Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Tobias Wolff
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1271 / 38
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phát Đạn Xuyên Não
nders không kịp đến ngân hàng cho tới lúc ngân hàng sắp đóng cửa; thế nên dĩ nhiên đã có cả một dãy người đang chờ ở đó và ông bị tắc phía sau hai phụ nữ mà câu chuyện phiếm ngu ngốc và ầm ỹ của họ làm ông bực mình. Thật ra, Anders lúc nào cũng dễ bực mình. Anders là một người điểm sách, nổi tiếng với những bài phê bình tao nhã nhưng cay nghiệt; mà bài điểm sách nào của ông cũng cay nghiệt cả.
Trong lúc hàng người vẫn còn làm thành hai hàng quanh dải phân cách, một nhân viên ngân hàng bỏ tấm biển “Đóng quầy” lên quầy của cô ta rồi đi ra phía sau, đứng dựa vào một chiếc bàn để nói chuyện phiếm với một người đàn ông đang soạn giấy tờ. Những người phụ nữ phía trước Anders dừng cuộc chuyện phiếm để theo dõi cô nhân viên ngân hàng với vẻ căm giận. “Trời, hay gớm nhỉ”, một người nói. Chị ta quay về phía Anders và nói tiếp với vẻ hoàn toàn tin tưởng vào sự đồng tình của ông: “Làm ăn thế mà lúc nào cũng đòi có nhiều khách”.
Anders dĩ nhiên cũng đang căm giận cô nhân viên ngân hàng; nhưng ông lập tức hướng nó vào người phụ nữ lắm mồm trước mặt ông. “Hết sức bất công!”, ông nói. “Phải nói là thê thảm. Nếu chúng nó không cắt nhầm chân người ta hoặc bỏ bom xuống chỗ ông bà cụ kỵ người ta sống thì thể nào chúng nó cũng phải đóng quầy”.
Người phụ nữ không nao núng. “Tôi đâu có nói là thê thảm”, chị ta nói. “Tôi chỉ nghĩ là đối xử với khách hàng như thế là không được”.
“Không thể tha thứ được”, Anders nói. “Trời có mắt chứ chả phải không”.
Người phụ nữ cắn môi nhưng chỉ nhìn trân trối về phía sau Anders mà không nói gì. Ông nhận thấy người bạn của chị ta cũng đang nhìn về phía đó. Và rồi những nhân viên ngân hàng đang đứng quầy đều dừng tay, các khách hàng khác chầm chậm quay đầu lại, và sự im lặng bao trùm ngân hàng. Hai người đàn ông đeo mặt nạ trượt tuyết màu đen, mặc com-lê xanh đang đứng ở cạnh cửa ra vào. Một trong hai người đang dí súng lục vào họng nhân viên bảo vệ. Người này nhắm nghiền mắt, môi mấp máy. Người đàn ông thứ hai cầm một khẩu súng săn đã cưa nòng. “Tất cả câm mồm”, tên cầm súng lục nói mặc dù không ai nói gì. “Chỉ cần một trong các người bấm chuông báo động thì tất cả sẽ thành thịt băm hết”.
“Ồ, hoan hô”, Anders nói. “Thịt băm cơ đấy”. Ông quay về phía người phụ nữ đứng trước mặt. “Kịch bản hay, nhỉ? Thật là một áng thơ hùng tráng của tầng lớp tội phạm”.
Chị ta nhìn ông với đôi mắt thất thần.
Tên cầm súng ngắn dúi nhân viên bảo vệ quỳ xuống. Hắn đưa khẩu súng cho đồng bọn rồi giật tay của nhân viên bảo vệ lên và tra còng tay vào cổ tay anh ta. Hắn lấy chân đẩy vào bả vai nhân viên bảo vệ cho anh này ngã xuống đất, rồi tháo súng lục của anh ta và tiến về phía cửa an toàn ở cuối quầy của ngân hàng. Hắn thấp và nặng nề; cử động chậm chạp lạ thường. “Mở cửa ra”, đồng bọn của hắn nói. Tên cầm súng ngắn mở cửa và thản nhiên đi ngang qua các nhân viên thu ngân, vừa đi vừa dúi cho mỗi người một cái túi nhựa. Khi hắn tới cái quầy trống người, hắn nhìn về phía tên cầm súng lục. Tên này nói “Quầy này của ai?”
Anders quan sát cô gái thu ngân. Cô ta đặt tay lên cổ họng và quay về phía người đàn ông mà cô ta đang tán gẫu lúc trước. Anh ta gật đầu. “Của tôi”, cô ta nói.
“Thế thì lê cái mông béo của mày ra đây mà bỏ tiền vào túi”.
“Có thế chứ”, Anders nói với người phụ nữ đứng trước ông. “Công lý đã được thực thi”.
“Này. Thằng nhãi nhép. Tao có bảo mày mở mõm ra không hả?”
“Không”, Anders nói.
“Thế thì câm mõm lại”.
“Cô có nghe thấy không?”, Anders nói. “Thằng nhãi nhép nhé. Trích thẳng từ truyện Sát thủ cơ đấy”.
“Ông làm ơn trật tự”, người phụ nữ nói.
“Này, mày điếc không đấy?”, tên cầm súng lục bước tới chỗ Anders và thọc súng vào bụng ông. “Mày nghĩ tao đùa à?”
“Không”, Anders nói, nhưng nòng súng cù vào bụng ông như một ngón tay lạnh và ông phải cố gắng chống trả cơn buồn cười bằng cách buộc mình nhìn thẳng vào mắt tên cướp nhà băng. Ông có thể nhìn rõ chúng qua hai cái lỗ trên chiếc mặt nạ: đôi mắt màu xanh nhạt với mí mắt vằn đỏ. Mống mắt trái của tên cướp liên tục nháy. Hắn thở ra một mùi hôi nồng nặc làm Anders sốc hơn tất cả những gì vừa xảy ra, và ông bắt đầu cảm thấy nôn nao khi tên cướp tiếp tục thọc súng vào bụng ông.
“Mày thích tao không, thằng nhãi nhép?”, tên cướp nói. “Mày có muốn mút cu tao không?”
“Không”, Anders nói.
“Thế thì đừng có nhìn tao nữa”.
Anders nhìn chằm chằm vào mũi giày nhọn bóng lộn của tên cướp.
“Không phải dưới đó. Trên này này”. – tên cướp kể họng súng vào dưới cằm Anders và đẩy cho đến khi ông nhìn thẳng lên trần nhà.
Anders chưa bao giờ để ý nhiều đến phần này của ngân hàng, một tòa nhà cũ và khoa trương với những nền nhà và quầy thu ngân ốp cẩm thạch và những vòng sắt mạ vàng uốn quanh các ô cửa thu ngân. Vòm nhà được trang trí bằng những nhân vật thần thoại có khổ người xấu xí ẩn dưới những làn áo choàng dài. Anders chỉ liếc qua một lần những hình đó cách đây nhiều năm rồi từ đó từ chối nhìn lại. Bây giờ, ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghiên cứu tác phẩm hội họa này. Nó thậm chí còn tệ hơn những gì ông còn nhớ, ấy thế mà toàn bộ công trình được thực hiện với một sự tự tin tràn trề. Tác giả của công trình này có một vài tiểu xảo được sử dụng đi sử dụng lại – một vệt màu hồng bên dưới các cụm mây, một cái nhìn ngoái tinh nghịch trên mặt của các thần cupid và thần đồng áng. Cả trần nhà chật chội các loại điển tích thần thoại thuộc đủ thể loại, nhưng tích mà Anders chú ý nhất là cảnh thần Dớt và Europa – trong tác phẩm này được khắc họa dưới dạng một con bò đực đang liếc mắt đưa tình một ả bò cái từ sau đống cỏ khô. Để làm con bò cái được sexy, tác giả đã đánh nghiêng cái mông của nó và gắn cho nó một hàng lông mi dài và rủ mà qua đó nó liếc con bò đực một cách mời mọc. Con bò đực mang một nụ cười nhếch mép với đôi lông mày dướn lên. Nếu có chú thích cho cảnh tượng này thì ông sẽ dùng cụm từ “Ấy nào, ấy nào”.
“Mày cười cái gì thế, thằng nhãi nhép?”
“Không có gì”.
“Mày nghĩ tao buồn cười lắm hả? Mày nghĩ tao là thằng hề à?”
“Không”.
“Mày nghĩ là mày có thể giỡn mặt tao hả?”
“Không”.
“Mày giỡn với tao một lần nữa, mày ra bã. Thủng chửa?”
Anders phì cười. Ông lấy cả hai tay bịt miệng lại và nói tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, rồi khụt khịt một cách vô vọng qua những ngón tay trong lúc nói “Thủng chửa, ôi Chúa ơi, thủng chửa” và đến đây thì tên cướp cầm súng lục đưa súng lên bắn thẳng vào đầu Anders.
Viên đạn phá vỡ hộp sọ của Anders, cày qua não ông, rồi xuyên ra ngoài tai phải, làm bắn những vụn xương vào vỏ não, qua các bó dây thần kinh, xuyên ra hạch thần kinh bạch huyết, và xuống dưới cuống não. Nhưng trước khi những việc này xảy ra, sự xuất hiện của viên đạn trong óc đã kích hoạt một dây chuyền các chuyển hóa i-ông và truyền dẫn thần kinh. Do nguồn gốc bất thường của các kích hoạt, những truyền dẫn này diễn ra theo một quy tắc lạ lùng, do đó trong trí nhớ của ông bỗng hiện lên sống động một buổi chiều mùa hè cách đây đã 40 năm. Sau khi phá vỡ vỏ não, viên đạn di chuyển với tốc độ 900 feet mỗi giây – một tốc độ chậm chạm, lề mề khủng khiếp so với tốc độ chớp nhoáng của các lan truyền thần kinh. Một khi đã vào trong não, viên đạn chịu sự điều chỉnh của thời gian trong não và do đó mà cho Anders thừa thời gian để suy ngẫm về cái cảnh tượng “như đang diễn ra trước mắt ông” (bình thường Anders sẽ ghét cay ghét đắng cụm từ này).
Bởi vì Anders nhớ lại một số thứ, có lẽ ta cũng cần chú ý đến những gì Anders không nhớ. Ông không nhớ người bạn gái đầu tiên của ông, Sherry, hay việc ông đã mê mệt sự dạn dĩ tình dục của cô trước khi ông bắt đầu khó chịu với chính sự dạn dĩ ấy, nhất là thái độ suồng sã của cô với của quý của ông – cô gọi nó là ngài Chuột Chũi, ví dụ như khi cô nói “Ô kìa, có vẻ như ngài Chuột Chũi muốn ra chơi đây”. Anders không nhớ đến vợ ông, người mà ông cũng đã yêu trước khi bà làm ông kiệt sức bởi sự đơn điệu của bà, hoặc con gái ông – giờ là một giáo sư kinh tế học cau có ở Darthmouth. ông không nhớ mình từng đứng trước cửa phòng con gái ông trong lúc con bé lên lớp cho con gấu bông về tội nghịch ngợm và mô tả các hình phạt nghiêm khắc mà Paws sẽ phải nhận nếu nó không thay đổi. Ông không nhớ một dòng nào trong hàng trăm bài thơ mà ông đã ép mình phải thuộc lòng lúc còn trẻ với mục đích có thể tự làm mình run rẩy bất cứ lúc nào nếu muốn – nào là “Lặng yên, trên một đỉnh núi ở Darien” hay “Chúa ơi, hôm nay con nghe” hay “All my pretty ones? Did you say all? O hell-kite! All?”, ông không hề nhớ những thứ này – không một dòng. Anders không nhớ mẹ ông đã nói về bố ông lúc bà hấp hối: “Lẽ ra mẹ phải đâm chết lão ấy lúc lão ấy ngủ”.
Ông không nhớ giáo sư Josephs đã kể với lớp ông chuyện các tù binh thành Athens ở Sicily lẽ ra đã được thả ra nếu như họ có thể nhớ được những bi kịch của Aechylus, và rồi sau đó ông ta đã đọc Aechylus trước lớp, bằng tiếng Hy Lạp. Anders không nhớ mắt ông đã cháy sáng thế nào khi nghe những vần thơ đó. Ông không nhớ mình đã ngạc nhiên khi nhìn thấy tên người bạn cùng lớp đại học trên bìa một cuốn tiểu thuyết rất nhiều năm sau khi họ tốt nghiệp, hoặc sự kính trọng mà ông cảm thấy sau khi đọc cuốn sách. Ông không nhớ sự hài lòng khi được bày tỏ sự kính trọng với người khác.
Anders không nhớ đã nhìn thấy một phụ nữ nhảy lầu tự tử từ tòa nhà đối diện với nhà ông ngay sau ngày con gái ông chào đời. Ông không nhớ đã gào lên “Lạy Chúa lòng lành!”. Ông không nhớ đã cố tình đâm ô tô của bố ông vào một cái cây, hay bị ba cảnh sát đá vào mạng sườn trong một cuộc biểu tình phản chiến, hay đã tự đánh thức mình dậy vì cười trong mơ. Ông không nhớ thời điểm nào ông bắt đầu nhìn chồng sách trên bàn ông với sự chán ngán và kinh sợ, hoặc khi ông trở nên giận dữ với những người đã viết ra chúng. Ông không nhớ khi nào mọi thứ bắt đầu gợi ông nhớ đến những thứ khác.
Đây là điều mà ông nhớ. Trời nóng. Sân bóng chày. Cỏ vàng, côn trùng bay rì rì, ông dựa người vào một cái cây trong lúc bọn trẻ con trong xóm tụ tập dần để chơi bóng. Ông đứng quan sát trong lúc các bạn ông tranh cãi về việc Mantle hay Mays chơi hay hơn. Cả bọn đã tranh cãi chuyện này suốt mùa hè, và nó đã trở thành nhàm chán với Anders: một sự áp đặt, giống như cái nóng vậy.
Hai thằng bạn cuối cùng cũng tới, Coyle và người em họ của nó từ Missisippi. Anders chưa bao giờ gặp em họ của Coyle và sẽ không bao giờ gặp lại nó. Anders cũng chào nó giống như lũ bạn nhưng không để ý gì thêm đến thằng bé, cho đến sau khi bọn chúng đã chia bên và ai đó hỏi em họ thằng Coyle xem nó muốn ở vị trí nào. “Chạy biên phải”, thằng bé nói giọng miền Nam. “Biên phải là biên phê nhứt”. Anders quay đầu nhìn thằng bé. Nó muốn nghe em họ thằng Coyle nhắc lại câu vừa nói, mặc dù nó biết tốt nhất không nên hỏi. Những đứa khác sẽ nghĩ nó chơi xấu, ai lại đi trêu chọc thằng bé về chuyện ăn nói. Nhưng mà không phải thế, hoàn toàn không phải thế – Anders sung sướng và hạnh phúc lạ lùng chỉ vì hai cái từ cuối cùng, hai từ hoàn toàn bất ngờ, và âm nhạc của chúng. Nó chạy như bay ra sân, vừa chạy vừa tự nhẩm lại chúng trong đầu.
Viên đạn đã ở trong não; nó không thể bị trì hoãn mãi, mà cũng không thể bị chặn đứng. Rút cục, nó cũng sẽ phải làm công việc của nó là bỏ hộp sọ vỡ nát ở lại, và kéo cái đuôi dài gồm ký ức, hy vọng, tài năng, và tình yêu xuống nền nhà lát đá cẩm thạch. Điều đó không thể tránh khỏi. Nhưng vào lúc này, Anders vẫn còn thời gian. Thời gian để bóng nắng kéo dài trên sân cỏ, thời gian để cho con chó bị cột ở góc sân sủa theo trái bóng bay, thời gian để cho thằng bé chạy biên phải vừa đập mạnh chiếc găng bóng chày đen thấm mồ hôi vừa reo lên nhè nhẹ, phê nhứt, phê nhứt, phê nhứt.
Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu - Tobias Wolff Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu