từ Tennessee đến đây bằng cách nào đó. Tôi nhận được lá thư của một người viết rằng anh ta đã thuê một gã da đen to lớn để khuân những thùng gỗ cho anh ta vào đầu xuân năm nay - chuyện này ở Kentucky. Tôi đã gửi cho anh ta một ảnh chụp Coffey và anh ta nói đúng là gã. Nhưng ngoài chuyện đó thì... - Hammersmith nhùn vai và lắc đầu.
- Ông không có ấn tượng là có chút kì dị sao?
- Tôi có ấn tượng rất kì dị, ông Edgecombe. Giống như gã rơi từ trên trời xuống. Và gã chẳng hề có ích, gã không thể nhớ lại tuần trước khi tuần này đến.
- Không, gã không thể. - Tôi đáp. - Ông giải thích thế nào?
- Chúng ta đang ở thời kì khủng hoảng. - Anh ta trả lời. - Đấy là cách giải thích của tôi. Đường lộ nào cũng đầy ắp người. Người vùng Oklahoma muốn hái đào ở California, dân da trắng nghèo từ những vùng rừng rú muốn chế tạo xe hơi ở Detroit, bọn da đen ở Mississippi muốn lên tận New England và làm việc trong các nhà máy đóng giày hoặc xưởng dệt. Tất cả mọi người - đen cũng như trắng - đều nghĩ rằng nhảy sang vùng đất kế cận sẽ tốt đẹp hơn. Đấy là cuộc sống khốn kiếp kiểu Mỹ. Thậm chí một gã khổng lồ như Coffey đi khắp nơi mà vẫn không bị để ý... cho đến lúc, nghĩa là, gã quyết tâm giết hai bé gái. Những bé gái da trắng.
- Anh tin điều đó? - Tôi hỏi.
Anh ta ném cho tôi một cái nhìn vô hồn từ bộ mặt quá gầy của mình.
- Đôi khi tôi tin. - Anh ta trả lời.
Vợ anh ta chồm ra ngoài cửa sổ nhà bếp như một kĩ sư trong toa xe hỏa và gọi:
- Các con! Bánh xong rồi! - Cô ta quay lại tôi. - Ông muốn ăn bánh yến mạch nhân nho khô không, ông Edgecombe?
- Tôi chắc là ngon, thưa bà, nhưng lần này xin bà miễn cho.
- Được rồi. - Cô ta nói, và rút đầu trở vào trong.
- Ông đã thấy những vết sẹo trên người gã? - Hammersmith bất ngờ hỏi. Anh ta vẫn quan sát bọn nhóc, chúng không rời bỏ được những thú vui của chiếc đu - thậm chí không vì những cái bánh yến mạch nhân nho khô.
- Vâng. - Nhưng tôi ngạc nhiên vì anh ta đã thấy.
Anh ta nhận ra phản ứng của tôi và cười. “Chiến thắng to lớn của luật sư biện hộ là xin cho Coffey được cởi áo và cho hội thẩm xem những vết sẹo đó. Công tố viên George Peterson phản đối kịch liệt nhưng chánh án cho phép. Lão George lẽ ra có thể tiết kiệm hơi sức - hội thẩm quanh những vùng đó không chấp nhận cái lí luận tâm lí rác rưởi về chuyện những kẻ bị bạc đãi không thể tự giúp mình như thế nào. Họ tin rằng con người có thể tự giúp mình. Đấy là một quan điểm tôi rất đồng cảm... nhưng những vết sẹo đó quả là khá ghê rợn, cũng vậy thôi. Có để ý điều gì về chúng không, Edgecombe?
Tôi đã nhìn thấy gã trần truồng trong nhà tắm và tôi có để ý, đúng rồi, tôi biết anh ta đang nói về điều gì.
- Tất cả đều vỡ nát. Gần như mắt cáo.
- Ông biết như thế nghĩa là gì không?
- Ai đó đã quất gã tàn bạo khi gã còn nhỏ. - Tôi trả lời. - Trước khi gã lớn lên.
- Nhưng họ đã không quất được con quỷ ra khỏi người gã, phải không Edgecombe? Lẽ ra đừng roi vọt mà đem gã đi trấn nước dưới sông như một con mèo hoang, anh nghĩ thế chứ?
Tôi cho rằng sẽ chính trị hơn nếu cứ đơn giản đồn ý và chuồn ra khỏi nơi đó, nhưng tôi không thể. Tôi đã thấy gã. Và tôi cũng đã cảm thấy gã. Cảm thấy sự tiếp xúc của bàn tay gã.
- Gã thật... kì lạ. - Tôi nói. - Nhưng dường như không có bất cứ bạo lực thật sự nào trong con người gã. Tôi biết gã đã bị phát hiện như thế nào, khó mà hòa hợp chuyện đó với đièu tôi thấy, ngày này qua ngày kia ở Khu trại giam. Tôi biết rõ những kẻ hung bạo, thưa ông Hammersmith. - Tôi đang nghĩ đến Wharton, dĩ nhiên, Wharton xiết cổ Dean Stanton bằng dây xích cổ tay và rống lên: “Ê ê, bọn mày! Đây chẳng phải là bữa tiệc sao?”.
Anh ta nhìn sát vào tôi, mỉm cười một chút, nụ cười hoài nghi mà tôi không quan tâm lắm.
- Ông không đến đây để biết gã có hoặc không có giết vài bé gái ở nơi nào khác. - Anh ta nói. - Ông đến đây để xem tôi nghĩ gã có giết người hay không. Phải vậy không? Thú nhận đi, Edgecombe.
Tôi nuốt ngụm nước uống lạnh cuối cùng, đặt chai xuống cái bàn nhỏ, và hỏi:
- Sao? Ông có nghĩ thế không?
- Các con! - Anh ta gọi với xuống dưới đồi, hơi cúi ra phía trước ghế. - Các con lên đây ngay để ăn bánh! - Rồi anh ta lại ngả người ra sau ghế và nhìn tôi. Cái nụ cười nhỏ đó - cái nụ cười mà tôi không quan tâm lắm, xuất hiện trở lại.
- Nói ông nghe một chuyện. - Anh ta lên tiếng. - Ông cũng muốn nghe nữa, vì chuyện này có thể là một điều ông cần biết.
- Tôi đang nghe.
- Chúng tôi có một con chó tên Sir Galahad. - Anh ta kể, và ngoắc ngón cái về phía cũi chó. - Một con chó tốt. Không phải nòi đặc biệt, nhưng dịu dàng. Bình thản. Sẵn sàng liếm tay chúng ta hoặc một cái que. Có rất nhiều chó lai như nó, ông đồng ý?
Tôi nhún vai, gật đầu.
- Về nhiều mặt, một con chó lai cũng giống như gã nô lệ da đen của chúng ta. - Anh ta nói. - Chúng ta phải hiểu nó và thường thì chúng ta sẽ yêu nó. Không có sử dụng đặc biệt gì, nhưng chúng ta giữ nó bên mình vì chúng ta nghĩ nó yêu chúng ta. Nếu may mắn, thưa ông Edgecombe, chúng ta sẽ không bao giờ phải thấy điều gì khác lạ. Cynthia và tôi, chúng tôi không may mắn.
Anh ta thở dài, một âm thanh dài và xương xẩu, giống như tiếng gió luồn qua đám lá rụng. Anh ta chỉ vào cũi chó một lần nữa, và tôi tự hỏi tại sao trước đó mình lại bỏ qua cái không khí hoang vắng chung, hoặc sự kiện nhiều đống phân đã hóa trắng và giống như bột trên đỉnh.
- Tôi thường dọn sạch cho nó. - Hammersmith nói. - Và luôn sửa mái che cũi để chống chọi với mưa. Theo cách đó thì Sir Galahad giống như gã nô lệ da đen miền Nam của chúng ta, kẻ không làm những chuyện đó cho bản thân gã. Bây giờ tôi không đụng đến nó, tôi đã không đến gần nó từ khi xảy ra tai nạn... nếu có thể gọi đó là tai nạn. Tôi đến đó với khẩu súng và bắn nó, nhưng đã không đến đó kể từ lúc ấy. Tôi không đủ can đảm ra tay. Tôi cho là theo thời gian, tôi sẽ làm được. Tôi sẽ dọn sạch xác nó và giật sập cũi.
Bọn nhóc vào, và thình lình tôi không muốn chúng vào; thình lình đấy là điều cuối cùng tôi muốn trên quả đất này. Cô bé gái thì không sao, nhưng đứa con trai...
Chúng chạy rầm rầm trên bậc thềm, nhìn tôi, cười khúc khích, rồi đi về hướng cửa nhà bếp.
- Caleb. - Hammersmith gọi. - Lại đây. Một chút thôi.
Cô bé gái, chắc chắn là chị em sinh đôi với thằng bé, chúng phải cùng lứa tuổi - đi tiếp vào nhà bếp. Thằng bé đến bên bố, nhìn xuống chân. Nó biết mình xấu xí. Nó mới bốn tuổi, tôi đoán thế, nhưng bốn tuổi đã đủ lớn để biết mình xấu xí. Bố nó đặt hai ngón tay dưới cằm thằng bé và cố nâng mặt nó lên. Lúc đầu thằng bé cưỡng lại, nhưng khi bố nó nói "Làm ơn đi, con trai,” bằng giọng ngọt ngào, bình tĩnh và yêu thương, nó làm theo lời yêu cầu.
Một vết thẹo tròn, to tướng chạy ra khỏi mái tóc thằng bé, kéo xuống trán, xuyên qua một con mắt chết và lãnh đạm vểnh lên, đến khóe miệng đã biến dạng thành một cú liếc mắt ý nhị của một tên bợm cờ bạc hoặc có lẽ một tên chủ chứa. Một bên má mịn màng và xinh đẹp; má bên kia túm lại như một gốc cây sau khi bị đốn. Tôi đoán trước đây có một cái lỗ, nhưng cái đó, ít nhất, đã lành lặn.
- Nó còn một mắt. - Hammersmith nói, vuốt ve bên má bị túm của thằng bé bằng những ngón tay dịu dàng của người yêu. - Tôi cho là nó may mắn không bị mù. Chúng tôi quỳ xuống và cảm ơn Chúa về điều đó, ít nhất là thế. Này, Caleb?
- Vâng, thưa ngài. - Thằng bé bẽn lẽn nói. - Thằng bé, người sẽ bị hạ gục tàn nhẫn trên sân chơi bởi tiếng cười, tiếng hiếp đáp chế giễu suốt những năm đi học đầy đau khổ; thằng bé, người sẽ không bao giờ được mời chơi trò Quay Chai hoặc Bưu Điện và có lẽ sẽ không bao giờ được ngủ với một người đàn bà mà không phải mua và trả tiền, một khi nó lớn lên với những thời kì và nhu cầu của đàn ông; thằng bé, người sẽ mãi mãi đứng ngoài cái vòng ấm áp và sáng sủa của những người đồng đẳng; thằng bé, người sẽ nhìn chính nó trong gương suốt bảy mươi năm cuộc đời mình và nghĩ xấu xí.
- Vào trong lấy bánh của con đi. - Bố nó nói và hôn lên cái miệng nhạo báng của con trai.
- Vâng, thưa ngài. - Caleb đáp lại và vụt chạy vào trong.
Hammersmith rút khăn tay trong túi sau ra và lau mắt, mắt anh ta khô ráo, nhưng tôi cho là anh ta có thói quen với mắt ướt.
- Con chó ở đây khi chúng sinh ra. - Anh ta nói. - Tôi đem nó vào nhà cho ngửi hơi bọn trẻ khi Cynthia đưa chúng từ bệnh viện về nhà, và Sir Galahad liếm tay chúng. Những bàn tay nhỏ nhắn của chúng. - Anh ta gật đầu, như thể xác nhận sự việc đó với chính mình. - Nó chơi đùa với chúng; hay liếm mặt Arden đến khi con bé cười khúc khích. Caleb thường kéo tai nó, và khi bắt đầu tập đi lần đầu tiên, nó đã nắm đuôi Galahad. Con chó không hề gầm gừ với nó. Với cả hai.
Nước mắt bây giờ đang trào ra, anh ta lau đi một cách máy móc, giống như người đã thực hành nhiều.
- Không có lí do. - Anh ta nói. - Caleb không làm nó đau, không la hét nó, không gì cả. Tôi biết rõ. Tôi đã có mặt ở đấy. Nếu không, chắc hẳn thằng bé đã bị cắn chết. Chuyện xảy ra, thưa ông Edgecombe, không có gì. Thằng bé chỉ vì đưa mặt ra ngay trước mặt con chó, lập tức nảy sinh ý nghĩ trong tâm trí Galahad - hoặc bất cứ thứ gì gọi là tâm trí của con chó - xông vào cắn. Giết chết, nếu có thể. Thằng bé ở trước mặt con chó và con chó cắn. Và đấy là điều đã xảy ra với Coffey. Gã có mặt ở đó, nhìn thấy chúng trên hàng hiên, bắt giữ chúng, hãm hiếp chúng, giết chúng. Ông bảo phải có ám chỉ nào đó rằng gã từng hành động như thế trước kia, tôi hiểu ý ông, nhưng có thể trước đó gã đã không làm như thế. Con chó của tôi trước đó không bao giờ cắn; chỉ một lần đó thôi. Nếu được thả, có thể Coffey sẽ không bao giờ tái phạm. Có thể con chó sẽ không bao giờ cắn lần nữa. Nhưng tôi không quan tâm đến điều đó, ông biết mà. Tôi bước ra ngoài với khẩu súng, nắm lấy vòng cổ và bắn vỡ đầu con chó.
Anh ta thở hào hển.
- Tôi được giải thoát khỏi sự mê muội như bất cứ ai, ông Edgecombe à - học tại Đại học ở Bowling Green, cả môn Lịch sử lẫn Báo chí, một ít Triết nữa. Tôi thích nghĩ mình đã giác ngộ. Tôi cho là bọn miền Bắc không tin, nhưng tôi thích nghĩ bản thân tôi đã giác ngộ. Tôi không tái lập chế độ nô lệ để đổi lấy tất cả số trà ở Trung Hoa. Tôi nghĩ chúng ta phải nhân đạo và rộng lượng trong nỗ lực giải quyết vấn đề chủng tộc.
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng tên nô lệ của mình sẽ cắn khi có dịp, giống như một con chó lai giống sẽ cắn khi có cơ hội, khi ý tưởng chợt nảy sinh trong óc xui bảo nó. Ông muốn biết gã Coffey khóc nhè, chằng chịt thẹo của ông đã từng giết người phải không?
Tôi gật đầu.
- Ồ, có đấy. - Hammersmith nói. - Gã đã giết người. Ông chớ nghi ngờ điều đó, chớ quay lưng lại gã. Ông có thể thoát nạn một hoặc trăm lần... thậm chí cả ngàn lần... nhưng sau cùng thì... - Anh ta giơ bàn tay ra trước mắt tôi, lẹ làng miết các ngón tay vào ngón cái, thể hiện hình ảnh một cái miệng đang cắn xé. - Ông hiểu không?
Tôi gật đầu lần nữa.
- Gã hãm hiếp chúng, gã giết chúng, sau đó gã ân hận... nhưng những cô bé đó vẫn bị hãm hiếp, vẫn chết. Nhưng ông sẽ sửa trị gã, phải không Edgecombe? Vài tuần nữa ông sẽ sửa trị gã để gã không bao giờ làm như thế nữa. - Anh ta đứng lên, bước đến rãnh bậc cửa, mơ hồ nhìn cái cũi chó ở giữa đống phân đang lão hóa. - Có lẽ xin ông thứ lỗi. - Anh ta nói. - Vì chiều nay không phải có mặt tại Tòa, tôi định sum họp với gia đình một chút. Tuổi trẻ của con cái chúng ta chỉ có một thời.
- Ông cứ tự nhiên. - Tôi đáp lễ. Môi tôi tê dại và xa vắng. - Cảm ơn ông đã mất thời giờ vì tôi.
- Có gì đâu. - Anh ta nói.
Tôi lái xe từ chỗ Hammersmith về thẳng trại giam. Một chuyến đi dài, và lần này tôi không thể rút ngắn bằng cách ca hát. Có cảm giác như tất cả những bài hát đã thoát ra khỏi người tôi, ít nhất trong một thời gian. Tôi vẫn còn nhìn thấy gương mặt biến dạng của thằng bé tội nghiệp. Và bàn tay của Hammersmith, với các ngón tay cọ xát lên xuống trên ngón cái trong một chuyển động cắn xé.